Những góc nhìn Văn hoá

Đại tướng Chu Huy Mân - người cộng sản kiên trung, mẫu mực; vị tướng một lòng vì nước, vì dân

“Được cống hiến, đời vinh quang rực rỡ,

Vì nước non và nghĩa lớn nhân dân.

Tóc xanh bước tới, thép vàng chói lửa

Đầu bạc ta về óng ánh trời xuân.”1

Đó là những câu thơ của Đại tướng Chu Huy Mân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường đọc mỗi lần gặp bạn bè chiến đấu. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng mãi là tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên trung mẫu mực, luôn cống hiến, hy sinh vì nước non, vì Nhân dân.

Đại tướng Chu Huy Mân (tên khai sinh là Chu Văn Điều, bí danh: Vũ Chân, Lê Thế Mỹ, Trần Thanh Lạc, Hồ Thanh Châu, Hai Mạnh, Thao Chăn) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo có 8 người con tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay thuộc xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Được nuôi dưỡng trong một gia đình, một dòng họ có truyền thống yêu nước, hiếu học; lớn lên trên mảnh đất có bề giày lịch sử, văn hóa,những mạch nguồn đó đã góp phần hun đúc nên khát khao, hoài bão được làm cách mạng thoát khỏi xiềng xích nô lệ của người thanh niên yêu nước Chu Văn Điều.

Năm 1929, trước cuộc sống khó khăn của gia đình, chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến, những cuộc đấu tranh mạnh mẽ của Nhân dân Nghệ Tĩnh, tuy mới 16 tuổi nhưng Chu Văn Điều đã được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng.

Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đờiđã lãnh đạo Nhân dân cả nước làm nên cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Khi làn sóng đấu tranh của Nhân dân nổ ra, lan rộng ở nhiều địa phương thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh được thành lập đã mang lại cuộc sống mới cho Nhân dân. Tại làng Yên Lưu, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh bộ Vinh, Chi bộ các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ... đã được thành lập, Chu Văn Điều được cử làm Đội phó Đội Tự vệ đỏ Yên Lưu. Cùng với các thành viên trong Đội tự vệ, Chu Văn Điều đã hăng hái luyện tập, không kể ngày đêm với những vũ khí thô sơ tự tạo như gậy gộc, giáo mác và hăng hái tham gia vào các cuộc đấu tranh, để lại dấu ấn với những cuộc trấn áp nhiều tên tay sai, phản động trong vùng. Sau một thời gian hoạt động tích cực,tháng 11/1930 Chu Văn Điều đã vinh dự đượctổ chức kết nạp vào hàng ngũ của Đảng với lời thề sắt son trước lá cờ đỏ búa liềm: “Tôi, Chu Văn Điều xin thề trước cờ Đảng nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng, nếu bị địch bắt dù cực hình tra tấn thế nào quyết không cung khai, dù phải chịu tù đày quyết không nản chí, vào sống ra chết không sờn lòng”2.

Lời thề thiêng liêng ấy đã theo suốt cuộc đời và trở thành mục đích hành động, giúp người chiến sĩ cộng sản Chu Văn Điều trưởng thành trong bão táp cách mạng.

Đầu năm 1931, thực dân Pháp huy động lực lượng tiến hành khủng bố trắng hòng dập tắt phong trào cách mạng và các cơ sở Đảng ở Nghệ Tĩnh. Chu Văn Điều cùng các đồng chí của mình phải chịu cảnh bị bắt bớ, đánh đập, một số bị bắt đày đi vùng rừng thiêng nước độc ở Buôn Ma Thuột để lao động khổ sai. Chúng bắt mọi người phải nhận “đã làm cộng sản” và ký vào giấy xin “quy thuận”. Riêng Chu Văn Điều kiên quyết không nhận, không ký giấy “quy thuận” do đó chúng buộc phải tha nhưng cử người theo dõi.

Trước tình hình khó khăn đó, nhiệm vụ cấp bách lúc này là phải củng cố lại tổ chức Đảng và gây dựng lại phong trào cách mạng. Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ đặt ra, năm 1933, đồng chí Chu Văn Điều đảm nhiệm cương vị Bí thư Chi bộ Đảng Yên Lưu. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào cách mạng ở Yên Lưu đã có những bước phát triển mới. Chi bộ hoạt động tích cực và có những biện pháp nhằm chuyển hướng đấu tranh đòi những quyền lợi thiết thực. Để ngăn ngừa và cấm đoán hoạt động của Chu Văn Điều, thực dân Pháp đã đưa đồng chí vào danh sách tình nghi cộng sản. Trong thời gian từ năm 1935-1939, hằng năm cứ đến các ngày: 01/5, 8/3, 14/7, 12/9, Chu Văn Điều phải lên trình diện và bị giữ lại suốt ngày hôm đó.

Tháng 5 năm 1935, Chu Văn Điều đổi tên thành Chu Huy Mân. Đến năm 1936, đồng chí giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Từ 1937-1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần ở Nhà laoVinh. Năm 1940, Chu Huy Mân bị đưa đi giam ở Đắc Lay rồi Đắc Tô, Kon Tum. Trong lao tù đế quốc, bọn địch dùng đủ mọi thủ đoạn vừa dụ dỗ vừa đánh đập dã man nhưng không thể nào khuất phục được ý chí thép của người chiến sĩ cộng sản.

Năm 1943, sau một thời gian bắt liên lạc được với tổ chức Đảng tỉnh Quảng Nam, tổ chức đã tạo điều kiện cho đồng chí vượt ngục thành công. Trong thời gian ở Quảng Nam, đồng chí đã hoạt động sôi nổi, liên tục, tham gia tích cực trong Ban Mặt trận Việt Minh tỉnh và được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Nam.

Tháng 8/1945, đồng chí Chu Huy Mân cùng với các đồng chí nòng cốt trong Mặt trận Việt Minh tỉnh và BCH Tỉnh ủy Quảng Nam lãnh đạo Nhân dân toàn tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Đồng chí đã có công lớn trong việc vận động, tập hợp quần chúng, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng ở địa phương, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng ngay từ những ngày đầu thành lập nhà nước dân chủ nhân dân còn non trẻ.

Sau khi giành được chính quyền năm 1945, đồng chí vào quân đội và lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam; sau đó làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính 4 tỉnh Trung Bộ, Trưởng ban Kiểm tra Đảng, Quân khu ủy viên Khu Việt Bắc.

Từ năm 1947 đến năm 1949, đồng chí là Trung đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 72, Trung đoàn 74 Cao Bằng và Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Chu Huy Mân, Trung đoàn 174 đã tổ chức ra quân đánh phục kích lớn trên đường số 4 làm tê liệt, cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược của địch từ xuôi lên Việt Bắc, tiêu diệt gần 500 tên địch, bắt sống 60 tên, làm bị thương 300 tên, phá hủy 53 xe tăng. Ngày 30/01/1950, đồng chí Chu Huy Mân lại chỉ huy Trung đoàn 174 tổ chức đánh trận lớn tiêu diệt gần 5.000 tàn quân Tưởng, bắt đầu hàng khoảng 4.000 tên.

Tháng 8/1950, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở chiến dịch Biên giới. Các lực lượng tham gia chiến dịch bao gồm Trung đoàn 174 của đồng chí Chu Huy Mân, đại đoàn 308, các tiểu đoàn 209, 426, 428, 888 và một số bộ đội địa phương tỉnh các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn cùng 10 vạn dân công. Sau chiến dịch Biên giới thắng lợi, trung đoàn 174 về đóng quân gần thị xã Lạng Sơn. Đồng chí Chính ủy Chu Huy Mân nhận được lệnh lên cơ quan Bộ để nhận nhiệm vụ mới. Khi đến cơ quan Bộ đóng ở Hòa An, Cao Bằng, đồng chí Chu Huy Mân đã đến làm việc và báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cùng với Đại tướng sang gặp Bác. Đó là lần đầu tiên Đại tướng Chu Huy Mân được gặp trực tiếp Bác Hồ…

Tháng 5/1951, Đại đoàn 316 được thành lập. Đồng chí Chu Huy Mân được cử làm PChính ủy, sau đó là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316. Đại đoàn 316 do đồng chí Chu Huy Mân chỉ huy đã tự tin, hùng dũng tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và được giao nhiệm vụ đánh những vị trí then chốt như đồi C1, C2 và đồi A1, góp phần quyết định đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng chấn động địa cầu.

Tháng 8/1954, đồng chí Chu Huy Mân được Đảng và Nhà nước cử làm Trưởng đoàn và Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Trong gần 4 năm làm việc tại Lào, đồng chí đã cùng đoàn chuyên gia giúp nước bạn Lào xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng, tạo điều kiện cho lực lượng cách mạng Lào phát triển theo kịp phong trào 3 nước Đông Dương…Đồng chí là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, tình nghĩa thủy chung “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” giữa quân đội và Nhân dân hai nước Việt - Lào, được bạn tin cậy và đánh giá là một trong những “Cố vấn xuất sắc” của Chính phủ, Quân đội và Nhân dân các bộ tộc Lào.

Năm 1957, đồng chí giữ chức Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4; năm 1958, là Chính ủy Quân khu Tây Bắc kiêm Bí thư Khu ủy Tây Bắc.

Tháng 5/1961, đồng chí giữ chức vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4.

Tháng 9/1963, đồng chí được Bộ Chính trị và Quân ủy cử làm Trưởng đoàn Kiểm tra của Đảng ủy Quân sự Trung ương kiểm tra tình hình tại chiến trường Quân khu 5. Đồng chí lần lượt giữ các chức vụ: Phó Bí thư Khu ủy, Bí thư Quân ủy, Khu ủy và Tư lệnh Quân khu.

Trải qua những năm tháng rất ác liệt tại Quân khu 5, bằng tài năng và trí tuệ của mình, với quyết tâm cao, đồng chí Chu Huy Mân cùng tập thể lãnh đạo Đảng ủy Quân khu 5 chỉ huy quân và dân làm nên nhiều chiến công giòn giã như trận Ba Gia, Núi Thành, Vạn Tường.

Đồng chí là người lãnh đạo và chỉ huy bộ đội có nhiều sáng tạo, là linh hồn của bộ đội Tây Nguyên và Quân Khu 5. Tác phong chỉ huy sâu sát, dũng cảm và có tài thao lược, đồng chí đã lãnh đạo chiến dịch Plâyme nổi tiếng của cả chiến trường miền Nam trong đánh Mỹ năm 1965. Năm 1966, đồng chí chỉ huy chiến dịch Sa Thầy với nhiều mưu kế hay, độc đáo nhử quân địch từng bước tiến vào bẫy để tiêu diệt từ sông Pôkô đến sông Sa Thầy khiến các đơn vị sừng sỏ của chúng đều lần lượt bị đánh bại. Mưu kế đó cũng đã được bộ đội Tây Nguyên vận dụng, đánh bại Lữ dù 173 của Mỹ và một bộ phận của Sư Không vận Mỹ.

Tháng 6/1967, đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương gọi ra Hà Nội, vinh dự lại được gặp Bác và ăn cơm cùng Người. Bí danh Hai Mạnh của Tư lệnh Chu Huy Mân cũng xuất phát từ buổi gặp mặt này. Trong lúc nói chuyện, Bác đã hỏi về nhiệm vụ được phân công của đồng chí Chu Huy Mân. Sau khi nghe đồng chí báo cáo đang phải tạm kiêm cả hai nhiệm vụ quân sự và chính trị: Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên, Bác đã cười, động viên: “Chú gánh cả hai vai cho khỏe”. Kể từ đó, đồng chí đã đổi bí danh từ Hồ Thanh Châu sang Hai Mạnh.

Trong hơn 10 năm chỉ huy bộ đội Quân khu 5 từ năm 1964 cho đến Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, đồng chí Chu Huy Mân là chỗ dựa tin cậy của quân và dân khu 5 trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất nhưng cũng vẻ vang nhất. Đồng chí đã góp phần phát triền nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch tổng hợp gồm hai lực lượng: chính trị (đấu tranh chính trị, binh vận), quân sự (ba thứ quân) là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân ở Khu 5 (Đông Xuân 1972) ở Bắc Bình Định và cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 ở Khu 5). Trong thời gian công tác ở Quân khu 5, đồng chí Chu Huy Mân được mọi người gọi với cái tên thân thương là anh “Hai Mạnh”.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng năm 1976, đồng chí Chu Huy Mân được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được cử giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt nam (1977-1986), phụ trách công tác giúp Cách mạng Lào, Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc (năm 1980).

Với những thành tích đã đạt được qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, đồng chí Chu Huy Mân được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Thiếu tướng năm 1958, vượt cấp lên Thượng tướng năm 1974, được Chủ tịch Tôn Đức Thắng phong hàm Đại tướng năm 1980.

Đồng chí là Đại biểu Quốc hội khóa II, VI, VII, được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa VII (1981-1986), là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, IV, V, Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV, V.

Cùng thời điểm này, trên mặt trận biên giới Tây Nam đang diễn ra cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ chống chiến tranh xâm lấn biên giới với tội ác dã man của bọn Pôn Pốt, Đại tướng Chu Huy Mân đã cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương chỉ đạo lực lượng vũ trang thực hiện cuộc phản công và tiến công chiến lược giành thắng lợi to lớn và nhanh chóng, đánh đổ chế độ Pôn Pốt, cứu nhân dân và đất nước Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, kiêm Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, đồng chí đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất nhiều chủ trương và quyết sách đúng đắn đồng thời trực tiếp lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, chăm lo xây dựng quân đội theo hướng “cách mạng, chính quy và từng bước hiện đại”, có nhiều đóng góp trong chỉ đạo công tác tổng kết Đảng lãnh đạo chiến tranh cách mạng.

Đại tướng Chu Huy Mân nghỉ hưu năm 1986, từ trần năm 2006 tại Hà Nội trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình và quê hương cùng Nhân dân cả nước…

Với công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân, Đại tướng Chu Huy Mân đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất và nhiều huân chương cao quý khác của các nước bạn. Đặc biệt, ông là một trong số ít những vị Đại tướng được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Sớm giác ngộ cách mạng khi tuổi xuân còn trẻ, vượt qua bao gian nguy thử thách để tìm ra chân lý và lẽ phải “Thà chết vinh còn hơn sống nhục”, từ Tự vệ Đỏ, đến người Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 17 tuổi, 76 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, hơn 50 năm hoạt động trong Nhà nước và trong Quân đội, Đại tướng Chu Huy Mân đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ và cương vị quan trọng trên lĩnh vực quân sự cũng như dân sự. Nhiệm vụ nào, cương vị nào Đại tướng cũng hoàn thành xuất sắc, được Đảng, Nhà nước và quân dân tin yêu, cảm phục. Đại tướng Chu Huy Mân - Hai Mạnh luôn sống mãi trong lòng Nhân dân, chiến sĩ cả nước bởi “Vinh quang nhất của cuộc đời là được cống hiến, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho Nhân dân”.3

* Phó Giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Chú thích:                                                                  

1 Đại Tướng Chu Huy Mân - Nhà Quân sự - Chính trị song toàn, người cộng sản kiên trung, mẫu mực; Nxb Chính trị Quốc gia; Hà Nội, 2013, tr69

2 Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động (Hồi ký), Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.18.

3 Đại Tướng Chu Huy Mân - Nhà Quân sự - Chính trị song toàn, người cộng sản kiên trung, mẫu mực; Nxb Chính trị Quốc gia; Hà Nội, 2013, tr20

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441774

Hôm nay

2174

Hôm qua

2317

Tuần này

21678

Tháng này

216948

Tháng qua

112676

Tất cả

114441774