Những góc nhìn Văn hoá

Hệ thống tượng thờ trong các ngôi chùa ở xứ Nghệ

Tượng phật được bài trí ở chùa Đức Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An. 

Ảnh: Quốc - Đàn

1. Đặt vấn đề

“Thanh cậy thế Nghệ cậy thần”, trong một cách hiểu, câu nói này ý chỉ mảnh đất Nghệ - Tĩnh/miền Hoan Châu xưa là đất của thần linh. Với bề dày lịch sử, xứ Nghệ là nơi phổ rộng của tín ngưỡng thờ nhân thần, tín ngưỡng dân gian và kể cả tín ngưỡng Phật giáo.

Từ những tài liệu văn bản và cứ liệu khảo cổ học, có thể khẳng định, muộn nhất Phật giáo đã xuất hiện và phát triển phồn thịnh ở Hoan Châu vào thế kỷ VII, với sự xuất hiện của nhiều danh lam, cổ tự, và nhiều vị danh tăng.

Dưới một giác độ khác, trong hàng ngàn năm từ thời Bắc thuộc đến những vương triều độc lập tự chủ của Đại Việt, xứ Nghệ luôn là vùng châu trại, là hậu cứ, là vùng biên viễn, phên dậu phương Nam. Qua sự sàng lọc và biến dưỡng trong suốt chiều dài lịch sử, miền đất này đã còn lại những gì là hành trang cốt yếu dưới góc nhìn văn hóa? Những gì từ trung tâm châu thổ sông Hồng đã lan tỏa và còn đọng lại trên mảnh đất phên dậu? Những gì là nội lực của miền đất này làm xung lực cho vùng đất trung tâm? v.v… Và dưới lăng kính Phật giáo, với tư cách như một biểu hiện của văn hóa tín ngưỡng, những pho tượng thờ, những mái chùa xứ Nghệ sẽ được nhìn nhận như thế nào trong tiến trình lịch sử dân tộc?

2. Về hệ thống tượng thờ trong một số ngôi chùa ở xứ Nghệ

Hệ thống tượng thờ trong các ngôi cổ tự chúng tôi tiến hành khảo sát cho thấy một sự tiếp nối rõ ràng của các dòng thiền Phật giáo có mặt trên vùng đất này[1]. Từ buổi ban sơ cho đến các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Càng dần về sau, Phật giáo càng được phát triển và dung hòa với các loại hình tín ngưỡng dân gian, tạo nên một bức khảm đa dạng qua hệ thống tượng thờ trong các ngôi chùa xứ Nghệ. Đặc biệt, từ triều Hậu Lê đến Nguyễn, nhất là dưới thời các vua Minh Mạng, Tự Đức, Phật giáo được chú trọng phát triển như một chiến lược nhân tâm, nên có thể nói rằng, trong giai đoạn này, chùa chiền được chủ trương xây dựng, song hành với hệ thống tượng thờ đa dạng, mang nhiều nét đặc trưng của nhiều tông phái. Bộ mặt Phật giáo vì thế cũng trở nên phong quang và chân dung những pho tượng thờ, ít nhiều mang đậm dấu ấn nghệ thuật Nguyễn.

Xu thế dung hòa “Tam giáo đồng nguyên” là một hiện tượng xuyên suốt trong lịch sử Đại Việt dưới thời quân chủ, có thể xem đây như một cách thức để bình ổn xã hội và cố kết nhân tâm. Đền miếu, Đạo quán, Chùa chiền trong trường hợp này là một tổ hợp gắn kết, không mấy tách biệt trong quan niệm tín ngưỡng dân gian của cộng đồng, trở thành một tổ hợp duy trì các mối quan hệ trong đời sống cộng đồng, đặc biệt trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo. Cũng chính vì thế, sau những biến cố xảy ra trong lịch sử, từng có thời gian, tất cả lại được quy về nhất thể, hoặc chùa chiền, hoặc đền miếu đơn phương tồn tại nhằm tiếp tục duy trì chức năng tín ngưỡng vốn có, và hệ thống tượng thờ cùng quy tụ trong một không gian thiêng, đáp ứng đầu đủ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng đa dạng của cư dân.

Tuy vậy, hiện tượng này cũng mang lại nhiều hệ lụy, ví như việc sáp nhập các chùa, đền, đình, miếu trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh kháng Pháp, đã làm cho việc phân định nguồn gốc các pho tượng thờ trong mỗi ngôi chùa cụ thể là rất khó khăn, và có thể, mang lại những nhận định sai lệch trong cách thức thiết trí tượng thờ.

Trong thời gian gần đây, với sự ủng hộ của chính quyền các cấp, Phật giáo Nghệ An dần được chấn hưng với việc thành lập Ban Trị sự, cung thỉnh chư Tăng, Ni về trú trì các tự viện, phục dựng, tôn tạo các chùa chiền, phát triển các đạo tràng tu tập, hoằng dương đạo pháp. Từ đó, Phật điện các ngôi chùa ngày càng được quan tâm với nhiều bộ Phật tượng được thiết trí bài bản, quy mô nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng. Thực tế cho thấy, trong những ngôi chùa xứ Nghệ hiện nay, ngoài hệ thống tượng đã có từ trước, nhiều pho tượng Phật mới được tạo tác làm tăng thêm tính đa dạng, và ngôi chùa trở thành một bảo tàng thu nhỏ, nơi lưu giữ nhiều hệ tượng khác nhau.

Phổ biến trong các ngôi chùa chúng tôi tiến hành khảo sát, tượng thờ chủ yếu tập trung vào thể loại tượng tròn với chất liệu gỗ (chiếm đa số với 144/153 tượng), ngoài ra, một số ít tượng được chế tác bằng chất liệu đá và kim loại.

Tượng Quan Âm Tống tử tại chùa Đức Sơn, huyện Nam Đàn. Ảnh Nguyễn Đạo

Trong hệ Phật tượng tạo tác bằng chất liệu gỗ, nổi bật nhất là bộ tượng Tam Thế, tượng Quan Âm thủ quyển, Quan Âm tống tử và tượng Thích Ca đản sanh với tán lá sen làm tàng lọng phía trên ở chùa Đức Sơn (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn) là những pho tượng độc đáo, rất có giá trị mỹ thuật, lẫn lịch sử - văn hóa[2].

Tiêu biểu cho hệ tượng cổ tạo tác bằng chất liệu đá là 06 pho tượng ở chùa Đạt (Chung Sơn Bảo Quang Tự, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) và 01 tượng ở chùa Đức Hậu (xã Nghi Đức, thành phố Vinh). Ngoài pho tượng Phật tạo tác trong tư thế kiết già, tay bắt ấn Thí vô úy được chạm khắc khá tinh xảo, đầu tượng tạo hình búi tóc chóp nhọn, khuôn mặt tròn, môi dày, sống mũi cao mang những ảnh hưởng của nghệ thuật Champa ở chùa Đạt, những pho tượng còn lại đều mang nét điển hình của dòng tượng thời Lê với kỹ thuật tạo tác khá đơn giản trên trang phục.

Tượng Thích Ca tại chùa Diệc, thành phố Vinh có niên đại khoảng thế kỳ XVII-XVIIIẢnh: Quốc - Đàn

Tượng Phật được tạo tác bằng chất liệu đồng khá ít ỏi. Trong mảng chất liệu này, nổi bật nhất là pho tượng Cửu Long và tượng Thích Ca của chùa Diệc (Diệc Cổ Tùng Lâm, phường Quang Trung, thành phố Vinh) có niên đại trong khoảng thế kỷ XVII - XVIII, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, ở chùa Đạt còn có 01 đầu tượng Quan Thế Âm bằng đồng. Đầu tượng này mang những đường nét ảnh hưởng của phong cách tượng Trung Hoa qua búi tóc và khuôn diện.

Không gian thờ tự có sự đan xen hoà trộn quan hệ Tam giáo ( Nho - Phật - Đạo) tại chùa Viên Quang, huyện Nam Đàn.

Lối phối thờ trong Phật điện ở các ngôi cổ tự trên địa bàn thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn thể hiện rõ chất Phật giáo dân gian hòa trộn trong mối quan hệ tam giáo (Nho - Phật - Đạo), lẫn các loại hình tín ngưỡng khác một cách tinh tế và uyển chuyển. Điều đó cho thấy rằng, trong quá trình tồn tại và phát triển ở xứ Nghệ, Phật giáo đã hình thành một dòng dân gian, song song với Phật giáo bác học với tinh thần nhập thế tích cực, tuy rằng, cả hai vẫn trên tinh thần, tôn chỉ, mục đích xuyên suốt của Phật giáo: Từ bi và Giải thoát. Nếu như Phật giáo bác học đi sâu vào tham cứu những triết lý cao siêu vô ngã, niết bàn hay thiền định để đạt đến cảnh giới chân như tịnh tịch; thì Phật giáo dân gian lại lấy từ bi làm tư tưởng chủ đạo, và luôn gắn liền với đời sống thường nhật của cộng đồng cư dân. Từ đây, Phật giáo đã dung hòa tích hợp với các tôn giáo, tín ngưỡng của người dân để làm phương tiện chuyển hóa đạo pháp của mình đến với tín đồ.

Xuất phát từ những quan niệm trên, Phật điện trong các ngôi chùa xứ Nghệ không chỉ thiết trí thờ Phật mà còn là một tổng thể bao gồm cả Bồ tát, Thánh thần, các quan, Thánh mẫu v.v…, theo kiểu thức thiết trí “tiền Thánh/Thần - hậu Phật”, hoặc “tiền Phật - hậu Thánh”. Đây là lối thiết trí đặc trưng của Phật giáo Bắc Bộ trong lịch sử. Phật điện trong các ngôi chùa được ví như một thế giới thanh bình, Phật Thích Ca Mâu Ni, các vị Bồ tát, Hộ pháp, Thập điện diêm vương v.v…, các vị Khổng Tử, Quan Công, Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu v.v…, cùng được phối thờ với lối kiến trúc “tiền điện - hậu chẩm”, phân bố theo một trật tự nhất định, tạo nên không gian Phật điện mang dáng dấp rất riêng và cũng rất đặc thù khi đối sánh với các vùng miền khác.

Các ngôi cổ tự chúng tôi tiến hành khảo sát có quy mô khiêm tốn, không mang kiểu dáng kiến trúc “nội công - ngoại quốc” hoành tráng như các đại danh lam ở khu vực châu thổ sông Hồng, nhưng vẫn bao gồm thượng điện, hậu tẩm và các đơn nguyên khác như nhà thờ tổ, chư hữu công v.v.., tạo thành một tổ hợp kiến trúc với không gian thiết trí thờ tự rõ ràng, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng.

Căn cứ trên tổ hợp kiến trúc, lối thiết trí thờ tự ở các ngôi cổ tự thường được phân chia thành ba không gian chính như:

[1]. Không gian tiền điện (thượng điện): thường là nơi thờ tượng Đức Ông, Đức Thánh hiền, tượng Hộ pháp.

[2]. Không gian phía trong (hậu tẩm): không gian thiết trí tượng thờ chính của ngôi chùa với nhiều hệ tượng khác nhau, không chỉ pháp tượng Phật giáo, mà còn là sự hỗn dung của Nho - Đạo - Mẫu, tạo thành một thế giới tâm linh, tín ngưỡng đa dạng và phong phú. Không gian này thường được chia thành nhiều cấp khác nhau, tạo thành ba đến bốn lớp từ cao đến thấp. Cao nhất là nơi thiết trí 03 pho tượng Tam thế Phật dần thấp xuống đến các vị Phật, Bồ tát và Thánh, Mẫu, v.v…

[3]. Không gian nhà thờ tổ, chư hữu công: khu vực thờ chư tổ và những người góp công của trùng hưng ngôi chùa trong lịch sử.

Từ trên mẫu thức chung của lối thiết trí tượng thờ như trên, có thể thấy một không gian điển hình ở chùa Đức Sơn (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn) với không gian bày trí ở Tiền điện gồm có 07 pho tượng cổ xếp thành hai án (án trên là bộ tượng Tam thế Phật, án dưới là 02 tượng Phật ở giữa và tượng Thánh hai bên). Ở hậu điện gồm có 20 pho tượng được bày trí thành bốn cấp và một án thờ phía trước. Trên cùng là bộ tượng Tam thế Phật, cấp thứ hai là Phật A Di Đà và 02 tượng Bồ tát, kế tiếp là bộ tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu; cấp cuối cùng là 02 tượng Quan Âm tống tử và tượng Thánh thủ quyển. Án phía trước thờ tượng Thích Ca đản sanh.

Có thể, do sự chi phối của nhiều nguyên nhân khác nhau mà lối bài trí thờ tự ở những ngôi cổ tự khác trên địa bàn huyện Hưng Nguyên và thành phố Vinh lại không giống như ở chùa Đức Sơn. Ở những ngôi chùa này, tượng thờ được bài trí trong không gian Phật điện chủ yếu là bộ tượng Tam thế Phật, Thích Ca, Di Đà, Chuẩn đề, Quan Âm và các vị Bồ tát. Một không gian khác được dành cho những pho tượng vốn có nguồn gốc từ những chùa, đền, miếu v.v… khác ở trong vùng được quy tập vào chùa. Bên cạnh đó, ý thức canh tân Phật giáo từ lối thiết trí thờ tự thông qua cách nhìn và nhận định của các vị sư trú trì đã mang đến sự điều chỉnh trong cách thức sắp xếp, bố trí tượng. Đặc biệt là ở các ngôi chùa mới, hoặc đang được trùng tu, tôn tạo, những thay đổi về không gian đã dẫn đến những thay đổi trong lối thiết trí, dù rằng, dáng dấp lối bày trí theo cách thức của Phật giáo Bắc bộ vẫn còn hiện hữu.

3. Thay lời kết

3.1 Nếu nhìn nhận ngôi chùa là nơi kết tụ tâm linh Phật giáo, thì pho tượng chính là thực thể hữu hình gắn kết với nhiều giá trị vô hình. Tượng thờ, ngoài việc phản ánh bản chất đức tin, tín ngưỡng, còn là phương tiện để nhận diện văn hóa vùng đất, quan niệm về nhân sinh thế giới của cộng đồng cư dân dưới lăng kính dân gian.

3.2 Nhìn chung, hệ thống tượng thờ ở các ngôi cổ tự xứ Nghệ mà chúng tôi khảo sát bao gồm nhiều thể loại khác nhau, từ tượng tròn, tượng đứng, đến tượng ngồi với những đường nét tả thực, mềm mại, đơn giản, nhưng không kém phần uy nghiêm. Tượng pháp không đồng nhất cùng một phong cách tạo tác, mà ở đó là sự sáng tạo trong lăng kính dân gian, qua đôi bàn tay tài hoa của người thợ, nên mỗi pho tượng đều mang một vẻ rất riêng từ khuôn diện đến phục sức, từ tư thế hình thể đến các nét chạm, khắc, vẽ tinh xảo và công phu trên y áo, phản ánh một truyền thống tạo tượng lâu đời của người Việt.

3.3 Trải qua nhiều biến động xã hội cùng nhiều biến cố lịch sử, có thể nói rằng, hệ thống Phật tượng ở các ngôi cổ tự thuộc các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên và thành phố Vinh hiện nay chỉ còn lưu lại những pho tượng thuộc giai đoạn từ cuối Hậu Lê cho đến nay. Trong giai đoạn này, phong cách nghệ thuật lẫn kỹ thuật tạo tác đa dạng, độc đáo của người thợ khi phát huy từ nền tảng văn hóa truyền thống cùng với việc tiếp nhận và biến dưỡng những ảnh hưởng của Phật giáo thời Minh - Thanh đã làm nên một nền nghệ thuật tạo hình đặc sắc. Phật điện trong những ngôi chùa không còn đơn điệu mà trở nên phồn tập, phản ánh sự tài hoa trong thủ pháp tạo hình, lẫn tư tưởng thấm nhuần triết lý Phật giáo của người thợ, dần dần tạo thành bản sắc Việt trong nghệ thuật tạo tượng.

 (* )Phân viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế.

Tài liệu tham khảo

  1. Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý - Trần mỹ thuật Phật giáo, Hà Nội: Nxb. Mỹ thuật.
  2. Chu Quang Trứ (2016), Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc, Hà Nội: Nxb. Mỹ thuật.
  3. Mạc Chấn Lương (2009), Tạc tượng Phật và kiến trúc chùa, Hà Nội: Nxb. Mỹ thuật.
  4. Nguyễn Phi Hoanh (1984), Mỹ thuật Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Tạ Quốc Khánh (2014), Một vài đặc điểm kiến trúc chùa ở Nghệ An, nguồn: https://kienviet.net/2014/10/10/mot-vai-dac-diem-kien-truc-chua-o-nghe-an/. Truy cập ngày 26/12/2019.
  6. Trang Thanh Hiền (2019), Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt, Hà Nội: Nxb. Hà Nội.

 


[1] Trong năm 2019, chúng tôi tiến hành khảo sát 12 ngôi chùa trên địa bàn huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên và thành phố Vinh.

- Huyện Nam Đàn: [1]. Chùa Đức Sơn (xã Vân Diên), [2]. Chùa Yển (xã Hồng Long), [3]. Di tích Nhạn Tháp (xã Hồng Long), [4]. Chùa Đạt (Chung Sơn Bảo Quang Tự, xã Kim Liên), [5]. Chùa Viên Quang (xã Nam Thanh), [6]. Chùa Vĩnh Phúc (xã Nam Xuân).

- Huyện Hưng Nguyên: [1]. Chùa Vong (Vĩnh Phúc Tự, xã Hưng Phú), [2]. Chùa Phúc Quang (xã Hưng Khánh), [3]. Chùa Chợ Hến (Hiển Phúc Tự, xã Hưng Yên Bắc).

- Thành phố Vinh: [1]. Chùa Diệc (Cổ Diệc Tùng Lâm, phường Quang Trung), [2]. Chùa Cần Linh (phường Cửa Nam), [3]. Chùa Đức Hậu (xã Nghi Đức).

[2] Tượng gỗ có số lượng nhiều nhất tập trung ở chùa Cần Linh (phường Cửa Nam, thành phố Vinh) với 45 tượng, chùa Đức Sơn (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn) có 34 tượng, chùa Phúc Quang (xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên) 20 tượng, chùa Vong (Vĩnh Phúc Tự, xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên) 16 tượng, chùa Yển (xã Hồng Long, huyện Nam Đàn) 13 tượng, chùa chợ Hến (Hiển Phúc Tự, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên) 08 tượng, chùa Đức Hậu (xã Nghi Đức, thành phố Vinh) 06 tượng.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528588

Hôm nay

2244

Hôm qua

2291

Tuần này

2861

Tháng này

215284

Tháng qua

0

Tất cả

114528588