Những góc nhìn Văn hoá

Yếu tố thiêng trong văn hóa của người Việt

Lễ đại tế trong diễn trình lễ hội đền Đức Hoàng- xã Phúc Thành, huyện Yên Thành. Ảnh Hồ Các

Ý tưởng thiêng tiềm ẩn trong triết lý sống của người Việt, biểu hiện trong phương thức ứng xử của họ với thế giới tự nhiên và thế giới con người. Ý tưởng ấy là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ dân gian sáng tạo một Thánh Tản viên trên đất Ba Vì, hay tượng đài liệt sĩ Trường Sơn. Ý tưởng ấy đã gắn kết hàng triệu con người trong đời thường xích lại gần nhau hơn...

1. Ý tưởng về sự thiêng

Nếu ý tưởng về sự thiêng liêng đã hình thành khá sớm theo nhu cầu phát triển của văn hóa trong bước chuyển từ con người động vật thành con người xã hội, thì tôn giáo là hiện tượng khá muộn trong lịch sử loài người. Nhân loại vốn xuất phát từ một điểm rất gần nhau, nhưng mỗi nền văn hóa có đường hình thành riêng, có quá trình vận động, biến đổi và phát triển riêng bởi những điều kiện tự nhiên và lịch sử rất cụ thể.

Tư duy tôn giáo giả định một bản thể tinh thần tồn tại độc lập với bản thể vật chất, thế giới cái tồn tại tách biệt với thế giới cái tục. Con người tôn giáo tự mình đối diện với cái thiêng, cá nhân là một chủ thể độc lập và bình đẳng trong quan hệ với Chúa, Chúa là đấng thiêng liêng toàn năng có thể rửa sạch mọi tội lỗi cho con người trước khi nó trở về cõi vĩnh hằng đâu đó ở thế giới bên kia. Điều ấy phải chăng cũng có nghĩa trong cõi phàm trần tạm bợ ở thế giới bên này, Chúa lòng lành vừa khuyến khích con người cam chịu, vừa cho phép nó làm tất cả vì mình, xem tất cả chỉ là phương tiện, còn hạnh phúc cá nhân mới là mục đích. Tư duy tôn giáo đặt con người cá nhân loay hoay trong một nghịch lý giả tưởng, khi đã đi đến tận cùng mọi ham muốn của mình, nó rơi vào khoảng chân không hư vô, hoảng hốt tìm đến thương lượng và nguyện cầu cái thiêng.

Với người Việt, con đường hình thành và truyền tải cái thiêng có khác. Người Việt không đẩy cái thiêng thành phạm trù nhận thức luận trừu tượng, trái lại, nó là đối tượng của những ứng xử cụ thể trong đời sống hàng ngày. Người Việt không tuyệt đối hóa sự đối lập giữa nghĩa vụ và quyền lợi, không tuyệt đối hóa hạnh phúc cá nhân, con người cá nhân, mà đặt nó trong tương quan với những người khác, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, tìm thấy chính mình trong bổn phận xã hội. Tìm hiểu yếu tố thiêng trong văn hóa của người Việt là tìm hiểu một đặc điểm cốt lõi của triết lý dân gian, “người ta sống vì mồ mả, không ai sống vì cả bát cơm” cái cảm hứng quá trình xuyên suốt văn hóa dân gian, làm nên vẻ đẹp và sức sống trường tồn của những lễ hội cổ truyền, những trò chơi, điệu múa mà ở đó chính cái thiêng là chất kết dính và truyền tải những giá trị đạo đức và những giá trị thẩm mỹ.

Tìm hiểu yếu tố trong văn hóa của người Việt giúp chúng ta cắt nghĩa vì sao tư tưởng yêu nước lại là một giá trị căn bản, giá trị cao nhất trong bản giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam như Giáo sư Trần Văn Giàu và nhiều nhà khoa học khác đã khẳng định. Giá trị ấy như một tố chất độc đáo hàm chứa trong toàn bộ kho tàng văn hóa dân gian, tạo nên nguồn sữa nuôi dưỡng những nhân cách, di truyền một lối sống mang đậm bản sắc dân tộc.

Vấn đề là ở chỗ, giữa cái thiêng tôn giáo và yếu tố thiêng liêng trong triết lý sống của người Việt, trong phương thức ửng xử của nó với thế giới tự nhiên và thế giới con người cần được phân biệt rạch ròi và đi sâu phân tích đầy đủ hơn.

2. Cái thiêng của tôn giáo

Ý tưởng về sự thiêng liêng đã xuất hiện khá sớm trong bước chuyển từ con người động vật thành con người xã hội. Ý tưởng ấy là sản phẩm của đời sống xã hội, khi nhu cầu gắn kết các thành viên của cộng đồng đòi hỏi một đức tin về nguồn gốc thánh thần và ý nghĩa cao quý của cuộc sống con người.

Đó là sự thiêng liêng của nguồn ánh sáng mặt trời, của nguồn nước, của chiếc rìu hay cây lúa, nghĩa là những gì cụ thể và thiết thực, bảo lãnh cho một sự sống. Nhưng năng lượng thiêng của một con sông, dù là sông Nin hay sông Hằng, của một ngọn núi, dù là núi olympe hay núi Tản Viên cũng chỉ đủ phát sáng cho từng nhóm cư dân ở những vùng lãnh thổ riêng biệt. Khi nhu cầu liên kết cộng đồng càng mở rộng, người ta cần đến một nguồn thiêng toàn năng và bao quát hơn. Giống như những vệ tinh viễn thông thời hiện đại, biên độ phủ sóng tỷ lệ thuận với khoảng cách bay xa, lên cao khỏi mặt đất, ý tưởng về sự thiêng liêng cũng phát triển từ đặt tính của thế giới tự nhiên hữu hình đến ý niệm về một bản thể siêu nhiên vô hình mà biểu tượng cao nhất là Đức Chúa trời hiện hữu khắp thế gian và chi phối mọi giống loài. Quá trình hình thành khái niệm thiêng, một khái niệm cốt lõi của tư duy tôn giáo.

Có thể nhận thấy thái độ hai mặt của con người đối với cái thiêng tôn giáo:

Thứ nhất là: sự tôn kính và biết ơn. Với đối tượng được tôn kính và biết ơn là cụ thể thì hành vi đền ơn đáp nghĩa cũng cụ thể và thiết thực. Đây là chuyện của đời thường. Nhưng đối với những gì trở nên xa cách, trừu tượng hư ảo, người ta cần đến những nghi lễ có tính chất tượng trưng. Đối tượng được tôn thờ, chịu ơn càng cụ thể, gần gũi thì tình cảm càng sâu sắc, hành vi ứng xử càng thiết thực. Về phương diện này con người có xu hướng hiện thực hóa cái thiêng. Phân tích xu hướng nhân thần hóa, lịch sử hóa các vị thần tự nhiên trong tín ngưỡng của người Việt sẽ làm sáng tỏ nhận xét này. Từ đó dẫn đến một hệ quả quan trọng là khi đối với cái thiêng, thái độ tôn kính, biết ơn chiếm ưu thế thì hành vi ứng xử mang đậm chất nhân văn, hình thành những phong tục giầu sắc thái văn hóa tộc người. Kho tàng folkore của nhân loại là cứ liệu đầy sức thuyết phục.

Thứ hai là thái độ sự sợ hãi trước những sức mạnh đầy bí ẩn. Sự sợ hãi nào cũng đòi hỏi con người phải tìm giải pháp chế ngự, triệt tiêu hay né tránh, nghĩa là một thái độ chủ động chống trả trực tiếp. Nhưng sợ rắn độc, sợ chó dại, khác với sợ ma quỷ.

Trái với lòng tôn kính và biết ơn, sự sợ hãi càng gia tăng khi đối tượng càng mù mờ bí ẩn. Cái thiêng càng trừu tượng siêu hình bao nhiêu, quyền năng chế ngự con người của nó càng lớn bấy nhiêu. Khi cái thiêng đặt con người vào hình thế nước đôi, vừa tôn kính hàm ơn, lại vừa sợ hãi, thì con người không tránh khỏi hành vi ứng xử mang tính chất thụ động. Người ta cầu khấn, và chỉ còn biết khấn nguyện mà thôi, bởi không thể triệt tiêu và né tránh. Đây là nét đặt trưng của hành vi tôn giáo. Gia dĩ, sự ám ảnh của quỷ dữ, mặc cảm tội lỗi và sự trừng phạt nặng nề lớn hơn rất nhiều so với chút hy vọng chập chờn về điềm lành và cõi cực lạc.

Vì vậy con người cầu khẩn sự ban ơn, làm phúc, nhưng chủ yếu là cầu khẩn sự che chở, sự tha thứ. Ở đây cái thiêng càng siêu nhiên, trừu tượng, quyền năng của nó lại vô biên. Từ đó dẫn đến ranh giới tuyệt đối giữa cái thiêng và cái tục.

Trong lịch sử tư duy của loài người, chúng ta biết đến những cặp phạm trù phản ánh hai mặt đối lập trong tính thống nhất biện chứng của các sự vật, hiện tượng mà trong quá trình vận động của chúng có thể chuyển đổi hóa lẫn nhau. Đó là sự đối lập giữa cái thiện và cái ác của hiện tượng đạo đức, sự đối lập giữa cái đẹp và cái xấu của hiện tượng thẩm mỹ. Nhưng sự đối lập giữa cái thiêng và cái tục hoàn toàn khác, đó là hai thế giới khác nhau về chất, không có sự chuyển hóa qua lại trong quá trình vận động, tinh lực của cái này, không phải là tinh lực của cái kia.

Trong đời sống hàng ngày, con người đã sáng tạo ra hàng loạt các hành vi ứng xử phù hợp với đối tượng giao tiếp, từng địa điểm không gian, thời gian và tình huống khác nhau, từ cách thức giản dị mộc mạc, giữa những người bình dân đến cách thức thời thượng, hoa mỹ của giới quý tộc nơi cung đình, từ cách thức thân thiết và kính trọng trong quan hệ thầy trò, cha con đến cách thức quan phương lịch lãm trong quan hệ với đồng sự và khách khứa.v.v… Nhưng không có một cách thức ứng xử nào trong số ấy được xử dụng trong quan hệ với cái thiêng. Ở đây con người phải tạo ra một khuôn mẫu hành vi khác, một hệ thống ngôn ngữ khác, phù hợp với đối tượng giao tiếp. Đó chính là nghi lễ với chức năng giao tiếp đặc biệt, chức năng thông dịch giữa cái tục và cái thiêng, đồng thời cũng xác định ranh giới tách biệt giữa chúng. Có khoảng cách từ tín ngưỡng đến tôn giáo thì cũng có một khoảng cách như vậy từ đơn giản đến phức tạp, từ cụ thể hơn và thực tế hơn đến trừu tượng hơn và hư tưởng hơn của phong tục tín ngưỡng đến nghi lễ tôn giáo. Chỗ khác nhau ấy xuất phát từ sự khác nhau trong quan niệm về cái thiêng.

Tín ngưỡng là hiện tượng phổ biến toàn nhân loại. Ở một xã hội nguyên sơ, cuộc sống con người thiếu thốn đủ thứ, từ vật chất tinh thần bấp bênh đến khó hiểu, lệ thuộc rất lớn vào tự nhiên, con người không đủ tự tin vào chính mình, không thể không chờ đợi sự giúp đỡ của thần linh. Ở đây sự linh thiêng là một năng lượng đặc biệt mà con người hình dung ra, được gợi ý từ sức mạnh vô biên có thật của thế giới tự nhiên.

Nhưng nếu cái thiêng trong tín ngưỡng không hoàn toàn xa lạ với thế giới con người, nó có liên hệ trực tiếp và khá gắn bó với môi trường tự nhiên và xã hội. Để rồi hình thành nên cả một thế giới huyền thoại những nhiên thần và nhân thần thì cái thiêng tôn giáo lại khác. Tư duy tôn giáo giả định sự tồn tại của cái thiêng tách bạch với cái tục, giả định một bản thể tinh thần tồn tại độc lập với bản thể vật chất. Bản thể ấy không xuất hiện trong kinh nghiệm cảm tính của con người mà sự lý giải mang bản tính logic. Như vậy, tôn giáo chứa đựng một mâu thuẫn nan giải: Một mặt, cái thiêng tôn giáo không chấp nhận mọi sự nghi ngờ, người ta tuyên truyền thuyết phục chứ không phân tích, lý giải cái thiêng, mặt khác, tôn giáo nào cũng xây dựng một hệ thống giáo lý, cũng sử dụng những thành tựu của khoa học và triết học để biện giải cho nó. Vậy là cái thiêng trở thành một phạm trù nhận thức luận. Nhưng trên con đường phát triển của lịch sử, với tiến bộ khoa học và mở mang dân trí thì sự an minh tuyệt đối của mọi thánh thần xem ra khó bảo trọng. Để phát huy ảnh hưởng đối với con người, cái thiêng tôn giáo giảm thiểu lượn lờ trước màn hình của trí tuệ, nhưng lại gia tăng áp lực lên trái tim, đánh thức những tình cảm nhân văn, niềm trắc ẩn và nỗi lo sợ mất an toàn vốn có ở mỗi con người.

Từ đạo nọ sang đạo kia chỉ là chuyển giao quyền lực từ Chúa này sang Chúa khác, nhưng thái độ cứng rắn của các ngài về đức tin thì không thay đổi. Từ Do Thái giáo đến Ấn Độ giáo, từ Thiên chúa giáo đến Hồi giáo đều răn đe con người phải biết sợ, dùng cái sợ làm chốt hãm an toàn trong cuộc sống đầy cám dỗ của đời thường. Vì nguyên nhân của mọi tội lỗi và trừng phạt lại nằm ngay trong cuộc sống trần thế của con người, nên đi theo tiếng gọi của cái thiêng, hy vọng một cuộc sống an lạc, trường tồn ở thế giới bên kia cũng có nghĩa là phải biết hy sinh, biết xem thường cuộc sống ở thế giới bên này. Bản chất mối quan hệ con người với cái thiêng tôn giáo là ở đó. Một kiểu quan hệ bất bình đẳng, hy sinh cái thế tục cho cái thiêng liêng, thụ động và phụ thuộc vào nó.

Con người đến với tôn giáo là đến với một chỗ dựa về mặt tinh thần, xuất phát từ ý niệm và sự mong muốn hướng thiện và hơn thế đó là tìm đền chỗ dựa tâm linh ( Tượng Phật A Di Đà chùa Cần Linh- Thành phố Vinh). Ảnh NĐ

Cảm hứng chủ yếu trước cái thiêng tôn giáo đương nhiên là lòng tôn kính và lòng biết ơn, nhưng không hẳn là đã nghiêng về phía này, mà nghiêng về nỗi lo sợ xuất phát từ nhu cầu thường trực về sự an toàn của cuộc sống, xuất phát từ bản năng tự vệ vốn có ở mọi sinh vật, mà biểu hiện độc đáo ở con người là phương thức tự vệ trước cái thiêng.

Vấn đề cái thiêng và những giá trị đạo đức phải được xem nhiều mặt và rất cụ thể. Có điều chắc chắn rằng, cái thiêng trong các lý thuyết đạo đức tôn giáo không đồng nhất với cái thiêng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Ở đây áp lực của cái thiêng không chỉ tạo ra sự sợ hãi mà còn nẩy sinh nhiều tình cảm phong phú, phức tạp, trong đó, có cả tình cảm đạo đức và cảm xúc thẩm mỹ. Sở dĩ, trong đời sống thực tế, không phải bao giờ con người cũng phải đối diện với cái thiêng mà trước hết và cơ bản là những quan hệ người, quan hệ giữa con người với con người, với xã hội, với thế giới tự nhiên và với bản thân mình. Có thể không có, và cũng không nhất thiết phải có cái gọi là đạo đức tôn giáo. Nhưng những giá trị đạo đức gắn với quan niệm về sự thiêng liêng của cuộc sống con người lại là chuyện khác.

Lý tưởng tối cao và ý tưởng cuộc sống của con người là ở sự đấu tranh cho hạnh phúc của mỗi người và của mọi người, là khát vọng sáng tạo không ngừng những giá trị. Chỉ khi ấy cuộc sống mới có ý nghĩa và mục đích tự thân, mới trở thành đối tượng của tình yêu và sự nỗ lực vươn tới. Chỉ khi ấy con người mới cần đến những quan hệ đạo đức, những nỗi đau của nhân thế và những nỗi khổ của trí tuệ, những hoài bão lớn lao và những cảm hứng mãnh liệt. Chỉ khi ấy con người mới biết đến và cần thiết cho một khái niệm thiêng liêng và cấp cho nó những giá trị tối thượng.

Tình yêu mãnh liệt đã biến người vợ trẻ chờ chồng hóa thân thành hồn vọng phu bất tử, người anh hóa thân thành cây cau bên người em trai hóa đá, người vợ thủy chung hóa thân thành cây trầu quấn quýt bên chồng. Những tình cảm ấy vượt lên trên mọi kích cỡ của phạm trù đạo đức, khi đạo đức là yêu cầu tối đa ở mút bên này, mà pháp luật là yêu cầu tối thiểu ở mút bên trên cán cân sòng phẳng của quan hệ đời thường. Những tình cảm ấy là gì, nếu không phải là sự thiêng liêng có sức cảm hóa và lay thức con người ở mọi thời, mà nếu như thiếu nó, nhân loại đã đánh mất những kho báu thần thoại vô giá, đã không biết đến những kim tự tháp Ai Cập, những đền Ăng Co, những tuyệt tác danh họa Raphaen, những bản thánh ca, và cả tiếng chuông nhà thờ còn ngân mãi trong lòng người.

Từ những phân tích về sự khác biệt giữa cái thiêng tôn giáo và cái thiêng tín ngưỡng, có thể nhận xét về sự khác biệt căn bản giữa tôn giáo và tín ngưỡng:

Mọi tôn giáo đều xem cuộc sống thường tại nơi trần thế là phương tiện, hạnh phúc vĩnh hằng của linh hồn mai sau là mục đích. Mọi tôn giáo đều đòi hỏi hy sinh cái tục cho cái thiêng. Tín ngưỡng thì ngược lại, mọi cái thiêng là thiêng hữu ích cho cái tục. Con người cầu viện cho tất cả lực lượng thánh thần tham gia vào cuộc mưu sinh thường tại, hạnh phúc trần thế mới chính là mục đích, mọi thứ khác đều là phương tiện.

Tôn giáo nào cũng có giáo chủ - người lập thuyết, tín ngưỡng thì không.

Tôn giáo nào cũng hình thành hệ thống lý thuyết biện minh cho cái thiêng. Hệ thống này bắt buộc con người ngoan đạo phải học từ bé, học suốt đời, phải thuộc để tin, không nhất thiết phải hiểu. Tín ngưỡng không cần đến lý thuyết, mọi thánh thần tồn tại trên điện thờ của người Việt đều là những vị đã lập công, lập đức, chứ không lập ngôn.

Tôn giáo nào cũng hình thành đội ngũ truyền giáo được đào tạo bài bản, những kẻ tự coi mình có sứ mệnh trung giới giữa cái tục và cái thiêng.

Mỗi tôn giáo xây dựng ngôn ngữ giao tiếp với cái thiêng, một hệ thống hành vi ứng xử chuẩn hóa và bắt buộc mọi người. Chính hệ thống này giúp cho những người cùng một tôn giáo nhận ra nhau và trong những tình huống lịch sử nhất định, tôn giáo dễ trở thành một lực lượng chính trị - xã hội. Tín ngưỡng cho phép mỗi người tự ứng xử theo cách riêng, phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của mình.

Với những khác biệt như vậy, chúng tôi nghĩ rằng, việc sử dụng lý thuyết phổ biến trong xã hội phương Tây về cái thiêng tôn giáo để xử lý yếu tố thiêng trong tín ngưỡng và văn hóa Việt Nam sẽ không thỏa đáng.

3. Yếu tố thiêng trong văn hóa của người Việt

Sinh trưởng và phát triển là hai quá trình cơ bản của mọi sự sống trên trái đất, trong đó có con người, bất kể thuộc nền văn hóa nào. Muốn sống, con người phải thực hiện quá trình trao đổi chất với môi trường tự nhiên. Từ phụ thuộc đến tôn thờ, sùng bái tự nhiên, hình thành tín ngưỡng thờ cúng tự nhiên là nét phổ biến tự nhiên cho mọi tộc người trên trái đất, trong tuổi ấu thơ của nhân loại. Hiện tượng mà các nhà dân tộc học gọi là vạn vật hữu linh không những phổ biến, mà dường như là một giai đoạn tất yếu trong tiến trình phát triển của văn hóa nhân loại, khi con người động vật thành con người xã hội.

Với quá trình phát triển, là quá trình sinh sôi nẩy nở giống nòi cũng vậy. Sinh đẻ là hiện tượng huyền diệu và bí ẩn mà trong buổi ban sơ con người không thể không kinh ngạc, thán phục và sợ hãi. Từ đó dẫn đến tín ngưỡng phồn thực, những tục lệ thờ cúng liên quan đến sự sinh đẻ cũng là hiện tượng phổ biến và hiển nhiên. Đâu chỉ có văn minh nông nghiệp mới say sưa đến tín ngưỡng phồn thực và thờ sinh thực khí. Thiết tưởng các nền văn minh du mục, với sự sinh sôi nẩy nở của “con” phải biết sớm hơn, quan tâm đầy đủ và thực tế hơn, “trực quan sinh động” hơn sự sinh nở của “cây” nhiều.

Vấn đề là ở chỗ nhân loại vốn xuất phát từ một điểm rất gần nhau, nhưng mỗi nền văn hóa có một đường hướng hình thành riêng, có quá trình vận động, biến đổi và phát triển riêng bị quy định bởi những điều kiện địa lý tự nhiên và điều kiện xã hội cụ thể.

Người Việt có quan niệm cái thiêng từ rất lâu, trước khi tiếp xúc với văn hóa Hán. “Thiêng” là một từ thuần Việt. Người Việt dùng từ “thiêng” và “liêng”, kết hợp thành từ láy “thiêng liêng” (từ điển Việt - Pháp - Bồ Đào Nha). Khi tiếp xúc với văn hóa Hán, người Việt có thêm từ “Linh” và cũng sử dụng cả hai “linh thiêng” và “thiêng liêng”. Tuy nhiên, ngữ nghĩa của hai từ này không hoàn toàn đồng nhất. Yếu tố thiêng liêng gắn với chim muông cây cỏ, rừng, núi, đất, nước là quan niệm tôn thờ tự nhiên từ thuở sơ khai của người Việt.

Lễ tế Thủy thần trên Sông Lam của cư dân Vạn chài  xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên (nay là xã Xuân Lam) trong lễ hội rước Hến, khi yếu tố thiêng được đẩy lên đỉnh điểm thì xuất hiện hiện tượng nhập đồng để ban phát tài lộc cho người dân. Ảnh Thu Hương

Người Việt không đi theo hướng nhận thức để đối phó với tự nhiên, chế ngự, làm chủ nó. Họ tìm cách thích ứng với tự nhiên, lựa chiều mà sống theo lối phải chăng, hài hòa, tôn trọng tự nhiên, lối sống đó đem lại mối quan hệ giữa con người và tự nhiên cơ bản và chủ yếu là quan hệ mang tính tình cảm. Sứ mệnh của lý trí không phải là để lấn ác bản tính cảm tính của con người, mà là phát triển nó, phát triển nhân tính. Cái thiêng bắt nguồn từ đời sống tình cảm của con người, từ những cảm xúc do thực tại bên ngoài cũng như bản chất nhân chủng của con người tạo ra. Nó kết hợp trong mình cả nỗi lo sợ và niềm hy vọng thiết thực, sự kính trọng và lòng biết ơn cụ thể. Cảm xúc thiêng liêng vừa là sản phẩm của phản ứng bản năng tự vệ, vừa là khát vọng hòa hợp với tự nhiên vì một cuộc sống của con người tốt đẹp hơn.

Một quan niệm như vậy không đẩy cái thiêng thành một phạm trù nhận thức trừu tượng, trái lại nó trở thành đối tượng của những ứng xử cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Non sông, đất nước của người Việt trước hết và cơ bản là những ngọn núi, những con sông, những vùng đất, những nguồn nước nuôi sống, che chở họ, mặt khác cũng là kết quả mồ hôi nước mắt của họ dày công tạo lập nên. Xu hướng cụ thể hóa này biểu hiện ở chỗ người Việt thờ cúng những cây đa, bến nước, khe núi, mỏm đá ngay tại địa phận cư trú của mình. Thậm chí những gia đình khấn vái ngay tại bờ ruộng, góc ao, ngay tại trong sân, vườn của họ, nghĩa là những hiện tượng, sự vật tự nhiên gắn bó với họ, có quan hệ mật thiết đến đời sống hàng ngày. Họ vừa thành kính biết ơn, lại vừa mong muốn một quan hệ hài hòa, nương tựa lẫn nhau giữa con người và tự nhiên, một thiên nhiên thấm đẫm công sức của họ. Họ cầu nguyện trời đất, thần linh phù hộ con người, để rồi con người cũng chở che, nuôi dưỡng thần linh của mình. Nếu thỏa thuận này không được thực hiện, nghĩa là thần thánh mất thiêng, thì con người cũng sẵn sàng phế bỏ thần thánh. Đây là một quan hệ thứ bậc, con người kính cẩn trước thần linh, nhưng không tuyệt đối bất bình đẳng, con người nhỏ bé không hoàn toàn khuất phục trước thần linh theo kiểu tôn giáo phương Tây.

Do tính chất cụ thể của nó, con người có khả năng lựa chọn. Họ có thể tin thần núi này thiêng hơn hay thần sông kia thiêng hơn. Những cặp đôi sông - núi này có ở mọi nơi trên đất Việt. Từ Trường Sơn - Cửu Long Giang đến sông Hương - Núi Ngự, từ sông Lam - Núi Hồng đến sông Đà - núi Tản, ở đâu con người cũng tìm thấy sông thiêng, núi thiêng của mình. Có những thần linh thiêng liêng với quốc gia dân tộc như vua Hùng, thánh Tản Viên, bà Chúa Liễu. Có những vị thần của từng địa phương, từng làng xóm, “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Lại có cả những vị thần của từng tộc họ, từng gia đình. Đó không chỉ là tổ tiên mà có thể một vị thần nào đó mà gia đình họ đặc biệt kính trọng và chịu ơn. Ngay cả cùng một vị thần, nhưng ở mỗi khu vực, mỗi địa phương thì truyền thuyết về vị thần ấy, công tích, hành trạng và phép thiêng của ngài cũng được cụ thể hóa khác nhau. Có vô số những dị bản như vậy trên các nẻo đường đất Việt. Hiện tượng thờ nữ thần, các dị bản về bà Chúa Liễu từ trong Nam và ngoài Bắc là một ví dụ tiêu biểu.

Từ cụ thể hóa dẫn đến nhân thần hóa các vị thần tự nhiên. Điều này phù hợp với kiểu ứng xử và thái độ thiên về tôn kính và biết ơn của người Việt đối với thế giới tự nhiên. Từ việc nhân hóa thiên nhiên, xây dựng nên những huyền thoại về quá trình hình thành nòi giống và đất nước, người Việt đã lịch sử hóa thần linh, gắn liền các nhân vật huyền thoại với những thời điểm của quá trình dựng nước và giữ nước.

Với người Việt, sự thiêng liêng của núi non sông nước gắn với sự thiêng liêng của con người. Không gian thiêng gắn nhập với thời gian thiêng. Đất nước gắn nhập với lịch sử. Một quan niệm như vậy về cái thiêng chỉ hình thành ở những con người mà cuộc sống thường ngày, bát cơm manh áo gắn bó với thiên nhiên, mong nhờ vào nó và cũng tạo dựng nên nó bằng muôn vàn mồ hôi nước mắt. Đất nước quê hương của người Việt, vì vậy không đơn giản chỉ là địa bàn làm ăn sinh sống có thể dễ làm khó bỏ. Nó là sản phẩm gắn bó máu thịt với con người được trao quyền từ đời này qua đời khác, con người sống với đất nước của mình bằng tất cả ý thức trách nhiệm và tình cảm, được vun đắp theo bề dày lịch sử, tạo thành tâm thức cộng đồng, thành cái thiêng liêng chi phối cách sống của họ.

Nếu non sông đất nước là ngọn nguồn thứ nhất của ý niệm thiêng liêng nối liền mạch tín ngưỡng đa thần, từ quan niệm vạn vật hữu linh, đến quan niệm địa linh nhân kiệt, khí thiêng sông núi, thì niềm tự hào về nòi giống Tiên Rồng là ngọn nguồn thứ hai tiềm ẩn thẩm sâu tâm hồn mỗi người con dân đất Việt.

Với cư dân nông nghiệp trồng trọt thì “giống” là hết sức quan trọng và quý giá, mất giống là mất tất cả, là tay trắng và chết đói. Còn giống là còn tương lai, hy vọng. Vì vậy như bất kỳ cư dân trồng trọt nào, người Việt quý trọng đến tôn thờ hạt giống con người phải đối xử với nó như với cái thiêng liêng. Phải tiến hành những nghi lễ thờ cúng cẩn trọng. Đặc biệt là hạt lúa.

Giống của cỏ cây hoa màu quý trọng như vậy, giống của con người còn quý trọng hơn bội phần “Tiệt nòi, tiệt giống” là lời nguyền hết sức độc địa. Mất giống có nghĩa là tuyệt diệt, một kết cục bi thảm không ai dám nghĩ đến. Coi sinh thực khí là biểu tượng về sự phát triển của giống nòi và tiến hành nghi lễ thờ phụng được người Việt biết đến từ xa xưa. Từ việc thờ ông Đùng, bà Đà ở người Mường và người Việt, từ các di vật khảo cổ tìm thấy trong hang động, những cặp tượng trên thạp đồng Đào Thịnh, các trò mô phỏng giao hoan trong lễ hội dân gian đều nói lên ý thức bảo tồn nòi giống đối với người Việt hệ trọng đến mức nào. Những biểu tượng cặp đôi như Âm - Dương - Tiên - Rồng, Hươu - Rùa - Chim - Cá, Cối, Chày .v.v… phải được hiểu như là biểu tượng về nòi giống đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành cái thiêng liêng ăn sâu vào tâm hồn của người Việt.

Điều lý thú là, ở người Việt khi phải lăng nhục, nguyền rủa nhau, thì lời chửi rủa càng cay độc bao nhiêu thì lại càng phải lôi tổ tiên nòi giống của đối phương ra bấy nhiêu. Từ “cha nó”, “ông nó” và đến “cao tằng thủy tổ ông nó” có mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Bảo vệ nòi giống đồng nghĩa với bảo vệ danh dự, hơn nữa là bảo vệ sự sống còn. Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng phổ biến, cơ bản và bền vững của người Việt. Đây không đơn thuần chỉ là biết ơn các thế hệ tiền bối, mà là tình cảm sâu xa, thiêng liêng hun đúc từ đời này qua đời khác. Con dân đất Việt có thể được sinh ra từ trăm hạt của quả bầu mẹ đã cứu loài người khỏi tuyệt diệt sau nạn hồng thủy, hay từ một trăm trứng của đôi chim thiêng thì nguồn gốc của nó đều là thánh thần. Huyền thoại ấy đã thành ký ức tập thể, với những mẫu gốc mang tính di truyền văn hóa, cũng sâu sắc không kém gì tính di truyền sinh học. Ý thức bảo tồn nòi giống, lòng kính trọng tổ tiên và niềm tự hào dân tộc là tình cảm thiêng liêng của người Việt, đã trở thành nội lực kiên cường giúp họ vượt qua mọi cam go của lịch sử, giữ vững nền độc lập của dân tộc trước mọi thế lực ngoại xâm hòng thôn tính, hòng đồng hóa, hòng xóa sổ một nền văn hiến lâu đời.

Bắt nguồn gốc, rễ từ ý thức trách nhiệm và tình cảm sâu nặng với mảnh đất và con người như vậy, cái thiêng của người Việt không tồn tại chập chờn trong lời cầu nguyện một hạnh phúc mơ hồ, không tồn tại lơ lửng lời răn đe trừng phạt tội lỗi khó tránh và không đáng tránh, không lưu truyền bản ngôn ngữ hóc hiểm của Kinh Thánh hay các khái niệm mù mờ của Thần học. Nó tồn tại trong đời sống thực tiễn cảm tính của con người và truyền tải từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng kinh nghiệm sống, bằng phong tục và nghi lễ, bằng cung cách ứng xử của con người với thiên nhiên và giữa con người với nhau.

Quan hệ với cái thiêng không làm thành một mảng sinh hoạt tách biệt trong cuộc sống cá nhân của người Việt. Nó trộn lẫn với mọi hoạt động. Trong cuộc sống hàng ngày, trong các mối quan hệ và trong công việc. Nó là kinh nghiệm sản xuất và kinh nghiệm sống. Người ta lại trao truyền từ đời này sang đời kia, từ lớp này sang lớp khác.

Một phương thức tồn tại và lưu truyền yếu tố thiêng liêng trong văn hóa của người Việt là lễ hội dân gian. Lễ hội đã ra đời và tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử của người Việt, là hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính phổ biến của họ. Trong tính nguyên hợp của nó, lễ hội dân gian vừa là hoạt động tín ngưỡng thờ cúng thần linh, vừa là hoạt động vui chơi giải trí, vừa là sinh hoạt văn hóa tinh thần lại cũng gắn bó trực tiếp với hoạt động sản xuất vật chất.

Nếu không có nghi lễ thờ cúng thần linh sẽ không có lễ hội. Thiêng liêng là yếu tố thứ nhất, là linh hồn của lễ hội. Lễ hội nào cũng gắn việc thờ cúng một vị thần, một doanh nhân văn hóa hay một anh hùng có công dựng nước và giữ nước. Nội dung có các trò diễn lại những hành trạng, những chiến tích của thần. Đây là dịp ôn lại lịch sử, bồi đắp lại tình cảm đối với quê hương đất nước, đối với tổ tiên nòi giống và thắt chặt lại mối quan hệ tình nghĩa cộng đồng. Yếu tố thiêng liêng không chỉ hiện hữu trong nghi thức tế lễ thần linh, mà còn cảm hứng xuyên suốt các trò chơi, điệu múa, bài ca, tiếng nhạc trong ngày hội, tạo nên chiều sâu rung cảm và lay thức của nó, cơ sở cho sức sống tồn tại của nó. Văn hóa dân gian trong tính nguyên hợp ấy là phương thức truyền tải cái thiêng trong suốt chiều dài lịch sử. Ở đây cái thiêng gắn bó với cái đẹp, quan hệ tín ngưỡng đan xen với quan hệ thẩm mỹ. Điều đó giải thích sức cuốn hút của những đám rước, những trò diễn, những bài ca, điệu múa mà tách ra khỏi bối cảnh không gian, thời gian của nó, tước bỏ yếu tố thiêng liêng, chúng ta sẽ không hiểu được.

Người dân Việt tham dự vào các trò chơi ngày hội, bảo lưu những phong tục nghi lễ trong các ngày lễ, Tết không phải chỉ những giây phút vui chơi giải trí, mà còn là những giây phút giao cảm với cái thiêng. Những sinh hoạt văn hóa dân gian ấy là một thứ ngôn ngữ nghệ thuật của cả cộng đồng vận thông với hồn thiêng sông núi, với tổ tiên và cũng là chất keo huyền dịu kết dính các quan hệ tình nghĩa giữa người với người.

Dĩ nhiên lịch sử sẽ sàng lọc và thải loại những cái gì cần bỏ. Nhưng những gì còn đến hôm nay làm thành một mảng đời sống tinh thần của người Việt, thành lối sống và trong ứng xử văn hóa của họ. Đều được mọi người cảm nhận và gắn kết giữa cái đẹp với cái thiêng./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525230

Hôm nay

244

Hôm qua

2364

Tuần này

21932

Tháng này

211926

Tháng qua

0

Tất cả

114525230