Xứ Nghệ ngày nay

Trung tâm Nghệ thuật truyền thống: Những nỗ lực đưa sân khấu về với khán giả

Năm 2021 là một năm đầy khó khăn với hoạt động nghệ thuật do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Vậy nhưng, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo, đổi mới đáng ghi nhận trong hoạt động để đưa sân khấu về với khán giả, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị nghệ thuật của công chúng.

Tiết mục trong chương trình “Sống như tia nắng mặt trời”

Là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống (NTTT) của tỉnh có 2 mảng hoạt động: Nghệ thuật truyền thống (bảo tồn và phát huy di sản dân ca Nghệ Tĩnh) và ca, múa, nhạc dân tộc và hiện đại. Theo kế hoạch, hàng năm, Trung tâm NTTT phải thực hiện trên dưới 100 buổi biểu diễn phục vụ đồng bào miền núi, dăm bảy chục buổi biểu diễn dân ca Ví, Giặm phục vụ khách du lịch tại Khu Di tích Kim Liên và một số điểm khác, các chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh, của đất nước, rồi xây dựng chương trình tham gia hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Vậy nhưng, 2 năm vừa rồi, nhất là năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vào đầu năm Trung tâm mới tổ chức được vài chục buổi diễn ở Khu Di tích Kim Liên, thị xã Cửa Lò đành phải tạm dừng để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân và cho chính các nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công. NSND Hồng Lựu - Giám đốc Trung tâm đã chia sẻ những tiếc nuối của mình khi nhiều chương trình đã chuẩn bị sẵn sàng lên sân khấu nhưng do dịch nên phải tạm dừng, như chương trình diễn xướng Ví, Giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh vào dịp 30/4 (chương trình có sự tham gia của nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo tham gia ứng tác văn chương, làm thầy gà cho các nghệ nhân diễn xướng Ví, Giặm). Rồi chương trình ca múa nhạc “Sắc”, từ bản sắc văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt xứ Nghệ qua các câu hò, điệu Ví, Giặm gốc đến văn hóa đa sắc màu của miền Tây xứ Nghệ qua các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây và kết lại là sự khởi sắc đi lên của cả vùng quê xứ Nghệ qua các tiết mục ca, múa nhạc tươi mới hiện đại. Chương trình là sự kết tinh cao độ của sức lực, trí tuệ, tâm huyết của các nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công, được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao nhưng đành lỗi hẹn với Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (kế hoạch tổ chức vào tháng 6/2021 nhưng đã bị hoãn).

Tiết mục Lời ru của mẹ trong chương trình nghệ thuật “Quê hương trong trái tim Người” Ảnh Hồ Hà

Một cảnh trong vở “Món hàng tội lỗi”

Với niềm khát khao được biểu diễn, khát khao được phục vụ, các nghệ sỹ, diễn viên Trung tâm đã không “ngồi chờ” cho qua dịch mà luôn trăn trở tìm phương thức hoạt động mới để vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa đưa được nghệ thuật đến với công chúng. Vậy là một kế hoạch diễn mà vẫn không tụ tập đông, diễn mà số lượng diễn viên chỉ tập trung trong giới hạn cho phép theo quy định phòng, chống dịch đã được lên chi tiết. Xác định trong thời điểm giãn cách xã hội, các tác phẩm nghệ thuật phải vừa kịp thời ngợi ca ý chí, đức hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch vừa cổ vũ, động viên tinh thần đoàn kết chống dịch của nhân dân. Vì thế, các nghệ sỹ, diễn viên Trung tâm (Hồng Lựu, Minh Tuệ, An Ninh, Văn Phú, Quốc Chung, Thế Anh, Quế Thương, Thanh Hải,…), bằng tiếng lòng, tình cảm và cả những nỗi trăn trở đã cho ra đời 15 tác phẩm mới (5 tác phẩm dân ca Nghệ Tĩnh và 10 ca khúc) có nội dung tuyên truyền, cổ vũ, động viên tinh thần cả nước đoàn kết, đồng lòng chống dịch, đặc biệt động viên, ngợi ca những hy sinh thầm lặng của các lực lượng tuyến đầu chống dịch - vì bình yên cho cuộc sống. Đó thực sự là những ca khúc hay, chạm vào cảm xúc người nghe, người xem.

Các tác phẩm ra đời đúng dịp cả tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 rồi 16+ về phòng, chống dịch. Nắm bắt cơ hội người dân đang thực hiện “Ai ở đâu ở yên đó”, Trung tâm chủ trương đưa các tác phẩm này đến với công chúng. Vậy là đơn vị lập ngay fanpage, tập trung lực lượng biên đạo, dàn dựng, thu âm, ghi hình các chương trình. Để đảm bảo phòng chống dịch, Trung tâm chỉ huy động những diễn viên đã hoàn thành 2 mũi vắc xin, test Covid âm tính, không ở trong khu phong tỏa, hoặc cách ly y tế và thực hiện nghiêm 5K và “3 tại chỗ” trong những ngày tập luyện. Và lần lượt nhiều chương trình nghệ thuật ra đời, đến với công chúng thông qua các nền tảng mạng xã hội, như: kênh youtube, các trang Fanpage của Trung tâm, Sở Văn hóa và Thể thao, các kênh của VOV3, VTV6, Đài PTTH Nghệ An (NTV), Báo Nghệ An,…nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ trên các trang Fanpage và các trang Facebook cá nhân có uy tín. Với hình thức “nhà hát online” này, Trung tâm có cơ hội tương tác nhiều hơn với khán giả, hiểu được khán giả đang muốn gì trong thời điểm cả xã hội cùng chung tay đoàn kết chống dịch, qua đó, hoàn thiện từng tác phẩm cho chuẩn chỉnh hơn.

Ngoài các chương trình ca múa, Trung tâm đã tổ chức được 4 số vở kịch hát Nghệ Tĩnh “Món hàng tội lỗi” có nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người và nhập cư trái phép (chương trình có sự phối hợp của Hội đồng Anh quốc tại Việt Nam cùng Bộ Công an và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên - CSAGA, sau sự cố 39 công dân Việt Nam tử vong trong thùng của một chiếc container đông lạnh tại vương quốc Anh vào tháng 10/2019). Vở kịch được xây dựng trong vòng 1 tiếng bằng hình thức tương tác qua mạng xã hội. Khán giả xem và đặt câu hỏi ngay với các chuyên gia về vấn đề phòng, chống tệ nạn mua bán người và các thủ đoạn thường gặp cũng như cách thức phòng chống. Đây là cách làm mới và đã rất hiệu quả, nhất là trong thời kỳ dịch dã.

Trong thời đại số hóa và công chúng gần như đã bão hòa với các loại hình nghệ thuật, để nâng cao hiệu quả hoạt động, Trung tâm xây dựng các chương trình theo từng chủ đề của tháng, ví như tháng 3 là chủ đề về mẹ, tháng 4 về giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tháng 5 về Bác Hồ và về bầu cử, tháng 6 về gia đình, tháng 7 về tri ân Thương binh liệt sỹ, tháng 8 về Cách mạng Tháng Tám, tháng 9 về Xô viết Nghệ Tĩnh,… Thời lượng các chương trình cũng chỉ độ 30 phút (5-6 tiết mục, có Ví, Giặm, có ca múa nhạc), như thế các chương trình dễ đi vào lòng người và giúp người xem thụ hưởng nhanh hơn.

Chỉ tính từ tháng 8 - 12/2021, Trung tâm đã xây dựng, phát sóng 15 số các chương trình “Khắc chữ đồng tâm”(phát sóng ngày 19/8), “Hòa cùng giai điệu non sông” (02/9), “Bài ca ra trận” (11/9), “Sống như tia nắng mặt trời” (truyền hình trực tiếp trên NTV, ngày 18/9), “Món hàng tội lỗi” (21/9, 25/9, 26/9, 04/10), “Lời ru của mẹ” (20/10), “Ru mãi khúc Truông Bồn” (30/10),“Mùa xuân vùng cao” (10/11);“Câu ca lắng hồn dân tộc” (22/11), “Quê hương trong trái tim Người” (11/12),… Mỗi chương trình là một thông điệp từ thực tiễn cuộc sống gửi đến công chúng; là khát vọng vươn tới cái hay, cái đẹp, đồng thời là tình cảm, là đam mê cống hiến cho nghệ thuật của đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên Trung tâm. Ngoài ra, thực hiện chương trình phối hợp giữa Sở Văn hóa & Thể thao và Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, Trung tâm đã xây dựng chương trình Về miền Ví, Giặm phát sóng trên NTV vào dịp Tết Nguyên đán 2021 và phát sóng hàng tháng. Không thể để công chúng “ăn” mãi một món trong cả 12 tháng nên tháng nào cũng phải có tác phẩm mới. Lại tổ chức sáng tác, rồi thu âm, ghi hình, công việc cứ bận bịu liên tục nhưng đã vào việc là ai cũng làm hết sức mình và vui vì được đóng góp sức mình vào việc tuyên truyền quảng bá đặc sản Dân ca Ví, Giặm của quê hương - NSND Hồng Lựu chia sẻ thêm.

Trong sự khó khăn chung của nghệ thuật cả nước do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống đã biết phát huy cao độ nội lực của đơn vị, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động, kịp thời ứng phó với đại dịch. Các chương trình nghệ thuật của Trung tâm đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo khán giả, được cộng đồng người Nghệ khắp nơi trong nước cũng như nước ngoài đánh giá khen ngợi. Đặc biệt các chương trình “Sống như tia nắng mặt trời” (tôn vinh và tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch), “Quê hương trong trái tim Người” (tái hiện lại thuở ấu thơ, hành trình đi tìm đường cứu nước và 2 lần về thăm quê của Bác Hồ), “Món hàng tội lỗi”đã chạm được vào trái tim của khán giả, thu hút được hàng chục ngàn lượt xem và hàng ngàn lượt chia sẻ. Ca sỹ Quế Thương chia sẻ, dù đã cố nén cảm xúc để đến lượt mình lên sân khấu biểu diễn nhưng khi nghe đồng nghiệp cất lên “Lời ru của mẹ” trong chương trình “Quê hương trong trái tim Người”mà nước mắt cứ tuôn rơi. Thành công của các chương trình nghệ thuật là đã góp phần tích cực vào việc quảng bá di sản Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; tuyên truyền, cổ vũ, động viên, định hướng cho nhân dân từ ý thức đến hành vi, tác động tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; khơi dậy niềm tự hào về quê hương xứ Nghệ; đồng thời làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh như hiện nay.  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511610

Hôm nay

2273

Hôm qua

2336

Tuần này

21984

Tháng này

218483

Tháng qua

121356

Tất cả

114511610