Đất Nghệ
Sông Lam hay sông Rum
Bấy lâu kể cả trong lẫn ngoài nước nhiều bài viết khi nói về truyền thống khoa hoạn Họ Nguyễn Tiên Điền( Nghi Xuân- Hà Tĩnh ) thường hay trích câu ca dao Bao giờ Ngàn Hống hết cây, Sông Rum hết nước họ này hết quan, nhưng cũng không ít tác giả lại trích: Bao giờ Ngàn Hống hết cây, Sông Lam hết nước họ này hết quan! Phải chăng có sự nhầm lẫn chi đây về hai tên sông : Sông Rum hay Sông Lam?
Xin nói một điều là nơi đây từng tồn tại hai câu ca na ná như nhau , câu này như là biến dị của câu kia, nhưng là câu nào có trước thì người viết bài này chưa dám khẳng định .
Câu 1: Bao giờ ngàn Hống hết cây,/Sông Rum hết nước đó đây hết tình.
Câu 2: Bao giờ Ngàn Hống hết cây,/ Sông Rum hết nước họ này hết quan
Thôi , cứ cho là câu 1 có trước đi vì tính chất diễn tình của nó gần với ca dao cổ truyền hơn , khi biến dị thành câu 2 có thể do một nho sĩ nào đó trong dòng họ đổi thành để tự hào và khẳng định truyền thống cuả gia tộc, nhưng cũng có thể là lời truyền miệng vần vè của dân gian trong vùng khi nhận xét về dòng họ này.Cả hai trường hợp khi đã truyền được lâu dài từ đời này sang đời khác tất nó đã tuân thủ những quy tắc của thơ ca dân gian về tính hiện thực cũng như tính thẩm mỹ.
Tuy nhiên đến câu :Bao giờ Ngàn Hống hết cây, Sông Lam hết nước họ này hết quan! ta thấy có một sự khập khiểng về chi tiết thông qua hai địa danh một tên núi, một tên sông !Trên cơ sở những tương quan về địa-tâm linh đem so sánh câu này với câu trước , chúng ta có thể phân tích tìm được một câu hợp lý hơn .
Khi có hai câu ca dao cùng đề cập một nội dung và na ná nhau về hình thức thì sự lựa chọn tất phải chú ý các tiêu chí sau đây : về thời gian ( câu nào có trước ), về không gian ( tính xác thực về địa lí),về đạo lí ( phù hợp truỳền thống đạo đức, phong tuc tập quán nhân dân điạ phương), về thẩm mỹ ( đẹp về ngôn ngữ, hình ảnh ).
Để hiểu rõ hai câu ca,trứơc hết xin nói đôi điều về địa lý Hà Tĩnh . Sông lớn nhất Hà Tĩnh xưa gọi là sông Cả (hay là Ngàn Cả,một trong 2 con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ Việt Nam) sau đổi thành sông Thanh Long, rồi Sông Lam. Sông bắt nguồn từ vùng Nậm Căn, Lào qua Nghệ An vào Hà Tĩnh .Thượng nguồn Sông Lam là hợp lưu của sông Ngàn Sâu( Hương Khê) và sông Ngàn Phố ( Hương Sơn) đổ về xuôi gặp nhau ở Tam Soa ( Tây Bắc Đức Thọ), từ đây chảy ra bể có hai đoạn . Đoạn chảy qua huyện Đức Thọ gọi là Sông La( La giang), đoạn qua huyện Nghi Xuân (cũ) (bao gồm một phần đất Đức Thọ và cả một phần đất Hưng Nguyên thuộc Nghệ An bây giờ) cũng gọi là Sông Lam.Tương truyền vào thế kỷ XV trong lần tiến quân ra Nghệ An để đánh đuổi quân Minh, Lê Lợi chiếm được Lam Thành (tên của cái thành ở ven con sông) vì thế nhân dân đã đặt tên cho con sông này là sông Lam. (!?) Tuy nhiên, có một khúc sông là đoạn qua Rú Thành xuống gần Hồng Lĩnh , dân gian ở đây thường gọi với cái tên nôm na là sông Rum .Có người giải thích : Sở dĩ có tên gọi như thế là vì người ta căn cứ vào những biến đổi thời tiết của vùng này, cứ vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm ở khu vực Bắc miền Trung thường có mưa lớn làm cho nước sông dâng lên và đổi sang màu đỏ tím mà dân gian ở đây gọi là màu “rum”. Hết mùa mưa lũ lại tới mùa nắng hanh, sông lại trở về với màu xanh trong nằm uốn khúc tựa con rồng xanh khổng lồ nên người ta gọi là Thanh Long giang.Theo lời cụ Võ Giáp, người Hội Thống ( Nghi Xuân) hiện là chủ tịch Câu lạc bộ Thơ Đường Hà Tĩnh thì Sông Rum hiện nay so với ngày trước đã nắn dòng xê dịch về phía Nam một chặng, khúc sông này ngày trước nước chảy xiết lắm, hằng năm mùa lũ lụt hai bờ bồi lỡ thất thường. Nguyễn Du trong bài thơ về Sông Lam ( Lam giang) đã từng miêu tả : “Mùa thu sông Lam nước lên to/...Bờ sông lở ầm ầm nghe như sấm dữ,/ Sóng dâng lên trông như những con quỉ kỳ dị” (Lam giang trướng thu thuỷ...Dĩ ngạn băng bạo lôi/Hồng đào kiến kì quỉ).
Nơi sông Lam đổ ra gặp bể khi xưa gọi là Đan Nhai,nay là Cửa Hội.
Ngọn núi qua Hà Tĩnh gọi là núi Hồng Lĩnh , có khi gọi núi Hồng ( Núi Hồng Lĩnh còn mịt mù u uất, Sông Nhị Hà còn chưa chất hờn căm.. .-Thơ khuyết danh).Mạch núi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, từ nam Bến Thuỷ vào đến bắc CửaSót. Phía Bắc , Hồng Lĩnh nằm dọc theo Sông Lam. Núi Hồng Lĩnh là một trong số ít các địa danh được khắc vào Cửu đỉnh (cố đô Huế -Năm Minh Mạng Thứ 7-1836).Đoạn núi qua Nghi Xuân gọi là Ngàn Hống ( đối diện với Sông Rum). Ngàn Hống , Sông Rum là hai địa danh cũ thuộc địa phận Nghi Xuân.
Bản đồ các khúc sông, núi qua Đức Thọ,Nghi Xuân
Một thông lệ ta thường gặp,vào văn chương , khi nhắc chung một vùng nào thì người ta thường gọi hai tên sông - núi tiêu biểu cho cả vùng đó, nhưng khi nói về các địa phương , như một huyện nào đó thì người ta chỉ lấy tên khúc sông và đoạn núi đi qua địa phương mà thôi.
Thí dụ: Nói đến tỉnh Hà Tĩnh thì người ta thường gọi đất Hồng - Lam ,là hoán dụ hai địa danh một sông, một núi tiêu biểu (Núi Hồng - Sông Lam)
Nói đến thị xã Hà Tĩnh (cũ) thì Núi Nài - Sông Cụt
Nói về Nghi Xuân(cũ) thì Ngàn Hống - Sông Rum
Nếu cặp đôi so le một địa danh thuộc địa phương, một thuộc về tỉnh hay về quốc gia, chẳng hạn: Núi Hồng - Sông Rum hoặc Ngàn Hống - Sông Lam, Ngàn Hống - Nhị Hà thì xem như không chỉnh.
Câu ca dao Bao giờ Ngàn Hống hết cây, Sông Rum hết nước họ này hết quan, tồn tại còn vì một lẽ nữa , ngoài tính hiện thực về địa danh còn có yếu tố đạo lý và thẩm mỹ. Đó là cái nét riêng của vùng đất qua tên gọi nôm na mộc mạc giàu chất địa phương , đồng thời cũng thể hiện sự khiêm tốn về dòng họ. Ví von nói cây, nói nước ở vùng huyện quê là vưà với việc nhiều người làm quan của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, nói ra Sông Lam- Núi Hồng địa danh của tỉnh thì quá lớn ,quá rộng vì nhiều huyện khác cũng có những dòng họ khoa hoạn nối tiếp nhiều đời , nói quá lên Núi Hồng - Sông Nhị ( phạm vi cả nước ) thì có vẻ hơi lộng ngôn.
Câu ca dao , bởi vậy xét về địa lý ,về đạo lý ,và thẩm mỹ văn chương đều hay.Ở Nghệ An cũng có câu ca với kết cấu tương tự nói về họ Nguyễn Cảnh ở Đô Lương: Bao giờ Rú Cấm hết cây,/Sông Lường hết nước họ này hết quan cũng theo quy tắc đó. Rú Cấm, Sông Lường hai địa danh của huyện Đô Lương.
Trở lại câu ca về dòng họ Nguyễn Tiên Điền , qua sưu tầm chúng tôi thấy các sách báo của các tác giả , các Hội Nghề nghiệp,ở vùng Nghệ Tĩnh viết về vùng này đều trích dẫn theo nguyên tác câu ca dao với hai địa danh : Ngàn Hống và Sông Rum.Đọc lên nghe rất gần gũi .
Xin trích hai văn bản đáng tin cậy.
- Trong tập sách “Kho tàng ca dao Xứ Nghệ” của Hội Văn Nghệ Dân Gian Nghệ An xuất bản 1996 , do GS Nguyễn Đổng Chi chủ biên , câu 335 ghi :
Bao giờ ngàn Hống hết cây,/ Sông Rum hết nước họ này hết quan
- Trong bài báo viết về “Địa danh Hà Tĩnh qua ca dao” ( báo Hà Tĩnh), tác giả Mai Khuyên cũng trích câu ca dao với hai địa danh trên lấy trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú khi ông nói đến quan lại hiển đạt vùng Nghi Xuân: “...khoa giáp nổi trội hơn hẳn,danh thần hiền phụ đứng hàng đầu trong phủ Đức Quang ( Hà Tĩnh xưa) : Bao giờ ngàn Hống hết cây,/Sông Rum hết nước họ này hết quan”. /.
tin tức liên quan
Videos
Ký ức trường xưa và chuyện di dời các ngôi trường
Hồi sinh trang phục truyền thống người Ơ Đu
Hãy xây dựng gia đình dựa trên sự bình đẳng và tình yêu thương (Trò chuyện với nhà văn Hà Thủy Nguyên)
Thiên tài lập dị Perelman và giả thuyết Poincaré
Cầu đường sắt Yên Xuân
Thống kê truy cập
114521534
Hôm nay
2308
Hôm qua
2303
Tuần này
2308
Tháng này
219473
Tháng qua
121009
Tất cả
114521534