Xứ Nghệ ngày nay
Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp – người lưu giữ Kho tàng dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào Thái huyện Con Cuông
Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đam mê nghệ thuật, được thừa hưởng giọng hát dân ca say đắm lòng người của mẹ và tiếng khèn trong trẻo của cha, ông Lương Văn Nghiệp ở bản Cằng - xã Môn Sơn - huyện Con Cuông đã sớm phát huy được tài năng “thiên phú” của mình. Chính vì vậy, ông đã trở thành “kho tàng” lưu giữ dân ca, dân nhạc, dân vũ lớn nhất của đồng bào dân tộc Thái tại huyện Con Cuông, Nghệ An.
Mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng ông Nghiệp vẫn mải miết ngày đêm tìm tòi và chế tạo ra những cây đàn tập tinh, cây khèn bè, xò lò hay những chiếc tăng bu… để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Với niềm đam mê đó, ông đã truyền dạy cho rất nhiều thế hệ thanh niên trong làng biết chơi nhạc cụ, biết Lăm, Khắp, Ru… trong mỗi dịp lễ hội của bản làng. Những bài hát đồng giao mà các em nhỏ thường hát mỗi đêm trăng rằm cũng nhờ ông sưu tầm mà có.
Ông Nghiệp nhớ lại, thuở nhỏ, Nghiệp thường được cha và anh trai dạy cho cách chơi pí ăng, đàn tính, khèn bè, tăng bu… Là người có niềm đam mê học hỏi và năng khiếu âm nhạc nên chỉ một thời gian ngắn, tiếng khèn của Nghiệp đã mượt hơn, cái tay chơi đàn tính đã nhuần nhuyễn hơn và đặc biệt Nghiệp đã biết dùng tiếng khèn để đệm cho những màn hát dân ca đằm thắm. Nghiệp có thể hát mọi lúc mọi nơi, lúc lên nương lấy củi, khi xuống suối lấy nước hay ngồi sưởi ấm bên bếp lửa mùa đông tâm sự cùng bạn gái. Bất cứ ở đâu, tiếng hát của Nghiệp cũng cất lên trong trẻo như tiếng suối trong rừng. Thời đó, tiếng khèn, tiếng đàn và giọng hát dân ca của Nghiệp luôn có một sức hút kỳ lạ làm xao xuyến và lay động được trái tim của nhiều cô gái trẻ.
Sau khi lập gia đình, cuộc sống ngày càng bận rộn hơn nhưng ông Nghiệp vẫn dành thời gian đặc biệt cho những nhạc cụ và làn điệu dân ca… Trong những đêm thanh vắng hay hội làng, người dân bản Cằng đều được thưởng thức tiếng khèn, tiếng hát say đắm lòng người của ông. Lâu lâu khi không được nghe tiếng hát ông Nghiệp, người ta lại thấy nhớ, thấy khắc khoải và chờ đợi như chờ một niềm vui của cuộc sống.
Vốn yêu thích hoạt động văn hóa, văn nghệ và có sở trường trong việc sưu tầm, sáng tác, dàn dựng các chương trình ca múa nhạc dân gian nên ông Nghiệp đã tham gia nhiều hội thi văn nghệ của huyện, tỉnh và đạt kết quả cao. Ngoài ra, ông còn tự sáng chế ra các nhạc cụ dân tộc như: pí ăng, xò lò, đàn tập tinh, tăng bu…và có nhiều tác phẩm sáng tác được giải trong nhiều đợt tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen và Liên hoan Đàn và Hát dân ca các dân tộc miền núi Nghệ An.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao thì việc mở rộng giao lưu trên tất cả các lĩnh vực đều xảy ra kể cả âm nhạc. Nhiều thanh niên dân tộc Thái đã không còn đam mê âm nhạc, dân ca dân tộc mình thậm chí còn không biết hát, biết múa điệu múa dân tộc .
Nhận thấy rõ nguy cơ mai một của nền dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc mình, ông Lương Văn Nghiệp đã trăn trở và nhiều năm tìm cách bảo tồn, gìn giữ. Năm 2009, ông đã tham gia lớp truyền dạy Ca - Múa - Nhạc do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông và đã đào tạo được 26 học viên. Đây là một con số không nhỏ góp phần vào việc bảo tồn nền dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào mình.
Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng tháng 5 năm 2010, ông Nghiệp vẫn mạnh dạn đứng ra thành lập câu lạc bộ Dân ca dân tộc Thái tại bản Cằng. Ngày đầu mới thành lập, câu lạc bộ chỉ có vỏn vẹn 14 người nhưng đến nay số nghệ nhân đã lên tới gần 50 người. Họ là lực lượng nòng cốt thường xuyên tham gia biểu diễn trong các sự kiện văn hóa của xã, huyện, tỉnh, các cuộc thi và đạt giải cao.
Câu lạc bộ Dân nhạc dân vũ do Nghệ nhân Lương văn nghiệp thành lập.
Phát huy truyền thống của gia đình và thừa hưởng giọng hát dân ca ngọt ngào của ông nội, cháu Lương Thị Thu Hoài (SN 2006) đã tham gia “Hội diễn nghệ thuật quần chúng các dân tộc thiểu số năm 2014” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Nghệ An tổ chức đạt giải B. Đó không những là niềm tự hào mà còn là động lực để ông tiếp tục công cuộc bảo tồn và gìn giữ những bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong những năm gần đây, cháu Hoài luôn đứng đầu về thành tích học tập tại nhà trường và luôn đi đầu trong các hoạt động văn nghệ ở lớp cũng như tham gia biểu diễn tại các hội thi, hội diễn cho nhà trường và các ban, ngành tổ chức.
Từ sự cố gắng không ngừng nghỉ đối với việc lưu giữ vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào dân tộc mình, ông Lương Văn Nghiệp đã đạt được những thành tích xuất sắc được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Cụ thể: Năm 1996, ông được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An tặng bằng khen về việc “Đã có nhiều tác phẩm đạt giải trong Liên hoan văn hóa các dân tộc” nhân Ngày hội Biên phòng toàn dân 03 tháng 3 năm 1996; Năm 1999, được UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen về việc “Đã có nhiều thành tích trong công tác Văn hóa - Thông tin vùng miền núi và đồng bào các dân tộc tiểu số 1991-1999”; Năm 2009, được Viện trưởng Viện Âm nhạc Trung ương tặng giấy khen về việc “Đã có thành tích đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Thái”; Năm 2013, được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An tặng giấy khen về việc “Có nhiều thành tích trong mười năm thực hiện chương trình phối hợp giữa ngành VHTT và Bộ đội Biên phòng năm 2003 - 2013”; Năm 2013, được BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An tặng bằng khen về việc “Đạt thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết TW5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Năm 2015, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. Đây là giải thưởng cao quý nhất mà ông được nhận. Là niềm vui, niềm hạnh phúc của bản thân nói riêng và bà con huyện Con Cuông nói chung. Là động lực để ông tiếp tục phấn đấu và cống hiến cho nền dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc mình.
Từ năm 2016 - 2022, ông tiếp tục truyền dạy cho các thế hệ học viên của huyện Con Cuông về cách chế tác cũng như sử dụng nhạc cụ dân tộc. Tính đến thời điểm hiện nay, số học viên biết sử dụng nhạc cụ và hát dân ca đã lên đến con số hơn 200 người. Đó là một con số không hề nhỏ đối với huyện nhà Con Cuông. Chính vì lẽ đó mà nhiều năm liền ông được Chủ tịch UBND huyện Con Cuông tặng giấy khen “Có nhiều thành tích xuất sắc trong bảo tồn dân ca, dân nhạc, dân vũ dân tộc Thái” và “Sáng tác nhiều tác phẩm hay trong Hội diễn Nghệ thuật quần chúng” ;
Với những nỗ lực của bản thân, sự động viên khích lệ của gia đình, của bà con dân bản, ông Nghiệp đã tạo dựng cho mình một nền tảng văn nghệ phong phú, đa dạng đồng thời trao truyền được rất nhiều giá trị nghệ thuật cho nhiều thế hệ con cháu đồng bào dân tộc Thái. Ông xứng đáng được coi là “kho tàng” nghệ thuật của đồng bào Thái huyện Con Cuông./.
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511599
2262
2336
21973
218472
121356
114511599