Những góc nhìn Văn hoá
Vua Minh Mạng đã kiểm soát quyền lực như thế nào?
Vua Minh Mạng (ảnh TL)
Lên ngôi, Minh Mạng tiếp nhận một nhà nước mới ra đời sau nội chiến đang có nhiều khó khăn về chính trị, kinh tế…; Quyền lực bị thao túng và tha hóa dẫn đến nhiều rối loạn về xã hội. Đối diện thực trạng, ông tiếp tục công cuộc cải cách của vua Gia Long một cách toàn diện và mạnh mẽ hơn cả về kinh tế, quân sự, đối ngoại, nhất là hành chính, bằng nhiều chính sách cởi mở, thực dụng. Một bài học lớn từ Minh Mệnh là xây dựng bộ máy và kiểm soát quyền lực để cải cách, chống khủng hoảng.
Cải cách để ổn định
Nhờ những chính sách cải cách kịp thời, hợp lý của Minh Mạng, nền kinh tế có nhiều biến chuyển tích cực, nhiều vùng đất mới được khai khẩn; nhiều công trình thủy lợi được hoàn thành. Nhiều loại máy sản xuất mới xuất hiện, không chỉ sửa chữa mà người Việt Nam còn đóng được cả tàu hơi nước; Giảm thuế, chẩn cấp, xuất kho bán thóc rẻ cho dân các vùng bị thiên tai; xuất lúa giống cho dân nghèo vay để làm mùa khiến cho nông nghiệp không bị đình trệ.
Về văn hóa giáo dục, coi trọng học vấn, khoa cử, trọng dụng người có kiến thức; cho dựng Quốc sử quán, sai biên soạn quốc sử thực lục; thống nhất việc đo lường, y phục trong toàn quốc…
Về ngoại giao, cứng rắn với các nước nhỏ nhưng chủ động, khéo léo với nước lớn; E ngại phương Tây, cấm đạo Ki tô, nhưng không quá quyết liệt.
Quân đội được tổ chức lại,tăng cường trang bị nhiều vũ khí, thuyền bè, voi ngựa và các súng ống loại lớn; là quân đội mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.
Tất cả những cải cách đó của Minh Mạng đã từng bước khắc phục cuộc khủng hoảng, ổn định được tình hình.
Tổ chức bộ máy và kiểm soát quyền lực
Minh Mạng chủ trương xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền trên nền Khổng giáo - Tống Nho, kết hợp đức trị với pháp trị. Ông dựa vào Tống Nho dù đã lỗi thời vì vẫn muốn dùng tam cương, ngũ thường để đảm bảo quyền lực tối cao, tuyệt đối của nhà vua.
Về mặt hành chính, ông cấu trúc lại bộ máy, cấu trúc lại quyền lực. Ông chia lại địa giới và cấp bậc hành chính, cả nước thành 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên, bỏ cấp thành, trấn, doanh. Tuy nhiên, vẫn cho giữ lại cấp trung gian là Phủ và Tổng.
Việc bỏ cấp thành nhằm tạo ra sự thống nhất về hành chính và bỏ đi một cấu trúc quyền lực rất lớn ở hai đầu đất nước, loại bỏ được nguy cơ lạm quyền và cát cứ.
Hệ thống chính trị, chính quyền và luật pháp từ trung ương đến địa phương hầu như được thiết chế lại. Ở cấp trung ương, cơ cấu bộ máy gồm:
Nội các, là văn phòng giúp việc cho nhà vua, chuyên trách giải quyết các công việc về văn thư, giấy tờ.
Cơ mật viện, chuyên tư vấn cho nhà vua các vấn đề về chính trị, ngoại giao và những vấn đề mang tính cơ mật quốc gia. Dưới Cơ mật viện có 2 ty là Ty Nam và Ty Bắc.
Lục Bộlà tổ chức hành pháp cao nhất của triều đình gồm 6 bộ: Binh, Công, Hình, Hộ, Lại, Lễ. Bên cạnh 6 Bộ còn có Lục Tự, là sáu tổ chức giúp nhà vua các vấn đề về văn hoá, giáo dục, thi cử, luật pháp. Lục Bộ và Lục Tự có trách nhiệm kiểm tra, hỗ trợ lẫn nhau.
Đô sát viện (Ngự sử đài) là cơ quan giám sát tối cao của triều đình. Đô sát viện cùng với Đại lý tự, cơ quan xét xử tối cao và Bộ Hình tạo thành Tam pháp ty tức cơ quan tư pháp tối cao của triều đình. Đô sát viện bên dưới lại chia làm 6 khoa: Binh, Công, Hình, Hộ, Lại, Lễ, ngoài ra trong viện đường còn có 2 ty giúp việc; cấp tỉnh đặt các Khoa đạo để chuyên trách.
Ngoài ra, bộ máy còn có các cơ quan đặc trách về công việc chuyên môn như Tôn nhân phủ Hàn lâm viện, Nội vụ phủ, Thái y viện, Khâm thiên giám, Quốc tử giám, Quốc sử quán, Tập hiền viện.
Tổ chức bộ máy hành chính này về cơ bản ổn định cho đến hết triều Nguyễn.
Điều đáng nói là Minh Mạng thiết lập cơ chế giám sát quyền lực giữa các cơ quan này rất chặt chẽ. Ví dụ, mặc dù chức Tể tướng đã bị bãi từ thời Gia Long, đã lập ra Nội các để thống nhất điều hành nhưng để giám sát lẫn nhau, đề phòng lạm quyền, cũng chỉ đặt 4 viên quan hàng tam, tứ phẩm phụ trách mà thôi.
Về mối quan hệ giữa Nội các và Lục bộ, nhà vua đặt ra chế độ “Phiếu nghĩ” để Nội các và Lục bộ đều có thể trích và tham hạch (phản biện, chất vấn, góp ý).
Ở các bộ, dưới Thượng thư có 5 vị trưởng quan, khi có sự bất đồng thì Thượng thư không có quyền phủ quyết mà trưởng quan có thể tâu thẳng lên nhà vua.
Thượng thư của Lục Bộ hợp với viên quan đứng đầu 3 cơ quan khác là Đô sát viện, Đại lí tự và Thông chính sứ ti, thành “Cửu khanh”- 9 quan chức đại thần cao quí và quyền lực nhất.
Cơ mật viện là cơ quan tham mưu tối cao nhưng vẫn không thể tách rời liên hệ với các cơ quan chức năng khác, vì các vị Cơ mật đại thần này cũng đồng thời đứng đầu một cơ quan chức năng khác.
Kinh lược đại sứ là chức quan được đặc trách đi kinh lí, kiểm tra, giám sát các nơi và có quyền giải quyết những việc trong quyền hạn được giao, rồi sau mới tâu lên triều đình, đảm bảo việc giám sát và xử lý được kịp thời.
Mối quan hệ quyền lực giữa các cơ quan trung ương và địa phương cũng được kiểm soát chặt chẽ vì các Tổng đốc, Tuần phủ đồng thời là Thượng thư hay Tả, Hữu Tham tri các bộ hoặc kiêm chức ở Đô sát viện.
Ở các tỉnh thì Tổng đốc giám sát Tuần phủ; Tổng đốc, Tuần phủ giám sát Bố chính, Án sát và ngược lại vì mỗi người đều có quyền trực tiếp tấu sớ lên nhà vua. Tương tự, ở cấp phủ, huyện, xã cũng vậy, các chức sắc đều có liên hệ ràng buộc và đều có quyền giám sát lẫn nhau.
Để quản lý quyền lực ngay từ đầu, Minh Mạng chú trọng đào tạo và tuyển dụng hệ thống quan lại, nhất là quan văn để đáp ứng nhu cầu thời bình, xây dựng đất nước. Tất cả đều phải qua thi tuyển, đỗ đạt mới được làm quan, không có ngoại lệ.
Chức Cai tổng, từ năm 1824, do các quan huyện, tỉnh trực tiếp xét, đệ lên trên xin cấp bằng và mộc triện; Xã trưởng được bầu lên bởi người dân trong xã.
Các chức sắc hàng tổng, xã, thôn cũng theo lệ 3 năm khảo hạch một lần, nếu tốt thì được khen thưởng, thăng chức, nếu kém thì bị cáchchức, nếu tham ô, nhũng lạm... thì bị xử tội nặng.
Đối với các vùng dân tộc thiểu số, từ năm 1827, xóa bỏ các chức tước đặt ra cho các viên quan người dân tộc ít người đứng đầu các phủ, huyện, châumà thay vào đó là các chức Thổ Tri phủ, Thổ Tri huyện. Năm 1829, bãi bỏ lệ thế tập của các “Thổ tù” và chọn người trong hạt tâu lên để thay thế. Bổ nhiệm quan lại triều đình lên cai trị trực tiếp bằng cách “Cho các chức Thồ quan đã có trước... hợp lực với lưu quan để làm việc”. Đổi động, sách cũ thành xã để thống nhất đơn vị hành chính, hạn chế tính chia cắt, cục bộ của các lang, đạo...,và để dễ dàng quản lí việc thu tô, thuế, cắt lao dịch và binh dịch...
Thực hiện chế độ hồi tịnghiêm minh.Các quan viên, từ tham biện trở lên cho phép được dự Đình nghị nhưngnếu bàn việc liên quan đến địa phương mình thì phải tránh mặt.
Các chức sắcở các nha môn, các Bộ, trong Kinh và ngoài tỉnh, hễ có bố, con, anh em ruột, anh em con chú, con bác cùng làm một chỗ đều phải đổi đi nơi khác (trừ hai ti Chiêm hậu, Hiệu lễ sinh và Viện Thái Y).Những lại mục, thông lại các nha thuộc hạt phủ, huyện, là người cùng làng, người đã làm ở nha hơn 3 năm trở lên, thì phải chuyển đi làm việc ở nha khác; Ai quê ở phủ, huyện nào thì không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy; Không được làm quan ở chính quán, trú quán, quê mẹ, quê vợ, thậm chí nơi đi học lúc trẻ tuổi.Người có quan hệ thông gia, thầy trò, đồng hương, kể cả cùng trú ngụ lâu năm... đều không được làm quan cùng một chỗ.
Chế độ hồi tị cũng được áp dụng nghiêm ngặt trong các kì thi Hương, thi Hội.
Cùng với chế độ hồi tị, có chế độ dưỡng liêm- cấp thêm tiền ngoài tiền lương cho các quan viên cai trị gần dân, như Tri phủ, Tri huyện, Tri châu nhằm khuyến khích thanh liêm…
Nhờ những chính sách và biện pháp xây dựng bộ máy, quản lý quyền lực này mà Minh Mạng đã có được một nhà nước tập quyền mạnh; Mặc dù chưa có thay đổi về hệ tư tưởng phù hợp với xu thế thời đại nhưng Đại Nam thời Nguyễn đã có nhiều bước phát triển đáng kể trên nhiều phương diện.
Thiết nghĩ những bài học về cải cách hành chính, đặc biệt là việc xây dựng bộ máy nhà nước và kiểm soát quyền lực của Minh Mạng vẫn còn nhiều tính thời sự, hữu ích./.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528675
256
2275
2948
215371
0
114528675