Xứ Nghệ ngày nay
Bảo tàng ở Nghệ An: Chuyển mình để thích nghi và phát triển
Bảo tàng Nghệ An
Thời gian qua, đại dịch Covid - 19 đã tác động mạnh mẽ đến đời sống của toàn nhân loại. Những mất mát, ám ảnh; mối đe dọa của dịch bệnh; sự mong manh của đời sống và các mối quan hệ đã làm thay đổi rất nhiều nhận thức của mỗi người cũng như hoạt động của các tổ chức, đơn vị. Đại dịch Covid -19 phủ bóng đen lên nền kinh tế, lấy đi nhiều sinh mạng, gây ra những bất ổn trong đời sống - xã hội nhưng một mặt nào đó lại cho ta khoảng nghỉ cần thiết để nhìn lại và điều chỉnh. Trong bối cảnh ấy, ngành Văn hóa nói chung và Bảo tàng nói riêng đã có những bước chuyển mình rõ rệt để thích nghi, tồn tại và phát triển.
Dưới tác động của dịch bệnh, các bảo tàng ở Nghệ An vốn vắng khách, lại càng trở nên đìu hiu, gần như không có đoàn khách nào đến tham quan. Trước tình hình đó, các bảo tàng đã bắt đầu có những thay đổi để không làm gián đoạn các hoạt động, dần thích nghi với tình hình mới. Trong khoảng thời gian này, các bảo tàng cũng đã bắt tay vào nghiên cứu, triển khai và đẩy mạnh các hoạt động số hóa; từng bước thích ứng với quá trình chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Đức Kiếm - Giám đốc Bảo tàng Nghệ An: Chúng tôi đã xây dựng và từng bước triển khai nhiều kế hoạch hoạt động, như: Truyền thông quảng bá; Chuyển đổi số; Xây dựng “Không gian tương tác, trải nghiệm dành cho tuổi trẻ”
Tín hiệu tốt từ bước chuyển mình
Những thay đổi gần đây của các bảo tàng bước đầu mang đến dấu hiệu tích cực. Hình ảnh Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và Bảo tàng Nghệ An ngày càng được biết đến nhiều hơn; các hoạt động phần nào bớt đơn điệu so với trước đây.
Sự chuyển mình rõ nét nhất có thể nhận thấy đó là tư duy của những cán bộ, nhân viên làm bảo tàng. Thay vì duy trì các quan niệm, cách làm truyền thống, lãnh đạo các bảo tàng đã tiếp cận hướng đi mới, chủ trương thay đổi phù hợp để bắt kịp xu thế chung trong nước và trên thế giới. Đội ngũ nhân viên đều nhận thấy sự cần thiết mang tính sống còn của việc chuyển hướng này. Chính nhờ vậy mà bảo tàng đã chú trọng hơn đến bài trí, tạo hiệu ứng trong trưng bày hiện vật; thay đổi cách thức thuyết minh; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá và tăng tính tương tác, trải nghiệm với khách tham quan.
Những thay đổi về tư duy ấy nhanh chóng được thể hiện thông qua nhiều hoạt động. Hiện nay, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và Bảo tàng Nghệ An đều đã xây dựng trang riêng của mình trên mạng xã hội (Facebook, Youtube) và liên tục cập nhật nội dung các hoạt động cũng như thông tin về bảo tàng, các kiến thức lịch sử,… tới công chúng. Trong năm 2021, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã tổ chức trưng bày 3D kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trưng bày chuyên đề Bản hùng ca cách mạng nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Xô viết Nghệ Tĩnh 12/9. Các bảo tàng cũng tích cực xây dựng các video thuyết minh đăng tải trên mạng xã hội. Về công tác số hóa, mặc dù mới được trang bị máy scan năm 2020 nhưng Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đến nay đã vào phần mềm Quản lý hiện vật của Cục Di sản văn hóa hơn 4.000 hiện vật; scan 4.389 phim, ảnh và 300 bản tài liệu khoa học. Đội ngũ cán bộ, nhân viên hiện nay đang tích cực khai thác các câu chuyện gắn với những hiện vật tiêu biểu để đưa vào thuyết minh. Đặc biệt, từ nhiều năm trước, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cũng đã có các hoạt động kết nối với các hãng lữ hành, tổ chức mời giáo viên đào tạo thêm tiếng Anh cho đội ngũ thuyết minh để đưa bảo tàng trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Đức Kiếm - Giám đốc Bảo tàng Nghệ An: Chúng tôi đã xây dựng và từng bước triển khai nhiều kế hoạch hoạt động, như: Truyền thông quảng bá; Chuyển đổi số; Xây dựng “Không gian tương tác, trải nghiệm dành cho tuổi trẻ”
Với Bảo tàng Nghệ An, bước chuyển mình cũng thể hiện một cách rõ nét từ khi chính thức mở cửa đón khách đến nay. Ông Nguyễn Đức Kiếm, Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cho biết, chúng tôi đã xây dựng và từng bước triển khai nhiều kế hoạch hoạt động, như: Truyền thông quảng bá giai đoạn 2020-2022; Chuyển đổi số; Xây dựng “Không gian tương tác, trải nghiệm dành cho tuổi trẻ” tại Bảo tàng Nghệ An giai đoạn 2021-2025. Về kế hoạch truyền thông, quảng bá, Bảo tàng tập trung khảo sát nhu cầu của khách, đào tạo cán bộ truyền thông, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu (logo, slogan, danh thiếp,…), bộ tài liệu truyền thông (tờ rơi, tờ gấp, catalogue, website, hồ sơ báo chí,..), xây dựng phim quảng cáo “Bảo tàng Nghệ An - Điểm đến Văn hóa, du lịch hấp dẫn”, tổ chức gặp mặt các đơn vị lữ hành, trường học, xây dựng mạng lưới báo chí, xây dựng câu lạc bộ tình nguyện viên, cửa hàng lưu niệm của bảo tàng. Về kế hoạch chuyển đổi số, Bảo tàng Nghệ An dự định sẽ triển khai thực hiện từ năm 2022. Theo đó, đơn vị sẽ xây dựng bảo tàng số, trưng bày online, kho mở online; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bảo tồn và khai tác di sản văn hóa; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa về hiện vật bảo tàng; số hóa 3D 30 hiện vật tiêu biểu, số hóa 2D cho 500 hiện vật, số hóa tương tác 3D cho 200 hiện vật; xây dựng hệ thống thuyết minh tự động; nhập dữ liệu thông tin 31.327 hiện vật. Thời gian qua, Bảo tàng đã tổ chức được 4 trưng bày online; tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” online về Văn hóa Đông Sơn tại Nghệ An qua ứng dụng Google meet cho học sinh các trường trên địa bàn. Khởi đầu, các buổi sinh hoạt CLB này với học sinh các trường THCS Phan Đăng Lưu, Yên Thành; THCS Nghi Yên, huyện Nghi Lộc,… diễn ra rất sôi nổi, các em đã rất chú ý lắng nghe, tiếp nhận thông tin và giao lưu rất nhiệt tình với cô thuyết minh viên. Thông qua việc đặt câu hỏi, chia sẻ kiến thức của mình, các em học sinh có những trải nghiệm thú vị và hiểu thêm về lịch sử quê hương.
Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt
Mặc dù bước đầu thu nhận được nhiều tín hiệu khả quan từ những thay đổi hiện tại nhưng chặng đường phía trước của các bảo tàng còn rất nhiều khó khăn. Để trở thành những điểm đến hấp dẫn khách tham quan, các bảo tàng sẽ còn rất nhiều việc phải làm và cần được đầu tư bài bản về nguồn lực.
Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, bà Lê Thu Hiền cho biết, hiện nay Bảo tàng XVNT đang rất thiếu nguồn lực để thực hiện việc chuyển đổi số. Cán bộ, nhân viên bảo tàng chỉ có thể thực hiện được những thao tác kỹ thuật đơn giản trong khi việc số hóa cần đội ngũ kỹ thuật trình độ cao. Năng lực tiếng Anh của nhân viên cũng còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiếu rất nhiều, khó đảm bảo cho quá trình chuyển đổi số. Kinh phí cho các hoạt động này cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Tại Bảo tàng Nghệ An, tình hình cũng không khả quan hơn. Ông Nguyễn Đức Kiếm cho biết hiện chỉ khoảng 50% cán bộ, nhân viên bảo tàng đáp ứng được đòi hỏi công việc nếu chuyển hướng theo chuyển đổi số. Trình độ công nghệ cũng như tiếng Anh của nhân viên rất hạn chế. Mặc dù Bảo tàng luôn nêu cao tinh thần tự học, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ và hàng năm luôn dành kinh phí 100 triệu cho đào tạo song đến nay về cơ bản chưa có nhiều tiến triển. Thời gian tới, bảo tàng sẽ ưu tiên các biên chế cho lĩnh vực công nghệ thông tin và ngoại ngữ để thuận lợi hơn trong việc phát triển theo hướng đi mới. Ngoài ra, nhiều hạng mục thi công tại Bảo tàng Nghệ An hiện nay cũng đang còn dang dở: nhà người Mông, nhà người Thái, đình làng,… Muốn các kế hoạch truyền thông, quảng bá và thay đổi cách thức hoạt động được triển khai thì trước hết bảo tàng phải hoàn thiện được các hạng mục.
Ngày 21 tháng 10 năm 2021, Sở văn hóa và Thể thao Nghệ An đã có công văn số 2804 về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ở các bảo tàng và xây dựng chương trình phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, các bảo tàng sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh truyền thông quảng, bá và đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo tàng về công nghệ thông tin. Hy vọng với sự quan tâm và quyết tâm cao này, ngành Văn hóa nói chung và các bảo tàng nói riêng sẽ ngày càng có những bước chuyển rõ nét trong hoạt động để bảo tàng sớm trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách; để trong tương lai chúng ta không còn phải trăn trở câu hỏi: Vì sao bảo tàng ở Nghệ An vắng khách?
tin tức liên quan
Videos
Thế giới đã thay đổi thế nào trước đại dịch Covid - 19?
Nhớ lần gặp Đại tướng Chu Huy Mân
Xứ Nghệ - Điểm đến thú vị của những cuộc du xuân
Có hay không một tầng lớp quý tộc Việt
“Cần cho làng một sự tự trị thực sự để tăng cường sự đoàn kết …”
Thống kê truy cập
114503476
2198
2332
2946
220869
120308
114503476