Những góc nhìn Văn hoá

Vua Minh Mạng: “Sát nhất nhân, vạn nhân cụ”

Năm 1815, vua Gia Long ban hành bộ luật của triều Nguyễn có tên gọi là Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long), gồm 22 quyển và 398 điều trong đó có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng. Nhưng quan trọng nhất là các vua nhà Nguyễn, nhất là vua Minh Mạng, đã kiên quyết và nghiêm khắc thực hiện luật pháp, đã xử nhiều vụ án tham nhũng nổi tiếng.

“Sát nhất nhân, vạn nhân cụ”

Có nghĩa là giết một người để muôn người sợ mà tránh. Đối với vua Minh Mạng, mọi người, kể cả hoàng thân quốc thích xuống đến thứ dân, binh lính đều bình đẳng trước pháp luật. Ông luôn thưởng, phạt hết sức nghiêm minh, người có công cho dù người đó là ai; người tham ô của công cho dù người đó làm quan với chức vụ gì đều bị xử lý rất nặng.

Năm 1822, tại Quảng Đức và Quảng Trị giá gạo đắt, triều đình cho phát 25.000 hộc để bán cho dân. Người lính quản lý kho thóc ở kinh là Đặng Văn Khuê phụ trách phát thóc cho Nhân dân, mỗi hộc thóc thiếu vài cáp. Vụ việc bị phát giác, vua Minh Mạng giao cho Bộ Hình tra xét. Án xong tâu lên, vua Minh Mạng liền sai chém Khuê.

Tháng 5/1823, Lý Hữu Diệm làm việc tại Phủ Nội vụ lấy trộm hơn một lạng vàng bị phát giác. Tội này, theo Hoàng Việt luật lệ là tội chết (điều 229 quy định: Kho của vua gọi là Nội Phủ, nó ở trong cấm địa của Hoàng thành. Hễ lấy trộm món gì ở đó dù nhiều hay ít đều bị tội chém đầu). Sau khi nghị án, Bộ Hình thay bằng tuyên án chém đầu đã giảm xuống thành tội đi đày. Vụ án tâu lên, vua Minh Mạng không chấp nhận giảm án và dứt khoát hạ lệnh cho Bộ Hình đưa can phạm ra chợ Đông Ba chém đầu cho mọi người trông thấy.

Về vụ án này sách Đại Nam thực lục chép: “Thư lại Nội Vụ Phủ là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng. Bộ Hình nghĩ xử tội chém chuẩn làm tội đồ. Án tâu lên. Vua dụ rằng “Khoảng năm Gia Long, bọn Nguyễn Đăng Được thong đồng với thợ bạc là Nguyễn Khoa Nguyên đúc trộm ấn giả, để trộm đổi ấn ở kho, đều xử chém ngay. Nay Hữu Diệm ở đấy cân vàng mà còn giám công diêm lấy trộm, huống chi của kho thì sao? Thế là trong mắt hắn đã không có pháp luật. Chi bằng theo đúng tội danh mà định tội để răn người khác. Lý Hữu Diệm phải giải ngay đến chợ Đông chém đầu cho mọi người biết. Hồ Hữu Thẩm phải truyền cho bọn viên lại Nội Vụ Phủ cùng đến xem, hoặc giả mắt thấy long sợ mà tự khuyên răn nhau để khỏi mắt tội, há chẳng là một phương thuốc hay cho mọi ngươi sao?” (Đại Nam thực lục, sách đã dẫn, Tập VI, tr.168).

Năm 1826, Trần Công Trung làm việc ở kho Phủ Nội Vụ đòi ăn tiền làm khó dễ, chuyện bị phát giác rồi giao cho Bộ Hình tra xét. Án xong tâu lên, vua Minh Mạng tuyên dụ: “Vụ án Đăng Văn Khuê năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đã theo luật nghiêm trị, thế mà bọn Trung còn dám công nhiên làm bậy, không kiêng sợ gì, tuy tang vật không quá 10 lạng, nhưng luật quý ở chỗ làm cho long người sợ hãi, nếu nhu nhơ để sống một mạng thì e sau này những kẻ khinh nhờn pháp luật sẽ nhiều ra, không thể giết hết được. Bèn sai chém Trung ở chợ Đông”. 

Tháng 11 năm 1831, Nguyễn Đức Tuyên, tư vụ Nội vụ phủ, ăn bớt nhựa thơm. Việc phát giác. Vua Minh Mạng dụ rằng: “Đáng lẽ cho trói đem ra chợ Cửa Đông chém đầu, nhưng lần này tạm chặt một bàn tay thủ phạm Nguyễn Đức Tuyên đem treo, xóa tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận và nhờ đó để làm cho mọi người đều biết tỉnh ngộ, răn chừa. Thế cũng là một cách trừng trị kẻ gian”. (Đại Nam thực lục).

Năm 1834 trong khi quân Xiêm tấn công Hà Tiên, tuần phủ Trịnh Đường lấy trộm 1.000 quan tiền công của kho đem xuống thuyền chạy trốn, có nguyên án sát Đặng Văn Nguyên trông thấy. Sau khi tỉnh Hà Tiên thu phục, Trịnh Đường lại tâu tiền ở kho bị giặc lấy mất. Đến khi Tham tán Hồ Văn Khuê phát giác, chỉ đích danh tham tặc và tâu lên, vua Minh Mạng biết chuyện, rất tức giận bèn tuyên dụ: “Trịnh Đường trước đây có lỗi đã được gạt bỏ vết xấu mà lại dung. Để Hà Tiên thất thủ, tội đã khó tha thứ, lại còn dám nhân lúc ấy, lấy cắp tiền công đến 1.000 quan vội bỏ thành trì đất đai mà chạy! Bản tâm của y chính là nhằm lợi dụng lúc có giặc cướp để làm việc gian tham đó, thực đáng ghét. Nay lập tức cách chức, cho xích lại, giao Viện tiếp biện là Trần Chấn xét rõ, tâu lê ” (Đại Nam thực lục). Sau khi thành án, Trịnh Đường bị xử tội giảo quyết (thắt cổ cho chết ngay).

Xử chém cả bố vợ vì tham nhũng

Huỳnh Công Lý là một võ tướng nổi tiếng, có công giúp Nguyễn Ánh dựng nên cơ đồ nhà Nguyễn, sau được phong làm Lý Chính Hầu.

Khi con gái được vua Minh Mạng phong làm Huệ phi, Huỳnh Công Lý càng được tin dùng, được phong làm Phó Tổng trấn Gia Định.

Theo Đại Nam thực lục, trong thời gian Lê Văn Duyệt ra Huế (1816-1820), Huỳnh Công Lý đã lợi dụng chức vụ và bề trên đi vắng, Huỳnh Công Lý thừa cơ vơ vét của cải của Nhân dân và binh lính.

Sau khi quay về Gia Định, nhận được tin tố cáo Huỳnh Công Lý tham ô, Lê Văn Duyệt báo về triều đình. Vua Minh Mạng ra lệnh tống giam Huỳnh Công Lý và cử quan Nguyễn Đình Thinh vào Gia Định điều tra.

Kết quả điều tra là Huỳnh Công Lý đã tham nhũng số tiền lên đến hơn 30.000 quan tiền. Biết chuyện này, vua Minh Mạng buồn rầu mà nói rằng: “Trẫm nuôi dân như con, thực không kể phí tổn. Nhưng bọn quan lại tham lam giảo quyệt, ngấm ngầm chứa đầy túi riêng, mà kẻ quan quả cô độc lại không được thấm nhuần ơn thực.

Gần đây Huỳnh Công Lý làm Phó Tổng trấn Gia Định không bao lâu mà bóc lột của dân trên ba vạn. Nếu các viên mục thú đều như y cả, thì dân ta còn nhờ cậy vào đâu. Trẫm dẫu có lòng săn sóc thương xót cũng không làm thế nào được”(Đại Nam thực lục).

Triều đình còn phát hiện thêm bằng chứng trong thời gian làm quan ở Huế, Huỳnh Công Lý đã bắt lính xây dựng nhà riêng ở bên bờ sông Hương.
Cuộc điều tra kết thúc, nắm rõ tội của Huỳnh Công Lý, vua Minh Mạng lệnh trao hết hồ sơ cho triều đình xét án. Đình thần luận tội chết. Tháng 5 năm 1821, Huỳnh Công Lý bị xử tử tại Gia Định, tài sản bị tịch thu để trả lại cho quân lính và dân chúng, nhà
cửa ở Huế  thì được bán để lấy tiền giúp cho cấm binh. .

Về việc này, vua Minh Mạng dụ rằng:Gia Định là nơi đất rộng dân nhiều. Hoàng khảo ta mưu tính, thành lập quân lữ, khôi phục dư đồ, cái nền móng xây dựng cơ nghiệp thực là ở đấy. Từ trước đến nay vẫn thận trọng lựa chọn những trọng thần công lao danh vọng sai trấn phủ cho muôn dân yên ổn. Không may có Hoàng Công Lý, lấy tư cách đê hèn, chứa chất thói tham bạo, vặn trái pháp luật, ăn lót kể đến muôn vàn, bắt người làm việc (riêng) mỗi lần đến mấy nghìn, mọt nước hại dân đến thế là cùng. Nghĩ đến người vô tội mà gặp nỗi độc hại này, dù của cải đền được nhưng nỗi khổ lâu ngày khó mà hồi được. Nay tội nhân như thế, pháp luật phải thi hành, để cho Nhân dân uất ức một phương đều rõ cái ý trừ bạo an dân của triều đình.

Công Lý khi làm Tả thống chế quân thị trung, ngày ngày bắt quân sĩ xây dựng nhà riêng ở trên bờ sông Hương, đến nay việc phát, hạ lệnh trị giá bán nhà ấy lấy tiền cho cấm binh. Rồi nhân đó dụ rằng, từ nay biền binh trong ngoài nếu gặp kẻ tham tàn cậy quyền thế áp bức mà không kêu được, thì cho phép đón xa giá mà tâu. Lại dụ rõ cho các đại thần võ ban nên lấy việc Lý làm răn…” (Đại Nam thực lục).

Trong 20 năm trị vì, vua Minh Mạng luôn đề cao sự tối thượng của pháp luật, thưởng phạt nghiêm minh,đặc biệt là trong việc trừng trị tội phạm tham ô, tham nhũng, sách nhiễu Nhân dân.

Nhằm giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, ngăn tiếm quyền, lạm quyền nhưng lại đề cao được trách nhiệm vừa khuyến khích, động viên quan lại, ông đồng thời vận dụng hai nguyên tắc, “chức vụ và trách nhiệm nghiêm minh” và“quyền lợi và nghĩa vụ tương xứng”. Theo ông: “Đạo nuôi người thanh liêm không có gì bằng cấp cho họ lộc hậu”. Năm 1839, thấy lương bổng của quan lại quá ít ỏi, ông đã quyết định tăng lương và phụ cấp cho họ. Dưới triều ông, những quan lại gần dân, hoàn thành chức phận của mình còn nhận được tiền “dưỡng liêm” để giữ đức thanh liêm.

Thiết nghĩ, đó cũng là bài học cho chúng ta hôm nay.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528643

Hôm nay

224

Hôm qua

2275

Tuần này

2916

Tháng này

215339

Tháng qua

0

Tất cả

114528643