Xứ Nghệ ngày nay
Nhìn lại 10 năm triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam tại Nghệ An
Lễ phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân được tỉnh Nghệ An tổ chức hàng năm. Nguồn ảnh: Báo Nghệ An
Năm 2011, Chính phủ ban hành Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, giai đoạn 2011-2030 (sau đây gọi tắt là Đề án) với mục tiêu phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam. 10 năm triển khai thực hiện Đề án trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Giải Việt dã tỉnh Nghệ An năm 2020. Ảnh Trung Kiên
Sau khi Đề án của Chính phủ được ban hành, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện. UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án (tại Quyết định số 4800/QĐ.UBND.VX ngày 29/11/2012 của UBND tỉnh); ban hành kế hoạch thực hiện Đề án (Quyết định số 652/QĐ.UBND.VX ngày 26 tháng 2 năm 2014 của UBND tỉnh); Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 08/08/2014 về việc tăng cường công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; Quyết định số 4971/QĐ-UBND ngày 12/10/2016 và Quyết định số 157/QĐ-UBND ngày 12/01/2018 về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm mở rộng Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2016 - 2017 và giai đoạn 2018 - 2020; Kế hoạch số 785/KH-UBND ngày 14/12/2018 về việc thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và Đề án “Phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn 2013 - 2020”, đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND ngày 20/12/2017 về cơ chế thực hiện Chương trình sữa học đường cho học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2020. Thường trực Tỉnh ủy ban hành Thông báo số 2344-TB/TU ngày 06/8/2020 về việc triển khai Đề án "Triển khai chương trình Sữa học đường cho học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2020. Các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án được lồng ghép với các chương trình, đề án lớn của tỉnh như phát triển TDTT xã, phường, thị trấn; phát triển TDTT vùng dân tộc thiểu số; cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đây là cơ sở quan trọng để ngành Văn hóa và Thể thao cùng với các địa phương trong tỉnh triển khai rộng rãi, tạo sức lan tỏa lớn với mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất.
Việc triển khai thực hiện Đề án nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến địa phương. Công tác tuyên truyền cho Đề án được thực hiện thường xuyên thông qua các sự kiện thể thao cấp tỉnh; Ngày chạy Olympic các cấp hàng năm, Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước...Việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam được các ngành, các cấp đưa vào kế hoạch hoạt động thường xuyên của ngành, của đơn vị. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, trong những năm gần đây, phong trào tập luyện TDTT được phát triển sâu rộng, nhận thức của người dân đặc biệt là phụ nữ, người trung, cao tuổi được nâng cao. Đã có sự vào cuộc của toàn xã hội đối với sự phát triển thể chất nâng cao thể lực, tầm vóc con người.Các giải thi đấu TDTT ở cơ sở được tổ chức nhiều hơn và chất lượng hơn, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia tập luyện và nhờ đó công tác xã hội hóa TDTT được thực hiện hiệu quả.
Chương trình sữa học đường được triển khai nhiều năm tại Nghệ An. Nguồn ảnh: internet
Chương trình chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số được triển khai hàng năm thông qua các hoạt động: “Ngày Vi chất dinh dưỡng 2 lần/năm vào ngày 1-2/6 và 1-2/12”; “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển 16-23/10”; Giám sát tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em tại 30 cụm trên địa bàn tỉnh; Thúc đẩy xã hội hóa công tác dinh dưỡng; Triển khai chương trình Sữa học đường tại 21 huyện, thành, thị, hơn 311.000 học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh được uống sữa 5 lần/tuần, đạt tỷ lệ 69%... Theo kết quả điều tra dinh dưỡng toàn tỉnh đến năm 2019 (hiện kết quả năm 2020 đang được Viện Dinh dưỡng đánh giá), tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) cân nặng trên địa bàn tỉnh còn 16,5%, tỷ lệ SDD chiều cao còn 26,6%, cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra tại Kế hoạch số 785/KH-UBND ngày 14/12/2018 của UBND tỉnh (chỉ tiêu đề ra với các tỷ lệ tương ứng là: 15,9% và 26.9% vào năm 2020). Chiều cao của thanh niên nghệ An đã có sự thay đổi ở nhóm nam, nữ 18 tuổi.
Chương trình Giáo dục thể chất trong trường học được quan tâm, ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp giảng dạy, giờ học giáo dục thể chất được cải thiện và nâng cao. Các môn bơi, vovinam và võ cổ truyền đã được đưa vào chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường. Việc giáo dục phòng, tránh tai nạn đuối nước cho học sinh được thực hiện thông qua các giờ học thể dục chính khóa và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Cùng với đó, nhiều mô hình câu lạc bộ thể thao trong nhà trường, cơ sở giáo dục đã được thành lập, tạo điều kiện cho học sinh, cán bộ, giáo viên được thường xuyên tham gia tập luyện, thi đấu nhằm duy trì, nâng cao sức khỏe, thể lực phục vụ tốt cho lao động, học tập. Phong trào tập luyện TDTT ngoại khóa ngày càng phát triển mạnh, có nhiều môn thể thao mới được các em học sinh đón nhận và tập luyện.Kết quả tiêu chuẩn đánh giá thể lực học sinh năm 2020, toàn tỉnh có 99,1% học sinh tiểu học; 99,5% học sinh THCS; 99,94% học sinh THPT; 100% học sinh trường có nhiều cấp học tham gia tập luyện TDTT. Các công trình phục vụ giáo dục thể chất được đầu tư xây dựng nhiều hơn ở một số địa phương và thành phố Vinh. Hầu hết các trường THPT trên địa bàn TP. Vinh đã có nhà tập luyện đa năng, tạo thuận lợi cho việc giảng dạy môn giáo dục thể chất nội khóa và tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Công tác xã hội hóa trong các hoạt động TDTT được thực hiện sâu rộng và hiệu quả.
Sau 10 năm thực hiện Đề án, những kết quả đạt được trên đây của Nghệ An là đáng ghi nhận song nhiều khó khăn, hạn chế vẫn còn hiện hữu đòi hỏi Nghệ An phải thật nỗ lực, bứt phá trong gia đoạn tiếp theo. Là một tỉnh rộng, miền núi chiếm 3/4 diện tích cả tỉnh, đời sống kinh tế của Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, do vậy, nhu cầu và điều kiện tập luyện cũng như cải thiện cuộc sống chưa được chú trọng nhiều. Phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh nhưng chưa đồng đều, phần lớn tập trung chủ yếu ở thành phố, các vùng đồng bằng, trung tâm huyện và còn mang tính tự phát, thiếu bền vững. Cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ phục vụ phong trào TDTT nói chung còn thiếu. Đặc biệt, trong hệ thống giáo dục, nhiều trường học chất lượng môn học giáo dục thể chất và điều kiện tập luyện còn hạn chế do thiếu trang thiết bị tập luyện, kinh phí dành cho các hoạt động ngoại khóa của các cơ sở giáo dục theo quy định thì quá ít so với nhu cầu hiện nay. Công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT trong các nhà trường chưa được mở rộng chủ yếu từ nguồn đóng góp của cha mẹ học sinh. Việc thực hiện các Đề án, dự án thành phần, các công trình TDTT đã có kế hoạch song chưa hiệu quả, chưa được thực hiện hoặc quá chậm so với tiến độ, do chưa có kinh phí, thiếu vốn. Nghệ An là một tỉnh có diện tích lớn nhất nước, dân số đông, đời sống Nhân dân đang còn nhiều khó khăn, là tỉnh còn phụ thuộc gần 50% ngân sách trung ương, điều đó đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các nội dung, chương trình của Đề án.
Trong giai đoạn tới, để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án, Nghệ An còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết, tập trungtăng cường công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm mạnh tỷ lệ suy dinh dưỡng để cải thiện các chỉ số cơ bản của trẻ em dưới 5 tuổi và đảm bảo các tiêu chí đánh giá thể lực, tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam. Hình thành phong trào toàn xã hội chăm lo phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam; mở rộng các loại hình hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí lành mạnh giúp con người phát triển hài hòa về thể lực, trí lực và tâm lực. Tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em, người chưa thành niên và thanh niên nhằm giảm thiểu các bệnh về tim mạch, bệnh béo phí, bệnh gây mất bình thường về chiều cao thân thể góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Tham mưu các cơ chế chính sách để các chương trình của Đề án được thực hiện hiệu quả. Kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Đề án và thường xuyên chỉ đạo, nắm bắt kịp thời tình hình triển khai thực hiện các chương trình của Đề án. Huy động nguồn lực Nhà nước tăng cường đầu tư kết hợp với huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa, các nguồn vốn viện trợ chính thức, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện Đề án, trong đó ngân sách Nhà nước ưu tiên cho các đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh về Đề án để hình thành phong trào của toàn xã hội cùng chăm lo phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt Nam.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511601
2264
2336
21975
218474
121356
114511601