Xứ Nghệ ngày nay

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phát triển bền vững

Diễn xướng Nghi lễ Xăng Khan của Đồng bào dân tộc Thái trong lễ hội Hang Bua, huyện Quỳ Châu. Ảnh Hoàng Phương

Với tổng diện tích 13.890 km2, chiếm 84% diện tích của tỉnh, miền tây Nghệ An (gồm vùng đường 48 và vùng đường 7A) chẳng những có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn là một vùng có tầm quan trọng về an ninh, quốc phòng của đất nước. Đây là địa bàn cư trú tập trung của các tộc người thiểu số trong tỉnh như Thái, Hmông, Khơ-mú, Ơ-đu và Thổ (nhóm Đan Lai-Ly Hà và Tày Poọng), trong đó Thái là dân tộc chiếm số đông nhất (295.132 người-2009); văn hóa Thái thường nổi trội; tiếng Thái là ngôn ngữ giao tiếp chính trong vùng.

Trong quá trình sinh tồn và phát triển, các tộc người thiểu số ở Nghệ An đã tạo dựng nên một di sản văn hóa phong phú và độc đáo (cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể), từ di tích, danh thắng, nhà cửa, trang phục, ẩm thực, phương tiện vận chuyển đi lại, các hoạt động kinh tế tiêu biểu với phương thức canh tác ruộng nước và nương rẫy cho đến ngôn ngữ, chữ viết, lễ hội, tín ngưỡng và nhiều loại hình văn nghệ dân gian nổi tiếng khác: xuôi, nhuôn, òn, khắp, múa sạp, múa rượu cần hay múa giỗ ống (tăng bu)...Các giá trị di sản văn hóa đề cập trên đây vừa mang bản sắc văn hóa riêng của mỗi tộc người, song cũng thể hiện những nét đặc trưng của văn hóa vùng miền, có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Trong thực tế, nhiều năm qua, những giá trị di sản văn hóa này tuy đã được quan tâm nghiên cứu, nhưng chưa được chú trọng khai thác, bảo tồn và phát huy tối đa vai trò của chúng, nhất là biến các giá trị di sản văn hóa này thành động lực, góp phần hiệu quả, thiết thực vào quá trình xây dựng nông thôn mới, trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững.

Theo Bách khoa thư, Di sản văn hóa là di sản của các hiện vật vật lý và các thuộc tính phi vật thể của một nhóm hay xã hội được kế thừa từ các thế hệ trước, đã duy trì đến hiện nay và dành cho các thế hệ mai sau. Di sản văn hóa bao gồm tài sản văn hóa (như các tòa nhà, cảnh quan, di tích, sách, tác phẩm nghệ thuật, và các hiện vật), văn hóa phi vật thể (như văn hóa dân gian, truyền thống, ngôn ngữ và kiến thức) và di sản tự nhiên (bao gồm cảnh quan có tính văn hóa quan trọng và đa dạng sinh học). Dưới góc độ Dân tộc học/Nhân học, bài viết của tôi sẽ phân tích và làm rõ vai trò của di sản văn hóa các tộc người thiểu số miền tây Nghệ An với việc bảo tồn và phát huy giá trị của chúng trong phát triển bền vững.

Di sản văn hoá vật thể

Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Như đã đề cập, dưới góc độ Dân tộc học/Nhân học, thông thường di sản văn hóa vật thể được hiểu là các thực thể hữu hình, gồm các thành tố: Ăn, mặc, ở. Suy rộng ra thì, các di sản văn hóa vật thể của cộng đồng các tộc người thiểu số miền tây Nghệ An bao gồm: làng bản, nhà cửa, ẩm thực, trang phục, sản phẩm của các nghề thu công truyền thống và các di tích lịch sử-văn hóa, di chỉ khảo cổ học, danh thắng. Theo đó, nhìn chung các di sản văn hóa nói chung, của các tộc người thiểu số vùng miền tây Nghệ An nói riêng khá phong phú đa dạng cả về loại hình và thể loại. Một số di sản văn hóa vật thể tiêu biểu gồm:

- Di chỉ Khảo cổ học Hang Thẩm Ồm (Quỳ Châu), Hang Thẩm Hoi (Con Cuông);

- Di tích Lịch sử- văn hóa Thành Trà Lân, Pù Đồn, Bia Ma Nhai, Nhà tưởng niệm Vi Văn Khang - Bí thư Chi bộ Đảng xã Môn Sơn (Con Cuông), Bãi Tập (Quỳ Hợp). Một số di tích lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của nghĩa quân Lê Lợi nằm rải rác ở một số địa phương gồm các đền, địa danhnhư Đền Cửa Tróng, Đền Chợ Bãi, Đền Làng Dinh, Đền Đồi Chùa, Đền Bản Le (vùng đường 48) cũng như các di tích Đền Toòng, Đầm Chín gian, Thung Đống, Hẻm Voi chẹt (vùng đường 7). Trải qua thăng trầm của lịch sử, hiện nay hầu hết các ngôi đền này không còn. Các di tích Lịch sử-Văn hóa đã được xếp hạng mới bắt đầu đưa vào khai thác phục vụ du lịch trong tỉnh, nhất là đời sống tâm linh của người dân địa phương trong vùng như Đền Chín gian (Quế Phong), Đền Vạn (Cửa Rào, Tương Dương), Đền Cửa Lũy, Đề Pu Nhạ Thàu (Kỳ Sơn), Đền Choọng (Quỳ Hợp), Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu).

Di tích nhà Cụ Vi Văn Khang, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh NĐ

- Một số danh thắng gắn với du lịch sinh thái và du lịch văn hóa của các tộc người thiểu số vùng miền tây Nghệ An như: Bảo tàng Thiên nhiên-Văn hóa mở tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Thác Kèm, Khu Du lịch sinh thái Phà Lài, Hồ Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương). Các điểm tham quan, du lịch hoạt động theo mùa ở huyện Quế Phonggồm: Thác sao va, Thác Bảy tầng, Hồ thủy điện Hủa Na, Cây Di sản samu. Một số địa điểm du lịch mới được xác định như Thác Bìa,Thác bản Tạt, Khe lạnh, Thác Tiên - Khe Lúc (Quỳ Hợp).

- Các mô hình du lịch cộng đồng, làng nghề và dệt thổ cẩm được khách biết đến như: bản Khe Rạn, Bản Nưa, Bản Xiềng (Con Cuông), Bản Na, Bản Đình Sơn, Bản Loọng Dẻ (Kỳ Sơn); bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu), bản cổ người Thái: Hủa Mương-Na Xai (Quế Phong).

Trong quá trình tồn tại và phát triển của xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững, giá trị của các di sản văn hóa vật thể này có vai trò hết sức quan trọng. Theo đó, những di sản văn hóa vật chất chung như: di tích Lịch sử -Văn hóa, danh lam, thắng cảnh, đình, đền là những thực thể và tài sản chung, mà mọi công dân đều được có quyền lợi và trách nhiệm. Chúng còn là minh chứng của đạo lý uống nước, nhớ nguồn, tôn vinh và niềm tự hào đối với các thế hệ cha ông của các thế hệ đã đang sống và cả các thế hệ con cháu tương lai sau này. Việc đầu tư, tôn tạo và đưa các danh lam, thắng cảnh vào phục vụ đời sống còn là sự thích ứng, ứng xử văn hóa và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng cho con người. Cũng tương tự, các di sản văn hóa vật thể của các tộc người thiểu số như: ăn, mặc, ở lại vừa phản ánh và khẳng định bẳn sắc văn hóa vùng miền, vừa thể hiện nét văn hóa riêng của từng tộc người. Chúng đã, đang và sẽ luôn là niềm tự hào của những người đã khuất, những người đang sống và cả những thế hệ con cháu sau này.

Vài năm qua, được sự quan tâm của chính quyền tỉnh, một số di sản văn hóa vật chất của các tộc người thiểu số vùng mây Nghệ An nêu trên bước đầu được khai thác, phục vụ du lịch. Tuy nhiên, hạ tầng chưa được quy hoạch đồng bộ, nhất là các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng và hệ thống đường sá, biển báo cũng như các dịch vụ kèm theo. Đặc biệt, tại các điểm du lịch cộng đồng, hệ thống nhà vệ sinh, giờ giấc, an ninh, trật tự, an toàn cho du khách lưu trú cũng chưa đồng bộ.

Trong những năm qua, một số món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc cũng đã và đang bắt đầu được khách tham quan du lịch biết đến qua các Tour ngắn hay dài ngày tại một số điểm du lịch như Thác Kèm, Bản Khe Rạn, Bản Nưa, Phà Lài... (Con Cuông) hay các điểm du lịch như Thác Sao Va, thủy điện Hủa Na, bản Na Sai, nhất là trong các lễ hội tâm linh tại Đền 9 gian, Đền Choọng, Đền Vạn..., song hình như ở đâu các món ăn cũng giống nhau và cũng chỉ có vài món được nhiều khách ưa chuộng như xôi, cơm lam, cá mát (nướng, rán, nấu canh), Moọc, canh ột, canh bon với gia vị đặc trưng mác khén (hạt tiêu rừng). Thức uống chủ yếu vẫn là rượu trắng và rượu cần, nhưng chưa có xuất xứ, địa chỉ, đảm bảo vệ sinh, an toàn. Ngoài ra, còn phải xem xét đến giá cả phù hợp, cách thức chế biến, bày đặt, vị trí ngồi qua tập quán, thói quen và việc giải thích cho khách biết được cả những khía cạnh phi vật thể của các món ăn, công dụng và tập quán kiêng khem thì mới mang lại sự thoải mái, ngon miệng và hài lòng khách.

Có lẽ điểm yếu nhất trong việc khai thác di sản văn hóa tại các điểm du lịch là sự nghèo nàn của các mặt hàng lưu niệm, chất lượng kém, không phù hợp với thị hiếu. Khảo sát qua các điểm du lịch cộng đồng ở Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Châu và ngay cả trong các lễ hội thì phổ biến nhất vẫn chỉ là vài chiếc túi thổ cẩm, váy, chân váy và khăn đội đầu của người Thái. Thậm chí có một số mặt hàng gia công, nhập từ nơi khác về. Cần nhớ rằng, khách du lịch thường thích mua các đồ lưu niệm mang tính truyền thống của người dân tộc, nhưng không phải tỉ lệ 1/1, mà phải nhỏ nhắn, xinh xắn để dễ bỏ túi mang đi, nhưng vẫn giữ được cốt cách vốn có. Theo đó, cần phải maketing, tham khảo kinh nghiệm nhiều nơi, lựa chọn các sản phẩm truyền thống được ưa chuộng, khả thi, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu khách tham quan trong và ngoài nước.

Tóm lại, có thể nói, hiện nay, mặc dù việc khai thác các di sản văn hóa vật thể nêu trên đã và đang đem lại nguồn lợi cho một bộ phận người dân (như tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, ý thức trách nhiệm với các di sản văn hóa của dân tộc…), song hầu hết các di sản văn hóa vật thể được khai thác, phục vụ công tác du lịch vài năm gần đây tại một số địa phương chủ yếu mới chỉ gồm nhà sàn và ẩm thực và trang phục của người Thái. Giá trị của các di tích lịch sử, danh thắng (nhất là các di chỉ khảo cổ, các địa danh lịch sử) cũng như nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người (Hmông, Khơ-mú, Thổ) vẫn còn bỏ ngỏ hoặc chưa được khai thác, các dịch vụ còn đơn điệu, năng lực, trình độ ngoại ngữ hạn chế, nguồn nhân lực mỏng. Một mặt, tiềm năng nàychưa được khai thác để phát huy hiệu quả, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; mặt khác công tác quy hoạch vẫn thiếu đồng bộ, đầu tư chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, các di sản văn hóa vật thể phải được khai thác và phát huy giá trị của chúng một cách hiệu quả, thiết thực.

Đối với di tích lịch sử-văn hóa, danh thắng, di chỉ khảo cổ cần phải được khảo sát, kiểm kê, xây dựng kế hoạch phục hồi, đầu tư có trọng điểm, có khoa học để chúng trở thành những điểm du lịch thu hút khách thập phương. Trong các di tích, danh thắng, cần chú trọng tới các di chỉ khảo cổ học, các địa danh lịch sử, cách mạng mà bấy lâu gần như bị quên lãng.

Đối với các thành tố văn hóa vật chất như ăn, mặc, ở của các tộc người thiểu số, cần phải tăng cường khai thác các giá trị của chúng, góp phần hiệu quả, thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, cụ thể là: xây dựng các làng văn hóa, bảo tồn nhà sàn, nâng cấp đường sá, vệ sinh, nước sạch, đồng ruộng; tích cực quảng bá, đưa các món ăn truyền thống vào phục vụ du lịch; duy trì, củng cố và phát huy nghề dệt, nghề thủ công, đan lát... trên cơ sở thế mạnh của từng tộc người, sản xuất các mặt hàng thổ cẩm với nhiều mẫu mã sản phẩm mới phù hợp với sở thích, thị hiếu của khách du lịch trong và ngoài nước.

Bên cạnh quy hoạch tổng thể, đồng bộ, các loại hình du lịch cần phải được tổ chức, quản lý một cách khoa học, chuyên nghiệp, khai thác các giá trị của di sản văn hóa làm mục tiêu thu hút và phục vụ khách tốt nhất. Vừa quản lý theo chiều dọc, ở tầm vĩ mô, nhưng phải tạo điều kiện để các điểm du lịch phát huy tính chủ động trong kinh doanh du lịch và dịch vụ theo mô hình cộng đồng.

Việc khai thác các giá trị của di sản văn hóa vật thể cần phải đi đôi với bảo tồn văn hóa truyền thống (ăn, ở, mặc...), kết hợp với bảo vệ môi trường. Chú trọng giáo dục cho người dân và khách du lịch ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Nâng cao năng lực cho cộng đồng. Đẩy mạnh đào tạo kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách du lịch. Tăng cường phối hợp, liên kết trong hoạt động, có cơ chế phân chia lợi ích phù hợp, đảm bảo công bằng giữa các bên. Xây dựng và phổ biến nội dung liên quan tới các quy định về hoạt động lưu trú của du khách (thủ tục đăng ký, kiểm tra, PCCC, an ninh trật tự…), tạo điều kiện cho người dân nắm và thực hiện tốt các quy định theo pháp luật.

Di sản văn hóa phi vật thể

Trong Luật Di sản văn hóa có viết: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc các nhân, vật thể và không gian văn hóa có không gian; có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng; không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”.

Các tộc người thiểu số ở miền tây Nghệ An vốn sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng. Đó là các loại hình và làn điệu dân ca (khắp, nhuôn, xuôi của người Thái; các điệu Tơm của người Khơ-mú; hát của người Hmông), dân vũ (múa Thái, múa Khèn Hmông, giỗ ống Khơ-mú) và nhạc cụ (pí, khèn , nhị hai dây, chiêng trống của người Thái); nhị hai dây (của người Thổ); sáo dọc, sáo ngang, pí tơm, pí tót, đàn môi, thằm đao đao (của người Khơ-mú), khèn (Hmông). Di sản văn hóa phi vật thể của các tộc người thiểu số ở miền tây Nghệ An còn bao gồm: các thành tố của văn học dân gian gồm: truyền thuyết, truyện kể, sử thi, tục ngữ, ca dao, đồng dao, câu đố vốn khá phong phú của người Thái, Hmông, Khơ-mú, Thổ và Ơ-đu, đặc biệt là chữ viết của người Thái. Đó còn là kho tàng tri thức dân gian/tri thức địa phương về khai thác và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, rừng, nước) thể hiện ở phân loại đất, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, thủy lợi, giống cây con, kỹ thuật canh tác ruộng, nương, đất khô, kinh nghiệm luân canh; tri thức quản lý xã hội; tri thức về y học dân gian liên quan đến chăm sóc sức khỏe, sinh sản, bệnh tật, các bài thuốc chữa bệnh; tri thức giáo dục nuôi dậy con cái, răn dạy nên người. Đặc biệt, Luật tục của người Thái hay Quy ước của người Hmomg, Khơ-mú, Thổ cũng là kho tàng tri thức quý báu, có giá trị trong xây dựng nông thôn mới và mục tiêu phát triển bền vững.

Múa xoè của đồng bào dân tộc Thổ huyện Tân Kỳ - Ảnh MH

Di sản văn hóa phi vật thể của các tộc người thiểu số ở Nghệ An còn phải kể đến tín ngưỡng phong tục, tập quán ở phạm vi gia đình (lễ cúng ma nhà/xơ phi hươn, lễ cúng vía, lễ lên nhà mới, lễ đặt tên cho trẻ, lễ cơm mới), phạm vi bản làng (lễ cúng bản/xên bản, lễ xăng khan/ki xà, lễ cầu mùa, cầu mưa, hay các nghi lễ nông nghiệp khác) và phạm vi mường thể hiện ở Lễ cúng mường (xên mương) như Đền Chín gian, Đền Choọng, Đền Vạn, Đền Pu Nhạ Thàu, Hang Bua nêu trên.

Trong Phát triển bền vững có 3 lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường, phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau. Muốn đạt được 3 mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự chủ động phối kết hợp ở tất cả các lĩnh vực. Di sản văn hóa phi vật thể có thể đóng góp một cách hiệu quả vào phát triển bền vững theo từng vấn đề, nếu biết khai thác và phát huy vai trò cũng như giá trị của chúng một cách khoa học, hiệu quả. Do di sản văn hóa phi vật thể khá phong phú, đa dạng, không thể trình bày và phân tích tất thảy, mà chỉ xin đề cập tới một số yếu tố mà thôi. Theo đó, vai trò, giá trị và đóng góp của di sản văn hóa phi vật thể vào phát triển bền vững thể hiện ở các khía cạnh dưới đây:

- Tri thức dân gian của các tộc người thiểu số ở miền tây Nghệ An như đã đề cập trên liên quan đến kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, kỹ thuật canh tác ruộng, nương, nhất là phương thức chọc lỗ tra hạt, luân canh, xen canh...cùng với đánh cá, săn bắt... có thể góp phần rất lớn cho an ninh lương thực và dinh dưỡng. Bên cạnh đó, kho tàng tri thức dân gian truyền thống của họ cũng góp phần vào bảo vệ môi trường. Sự hiểu biết và các kỹ năng qua việc sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi đa dạng, cũng như kiến thức về đất đai và môi trường thiên nhiên, khí hậu là cơ sở giúp cho việc hoạch định và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng tộc người ở mỗi địa phương. Nhiều món ăn, độc đáo cùng với cách bảo quản thích nghi với khí hậu từng vùng miền và tập quán từng tộc người góp phần cung cấp dinh dưỡng và đem lại sức khỏe tốt hơn. Nếu khai thác hiệu quả giá trị của những hệ thống tri thức nêu trên là yếu tố quan trọng để đảm bảo đầy đủ lương thực, cũng như an ninh lương thực và chất lượng dinh dưỡng của cộng đồng.

- Việc chữa bênh bằng cách sử dụng biện pháp tâm linh (xem bói để cúng vía, gọi hồn, cúng trừ tà...) phần nào đó cũng là liệu pháp chữa bệnh tâm lý, đoi khi khá hiệu nghiệm. Với việc sử dụng các bài thuộc dân gian gồm cỏ, cây, rễ, lá bằng nguồn nguyên liệu tự nhiên và kết hợp chữa bệnh bằng các loại thuốc tân dược, sử dụng các thiết bị y tế hiện đại trong bệnh viện hiện nay cũng góp phần tăng cường sức khỏe cho người dân tốt hơn. Việc duy trì hệ thống thi thức về y học dân gian và thực hành đa dạng các liệu pháp liên quan đến sức khỏe bằng cách sử dụng các loại thảo dược vừa ít tốn kém, vừa hiệu quả. Chính những bài thuốc dân tộc chữa được các bệnh nan y của các thày lang được truyền tụng sẽ giúp cho người dân có nhiều lựa chọn, nhất là ở các vùng sâu vùng xa, khó khăn, ít có điều kiện tiếp cận với y học hiện đại.

Nghi lễ cúng ma rẫy của đồng bào dân tộc Khơ Mú - Ảnh Hữu Vi

 

- Cùng với tài nguyên rừng, nguồn tài nguyên nước được các tộc người thiểu số tây Nghệ An xem là tài sản chung và thuộc sở hữu công cộng. Theo đó, ngoài kinh nghiệm và kỹ thuật dẫn thủy nhập điền (mương, phai, cọn) tưới tiêu đồng ruộng, việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước còn được quy định bởi Luật tục, Quy ước. Thật vậy, sông suối là của chung, nhưng cấm làm thả trâu bò đầu nguồn, cấm phóng uế, tắm giặt, mổ lợn... làm bẩn nguồn nước. Luật tục cũng cấm chặt phá rừng đầu nguồn làm nương nhằm giữ được nguồn nước. Hằng năm, người ta có tục cúng ma thuồng luồng, cúng mương phai cầu mong cho mưa thuận gió hòa. Việc đắp mương phai là công việc chung của bản mường. Chính các thực hành truyền thống liên quan đến quản lý nguồn nước sẽ góp phần sử dụng nguồn nước sạch công bằng và sử dụng nguồn nước bền vững, đặc biệt là trong nông nghiệp và nhu cầu nước sinh hoạt. Vì vậy, nước được xem là tài sản chung và việc quản lý nguồn nước là trách nhiệm của cả cộng đồng. Đây là tập quán cần tiếp tục vận dụng để duy trì, phổ biến trong phát triển bền vững và truyền lại cho các thế hệ con cháu mai sau. Đây còn là giải pháp nhằm góp phần giải quyết những thách thức trong phát triển và môi trường liên quan đến nguồn nước.

Một trong những giá trị của luật tục (Hịt khoong) Thái cũng như Quy ước của tộc thiểu số khác là việc chứa đựng kho tàng tri thức dân gian quý giá. Luật tục, Quy ước được xem như là ý thức hệ của tư duy và lối sống, điều tiết và phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người, thông qua tấm gương, hệ quy chiếu của môi trường thiên nhiên; phản ánh cách ứng xử của họ đối với môi trường thiên nhiên.Với tư cách là luật tục, quy ước của cộng đồng, chúng là công cụ điều hành các quan hệ xã hội, là sự tổng hợp cô đọng nhất tri thức về quản lý cộng đồng. Trước hết, đó là tri thức về phát huy sức mạnh của cộng đồng trong đời sống xã hội; hình thành và chuẩn hóa các chuẩn mực hành vi ứng xử của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Việc quan tâm đặc biệt tới quyền sở hữu, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên bao gồm việc xác lập quyền sở hữu cộng cộng của bản mường và quyền sử dụng của cá nhân là một trong những nhân tố quan trọng góp phần quản lý tốt và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, rừng, nguồn nước, lâm thổ sản… theo hướng khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.

- Di sản văn hóa phi vật thể của các tộc người thiểu số tây Nghệ An nếu được khai thác, sử dụng trên cơ sở có chọn lọc thì chúng sẽ phát huy được mặt tích cực, góp phần vào gìn giữ sự bền vững môi trường. Vốn sinh sống trong môi trường miền núi, trải qua hàng bao thế hệ, hơn bao giờ hết, các tộc người thiểu số hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của rừng, của nước và đất đai. Các tri thức, giá trị và thực hành truyền thống được tích lũy qua nhiều thế hệ như một phần của di sản văn hóa phi vật thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên, ứng phó với thảm họa thiên nhiên, và thách thức từ biến đổi khí hậu.

- Di sản văn hóa phi vật thể là động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế toàn diện, thông qua các chỉ số tạo thêm làm, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo phúc lợi xã hội. Nếu được khuyến khích, hỗ trợ và đầu tư đúng hướng thì một số nghề thủ công truyền thống (dệt, đan lát...) sẽ là trở thành nguồn thu nhập và là hàng hóa trao đổi chính của các cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân. Do nhu cầu nguyên liệu và nhân lực, chúng còn hình thành liên kết mạng lưới sản xuất, thu mua, vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ nguồn nguyên liệu và sản phẩm. Điều này vừa góp phần tạo ra thu nhập và công ăn việc làm bền vững cho gia đình, nhóm cộng đồng; vừa tôn vinh nghề, ý thức và niềm tự hào về bản sắc văn hóa của cộng đồng, góp phần hiệu quả vào xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.

- Trong xã hội truyền thống của các tộc người thiểu số ở miền tây Nghệ An, việc điều hành, quản lý xã hội dựa trên luật tục và tập quán pháp. Mặc dù chỉ diễn ra trong phạm vi cộng đồng, song cách quản lý, điều hành xã hội theo mô hình bản-mường và mô hình tự quản lại khá hiệu lực, được người dân tự giác tuân theo. Việc quản lý thường gắn với vai trò, trách nhiệm của người trưởng bản (và Ban quản lý bản), việc huy động đóng góp theo lệ bổ đầu nóc nhà trong bản,nên tính dân chủ được phát huy rộng rãi, tính công khai, minh bạch, bình đẳng được đề cao... sẽ là những yếu tố thuận lợi trở thành đòn bẩy thúc đẩy và phát huy sức mạnh nội lực tại chỗ, góp phần tích cực vào phát triển bền vững về mặt xã hội. Bên cạnh đó, truyền thống tương thân, tương ái, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau lúc hoạn nạn, khó khăn cùng với các mối quan hệ anh em, dòng họ, quan hệ thân tộc, thích tộc cũng là những nhân tố thuận lợi trong các mục tiêu phát triển bền vững.

- Việc thực hành các hoạt động trình diễn và tổ chức lễ hội với sự tham gia cũng như các thực hành khác của di sản văn hóa phi vật thể, với sự tham gia các thành viên trong cộng đồng, bao gồm cả phụ nữ và người trẻ tuổi, cũng sẽ là những đóng góp hiệu quả thiết thực vào phát triển kinh tế. Mô hình du lịch cộng đồng cũng sẽ giúp cho người dân được hưởng lợi từ việc phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể. Việc khám phá sự đa dạng của các truyền thống văn hóa, lễ hội, trình diễn nghệ thuật, kỹ năng nghề thủ công truyền thống và các lĩnh vực khác của di sản văn hóa phi vật thể là đòn bẩy mạnh mẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Từ chỗ góp phần tôn vinh, nuôi dưỡng lòng tự hào về di sản văn hóa tộc người trong cộng đồng, các hoạt động du lịch có thể tạo ra thu nhập và khuyến khích tạo công ăn việc làm, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc đạo đức và trách nhiệm đối với di sản văn hóa của tộc người. Các hoạt động du lịch cần tôn trọng các nguyên tắc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và phi vật thể, thì mới góp phần vào phát triển bền vững về văn hóa. Các chủ thể văn hóa phải là những người được thụ hưởng chính từ các hoạt động du lịch liên quan đến di sản văn hóa của họ và phải là người đóng vai trò chính trong quản lý và thực hành các hoạt động này.

Trong công cuộc phát triển kinh tế -xã hội theo hướng bền vững, bảo tồn đi đôi với phát huy giá trị di sản văn hóa (gồm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể) nói chung, di sản văn hóa của các tộc người thiểu số ở miền tây Nghệ An nói riêng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhưng cũng rất nặng nề. Bên cạnh những thuận lợi nhất định, việc triển khai thực hiện sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế đòi hỏi có sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp ở trung ương và địa phương, trong đó các cơ quan văn hóa, các cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý có vai trò hết sức quan trọng.

Dựa vào các văn bản pháp quy về bảo tồn văn hóa, đồng thời theo quan điểm bảo tồn văn hóa, trước hết phải tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch tổng thể theo từng lĩnh vực: văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể một cách chi tiết; tiến hành tổ chức các cuộc hội thảo theo từng cấp để đi đến thống nhất. Đặc biệt, triển khai thực hiện phải mang tính đồng bộ, phải xây dựng lộ trình, nhân lực trên cơ sở chọn lọc để đề xuất các giải pháp khả thi và phù hợp với đặc trưng văn hóa tộc người; góp phần thiết thực, hiệu quả vào xây dựng kinh tế -xã hội vùng người Thái theo hướng phát triển bền vững.

Một trong những điểm mấu chốt là trong quá trình xây dựng và triển khai, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cần có sự tham gia của các chủ thể văn hóa. Có như thế, việc bảo tồn này mới theo đúng chủ đường, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về chính sách dân tộc, vừa đảm bảo sự bình đẳng, công bằng và phù hợp với tình hình thực tiễn của các tộc người ở địa phương.

Tài liệu tham khảo

1. Vi văn An, Tri thức dân gian của người Thái trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. TC Dân tộc học, số 1/2008.

2. Vi Văn An, Nguyễn Thiên Tạo, Nguyễn Thanh Tuấn, Ứng xử với tài nguyên thiên nhiên của các tộc người thiểu số Nghệ An & ý tưởng thể hiện tại Bảo tàng Thiên nhiên –Văn hóa ở Pù Mát, Văn hóa Nghệ An số 352, tháng 10-11/2017.

3. Vi Văn An, Cần chú trọng khai thác giá trị của tri thức địa phương và luật tục trong xây dựng nông thôn mới ở vùng người Thái. Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2018.

4. Luật Di sản văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành, NXB Chính trị Quốc gia, Sự thật, H, 2005.

5. Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng, Luật tục Thái ở Việt Nam, Nxb VHDT, H, 2003.

6. Trần Thị Thủy, Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững ở người Thái, huyện Con Cuông, Nghệ An,trong: Phát huy vai trò, bản sắc cộng đồng các dân tộc Thái-Cadai trong hội nhập và phát triển bền vững, Nhà XB TG, H, 2017.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434696

Hôm nay

2316

Hôm qua

2310

Tuần này

21346

Tháng này

211744

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434696