Xứ Nghệ ngày nay
Phát huy giá trị Xô viết Nghệ Tĩnh trong bối cảnh hiện nay
Khách đến tham quan tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
Cách đây hơn 90 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng với khí thế xung thiên, nhân dân hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đã làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất lập nên kỳ tích phi thường Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt đối với hai tỉnh Nghệ Tĩnh mà còn trở thành mốc son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa của cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh (XVNT) và để tôn vinh sự kiện này, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình để lưu niệm sự kiện cũng như để phát huy giá trị XVNT như: thành lập Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1960, đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích XVNT, xây dựng các công trình tưởng niệm, đặt tên cho đường phố ở nhiều địa phương đồng thời tổ chức nhiều hoạt động khác như hội thảo, tọa đàm, mít tinh kỷ niệm; sản xuất các chương trình nghệ thuật, phim tài liệu, ấn phẩm văn hóa, tác phẩm âm nhạc, sân khấu điện ảnh …
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh là một trong ba Bảo tàng ra đời sớm ở nước ta, với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giới thiệu về phong trào XVNT. Hơn 60 năm hình thành và phát triển, đến nay, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã thực sự trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho Nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo tàng đã sưu tầm lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị trên 16.000 tài liệu, hiện vật về phong trào XVNT, phục vụ hàng chục triệu lượt khách tham quan, kiểm kê được 250 di tích, lập hồ sơ xếp hạng 47 di tích cấp Quốc gia; tổ chức thành công nhiều cuộc Hội thảo, Tọa đàm, nghiên cứu đề tài khoa học các cấp… Bên cạnh đó, với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú và thiết thực như trưng bày lưu động, nói chuyện truyền thống, giao lưu văn hóa… đã góp phần lan tỏa giá trị XVNT đến với đông đảo Nhân dân ở nhiều địa phương trong cả nước.
Học sinh tham gia giao lưu tìm hiểu về XVNT
Nhân dân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ vẫn giành sự quan tâm đặc biệt đối với Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Mỗi năm, có khoảng 300.000 - 500.000 lượt khách đến Bảo tàng tham quan, học tập, nghiên cứu.
Đối với các em học sinh, sinh viên là đối tượng thường xuyên đến Bảo tàng, với hoạt động học tập ngoại khóa, các em đã được cung cấp lượng kiến thức lịch sử bổ ích thông qua hoạt động hướng dẫn tham quan tại chỗ một cách sinh động, chân thực và hấp dẫn. Do đó, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh xứng đáng là trường học tốt về lịch sử cách mạng, là trung tâm nghiên cứu và giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ trên quê hương xô viết anh hùng nói riêng và cả nước nói chung.
Hàng chục năm qua, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh còn là nơi gửi gắm niềm tin của biết bao gia đình là thân nhân những người có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Hoạt động khai thác hồ sơ, tài liệu về những đồng chí tham gia hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày trong phong trào XVNT đang được lưu trữ tại Cục Hồ sơ an ninh - Bộ Công An của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc, góp phần thay đổi cuộc sống cho hàng nghìn thân nhân các gia đình có công với cách mạng ở Nghệ Tĩnh. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa, thiết thực nhất và cũng là niềm vinh dự, tự hào của Bảo tàng khi được đóng góp một phần công sức trong công tác đền ơn, đáp nghĩa mà Đảng và Nhà nước đang ngày càng phát huy và nhân rộng.
Trước thực trạng học sinh, sinh viên ngày càng thờ ơ với môn lịch sử trong trường học, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang xây dựng Đề án “Học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đến năm 2030”. Do đó, để phát huy giá trị XVNT, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cần phải được nâng cấp hệ thống trưng bày cả về nội dung lẫn hình thức, tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư chất lượng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa để nâng tầm hoạt động, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách tham quan trong xu thế chuyển đổi số hiện nay.
Hiện nay, hệ thống di tích XVNT trải rộng trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Riêng trên địa bàn Nghệ An hiện có khoảng 400 di tích liên quan đến phong trào XVNT, trong đó có hàng chục di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Các di tích XVNT chủ yếu do địa phương quản lý, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích này cơ bản đã được các địa phương quan tâm, tuy nhiên đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số di tích đã và đang được đầu tư, tu bổ, tôn tạo, nhưng do không bố trí được nguồn vốn nên vẫn còn dang dở, trong khi đó những hạng mục đã hoàn thành lại bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, hoặc có những di tích đã được đầu tư tu bổ nhưng do kinh phí ít nên việc sữa chữa còn mang tính chắp vá.
Khu Di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh 12/9 tại thị trấn Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. ảnh Mạnh Hà
Do đó để phát huy giá trị XVNT cũng cần nâng cao trách nhiệm, nhận thức của lãnh đạo các cấp, ngành, đặc biệt là lãnh đạo chính quyền địa phương, cán bộ làm công tác quản lý văn hóa; tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho Nhân dân về việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích; bố trí nguồn kinh phí đúng trọng tâm, đúng di tích, ưu tiên các di tích bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng; huy động xã hội hóa trong công tác bảo tồn, tồn tạo; thực hiện rà soát hiện trạng, điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc giới để tránh tình trạng xâm lấn các di tích; tăng cường huy động nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, trung tu, tôn tạo các di tích. Địa phương cũng cần tăng cường các giải pháp phát huy giá trị hệ thống các di tích để thu hút du khách đến với di tích, vừa góp phần phát triển kinh tế, đồng thời tạo nguồn thu để tái đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích…
Phát huy giá trị XVNT là trách nhiệm của không chỉ của Bảo tàng XVNT mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, đơn vị; của các cấp, các ngành, các địa phương để thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân trọng những giá trị cuộc sống, ghi nhớ sự hy sinh to lớn của thế hệ ông cha cho trang sử của dân tộc đỏ thắm những mốc son tự hào./.
(Bài đăng trên Bản tin Văn hóa - Thể thao Nghệ An số 5/2022)
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511618
2281
2336
21992
218491
121356
114511618