Những góc nhìn Văn hoá

Tục chạy ói trong lễ hội đền Cờn - Từ cội nguồn đến huyền tích

Theo các tài liệu lịch sử cho biết, đền Cờn được khởi dựng vào cuối thế kỷ XIII, tu sửa lớn vào thời Lê Thánh Tông năm 1472, để thờ “Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị Thánh Nương”. Đây là di tích có giá trị về mặt kiến trúc và linh thiêng được xếp vào hạng đại danh lam bậc nhất xứ Nghệ “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Bên cạnh đó lễ hội đền Cờn cũng là một trong những lễ hội có quy mô lớn, độc đáo, giàu bản sắc thu hút đông đảo du khách thập phương tham gia, trải nghiệm.

Chạy Ói - một diễn trình đặc biệt trong lễ hội đền Cờn. Ảnh: Nguyễn Đạo

Theo các tài liệu lịch sử cho biết, đền Cờn được khởi dựng vào cuối thế kỷ XIII, tu sửa lớn vào thời Lê Thánh Tông năm 1472, để thờ “Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị Thánh Nương”. Đây là di tích có giá trị về mặt kiến trúc và linh thiêng được xếp vào hạng đại danh lam bậc nhất xứ Nghệ “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Bên cạnh đó lễ hội đền Cờn cũng là một trong những lễ hội có quy mô lớn, độc đáo, giàu bản sắc thu hút đông đảo du khách thập phương tham gia, trải nghiệm.

Về nguồn gốc lịch sử, lễ hội đền Cờn là một trong những lễ hội cổ nhất xứ Nghệ. Theo các tư liệu thì đền Cờn được nhà nước phong kiến ban sắc và bảo trợ tôn tạo, tế lễ bắt đầu từ thời Trần Anh Tông (1312), thể hiện qua quá trình xây dựng, tu bổ tôn tạo đền Cờn và sự hình thành tục chạy ói được Nhân dân huyền thoại hóa qua những câu chuyện về “Giấc mộng Trần Anh Tông” hoặc “truyền thuyết khúc gỗ thần”,… Ngoài việc lưu truyền trong dân gian, lễ hội đền Cờn đã được các triều đại từ triều Lê đến triều Nguyễn rất quan tâm và liệt vào hàng “quốc tế” và cho khắc trên bia đá về những quy định, điều khoản buộc những người dân trong làng phải tuân thủ. Điều đó cho thấy việc tế lễ và bảo vệ đền Cờn xưa được quản lý rất nghiêm ngặt thông qua các chỉ dụ từ thời Lê đến thời Nguyễn, đủ để chúng ta biết rằng, đền Cờn và việc lễ, hội tại đền rất được triều đình phong kiến quan tâm.

Không gian lễ rước tại bờ biển. Ảnh Nguyễn Đạo

Về thời gian tổ chức, trước đây, lễ hội Đền Cờn kéo dài hơn 3 tháng, bắt đầu từ tháng Chạp năm trước và kết thúc vào tháng ba năm sau. Về không gian tổ chức, lễ hội tập trung chủ yếu tại khu vực đền Cờn trong và đền Cờn ngoài thuộc phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai và liên quan tới một số xã ven biển như: Quỳnh Dị, Quỳnh Lập, Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) và Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu) - nơi có di tích đền Quy Lĩnh, ngôi đền gắn với tục chạy ói trong lễ hội đền Cờn xưa.

Tuy nhiên, do nhiều biến động lịch sử, sau năm 1945, lễ hội đền Cờn không được tổ chức quy mô như trước, một số hoạt động được rút gọn cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương lúc bấy giờ. Năm 1999, sau hơn 50 năm gián đoạn, lễ hội đền Cờn đã được khôi phục và rút gọn thời gian trong 1 tuần lễ, bắt đầu từ ngày 15 đến ngày 21 tháng Giêng, chính lễ tập trung vào ngày 20, 21 tháng Giêng.

Trai làng hóa trang trong lễ rước. Ảnh: Nguyễn Đạo

Hiện nay, lễ hội đền Cờn là một phức hợp các hoạt động lễ và hội xen kẽ nhau bao gồm lễ tế trầu, tế bánh, lễ rước bộ, rước thủy, thuyền ngự du xuân, lễ cầu ngư, các trò chơi dân gian như đua thuyền, đánh cờ người,… Độc đáo và hấp dẫn nhất trong lễ hội đền Cờn là tục chạy ói. Các nghi lễ trong tục chạy ói thể hiện tính đa sắc màu, diễn biến trình tự được diễn ra một cách tự nhiên với nhiều cao trào thể hiện rõ nét đặc trưng của cư dân miền biển từ trang phục, đoàn rước, trang trí, kiệu, tục hát ví, múa sênh tiền, chạy voi, chạy ngựa, vê kiệu, tế trên đường rước, tung lộc, cướp lộc,… trong lễ có hội, trong hội có lễ. Chính vì lẽ đó, tục chạy ói cũng được xem là linh hồn của lễ hội đền Cờn.

 

Đoàn rước thủy trong lễ hội đền Cờn. Ảnh: Nguyễn Đạo

Đua thuyền trong lễ hội đền Cờn cũng là một hoạt động thu hút du khách. Ảnh: Nguyễn Đạo

Tục chạy ói, được tổ chức vào sáng ngày 21 tháng Giêng Âm lịch, đây là nghi lễ quan trọng không thể thiếu trong diễn trình lễ hội, tái hiện sự tích dân làng Phương Cần xuống làng Phú Lương cướp khúc gỗ thần, gắn với sự tích khúc gỗ thần xưa. Chạy ói là nghi lễ liên quan đến nơi phát tích cướp khúc gỗ thần tại đền Quy Lĩnh ở xã Quỳnh Lương - nơi có hòn Ói, một ngọn núi thấp ăn ra biển cách đền Cờn khoảng 7km về hướng Nam.

Các trai làng bê kiệu chạy thi trên bãi biển. Ảnh: Nguyễn Đạo

 

Kiệu được tung lên không trung trong tiếu reo hò của du khách. Ảnh: Nguyễn Đạo

Theo các cụ cao niên kể lại: Tục chạy ói xưa bao gồm 2 đoàn rước lớn là đoàn rước ngai, sắc, bằng và đoàn rước kiệu thờ của các vị thần, kèm theo đó là tàn, lọng, quạt, binh khí, bát bửu, cờ lệnh, cờ ngũ sắc, cờ lệnh,…, chia làm 2 đội rước thủy và rước bộ. Đoàn rước thủy là tập hợp các thuyền lớn của làng đi trên biển có nhiệm vụ rước ngai và rước sắc, đoàn rước bộ có nhiệm vụ rước kiệu và thực hành các nghi lễ tâm linh trong đó có nghi lễ cầu ngư và chạy kiệu, người dân địa phương gọi là vê kiệu, tức là những người khiêng kiệu chạy một đoạn khoảng 20m đến 30m, chờ kiệu sau đến rồi lại vê và tung kiệu lên cao tạo thành khoảng 8 đến 16 trai đinh khỏe mạnh cùng khiêng 1 kiệu và phải đều tay làm sao khi chạy kiệu, vê kiệu trống và tàn vẫn có thể theo kịp để hòa vào đám rước kiệu (đây là 1 kỹ thuật khá khó đòi hỏi phải khéo léo vì để vừa vê kiệu, tung kiệu, chạy kiệu mà không làm cho kiệu rời khỏi vai không hề đơn giản). Để tăng thêm cảm xúc thăng hoa cho lễ tung kiệu còn có sự tham gia của “nhà trò” và đội múa “sênh tiền”, nhà trò thường có 2 đến 3 người đều hóa trang trai giả gái, lưng đeo đai, tay cầm quạt vừa gánh vò rượu vừa làm trò, trêu ghẹo mọi người trong đám rước, tất cả tạo nên một đoàn rước rất đặc sắc.

Đông đảo du khách tham gia đoàn rước trong lễ hội đền Cờn năm 2023. Ảnh: Nguyễn Đạo

Ngày nay, tục chạy ói được tổ chức thu hẹp thời gian và khoảng cách lại để tập trung thời gian cho lễ đại tế tại đền. Thời gian rước ói chỉ diễn ra một buổi, đoàn rước không đi đến hòn Ói mà dừng lại ở bãi biển Quỳnh Phương gần khu vực đền Cờn ngoài, nơi nhìn thấy hòn Ói để làm lễ, nhưng các tích trò trong lễ rước vẫn còn mang dấu ấn cổ xưa đã tạo thành một đặc sản của văn hóa xứ Nghệ mà mỗi du khách khi về hội đền Cờn đều muốn tham gia để được hưởng thụ cái hay, cái đẹp, cái đặc trưng, cái không khí của lễ rước.

 


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446433

Hôm nay

271

Hôm qua

2293

Tuần này

271

Tháng này

212692

Tháng qua

120141

Tất cả

114446433