Xứ Nghệ ngày nay
Nỗ lực gìn giữ nghề rèn của người Mông ở Hợp Thành
Bản người Mông ở Hợp Thành
Hợp Thành (thuộc xã Xá Lượng) là bản người Mông khá đặc biệt ở vùng Tương Dương. Nếu như hầu hết các bản Mông đều ở vùng núi cao khá biệt lập thì bản Hợp Thành lại nằm ở vùng thung lũng thấp, cách đường quốc lộ 7 chỉ khoảng 6km. Hiện nay, bản có 83 hộ với 445 nhân khẩu người Mông sinh sống. Hầu hết người dân trong bản là người từ xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) di cư xuống khoảng những năm 1970 đến nay. Ban đầu là mươi lăm hộ xuống đây khai phá, sau đó dần đưa thêm những hộ khác để hình thành một bản làng như hiện nay. Trong quá trình di cư, người Mông ở Hợp Thành cũng mang theo những yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhưng cũng trong quá trình ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế xã hội ở một môi trường mới mẻ hơn cả về tự nhiên lẫn xã hội cũng tạo ra nhiều thách thức trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của họ. Nghề rèn là một ví dụ mà người ta có thể thấy rõ ràng nhất.
Sống chủ yếu ở vùng núi cao, khá biệt lập với các cộng đồng khác, lại thuộc khu vực giao thông đi lại khó khăn, nên việc tự túc sản xuất các trang thiết bị phục vụ sản xuất và sinh hoạt là vấn đề quan trọng của người Mông. Ở hầu hết các bản người Mông, đều có nhiều lò rèn hoạt động quanh năm. Các lò rèn này sản xuất, sửa chữa các công cụ sản xuất và sinh hoạt cho các gia đình trong bản, thậm chí cả khu vực xung quanh. Từ dao, cuốc, rìu, liềm… đến kiềng bếp và một số vật dụng bằng sắt thép trong gia đình. Người thợ rèn vừa sản xuất những công cụ, thiết bị mới để bán cho người khác, hoặc sửa chữa, tái chế lại các công cụ cho các hộ gia đình. Đổi lại, các hộ gia đình trả tiền mua công cụ, hoặc trả các loại nông sản, hàng hóa hay nguyên liệu như sắt thép, củi… cho thợ rèn. Trình độ rèn của người Mông tinh xảo nên các sản phẩm của họ được nhiều cộng đồng ưa chuộng. Những con dao của họ không chỉ bền, sắc mà còn đẹp. Những chiếc rìu, chiếc cuốc do người Mông rèn cũng đạt chất lượng cao hơn nghề rèn của nhiều cộng đồng khác. Thậm chí, từ rất lâu trước đây, người Mông đã có thể tự khoan được những nòng súng chính xác bằng thủ công và tạo ra những khẩu súng trường tốt để phục vụ săn bắn cũng như bảo vệ làng bản.
Ông Lỳ Xia Chớ đang rèn dao
Hiện nay, cả bản Hợp Thành chỉ còn một lò rèn của của ông Lỳ Xia Chớ còn hoạt động thường xuyên. Ông Chớ sinh năm 1949, quê ở xã Mường Lống, di cư xuống Hợp Thành từ cuối những năm 1970. Ông được học nghề rèn từ người cha, vốn là một thợ rèn lành nghề ở quê cũ. Năm 18 tuổi, ông lấy vợ và mở lò rèn riêng để sinh sống. Sau đó, ông đưa gia đình theo các hộ khác di cư xuống vùng Hợp Thành hiện nay để xây dựng bản mới. Ông tiếp tục làm nghề rèn phục vụ nhu cầu của người dân trong bản. Nghề rèn truyền thống của người Mông cần ít nhất hai người để thực hiện vì cần phải kéo mễ quạt than cho cháy rực. Ban đầu thì vợ ông là người phụ giúp, sau đó có con. Trước đây, trong bản có 6-7 lò rèn cùng hoạt động. Theo kinh nghiệm của người Mông, người rèn phải vào rừng tìm chặt những cây ghỗ cứng như cây đẻ, cây táu để đốt làm than. Họ đào hố sâu xuống đất, chặt củi và chất xuống đốt cháy, sau đó lấp đất lại. Khoảng 3-4 ngày sau thì vào đào lên lấy than. Loại than như vậy thì mới đủ chất lượng để rèn những sản phẩm yêu cầu độ cứng cao và sắc. Khó khăn lớn nhất là kiếm sắt để làm nguyên liệu rèn. Nguồn đầu tiên là thu mua các công cụ sản xuất, sinh hoạt đã hỏng. Rồi tìm mua các thanh sắt thép từ nơi khác, tốt nhất là mua được các nhíp ô tô hay một số thanh sắt khác. Người rèn phải mang sản phẩm của mình hoặc các nông lâm sản đi đổi lấy các nguyên liệu. “Người Mông sống ở vùng núi cao. Nương rẫy có nhiều đá và đất cứng. Nên công cụ cũng phải cứng, sắc thì mới sử dụng tốt và dùng được lâu. Vậy nên rèn cũng phải lựa chọn loại than và loại sắt đạt tiêu chuẩn. Chọn than thì phải xem sự chắc chắn, độ óng và cả kích thước than để biết được than phải đượm, cháy được lâu và nhiệt độ cao. Còn chọn sắt thép thì tìm các thanh sắt mà cầm búa hay đá gõ vào thì phát ra tiếng đanh và dài thì đó là sắt tốt để rèn” - Ông Chớ chia sẻ. Lò rèn và nghề rèn cũng có vị thế quan trọng trong đời sống của người Mông nên việc xây dựng lò lèn rất được coi trọng. Để mở một lò rèn, ngoài việc phải có tay nghề đã vững phải còn quan tâm đến vấn đề tâm linh. Người thợ phải tìm thầy xem ngày, xem tuổi rồi chọn vị trí phù hợp trong nhà để dựng lò. Khi dựng lò họ phải làm một cái lễ cúng gồm có gà, rượu, hương để cầu xin thần linh phù hộ cho lò rèn được thuận lợi phát triển, tạo ra được nhiều sản phẩm tốt.
Khoảng hơn 10 năm trở về trước, bản Hợp Thành còn 3-4 lò rèn, nhiều thanh niên cũng tham gia vào nghề rèn để giúp đỡ gia đình và cũng là để học nghề. Nhưng trong khoảng một thập kỷ gần đây thì thanh niên kéo nhau đi làm công ty ở các đô thị nên làm rèn chỉ còn người già. Và càng ngày càng ít đi, giờ chỉ còn gia đình ông Chớ là tiếp tục nghề truyền thống này. Ông chủ yếu sửa chữa rìu, cuốc, liềm, dao… cho người dân trong bản và vùng xung quanh. Rèn dao nhọn để bán cho khách ở các nơi khác từ Kỳ Sơn, Tương Dương đến xa hơn như thành phố Vinh và một số người vùng xuôi khác lên mua. Nhiều người đặt ông hai chục con dao một lần lấy về để bán. Có năm ông bán được hơn hai trăm con dao do mình rèn. Con dao loại nhỏ thì giá 100 ngàn, loại vừa thì giá 200 ngàn còn loại lớn thì giá 300 ngàn. Trung bình mỗi năm ông cũng có thu nhập khoảng hơn 30 triệu từ nghề rèn. Đây là một nguồn thu nhập tương đối cao đối với một người đã ngoài 70 tuổi ở bản Hợp Thành. Thu nhập đó giúp ông không chỉ trang trải cuộc sống của hai ông bà mà còn giúp đỡ con cái và đóng tiền học cho cháu. Dù làm rèn cũng đưa lại một khoản thu nhập như vậy nhưng nghề rèn vẫn ngày một bị mất đi. Như ông Chớ tâm sự: “Làm rèn bây giờ khỏe hơn nhiều. Có thể dùng than đá, có bếp thổi nên không phải kéo mễ. Có máy mài nên làm nhanh hơn. Nhưng thanh niên không thích làm. Họ thích đi làm công ty hơn, được thoải mái, tự do và được giao lưu, tiếp xúc nhiều hơn. Thu nhập cũng cao hơn. Còn người già, rồi cũng phải nghỉ, phải chết. Mình cố gắng giữ nghề của cha ông để lại, để nhớ về nguồn cội thôi. Còn giữ được đến ngày nào thì hay ngày đó. Có lẽ khi thế hệ chúng tôi chết thì chắc chẳng còn ai làm rèn nữa đâu. Người ta mua ngoài chợ cả”.
Quả thật, trong quá trình phát triển, cũng như nhiều nghề thủ công khác, nghề rèn của người Mông cũng bị mai một dần. Ở các làng bản hiện nay, chỉ còn một vài lò rèn còn đỏ lửa. Có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là do sự phát triển của kinh tế thị trường và sự đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân từ thị trường bên cạnh sự thay đổi trong nền sản xuất nông nghiệp của các cộng đồng. Nếu trước đây, hầu hết các công cụ, thiết bị đều dựa vào nghề rèn của người dân trong bản thì hiện nay, thị trường phát triển đã cung cấp cho người dân nhiều sự lựa chọn hơn với giá thành rẻ hơn. Người ta có thể ra chợ mua bất kỳ một công cụ sản xuất hay trang thiết bị nào một cách nhanh chóng, tiện lợi thay vì đi đặt ở lò rèn. Vùng nào giao thông càng thuận tiện, sự trao đổi hàng hóa càng phát triển thì các nghề thủ công như nghề rèn càng bị mai một, mất mát nhiều. Và Hợp Thành chỉ cách thị trấn khoảng 15km, đường đi lại dễ dàng nên người dân mua các loại công cụ, thiết bị từ chợ ngày càng phổ biến hơn. Cùng với đó, sự thay đổi trong sản xuất là nhân tố tác động mạnh mẽ. Người Mông ở vùng đỉnh núi canh tác nương rẫy là chủ yếu nên sử dụng nhiều công cụ sản xuất từ nghề rèn. Còn khi di cư xuống vùng Hợp Thành thì diện tích nương rẫy ít hơn, số hộ canh tác nương rẫy cũng ngày càng giảm dần. Và hiện nay, chỉ còn khoảng 1/3 hộ gia đình trong bản còn làm nương rẫy mà diện tích cũng ít hơn. Còn lại chủ yếu đi làm ăn xa. Điều này cũng làm cho nghề rèn bị mai một vì thị trường thêm thu hẹp vì nhu cầu về công cụ lao động giảm.
Việc làm sao để giữ gìn các yếu tố văn hóa truyền thống tộc người, trong đó có những nghề thủ công như nghề rèn là một điều cần thiết. Nhưng chỉ dựa vào nỗ lực của những người già thì e rằng sẽ khó mà thành hiện thực được. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc làm ở các khu công nghiệp, hàng vạn thanh niên ở vùng dân tộc thiểu số từ các đô thị lần lượt hồi hương về quê. Làm sao để tạo công ăn việc làm cho họ trở thành vấn đề quan trọng của các địa phương. Thiết nghĩ việc khôi phục các nghề thủ công truyền thống và thu hút lao động là một mũi tên trúng nhiều đích. Vừa tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân, vừa khôi phục nghề truyền thống, vừa góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tộc người. Nhưng để làm được điều đó, cần có những chính sách hỗ trợ cho người dân tiếp cận được thị trường cũng như thay đổi nhận thức của họ về nguồn vốn phát triển. Còn nếu trông chờ vào địa phương thì khó, như ông Vừ Bá Xia, trưởng bản Hợp Thành nói: “Chúng tôi cũng muốn cho thanh niên về quê vì dịch có việc làm và sinh sống tại quê hương mình nhưng làm thế nào cho có hiệu quả thì chưa nghĩ ra”./.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511618
2281
2336
21992
218491
121356
114511618