Xứ Nghệ ngày nay

NSƯT Diễm Hằng và niềm đam mê “Đi tìm bóng nắng”

Nghệ sĩ ưu tú Diễm Hằng

Khởi nguồn từ niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật múa, đến nay NSUT Diễm Hằng đã có gần 30 năm theo đuổi sự nghiệp múa chuyên nghiệp. Tuy không được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng với tài năng và niềm đam mê của mình, chị đã đạt được những thành công rất sớm,cả ở vai trò diễn viên biên đạo múa.

Không phải ngẫu nhiên mà biên đạo múa Diễm Hằng lại đạt danh hiệu NSUT khi mới 32 tuổi. Phong cách, đam mê và tài năng chính là điểm mấu chốt đưa chị đến những thành công như ngày hôm nay. Trong cuộc sống, chị là người thoải mái, cởi mở và rất gần gũi nhưng trong công việc thì chị lại là người nghiêm túc. Vẻ bề ngoài của chị trau chuốt, chỉn chu như thế nào thì những đứa con tinh thần của chị cũng được trau chuốt kỹ lưỡng như thế. Chị luôn tâm niệm rằng: “Bản thân đứng ở vị trí sáng tạo nghệ thuật, mọi sản phẩm do mình làm ra phải mang đầy đủ phẩm chất nghệ thuật. Khi chơi thì chơi hết mình, nhưng khi đã làm thì sẽ làm thực sự, bởi việc dàn dựng một tác phẩm múa không dễ dàng chỉ trong vài ba buổi tập mà nó phụ thuộc rất nhiều vào cung bậc cảm xúc và các ý tưởng cụ thể của từng tác phẩm”. Ở mỗi tác phẩm, NSUT Diễm Hằng đều suy tư, trăn trở rất nhiều đến nội dung, giai điệu để tìm ra được ý tưởng, hình tượng riêng của múa, như vậy thì mới thổi được hồn vào tác phẩm, có được những bài múa mang lại giá trị nghệ thuật sâu sắc, dễ đi vào lòng người và giàu cảm xúc. Xuất thân là diễn viên múa, chị luôn mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của tỉnh nhà nói chung cũng như phát triển nghệ thuật múa nói riêng lên một tầm cao mới.Mỗi tiết mục thành công hôm nay của chị đều là kết quả từ một quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ nhờ vào những ý tưởng ngôn ngữ múa tiên tiến mà nền tảng lại là tinh hoa trong múa dân gian.

Một tiết mục múa do NSUT Diễm Hằng biên đạo

Với vai trò là biên đạo múa kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An, NSUT Diễm Hằng ý thức được rằng, ngoài chức năng dàn dựng và biểu diễn nghệ thuật thì vấn đề nghiên cứu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ, đặc biệt là các làn điệu âm nhạc và múa dân gian của các dân tộc thiểu số miền núi luôn được xem là nhiệm vụ hàng đầu của đơn vị. Tuy nhiên, với tác động đa chiều của đời sống kinh tế xã hội thời kỳ hội nhập, hầu hết các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh như dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú... đã du nhập âm nhạc cũng như sự lai tạp các động tác múa của các dân tộc khác nhau đã phần nào làm mờ nhạt, lấn át múa dân gian các dân tộc ít người. Rất nhiều điệu múa dân gian của họ chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của người già thậm chí là mai một và biến mất hẳn, từ đó không giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Để gìn giữ những điệu múa dân gian cũng như phát triển các điệu múa ấy phù hợp với nền nhạc đương đại, NSUT Diễm Hằng luôn nung nấu ý tưởng, tìm mọi cách phát huy và gìn giữ cao nhất nét đẹp các điệu múa của người bản địa cổ xưa để vừa lưu truyền lại nét văn hóa độc đáo của dân tộc ít người cho thế hệ trẻ, lại vừa tạo ra sự mới mẻ, sáng tạo trong các điệu múa của mình, tránh đi sự nhàm chán. Hay nói cách khác, múa dân gian dân tộc từ lâu đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng sáng tạo cho các tác phẩm nghệ thuật trên sân khấu chuyên nghiệp của NSUT Diễm Hằng.

          Chị đã lặn lội lên từng bản làng vùng cao ở các huyện miền núi Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn... để tìm hiểu, khai thác vốn văn hóa dân gian của cácdân tộc thiểu số Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ đu...Mỗi dân tộc, chị đều quan sát, học hỏi sự khác nhau trong nét văn hóa ở mỗi vùng miền rồi biên đạo những điệu múa mới có sự nâng cao về động tác, đổi mới trong làn điệu, những điệu múa ấy vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện đại nhưng vẫn không mất đi những giá trị văn hóa cội nguồn. Những điệu múa xòe, điệu lăm, điệu khắp, nhảy sạp truyền thống của người Thái hay điệu mừng nhà mới, mừng bếp mới của người Khơ Mú...tất cả đều trở nên quen thuộc và để lại dấu ấn trong các tác phẩm của chị. Trước khi xây dựng ý tưởng cho bài múa, chị cũng thường dành thời gian cảm thụ một cách sâu sắc âm nhạc truyền thống của dân tộc đó để phân tích tính chất âm nhạc và sáng tạo ra động tác múa phù hợp. Đối với một biên đạo múa yêu nghề, dành hết tâm huyết để theo đuổi đam mê như chị thì điều kiêng kỵ nhất là nhầm lẫn múa của dân tộc này với dân tộc khác, âm nhạc hay trang phục của dân tộc này với dân tộc khác rồi trộn lẫn, chắp vá một cách tùy tiện, không mang được nét đặc trưng dẫn đến cách hiểu lệch lạc làm mất bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Bên cạnh đó, chị cũng có nhiều trăn trở về công tác bảo tồn bản sắc văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số ở miền núi. Chị nói rằng, múa dân gian dân tộc ít người là một phần không thể thiếu trong văn hóa đặc trưng của các dân tộc, nó phản ánh đời sống tinh thần của mỗi cộng đồng người ở từng vùng miền, là câu chuyện về cuộc sống, sản xuất và cả tín ngưỡng của họ. Vì thế, múa dân gian các dân tộc được coi là linh hồn trong các tác phẩm của NSUT Diễm Hằng, tạo nên nét đặc trưng riêng có và cũng là thế mạnh của Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc (nay là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống)- nơi chị công tác mỗi khi tham gia các chương trình, hội diễn toàn quốc.

Nhờ tài năng, duyên nghề và khát khao cống hiến, NSUT Diễm Hằng đã ghi dấu ấn quan trọng trong nhiều chương trình nghệ thuật và mang về thành quả cao ở các liên hoan, hội thi, hội diễn toàn quốc.Nhiều tác phẩm múa của chị đoạt HCVHội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc như: “Tìm về câu Ví Giặm”, “Thương ôi phận gái”, “Dệt đẹp tình quê”, “Trên dòng sông Lam”, “Mùa về”... điều đáng nói phần lớn những tác phẩm đó đều lấy cảm hứng từ các điệu múa truyền thống của dân tộc.

Tác phẩm tâm huyết chị đã dàn dựng gần đây nhất là tác phẩm múa “Đi tìm bóng nắng”. Đây là tác phẩm nằm trong chương trình tham gia Hội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2021. Bài múa tái hiện lại một cách sâu sắc cuộc sống sinh hoạt của tộc người Đan Lai, một tộc người được phát hiện muộn nhất và cũng sinh sống duy nhất tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Mỗi điệu múa không chỉ mang một vẻ đẹp riêng trong cách thể hiện mà còn hàm chứa những mong ước, khát vọng của tộc người Đan Lai -tộc người sống biệt lập với thế giới bên ngoài, sinh sống hoang dã như người rừng: ở nhà sàn vách nứa, sống bằng hái lượm, săn bắt thú trong rừng, đánh bắt cá dưới suối, đặc biệt là tục “ngủ ngồi” và “đẻ ngồi” khác biệt hẳn so với các tộc người thiểu số khác. Nghèo đói, thất học, sống biệt lập trong rừng sâu, người Đan Lai một thời gian dài bị đe dọa suy vong giống nòi bởi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Những hủ tục này nay đã không còn nữa mà thay vào đó là cuộc sống tái định cư có cuộc sống ổn định và nhiều tiến bộ. Lấy cảm hứng từ những lần đi thực tế trải nghiệm cuộc sống của tộc người Đan Lai, chị muốn tái hiện lại cuộc sống trước kia của họ qua những động tác múa để mọi người biết được rằng trên đất nước Việt Nam này đã tồn tại một tộc người có cuộc sống hoang dã như thế.

Múa dân gian các dân tộc thiểu số đã trở thành nguồn cảm hứng và đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển múa chuyên nghiệp của NSUT Diễm Hằng. Hầu hết những điểm sáng, những dấu ấn của các tác phẩm múa thành công do chị dàn dựng đều có nguồn cội sáng tạo từ múa dân gian dân tộc thiểu số. Trân quý biết bao một biên đạo múa nặng lòng với văn hóa cội nguồn đã góp phần làm sống lại những tinh hoa đặc sắc trong nghệ thuật dân gian dân tộc.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503476

Hôm nay

2198

Hôm qua

2332

Tuần này

2946

Tháng này

220869

Tháng qua

120308

Tất cả

114503476