Đất Nghệ

Ngày xuân tản mạn về tiếng Nghệ

Người xứ khác nói tiếng Nghệ nghe như :”Rìu chém đá,rạ (rựa ) chém đe”, nghĩa là nó vừa nặng nề, vừa trọ trẹ và đặc biệt là rất khó nghe . Thế nhưng chúng ta chưa thể thống kê đã có biết bao nhiêu công trình khoa học nghiên cứu về phương ngữ Nghệ Tĩnh, từ khoá luận tốt nghiệp của sinh viên đến những công trình có qui mô cấp nhà nước .

Trong đó phải kể đến công trình nhóm tác giả khoa Ngữ văn- Đại học Vinh, cuốn “ Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh” (Nguyễn Nhã Bản, Phan Mậu Cảnh , Hoàng Trọng Canh , Nguyễn Hoài Nguyên). Các tác giả công trình này đã sưu tầm tập hợp được trên 3000 đơn vị mục từ. Với số lượng đơn vị mục từ này, Xứ Nghệ đã đóng góp cho vốn từ tiếng Việt một số lượng không phải là ít. Có thể khẳng định rằng phương ngữ Nghệ Tĩnh là một trong những phương nữ dẫn đầu về số lượng từ vựng. Và tiến địa phương Nghệ Tĩnh đã đem đến nhiều thành công cho giới nghiên cứu Việt ngữ học, Văn học và Văn hóa học

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đức thật tinh tế khi phát hiện ra từ “ gật gù” khi bắt vần với từ “bù” thì giá trị biểu cảm sẽ lớn hơn gấp bội từ “ gật đầu” khi bắt vần với từ “ bầu” trong câu ca xưa. Bởi “ gật đầu” chỉ đơn thuần là một hành động có tính “ biểu quyết” , còn “gật gù” là sự lặp đi lặp lại nhiều lần , là sự tâm đắc , biểu hiện sự hòa thuận , thủy chung , đồng cam cộng khổ trong tình cảm vợ chồng, cho dù phải ăn món : “ Râu tôm nấu với ruột bù” (bầu) . Và cũng xúc động làm sao trước tình cảm lứa đôi đầy keo sơn gắn bó : “ Muối ba năm muối đương còn mặn/ Gừng chín tháng gừng hãy còn cay / Đôi ta tình nặng nghĩa dày/ Dù có xa nhau đi chăng nữa thì ba vạn sáu nghìn ngày cũng nỏ xa”. Ba vạn sáu nghìn ngày là khoảng một trăm năm, một tình cảm gần như bất diệt, nó vượt qua cả thuộc tính của tự nhiên là “Gừng cay” và “Muối mặn”. Việc dùng từ “nỏ” ở đây hiệu ứng thẩm mỹ sẽ cao hơn từ “không” hoặc từ “chẳng”, bởi nó dùng thanh trắc, lại có hình thái ngắn hơn các từ kia, việc phát âm nó cũng mạnh mẽ và dứt khoát hơn. Do đó, nó đem đến hiệu quả nghệ thuật cao hơn trong việc khẳng định tình cảm lứa đôi bất diệt.

Tiếng Nghệ cũng đã góp phần hình thành nên phong cách văn chương của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, thi sĩ Nguyễn Công Trứ, Hồ Chí Minh…Và nó cũng góp phần hình thành nên các làn điệu dân ca như hò, ví, dặm, hát Phường Vải. Nó còn góp phần hình thành nên làn điệu ca trù, một hình thức sinh hoạt văn hóa đang được đề nghị Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Cố thi sĩ Nguyễn Bùi Vợi lấy vợ Xứ Bắc, một lần đưa vợ về quê ra mắt họ hàng, làng xóm, ông đã trang bị cho vợ một số vốn từ cần thiết để giao tiếp nhưng cô gái Bắc Hà này không khỏi ngỡ ngàng, bối rối trước câu hỏi: “Răng không sang nhởi bên choa?/ ở nhà o nhốt con ga trong truồng” (Tiếng Nghệ). Trước tình cảnh đó thi sĩ không khỏi chạnh lòng cảm thông với người vợ của mình: “Nhìn em bối rối mà thương”. Nhưng rồi: “Thương em một lại trăm đường thương quê”. Thế là thi sĩ lí giải với vợ sự “nhọc nhằn”, trọ trẹ nhưng đầy tình cảm chân thành trong giọng nói của người Nghệ: “Chiết từ sỏi đá khô cằn/ Yêu thương lắm nên sâu đằm đó em”. Lời giải thích tuy ngắn gọn nhưng đã hàm chứa và bao quát được khá nhiều điều.
Mỗi lần ra thủ đô, vào quán trà hay vào chợ, nói giọng Nghệ lập tức có người nhận đồng hương, họ mừng rỡ như bắt được vàng, họ bảo được nghe giọng quê có cảm giác như đang được sống giữa quê. Nhiều người xa quê lâu năm nhưng khi về thăm quê giọng nói của họ vẫn đậm đà chất Nghệ. Tiêu biểu là chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 30 năm bôn ba xứ người, hơn 50 năm xa đất Nghệ nhưng tiếng Nghệ luôn lắng sâu trong cõi lòng. Ngày nay, các vị lãnh đạo cao cấp như Nguyễn Sinh Hùng, Trương Đình Tuyển… mỗi khi phát biểu trên truyền thanh- truyền hình ta cũng dễ dàng nhận ra chất Nghệ trong giọng nói. Tôi may mắn được tiếp xúc với một số Giáo sư-Tiến sĩ có uy tín về học thuật quê Nghệ Tĩnh đang công tác ở các trường Đại học và Viện nghiên cứu ở Hà Nội như: Phong Lê, Trương Đăng Dung, Nguyễn Đức Mậu, Trần Ngọc Vương, cảm giác đầu tiên khi gặp họ là sự gần gũi, thân tình,vì họ cũng nói giọng như mình và hiểu hết những lời mình nói. Tôi nghĩ họ như những đóa hoa, càng vươn xa thì rễ càng cắm sâu vào lòng đất. Không biết chính xác hay không khi một số người dự đoán khỏng 2-3 thế kỷ sau toàn bộ vùng Tây Nguyên rộng lớn sẽ nói bằng tiếng Nghệ , vì người Nghệ Tĩnh vào làm ăn sinh sống ở đây ngày càng đông đúc và chiếm đa số. Vậy mà dân ta có không ít người vào Nam ra Bắc làm ăn, sinh viên học ở các tỉnh khác về quê ăn tết đem theo về mộ thứ giọng “hỗn tạp”, Nam không ra Nam, Bắc chẳng ra Bắc, càng không phải là Nghệ lại còn chê giọng mình “quê quê”, “khó nghe, khó hiểu”. Thực ra đây chỉ là những kẻ a dua, học đòi vô lối. Khi ở quê người thì nói giọng của người nhưng khi về quê mình thì nên nói giọng của mình.
Ngôn ngữ là một thành tố trong cấu trúc văn hóa, nó thể hiện bản chất, tính cách của chủ thể sáng tạo và người sử dụng. Tiếng Nghệ mãi mãi là sự hấp dẫn và thử thách các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ. Chúng ta tin tưởng rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều công trình, nhiều tác phẩm có giá trị trong việc khám phá, tìm hiểu bản chất và quy luật của tiếng Nghệ cũng như thể hiện vẻ đẹp và sự phong phú của phương ngữ này.
 
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521532

Hôm nay

2306

Hôm qua

2303

Tuần này

2306

Tháng này

219471

Tháng qua

121009

Tất cả

114521532