Xứ Nghệ ngày nay

SLNA thời "Tinh thần thép - Chiến thắng đẹp"

 Hội cổ động viên Sông Lam luôn đồng hành và tiếp lửa cho đội bóng quê hương. ( nguồn ảnh SLNAFC.Com)

Tháng 6 năm 2021, sự xuất hiện của nhà tài trợ Tân Long đã giúp cho SLNA trụ lại được giải V.League. Đây chắc chắn được cổ động viên xứ Nghệ đánh giá là sự kiện lớn nhất của bóng đá Nghệ An năm Tân Sửu.

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho sân cỏ Việt Nam chao đảo, hàng loạt ông bầu gắn liền với các đội bóng Thanh Hóa, Hải Phòng đã chia tay với đội bóng. Khán giả đất mỏ đã ngậm ngùi chứng kiến Than Quảng Ninh lừng danh một thời đã phải giải thể. Khi “cơm áo không đùa với bóng ban” thì cổ động viên xứ Nghệ ăn không ngon, ngủ không yên khi nhiều năm liền đội bóng con cưng SLNA thi đấu không mục tiêu tại V.League.

Điều không muốn nhớ

Sau chức vô địch V.League 2011, SLNA đã văng ra khỏi tốp có huy chương, thậm chí mùa giải 2020 đứng thứ 10 còn V.League 2021 cho đến vòng đấu thứ 12 đội bóng xứ Nghệ đang đứng thứ 14, đứng trước nguy cơ xuống hạng Nhất. Nhà tài trợ Bắc Á - đơn vị đã đồng hành cùng SLNA trong suốt 12 năm không còn mặn mà với bóng đá. Cơ sở vật chất tập luyện, thi đấu, sinh hoạt đều xuống cấp trầm trọng, sân Vinh nhiều năm phải “khất nợ” VFF điều kiện thi đấu do ánh sáng yếu, sân cỏ không đảm bảo, hệ thống WC hết sức tồi tệ.

Các cầu thủ trẻ SLNA chủ yếu luyện tập và “thi đấu trả nợ” CLB rồi khi hết hợp đồng đều nhanh chóng chuồn khỏi sân Vinh. Có thể kể đến những tuyển thủ quốc gia như Quế Ngọc Hải, Văn Bình, Hoàng Thịnh, Khắc Ngọc, Phi Sơn, Tuấn Tài, thủ môn Nguyên Mạnh… đều dứt áo ra đi không hẹn ngày trở lại. Không chỉ cầu thủ mà các HLV muốn hành nghề trên quê hương cũng không có đất diễn, sau HLV Văn Sỹ Sơn thì đến lượt Hữu Thắng rồi Quang Trường, Thành Công, Quốc Vượng… cũng phải phiêu bạt xứ người. Có người còn nói, nếu lập một đội bóng SLNA 2 gồm các cựu HLV, cầu thủ SLNA thi đấu với đội bóng hiện tại, họ sẽ ăn đứt mà chả cần bàn cãi.

Những năm gần đây, các ngoại binh đến đá cho SLNA phần lớn đều là Tây “ba lô”, sút trúng khung thành đã là “điều xưa nay hiếm” chứ không nói đến việc ghi bàn. Ngoại binh tốt nhất của SLNA trong thời gian gần đây chính là Olaha thì trong 3 mùa giải (2017-2019) cũng chỉ có được 18 bàn thắng tại V.League, chỉ bằng 50% các ngoại binh của đội khác. Dù có nhiều ban bệ, hội đồng chuyên môn nhưng công tác mua, bán, tuyển chọn cầu thủ của SLNA không thuyết phục khán giả am hiểu bóng đá. Vai trò HLV trưởng của đội bóng xứ Nghệ khá mờ nhạt, người ta có cảm tưởng ai ngồi vào cabin kỹ thuật cũng được, miễn là có đủ bằng cấp, việc chuyên môn còn lại đã có người lo.

Điều khá ngạc nhiên là bình thường sân Vinh “vắng như chùa bà Đanh” nhưng những trận đấu có tính chất quyết định thì kiếm được chiếc vé vào sân khó như bắc thang lên trời. Việc CLB thả nổi khâu bán vé, để cổ động viên phải bỏ tiền mua vé chợ đen đắt gấp 4-5 lần đã khiến cho đông đảo cổ động viên xứ Nghệ quay lưng với đội bóng. Nhiều năm qua, SLNA tồn tại nhờ thành tích của bóng đá trẻ nhưng ngay cả các cầu thủ trẻ khi bị chấn thương cũng chả được quan tâm chỉ còn biết “bó lá, chườm đá” khiến nhiều em giải nghệ sớm.

Khi mà SLNA đứng chót BXH V.League 2021, trong khi ngoại binh “lởm”, đội bóng có tới 15 cầu thủ sẽ đáo hạn hợp đồng khi mùa giải khép lại, trong đó có cầu thủ chủ lực Văn Đức và Xuân Mạnh người ta đã nghĩ đến một viễn cảnh xấu. Trong lịch sử 42 năm tồn tại, đây là mùa bóng thất vọng nhất đối với khán giả xứ Nghệ, người ta không thể tìm thấy bất cứ tia hy vọng gì cả về chuyên môn, lẫn tinh thần thi đấu của BHL, cầu thủ SLNA.

Mối lương duyên mới

Điều may mắn nhất cho bóng đá xứ Nghệ đó là sự xuất hiện của thương hiệu Tân Long Group mà người đứng đầu là một người con của quê hương xứ Nghệ. SLNA không phải là một thương hiệu tồi đối với sân cỏ Việt Nam nhưng điều kiện để trở thành nhà tài trợ của đội bóng là không được đổi tên và đóng đô ở Nghệ An đã làm chùn chân khá nhiều ông bầu.

Ông Trương  Mạnh Linh – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thể thao Sông Lam Nghệ An kiêm giám đốc điều hành CLB (bên trái) cùng ông Ngô Tuấn Anh – Giám đốc CN công ty cổ phần SIBA FOOD Việt Nam tại Hà Nội (bên phải)  trao đổi biên bản thỏa thuận hợp tác. ( nguồn ảnh SLNAFC.Com)

Đến giờ thì người ta vẫn chưa hiểu hết nguyên nhân sâu xa để ông Trương Sỹ Bá, ông chủ của Tân Long Group quyết định chuyển từ mô hình 3F là viết tắt của feed - farm - food tức là qui trình sản xuất thực phẩm an toàn phải bắt đầu từ thức ăn chăn nuôi, tới quá trình nuôi ở các trang trại và đến khâu chế biến thực phẩm thành 4F (thêm Football). 20 năm qua, Tân Long có trụ sở chính ở Hà Nội, chỉ biết đến với tư cách là thương hiệu hàng đầu trên thị trường nông sản Việt không liên quan đến bóng đá. Tất nhiên như vậy kinh nghiệm quản lý CLB bóng đá chuyên nghiệp không nhiều, nhưng cổ động viên xứ Nghệ vẫn thấy có niềm hy vọng hơn mô hình quản lý già nua và có phần nặng bao cấp như hiện nay.

Nhưng quả là Tân Long Group đã thổi luồng sinh khí mới vào đội bóng đang rệu rão khi CEO trẻ Trương Mạnh Linh được ông bố Trương Sỹ Bá hậu thuẫn sau lưng. Ngay sau khi tiếp nhận bàn giao, ông bầu mới của CLB SLNA đã đưa 10 cầu thủ trẻ đang bị chấn thương dài hạn ra ngay bệnh viện 108 (Hà Nội) để khám và điều trị. Nhìn cảnh nhà cửa, phòng tập luyện của các nhà vô địch trẻ quá tồi tàn, ông bầu họ Trương đã cho lắp điều hòa, bếp ga và máy để các em có thêm điều kiện sinh hoạt tốt hơn sau những buổi luyện tập mệt nhọc. Gia đình các cầu thủ Cái Văn Quỳ và Trần Văn Cường là hai thành viên nổi bật nhất của U17 SLNA hiện nay sẽ phải cảm ơn nhiều số phận đã đưa con họ gặp Tân Long Group đúng lúc.

Việc Tân Long Group bỏ thêm tiền để tu bổ mặt sân Vinh và khán đài sân Vinh đã khẳng định ông bầu họ Trương muốn gắn bó lâu dài với bóng đá xứ Nghệ. CLB cũng đang từng bước cho triển khai kế hoạch xây dựng đại bản doanh mới, với thiết kế 3 tầng trên diện tích hàng nghìn mét vuông dự kiến nằm phía sau khán đài B của sân Vinh. Trong đại bản doanh CLB ở đường Đào Tấn (Vinh) sẽ có hệ thống sân tập phụ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để đội 1 tập luyện. Như vậy, đội bóng xứ Nghệ sẽ có nơi ở mới cùng sân tập phụ để giảm tải cho sân chính, đúng với cấu trúc sân tập của CLB bóng đá chuyên nghiệp.

CLB Sông Lam Nghệ An đã gia hạn hợp đồng với 6 cầu thủ ( nguồn ảnh SLNAFC.Com)

Trong “những việc cần làm ngay” của Tân Long khi tiếp quản đội bóng là tái ký hợp đồng với Văn Đức, Xuân Mạnh và “làm mới” ngoại binh để phục vụ cho mục tiêu trụ hạng V.League. Một quyết định được cho là táo bạo khi đưa Huy Hoàng, người chưa có nhiều kinh nghiệm cầm quân ngồi ghế HLV trưởng SLNA và giao toàn quyền về chuyên môn. Đây là điều khiến nhiều người am hiểu nội tình này bất ngờ bởi các đàn anh Quang Trường, Đức Thắng trước đây khi được bổ nhiệm HLV Trưởng nhưng quyền hành không nhiều. Tất nhiên, Văn Sỹ Hùng một cựu tuyển thủ quốc gia sẽ đóng vai trò cố vấn cho BHL mới của đội bóng trong cả tập luyện, thi đấu.

Ông bầu trẻ họ Trương cũng mạnh dạn “trả lại tên cho anh” khi sắp xếp lại 71 nhân sự cũ của CLB dưới thời Bắc Á theo tiêu chí “đúng người, đúng việc”. Cùng với 20 nhân sự mới của Tân Long, giờ đây tại CLB đã có một bầu không khí mới trong cách nghĩ, cách làm sau khi tái cấu trúc. Những quan hệ chằng chịt, đan chéo đã được gỡ bỏ, SLNA trong lần chấn hưng thứ 2 này đang dần bám vào mô hình CLB bóng đá chuyên nghiệp theo đúng khuyến cáo của FIFA.

"Tinh thần thép - Chiến thắng đẹp"

Việc VFF quyết định không có đội xuống hạng tại mùa giải V.League 2021 không làm cho tiến trình cải tổ CLB chậm lại. Tân Long vẫn quyết định rải thảm đỏ mời các cầu thủ SLNA thành danh về thi đấu cho quê hương. Sau Đình Hoàng (SHB.Đà Nẵng) thì Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng (Viettel) đã có cái gật đầu đồng ý. Bên cạnh đó SLNA chính thức gia hạn hợp đồng với 6 cầu thủ bao gồm Trần Đình Đồng, Phạm Thế Nhật, Trần Văn Tiến, Hồ Phúc Tịnh, Hồ Sỹ Sâm và Bùi Đình Châu để chuẩn bị cho mùa bóng năm sau.

Về chuyên môn, việc ưu tiên 3 ngoại binh cho hàng công, trong đó có 1 ngoại binh chơi tiền vệ trung tâm được cho là sát với tình hình SLNA hiện tại. Muốn kéo khán giả đến sân, không còn cách nào khác SLNA phải xây dựng lại lối đá đầy bản sắc đã tạo dựng nên thương hiệu trong quá khứ.Chủ tịch CLB SLNA Trương Sỹ Bá đã chọn slogan mới: "Tinh thần thép - Chiến thắng đẹp" ngắn gọn súc tích, thể hiện được rõ ràng cụ thể định hướng của toàn đội mỗi khi bước vào trận đấu. Tinh thần thép là điều quý giá nhất của đội bóng SLNA bao đời nay. Và chiến thắng đẹp chính là mục tiêu chúng ta hướng đến trong tương lai”.

SLNA đã có nhà tài trợ trang phục mới, có SIBA FOOD là thương hiệu cung ứng độc quyền thực phẩm sạch cho bếp ăn CLB Sông Lam Nghệ An. Công tác truyền thông, nhận diện thương hiệu đã được ông bầu trẻ từng đi du học nước ngoài ra tay chấn chỉnh. Điểm yếu về y tế, dinh dưỡng của đội bóng có tuổi đời hơn 4 thập kỷ đã được đầu tư đảm bảo cho các tuyến trẻ và cả đội 1 đủ thể lực thi đấu.

Những thay đổi của CLB đã khiến “con tim vui trở lại”, những người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ ghi nhận. Để đồng hành cùng đội bóng, Hội CĐV SLNA đã chọn Slogan: “Ngoan cường chất Nghệ - Khí thế Sông Lam” để làm slogan cổ vũ và phục vụ cho các công tác truyền thông trong thời gian tới.

Đến giờ, không chỉ có SLNA tiến hành cải tổ đội bóng, các đội như Hà Nội FC, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, TP.HCM… đều có sự bổ sung nhân sự mới. Có khá nhiều ngoại binh chất lượng đã đổ bộ xuống sân cỏ Việt Nam, hứa hẹn một mùa giải căng thẳng, hấp dẫn đang chờ đợi. So với các ông thầy có mặt tại V.League 2022 thì HLV Huy Hoàng là người có “giờ bay” thấp nhất, nên người hâm mộ xứ Nghệ có lý do để mà lo lắng. Nhưng chí ít đến lúc này, công tác chuẩn bị mùa giải của SLNA thời "Tinh thần thép - Chiến thắng đẹp" được đánh giá là chuyên nghiệp, bài bản hơn rất nhiều.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511607

Hôm nay

2270

Hôm qua

2336

Tuần này

21981

Tháng này

218480

Tháng qua

121356

Tất cả

114511607