Những góc nhìn Văn hoá
Hiểu thêm về Hồ Hưng Dật - Thủy tổ họ Hồ Việt Nam
1. Đặt vấn đề
Nghiên cứu, làm rõ về nguồn gốc, vai trò, đóng góp, gia phả mỗi dòng họ là việc làm rất khó. Đến nay, riêng các họ tộc có dòng dõi vua chúa ở Việt Nam có nguồn tư liệu tương đối nhiều và rõ ràng nhất. Còn các dòng họ khác, nhất là dòng họ thuộc tộc người nhược tiểu, nghèo khó ít có tư liệu lưu truyền về nguồn gốc tổ tiên.
Bởi vậy, để phục dựng nguồn gốc dòng họ từ các nhân tố căn bản là thủy tổ, tiểu sử thủy tổ, dấu tích tổ tiên, gia phả… là hết sức cần thiết để mỗi thành viên họ tộc có thể nắm rõ nguồn gốc tổ tiên. Đồng thời, giúp nhiều cá nhân bên ngoài hiểu rõ hơn về các dòng họ cùng chung một quốc gia dân tộc.
Đền thờ Nguyên Tổ Hồ Hưng Dật, tại Xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh SM
Về nguồn gốc, mỗi dòng họ thường được bắt nguồn từ một vị thủy tổ - thường là người có công khai sơn phá thạch, khởi đầu cho dòng họ tại một địa vực nhất định. Sau đó, các thế hệ tiếp tục phát triển, sinh sổi nảy nở, tạo thành nhiều chi nhánh, thế hệ nối tiếp nhau.
Ở Việt Nam, nhiều dòng họ đã được xác định nguồn gốc thủy tổ, địa vực định cư ban đầu, các dấu tích như lăng mộ, nơi thờ tự, công trạng, công trình… Họ Nguyễn có nguồn gốc từ họ Hồng Bàng, thời các vua Hùng với nhiều dấu tích ở Phú Thọ; họ Mai có nguồn gốc từ Thái tử Mai An Tiêm đời Hùng Vương thứ 17, với dấu tích giống dưa hấu, dưa bở; họ Dương có nguồn gốc từ Dương Minh Thắng, một Lạc tướng thời Hùng Vương thứ 6, nơi định cư ở vùng Bắc Bộ; họ Vũ - Võ có thủy tổ là Vũ Hồn, làm quan An Nam Kinh lược sứ, dấu tích còn lưu ở Hải Dương…
Một điều đặc biệt là, không ít dòng họ có nguồn gốc từ Trung Hoa vì những mục đích khác nhau tìm sang định cư trên lãnh thổ Việt Nam, dần trở thành thủy tổ dòng họ ở Việt Nam. Một vài trường hợp tiêu biểu là họ Dương, họ Đỗ, họ Vũ, họ Đào, họ Chu…và phải nhắc đến họ Hồ.
Việc tìm hiểu nguồn gốc họ Hồ được các thế hệ dòng họ này cũng như nhiều chuyên gia thực hiện suốt hàng trăm năm qua. Đến nay, các thế hệ họ Hồ đều thống nhất suy tôn Trạng nguyên Hồ Hưng Dật làm Thủy tổ họ Hồ Việt Nam. Tuy nhiên, việc phục dựng căn bản về thân thế và sự nghiệp Hồ Hưng Dật đến nay vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ, chính xác.
Trên cơ sở chắt lọc tư liệu người đi trước kết hợp nguồn sử liệu chính thống dựa trên nền tảng phương pháp luận Sử học Mácxit, tác giả tập trung làm rõ về thân thế, sự nghiệp Hồ Hưng Dật. Hy vọng có thể góp thêm nguồn tư liệu tin cậy để làm rõ hơn về Trạng nguyên Hồ Hưng Dật.
2. Một số điểm mở về thân thế, sự nghiệp Hồ Hưng Dật
Qua khảo cứu tư liệu cổ trung đại chính thống ở Việt Nam như: Đại Việt sử ký, An Nam chí lược, Đại Việt sử lược, Đại Việt sử kỳ toàn thư, Đại Nam nhất thống chí… thì phần ghi chép về Hồ Hưng Dật rất ít, thậm chí không có. Hiện tại, chỉ thấy công trình Đại Việt sử ký toàn thư có ghi ít dòng như sau: “Tổ trước là Hồ Hưng Dật vốn người Chiết Giang, đời Hậu Hán Ngũ Quý, sang làm Thái thú Diễn Châu, sau nhà ở hương Bào Đột châu ấy rồi làm trại chủ”[1].
Mãi sau này, đến đầu thế kỷ XIX, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch biên soạn công trình Nghệ An Ký mới đề cập đến ông nhân sự ghi chép về Hồ Tông Thốc như sau: “Tổ tiên ông là người Chiết Giang, vốn dòng dõi Hồ Hưng Dật làm quan Thái thú Diễn Châu thời Ngũ Quý Hậu Hán”[2].
Tại nhà thờ Hồ Hưng Dật, Hồ Tông Thốc được tu tạo năm 1395, ở cổng chính, mặt trước có khắc câu đối: “Chiết Giang thử địa Ngô Tiên thế - Hoan Diễn do tồn ức vạn niên”.
Đây là nguồn tư liệu gốc tương đối ít ỏi về Trạng nguyên Hồ Hưng Dật còn được lưu giữ đến ngày nay. Tuy nhiên, nó gợi mở nhiều cứ liệu quan trọng về ông. Trước hết, có thể xác định được Hồ Hưng Dật có nguồn gốc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Về thời điểm ông sang Việt Nam theo Đại Việt sử ký toàn thư là thời Hậu Hán (947 - 950). Mục đích ông sang Việt Nam ban đầu là làm quan Thái thú, cai quản Châu Diễn. Sau này, ông dựng nhà, định cư tại hương Bào Đột (Châu Diễn) rồi trở thành trại chủ vùng này.
Đây là thông tin ít ỏi về Hồ Hưng Dật nhưng cũng đặt ra không ít câu hỏi liên quan đến Ông. Có thể nêu một số vấn đề quan trọng là: Năm sinh và năm mất Hồ Hưng Dật? Những lý do Ông di cư và định cư ở Việt Nam? Ông sang làm quan bao lâu? Có công trạng như thế nào? Vai trò và đóng góp của Ông lúc đương thời? Dấu tích về Ông còn được lưu giữ?
Thực sự những vấn đề này đang là bí ẩn của lịch sử, bởi chưa có quan điểm nào trình bày thuyết phục và chính xác, logic. Ngay Đại việt sử ký toàn thư đưa ra quan điểm Hồ Hưng Dật sang làm quan Thái thú Châu Diễn thời Hậu Hán Ngũ Quý cũng là một nghi vấn. Bởi vì, thời Hậu Hán bắt đầu từ năm 947, kết thúc năm 950. Song, ở Việt Nam lúc này đã giành được quyền độc lập tự chủ, thoát ly ách đô hộ phương Bắc từ năm 907. Do đó, các triều đại phong kiến phương Bắc không có quyền cử quan lại bên Trung Hoa sang đảm nhận chức vụ trên lãnh thổ Việt Nam như trước. Năm 950, ở Việt Nam đang rơi vào cục diện loạn 12 sứ quân, tranh chấp quyết liệt giữa các phe. Trước tình thế lịch sử đó, không cho phép chấp nhận một viên quan từ phương Bắc sang cai quản một Châu, và chưa có sứ quân nào có thể đứng ra đảm nhiệm việc này.
Khoảng thời gian Hồ Hưng Dật di cư sang Việt Nam được xác định từ đầu thế kỷ X đến trước khi Đinh Bộ Lĩnh phất cờ dẹp loạn các sứ quân. Điều này dựa vào vào cơ sở Hồ Hưng Dật và Đinh Công Trứ có mối quan hệ bằng hữu thân quen. Riêng Đinh Công Trứ là cha Đinh Bộ Lĩnh, làm quan dưới trướng Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền (931 - 944). Đại Việt sử ký toàn thư cho biết Đinh Công Trứ làm quan cho nhà Ngô chưa được bao lâu thì mất (khoảng năm 940), lúc đó Đinh Bộ Lĩnh còn nhỏ tuổi. Do vậy, thời điểm muộn nhất Hồ Hưng Dật sang Việt Nam là năm 940.
3. Bối cảnh phương Bắc và Việt Nam đương thời
Cuối thế kỷ IX, thời vua Đường Hy Tông bùng nổ cuộc khởi nghĩa lớn do Hoàng Sào lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa đi đến hồi kết thất bại, nhưng các thế lực cát cứ ở Trung Hoa nhân cơ hội này gây nội chiến quyết liệt. Thế lực quan hoạn ngày càng lộng quyền. Đầu thế kỷ X, tên quyền thần Chu Ôn dẹp xong bọn quan hoạn và khống chế triều đình phong kiến nhà Đường.
Chu Ôn trước là tướng dưới quyền Hoàng Sào, tham gia nghĩa quân đến giai đoạn cuối thì đầu hàng nhà Đường, quay lưng cuộc khởi nghĩa. Y được vua Đường ban cho quyền cao chức trọng, dần xây dựng được thế lực quân phiệt hùng mạnh. Năm 905, Chu Ôn không ưa Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân Độc Cô Tổn do không cùng cánh, nên tìm cớ đưa ra đảo Hải Nam rồi trừ khử.
Nhân sự chính quyền đô hộ phương Bắc rối loạn, chưa kịp cử quan cai trị mới sang trấn nhậm, một hào trưởng người Việt có thế lực lớn lúc bấy giờ là Khúc Thừa Dụ huy động lực lượng chiếm lấy phủ thành Đại La, tự xưng Tiết độ sứ. Chu Ôn đang mưu cướp ngôi nhà Đường nên đã lấy danh vua Đường thừa nhận vùng đất Tĩnh hải quân (Bắc Việt Nam) do Khúc Thừa Dụ làm chủ. Từ đây, người Việt bắt đầu khôi phục được nền độc lập tự chủ bị đánh mất suốt hơn một ngàn năm qua.
Năm Đinh Mão (907), nhà Đường sụp đổ, nhà hậu Lương (907 - 925) do Chu Ôn đứng đầu nắm quyền cai trị, mở đầu thời Ngũ đại Thập quốc bên Trung Hoa. Trước đây, vì mới cướp ngôi nhà Đường trong lúc ở phương Bắc đang hết sức hỗn loạn nên Chu Ôn mới thừa nhận chức Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân do Khúc Thừa Dụ đứng đầu. Điều này nhằm tạm để yên vùng đất đô hộ phương Nam, để chính quyền Chu Ôn có thể rảnh tay tập trung đối phó với cục diện ở Trung Hoa. Nhưng qua năm sau (907), Chu Ôn phong cho Lưu Ẩn làm Nam Bình Vương, kiêm Tiết độ sứ Quảng Châu và kiêm cả Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ. Việc làm này thể hiện ý đồ người Trung Hoa muốn chiếm lại vùng đất An Nam làm quận huyện.
Tuy nhiên, nhờ tài cai trị vững vàng của cha con Khúc Thừa Dụ và Khúc Hạo mà hai anh em họ Lưu đứng đầu triều Hậu Lương là Lưu Ẩn và Lưu Nham không dám dòm ngó tới phương Nam. Năm 1917, Lưu Nghiễm tự xưng đế, lập quốc đặt hiệu là Nam Hán, cát cứ vùng Ngũ Lĩnh, không ngừng nuôi tham vọng bành trướng, giành quyền bá chủ và không thần phụ nhà Hậu Lương.
Cuối năm 1917, Khúc Hạo mất, con trai là Khúc Thừa Mỹ lên thay, chủ trương kết thân với nhà Hậu Lương. nên sai sứ sang bang giao, xin tiết việt nhà Hậu Lương. Vua Lương là Mạt đế Chu Hữu Trinh đang tập trung đối phó với các nước lớn mạnh ở Trung Hoa nên ban tiết việt và phong Khúc Thừa Mỹ làm Tiết độ sứ. Được sự hậu thuẫn từ nhà Hậu Lương, Khúc Thừa Mỹ ngày càng chủ quan, rồi cho rằng uy thế nhà Lương đang lấn át ở Trung Hoa có thể kìm kẹp và khống chế được Nam Hán ở Quảng Châu. Ông còn công khai gọi nước Nam Hán là “ngụy đình”.
Trung Hoa giai đoạn 907- 960 rơi vào cục diện các nước lớn nhỏ xưng hùng, xưng bá hỗn chiến lẫn nhau, sử gọi là thời Ngũ đại Thập quốc (Năm đời mười nước). Miền Bắc Trung Hoa trải qua 5 triều đại lớn nối tiếp nhau làm chủ là: Hậu Lương (907 - 923), Hậu Đường (923 - 935), Hậu Tấn (935 - 947), Hậu Hán (947 - 950) và Hậu Chu (951 - 960). Miền Nam Trung Hoa lần lượt thiết lập 9 nước chư hầu là: Tiền Thục, Ngô Việt, Mân, Ngô, Sở, Hậu Thục, Nam Đường, Nam Bình, Nam Hán và riêng Bắc Hán ở phía Bắc. Đáng chú ý là, Nam Hán tuy là một quốc gia thành lập muộn hơn (917) nhưng lớn mạnh nhanh chóng. Vài năm sau, Nam Hán gây chiến và giành quyền cai trị tạm thời quốc gia láng giềng là Ngô Việt.
Năm 923, triều đại trung ương Hậu Lương bị sụp đổ ở miền Bắc Trung Hoa, vua Nam Hán lấy cớ Khúc Thừa Mỹ lâu nay thần phục nhà Hậu Lương là phiền mà đưa quân sang đánh Tĩnh Hải Quân. Chính quyền họ Khúc ở An Nam không chống đỡ nổi lực lượng xâm lược hùng mạnh của Nam Hán. Khúc Hạo bị tướng Nam Hán là Lý Khắc Chính bắt đưa sang Phiên Ngung. Từ đây, chính quyền Nam Hán nhân cơ hội áp đặt ách cai trị ở Tĩnh Hải Quân, cắt cử nhiều quan lại, binh lính sang quản lý chính quyền An Nam. Giai Đoạn này, vua Nam Hán giao cho Lương Khắc Chính và Lý Tiến là hai tên cận thần thân tín sang làm Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân và giữ thành Đại La. Chính quyền Nam Hán còn nỗ lực xây dựng bộ máy thống trị mới của người Nam Hán trên toàn bộ lãnh thổ Tĩnh Hải quân.
Như vậy, Trong vòng chưa đầy 10 năm lập quốc (917 - 1923), Nam Hán trở thành một quốc gia lớn mạnh ở miền Nam Trung Hoa, xâm chiếm và cai trị hai quốc gia láng giềng tả hữu là Ngô Việt và Tĩnh Hải Quân. Tuy đang trên đà lớn mạnh, nhưng chính quyền Nam Hán chưa đủ lực lượng quan lại, tướng sĩ để cai trị và điều hành toàn bộ lãnh thổ mà quốc gia này đang thâu tóm được.
Mặt khác, Nhân dân vùng đất Tĩnh Hải quân có ý thức tự cường dân tộc rất cao, họ không chấp nhận ách đô hộ mới do nhà Nam Hán áp đặt. Quý tộc, hào trưởng người Việt cùng quan lại cũ nhà họ Khúc và đông đảo Nhân dân thường xuyên vùng dậy khỏi nghĩa, phản kháng quyết liệt. Tiêu biểu lúc bấy giờ có họ Kiều ở Phong Châu, họ Ngô ở Đường Lâm, họ Đinh ở Hoan Châu… đặc biệt là nghĩa quân do Dương Đình Nghệ đứng đầu. Ông là một hào trưởng có thế lực lớn ở vùng đất Ái Châu, là tướng cũ họ Khúc.
Trước tình thế đó, vua Nam Hán nói với quân tả hữu rằng: “dân Giao Chỉ hay làm loạn, chỉ nên ràng buộc (ki mi) mà thôi”[3]. Do đó, nhà vua phong tước vị và chấp nhận quyền lực của Dương Đình Nghệ hiện diện ở vùng đất Ái Châu. Mặc dù vậy, Lưu Nghiễm là vị vua đầy mưu lược và dã tâm, Ông ta không dễ dàng chấp nhận và để yên tình trạng nổi loạn ở Tĩnh Hải quân. Do đó, Lưu Nghiễm đề ra chính sách thâm độc “dùng người Bách Việt trị người Bách Việt”. Điều này nằm trong tham vọng thiết lập lại bộ máy thống trị Nam Hán trên toàn bộ lãnh thổ Tĩnh Hải Quân. Đồng thời, loại bỏ hoặc điều những người Bách Việt tài giỏi, yêu nước ở Ngô Việt đi nơi khác. Trên cơ sở đó, ngăn ngừa hậu họa nổi loạn và lật đổ ách cai trị của người Hán ở cả Ngô Việt và Tĩnh Hải Quân.
Đối với Tĩnh Hải Quân, triều đình Nam Hán đã tuyển chọn và cắt cử các quan lại, tướng sỹ đủ uy tín và năng lực ở Ngô Việt sang cai quản các vùng chiếm đóng. Ngô Việt là một tiểu quốc do người Bách Việt lập nên, gồm vùng đất Chiết Giang, Thượng Hải, phía Bắc Phúc Kiến và phía Nam Giang Tô. Trong số các quan lại, tướng sỹ ở Ngô Việt được nhà Nam Hán lựa chọn và điều xuống vùng đất phương Nam, có Trạng nguyên Hồ Hưng Dật.
Đến năm Tân Mão 931, lực lượng của Dương Đình Nghệ lớn mạnh, đặc biệt có hơn 3.000 con nuôi, đều là những kẻ nghĩa dũng và trung quân ái quốc. Mùa Đông năm đó, Dương Đình Nghệ dấy binh khôi phục quyền tự chủ hoàn toàn vùng đất Tĩnh Hải Quân. Lý Tiến biết chuyện, liền đem tin cấp báo sang nhà Nam Hán, rồi bị quân Dương Đình Nghệ vây thành Đại La. Lưu Nghiễm sai Thừa chỉ Trần Bảo sang giải cứu và đán áp cuộc nổi dậy. Trần Bảo đem quân đến liền bị Dương Đình Nghệ đón đánh và tiêu diệt. Nền độc lập tự chủ của nước ta được khôi phục hoàn toàn, chính quyền mới do Dương Đình Nghệ đứng đầu[4]. Từ đây, chính thức kết thúc sự hiện diện và cai trị của người phương Bắc trên đất nước ta. Đồng nghĩa là, từ năm 931, khi Dương Đình Nghệ lên nắm chính quyền, xưng là Tiết độ sứ, đóng đô ở La Thành thì người phương Bắc không thể cắt cử quan lại sang nhậm chức ở Tĩnh Hải Quân.
Trên cơ sở đó, chúng tôi nhận định Hồ Hưng Dật sang đảm nhiệm chức Thái thú Châu Diễn ở Tĩnh Hải Quân giai đoạn từ năm 924 đến năm 931. Về mục đích, ngoài việc sang nhận chức quan do nhà Nam Hán cắt cử thì tác giả sẽ làm rõ hơn ở phần tiếp.
4. Hiểu thêm về Trạng nguyên Hồ Hưng Dật
Quan điểm nhóm nghiên cứu họ Hồ cho rằng Hồ Hưng dật sinh đầu thế kỷ X, khoảng độ năm Đinh Mão 907. Hồ Hưng Dật là con cháu cụ Vi Mãn, người Mân Việt thuộc đại tộc Bách Việt[5]. Quê quán ở huyện Vũ Lâm, tỉnh Chiết Giang, nước Ngô Việt lúc bấy giờ. Cụ Vi Mãn làm quan lớn triều Ngô Việt, lập nhiều công lao nên được triều đình phong tước Hồ Công. Từ đó, các thế hệ nối tiếp lấy chữ “Hồ” đặt làm họ.
Sinh trưởng ở một gia đình nhiều đời khoa bảng, quan trường nên Hồ Hưng Dật từ nhỏ đã bộc lộ tư chất thông minh. Nhờ có 2 cơ sở nền tảng này kết hợp việc chăm lo đèn sách, Hồ Hưng Dật được phong Trạng nguyên khi còn rất trẻ. Là hậu duệ một gia đình, gia tộc quan chức, Hồ Hưng Dật sau đó được bổ nhiệm làm quan cho nhà nước Ngô Việt. Thời gian này vào khoảng độ trước năm 924, trước khi Ngô Việt bị Nam Hán xâm chiếm.
Sau khi thôn tính được Ngô Việt, với tham vọng bành trướng và giành ngôi bá chủ phía Nam Trung Hoa, nhà Nam Hán thực hiện nhiều chủ trương khác nhau, trong đó có chính sách “Dùng người Bách Việt trị người Bách Việt”. Họ tuyển lựa những người có học vấn, tài năng ở Ngô Việt để đưa sang cai quản vùng đất Tĩnh Hải Quân. Với danh tiếng, tài năng của mình, Hồ Hưng Dật sớm được chính quyền Nam Hán để ý đến và cắt cử sang làm quan Thái thủ ở Tĩnh Hải Quân.
Lúc này, Hồ Hưng Dật là Nho thần, am tường sách vở, văn hóa Trung Hoa và người Bách Việt nên hiểu được thời thế. Là di duệ tộc người Bách Việt, ông luôn tâm niệm về ý thức tộc người và trách nhiệm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước quá trình đồng hóa của người Hán. Ông nhận thấy nước Ngô Việt rồi sẽ sớm bị người Hán đồng hóa, không thể bảo vệ được nền độc lập tự cường và ý thức dân tộc. Trong số các lãnh thổ người Bách Việt lúc bấy giờ, Hồ Hưng Dật nhận thấy người Lạc Việt ở Tĩnh Hải Quân là có ý thức dân dộc và khát vọng, khả năng bảo vệ bản sắc văn hóa, quyền tự chủ dân tộc hơn cả.
Trên cơ sở đó, Hồ Hưng Dật chấp thuận sự cắt cử của chính quyền Nam Hán sang làm quan ở Tĩnh Hải Quân. Triều Nam Hán giao ông làm quan Châu Diễn - nơi biên địa cực nam Tĩnh Hải Quân còn nhằm mục đích coi ngó phía Nam (nước Chiêm Thành) và canh chừng phía Bắc (đặc biệt là sự hiện diện của Dương Đình Nghệ ở Ái Châu). Sang nước ta làm quan là mục đích ban đầu và chính danh nhất đối với Hồ Hưng Dật. Nhưng sâu xa hơn, ông muốn tìm đến chốn uyên thâm nhất của người Bạch Việt, thực hiện khát vọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tổ tiên người Việt.
Sang Tĩnh Hải Quân, Hồ Hưng Dật đảm nhiệm chức quan Thái thú Châu Diễn, trông coi và điều hành các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… Trong quá trình thực hiện chức trách của mình, với tâm niệm giúp đỡ đồng bào Bách Việt, Hồ Hưng Dật dốc sức đưa tâm và tài năng để làm nhiều việc mang đến lợi ích cho cư dân bản địa. Do vậy, ông nhận được sự kính mến từ Nhân dân Lạc Việt ở Châu Diễn và các vùng phụ cận.
Năm 931, Dương Đình Nghệ ở đất Ái Châu chỉ huy cuộc nổi dậy đánh đuổi người Nam Hán rồi chiếm lấy La Thành. Lúc này, Hồ Hưng Dật không phản kháng lại nghĩa quân theo đúng nghĩa là một vị quan đô hộ mà trái lại, Ông ủng hộ và góp sức cho nghĩa quân. Bởi vì, Hồ Hưng Dật luôn đề cao tinh thần thượng tôn dân tộc, bảo vệ bản sắc đại tộc Bách Việt. Ông sang đây làm quan cũng vì mục đích chính này, không vì mục đích trục lợi mà làm quan cho nhà Nam Hán.
Sang năm 932, Dương Đình Nghệ nhận thấy Hồ Hưng Dật là người có tâm, có tài, được lòng dân ở Châu Diễn, lại là người Bách Việt và có đóng góp cho thắng lợi chung. Bởi vậy, chính quyền mới do nhà họ Dương đứng lên làm chủ đánh giá cao vai trò Hồ Hưng Dật nên tiếp tục sử dụng Ông làm quan. Suốt quá trình kiến thiết và quản lý đất nước của nhà họ Dương, Hồ Hưng Dật được giao chức Thứ sử Diễn Châu, cùng với Đinh Công Trứ làm Thứ sử Hoan Châu, Ngô Quyền làm Thứ sử Châu Ái, Ngô Mân làm Thứ sử châu Đường Lâm…[6]
Năm 937, xảy ra một vụ án lịch sử vô tiền khoáng hậu trong triều họ Dương. Mùa xuân năm đó, một nha tướng thân cận Dương Đình Nghệ là Kiều Công Tiễn đã giết chủ để đoạt ngôi chúa đất Tĩnh Hải Quân. Kiều Công Tiễn lên làm Tiết độ sứ chưa được bao lâu thì phải đối mặt với nguy cơ vây đánh từ người con rể Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền. Ngô Quyền là thủ lĩnh có thế lực ở vùng đất Ái Châu (Thanh Hóa), có trong tay hàng nghìn nghĩa dũng cùng nhau kéo về La Thành để loại bỏ Kiều Công Tiễn.
Nhận được tin đó, Kiều Công Tiễn đã cùng với những kẻ đồng mưu rắp tâm cho người đưa vàng bạc sang cầu cứu vua Nam Hán, mở đường cho một cuộc chiến tranh xâm lược. Từ một kẻ phản chủ, nay Kiều Công Tiễn trở thành kẻ phản dân hại nước. Một bộ phận quan lại phương Bắc trước được họ Dương cất nhắc, sử dụng nhưng nhân cơ hội này ủng hộ Kiều Công Tiến, hòng làm nội ứng tiếp tay cho nhà Nam Hán tiến vào đánh chiếm nước ta.
Trước tình thế lịch sử nguy cấp, Ngô Quyền nhận được sự ủng hộ từ đông đảo Nhân dân, binh lính, quan lại khắp các châu, trong đó có lực lượng Châu Diễn của Hồ Hưng Dật. Trên cơ sở đó, ông nhanh chóng tiêu diệt được lực lượng nổi phản do Kiều Công Tiễn đứng đầu. Dẹp xong nội phản, Ngô Quyền có điều kiện để tập trung toàn lực cùng muôn dân trăm họ tiến hành cuộc chiến chống quân Nam Hán xâm lược.
Năm 938, Ngô Quyền cùng quân dân Tĩnh Hải Quân lập nên chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng, đập tan cuộc chiến tranh xâm lược từ Nam Hán. Đây là trận “vũ công cao cả, để lại đến ngàn thu”, khẳng định nghệ thuật quân sự của tổ tiên người Việt cả đánh bộ lẫn đánh thủy đã phát triển từ rất sớm.
Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, cai quản và điều hành chính sự, cắt đặt lại trăm quan và lễ phục triều nghi. Đặc biệt, Ngô Vương rất chú trọng việc cân nhắc, sử dụng quan chức không phải nguồn gốc bản địa. Nghĩa là các quan lại từ phương Bắc sang từ các thập kỷ trước, được chính quyền họ Khúc, họ Dương cất nhắc, sử dụng. Bởi vì, sau sự việc Kiều Công Tiễn và cuộc chiến chống Nam Hán xâm lược, không ít quan lại có nguồn gốc phương Bắc đã làm phản, làm nội gián, tiếp tay cho giặc xâm lược nước ta. Bởi vậy, khi cắt đặt lại các chức quan, Ngô Vương rất chú trọng việc này. Tuy sa thải nhiều quan lại gốc phía Bắc, song Ngô Vương là đấng quân vương giàu đức hiếu sinh nên mở đường để họ hồi hương về bản quốc, hoặc tạo điều kiện cho họ ở lại lập nghiệp. Vương còn xóa bỏ chức quan Thái thú đứng đầu các châu, quận do người phương Bắc đặt ra trước đây.
Trong quá trình đặt lại trăm quan, Ngô Quyền rất trọng dụng bá quan, tướng sĩ từng tham gia chống giặc, đánh giá rất cao tài đức và công lao của Hồ Hưng Dật. Bởi ông tiếp tục không ủng hộ quân Nam Hán (triều đại từng cắt cử ông sang phương Nam làm quan) mà còn cùng quân dân người Việt hết sức tham gia đánh giặc, bảo vệ bờ cõi phương Nam. Do vậy, Hồ Hưng Dật được cắt cử làm Thứ sử Châu Diễn. Đinh Công Trứ tiếp tục giữ chức Thứ sử Châu hoan, sang năm sau thì mất.
Được đấng minh quân làm chủ, thế và lực dân tộc ta thời nhà Ngô ngày một phát triển, nhà Nam Hán cũng khiếp đảm không dám dòm ngó phương Nam. Các nhà chép sử đời sau đều đánh giá rất cao tài năng và công lao bộ máy chính quyền do Ngô Quyền đứng đầu. Tiếc rằng, Ngô Quyền cai trị bách tính chưa được bao lâu thì đột ngột băng hà (năm 944), để lại cơ nghiệp còn dang dở.
Bi kịch của dòng họ Ngô trở thành thảm họa của dân tộc ta. Bởi nhân sự nhà Ngô suy yếu, các thế lực ở địa phương ngóc đầu dậy, chiêu binh mãi mã, xưng hùng xưng bá khắp nơi. Cuộc hỗn chiến giữa các dòng họ có thế lực ở địa phương đã đẩy cả dân tộc rơi vào cảnh binh đao, đầu rơi máu chảy khắp nơi, kéo dài từ năm 945 đến năm 968. Sử gọi là thời “loạn 12 sứ quân”.
Lúc bấy giờ, Hồ Hưng Dật không bằng lòng với thực trạng dân tộc nói chung, bi kịch dòng họ Ngô nói riêng. Đó là cảnh huynh đệ tương tàn, cậu cháu tranh chấp, hỗn chiến lẫn nhau. Dương Tam Kha, nhân lúc em rể Ngô Quyền (là chồng của em gái Dương Thị) mất đã tiếm ngôi. Điều này gây ra nhiều trận đánh không cân sức giữa Dương Tam Kha, Ngô Xương Văn với anh trai là Ngô Xương Ngập với cháu là Ngô Xương Xí.
Chứng kiến bi kịch lịch sử dân tộc và triều họ Ngô xâu xé, tranh giành quyết liệt như vậy, Hồ Hưng Dật đã treo ấn, từ quan với câu nói “vạn đại vi dân”. Về hương Bàu Đột (thuộc vùng đất Quỳnh Lưu và Yên Thành ngày nay), Ông cùng gia quyến dựng nhà, lập trang trại, cày ruộng. Hồ Hưng Dật đứng ra làm trại chủ, chiêu tập dân nghèo khổ, phiêu tán đến canh tác, giúp đỡ Nhân dân ổn định đời sống.
Là một vị quan tài đức, thanh liêm, thương dân có tiếng khắp các châu Hoan, Diễn, Ái nên một số sứ quân địa phương tìm đến nhờ cậy ông cố vấn, giúp sức cho cuộc chiến. Có thủ lĩnh một sứ quân từng tỏ ý mời Hồ Hưng Dật làm quân sư rằng: “Ở Châu Diễn, tôi nhận thấy tôn ông được mọi người tin yêu mến phục, sao dịp này tôn ông không đứng ra cứu dân giúp đời một phen?”. Hồ Hưng Dật chân thành tỏ rõ chính kiến: Người xưa có câu “một tướng thành công, hàng vạn xương cốt khô héo”. Kinh Thi còn ghi “lửa viêm Côn Cương, ngọc thạch câu phần”, nghĩa là lửa bốc cháy núi Côn Cương, ngọc đá đều bị đốt cháy cả. Tôi luôn nhận rõ dân là gốc của mọi thời đại, tôi chỉ muốn bá quan tướng sĩ hãy vạn đại vi dân (muôn đời vì dân). Đây cũng là điều mà tôi muốn căn dặn con cháu”.
Năm 951, Đinh Bộ Lĩnh, con trai Thứ sử Đinh Công Trứ là người bạn hữu với Hồ Hưng Dật dựng cờ dẹp loạn sứ quân tại Ninh Bình. Là một Nho thần uyên thâm, nhất là về Kinh dịch của đại tộc Bách Việt, Hồ Hưng Dật sớm nhận thấy Đinh Bộ Lĩnh là người sẽ nắm giữ ngôi chúa nước Việt. Hơn thế, đây sẽ là đấng minh quân, thương dân hết mực. Bởi vậy, từ khi Đinh Bộ Lĩnh tuyên chiến với các sứ quân năm 951 đến khi dẹp xong loạn nội chiến năm 968, Hồ Hưng Dật đã phò tá, hiến kế và giúp sức cho thủ lĩnh họ Đinh.
Ghi nhận công lao của Hồ Hưng Dật, sau khi lên ngôi lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, Đinh Bộ Lĩnh đã ban thưởng trọng hậu cho các tướng sỹ, có cả Hồ Hương Dật. Nhà vua tin tưởng giao phó cho Hồ Hưng Dật chức quan Trấn thủ Hoan Châu (vùng đất Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay). Khi phò tá nhà Đinh cho đến cuối đời, Hồ Hưng Dật tận tâm với triều đình, tận lực vì Nhân dân. Ông luôn chứng tỏ được bản thân là vị quan thanh liêm, đức độ và thương dân. Trước lúc tạ thế, Hồ Hưng Dật còn nhắc lại di huấn cho con cháu muôn đời là phải “vạn đại vi dân”, nghĩa là phải thương dân, vì dân và lấy dân làm gốc.
Bởi vậy, sau khi mất, Hồ Hưng Dật được Nhân dân kính ngưỡng và tôn thờ nhiều nơi. Triều đình phong kiến Việt Nam suy tôn Hồ Hưng Dật làm “Trung Đẳng Thần”. Ông được Nhân dân vùng đất xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An suy tôn làm Thành Hoàng làng, lập đền Cận, đền Thượng, đình Sừng để quanh năm hương khói. Năm 2004, Đình Sừng được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.
Sau này, con cháu hậu duệ họ Hồ còn rước bài vị Nguyên tổ Hồ Hưng Dật thờ phụng tại hàng trăm từ đường, nhà thờ khắp các địa phương nước ta. Tại Nghệ An, con cháu họ Hồ phát triển rất đông đúc, nhiều chi nhánh. Nguyên tổ Hồ Hưng Dật được thờ tự tại 3 địa điểm lớn là Đình Sừng, Đền Vua Hồ (Bào Đột, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu) và Nhà thờ họ Hồ Tam Công (xã Thọ Thành, huyện Yên Thành).
Kế thừa tài năng và đức độ Nguyên tổ Hồ Hưng Dật, hậu duệ họ Hồ nối đời về sau có nhiều người rất hiển đạt cả về quan trường và khoa bảng. Tiêu biểu là Hồ Thông, Hồ Hồng, Hồ Kha, Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, Hồ Thơm (Vua Quang Trung), Hồ Sỹ Dương, Hồ Sỹ Đống, Hồ Sỹ Tân, Hồ Phi Huyền, Hồ Tông Thốc…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại việt sử ký toàn thư, Trọn bộ, Nxb Thời đại.
2. Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Ngô Thế Long dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, H. 2007.
3. Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, Nxb Khoa học Xã hội, H. 2018.
4. Họ Hồ Việt Nam, Hồ Tông thế phả (Bản dịch), Lưu tại di tích nhà thờ họ Hồ, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, 2007.
5. Hồ Sỹ Giàng, Họ hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 1997.
6. Hồ Sỹ Giàng, Từ Thổ Đôi trang đến xã Quỳnh Đôi, Nxb Nghệ Tĩnh, 1988.
7. Nguyễn Quang Hồng (Chủ biên), Giáo trình Lịch sử Việt Nam cổ - trung đại, Nxb Đại học Vinh, 2019.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục, H. 1998.
9. Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, Tập I, Nxb Giáo dục, 2001.
10. Lê Tắc, An Nam chí lược, Nxb Thuận Hóa - Huế, 2013.
11. Tư Mã Thiên, Sử ký, Nxb Văn học - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 1999.
12. Hồ Tất Thắng, Đền Vua Hồ xưa và nay, Nxb Nghệ An, 2015.
13. Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An (1075 - 1919), Nxb Nghệ An, 2000.
14. Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Nxb Văn học, H. 1972.
[1]. Đại việt sử ký toàn thư, Trọn bộ, Nxb Thời đại, Tr. 430.
[2]. Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, Nxb Khoa học Xã hội, H. 2018, Tr. 269.
[3]. Đại việt sử ký toàn thư, Trọn bộ, Nxb Thời đại, Tr. 117.
[4]. Xem thêm: Đại việt sử ký toàn thư, Trọn bộ, Nxb Thời đại, Tr. 118; Nguyễn Quang Hồng (Chủ biên), Giáo trình Lịch sử Việt Nam cổ - trung đại, Nxb Đại học Vinh, 2019, Tr. 152 - 153.
[5]. Bách Việt là số ước lệ các tộc người Việt cổ. Thời đó có các tộc người Việt tiêu biểu là: Lạc Việt -
Giao Châu (Bắc Việt Nam ngày nay), Chiêm Việt, Điền Việt, Nam Việt, Âu Việt, Mân Việt, Ngô Việt, Đông Việt, Ư Việt.
[6]. Xem thêm: Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, Tập I, Nxb Giáo dục, 2001, Tr. 106.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528623
24
2275
2896
215319
0
114528623