Những góc nhìn Văn hoá

Phật giáo Nghệ An: dấu ấn thăng trầm và hồi sinh

Hộp đựng xá lợi Phật được phát hiện ở Nhạn Tháp,

xã Hồng Long, huyện Nam Đàn có niên đại thời Tùy – Đường (thế kỷ VII). Ảnh Nguyễn Đạo

 

Nghệ An hiện có trên 270 di tích Phật giáo, trong đó, 7 di tích chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Các chùa ở Nghệ An trải đều từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Đủ để thấy rằng, trong lịch sử hình thành và phát triển, Phật giáo Nghệ An chiếm một vị trí vô cùng quan trọng đối với đời sống của người dân xứ Nghệ.

 

Phật giáo Nghệ An qua những thăng trầm của lịch sử.

 Đến nay, chưa tìm được nguồn tư liệu chính xác về thời điểm Phật giáo được truyền vào Nghệ An thời gian nào, nhưng qua các tư liệu dã sử, dấu tích hiện còn, đặc biệt là những trầm tích tín ngưỡng Phật giáo trong tâm thức dân gian cũng đủ cho thấy, Phật giáo đã hiện diện ở vùng đất này từ rất lâu đời.

Chẳng hạn, qua truyền thuyết Chử Đồng Tử đã từng học đạo với Đại sư Phật Quang trên núi Quỳnh Viên (tức núi Nam Giới gần Cửa Sót, nay thuộc xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh) vào năm 294 trước công nguyên, hiện vẫn còn dấu tích phế tích của chùa Quỳnh Viên trên ngọn núi này. Về sau, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch khi viết về núi Nam Giới trong cuốn sách Nghệ An ký có nhắc lại tục truyền công chúa Tiên Dung tu đạo ở chốn này: “Núi Nam giới ở bên bờ biển xã Dương Luật, huyện Thạch Hà. Ngày trước phía Nam nước ta giáp giới nước Chiêm Thành, nên đặt tên là núi Nam Giới. Mạch đi từ núi Nhật Lệ lại cao lớn, đẹp đẽ... Nhánh núi bên trái thấp xuống chạy ra đến biển thì đột ngột nổi lên một ngọn, chắn ngang, sóng gió đánh vào như muôn tiếng sấm, gọi là ngọn Long Ngâm. Tục truyền vào thời Hùng Vương, Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung tu đạo ở đấy, gọi là núi Quỳnh Viên. Vua Lê Thánh Tông Thuần Hoàng đế đi tuần du phương Nam có câu thơ: "Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên"(Kể về núi danh tiếng còn nói đến núi Quỳnh Viên xưa)”.

Qua ghi chép của Bùi Dương Lịch thì rõ ràng, nơi vùng Cửa Sót này đã từng có một ngôi chùa mang tên Quỳnh Viên. Cứ cho rằng đây chỉ là huyền tích vì chưa đủ căn cứ xác đáng, song xét về mặt dấu tích lịch sử còn lại trên mảnh đất xứ Nghệ, có thể nói đến câu chuyện Nhạn tháp ngàn năm tuổi tại xã Hồng Long ở huyện Nam Đàn nơi phát hiện hộp Xá lợi Phật, chúng ta có thể khẳng định thêm lịch sử Phật giáo xứ Nghệ cho đến ngày nay ít nhất cũng đã trải qua hơn một ngàn ba trăm năm.

Lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Nghệ An ngoài gắn với huyền tích, sự tích và di tích như đã nói thì còn gắn với nhiều vị danh tăng nổi tiếng có công trong việc xây dựng và tạo lập vị thế cho Phật giáo xứ Nghệ nói chung, Nghệ An nói riêng mà trong cuốn Thiền uyển tập anh - một tác phẩm được viết vào thời Trần cho biết, ở xứ này đã sinh ra một số vị danh tăng kế đăng và hoằng pháp của hai dòng thiền chính thống truyền vào nước ta từ rất sớm, đó là thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Chuyện ghi rằng, Thiền sư Pháp Hiền (?-626) - đời thứ nhất thuộc thiền phái Tì Ni Đà Lưu Chi được vua nhà Tùy ban tặng Xá lợi Phật và các hòm sắc điệp. Sau đó ông đã chia Xá lợi Phật cho các ngôi chùa nổi tiếng ở các châu như: Chùa Pháp Vân (Luy Lâu), Châu Phong (Vĩnh Phúc - Phú Thọ), Châu Trường (nay là Ninh Bình), Châu Ái (vùng Thanh Hóa) và vùng xa nhất chính là Châu Hoan (bao gồm tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) để xây các tháp phụng thờ. Và thật may mắn thay vùng đất huyện Nam Đàn - tỉnh Nghệ An là một trong những nơi được chọn lựa để xây dựng ngọn tháp đó. Điều này đã được các nhà Khảo cổ học chứng minh khi khai quật Tháp Nhạn, tại xã Hồng Long, huyện Nam Đàn năm 1982. Qua hiện vật gạch, ngói, các hình trang trí và dòng chữ Hán ghi niên đại xây dựng trên các viên gạch (năm 633), niên đại bảo tháp chứa Xá lợi Phật ở đây được xác định là thời Tùy - Đường. Đặc biệt là hộp Xá lợi Phật bằng vàng có niên đại ngàn năm tuổi được khai quật tại đây đã cho thấy Phật giáo Nghệ An thời kỳ này cũng đã phát triển rất mạnh (Hộp đựng Xá lợi Phật là Bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An). Phải chăng đây là Xá lợi Phật mà vua nhà Tùy đã gửi sang nước ta thời bấy giờ như sách Thiền tuyển tập anh đã ghi chép. Nếu quả đúng như vậy thì có thể nói rằng, Nghệ An hiện nay là nơi duy nhất ở nước ta còn lưu giữ bảo vật này và cũng là mảnh đất mang dấu ấn Phật giáo từ rất sớm.

Sangthời Lý - Trần, các sử liệu ghi chép về Phật giáo Nghệ An khá ít, vì thế mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Phật giáo Nghệ An thời kỳ này không thịnh hành. Tuy nhiên, nếu căn cứ một số địa danh, tên đất, tên làng và số lượng chùa chiền của Nghệ An thì có thể nói, Nghệ An mặc dù là một vùng đất biên viễn lúc bấy giờ song đạo Phật đã phát triển, điều đó thể hiện qua hệ thống chùa chiền phong phú và đa dạng, vị trí phân bố gần như trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Theo lưu truyền trong nhân dân, giai đoạn này, Nghệ An đã có những ngôi chùa cổ như: chùa Trả, chùa Bình An, chùa Đồng Bạc, chùa Lão, chùa Ngô, chùa Mốt, chùa Củ, chùa Nổ, chùa Luốc, chùa Sưởi ở Quỳnh Lưu; chùa Luốc, chùa Am, chùa Lăng, chùa Cồn Sim… ở Diễn Châu; chùa Tháp, chùa Vũ Kỳ, chùa Am, chùa Gám ở Yên Thành; chùa Ơi, chùa Bà Đanh ở Nam Đàn; chùa chợ Hến, chùa Long Hoa, chùa Long Đồng,… ở Hưng Nguyên.v.v...

Vào năm 1039, Uy Minh vương Lý Nhật Quang được vua Lý Thái Tông cử vào làm Tri châu ở vùng đất Nghệ An. Trong thời gian trị nhậm tại vùng đất này, ông được người đời xưng tụng là người chấn hưng và đưa đạo Phật đến vùng đất biên viễn xứ Nghệ. Điều đó được thể hiện, ngay chính tại nơi ông từng lập dinh đô ở xứ Bạch Ngọc (nay thuộc huyện Đô Lương), đã từng có cả một trung tâm Phật giáo với nhiều địa danh gắn với chữ nghĩa của nhà Phật như Già Lam, Phật Kệ, Bụt Đà, Lạc Thiện,… và rõ nét nhất là ngôi chùa Bà Bụt nghìn năm tuổi bên bờ sông Lam, một ngôi chùa cổ được đánh giá rất cao về mặt kiến trúc cũng như các pho tượng quý đã được người dân gìn giữ cho đến ngày nay.

Đến thời Lê và Nguyễn, mặc dù Phật giáo không còn được vị trí độc tôn như thời Lý - Trần, song đối với Nghệ An, Phật giáo vẫn âm thầm như một dòng chảy xuyên suốt và được các làng xã đón nhận như một thiết chế sinh hoạt tín ngưỡng không thể thiếu của cộng đồng. Điều đó được thể hiện, hầu như mỗi ngôi làng ở Nghệ An, bên cạnh thiết chế đình, đền, miếu thì bao giờ cũng có một ngôi chùa nhỏ để thờ Phật khuất bóng sau lũy tre làng. Hệ thống chùa làng ở các vùng quê Nghệ An tuy không có quy mô là đại danh lam với tòa ngang dãy dọc do các thân vương, công chúa xây dựng như ở khu vực miền Bắc, mà chủ yếu là ngôi chùa làng với đúng nghĩa “đất vua chùa làng phong cảnh Bụt” nhưng cũng đủ để cân bằng cuộc sống tín ngưỡng - tâm linh của người dân, và cứ thế nuôi dưỡng mạch nguồn cảm xúc cho con người xứ Nghệ suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Lịch sử Phật giáo Việt Nam gắn liền với sinh mệnh và lịch sử dân tộc, do vậy sự hưng vượng của đất nước cũng gắn liền với thịnh suy của Phật giáo nước nhà. Phật giáo Nghệ An cũng nằm trong quy luật ấy. Do nhiều biến cố của lịch sử, Phật giáo đã trải qua biết bao thăng trầm với những mất mát về cả vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt là trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ (1954-1975), nhiều ngôi chùa trên địa bàn Nghệ An chỉ còn lại móng gạch, bị cỏ dại mọc trùm lên khiến người ta không còn nhận ra nơi đây từng tồn tại một ngôi chùa hay một ngôi đền cổ kính. Với các ngôi chùa may mắn hơn, không bị bom Mỹ đánh phá, thì cũng bị thay đổi mục đích sử dụng (được trưng dụng làm trụ sở, trường mẫu giáo, trạm xá, nhà kho, hợp tác xã….). Và theo đó, hệ thống tượng Phật cùng pháp khí của nhiều ngôi chùa, đền thường được tập hợp về một ngôi đền, chùa nào đó trong vùng, rồi cứ thế mất mát dần mà không còn ai nhớ đến và chăm nom hương khói. Đến khi đất nước thống nhất thì cũng là lúc các cơ sở thờ tự của Phật giáo Nghệ An cũng không còn, các chùa chiền cũng chịu chung hoàn cảnh là phế tích. Từ năm 1981 đến nay, các cấp chính quyền địa phương đã xúc tiến việc kiện toàn tổ chức Phật giáo tại Nghệ An. Song, do sự ảnh hưởng của chiến tranh, cơ sở tự viện của Phật giáo hầu hết không còn khiến cho Giáo hội, chính quyền và người dân vô cùng khó khăn trong việc chấn hưng Phật giáo tại quê hương.

Từ những cứ liệu trên, chúng ta có thể thấy rằng, Phật giáo du nhập vào xứ Nghệ từ rất sớm và có nhiều thăng trầm trong quá trình hình thành và phát triển, song ẩn sâu trong đó là một sự sinh tồn bền bỉ bởi Phật giáo được người dân xứ Nghệ đón nhận và bảo vệ một cách tự nhiên như chính mạch nguồn văn hóa xứ Nghệ.

Tượng Phật cổ tại chùa Đức Sơn, huyện Nam Đàn. Ảnh Nguyễn Đạo

Phật giáo Nghệ An ngày nay

Đến những năm đầu của thế kỷ XXI, trong sự phát triển chung của Phật giáo cả nước, Phật giáo Nghệ An đã từng bước hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của thời đại cũng như sứ mệnh của Phật giáo đối với dân tộc. Việc ra đời Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An ngày 23/9/2011 đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ trên bước đường hội nhập của Phật giáo xứ Nghệ. Có thể nói, ngay từ Đại hội Phật giáo Nghệ An lần thứ nhất (2011), Phật giáo Nghệ An đã hoàn toàn hội nhập vào con thuyền lớn của Phật giáo nước nhà, thực sự là thành tố tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chứng tỏ rõ tiềm năng, sức mạnh và khát vọng vươn lên của Phật giáo xứ Nghệ trong xu thế phát triển chung của đất nước, của dân tộc và thời đại.

Chùa Đại Tuệ, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có trên 62 cơ sở Phật giáo, 35 Sư trụ trì được bổ nhiệm và 95 ngàn Phật tử. Nhiều ngôi chùa được phục hồi và xây dựng có quy mô, giàu bản sắc như: Chùa Đại Tuệ, chùa Cổ Am, chùa Linh Sơn, chùa Diệc, chùa Cần Linh, chùa Đức Hậu, chùa Nam Sơn, chùa Chí Linh, chùa Chung Linh, chùa Song Ngư, chùa Lô Sơn, chùa Tu,… Số lượng Phật tử đến với các ngôi chùa ngày càng đông, đây là một điều kiện vô cùng thuận lợi trong việc hướng dẫn đời sống sinh hoạt của cộng đồng Phật tử. Và một tín hiệu đáng mừng, Phật tử Nghệ An hôm nay đến chùa không chỉ được thực hành đức tin như một tín đồ thuần tuý, mà còn được các chư Tăng truyền dạy Phật pháp và trang bị những kiến thức căn bản về giáo lý nhà Phật. Có thể nhận thấy rằng, Phật giáo Nghệ An trong thời gian qua không chỉ hoạt động gói gọn trong phạm vi một tôn giáo mà còn góp phần tích cực vào các hoạt động xã hội khác, đặc biệt trong công tác từ thiện xã hội - một trong những hoạt động mang tính nhân văn, vừa đượm nét từ bi cứu khổ, cứu nạn của đạo Phật, lại vừa đúng với chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Giáo hội Phật giáo Nghệ An thực sự là một trong những tổ chức tích cực của Giáo hội trong các hoạt động ý nghĩa này, được hầu hết Tăng Ni và Phật tử trên địa bàn tỉnh nhiệt tình ủng hộ và thu hút các nhà thiện tâm ở các địa phương khác cùng tham gia.

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Phật giáo không chỉ được xem là truyền thống riêng có của các quốc gia theo đạo Phật mà đã trở thành một hệ tư tưởng chung của nhân loại, ảnh hưởng mạnh mẽ khắp trên thế giới; giáo lý của Đức Phật chính là nền tảng tư tưởng để từ đó, người ta rút ra được nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết được những vấn nạn mang tính toàn cầu như: vấn đề an ninh, đói nghèo, đạo đức, môi trường, xã hội, dịch bệnh,… như chính thông điệp của Liên Hiệp Quốc gửi đến Đại lễ Vesak hàng năm đã từng khẳng định. Và đó cũng là tinh thần củaNghị quyết Hội nghị lần thứ 5, BCH Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mong rằng, Phật giáo Nghệ An ngày càng phát triển và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng quê hương và con người Nghệ An cũng như đất nước Việt Nam ngày càng phát triển bền vững và an lạc.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528706

Hôm nay

287

Hôm qua

2275

Tuần này

2979

Tháng này

215402

Tháng qua

0

Tất cả

114528706