Những góc nhìn Văn hoá

Bảo tồn di sản trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Hình ảnh Chùa Một Cột phục dựng theo công nghệ thực tế ảo do nhóm Sen Heritage thực hiện (Ảnh từ internet)

Khoa học công nghệ đã và đang trở thành yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Nó là phương tiện, là công cụ, vừa tạo ra cơ hội, vừa tạo ra thách thức cho quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Vậy nên, trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển khoa học công nghệ cũng cần gắn với các mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và ngược lại, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng cần gắn với các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát triển khoa học công nghệ tạo nền tảng để bảo tồn di sản văn hóa

Khoa học công nghệ hiện đại đã và đang tạo ra cơ sở nền tảng tích cực cho việc bảo tồn di sản văn hóa. Từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa đến xây dựng chương trình bảo tồn di sản văn hóa dựa vào khoa học công nghệ như số hóa các di sản văn hóa, xây dựng phần mềm quản lý di sản văn hóa ở các cấp độ khác nhau. Phổ biến phải kể đến một số ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo tồn di sản văn hóa đang được phổ biến hiện nay:

Thứ nhất là bảo tồn các di sản văn hóa bằng âm thanh với kỹ thuật ghi âm và số hóa các file ghi âm. Tất cả những câu chuyện, lời kể, bài hát, bài mo, đến những câu chuyện cuộc đời của mồi con người - như là những chứng nhân lịch sử của một cộng đồng, một dân tộc đã được khoa học công nghệ lưu giữ lại thay thế cho việc việc truyền miệng. Đương nhiên, từ thông tin đến tư liệu khoa học là những giai đoạn khác nhau và nguồn tư liệu nào cũng cần phải được kiểm chứng khi sử dụng. Nhưng việc ghi lại âm thanh của các chứng nhân cũng có những giá trị nhất định. Những bài hát, bài cúng đến những câu chuyện qua những lời kể được ghi âm và lưu giữ lại một cách cẩn thận là một cách bảo tồn di sản văn hóa. Ví dụ như việc ghi âm các bộ sử thi của các dân tộc ở Tây Nguyên. Trước đây, sử thi được các già làng kể lại và truyền nhau qua lời kể. Có những người kể rất hay và được cộng đồng ngưỡng mộ. Có những đêm người ta say sưa nghe kể sử thi quên cả thời gian. Nhưng cách kể đó chỉ được thể hiện gắn với sự sống và sức khỏe của người kể. Khi người kể già yếu và qua đời thì nó cũng mất theo. Nhưng nhiều năm qua, với việc sử dụng kỹ thuật ghi âm thì hầu hết các bộ sử thi của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã được ghi âm lại và số hóa để lưu giữ cẩn thận. Đây là nguồn tư liệu quan trọng cho nhiều nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực tiếp cận khi muốn nghiên cứu về các dân tộc ở Tây Nguyên.

 Tiết mục múa Khèn của người Mông, huyện Tương Dương, Nghệ An

Thứ hai là kỹ thuật chụp ảnh và công nghệ số hóa tài liệu hình ảnh. Và trong xã hội hiện đại thì hình ảnh luôn gắn với âm thanh. Những thước phim tư liệu về di sản văn hóa đã được nhiều cộng đồng chia sẻ. Những điệu múa, bài hát, những lễ hội phức tạp mà trước đây, việc lưu giữ lại trở nên khó khăn thì với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc quay lại cả hình ảnh lẫn âm thanh những di sản văn hóa này ngày càng trở nên dễ dàng hơn nhiều. Những bức ảnh luôn có những giá trị lịch sử to lớn. Trên thế giới đã hình thành và đang ngày càng phổ biến về việc phân tích các hình ảnh tư liệu để nghiên cứu về lịch sử văn hóa cũng như các mối quan hệ và sự biến đổi giữa các nền văn hóa với nhau. Trong ngành nhân học thì đó là ngành nhân học hình ảnh. Qua những hình ảnh khác nhau về các sự kiện văn hóa, xã hội, người ta phân tích các yếu tố liên quan để tìm ra các mối liên hệ giữa các nền văn hóa. Với các tộc người, các nhà nghiên cứu về hình ảnh cũng qua những tư liệu để tìm hiểu về các yếu tố văn hóa đặc trưng. Như việc phân tích các bức ảnh qua các giai đoạn khác nhau để tìm hiểu về về trang phục và sự biến đổi của trang phục, về phong tục tập quán của các cộng đồng…. Ngày nay, việc quay phim trở nên phổ biến hơn và bằng cả hình ảnh sống động lẫn âm thanh, nhưng ảnh chụp vẫn có giá trị nhất định. Còn với việc quay phim, các lễ hội, các nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc thiểu số đang ngày càng được lưu giữ lại. Có nhiều yếu tố văn hóa của một số cộng đồng thực chất giờ chỉ được thấy qua các phim ảnh tư liệu. Điều đó cho thấy giá trị của khoa học kỹ thuật trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Nhưng trong việc này cũng cần chú ý để hạn chế việc sân khấu hóa các giá trị văn hóa, nhất là trong nghệ thuật biểu diễn. Phải cố gắng giữ được cái gốc của nó là hoạt động văn hóa cộng đồng, gắn với cuộc sống của cộng đồng chủ thể.

Nghệ thuật biểu diễn của người Thổ ở xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An

Thứ ba là vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu làm nền tảng để bảo tồn di sản văn hóa. Đây là xu hướng phổ biến trên thế giới. Với các nước phát triển thì việc này đã được thực hiện nhiều thập kỷ qua. Những di sản văn hóa nổi tiếng hầu hết đều đã được số hóa và được đưa vào bảo quản trong các cơ sở dữ liệu số. Còn hiện vật cụ thể sử dụng trong các dịp quan trọng khi cần thiết về sự trực quan. Thậm chí, có nhiều di sản văn hóa được số hóa một cách sống động “hơn cả hiện thực” bằng công nghệ 3D, 4D hay 5D…. Ở nước ta, đang triển khai nhiều đề tài về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn hóa tộc người. Đây là những nghiên cứu trọng điểm trong việc số hóa các di sản văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa qua cơ sở dữ liệu. Một thực tế chứng minh cho việc vận dụng khoa học công nghệ vào việc bảo tồn di sản văn hóa tộc người.

Phát triển khoa học công nghệ để phát huy giá trị di sản văn hóa

Khoa học công nghệ không chỉ là nền tảng cho việc bảo tồn di sản văn mà còn là yếu tố quan trọng trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay. Điều này thể hiện trên hai phương diện:

Thứ nhất, khoa học công nghệ giúp cho việc quảng bá các di sản văn hóa tộc người trở nên rộng rãi hơn, sinh động hơn và thu hút được nhiều người quan tâm hơn. Người ta có thể ngồi ở thành phố Vinh để thưởng thức một điệu múa nhảy sạp của người Thái ở miền núi Tương Dương hay Quế Phong vốn cách xa hàng trăm cây số, hay thưởng thức một điệu nhảy thổi khèn của người Mông ở huyện Kỳ Sơn. Bản thân những người dân tộc thiểu số cũng có thể xem lại những lễ hội, những nghệ thuật biểu diễn của mình qua hình ảnh khi mà sự kiện đó đã đi qua. Bên cạnh đó, qua các kênh thông tin, những người trong cuộc, là chủ thể của các di sản văn hóa với những người ngoài cuộc cũng có những tương tác với nhau qua những bình luận, chia sẻ của nhiều người.

Thứ hai, khoa học công nghệ tạo điều kiện để biến các giá trị di sản văn hóa thành các loại hàng hóa và được đưa ra thị trường. Đó chính là nội dung quan trọng mà được nhiều người biết đến với thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” và “kinh tế di sản”. Đây là những biểu hiện của việc sử dụng khoa học công nghệ vào quá trình thương mại hóa văn hóa. Đặc biệt là quá trình thương mại hóa tri thức dân gian của các cộng đồng. Hàng loạt các sản phẩm hàng hóa từ các tri thức dân gian được sử dụng khoa học công nghệ để chiết xuất và đưa ra thị trường. Đó là các loại dược liệu, là sản phẩm nông nghiệp truyền thống,... Phổ biến nhất chính là các sản phẩm thực phẩm chức năng, nước ngọt,… Cùng thương mại hóa tri thức dân gian nhưng nếu so sánh việc vận dụng khoa học công nghệ và không sử dụng thì hiệu quả hoàn toàn khác nhau. Ví dụ; nhóm người Nùng từ Cao Bằng di cư vào sinh sống tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông cũng lấy việc đi lấy dược liệu để bán làm kế mưu sinh. Họ sử dụng những tri thức dân gian về y học của mình để đi khai thác các dược liệu và đem bán cho các thương lái. Những người có hiểu biết về y học cổ truyền đã đi lên các vùng rừng núi gần đó để kiếm các loại cây thuốc như cây sâm đá, linh chi, hà thủ ô, huyết giác, củ bình vôi, cây lá gai... Họ xử lý ban đầu rồi gom lại để đi bán cho những người đi buôn. Hiện nay, nhiều người không chỉ đi lấy cây thuốc mà còn đứng ra gom cây thuốc từ nhiều hộ gia đình rồi mang ra ngoài Bắc bán, có khi họ còn bán qua bên Trung Quốc. Và thu nhập từ việc khai thác cây thuốc cũng trở thành một phần quan trọng đối với những người Nùng ở đây. Nhưng mà hiệu quả kinh tế cũng như thu nhập thì không thể so với việc thương mại hóa tri thức dân gian qua việc vận dụng khoa học công nghệ, như trường hợp nhóm người Thái ở Chi Khê, cách nhóm người Nùng trên không xa. Ở đây, người dân không chỉ khai thác tự nhiên mà con phát triển việc trồng cây dược liệu. Từ những tri thức dân gian về các cây dược liệu, người dân hợp tác với Công ty cổ phần Dịch vụ khoa học công nghệ Nông nghiệp Thành An tiến hành trồng hàng chục ha cây cà gai leo và cây dây thìa canh. Sau khi thu hoạch được công ty thu mua và chế biến thành các loại sản phẩm như trà dược liệu, trà túi lộc và các loại thuốc giải độc gan từ cà gai leo. Nguồn thu từ việc trồng những loại cây dược liệu này có thể đem về cho người sản xuất trên dưới 100 triệu đồng/ha/năm. Điều đó cho thấy việc sử dụng khoa học công nghệ vào thương mại hóa tri thức dân gian tạo ra giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần.

Nói tóm lại, việc vận dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là vô cùng quan trọng. Nhờ khoa học công nghệ nhiều giá trị văn hóa ngày càng phổ biến và được nhiều cộng đồng đón nhận. Nó cũng tạo ra tâm lý tự tôn cho chính chủ thể của các nền văn hóa, giúp họ vươn lên mạnh mẽ hơn trong quá trình phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật và tinh thần cho người dân. Qua đó nâng cao ý thức về việc bảo tồn văn hóa truyền thống cho các cộng đồng chủ thể. Nhưng mặt khác, cũng cần phải nhận thức được rằng, việc vận dụng khoa học công nghệ vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cũng đẩy nhanh hơn quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa và làm cho các nền văn hóa biến đổi nhanh chóng hơn. Nếu không đủ bản lĩnh, không có phương pháp thực hiện và quản lý phù hợp thì cũng dễ đẩy các di sản văn hóa vào con đường mai một và mất mát./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528487

Hôm nay

2143

Hôm qua

2291

Tuần này

2760

Tháng này

215183

Tháng qua

0

Tất cả

114528487