Những góc nhìn Văn hoá

Trường Viễn Đông bác cổ - Một nhịp cầu văn hoá Việt Nam với thế giới

Trường Viễn Đông Bác cổ là tên gọi tiếng Việt của một Hiệp hội người Pháp được thành lập năm 1900, tiền thân của nó là một Phái đoàn khảo cổ thường trực do Toàn quyền P. Doumer thành lập từ năm 1898. Cái tên gọi hơi ngồ ngộ Việt - Hán ấy chưa hẳn đúng với nghĩa tiếng pháp của nó (école Franầaise d’Extrême - Orient - gọi tắt là E.F.E.O) nhưng được nhiều người trong và ngoài nước biết đến bởi các thành tựu khoa học rất có giá trị trong việc nghiên cứu và khôi phục những nền văn minh, văn hóa lâu đời của các dân tộc Việt Nam nói riêng và của vùng Viễn Đông nói chung.

Tuy gọi là Trường (Trường Viễn Đông Bác cổ) nhưng không thực hiện chức năng đào tạo như các trường khác mà thực hiện chức năng chính là nghiên cứu lịch sử văn hóa và các nền văn minh của các dân tộc vùng Viễn Đông: Nhật Bản, Trung Hoa, In-đô-nê-xi-a, Đông Nam á, ấn Độ, Đông Dương, trong đó có Việt Nam.
Từ khi thành lập, Trường Viễn Đông Bác cổ có trụ sở chính đóng ở Việt Nam và hoạt động rất có hiệu quả, đã khai thác, sưu tầm và bảo tồn được nhiều nguồn sử liệu quý hiếm có giá trị nhân văn cao. Những cổ vật tiêu biểu của các thời kỳ lịch sử còn được trưng bày trong nhiều gian của Viện Bảo tàng Lịch sử (Hà Nội), Bảo tàng Huế, Bảo tàng Chàm (Đà Nẵng), T.P. Hồ Chí Minh, Vientian (Lào), Phnom Penh (Cam-pu-chia), những kho sách khổng lồ bằng nhiều thứ tiếng, bằng nhiều phương ngữ khác nhau, và những thước phim, ảnh tư liệu mà hàng trăm cán bộ, nhân viên của Thư viện Thông tin KHXH, Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam ngày nay đã và đang cố gắng bảo quản và khai thác là minh chứng cho sự làm việc cần mẫn và rất nghiêm túc của các nhà nghiên cứu lúc bấy giờ.
Song song với công tác khai thác và sưu tầm những nguồn sử liệu, Trường Viễn Đông Bác cổ còn đề nghị lên Toàn quyền Đông Dương cho thực thi những biện pháp bảo quản và trùng tu các di tích, ra lệnh cấm xuất khẩu, buôn bán các loại đồ cổ bằng mọi chất liệu. Trường Viễn Đông Bác cổ cũng đã trình lên Toàn quyền Đông Dương ký cho xếp hạng hơn một ngàn di tích lịch sử như khu di tích chùa Hương, đền Quán Thánh, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, chùa Lý Quốc Sư, chùa Một Cột, đền Bạch Mã, chùa Bà Đá... Nhiều khu di tích được trùng tu như Văn Miếu Quốc tử giám được trùng tu năm 1918-1920, chùa Một Cột (năm 1922), chùa Bút Tháp và chùa Phật Tích ở Bắc Ninh (năm 1930). Trong khoảng thời gian đó, các đền Po Nagar ở Nha Trang, Po Garai ở Phan Rang, Thạt-Luông ở Vientian (Lào) đều được thực hiện đồng loạt.
Bên cạnh những hoạt động bề nổi nêu trên, Trường Viễn Đông Bác cổ còn xuất bản nhiều tập sách có giá trị như: chuyên đề về Phật giáo viết thành nhiều tập của Paul Mus; Văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn của Madelaine Colani; Tôn giáo và Tín ngưỡng của L. Cadière; Văn học của M. Durand. Các sách chuyên khảo như Những người nông dân Đồng bằng Bắc Bộ (Les paysans du delta tonkinois), Cách sử dụng đất (L’utilisation du sol) của Pierre Gourou, Kinh tế nông nghiệp ở Đông Dương (Economie agricole de l’Indochine) của Yves Henry. Đặc biệt, Trường Viễn Đông Bác cổ còn cho ra mắt thường kỳ liên tục từ số 1 - năm 1901 tới nay tạp chí của mình (Bulletin de l’Ecole Franầaise d’Extrême - Orient - BEFEO) để đăng tải các công trình nghiên cứu. Trong đó người ta không chỉ thấy các công trình của các nhà nghiên cứu người Pháp mà còn được biết đến nhiều công trình tiêu biểu của các học giả Việt Nam nổi danh như Trần Văn Giáp nghiên cứu về Phật giáo; Nguyễn Văn Huyên về Nhà sàn của các dân tộc thiểu số VN; Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Khoan với nhiều chuyên khảo khác về đình, chùa, cổ tích, về nền văn minh Cham-pa...
Khi Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1954), Trường Viễn Đông Bác cổ không thể tiếp tục hoạt động tại Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu, tài liệu cổ sử, cổ vật và sách vở cùng các cơ sở của Trường là một di sản vô giá đã chính thức được bàn giao vào năm 1957 cho cơ quan chức năng Việt Nam.
Chắc hẳn, người Pháp đã nuối tiếc những gì đã và đang làm trong hơn 50 năm ấy (1900-1957) trên vùng Viễn Đông, vì thế họ đã liên tục mở thêm và tái lập nhiều cơ sở trong khu vực: ở Chiêng-Mai (Thái Lan) mở năm 1975; Ku-a-la-lam-pua (In-đô-nê-si-a) năm 1987, Hồng-Kông, Đài Bắc, To-ky-o, Xiêm-Riệp và Bắc Kinh.
Còn ở Việt Nam - nơi khai sinh ra Trường Viễn Đông Bác cổ thì người Pháp thực sự mong đợi một ngày, đó là ngày 10 tháng 2 năm 1993 khi hai nước Việt Nam và Pháp có mối quan hệ tốt về mọi mặt, trong đó có mối quan hệ truyền thống về văn hóa, Trường Viễn Đông Bác cổ mới được tái lập ở Việt Nam với tên gọi là Văn phòng Đại diện của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam, nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Pháp Franầois Mitterrand.
Những ngày đầu mới tái lập, quy mô của Văn phòng chưa lớn, trụ sở được đặt tạm thời trong một phòng nhỏ tại số 26, phố Lý Thường Kiệt, ngay trong khuôn viên của Thư viện Khoa học xã hội (Thư viện cũ của Trường Viễn Đông Bác cổ). Các công việc phục vụ sách và tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu với chức năng như một thư viện chưa được phổ biến rộng rãi. Chỉ đến tháng 4 năm 1995, Văn phòng được chuyển về địa chỉ số 5A, xóm Hạ Hồi, Văn phòng Đại diện của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội mới chính thức được khai trương, mở đầu cho một giai đoạn mới - giai đoạn nghiên cứu “trong khuôn khổ hợp tác văn hóa khoa học và kỹ thuật để mở rộng quan hệ văn hóa giữa hai nước, nhằm đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu về Việt Nam học và tăng cường trao đổi khoa học về Viễn Đông học...” giữa hai nước Việt Nam và Pháp.
Về tổ chức mới của Văn phòng Đại diện trong giai đoạn mới, số thành viên biên chế chính thức chỉ có một, đó là Tiến sĩ Sử học Philippe Papin được chỉ định làm Trưởng Đại diện tại Việt Nam. Với nguồn tài chính hằng năm còn khiêm tốn (chưa đầy 50.000 đô-la), biết rằng không thể so sánh với tài chính và quy mô tổ chức cũ của Trường trong thời kỳ Pháp thuộc, song bằng chính lòng nhiệt thành chuyên tâm nghiên cứu về Việt Nam của mình, nhà nghiên cứu trẻ tuổi và năng động ấy sớm thắt chặt mối quan hệ với các Viện nghiên cứu, các cơ quan hữu quan, các đồng nghiệp Việt Nam đã đề ra phương hướng hoạt động cụ thể và các chương trình nghiên cứu có hiệu quả. Tính đến nay chỉ mới 6 năm, Trường Viễn Đông Bác cổ đã có nhiều công trình xuất bản rất có giá trị cho ra mắt bạn đọc Việt Nam và nước ngoài:
1. Địa lý hành chính Kinh Bắc (Tableau de géographie administrative d’une ancienne province vietnamienne) - bản thảo của Nguyễn Văn Huyên (1996), với sự tham gia xây dựng ấn phẩm: Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, E. Poisson và Nguyễn Văn Trường.
2. Chữ húy Việt Nam qua các triều đại (Les caractères interdits au Vietnam à travers l’histoire) - Ngô Đức Thọ, Emmanuel Poisson dịch ra tiếng Pháp và chú thích (1997).
3. Văn thơ Đông kinh nghĩa thục (Prose et poésie du Đông Kinh nghĩa thục), người giới thiệu: Giáo sư Đinh Xuân Lâm (1997), biên soạn: Philippe Papin, Vũ Văn Sạch, Vũ Thị Minh Hương.
4. L’Univers des Truyện Nôm (Thế giới của truyện Nôm) - Maurice Durand (1998), biên soạn: Philippe Papin, Nguyễn Văn Nguyên và Đinh Gia Khánh.
5. Những vấn đề văn bản học quân trung từ mệnh của Nguyễn Trãi (Les Ecrits à l’Armée de Nguyễn Trãi - Questions de philologie) - Nguyễn Văn Nguyên (1999), dịch và trình bày: Philipe Papin.
6. Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ (Répertoire des toponymes et des archives villageoises du Bắc-kỳ ) - nhóm biên soạn Vũ Thị Minh Hương, Nguyễn Văn Nguyên và Philippe Papin.
Trường Viễn Đông Bác cổ còn đóng góp tích cực vào việc dịch và xuất bản một số ấn phẩm như: Về Văn hóa và tín ngưỡng truyền thống người Việt của Léopold Cadière (1998); Từ vựng các phương ngữ Ê-Đê (Lexique des dialectes Êdê) của Đoàn Văn Phúc (1998). Đặc biệt cần phải nói tới tập san Những người bạn của Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Huế) là một ấn phẩm điện tử được xuất bản trên đĩa CD-ROM, với sự phối hợp của Trường Đại học Huế, Công ty Pacific R.I.M.
Một chương trình nghiên cứu cổ sử - Văn bia Việt Nam do Trường Viễn Đông Bác cổ đề ra được hợp tác với Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, Đại học Trung Chính (Đài Loan) và Claudine Salmon - nữ nghiên cứu viên người Pháp để dịch, chú thích và nghiên cứu Văn khắc trên bia nhằm giới thiệu với độc giả Việt Nam và quốc tế các văn bản cổ khắc trên bia. Cuối năm 1998 kết quả đầu tiên đã ra mắt là tập I gồm 26 bia từ thời Bắc thuộc đến đời Lý, in tại Paris với nhan đề Văn khắc Hán Nôm Việt Nam - (Epigraphie en chinois du Vietnam - de l’occupation chinoise à la dynastie des Lý). Tập II gồm các bia thời Trần và một số công trình lớn khác như Đồng Khánh địa dư chí... sẽ tiếp tục được ra mắt bạn đọc theo một chương trình nghiên cứu dài hạn.
Cũng trong chương trình nghiên cứu cổ sử, các nhà khảo cổ Việt Nam và Pháp đã tiến hành khai quật di chỉ óc - Eo ở Miền Nam từ tháng 1 năm 1998.
Bên cạnh chương trình nghiên cứu cổ sử là chương trình nghiên cứu Làng xã Việt Nam (Các làng đặc trưng tiêu biểu thuộc vùng châu thổ sông Hồng) được triển khai từ tháng 9 năm 1996. Đây là một chương trình nghiên cứu liên ngành, tập trung vào việc điều tra thực địa, mở đầu là những địa chỉ có cơ sở. Chương trình này được sự phối hợp chặt chẽ của các Giáo sư đầu ngành của Việt Nam như Phan Huy Lê, Lê Bá Thảo, Phan Đại Doãn, Đào Thế Tuấn, Đặng Nghiêm Vạn, Tương Lai, đại diện cho các ngành sử học, địa lý học, xã hội học, tôn giáo, nông học và một số ngành có liên quan đến khoa học xã hội và nhân văn cùng nhiều nhà nghiên cứu người Pháp và Việt Nam có trình độ chuyên môn cao như P. Papin, Nguyễn Tùng, Nelly Krowolski, Oliver Tessier, A. Fiorucci, Nguyễn Văn Khánh, Đỗ Văn Thịnh, Trương Xuân Trường, Đặng Thế Đại... Với nhiều lần đi thực địa và sau nhiều năm cộng tác với nhau, họ cũng đã khép lại chương trình nghiên cứu này bằng nhiều cuộc hội thảo, mạn đàm về “Làng và không gian làng Việt Nam”. Các kết quả nghiên cứu sẽ được công bố trong một ngày không xa thông qua chương trình xuất bản của Trường.
Trong mấy năm qua, Trường Viễn Đông Bác cổ còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thuyết trình về các vấn đề lịch sử, khảo cổ, dân tộc học, văn học và ngôn ngữ với sự phối hợp của một số Giáo sư và nhiều nhà khoa học, đồng thời cũng góp phần vào việc tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về Việt Nam học, đón nhận nhiều nghiên cứu sinh từ Pháp và giúp đỡ sinh viên nước ngoài thực tập và làm luận án tại Việt Nam liên quan đến ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Với những hoạt động tốt được ghi nhận ở trên, cùng những pho sách, tài liệu và cổ vật được đánh giá là quý hiếm có giá trị văn hóa cao mà Trường Viễn Đông Bác cổ lâu nay đã dày công xây dựng chính là một phần đóng góp tích cực vào việc giới thiệu tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng góp phần vào việc phát triển quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Pháp. Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp thực sự là nhịp cầu giao lưu văn hóa Việt Nam với thế giới.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm 2000

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529756

Hôm nay

2222

Hôm qua

2277

Tuần này

22029

Tháng này

216452

Tháng qua

0

Tất cả

114529756