Những góc nhìn Văn hoá
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc với Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An
Nguyễn Phong Sắc
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, sinh ngày 01/02/1902, tại làng Bạch Mai, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), là một chí sĩ cách mạng Việt Nam. Đồng chí được Ban Chấp hành lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng phân công vào phụ trách khu vực Trung Kỳ, với nhiệm vụ nặng nề là người đại diện của Đảng để xây dựng hệ thống tổ chức đảng, xây dựng và lãnh đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Từ khi bắt đầu hoạt động tại Trung Kỳ (21-7-1929) cho đến lúc bị địch bắt giết hại vào 25-5-1931, chỉ gần 2 năm hoạt động tại Trung Kỳ nhưng đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho Đảng bộ và Nhân dân Trung Kỳ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao phó.
Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xứ và hệ thống tổ chức Đảng các cấp tại Nghệ An
Vào những năm 1928 - 1929, trong khi phong trào cách mạng quần chúng ở Nghệ An đang dâng cao thì mối quan hệ giữa Hội Thanh niên và Hội Hưng Nam xuất hiện những vấn đề bất đồng quan điểm chưa thể hợp nhất. Trong thời điểm căng thẳng chưa tìm được tiếng nói chung của các tổ chức yêu nước này thì vấn đề lập ra một tổ chức mới trên cơ sở các tổ chức yêu nước cũ là vấn đề hết sức cần thiết. Trước yêu cầu lịch sử đó, nhiệm vụ cấp bách là lập ra Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ. Vì vậy, sau khi vào Trung Kỳ, để thực hiện thành công con đường cách mạng tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng, đi tới xã hội cộng sản, Nguyễn Phong Sắc đã rất quan tâm việc xây dựng tổ chức tham mưu và xây dựng phát triển lực lượng cách mạng rộng lớn. Đồng chí đi “vô sản hóa” để tìm hiểu và nắm vững các tổ chức, lực lượng cách mạng ở Vinh - Bến Thủy, ở Nghệ - Tĩnh và Trung Kỳ. Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, nhiều cơ sở Hội Thanh niên ở Nghệ An đã chuyển thành các chi bộ Cộng sản đầu tiên như: Chi bộ Dương Long, Dương Xuân (nay thuộc xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương); Chi bộ Vạn Phần (nay thuộc xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu); Chi bộ Lộc Đa (nay thuộc xã Hưng Lộc, thành phố Vinh)... Một số đảng viên Tân Việt ở Vinh - Bến Thủy và các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương cũng bắt liên lạc với Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản ở Trung Kỳ, tự nguyện xin gia nhập Đảng Cộng sản. Trong những tháng cuối năm 1930, song song với việc chỉ đạo phong trào đấu tranh, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng các đồng chí trong Phân cục Trung ương Trung Kỳ bắt tay củng cố tổ chức Đảng các cấp, nhanh chóng tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ nhất. Đây là sự kiện quan trọng đặc biệt đối với tiến trình cách mạng ở Nghệ An, là cơ sở đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của Đảng bộ Trung Kỳ.
Tạo nền móng trong công tác chính trị, tư tưởng tại Trung Kỳ
Để củng cố, tuyên truyền, nâng cao giác ngộ cách mạng cho quần chúng, Nguyễn Phong Sắc cho xuất bản báo “Xích Sinh” và trực tiếp chỉ đạo hoạt động của tờ báo này; chỉ đạo Kỳ bộ Trung Kỳ ra báo “Người lao khổ”, “Công nông binh”, “Chỉ đạo”, “Vô sản”, “Tranh đấu”. Tỉnh ủy Nghệ An có báo “Tiến lên”, các Huyện ủy: Hưng Nguyên có báo “Sản nghiệp”, Nam Đàn có báo “Giác ngộ”, Thanh Chương có báo “Nhà quê”, Anh Sơn có báo “Gương vô sản”, Quỳnh Lưu có báo “Tia sáng”, “Lao động”, Nghi Lộc có báo “Dân nghèo”... Đầu năm 1931, Đồng chí chỉ đạo xuất bản báo “Công Nông Binh” - cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Trung Kỳ thay cho tờ báo “Người lao khổ”. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc còn trực tiếp viết rất nhiều bài báo trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng để kịp thời khích lệ phong trào, đồng thời uốn nắn những lệch lạc trong quá trình đấu tranh, kêu gọi Nhân dân các tỉnh ủng hộ phong trào Xôviết.
Xây dựng lực lượng cách mạng rộng lớn ở Nghệ An
Đi liền với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Nguyễn Phong Sắc còn tích cực chỉ đạo xây dựng các tổ chức quần chúng, tập hợp quần chúng rộng lớn, mạnh mẽ dưới ngọn cờ của Đảng; quan tâm tuyển được nhiều cán bộ cho tổ chức đảng. Từ giữa năm 1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã đào tạo, bồi dưỡng nhiều cán bộ nòng cốt cho Trung Kỳ và Đảng bộ Tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh như đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Tiềm, Nguyễn Lợi, Nguyễn Thức Mẫn, Nguyễn Thiếp, Mai Kính, Chu Huy Mân... Đây là thế hệ cán bộ cốt cán, là những người trực tiếp tổ chức, vận động quần chúng đấu tranh, thổi bùng ngọn lửa cao trào Xôviết Nghệ - Tĩnh.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế trong phong trào đấu tranh của công nhân Nghệ An, các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Hội Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cứu tế lần lượt được thành lập và phát triển rộng khắp. Các hội quần chúng của Đông Dương Cộng sản Đảng, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Đảng Tân Việt trước đây đều được chuyển thành Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Sinh hội đỏ, Hội Phụ nữ giải phóng... Ngoài ra, thời kỳ này, công tác vận động, xây dựng cơ sở cách mạng miền núi được đồng chí Nguyễn Phong Sắc hết sức quan tâm, về tận bản giải thích, vận động, chỉ cho Nhân dân cách đấu tranh để giành lại quyền lợi, quyền làm người, nên Nhân dân rất tin tưởng, đi theo Đảng. Tháng 4-1931, nhờ vận động giỏi, phong trào cách mạng vùng miền núi Nghệ An không ngừng được phát triển và Chi bộ Đảng của đồng bào dân tộc thiểu số được thành lập đầu tiên ở Việt Nam là Chi bộ Môn Sơn, Lục Dạ, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Đây là vấn đề hết sức có ý nghĩa, tạo mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, giúp Nhân dân được giác ngộ, khơi dậy được tinh thần yêu nước sẵn có để bảo vệ cán bộ, bảo vệ Đảng.
Là linh hồn của phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh
Phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh là đỉnh cao của phong trào cách mạng những năm 1930-1931, là mốc son đầu tiên trong lịch sử vẻ vang của Đảng, của cách mạng mà Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Phong Sắc là linh hồn của phong trào đó. Sự cống hiến của đồng chí cho chính quyền và Nhân dân Nghệ An với tư cách là người đứng đầu - người tổ chức và lãnh đạo là hết sức to lớn. Dưới sự chỉ đạo tài tình của Đồng chí, không chỉ các cấp bộ đảng được kiện toàn, các tổ chức quần chúng hoạt động hiệu quả mà các thời cơ cách mạng cũng được phát động hết sức kịp thời, quyết đoán. Tại cuộc họp chuẩn bị phát động phong trào đưa Nhân dân xuống đường tranh đấu, đêm 20-4-1930, trước ý kiến do dự của một số cán bộ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã kết luận: Nếu không có tranh đấu thì quần chúng làm sao mà được thử thách. Nhờ đó, phong trào đã kịp thời nổ ra, giành được nhiều thắng lợi to lớn. Sau cuộc biểu tình ngày 01-5 của công - nông Nghệ - Tĩnh, phong trào diễn ra mạnh mẽ, rầm rộ, liên tục và rộng khắp, với quy mô hàng vạn người tham gia. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh ở các huyện Nam Đàn (ngày 30-8-1930), huyện Thanh Chương (ngày 01-9-1930) với quy mô lên tới 20.000 nông dân tham gia... Nếu như cuộc biểu tình ngày 01-5-1930 ở Vinh - Bến Thủy được coi là sự kiện “đứng đầu dậy trước” mở màn cho phong trào cách mạng 1930-1931 thì cuộc biểu tình ngày 01-9-1930 ở Thanh Chương được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của Xô viết Nghệ - Tĩnh. Cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh cho thấy: lần đầu tiên trong lịch sử, bạo lực chính trị của quần chúng đã làm tan rã từng mảng lớn của chính quyền thực dân, lập nên chính quyền cách mạng về tay Nhân dân, giành được nhiều quyền lợi thiết thực cho quần chúng cách mạng. Đây là khởi đầu cho bước ngoặt mới của lịch sử cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, giành chính quyền về tay Nhân dân. Kết quả to lớn đó có công lao và vai trò to lớn của đồng chí Nguyễn Phong Sắc - người lãnh đạo, là linh hồn của phong trào./.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528643
224
2275
2916
215339
0
114528643