Đất Nghệ

Lễ hội đền Cờn và những giá trị lịch sử - văn hóa

Đền Cờn (phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai) là một di tích có giá trị về mặt kiến trúc và linh thiêng được xếp vào hạng đại danh lam bậc nhất xứ Nghệ (nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng). Lễ hội đền Cờn cũng là một trong những lễ hội có quy mô lớn, độc đáo, giàu bản sắc nhất Nghệ An hiện nay, thời gian tổ chức dài nhất so với các lễ hội khác ở xứ Nghệ. Đây là lễ hội có giá trị rất lớn về mặt lịch sử - văn hóa và đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội đền Cờn. Ảnh: Nguyễn Hậu

Giá trị lịch sử

Lễ hội đền Cờn là một trong những lễ hội cổ nhất xứ Nghệ. Theo các tư liệu lịch sử thì đền Cờn được nhà nước phong kiến ban sắc và bảo trợ tôn tạo, tế lễ bắt đầu từ thời Trần Anh Tông (1312)[1] và tồn tại cho đến ngày nay khoảng hơn 800 năm.

Trong lịch sử, Lễ hội đền Cờn đã được các triều đại phong kiến rất quan tâm và liệt vào hàng “quốc tế”. Ngoài việc lưu truyền trong dân gian, lễ hội đền Cờn còn được ghi chép bằng các văn bản, khắc trên bia đá về những quy định, điều khoản chi tiết, cụ thể thành một quy ước bất di bất dịch buộc những người dân trong làng phải tuân thủ.

Trước đây, lễ hội đền Cờn được kéo dài trong vòng 01 tháng, bắt đầu từ tháng Chạp năm trước và kết thúc vào tháng Giêng năm sau. Từ ngày 15 đến ngày 21 tháng Giêng được xem là giai đoạn chính của lễ hội, và chính lễ tập trung vào ngày 20, 21 tháng Giêng. Lễ hội diễn ra với nhiều nội dung, phần lễ và phần hội đan xen nhau. Trong đó, nét đặc sắc nhất của lễ hội là tục chạy ói, gắn với truyền thuyết về khúc gỗ thần. các hoạt động hội diễn ra từ sáng ngày 20 đến tối ngày 21 tháng Giêng, gồm các trò chơi dân gian như: đấu vật, chọi gà, cờ thẻ (cờ người), đập niêu đất, đẩy gậy, hát chầu văn, tuồng chèo, ẩm thực,…Không gian tổ chức lễ hội tập trung chủ yếu tại khu vực đền Cờn trong và đền Cờn ngoài thuộc phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai và liên quan tới một số xã ven biển như: Quỳnh Dị, Quỳnh Lập, Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) và Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu) - nơi có di tích đền Quy Lĩnh, ngôi đền gắn với tục chạy ói trong lễ hội đền Cờn xưa.

Tuy nhiên, do nhiều biến động lịch sử, sau năm 1945, lễ hội đền Cờn không được tổ chức quy mô như trước, một số hoạt động được rút gọn cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương lúc bấy giờ. Lễ hội đền Cờn chỉ tổ chức hạn hẹp trong nội bộ làng Phương Cần. Năm 1993, sau khi đền Cờn được xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia, lễ hội đền Cờn từng bước được phục hồi. Đặc biệt từ năm 1999 đến nay, lễ hội đền Cờn đã được khôi phục lại, phần lớn các hoạt động chính được phục dựng và kể từ đó lễ hội đã hồi sinh mạnh mẽ, không những thu hút Nhân dân trong vùng Hoàng Mai, Quỳnh Lưu mà còn thu hút nhiều du khách thập phương tham gia. Nơi đây đã trở thành một điểm đến tâm linh của người dân xứ Nghệ và cả nước trong những dịp đầu xuân năm mới.

Lễ hội đền Cờn gắn với di tích đền Cờn, có lịch sử hình thành và tồn tại hàng trăm năm. Dù còn có những giao thoa giữa truyền thuyết và lịch sử nhưng câu chuyện lưu truyền về nguồn gốc của Tứ vị Thánh Nương gắn với sự kiện vua tôi Tống Đế Bính cùng gia quyến bị giặc bức bách, chạy loạn về phương Nam mà trôi dạt đến Cửa Cờn, cũng đã phản ánh một phần về những chi tiết xung quanh sự kiện lịch sử triều đại nhà Tống diệt vong, nhà Nguyên lên nắm quyền ở Trung Quốc thế kỷ XIII.

Xung quanh sự ra đời của di tích và lễ hội còn có liên quan đến một giai đoạn lịch sử của triều Trần, gắn với sự kiện năm Tân Hợi (1311), khi vua Trần Anh Tông đích thân đem quân đi đánh giặc Chiêm Thành, trên đường hành quân có ghé Lạch Cờn làm lễ và được linh ứng. Đến thời vua Lê Thánh Tông, năm 1470, trên đường đem quân đi đánh Chiêm Thành, nhà vua cũng vào đền cầu nguyện, được Tứ vị Thánh Nương phù hộ mà giành thắng lợi trở về. Nhờ đó, đền Cờn được nhà nước phong kiến quan tâm xây dựng và trùng tu để ngày càng trở nên bề thế, to đẹp hơn, lễ hội thêm quy mô, long trọng.

Mặt khác, mỗi người dân, khi về với lễ hội đền Cờn, lại hiểu thêm về lịch sử quê hương đất nước, hiểu thêm về truyền thống quê hương qua các hoạt động và các phong tục tập quán lâu đời được thể hiện trong lễ hội.

Đua thuyền trong lễ hội đền Cờn. Ảnh: Nguyễn Đạo

Các tích trò trong lễ hội như bơi thuyền, chạy ói… cũng là những trò diễn xướng dân gian vừa phản ánh đặc trưng nghề nghiệp của cư dân miền biển vừa là những hoạt động ôn lại lịch sử, ôn lại quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm của vua tôi nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông và cuộc Nam chinh đánh giặc Chiêm Thành.

Tìm hiểu về lễ hội đền Cờn, chúng ta còn nhận thấy những đặc điểm về tư duy, tín ngưỡng của dân gian xưa. Lễ hội này ra đời cùng với tín ngưỡng thờ thủy thần của người dân vùng biển gắn với nghề đánh bắt cá, buôn thuyền mành. Về nguồn gốc lịch sử, Tứ vị Thánh Nương ban đầu vốn là thần Nước, được nhân thần hóa bằng thái hậu, hoàng hậu, công chúa nhà Nam Tống. Hệ thống thần Nước vừa gắn liền với xã hội nông nghiệp, gắn với ước vọng được che chở, được bảo vệ của những người làm ăn trên sông nước khi ra khơi, lúc vào lộng; của những người làm ruộng đang còn phụ thuộc vào thiên nhiên; của cả những người buôn bán bằng đường sông, đường biển.

Nhìn chung, bức tranh lễ hội đền Cờn vừa thể hiện sự phong phú của đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi đây và là bức tranh phản ánh một phần của lịch sử tư tưởng, văn hóa Việt Nam truyền thống.

2. Giá trị văn hóa

Tục chạy ói được tái diễn trong lễ hội đền Cờn. Ảnh: Nguyễn Đạo

Lễ hội đền Cờn hàng năm với nhiều sinh hoạt văn hóa của Nhân dân trong vùng, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng ven biển Quỳnh Lưu, Hoàng Mai.

Lễ hội đền Cờn gắn với tín ngường thờ thần Biển - vị thần được thờ phổ biến ở xứ Nghệ, là sự thể hiện nét đặc trưng về văn hóa tâm linh vùng ven biển Nghệ An. Lễ hội mang đậm sắc thái sông nước, phản ánh tư duy nghề nghiệp của những người dân vùng biển. Sắc thái sông nước thể hiện ở lễ rước thuyền ngự du xuân vào sáng ngày Mồng 1 Tết - một nghi lễ cầu an cho Nhân dân làng Phương Cần được mưa thuận gió hòa để thuận lợi cho việc đánh cá, trồng trọt và tỏ lòng thành kính, biết ơn của dân làng đối với các vị thần đã phù hộ che chở cho ngư dân; Lễ hội bơi thuyền tháng Chạptrong 5 ngày liên tục tổ chức ngay trước đền Cờn, trên dòng sông Mai mà mỗi ngày bơi có một ý nghĩa“21 bơi Trai, 22 bơi Cọc, 23 bơi Giải vàng, 24 bơi Giếng giá, 25 bơi ông Cộc”. Tất cả những nơi bơi đến, tất cả những ý nghĩa ấy đều xoay quanh khúc gỗ thơm - mộc thần - thể hiện tinh thần thượng võ và cầu mong được phù hộ. Đặc biệt là tục chạy ói trong lễ hội đền Cờn, nghi lễ phản ánh niềm tin của người dân về sự linh thiêng của khúc gỗ thần và là nét đặc sắc, độc đáo nhất của lễ hội. Tục chạy ói được xem là một đặc sản văn hóa mà mỗi khi nhắc đến lễ hội đền Cờn, du khách thập phương lại nói đến tục chạy ói và đi lễ đền Cờn là phải nán lại để tham gia vào đoàn rước ói để được hưởng thụ cái hay, cái đẹp, cái đặc trưng, cái không khí của lễ rước. Các nghi lễ trong tục chạy ói được xem là một phức hợp nhiều công đoạn thể hiện tính đa sắc màu, diễn biến trình tự được diễn ra một cách tự nhiên với nhiều cao trào thể hiện rõ nét đặc trưng của cư dân miền biển từ trang phục, đoàn rước, trang trí, kiệu, tục hát ví, múa sênh tiền, chạy voi, chạy ngựa, vê kiệu, tế trên đường rước, tung lộc, cướp lộc,… trong lễ có hội, trong hội có lễ. Chính vì lẽ đó, tục chạy ói cũng được xem là linh hồn của lễ hội đền Cờn.

Lễ  tế tại đền Cờn Ngoài. Ảnh: Nguyễn Hậu

Lễ hội đền Cờn cũng là dịp để cho Nhân dân và du khách thập phương được hưởng thụ những giá trị văn hóa cổ truyền giàu bản sắc như các trò chơi dân gian, diễn xướng, các môn thể thao cổ truyền của dân tộc. Sự đa dạng của hoạt động văn hóa trong lễ hội đền Cờn ngày nay (triển lãm ảnh, thi tiếng hót chim chào xuân, thi đan lưới, nướng bánh đa, bơi thuyền trên cạn, biểu diễn văn nghệ, thi đấu các môn thể thao thao và trò chơi dân gian, như bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, cờ thẻ, đua thuyền,…) làm cho không gian của hội luôn mới mẻ, tươi vui, bên cạnh những nghi lễ tâm linh truyền thống linh thiêng, trang trọng.

Lễ hội đền Cờn là một trong số ít các lễ hội truyền thống của Nghệ An còn thể hiện được nhiều yếu tố bản sắc văn hóa, được lưu truyền qua hàng trăm năm. Đây có thể xem là một bảo tàng sống của dân tộc, nơi lưu giữ, bảo lưu các giá trị bản sắc văn hóa. Hàng năm, dịp lễ hội là lúc tất cả dân làng cùng tập trung về nơi thờ tự để làm lễ, bày tỏ tấm lòng thành kính với thần thánh. Trước thần linh, cả cộng đồng cùng tâm niệm về những điều tốt đẹp, thiêng liêng nhất. Cùng với nghi lễ thờ cúng, Nhân dân trong các cộng đồng làng xã còn có cơ hội để gắn kết với nhau hơn khi cùng tham gia hội đua thuyền, tục chạy ói và những trò chơi dân gian,…

Có thể khẳng định, lễ hội đền Cờn là một điểm sáng về bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa mang tính bản sắc của dân tộc. Khi du khách đến tham gia lễ hội đền Cờn thì họ như được trở về với một không gian lễ hội xưa với nhiều phong tục tập quán thú vị và được thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa một cách tối đa.

Với những giá trị lịch sử và văn hóa, lễ hội đền Cờn đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 


[1] Theo Hồ sơ lý lịch di tích Đền Cờn - Ban Quản lý Di tích Nghệ An.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114489176

Hôm nay

253

Hôm qua

2310

Tuần này

2986

Tháng này

216488

Tháng qua

120271

Tất cả

114489176