Diễn đàn

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Đang có một thời cơ mới để điện ảnh Việt Nam phục hưng

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú trả lời báo chí. (nguồn ảnh intenet)

Hội Điện ảnh Việt Nam - tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp của người làm công tác điện ảnh và làm phim truyền hình toàn quốc, được thành lập và hoạt động trên phạm vi cả nước từ năm 1970. Đến nay, Hội có tổng số 1.867 hội viên sinh hoạt trong hệ thống 39 chi hội cơ sở trên cả nước. Hiện nay, hội viên của Hội đang đóng vai trò chủ lực trong hoạt động sáng tác tại các cơ sở sản xuất phim, các đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương.

Văn hóa Thể thao Nghệ An đã có buổi phỏng vấn PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam về Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam từ góc độ hoạt động của hội.

VHTTNA: Mở đầu câu chuyện mà nói về khó khăn, có nên không?

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú:Khó khăn là thuộc tính chung của toàn cầu và toàn nhân loại mà. Cả năm 2021 và đầu 2022 đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiếp tục gây hậu quả nghiêm trọng lên mọi mặt đời sống xã hội. Theo đó, hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật trong đó có điện ảnh đã hứng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Do chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các hội VHNT chưa được luật hóa khiến các hội còn thiếu hành lang pháp lý chính thức để triển khai chức năng, nhiệm vụ và phát huy hiệu quả vai trò của mình. Nguồn ngân sách thường xuyên cấp cho Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (VHNT) và các hội VHNT chuyên ngành Trung ương khá hạn chế và chủ yếu để duy trì bộ máy tại cơ quan Trung ương Hội mà không có nguồn chi cho các chi hội cơ sở. Kinh phí hỗ trợ sáng tác chỉ mang tính động viên phong trào trong khi các công đoạn của hoạt động sản xuất phim (để tạo nên tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình) không thuộc đối tượng được hỗ trợ.Việc sử dụng nguồn hỗ trợ sáng tác của Nhà nước cho Hội vẫn chưa đạt hiệu quả cao vì lý do cơ chế giới hạn chỉ ở mức hỗ trợ ban đầu cho các tác giả kịch bản, trong khi các thành phần khác tham gia làm nên tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình hoàn chỉnh không thuộc đối tượng được hỗ trợ; Công tác chăm lo hội viên, hỗ trợ tài chính cho các chi hội và ban chuyên môn bị hạn chế do Trung ương Hội không có nguồn chi. Các hoạt động của Hội mang tính đặc thù nghề nghiệp và chủ yếu phi lợi nhuận nên không dễ xã hội hóa khiến công tác xã hội hóa gặp khó khăn và chưa đạt mục tiêu mong muốn. Mặc dù thời gian qua, Hội đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động nghiệp vụ mang tính nghề nghiệp cao cho hội viên như mở các khóa bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ do chuyên gia nước ngoài giảng dạy, các lớp tập huấn làm phim..., nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ sở, chưa tác động nhiều đến việc nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác để góp phần làm nên những tác phẩm đỉnh cao. Việc thực hiện vai trò phản biện, giám sát xã hội của hội vẫn chưa đạt hiệu quả tích cực vì vẫn thiếu cơ chế phối hợp với cơ quan quản lý ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ sự nghiệp chung…

VHTTNA: Đúng thực là khó khăn. Rất nhiều hy vọng, phấn khởi được mở ra sau Hội nghị Văn hóa Toàn quốc ngày 24 tháng 11 năm 2021.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú:Tôi rất ấn tượng khi nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích: “văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa...). Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Với tầm nhìn đó, chúng ta có quyền hy vọng văn hóa, văn học nghệ thuật chắc chắn sẽ được quan tâm, ưu ái hơn, có điều kiện phát triển thuận lợi hơn.

VHTTNA:Để phát triển nền văn hóa dân tộc trong giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khi định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đã: xác định: “phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”để “Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”... Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua cũng đã khẳng định lại quan điểm trên của Đảng nhằm chấn hưng văn hóa dân tộc.

Với tư cách là một nghệ sỹ, một người có trách nhiệm của Hội Điện ảnh, ông dự đoán những chủ trương này sẽ tác động đến chiến lược phát triển điện ảnh như thế nào?

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú:Tôi nghĩ đang có một thời cơ mới để điện ảnh Việt Nam phục hưng. Nói đến chiến lược là nói đến tầm nhìn. Tầm nhìn chiến lược điện ảnh không thể tách rời tầm nhìn của chiến lược chấn hưng văn hóa dân tộc mà Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua đã xác quyết.

Vấn đề còn lại là cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu trên như thế nào để có kết quả, hiệu quả tốt nhất, có giá trị nhất.

Đối với Hội Điện ảnh, tôi nghĩ phải phát huy mạnh mẽ hơn chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực hoạt động điện ảnh, gắn bó hơn với các cơ quan, tổ chức điện ảnh, truyền hình, với đội ngũ nghệ sỹ để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Vào đầu năm nay, Chính phủ tiếp tục đầu tư kinh phí cho Đề án hỗ trợ hoạt động sáng tạo và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí chất lượng cao của các Hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Đây là tin đáng vui mừng.

VHTTNA: Và… Hội Điện ảnh đã làm gì để hiện thực hóa những chủ trương, nghị quyết quan trọng này?

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú:Hội Điện ảnh đã tham gia giải quyết các vấn đề của sự nghiệp văn hóa - văn nghệ; Tích cực đóng góp ý kiến trong quá trình soạn thảo Luật Điện ảnh (bổ sung, sửa đổi), “Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020 - Tầm nhìn đến 2030”, Quy định phân loại phim chiếu rạp theo độ tuổi; Cử đại diện tham gia các Hội đồng duyệt kịch bản, duyệt phim quốc gia, xét tặng danh hiệu, giải thưởng nghề nghiệp và ban chỉ đạo, ban tổ chức các kỳ Liên hoan phim Quốc gia, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội... Hội Điện ảnh luôn sẵn sàng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến sáng tác và hoạt động phát triển sự nghiệp điện ảnh. Hội tiến hành các hoạt động hỗ trợ sáng tác, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác, nâng cao tính chuyên nghiệp hóa trong sáng tạo điện ảnh.

Hội tiếp tục tập hợp, đoàn kết và phát triển đội ngũ người làm phim trong tình hình mới. Các nghệ sỹ ở các chi hội đã có nhiều nỗ lực sáng tạo và đạt thành tích tốt trong các kỳ Liên hoan phim Quốc gia, Giải thưởng Cánh diều và Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc. Hội viên Chi hội Điện ảnh Lạng Sơn và Điện ảnh Tây Nguyên vượt lên khó khăn chung của công tác phổ biến - phát hành phim hiện nay đã tổ chức hàng chục ngàn suất chiếu rạp, buổi chiếu lưu động phục vụ hàng trăm nghìn lượt khán giả, đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa qua đó góp phần xóa "vùng trắng văn hóa" trên địa bàn...

1c. in nh1

Bộ phim " Thương ngày nắng về" được chiếu trên VTV3 

VHTTNA: Liệu có những dự báo gì trước những nhân tố tác động tới hoạt động của điện ảnh hiện nay?

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú:Kinh tế thị trường, toàn cầu hóa đã và đang có tác động rất lớn, tích cực và tiêu cực, đến sự tồn tại và phát triển của văn học nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Về tiêu cực, đó là việc chạy theo kinh tế thị trường - tức chiều theo thị hiếu người tiếp nhận - nhất là giới trẻ, đã khiến một số tác phẩm thể hiện cái nhìn lệch lạc, dung tục về cuộc sống, xa rời những giá trị truyền thống và cốt lõi như thiên chức vốn dĩ của văn học nghệ thuật. Điều này cũng gây khó cho công tác định hướng sáng tác. Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến không chỉ cơ hội mà cả những thách thức không nhỏ, đặc biệt từ góc độ hiệu ứng tác động tư tưởng khi công nghệ số mở toang cánh cửa cho con người tự do tiếp cận muôn ngả của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong không gian mở và đa chiều ấy, đặc biệt trong môi trường văn học nghệ thuật, đòi hỏi đội ngũ nghệ sỹ phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm công dân, lương tâm, đạo đức cùng tài năng, tâm huyết. Trách nhiệm của hội điện ảnh là tiếp tục khơi nguồn, cỗ vũ tài năng sáng tạo của các nghệ sỹ để có những tác phẩm lành mạnh nhất, đẹp nhất, tốt nhất, hay nhất, nhân văn nhất, dân tộc nhất để khẳng định cái đúng, cái đẹp, lên án cái ác, cái xấu…

VHTTNA: Điện ảnh Việt Nam đang hướng đến việc trở thành một trong những nền công nghiệp văn hóa. Hội Điện ảnh Việt Nam đã và sẽ làm gì để đóng góp vào mục tiêu đó?

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú:Phim ảnh không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là sản phẩm hàng hóa.

Vấn đề đặt ra phải làm sao đạt hiệu quả kép: vừa đảm bảo tác phẩm được làm ra có nội dung tư tưởng sâu sắc, thẩm mỹ lành mạnh, tích cực lại vừa có doanh thu. Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Điện ảnh tầm nhìn đến 2030 sẽ hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp trước đây thuộc Nhà nước gặp nhiều khó khăn trong bước chuyển đổi cơ cấu tổ chức và phục hồi hoạt động, nhất là sản xuất phim truyện điện ảnh; Đồng thời khuyến khích điện ảnh tư nhân phát triển. Đây là việc hết sức cần thiết và hữu ích trong nỗ lực củng cố và phát triển điện ảnh trong thể chế kinh tế thị trường và hội nhập.

Muốn công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững, trước tiên cần nâng cao năng lực sản xuất phim, tạo được nguồn tài chính bền vững và nền tảng công nghệ hiện đại có tính đón đầu. Hội sẽ hướng đến tham gia tích cực vào xây dựng nguồn nhân lực cho nền công nghệp điện ảnh. Phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp ở tất cả các khâu. Đồng thời, chú trọng bào vệ bản quyền tác giả, nhất là trên không gian mạng; Tăng cường quảng bá, giới thiệu điện ảnh Việt Nam ra thế giới... Vì vậy, Hội rất cần đổi mới phương thức hoạt động, mọi hoạt động đều hướng đến kết quả thiết thực, tránh phô trương hình thức.

VHTTNA: Giải Cánh Diều hàng năm của Hội đã từng bước khẳng định là một giải thưởng có tính nghề nghiệp cao. Ông có thể nói thêm một vài điều về giải?

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú:Giải thưởng Cánh Diều thường niên của Hội đã trải qua 18 mùa trao giải, với tiêu chí “đề cao tác phẩm có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”. Giải thưởng đã và đang trở thành tiêu chuẩn tin cậy để thẩm định và đánh giá chất lượng tác phẩm và năng lực, uy tín nghề nghiệp của nghệ sĩ, người làm phim. Lễ trao giải hàng năm đã trở thành sự kiện văn hóa lôi cuốn sự quan tâm không chỉ của hội viên, nghệ sĩ, người làm phim, mà còn cả đông đảo công chúng, giới báo chí, truyền thông.

VHTTNA: Giải Cánh Diều 2021 sắp được trao vào tháng 9 năm nay sẽ có gì mới?

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú:Lễ trao giải năm nay dự kiến sẽ được tổ chức tại Nha Trang vào ngày 13 tháng 9 năm 2022 với mong muốn làm mới hình ảnh Cánh Diều lần thứ 19 bằng sự dịch chuyển địa điểm tổ chức, gắn các hình thức tôn vinh nghệ sỹ và tác phẩm điện ảnh với các hoạt động mang tính cộng đồng để lan tỏa giá trị của giải đồng thời góp phần để kích cầu kinh tế du lịch của tỉnh Khánh Hòa sau đại dịch Covid 19.

Lễ trao giải năm nay sẽ có những đổi mới ấn tượng nhất là về cảnh quan, không gian, sẽ góp phần làm giàu thêm ý nghĩa kết nối giữa Điện ảnh và Du lịch./.

                                                                                                  Thảo Nguyên thực hiện

(bài đã được đăng tại Văn hoá - Thể thao Nghệ An số 5)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114517268

Hôm nay

2218

Hôm qua

2397

Tuần này

2615

Tháng này

215207

Tháng qua

121009

Tất cả

114517268