Xứ Nghệ ngày nay

Làng Tuồng ngày xuân

Mỗi độ xuân về, tại một số làng quê Diễn Châu, những âm thanh giục giã của trống chầu và những lời ca hùng hồn, vang vọng của nghệ thuật Tuồng lại vang lên trong niềm tự hào, yêu thích của người dân nơi đây.

Đội Tuồng xã Diễn Thịnh hàng chục năm nay vẫn duy trì biểu diễn dịp đầu xuân cho Nhân dân trong xã xem

Hàng năm đúng tối mồng 3 Tết, người dân khắp làng trên xóm dưới ở xã Diễn Mỹ lại râm ran gọi nhau đi xem Tuồng. Vào giờ diễn, mọi người ngồi vòng trong vòng ngoài, chật cả sân nhà văn hóa xã để xem Tuồng. Từ xưa, làng Phú Thọ xã Diễn Mỹ đã có câu “Tuồng Mái Nâu nổi tiếng khắp vùng gần xa”, nói lên sự hưng thịnh của nghệ thuật hát Tuồng trên đất này.

Xuân này, dù đã hơn 70 tuổi nhưng cụ Hoàng Ngọc Phác - Chủ nhiệm CLB Tuồng xã Diễn Mỹ vẫn lên sân khấu biểu diễn phục vụ Nhân dân. Cụ đã mê hoặc bao người bằng những câu hát kết hợp với điệu bộ như một nghệ sĩ diễn Tuồng thực thụ. Cụ Hoàng Ngọc Phác chia sẻ: “Tết năm nào cũng vậy, chúng tôi biểu diễn mừng Đảng, mừng xuân, mừng thọ các cụ. Tuồng cổ thì chúng tôi có hàng chục vở. Năm nay, chúng tôi diễn vở “ngọn lửa Hồng Sơn”, bà con đi xem đông lắm. Kinh phí thì xã hỗ trợ một phần còn lại chúng tôi tự túc, được đứng trên sân khấu biểu diễn là chúng tôi rất vui rồi”.

Hòa với đất trời náo nức vào xuân, tiếng trống Tuồng cũng giục giã hối hả khắp các làng quê Diễn Hoàng. Ở đây, ngày Tết không thể thiếu hát Tuồng. Mọi người xem hát Tuồng không chỉ để mua vui, giải trí mà còn được hiểu thêm về những tấm gương tận trung báo quốc hay những bài học về ứng xử giữa người với người qua các vở Tuồng…

Với mong muốn giữ lại vốn dân gian cổ này, một số cụ cao tuổi đam mê Tuồng cổ của xã Diễn Hoàng đã đứng ra thành lập đội hát Tuồng và tự bỏ kinh phí ra tận Hà Nội sưu tầm và mua sắm trang phục biểu diễn. Sau đó, các cụ lại tìm kiếm những người có năng khiếu về ca hát để truyền dạy hát Tuồng. Đến nay, đội Tuồng của xã Diễn Hoàng đã có hơn 20 thành viên tham gia. Tuy tuổi cao nhưng các cụ vẫn còn khá linh hoạt trong diễn xuất, nhuần nhuyễn trong thể hiện cử chỉ, điệu bộ của nghệ thuật Tuồng. Cụ Vũ Thị Thương - Thành viên đội Tuồng cho biết: “Mê Tuồng từ nhỏ nên không lúc mô tôi quên được Tuồng. Còn sống là tôi vẫn cứ truyền dạy Tuồng cho con cháu.Chính quyền địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực như tổ chức hội thi, hỗ trợ về vật chất và đặc biệt là sự hưởng ứng và niềm yêu thích Tuồng của người dân nên đội Tuồng vẫn duy trì hoạt động đều đặn...”.

Tuồng là loại hình nghệ thuật đòi hỏi công phu, từ luyện tập cho đến đầu tư y phục, đạo cụ… Tuy vậy, người Diễn Châu rất yêu thích môn nghệ thuật này. Đến nay, ở Diễn Châu, ngoài xã Diễn Hoàng, Diễn Mỹ thành lập được CLB Tuồng còn có khoảng 10 đội hát Tuồng ở các xã như Diễn Thái, Diễn Xuân, Diễn Bình, Diễn Bích, Diễn Thịnh… mỗi đội có từ 3-5 người. Tuy được thành lập dưới hình thức tự phát, nhưng các đội Tuồng đều sắm sanh đầy đủ trang phục và các loại nhạc cụ để biểu diễn. Không chỉ đam mê luyện tập và biểu diễn, mà mong muốn của các nghệ nhân là bảo tồn được môn nghệ thuật cổ của cha ông để lại và một cách làm có tính kế thừa hiệu quả nhất, đó là vận động con cháu trong gia đình, trong dòng họ cùng tham gia luyện tập. Nhờ vậy mà mỗi dịp Tết đến, các nhà văn hóa xã đã trở thành những “sân khấu” Tuồng nô nức người xem với những vở như “Ngọn lửa Hồng Sơn”, "Trưng Vương đề cờ", “Mỵ Châu - Trọng Thủy”,... Ở đâu, tiếng hát của các cụ cũng được đón nhận nồng nhiệt. Ông Đào Hồng Thanh - Trưởng phòng VHTT Diễn Châu cho biết: Cùng với Ca trù, dân ca Ví, Giặm thì Tuồng trên đất Diễn Châu đang được hồi sinh và phát triển khá mạnh. Mùa Xuân, trong vô vàn thú vui, đong đầy cảm xúc thì vui với Tuồng được nhiều người dân lựa chọn. Dưới những nếp nhà làng quê Diễn Châu, Tuồng vẫn luôn là món ăn tinh thần bổ ích của những người nông dân hay lam hay làm. Ngành Văn hóa cũng tham mưu với UBND huyện trích một phần kinh phí hỗ trợ các nghệ nhân biểu diễn, đồng thời vận động xã hội hóa để duy trì môn nghệ thuật truyền thống này.

Cuộc sống ngày càng đổi mới, có nhiều thứ để người ta xem nhưng những người cao tuổi ở Diễn Châu vẫn luôn giữ lửa nghệ thuật Tuồng truyền thống và xem đây là vốn quý ngàn đời của cha ông cần được giữ gìn và truyền mãi đến muôn đời sau để ngày xuân ở làng quê Diễn Châu, trống Tuồng vẫn vang vọng hùng hồn theo thời gian.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114496449

Hôm nay

2231

Hôm qua

2310

Tuần này

21230

Tháng này

213842

Tháng qua

120308

Tất cả

114496449