Những góc nhìn Văn hoá
Nhớ về thi sĩ Hàn Mặc Tử - Gềnh Ráng Quy Nhơn mãi mãi cõi xưa về
Thi sĩ Hàn Mặc Tử
Thi sĩ Hàn Mặc Tử, sinh ngày 22-9-1912 (tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí), tại Đồng Hới (Quảng Bình) trong một gia đình công giáo nghèo. Từ năm 14-15 tuổi, ông nổi tiếng là “thần đồng” làm thơ ở Quy Nhơn. Bắt đầu con đường thơ ca bằng thơ Đường luật, khi phong trào “Thơ Mới” bùng nổ, ông tham gia chuyển sang sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn & đã gieo vào lòng khán giả, nhất là giới trẻ nữ những âm hưởng về cuộc đời, khó mà quên được.
Hàn Mạc Tử & ấn tượng từ đầu thế kỷ XX
Khi ở độ tuổi phát triển tài năng rực rỡ (23-24 tuổi), nghiệp thơ ca đang ở đỉnh cao, Hàn Mạc Tử đã mắc bệnh phong phải về Quy Nhơn chữa bệnh tại Trại điều trị phong Quy Hòa. Thời gian này ông tiếp tục làm thơ, cho đến lúc bị căn bệnh hành hạ và mất tại trại phong Quy Hòa, sát bờ biển TP.Quy Nhơn.
Đọc thơ Hàn Mặc Tử, ta thấy những sáng tác của Hàn Mặc Tử để lại không quá đồ sộ, chủ yếu gồm các tập thơ: “Lệ Thanh thi tập”, “Gái quê”, “Đau thương”. “Xuân như ý”, “Thượng thanh khí”, “Cẩm châu duyên” và kịch thơ: “Duyên kỳ ngộ”, “Quần tiên hội”, song điều gây ấn tượng cho các thế hệ, nhất là lớp trẻ là thơ Hàn Mặc Tử đã miêu tả diện mạo bằng ngôn từ mới, là nghệ thuật đặc trưng trong thơ ông. Có thể nhận xét thơ Hàn Mặc Tử là một hiện tượng độc đáo, thơ của ông không phải là một tín đồ thiên chúa, mà là sự kế thừa sâu sắc nền Hán học truyền thống, song lại đầy những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ, tiếp nhận và tiếp biến từ một số ảnh hưởng văn hóa phương Tây, đưa vào phong trào Thơ Mới (1932).
Khi về khu lưu niệm Hàn Mạc Tử ở TP.Quy Nhơn, ta mới rõ thêm, thơ ông không phải một tông đồ truyền giáo tín xuất mà là một “loài thi sĩ” luôn muốn vươn tới cuộc đời, xác lập định mệnh thơ với nguồn mạch một thế giới tân kỳ của Thơ Mới, ông không phải đi rao giảng đức tin tôn giáo mà cứ lằng lặng đưa quán chiếu trời thơ như một sứ điệp của tình yêu cuộc sống hoàn vũ. Tuy nhiên, Hàn Mặc Tử vẫn là một kẻ chăn chiên chăn dắt tình yêu và gieo vào ân sủng thơ ca nhất là trong lớp trẻ, một mùi “dầu thánh” khó phai mờ của cuộc đời lứa đôi.
Hàn Mạc Tử được xem là “chủ soái” trong sáng tác theo hướng vừa sâu lắng, vừa có tính cách “điên loạn” không theo một thể thơ truyền thống nào, của phong trào Thơ Mới. Đồng thời thơ của Hàn còn thể hiện tư tưởng sáng tác qua lời tựa, như trong 2 tập thơ “Điêu tàn” của Chế Lan Viên và “Tinh huyết” của tác giả Bích Khê, cũng như trong lời bạt tập thơ “Một tấm lòng” của Quách Tấn nói về ông. Do cuộc đời Hàn Mặc Tử quá ngắn ngủi (28 năm), thời gian dành cho thơ quá ít, nhưng Hàn đã trở thành một nhà thơ đặc sắc với hồn thơ “kì dị” (Hoài Thanh, Hoài Chân), hay “bí ẩn” (Bích Thu),… Như vậy, phải nói rằng hiện tượng Hàn đã vượt ra ngoài khuôn khổ, thoát khỏi biên độ thông thường miền Trung, để trở thành khác thường, bước ra khỏi vòng nhân gian, để đến người đọcnhư tâm hồn ru ngủ cảnh quan, con người, thiên nhiên trong thơ ông.
Từ rất trẻ Hàn Mặc Tử đã có một hồn thơ riêng, rất riêng trên đường thơ và tương đối trọn vẹn, từ thơ Đường luật với tập “Lệ Thanh thi tập” đến Thơ mới với những tập thơ: “Đau thương”, “Xuân như ý”; “Thượng thanh khí”; “cẩm châu duyên”; hai vở kịch “Duyên kì ngộ,“Quần tiên hội”; tập thơ văn xuôi “Chơi giữa mùa trăng”… cái thú vị của thơ Hàn Mạc Tử là còn thật mới tinh nguyên, của những năm mà phong trào Thơ Mới, bắt đầu khai phá cả đất Việt.
Nay khi ta đến khu di tích của Hàn Mặc Tử, để nghe đọc lại thơ Hàn Mạc Tử, thì ta sẽ bắt gặp một hồn thơ thiết tha yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu con người đến khát khao - một khát vọng sống mãnh liệt, khi ông còn đau đớn tột cùng. Trong thơ ông, nhiều bài mang khuynh hướng siêu thoát vào thế giới siêu nhiên, nhưng đó là hình chiếu của sự ngược lại tính khát vọng sống, khát vọng giao cảm với đời. Một số bài thơ cuối đời của thi sĩ Hàn còn đan xen những hình ảnh ma quái - dấu ấn của sự đau đớn, giày vò về cả thể xác lẫn tâm hồn, khi bệnh phong hành hạ. Đó là sự khủng hoảng tinh thần, bế tắc và tuyệt vọng trước cuộc đời:
“Ta còn trìu mến biết bao người/Vẻ đẹp xa hoa của một thời;
Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng/Ôi! giờ hấp hối sắp chia phôi.” (Trút linh hồn)
Hàn Mặc Tử dù khi đau đớn vì bệnh tật, vẫn trải nghiệm nỗi đau thương bằng tâm hồn lẫn thể xác, bằng cả lúc điên lẫn khi tỉnh, bằng cả mơ lẫn thực, thơ ông được phóng xuất từ đây & đã đọng lại trong lòng người đọc một hồn thơ từ nỗi đau. Trong ngôn ngữ và cả trong im lặng, nguồn thơ đó như được băng ra từ tiếng kêu thống thiết và lâm lụy của đời ông, mà vẫn đầy yêu thương con người: “Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế” (Thánh nữ đồng trinh Maria).
Số phận nghiệt ngã xô đẩy một hồn thơ tài năng…
Lúc đang thời kỳ làm thơ sung nhất, ông mắc căn bệnh phong quái ác hành hạ nhưng càng về cuối đời thơ ông càng đậm chất thanh thoát, an nhiên, chấp nhận sự đời ra đi, ít có chất gào thét điên cuồng như đã trút hết cõi “lâm lụy” ở nơi trần thế. Hàn đã dọn sạch mình để chuẩn bị vào cõi vĩnh hằng viên mãn một Vườn Xuân như ý, cầu nguyện để lại “ra đời” làm một Á Thánh cưỡi “Phượng hoàng bay trong một tối trăng sao ” (Đêm xuân cầu nguyện).
Một biểu tượng của Trăng, Hồn và Máu trong thơ Hàn mà nhiều lần ông nhắc đến, trở thành biểu tượng nghệ thuật trong các áng thơ Hàn Mặc Tử. Lúc bắt đầu làm thơ, đến những ngày cuối đời, biểu tượng này đã theo ông bay lên “Trên thiên triều ngời chói vạn hào quang”:
“Để cho hoa gió thì thào/Để cho mây nước nôn nao
Quên câu thương nhớ rồi sao/Em ơi thế nghĩa là sao
Khi hương thơm kề lỗ miệng/Khi tình mới chạm vào nhau
Em ơi thế nghĩa là sao/Trăng đang nằm trên sóng cỏ
Cỏ đùa trăng đến bên ao/Trăng lại đẫm mình xuống nước
Trăng nước đều lặng nhìn nhau…/Đôi ta bắt chước thì sao? (Bắt Chước)
Tuy nhiên, điều mà các nhà ngôn ngữ sau này đánh giá là thơ Hàn Mặc Tử vẫn rất thuần Việt, ngôn từ được ông sử dụng một cách sáng tạo, nâng lên một trình độ cao nên rất “mới” nhưng là rất “Việt Nam”. Nói cách khác, Hàn bao giờ cũng dùng tiếng Việt chuẩn mực một cách đắt giá, táo bạo nhất, trong những năm của phong trào Thơ Mới có từ 90 năm trước, khi chưa thành cao trào, hãy nghe ông tâm sự một “Gái quê” rất quê nhà, tuy mộc mạc, mà lại rất sâu thắm hồn quê:
“Làn môi mong mỏng tươi như máu/Đã khiến môi tôi mấp máy thèm.
Từ lúc bóng em bỏ trái đào/Tới chừng cặp má đỏ au au
Tôi đều nhận thấy trong con mắt/Một vẻ ngây thơ và ước ao”. (Gái quê)
Trong thơ Hàn, chúng ta thấy Hàn Mặc Tử đưa vào “Thơ Mới” những từ sáng tạo độc đáo, hình tượng ngôn từ đầy ấn tượng, mà khi đọc ta sẽ có sự gợi cảm giác liên tưởng và suy tưởng phong phú. Ngoài bút pháp lãng mạn, nhà thơ còn sử dụng cả bút pháp tượng trưng và yếu tố siêu thực.
Mặt thành công lớn, mà nay sau hơn 90 năm độc giả cả nước công nhận, thi sĩ Hàn là một trong những nhà thơ tiên phong trong việc cách tân thi pháp của phong trào Thơ Mới. Ông đã góp phần làm cho nền văn học dân tộc đầu thế kỷ XX phát triển đa dạng hơn, phong quang hơn. Sự đóng góp tích cực của Hàn phải kể đến việc lập nên “Trường thơ loạn Bình Định”, mà ở đó thi sĩ họ Hàn là vị chủ soái một thuở và một thời, đã từng thừa nhận từ miền Trung.
Một cách khác với Hàn Mặc Tử, ma lực của “Thơ điên” mạnh mẽ đến nỗi cuốn hút được cả những nhà thơ tài ba của thời đại Thơ Mới vào lúc đó nhập cuộc, như: Bích Khê và Chế Lan Viên, Quách Tấn và Yến Lan. Một số nhà thơ đương đại cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của “Thơ điên ” Hàn khởi xướng, đã viết những bài thơ “phá phách”, những câu thơ dữ dội của kiểu mà Hàn Mặc Tử coi là “Thơ điên”, còn là một thành tựu đặc sắc của thi ca Việt Nam hiện đại mà Hàn Mặc Tử là người có công đầu, trong những ngày ra đời phong trào Thơ Mới.
Hàn Mặc Tử - con người càng tài hoa, thì lại càng bạc mệnh. Dù chỉ hơn 10 năm từ khi chập chững bước vào làng thơ cho đến khi rời xa cõi đời này, Hàn Mặc Tử đã kịp cho xuất bản hơn 10 tập thơ với hàng trăm bài thơ đặc sắc, rất cá tính riêng. Không chỉ có vậy, thi nhân Hàn để lại trong hàng triệu người hâm mộ tình cảm mến thương và sự tiếc nuối khôn nguôi với cõi đời này.
Nhân 110 năm Ngày sinh Hàn Mặc Tử, 90 năm phong trào Thơ Mới và 82 năm nhà thơ đi xa, chúng ta về lại khu lưu niệm ông sát bờ biển TP.Quy Nhơn, nơi thi sĩ Hàn đã nằm xuống, thấy ngôi mộ trang nghiêm của nhà thơ và cảnh trí xung quanh đã được UBND tỉnh Bình Định cho đầu tư, xây dựng thành một khu di tich đặc biệt về Hàn Mặc Tử rộng hơn 1 ha, mà từ những vườn hoa, luống hoa đều mang tên Hàn, như muốn để rồi thế hệ mai sau còn nhớ mãi - một hồn thơ, một hồn người luôn mãi với tuổi trẻ, tình yêu & với nhân gian./.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Nhớ thời kỳ Phục hưng Việt Nam
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Thống kê truy cập
114528581
2237
2291
2854
215277
0
114528581