Xứ Nghệ ngày nay

Một năm thành công của nghệ thuật biểu diễn Nghệ An

Một tiết mục trong chương trình “Thanh âm miền Ví, Giặm” - HCV tại Liên hoan Âm nhạc ASEAN 2022. Ảnh: Quế Thương

Năm 2022 đã khép lại với nhiều thành công trong hoạt động văn hóa của Nghệ An mà nổi bật là hoạt động biểu diễn nghệ thuật, cả nghệ thuật quần chúng và nghệ thuật chuyên nghiệp. Thành công này không chỉ đánh dấu sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng của các đoàn nghệ thuật thuộc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh và các đội nghệ thuật quần chúng thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thành, thị mà còn góp phần nâng cao mức hưởng thụ các giá trị nghệ thuật cho người dân tỉnh nhà.

Nghệ thuật chuyên nghiệp thăng hoa, tỏa sáng

Năm qua, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh (Đoàn Dân ca truyền thống và Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc) không chỉ thành công trên sân khấu tỉnh nhà mà còn tỏa sáng trên sân khấu liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.

Sau 2 năm tạm lắng vì dịch Covid-19, năm 2022, sân khấu nghệ thuật ở Nghệ An tưng bừng trở lại. Với nhiều sự kiện chính trị - văn hóa trong năm cùng với biểu diễn phục vụ đồng bào miền núi, các đoàn nghệ thuật tỉnh nhà hoạt động hết công suất. Có thể kể đến các chương trình nghệ thuật, các vở diễn lớn, như: “Tình yêu người cộng sản” phục vụ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, “Hừng Đông”phục vụ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Phan Đăng Lưu, “Bài ca không quên” kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ, “Chỉ một con đường” kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; các chương trình nghệ thuật trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Lễ hội Làng Sen.... Đồng thời, nhiều chương trình nghệ thuật phối hợp với vai trò chủ đạo của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Nghệ An tạo được dấu ấn, như: “Truông Bồn - Bản hùng ca huyền thoại” kỷ niệm 54 năm chiến thắng Truông Bồn, “Ví đây đổi phận làm trai được” vinh danh và kỷ niệm 250 năm sinh và 200 năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương, “Bản hùng ca bất diệt” phục vụ Lễ hội Uống nước nhớ nguồn tại Nghĩa trang Liệt sĩ Việt Lào, chương trình phục vụLễ phát động triển khai chủ đề công tác năm 2022 của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”, tại Khu Di tích Kim Liên, Nam Đàn,... Hầu hết các chương trình nghệ thuật đều đi vào chiều sâu và chất lượng, bám sát từng sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh, phản ánh kịp thời, khách quan, sinh động tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương; sân khấu biểu diễn được trải đều ở các vùng, miền vừa đáp ứng phục vụ kịp thời hiệu quả nhiệm vụ chính trị vừa phục vụ được đông đảo công chúng tỉnh nhà.

Đặc biệt, sân khấu biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của Nghệ An còn mở rộng ở nhiều địa phương trong nước, như: tại Hà Tĩnh với các chương trình: “Vầng trăng nghĩa liệt” kỷ niệm 55 năm chiến thắng Ngã Ba Đồng Lộc, “Nẻo về nguồn cội”; tại Quảng Nam với chương trình dân ca Ví, Giặm trong “Triển lãm không gian Di sản Văn hóa Việt Nam”, chương trình giao lưu văn hóa tại tỉnh Đắk Lắk; chương trình phục vụ Lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác tư pháp và pháp luật giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào và Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào lần thứ V;chương trình phục vụ tiệc chiêu đại Đoàn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng Lào A-lun-xay Xủn-nạ-lặt thăm và làm việc tại Việt Nam và đồng chủ trì Hội thảo quốc tế trao đổi kinh nghiệm trong công tham mưu, tổng hợp phục vụ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ;... Các chương trình này không chỉ tạo cơ hội cho các nghệ sĩ, diễn viên tỉnh nhà được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các nghệ sĩ, diễn viên tỉnh bạn mà còn là dịp để tuyên truyền, quảng bá văn hóa nghệ thuật Nghệ An ra bên ngoài.

Bám sát kế hoạch hoạt động của năm, Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc cũng đã chủ động tổ chức hàng chục buổi biểu diễn phục vụ đồng bào tại các huyên miền núi: Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong... Các chương trình nghệ thuật này mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào, tôn vinh các nét đẹp văn hóa của các dân tộc, đồng thời tăng cường sự gắn kết cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh nhà.

Năm qua, sân khấu biểu diễn dân ca Ví, Giặm cũng sôi nổi hơn tại các điểm du lịch: Khu Di tích Kim Liên, TX. Cửa Lò, Quảng trường Hồ Chí Minh,… với hơn 50 buổi biểu diễn phục vụ Nhân dân và khách du lịch. Đặc biệt, từ khi TP. Vinh vận hành phố đi bộ, không gian diễn xướng dân ca Ví, Giặm được duy trì hàng tuần tại Quảng trường Hồ Chí Minh, vừa hoạt động biểu diễn, vừa có đối đáp, ứng tác văn chương của các thầy gà làm cho các đêm diễn sinh động, hấp dẫn hơn. Qua đó, Ví, Giặm - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được quảng bá rộng rãi hơn.

Trên sân khấu liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, các đoàn nghệ thuật của Nghệ An liên tục thăng hoa và tỏa sáng. Tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc (Nghệ An - tháng 5/2022), cả 2 vở diễn của Đoàn Dân ca truyền thống: “Vầng sáng” của tác giả Nguyễn Thị Nguyệt và “Cánh cò trong bão” của tác giả Nguyễn Quang Vinh được NSUT An Ninh chuyển thể sang kịch bản dân ca mang đậm màu sắc và phong cách con người xứ Nghệ, đã chạm đến trái tim người xem và được Hội đồng Nghệ thuật ghi nhận, đánh giá cao. Trong đó vở “Cánh cò trong bão” đạt HCV, ngoài ra còn có 06 HCV, 04 HCB và 04 HCĐ cho các vai diễn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng tặng Bằng khen cho nhạc công xuất sắc.

 

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Sắc” - HCV Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc tại Đăk Lăk

Tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc tại tỉnh Đăk Lăk (tháng 6/2022), Đoàn Ca Múa nhạc dân tộc Nghệ An trình làng chương trình nghệ thuật “Sắc”. Một chương trình đa hương, đa sắc khắc họa bức tranh sinh động của quê hương, thể hiện nét đặc trưng văn hóa của xứ Nghệ, tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với Hội đồng nghệ thuật, với bạn bè đồng nghiệp, được chuyên gia nghệ thuật đánh giá là có định hướng tốt trong việc bảo tồn giá trị truyền thống và quảng bá văn hóa địa phương. Chương trình “Sắc” đạt Huy chương Vàng. Ngoài ra, có 03 tiết mục đạt HCV, 03 tiết mục đạt HCB và 01 tiết mục đạt HCĐ. Đội múa của Đoàn biểu diễn xuất sắc được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tặng Bằng khen, nhạc công biểu diễn sáo trúc xuất sắc được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng Bằng khen.

Năm 2022, lần đầu tiên Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh tham gia Liên hoan Âm nhạc ASEAN (Hội An - tháng 12/2022) với chương trình nghệ thuật “Thanh âm miền Ví Giặm”. Các tác phẩm trong chương trình sử dụng chất liệu âm nhạc Ví, Giặm và dân ca các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An để giới thiệu những giá trị đặc sắc của nghệ thuật truyền thống Nghệ An tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… Chương trình đạt HCV, 01 tiết mục đạt HCV, 02 tiết mục đạt HCB, 02 giải Xuất sắc (Đạo diễn Xuất sắc, nhạc công chính Xuất sắc). Chương trình thực sự trở thành cầu nối văn hóa, tạo cơ hội cho tỉnh Nghệ An thể hiện mối quan hệ đoàn kết, giao lưu hội nhập với các quốc gia trong khu vực, khẳng định vị thế của nghệ thuật Nghệ An trong nền nghệ thuật nước nhà.

Nghệ thuật quần chúng đa dạng, phong phú

Chương trình biểu diễn của Trung tâm Văn hóa tỉnh tại triển lãm hội họa “Hồ Xuân Hương - Tài năng và bí ấn” nhân kỷ niệm 250 năm sinh, 200 năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Anh Tuấn

Hoạt động nghệ thuật quần chúng (NTQC) Nghệ An năm 2022 cũng rất sôi động và gặt hái nhiều thành công. Trung tâm Văn hóa tỉnh và hệ thống Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thành, thị đã xây dựng và tổ chức biểu diễn nhiều chương trình NTQC phục vụ Nhân dân trong các lễ hội, các ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và của tỉnh. Với gần 30 lễ hội trải đều ở các vùng, miền trong tỉnh, rồi các lễ đón bằng công nhận các danh hiệu văn hóa, đón chuẩn nông thôn mới và mạng lưới câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm, dân ca Thái, dân ca Thổ, CLB văn nghệ gần như phủ kín các xã, phường, thị trấn và nhiều cơ quan, đơn vị, trường học… sân khấu biểu diễn NTQC rộn ràng khắp mọi miền quê.

Liên hoan Tiếng hát Làng Sen là tâm điểm của hoạt động biểu diễn NTQC. Sân khấu Liên hoan Tiếng hát Làng Sen kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức từ xã đến huyện, đến tỉnh. Đây là liên hoan thu hút đông đảo diễn viên quần chúng nhất và kéo dài trong thời gian lâu nhất, từ tháng 4 đến tháng 5. Các chương trình tham gia Liên hoan được các đơn vị đầu tư từ kịch bản, trang phục, đạo cụ; trau chuốt từng lời ca, tiếng đàn; thể hiện rõ bản sắc văn hóa của từng vùng, miền trong tỉnh. Sân khấu Liên hoan được các huyện, thành, thị đưa về các cụm xã, thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ. Liên hoan Tiếng hát Làng Sen toàn tỉnh năm 2022 tại Khu Di tích Kim Liên đã thu hút trên 500 diễn viên, nhạc công của 19 đoàn nghệ thuật quần chúng các huyện, thành, thị trong tỉnh với nhiều chương trình biểu diễn chất lượng.

Ngoài Liên hoan này, nhiều huyện, thành, thị còn tổ chức các liên hoan, hội diễn, các chương trình nghệ thuật nhằm tạo cơ hội để mọi tầng lớp nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật, như: Liên hoan NTQC các làng/bản văn hóa của huyện Quỳ Châu, Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc huyện Con Cuông, chương trình văn hóa nghệ thuật “Về miền Ví Giặm ”; “Bảo tồn và phát huy Tuồng xứ Nghệ” của huyện Yên Thành,… Mỗi địa phương có những cách làm riêng nhưng tất cả đều hướng đến mục đích chung là nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Trung tâm Văn hóa tỉnh trong năm 2022 cũng đã xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật và tổ chức biểu diễn lưu động phục vụ cơ sở. Đó là chương trình nghệ thuật và kịch thông tin “Những tấm lòng nhân ái” với 8 đêm diễn tại các huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Anh Sơn và Thanh Chương; Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Lữ đoàn Công binh 414 - Đơn vị kết nghĩa với Trung tâm và nhiều chương trình nghệ thuật khác phục vụ các sự kiện, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh. Chương trình “Làng quê xôn xao” tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; được thu âm, ghi hình phát hành rộng rãi về cơ sở qua đĩa VCD.

Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Nghệ An cũng tham gia và giành nhiều giải cao tại các liên hoan toàn quốc, như: HCV chương trình cùng 02 HCV, 01 HCB tiết mục, 01 giải biên đạo xuất sắc và bằng khen của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại Hội diễn NTQC “Câu hò nối những dòng sông” ở tỉnh Thừa Thiên Huế; 01 giải A, 04 giải B tiết mục và bằng khen của UBND tỉnh Kon Tum tại Liên hoan Diễn xướng văn hóa dân gian các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên lần thứ III ở tỉnh Kon Tum; 04 giải A, 02 giải B, 02 giải C và 02 Bằng khen trong Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III, năm 2022 tại tỉnh Điện Biên; Tham gia biểu diễn, diễn xướng tại lễ hội đường phố tại Festival Tràng An - Ninh Bình năm 2022,…

Tóm lại, hoạt động nghệ thuật của Nghệ An khép lại năm 2022 với những thành công đáng ghi nhận. Thành công không chỉ ở những tấm huy chương, bằng khen, các giải A, B, C mà các đoàn NTCN, các đội NTQC của tỉnh đạt được qua các kỳ liên hoan toàn quốc mà còn ở việc tạo cơ hội, môi trường cho các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công (chuyên và không chuyên) được sáng tạo, được cống hiến, được sống hết mình vì nghệ thuật, được khẳng định mình; tạo cơ hội cho công chúng được thưởng thức các chương trình nghệ thuật có chất lượng, được tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật do mình tạo ra; Bảo tồn và phát huy được vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các dân tộc trong tỉnh và tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người xứ Nghệ với những đặc trưng văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu, riêng có.

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số Tết Quý Mão 2023)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114517261

Hôm nay

2211

Hôm qua

2397

Tuần này

2608

Tháng này

215200

Tháng qua

121009

Tất cả

114517261