Những góc nhìn Văn hoá

Nhớ Hà Văn Thịnh

Thầy giáo Hà Văn Thịnh

Tôi chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi của Hà Văn Thịnh, dù định mệnh đã đưa anh tới cõi vô thường, kể tới hôm nay coi như đã tròn 2 năm.

Tôi đến với Hà Văn Thịnh vừa trong tâm thế người anh, vừa là đồng môn, đồng nghiệp. Nhưng, sâu thẳm trong tôi, suốt phần lớn thời gian kết thân với Hà Văn Thịnh, tôi luôn là người đóng vai trò là độc giả và người phản biện không chỉ với các công trình khoa học của anh mà… cả cuộc sống đời thường của anh nữa. Tôi nhận diện Hà Văn Thịnh không từ sự ưu ái của bậc đàn anh, sự nể nang của đồng môn, đồng nghiệp, mà là sự nghiêm khắc và cả cay nghiệt nữa của một độc giả cầu thị và người phản biện rất mực chân thành.

Từ bệ phóng tri thức

Tôi với Hà Văn Thịnh là đồng môn Khóa 18, Khoa Sử của một trường đại học danh tiếng: Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sẽ là khiếm khuyết nếu nói đến các thế hệ sinh viên bước ra xã hội từ ngôi trường này, từ Khoa Lịch sử này mà không nhắc tới những cây đại thụ đã truyền cảm hứng và tri thức cho bao nhiêu thế hệ. Đó là những bậc đại trí thức của đất nước thời Dân chủ Cộng hòa như Giáo sư, nhà Triết học Trần Đức Thảo - Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Lịch sử; những đại trí thức bách khoa như Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Văn Tân, Lê Thước, … và lớp lớp những thế hệ giáo sư, giảng viên tài năng như Đặng Huy Vận, Chu Thiên, Vương Hoàng Tuyên, Nguyễn Thị Tâm, Phan Hữu Dật, Hồ Gia Hường, Hoàng Điệp, Kiều Xuân Bá, Nguyễn Từ Chi, Phan Đại Doãn, Diệp Đình Hoa, Vũ Dương Ninh, Lê Mậu Hãn… Và, khi nói đến Khoa Sử, không chỉ có các thế hệ sinh viên tốt nghiệp từ ngôi trường này mà ngay cả trong giới học giả, không mấy ai không biết đến tôn xưng “Tứ trụ triều đình Lâm - Lê - Tấn - Vượng” dành cho 4 nhà khoa học đã kế tục một cách xuất sắc sự nghiệp của các cây đại thụ trong giai đoạn khởi đầu và là tấm gương sáng cả về học thuật và phong cách khoa học để các thế hệ noi theo. Đó là các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng.

Những thế hệ sinh viên từ ngôi trường ấy, dưới tán lá của những cây đại thụ muôn đời tỏa bóng ấy bước ra xã hội, đã thành danh và luôn tự hào là những người học trò kế tục xuất sắc, không chỉ trên lĩnh vực tri thức mà còn cả dấu ấn phong cách khoa học một thời vang bóng.

Hà Văn Thịnh là một trong số đó.

Hà Văn Thịnh - con người của những khác biệt

Sử học, cũng như tất thảy mọi khoa học đòi hỏi sự khám phá để đi tới hướng đích là cái mới và cái khác biệt. Nếu không đạt được 2 mục tiêu đó thì sử học chỉ còn lại là những sao chép sự kiện đơn thuần và tầm thường. Hà Văn Thịnh chính thức dấn thân vào hành trình đi tìm cái mới trên con đường sử học đầy chông gai kể từ năm 1977, khi anh cầm tấm bằng cử nhân sử học của Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội về giữ chân cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Huế.

Cùng lĩnh vực sử học nhưng tôi và Hà Văn Thịnh lại ở hai địa hạt khác nhau: Tôi chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, còn Hà Văn Thịnh thì chuyên ngành Lịch sử thế giới. Chúng tôi đã bắt đầu khác biệt nhau không phải từ hai lĩnh vực sử học chuyên sâu mà từ cách tiếp cận sử học trong môi trường mới: Tôi đi tìm sự thích nghi, sự hợp lý, đi tìm cái quy luật có tính phổ biến của dòng chảy lịch sử, còn Hà Văn Thịnh đi tìm cái mâu thuẫn, cái nghịch lý, cái trớ trêu mà lịch sử đã trải qua như là một thử thách sức chịu đựng của con người. Và thế là trong khi tôi cố gắng phát hiện những khoảng trống về nhận thức lịch sử với khát vọng lấp đầy nó thì Hà Văn Thịnh tìm cách lật mặt trái của lịch sử để chỉ trích, để phê phán, góp phần hoàn thiện bức tranh toàn cảnh của lịch sử.

Thời đó, chúng tôi đứng trước rất nhiều thử thách cân não mà thử thách lớn nhất là vị thế khoa học. Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với đội ngũ các nhà giáo từ miền Bắc vào tiếp quản Đại học Huế với đôi dép cao su, bộ quần áo “đại cán” cũ mèm và cái đầu tự mãn cổ hủ của “bên thắng cuộc”, chúng tôi may mắn có một ít vốn liếng về tư duy hệ thống mà các thế hệ trí thức đầu tiên (đã kể trên) truyền dạy. Trong khi, các bạn đồng nghiệp của chúng tôi, những trí thức trưởng thành dưới thời Việt Nam Cộng hòa lại rất mạnh về tích lũy và khả năng tiếp cận tri thức đa dạng nhờ vốn ngoại ngữ thành thạo đến mức đáng vị nể.

Để có vị thế khoa học trong điều kiện và môi trường ấy, Hà Văn Thịnh đã tìm một lối rẽ riêng: đó là tìm sự khác biệt.

Hà Văn Thịnh đã bắt đầu con đường xác lập sự khác biệt khoa học với việc lục tung đống tư liệu quý giá của một dòng tu mà Trung tâm học liệu của Khoa Lịch sử đã may mắn có được trong thời kỳ tiếp quản cơ sở này.

Với vốn liếng tư liệu ấy, Hà Văn Thịnh bắt đầu dấn thân đi tìm sự khác biệt khoa học bằng cách xác lập tư duy hệ thống để thoát ra khỏi những ám ảnh của lối tư duy sự kiện (cho tới nay có nhiều nhà sử học vẫn đang theo đuổi phương pháp tư duy cũ rích này) để nhận diện dòng chảy lịch sử trong cái đã và có thể. Đây là cái khác biệt nhất về tư duy lịch sử của Hà Văn Thịnh, để từ đó vượt qua lối tư duy mặc định trên nền của sự kiện. Lịch sử không chứa đựng giả định, nhưng nhận diện mỗi sự kiện lịch sử trong góc nhìn hệ thống mà Hà Văn Thịnh xác lập chính là song hành với sự phanh phui và nhận diện phải đồng thời với phát hiện và dự báo cái có thể thoát ra từ hiện thực lịch sử.

Một khía cạnh khác của sự khác biệt mà Hà Văn Thịnh đạt được trong sự nghiệp khoa học của mình là cái cách Hà Văn Thịnh định vị các giá trị lịch sử bằng phương pháp so sánh. So sánh là một phương pháp quan trọng và phổ biến trong nhiều lĩnh vực khoa học, nhưng do tính đặc thù “không lặp lại” của lịch sử, việc so sánh các biến cố lịch sử rất dễ làm cho cảm thức lịch sử trở nên khập khiễng và méo mó. Để tránh được điều đó, thay vì so sánh các biến cố và các sự kiện theo phương pháp “so sánh tự thân” như nhiều nhà sử học vẫn thường làm thì Hà Văn Thịnh lại chọn sự so sánh lịch sử cả trên hai chiều đồng đại và lịch đại. Phương pháp này giải phóng nhà sử học ra khỏi sự lệ thuộc máy móc vào sự kiện mà quan tâm nhiều hơn đến các dữ kiện làm nên sự kiện và biến cố lịch sử, đặt nó trong sự so sánh với môi trường và điều kiện làm bùng phát các biến cố lịch sử. So sánh theo cách đó sẽ dẫn đến sự quy chiếu tầm vóc của sự kiện, tầm vóc, tác động và trách nhiệm của các nhân vật lịch sử.

Chính sự khác biệt này đã mang lại sắc thái mới cho khoa học lịch sử, làm cho lịch sử từ thiên chức phản ánh đến khoa học định hướng, nâng tầm giá trị thời sự và giá trị tham vấn cho những hoạt động chính trị đương đại. Những điều này có thể bắt gặp trong nhiều bài viết của Hà Văn Thịnh về những sự kiện bang giao quốc tế, những cuộc tiếp xúc chính trị tầm cao và những hoạt động của các chính khách có tầm ảnh hưởng đến sự vận động của lịch sử đương đại.

Từ sự khác biệt trong nghiên cứu, Hà Văn Thịnh mang lại một không khí mới trong truyền thụ kiến thức lịch sử: đặt ra những tồn nghi, định vị những tương tác, quy hội những giá trị và quy kết trách nhiệm lịch sử không chỉ một cá nhân, một tổ chức, một cộng đồng mà có khi còn là trách nhiệm của cả dân tộc.

Hà Văn Thịnh luôn chấp nhận đơn độc trong hành trình khoa học

Sử học không chỉ chứa đựng khách thể lịch sử mà còn chứa đựng nhãn quan của nhà khoa học. Vì thế, sự lệch pha cả trong việc lựa chọn góc nhìn và phương cách quy chiếu các quan điểm đánh giá về sự kiện, biến cố và nhân vật lịch sử thường xuyên diễn ra trên diễn đàn sử học. Hiệu ứng của sự “lệch pha” này đôi khi lại nằm trên cùng một hệ tuyến quan điểm nhưng khác nhau về phương cách tiếp cận lịch sử. Nhưng, nhiều khi sự “lệch pha” cũng làm cho các quan điểm nhận diện lịch sử không tìm được tiếng nói chung, đẩy các nhà sử học ra xa nhau trong cùng một vấn đề của lịch sử.

Nguyên nhân của hiện tượng “lệch pha” này là do sử học bị chi phối mạnh mẽ bởi các yếu tố chính trị - xã hội, bị mặc định bởi một hệ thống phương pháp luận giáo điều và bị bệnh sáo mòn của xu hướng “sử học minh họa”.

Với Hà Văn Thịnh, khách thể lịch sử luôn được coi là nguyên tắc sống còn của sử học. Hà Văn Thịnh luôn coi khách thể lịch sử là tâm điểm quy chiếu các giá trị chính trị - xã hội. Trong khi người khác đi tìm tính phổ biến của các thành tố làm nên sự kiện, lấy kết quả cuối cùng của biến cố lịch sử để đánh giá vai trò của sự kiện, của biến cố và của nhân vật lịch sử thì Hà Văn Thịnh đi tìm cái tất nhiên và ngẫu nhiên, cái logic và phi logic chứa đựng trong các sự kiện và biến cố lịch sử để từ đó nhận chân khách thể lịch sử trên tất cả các góc cạnh của nó. Và thế là trong rất nhiều đàm luận sử học, khi số đông đang ở biên độ bên này của con lắc thì một mình Hà Văn Thịnh là ở biên độ phía bên kia của con lắc ấy. Chính sự “lệch pha” này làm cho Hà Văn Thịnh cứ luôn đơn độc giữa số đông.

Sự “lệch pha” ấy nhiều khi chỉ là sự khác biệt, nhưng không ít trường hợp nó dẫn tới biên độ gay gắt của mâu thuẫn. Ví dụ, khi đánh giá tầm vóc của một chiến thắng trong chiến tranh, người ta hướng tất cả mọi sự đánh giá vào những mục tiêu đạt được, điều đó là có lý khi khẳng định vai trò và ý nghĩa lịch sử của một trận chiến. Nhưng Hà Văn Thịnh không dừng lại ở đó, Hà Văn Thịnh thường dấn tới một bước cao hơn, đó là nhận diện tầm vóc của chiến thắng từ những… tổn thất, từ cái giá phải trả. Chính điều đó nó mang lại những bài học lịch sử mà thiên chức sử học bắt buộc phải rút ra từ khách thể lịch sử. Đóng góp đó của sử học sẽ góp phần mang lại những chiến thắng trong tương lai có tầm vóc cao hơn bởi tổn thất ít hơn do bài học rút ra từ khách thể lịch sử khách quan hơn.

Có người coi sự trái khoáy của Hà Văn Thịnh như là một kiểu thức lập dị, tôi thì không!

Nghiên cứu và giảng dạy lịch sử theo cái chiều thuận thì nhiều người làm được. Nhưng “lội ngược dòng” để nhận diện lịch sử mới thực sự là “tái hiện” quá khứ theo đúng nghĩa đen của từ này không phải ai cũng làm được như Hà Văn Thịnh. Nếu không có những pha “lội ngược dòng” như vậy, nhà sử học chỉ có thể “phục dựng” lịch sử theo bản vẽ đương đại từ ý thức chủ quan của họ, mà, đáng buồn thay, điều này đang rất phổ biến trong loại hình “sử học minh họa”.

Trên hành trình “lội ngược dòng” ấy, Hà Văn Thịnh đã phải chấp nhận sự đơn độc khi đứng giữa số đông, nhưng đóng góp của Hà Văn Thịnh lại góp phần phản ánh chính xác khách thể lịch sử mà số đông chưa chắc làm được, dù phải chấp nhận đơn độc.

Hà Văn Thịnh luôn biết làm tròn mọi thứ bằng những góc cạnh

Trong nhiều công trình nghiên cứu của Hà Văn Thịnh, thi thoảng có thể bắt gặp những mâu thuẫn trong cách đánh giá, nhận định về các sự kiện, biến cố và nhân vật lịch sử. Cũng sự kiện lịch sử ấy, nhân vật lịch sử ấy, ở thời kỳ này, ở bài viết này, Hà Văn Thịnh đưa ra quan điểm nhận định theo hướng này, nhưng ở bài viết khác, vào một thời gian khác, có khi quan điểm đánh giá ấy không còn như cũ nữa, thậm chí mâu thuẫn. Đã có lúc người ta cho rằng Hà Văn Thịnh “tiền hậu bất nhất”, rằng “thiếu chính kiến nhất quán” trong tư duy khoa học.

Học giả Trần Đức Anh Sơn - người hiệu đính và biên tập Tuyển tập này của Hà Văn Thịnh cũng chia sẻ với tôi rằng, ông phát hiện rất nhiều những điểm mâu thuẫn giữa các bài viết về cùng một sự kiện, một nhân vật lịch sử, nhưng ông không muốn điều chỉnh việc này trong quá trình hiệu đính và biên tập mặc dù việc đó không khó.

Tôi đồng ý với ứng xử đó của học giả Trần Đức Anh Sơn bởi 2 lý do:

Một là, tôi không tin đó là “lỗi vô ý”, là “tiền hậu bất nhất” của Hà Văn Thịnh. Sinh thời, Hà Văn Thịnh có biết những “bất nhất” đó không? Có đấy! Hà Văn Thịnh có nghe những chỉ trích gay gắt về sự “thiếu nhất quán” đó không? Có đấy!, nhưng tôi chưa một lần nghe Hà Văn Thịnh đáp trả những chỉ trích đó. Trong khi chúng ta chưa giải mã được bí ẩn đó của Hà Văn Thịnh thì việc tôn trọng các quan điểm có phần trái khoáy đó cũng chính là tôn trọng tính khách quan của lịch sử.

Hai là, lịch sử là sự kế tục các biến cố ngẫu nhiên, không hề có một bàn tay nào sắp đặt nó cả. Chỉ khi con người soi chiếu vào hàng loạt sự ngẫu nhiên ấy thì phát hiện ra những quy luật lịch sử. Vì thế, quá trình phản ánh các hiện tượng ngẫu nhiên ấy trong sự tồn tại độc lập của chính nó chắc chắn có những cảm thức khác nhau, ở những thời điểm và điều kiện khác nhau khi đánh giá nó trong quy luật lịch sử.

Tôi nghĩ rằng, nếu lịch sử là sự vận động không ngưng, không nghỉ trên trục lịch đại và sự tương tác đa chiều trên nhát cắt đồng đại thì nhận thức lịch sử cũng là sự vận động và thay đổi không ngừng như chính bản thân lịch sử vậy. Trần Đức Anh Sơn đã đúng khi nói với tôi rằng, trong điều kiện tư liệu mới, với những phát hiện mới và cách tiếp cận mới thì sự khác nhau trong quan điểm, nhận định, đánh giá cũng là dấu hiệu của sự phát triển tư duy khoa học. Nó không hẳn là mâu thuẫn mà là sự phát triển, làm phong phú thêm tư duy sử học.

Bên cạnh sự đồng thuận với học giả Trần Đức Anh Sơn về sự thay đổi quan điểm khoa học theo xu hướng phát triển, tôi còn có một ý nghĩ khác. Tôi muốn nói ý nghĩ đó qua việc Hà Văn Thịnh đánh giá một nhân vật lịch sử khá nổi tiếng.

Giữa thế kỷ XX, xuất hiện một nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng khá lớn, mặc nhiên được ca ngợi. Hà Văn Thịnh cũng viết bài ngợi ca nhân vật lịch sử này trước những sự kiện gắn liền với cuộc đời ông theo chiều lịch đại. Thế nhưng, khi những tung hô theo chiều lịch đại tạm lắng xuống, nhà sử học chọn một nhát cắt theo chiều đồng đại thì cái nhìn về nhân vật này bỗng nhiên khác hẳn. Ở chiều lịch đại, nhân vật lịch sử ấy đi từ không đến có, từ có đến vĩ đại. Thế nhưng trong một nhát cắt lịch sử ở chiều đồng đại, con người đó không thể hiện một vai trò gì trong những biến cố của cộng đồng. Nhân vật đó thả trôi mình trong dòng chảy tự do như hàng triệu người khác chỉ với một tư duy giản đơn: Tồn tại cách nào đó, miễn là an toàn, không bị chết chìm trong cơn lũ...

Một ví dụ khác vận dụng khi đánh giá sự phát triển của một quốc gia, một cộng đồng. Không ít nhà sử học lấy ngày hôm sau so sánh với ngày hôm trước trên trục lịch đại để làm thước đo cho sự phát triển của một cộng đồng, một tổ chức, hay cả một quốc gia. Hà Văn Thịnh thì lựa chọn sự so sánh trên nhát cắt đồng đại. Người ta không thể lấy cái hôm nay để so sánh với cái hôm qua chưa làm được, vì điều đó là tất yếu của quy luật sinh tồn. Để so sánh tốc độ phát triển của lịch sử, trong khi người khác đi theo chiều dọc của thời gian thì Hà Văn Thịnh lại chọn nhát cắt đồng đại của một nhóm các đối tượng có cùng một điểm xuất phát. Ví dụ, để biết ngày hôm nay Việt Nam đang ở vị trí nào trên bản đồ phát triển của thế giới thì không thể lấy Việt Nam của ngày hôm nay để so sánh với Việt Nam của nửa thế kỷ trước mà phải nhận diện nhát cắt của nửa thế kỷ trước Việt Nam đứng ở vị trí nào trong cộng đồng cùng tồn tại và sau nửa thế kỷ, những nước cùng vị thế như Việt Nam lúc ấy họ đang ở vị trí nào hiện nay để biết Việt Nam phát triển đến đâu.

Sử học soi vào trong hai nhát cắt đồng đại và lịch đại về cùng một con người, một biến cố lịch sử, sẽ mang lại hệ quả khác nhau, từ đó cho nhà sử học cảm thức khác nhau. Hà Văn Thịnh thường soi chiếu lịch sử như vậy.

Hà Văn Thịnh không ngại ngùng phanh phui những mặt trái ẩn chứa đằng sau sự vận động của lịch sử theo kiểu như vậy để cắt gọt những gai ngạnh ngộ nhận, đem lại một nhận thức đúng đắn về sự thật khách quan của lịch sử.

Hà Văn Thịnh - Những khoảng trống chưa kịp lấp đầy

Tôi có rất nhiều bạn bè đồng nghiệp sử học, nhưng cho tới trước khi Hà Văn Thịnh rời xa chúng tôi thì có lẽ người mà tôi chia sẻ quan điểm nghiên cứu nhiều nhất vẫn là Hà Văn Thịnh.

Tôi nhớ lần tranh luận và bàn thảo cuối cùng, cảm động nhất giữa tôi và Hà Văn Thịnh là lúc tôi vào thăm anh trên giường bệnh của Bệnh viện Trung ương Huế trước khi anh rời cõi tạm khoảng 2 tuần. Tôi biết anh kìm nén cơn đau ung thư để bàn thảo và tranh biện, để đặt câu hỏi và lý giải về những bí ẩn của lịch sử nhân loại. Anh bắt tôi phải nói quan điểm của mình về người Nga và nước Nga, người Mỹ và nước Mỹ. Chúng tôi hỏi nhau và không ai giải thích được cho nhau thông suốt vì sao các nền văn minh/văn hóa châu Âu ngày càng xích lại gần nhau, còn châu Á thì ngày càng tách xa nhau. Chúng tôi cùng bày tỏ sự ngơ ngác, khó hiểu về một cộng đồng Đông Nam Á rời rạc như một bì khoai tây trong một liên minh lỏng lẻo mà nếu đổ nó ra mặt sân thì mỗi cũ khoai tây Đông Nam Á sẽ lăn đi mỗi nẻo. Chúng tôi hỏi nhau về xung đột Tây Á và Tây Nam Á với cảm nhận về những cộng đồng da nâu giàu bản sắc văn hóa mà dễ bị kích động.

Rồi, như là để làm dịu cơn đau, chúng tôi thảo luận với nhau về triết học phương Tây theo cái thiên hướng nhận thức cho chính mình và triết học phương Đông thì sinh ra để dạy người khác. Hóa ra lịch sử nhân loại còn quá nhiều khoảng trống, còn các nhà sử học vẫn đang là những người lao động lười biếng.

Tôi không biết rồi các thế hệ sử gia tương lai của xứ này có ai quan tâm, có ai tiếp sức cho những người đã sớm phải bỏ cuộc trên cánh đồng còn hoang hóa của sử học đương đại hay không. Nhưng, trong câu chuyện với Hà Văn Thịnh những ngày anh làm xiếc trên lằn ranh của sự sống và cái chết, tôi đọc được những khát vọng khôn cùng trong mắt anh. Rồi bất giác, anh nắm tay tôi và chia sẻ rằng anh đã sai lầm khi dành quá nhiều thời gian cho việc đi tìm lời giải về những oái oăm của những biến cố lịch sử rời rạc.

Tôi hỏi anh, rằng nếu anh còn thời gian để đi tiếp con đường sử học thì anh sẽ bắt đầu lại từ đâu, từ cái gì. Anh nói ngay không do dự: Tôi sẽ bắt đầu từ Đông Nam Á. Hà Văn Thịnh nói một mạch mà không để cho tôi kịp chen vào một câu, rằng, trong nhãn quan sử học, Đông Nam Á đang đi tới cái mô hình lỏng lẻo của Tây Á. Trong khi Tây Á đang là cái sân chơi của Nga, Tây Âu và Mỹ thì Đông Nam Á đang dần trở thành sân chơi của Trung Quốc và Mỹ. Rồi anh thở dài: Người ta chẳng hiểu gì về Mỹ và Trung Quốc cả, trong khi các nhà sử học thì cứ ngồi chờ kẻng đánh để gõ nhịp cuộc đời như trống cầm canh ...

Tôi không biết “người ta” trong câu nói của Hà Văn Thịnh là ai, nhưng tôi biết trong đầu Hà Văn Thịnh đang chứa đựng những khát khao lấp đầy những khoảng trống lịch sử.

Tiếc thay!

Và lời ai điếu cho một cuộc đời viên mãn theo cách lựa chọn cuộc sống cho riêng mình.

Tôi viết mấy dòng này khi Hà Văn Thịnh đã đến với “một giấc ngủ dài” để muốn nói với các bạn những điều mà tôi cảm nhận về một người lựa chọn sự gai góc khi sống trọn cuộc đời mình.

Với tôi, một người đồng môn, hơn thế, còn là một người anh, một người luôn đặt tay lên bờ vai rắn chắc của Hà Văn Thịnh trong hành trình đi suốt cuộc đời mà rất nhiều khi phải đẩy Hà Văn Thịnh lên phía trước, cũng quá nhiều thời điểm phải kéo giật trở lại trước những bước quá đà. Đến hôm nay, sau khi Hà Văn Thịnh đã “ngủ một cách ngon lành” thì tôi mới nhận ra rằng: Hà Văn Thịnh là con người đặt những bước chân chắc nịch và vững chãi suốt hành trình 65 năm cuộc đời trong cái tôi nhân bản và tự trọng. Tôi và bất cứ một ai khác, quá lắm cũng chỉ là một điểm tựa tinh thần vỗ về, an ủi, chứ chưa bao giờ tạo ra được một ảnh hưởng tới tư tưởng và phong cách đầy cá tính của Hà Văn Thịnh. Cho tới khi nhắm mắt, Hà Văn Thịnh vẫn cứ gai góc đến kinh ngạc và nể phục.

Tôi và gia đình Hà Văn Thịnh muốn nói với mọi người rằng: Hà Văn Thịnh đã sống trọn vẹn một cuộc đời viên mãn: Sống đúng với chính mình, cương nghị, thẳng thắn, vô tư và quyết liệt; ra đi thanh thản với một hành trang giản dị nhất.

Cần phải hiểu Hà Văn Thịnh trong góc nhìn về một con người không nhân nhượng với bất cứ một điều gì trái với lẽ thường của cuộc sống trong những phản biện hết sức sắc sảo. Nhờ sự đa văn, quảng kiến và uyên thâm mà Hà Văn Thịnh có thể tiếp cận sâu sắc cả trong lĩnh vực chính trị, học thuật, văn hóa, văn học và biểu lộ kiến thức uyên bác trong các lĩnh vực đó theo cái chất rất riêng của xứ Nghệ.

Cá tính Nghệ trực diện, không né tránh của Hà Văn Thịnh phải được nhìn nhận từ cả hai giác độ: Chê ai, chê cái gì thì chê đến cùng, nhưng chê thôi chứ không ghét, tuyệt nhiên không ghét một ai. Bởi thế, người bị chê, có thể đã phải nếm trải cái vị cay đến cháy lưỡi của ớt, nhưng vị cay không ở lại mãi trên đầu lưỡi mà còn lại là sự tiếp nhận và sẻ chia, thông cảm và tha thứ, không phải là không ấm cúng và ngọt ngào. Hà Văn Thịnh đã nhận được những sự cảm thông như thế.

Thú thật, nghĩ về Hà Văn Thịnh, đã có lúc tôi lại tự thấy mình hèn kém, không đủ sự gai góc để đương đầu với những điều xấu xa và cả những cạm bẫy. Có lúc tôi đã nghĩ không phải Hà Văn Thịnh "sinh bất phùng thời", mà chính cái chuẩn mực của một cuộc sống trung thực và ngay thẳng, chân tình và trách nhiệm phải như Hà Văn Thịnh mới đúng. Còn sự lệch pha lại chính là cái xã hội đầy rẫy sự nhiễu nhương mà Hà Văn Thịnh đang cố góp chút sức nhỏ nhoi để gạn đục, khơi trong. Xét cho cùng, Thịnh không chống ai cả, Thịnh chỉ chống có 2 thứ đang làm mục ruỗng xã hội: sự dốt nát và sự lừa dối.

Và, để chính mình không rơi vào trạng huống của cái mình đang chống, Hà Văn Thịnh đã cố học, cố tìm tòi, nghiên cứu và đào luyện để thành người thầy, một viên chức có kiến thức tầm cao, vượt trên cái ngưỡng tầm thường.

Không có gì có thể đo được bao nhiêu là xúc cảm và cả nước mắt mà gia đình, các thế hệ đồng nghiệp và hơn 40 khóa sinh viên đã dành trọn cho Hà Văn Thịnh cả trong đời thường và lúc lâm bệnh. Không phải người Thầy nào cũng có được hạnh phúc đó.

Tôi đã phải ngậm ngùi chia xa Thịnh để quay về nhà với một sự an ủi và tôi muốn nói điều đã an ủi của tôi với mọi người, rằng, cuộc đời Hà Văn Thịnh như thế là đã vô cùng hạnh phúc, viên mãn, sống bằng chính những gì mình có, làm những việc mình đam mê, không lệ thuộc một ai, không nô lệ điều gì. Sự xếp lớp thời gian qua 65 năm trong cuộc đời đã để lại một Hà Văn Thịnh mạnh mẽ, bản lĩnh; một Hà Văn Thịnh hội đủ trong con người tất cả hỉ, nộ, ái, ố và cũng nhận được từ bạn bè đủ cả ố, ái, nộ, hỉ. Mọi cung bậc tình cảm cứ thế trải lòng với nhau. Một cuộc đời như thế thì trọn vẹn rồi, viên mãn rồi. Không phải ai cũng được như thế.

Bài viết trên chính thức thành “Lời bạt” in cuối sách; " Luận bàn thế sự" vừa được xuất bản.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528708

Hôm nay

289

Hôm qua

2275

Tuần này

2981

Tháng này

215404

Tháng qua

0

Tất cả

114528708