Gần đây GS Nguyễn Tài Cẩn, PGS Ngô Đức Thọ và PGS Đào Thái Tôn dựa vào việc phát hiện chữ huý thời Lê - Trịnh đã kết luận: Truyện Kiều được viết vào cuối thời Lê cụ thể là vào những năm đầu của giai đoạn “mười năm gió bụi”, từ 1785 đến 1790 [1] đến [3]. PGS Nguyễn Thạch Giang cũng xác định thời điểm gần như vậy. Ông Nguyễn Khắc Bảo và có thể cả nhà báo Nguyễn Hoàng Sơn cho là có thể muộn hơn một chút, cụ thể vào thời Tây Sơn. Ngược lại, ông Nguyễn Quảng Tuân và GS Mai Quốc Liên cho là sau khi Nguyễn Du đi sứ về, vào 6 tháng nghỉ ngơi tại quê trong năm 1814 [4]. Hầu như không còn ai cho là vào đầu thời Nguyễn, trước khi tác giả đi sứ về (1802-1813). Xét về nhiều mặt, cái mốc đi sứ về (1813) không quan trọng bằng cái mốc lập nên nhà Nguyễn (1802).
Điều ta quan tâm là thời đại: cuối Lê, hay Tây Sơn, hay đầu Nguyễn để xem Truyện Kiều - Nguyễn Du thuộc thời đại nào. Ở thời nào, thì tác phẩm chịu ảnh hưởng và chi phối của thời đó, đồng thời cũng phản ánh xã hội, phản ánh tình cảm tư tưởng của Nguyễn Du thời đó.
Ta chú ý, có 2 ý kiến trái ngược nhau; đó là ý kiến của GS Nguyễn Tài Cẩn và của ông Nguyễn Quảng Tuân. Còn nhiều bài viết với nhiều cách tiếp cận khác nhau cùng đi đến nhận định rằng Truyện Kiều được viết trước thời Nguyễn, đều rất thuyết phục. Trong bài này, chúng tôi muốn hệ thống hóa các cách tiếp cận đó để một lần nữa khẳng định: Truyện Kiều không thể được viết vào thời Nguyễn.
Không thể tránh được, dưới đây chúng tôi buộc phải bàn đến các ý kiến của ông Nguyễn Quảng Tuân, tuy biết rằng ông là người có định kiến, rất khó bị lay chuyển và thuyết phục. Ngay như cái thuyết Phạm Quý Thích in Truyên Kiều nay chẳng còn mấy ai tin, ông vẫn một mực coi là thật. Chỉ đối với thuyết Tự Đức cho in Truyện Kiều đần dần ông có thay đổi nhận định. Vào năm 1996, 1997 ông khẳng định Tự Đức có sửa chữa Truyện Kiều và cho khắc in [5] (trang 286, 308). Đến năm 2003, khi đem in bản Kiều Nôm do Nguyễn Hữu Lập chép, ông đã thay đổi cách nhìn của mình cho là bản Kinh chưa chắc đã được in [6] (trang 8). Cuối năm ấy ông quay ngoắt: bản Kinh chỉ là bản chép tay ở kinh đô Huế [7] (trang 315). Sự thay đổi lập trường của ông chỉ nhằm mục đích đề cao giá trị của bản Kiều Nôm do Nguyễn Hữu Lập chép mà ông sưu tầm và công bố.
Một điều nữa chúng tôi băn khoăn là việc tranh luận với ông Nguyễn Quảng Tuân thường kéo dài, khó kết thúc. Một kinh nghiệm là, khi viết Về tờ bìa bản Kiều Nôm do Nguyễn Hữu Lập chép [8] (trang 73), chúng tôi đã được đọc lá thư của ông Đàm Quang Hưng đề ngày 21-8-2000 ba lần do ông Tuân công bố [9] (trang 19), [10] (trang 11) và [11] (trang 68) nhưng chúng hoàn toàn khác nhau.
Thực sự chúng tôi không muốn tranh luận. Trước kia và cả bây giờ, chúng tôi không có ý tranh nói tiếng nói cuối cùng.
BÀN VỀ MỘT VÀI LẬP LUẬN CỦA ÔNG NGUYỄN QUẢNG TUÂN
1. Ông Nguyễn Quảng Tuân không thông thạo về chữ húy nên ông không hiểu được lập luận của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn.
Chữ húy là một công cụ lợi hại trong việc giám định niên đại văn bản. Tuy vậy nó cũng là con dao hai lưỡi, đòn sóc hai đầu, nếu không thạo mà dùng dễ dẫn đến kết luận sai lầm. Chúng tôi cảm thấy ông Nguyễn Quảng Tuân chưa bao giờ nắm chắc công cụ này. Còn nhớ vào năm 1999, khi trả lời ông Vũ Đức Phúc trên tạp chí Văn học số 2-1999, ông Nguyễn Quảng Tuân vẫn chưa biết gì về chữ húy, ông viết: "Nếu bảo kiêng húy tên vua Gia Long là Nguyễn Phước Ánh, thì trong Truyện Kiều không có một chữ "ánh" nào. Tôi xin nhắc lại: không có câu thơ nào có chữ "ánh" chứ không phải Duy Minh Thị kiêng húy đời Gia Long" [7] (trang 285). Lúc đó ông chưa biết Gia Long ra lệnh kiêng húy những chữ nào, thậm chí ông cũng chưa biết Gia Long có mấy tên gọi và là những tên nào. Vì thế GS Vũ Đức Phúc phải thốt lên: "Ông Nguyễn Quảng Tuân tuyệt đối không có một kiến thức gì về chữ húy, tưởng rằng thời Gia Long chỉ kiêng một chữ "ánh" mà thôi, mà toàn bộ Truyện Kiều thì không có chữ "ánh", nhưng đáng lẽ tìm hiểu thì ông lại phê bình ông Hãn một cách có thể nói là bạt mạng" [5] (trang 417).
Đến năm 2003, khi khảo cứu chữ húy ở bản do Nguyễn Hữu Lập chép tay ông chỉ khảo các chữ là tên của vua Tự Đức [6] (trang 22, 26). Ông không biết rằng phải bàn tất cả các chữ húy theo các định lệ từ Gia Long đến Tự Đức. Làm như ông, thà đừng bàn đến chữ húy còn hơn.
Trải mấy năm, chẳng hiểu nay ông đã biết hết các chữ húy thời Nguyễn chưa? Có lẽ vì tuổi đã cao, ông không thể nắm bắt được kỹ thuật khảo cứu chữ húy để xác định niên đại văn bản, nên không hiểu được lập luận của các tác giả khác. Tôi tin rằng, thế nào họ cũng sẽ có bài phân tích tỉ mỉ hơn để ông rõ và nhất là để độc giả khỏi lầm.
Chúng tôi chỉ xin nêu một dẫn chứng nhỏ. Ông Nguyễn Quảng Tuân viết: "Đúng ra, nếu có húy thì kị húy theo phả hệ dòng họ Nguyễn vì Nguyễn Kim là thân phụ của Nguyễn Hoàng, không thể húy theo dòng họ Trịnh được" [4] (trang 263). Điều này ông sai do chủ quan. Nguyễn Kim là vị công thần trung hưng lớn nhất; ông có công đầu đối với nhà Lê trung hưng, họ Trịnh, tất nhiên cả với họ Nguyễn. Trịnh Kiểm là con rể ông, được kế vị cha vợ để rồi xây nghiệp chúa cho họ Trịnh. Họ Nguyễn bị đứt đoạn, Nguyễn Hoàng phải trốn vào Nam, tự lập dựng nghiệp chúa Nguyễn ở Đàng trong. Vì thế Trịnh - Lê nếu có kỵ húy Nguyễn Kim cũng là chuyện thường tình, hợp đạo lý.
2. Ông N Q Tuân thu hẹp thời điểm viết Truyện Kiều vào 6 tháng Nguyễn Du nghỉ phép tại quê nhà trong năm 1814 là gượng ép.
Ông Nguyễn Quảng Tuân viết: "Truyên Kiều đã được Nguyễn Du viết ra sau khi đi sứ nhà Thanh về vào năm 1814 trong thời gian sáu tháng nghỉ phép ở quê nhà tại làng Tiên Điền [4] (trang 271, 272)”.
Ngay từ nửa thế kỷ trước GS Đào Duy Anh đã có nhận xét quan trọng: "Nhân nghiên cứu về sách Hoa tiên ký của Nguyễn Huy Tự do Nguyễn Thiện nhuận sắc, tôi nhận thấy nhiều chứng cứ tỏ rằng Nguyễn Thiện đã mô phỏng văn của Nguyễn Du mà sửa lại văn Nguyễn Huy Tự" [12] (trang 25).
Để cho Nguyễn Thiện (mất năm 1818) có đủ thời gian phỏng theo Truyện Kiều mà nhuận sắc Hoa tiên, ông Tuân viết: "Nguyễn Du có thể đã viết xong quyển truyện Đoạn trường tân thanh vào năm 1814, rồi trong gia đình, Nguyễn Thiện đã được đọc ngay và sau đó là Nhuận sắc Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự" (dẫn theo Nguyễn Hoàng Sơn [13] (trang 69)). Thế là ông Tuân đã “ép" Nguyễn Thiện phải làm việc quá khẩn trương vào những năm cuối đời! Thực ra ý kiến của Học giả Hoàng Xuân Hãn viết vào năm 1943 cho rằng “Nguyễn Thiện … ẩn dật ở làng từ thủa trẻ, vậy ông đã có rỗi thời giờ mà làm công việc ấy (nhuận sắc Hoa Tiên) từ lúc còn trẻ” (theo N H Sơn [13] (trang 69) mới thoả đáng.
3. Ông Nguyễn Quảng Tuân bấu víu vào Chiêm Vân Thị là không chắc chắn.
3.1. Ý kiên của ông Tuân:
Học giả Hoàng Xuân Hãn cho biết Nguyễn Lượng, người bình chú Truyện Kiều mất năm 1807. Để chứng tỏ rằng sự kiện đó không ảnh hưởng đến lập luận về việc Truyện Kiều được viết năm 1814, ông Nguyễn Quảng Tuân đã viện đến Chiêm Vân Thị. Năm 1997 ông bảo, theo Chiêm Vân Thị có thể đã có nhà nho nào đó bình phẩm Kiều rồi gán cho Vũ Trinh [7] (trang 237). Gần đây, ông viết: “Điều này cũng cần được đặt (chúng tôi thêm chữ "đặt" - LTL) thành vấn đề vì Chiêm Vân Thị trong bài Phàm lệ quyển Thúy Kiều truyện tường chú đã có ý kiến rằng: “Kinh bản có lời phê bình của họ Vũ và họ Nguyễn. Có người cho hai nhà này là bậc danh nhân đồng thời với Hồng Sơn (Nguyễn Du). Song xét những lời phê bình đó, đều thấp kém quê mùa. Có lẽ là một tay xoàng xĩnh nào mượn tiếng đó thôi, chứ không phải là danh nhân). Lời nhận xét ấy của Chiêm Vân Thị cũng có thể giải tỏa được mối nghi ngờ mà Hoàng Xuân Hãn đã nêu ra, cho rằng Truyện Kiều phải được viết ra trước đời Gia Long, từ đời Tây Sơn" [4] (trang 272).
3.2. Ta hãy tìm hiểu về Chiêm Vân Thị.
Chiêm Vân Thị soạn cuốn Thúy Kiều truyện tường chú sau Đoạn trường tân thanh nhiều năm, ông thường nhắc đến các câu bình chú trong đó và đã mượn 2 khái niệm bản Phường và bản Kinh của Kiều Oánh Mậu. Trong bài Văn bản Truyện Kiều: Bản Kinh và bản Phường [14] chúng tôi đã phân tích rằng 2 khái niệm này không chuẩn xác; Chiêm Vân Thị lại đưa ra thêm 2 khái niệm nữa là Cổ bản và Cận bản còn mơ hồ hơn. Trong tác phẩm của mình ông vẫn thường nhắc đến cả 4 loại văn bản, nhưng khi “định nghĩa” thì ông chỉ nhắc đến 3 loại văn bản mà thôi, không nhắc đến Phường bản, ông viết: "Truyện này có ba loại: Cổ bản, Kinh bản, và Cận bản ... A - Cổ bản là bản khắc gỗ, phát hành vào khoảng thời Minh Mạng và Thiệu Trị ... B - Kinh bản là bản sao lại ở trong Kinh ...C - Cận bản là những bản mới của các nhà gần đây. Loại này có tới hơn một chục, song đều là nhiều điểm ngắn ít điểm dài" [15] (trang 57, 58).
Vì ông không “định nghĩa” về Phường bản, ta có thể hiểu 2 cách: Một là, "Cận bản" chính là "Phường bản" và đến khi Chiêm Vân Thị soạn sách đã có 10 bản. Hai là, "Cận bản" khác "Phường bản", mà khả năng này nhiều hơn, nếu kể thêm 4, 5 bản Phường mà Kiều Oánh Mậu nhắc đến, thì đến bản của ông đã có khoảng 15 bản Kiều được in. Khi Kiều Oánh Mậu soạn bản Kiều của mình vào năm 1902 đã có 4, 5 bản Phường, với bản Chu Mạnh Trinh vào năm 1906 ta có thêm 1 bản Phường nữa (nếu có thể coi như vậy), vậy mà đến Chiêm Vân Thị đã có 10 - 15 bản, nên ta có thể đoán rằng Chiêm Vân Thị soạn sách sớm nhất là vào khoảng 1915 đến 1920.
Chúng tôi e rằng Chiêm Vân Thị không có Cổ bản trong tay; bởi ông phải đặt nó trong cái khung niên đại rất rộng là 28 năm, thậm chí ông không biết rứt khoát nó thuộc thời Minh Mạng (1820-1840) hay thời Thiệu Trị (1840-1847). Phải chăng đó chỉ là một bản ông đã thuộc lòng từ nhỏ. Rất có thể đó là bản Liễu Văn Đường 1866. Chiêm Vân Thị viết: "Cổ bản là bản khắc gỗ, phát hành vào khoảng thời Minh Mạng và Thiệu Trị, Cổ bản cách lúc sinh thời Hồng Sơn (Nguyễn Du) không xa, khi tôi còn nhỏ tuổi, đã học thuộc lòng, đến nay vẫn nhớ rành mạch ... Bản này có thể gọi là bộ mặt thực của Hồng Sơn tiên sinh vậy ... Nay chuyết bản (bản của Chiêm Vân Thị) đính chánh, duy lấy cổ bản làm tôn" [15] (trang 57). Chiêm Vân Thị viết: "Công việc đính chánh của chuyết bản (bản Chiêm Vân Thị), cố ý muốn giữ lại sự thực của cổ nhân, chứ không phải là tự khoe tài năng. Bởi thế cho nên gặp chữ nào lầm mà các bản đều chép giống nhau cả, thì tuy biết đích là đáng sửa, cũng vẫn chép đúng nguyên văn, rồi tường chú ở dưới là, chữ này nên đổi ra chữ này" [15] (trang 58).
Ta không rõ "nguyên văn" đây là ở bản nào? Khi hiệu đính, ông thường căn cứ vào "các bản đều chép giống nhau" mà theo, chứ không "lấy cổ bản làm tôn" như ông đã viết, nhiều chỗ ông còn theo "Kinh bản". Những điều trên tỏ rõ Chiêm Vân Thị là người cẩu thả, không chặt chẽ, thiếu nhất quán, kém khoa học.
GS Vũ Đức Phúc có nhận xét: "Chiêm Vân Thị, người soạn bản Thúy Kiều truyện tường chú, vốn là người tin ở bói toán và thích bói chiết tự nên đẻ ra thuyết Hội chân về Truyện Kiều. Ông ta chịu ảnh hưởng bộ Bạch hổ thông nghiã của Ban Cố, nên rất ưa bói chiết tự, không phải là người có đầu óc nghiên cứu gì ... Chiêm Vân Thị chẳng qua ghét người ta mà chửi bậy đó thôi, phải đâu đó là chứng cớ sử học để Nguyễn Quảng Tuân dựa vào mà bác bỏ lý lẽ rất vững chắc của Hoàng Xuân Hãn? Tin vào loại tài liệu như vậy là hoàn toàn thiếu khả năng nghiên cứu và chỉ làm cho người đọc lầm lẫn" [5] (trang 386).
3.3. Nhận xét của Chiêm Vân Thị về Vũ Trinh và Nguyễn Lượng là không khách quan.
Để cho khách quan, và khỏi phải tự mình khảo cứu để đánh giá 2 nhà bình Kiều lớp đầu tiên này, chúng tôi xin trích vài đoạn trong Lời bình phẩm Đọan trường tân thanh của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng của PGS Trần Thị Băng Thanh [16]. Các báo cáo của Hội thảo chưa in, chúng tôi chỉ xin phép được dẫn vài ý. Bà đã phân tích và đánh giá chính xác những lời bình này:
"Khác với Mộng Liên Đường Chủ nhân, Phạm Quý Thích, Nguyễn Văn Thắng … thường qua những bài thơ vịnh hay những bài Tựaviết về Truyện Kiềumà bộc lộ cách nhìn, chính kiến của mình đối với tác phẩm; Vũ Trinh và Nguyễn Lượng đã đi sâu vào tác phẩm để không chỉ bộc lộ cách nhìn, chính kiến mà còn phẩm bình về tài nghệ của tác giả. Có thể nói Vũ Trinh và Nguyễn Lượng rất quan tâm đến những vấn đề nghệ thuật, đặc biệt là bút pháp miêu tả nhân vật, tâm lý nhân vật ... Những lời bình ... rất tinh tế và giàu chất mỹ cảm, hai nhà phẩm bình chủ yếu nhận xét tài miêu tả và tự sự của Nguyễn Du ... Nhà phẩm bình cũng rất chú trọng đến cái xảo diệu của bút pháp tác giả Truyện Kiều ở các đoạn tả những cảnh mà biên giới giữa thực và ảo, giữa ngày và đêm rất mong manh ... Vũ Trinh và Nguyễn Lượng đã nghĩ ngợi và “chạm” tới những vấn đề nghệ thuật khá quan trọng và lý thú mà các nhà Kiều học hàng trăm năm sau cũng không thể không bàn bạc tới" [16].
Dễ thấy rằng, Nguyễn Hữu Lập, Đào Nguyên Phổ, Kiều Oánh Mậu là những người sống rất gần thời của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng, lại có danh vọng, học rộng, viết nhiều, có nhiều cơ sở để tin họ hơn Chiêm Vân Thị; vậy mà họ đã đánh giá cao những lời phê bình này nên đã đưa chúng vào sách mà họ chép hoặc biên tập. Họ không thể bị lừa bởi một kẻ mạo danh hai người bạn này của Nguyễn Du.
4. Ông Nguyễn Quảng Tuân nhận xét về Vũ Trinh và Nguyễn Lượng cũng không khách quan.
Chính ông Nguyễn Quảng Tuân đã dịch các lời bình đó ở bản Nguyện Hữu Lập [6] vậy mà chỉ để biện minh cho kỳ được Nguyễn Du viết Kiều vào năm 1814, ông đã không khách quan, nỡ nhận xét xấu về những lời bình này. Ông cho rằng 2 vị này "không đề cập gì đến lời thơ" và “thực chất chẳng có ý nghĩa gì” [7] (trang 237, 238).. Điều đó là không đúng. Những dòng nhận xét của PGS Trần Thị Băng Thanh, mà chúng tôi dẫn ra ở trên đủ để bác lại những nhận định của ông Nguyễn Quảng Tuân.
Chúng tôi dẫn thêm một thí dụ từ bản dịch của ông Tuân: Ở đoạn tả Kiều đánh đàn lần đầu trong đêm thề nguyền với Kim Trọng, lời bình viết: “Dẫn cung, khắc vũ, dương thương, khích chuỷ, cực thanh âm chi diệu … chẳng cần nói là về sau còn có lối văn kỳ diệu của mấy chương nghe đàn, thật là cái tài đáng kính, cái khéo thật tuyệt” [6] (trang 118).
Đó chẳng phải là những lời bình phẩm xác đáng về nghệ thuật tả tiếng đàn của Nguyễn Du hay sao? PGS Băng Thanh viết: "Những nhận xét về nghệ thuật miêu tả tiếng đàn của Kiều, ý kiến hai nhà phẩm bình cũng khá đầy đủ và sâu sắc ... , với ưu thế là người cùng thời với Nguyễn Du, có sự am tường âm nhạc cổ đại, hai nhà bình phẩm đã có một số ý kiến trực tiếp bình về nghệ thuật âm nhạc, một điều không phải thế mạnh đối với các nhà bình luận Truyện Kiều hiện đại ..." [16].
5. Không thể tin vào việc có một kẻ nào đó thác lời Vũ Trinh, Nguyễn Lượng.
Kẻ nào thác lời các ông ít nhất phải đợi sau năm 1828 là năm Vũ Trinh mất khá lâu, để không ai thể vạch ra sự man trá này. Và để cho các vị quan trong triều và các vị túc Nho thời ấy, trong đó có Nguyễn Hữu Lập (1824-1874), Đào Nguyên Phổ, Kiều Oánh Mậu ... bị lừa thì "man thư" này lại phải tung ra trước khi các vị đó biết đọc, biết viết khá lâu, chẳng hạn vào những năm Nguyễn Hữu Lập 10-15 tuổi. Kẻ "nặc danh" này còn "ranh mãnh": đặt ra nhiều lời bình; phân chúng làm đôi cho mỗi ông và phải tung ra đúng lúc ... Không ai có thể làm được việc đó. Không thể có việc các vị quan trong triều sống gần thời họ Vũ họ Nguyễn bị lừa để rồi sáu, bảy chục năm sau Chiêm Vân Thị phát hiện ra điều gian trá này. Chỉ có ngu ngơ lắm, mới có thể tin được luận điệu này.
6. Về cái câu chép trong Đại Nam chính biên lịch truyện.
Ông Nguyễn Quảng Tuân viết: "Chúng tôi vẫn tin vào Đại Nam chính biên liệt truyện chép rằng: "Du trường ư thi, vưu thiện quốc âm, Thanh sứ hoàn, dĩ Bắc hành thi tập cập Thúy Kiều truyện hành thế" (Nguyễn Du có tài về thơ chữ Hán, lại giỏi quốc âm, sau khi đi sứ nhà Thanh về, có tập thơ Bắc hành với Truyên Kiều ra đời)" [4] (trang 270). Thực chất ông Tuân đã hiểu “hành thế” là sáng tác. Đúng ra "hành thế" chỉ là lưu truyền trong đời, tức là đến lúc đó được mọi người biết đến. Người viết Liệt truyện vào năm 1852, chỉ muốn thông báo rằng Nguyễn Du có viết quyển truyện đó. Theo chúng tôi, để tránh vạ án văn tự, có thể việc phổ biến rộng rãi cuốn Truyện Kiều chỉ xảy ra sau khi tác giả mất một vài năm. Cũng nghĩ như vậy, GS Vũ Đức Phúc viết: "Tôi cho rằng cũng không cần bác bỏ Liệt truyện hay Gia phả, vì hành thế không có nghĩa là sáng tác" [5] (trang 409). "Từ lúc viết ra được Truyện Kiều đến lúc nó được "hành thế" thì còn xa lắm, ngay trong thời đại tin học này cũng phải đến dăm bảy năm!" [5] (trang 386).
Ta không nên quá tin vào chính sử.Ngay từ năm 1943, GS Đào Duy Anh đã cho rằng “sách Liệt truyện, tuy là quốc sử, cũng không đủ cho ta tin" [12] (trang 26), vì ở đó tên các sách Thuý Kiều truyện và Bắc hành thi tập chỉ là tên gọi tục; chính xác thì tên thật hai áng văn này phải là Đoạn trường tân thanh và Bắc hành tạp lục.
Thường với một tư liệu cổ ta cần tìm thêm các tư liệu khác để bổ trợ. Theo cách đó khi khảo cứu về nhà Mạc, chúng tôi phát hiện ra Đại Việt sử ký toàn thư (quốc sử) ghi sai tháng sinh của Mạc Mậu Hợp, sớm lên 26 tháng, khiến ông này “phải làm vua” trước khi sinh 14 tháng; trong khi Đại Việt thông sử của riêng mình Lê Quý Đôn lại chép đúng. Chúng tôi đã viết gần chục bài báo liên quan đến việc này, chẳng hạn bài Dùng văn bia để xác định lại một vài niên hiệu của nhà Mạc [17]. Thật đúng là: " Tận tín thư bất như vô thư".
VÀI CHỨNG CỨ PHỦ ĐỊNH TRUYỆN KIỀU ĐƯỢC VIẾT VÀO THỜI NGUYỄN
1. Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân vào nước ta từ lâu.
Khi đọc sách "Lan Trì kiến văn lục" của Vũ Trinh, Nguyễn Hoàng Sơn phát hiện ra Kim Vân Kiều truyện đã vào nước ta muộn nhất là khoảng 1793-1794 là năm Vũ Trinh viết xong sách này; bởi lời bàn ở cuối truyện "Liên Hồ quận quân" có câu: "Thúy Kiều gieo mình sông lớn". Chắc chắn, Nguyễn Du được tiếp cận với Kim Vân Kiều truyện không muộn hơn Vũ Trinh [18].
Theo PGS Thạch Giang thì, có thể trong chuyến đi sứ năm 1763, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã mang Hoa tiên và Kim Vân Kiều truyện từ Trung Quốc về tàng trữ tại Phúc Giang thư viện. Nhờ đó Nguyễn Huy Hổ có điều kiện đọc Hoa tiên, Nguyễn Du do lui tới Phúc Giang thư viện học tập, nấu sử sôi kinh sớm được đọc Kim Vân Kiều truyện để sáng tác Truyện Kiều [19] (trang 75, 76).
2. Nguyễn Du bị bạc đầu rất sớm, tưng ứng lúc viết Truyện Kiều.
Ông Nguyễn Quảng Tuân cho rằng: "Truyện Kiều đã được Nguyễn Du viết ra sau khi đi sứ nhà Thanh về vào năm 1814 ... Mải mê viết cho xong toàn truyện nên ở quê cụ có truyền rằng: "Quan Tham tri viết Truyện Kiều có trong một đêm là xong nên bạc trắng cả đầu [4] (trang 271, 272).
Về giai thoại đó, Học giả Hoàng Xuân Hãn có một cách lý giải khác, đúng hơn: "Theo lời truyền … lúc cụ đương hàn vi, cụ viết Truyện Kiều … chỉ viết một đêm là xong. Viết xong rồi, sáng dậy cụ bạc đầu. Chuyện bạc đầu thì sự thực có nhẽ cụ bạc đầu lúc 30 tuổi. Trong thơ, cụ có chừng 20 bài thơ luôn luôn nói chuyện bạc đầu. Cái ấy thì chắc chắn" [5] (trang 250).
GS Mai Quốc Liên và ông Nguyễn Quảng Tuân biết rất rõ cụ bạc đầu lúc 30 tuổi. Trong cuốn Nguyễn Du toàn tập, GS Mai Quốc Liên viết: "Trong "mười năm gió bụi" ... bấy giờ đầu đã bạc rồi: "Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên!". Trong bài Mạn hứng - bài này làm lúc ông ba mươi, ông than: "Hư danh vị phóng bạch đầu nhân". Hàng chục lần ông nhắc lại như thế" [20] (trang 8,9).
Ba trong bốn bài thơ ở đầu cuốn sách này, những bài được viết lúc cụ còn trẻ, đã nói đến chuyện bạc đầu. Bài 1, do ông Nguyễn Quảng Tuân dịch: "Đầu bạc công danh giận tháng ngày" và chú : “Nguyễn Du có thể nói mình đã lưu lạc 30 năm nơi chân trời góc bể". Bài 3: cũng do ông Tuân dịch: "Phơ phơ tóc bạc gió chiều bay". Bài 4: nói rõ hơn về cái tuổi 30, nhà thơ Ngô Linh Ngọc dịch: "Tấm thân sáu thước, tuổi ba mươi ... Đắp đổi xuân thu tóc bạc rồi!" [20] (trang 27, 32 và 34).
Ba mươi tuổi tóc đã bạc, không thể xanh lại, để đến 50 tuổi, ngồi viết Truyện Kiều, rồi chỉ sau 1 đêm, tóc lại bạc một lần nữa !!!
3. Trong Truyện Kiều có nhiều câu "nghịch ngôn" dễ bị án văn tự.
Trương Chính vào năm 1963 [21] và Nguyễn Khắc Bảo vào năm 2000 cùng viết về điều này [22]. Có thể lấy nhiều câu liên quan đến nhân vật Từ Hải làm thí dụ.
"Bó thân về với triều đình / Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?"
"Chọc trời khuấy nước mặc dầu / Dọc ngang nào biết trên đầu có ai" [21].
Những câu này chỉ có thể được sáng tác trước thời Nguyễn.
4. Trong bản Liễu Văn Đường 1871, còn sót lại những chữ trọng húy thời Nguyễn.
Ông Nguyễn Khắc Bảo thấy bản Liễu Văn Đường 1871 còn sót các chữ đáng lẽ phải kiêng dưới thời Nguyễn. "Câu 853: Tuồng chi là giống (種) hôi tanh. Câu 1310: Thang lan (蘭) rủ bức trướng hồng tẩm hoa. Câu 2750: Cỏ lan (蘭) mặt đất rêu phong dấu giày. Trong đó những chữ Chủng (種) là tên vua Gia Long hồi nhỏ, và chữ Lan (蘭) là tên mẹ cả của vua Gia Long tức Huy Gia từ phi" [22].
Chữ CHỦNG là trọng húy, lệnh cấm kéo dài suốt cả thời Nguyễn. Chữ LAN năm 1803 cấm dùng, đổi thành "hương"; từ năm 1825 viết thêm ba dấu móc ở trên, từ năm 1833 làm văn được phép dùng [23]. Nếu chỉ mấy chữ LAN viết không kiêng húy làm chứng thì không đủ sức thuyết phục, vì còn có một cách lập luận khác là các chữ LAN từng được sửa đi thành HƯƠNG khi có lệnh kiêng, rồi sau sửa lại thành LAN khi mức độ kiêng kỵ được giảm xuống. Vả lại còn nhiều bản cũng có những chữ LAN không kị húy, như bản Quan Văn Đường, bản Kiều Óanh Mậu.
Có thể nói thêm rằng bản Abel des Michels do Trần Ngươn Hanh chép ở Nam Kỳ không kỵ húy chữ CHỦNG (ở các câu 853, 1728, 1194) và bản Kiều Oánh Mậu in ở Bắc đầu thế kỷ 20 cũng chủ trương không kị húy (ở các câu 1728, 2066, 2097) [24] (trang 102).
Chỉ có chữ CHỦNG ở câu 853 bản LVĐ 1871 là có sức thuyết phục, có thể trải qua nhiều lần sửa chữa, sao chép mà vẫn còn sót lại từ ngày Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều trước thời Nguyễn.
5. Nguyễn Lượng, người bình chú Truyện Kiều mất năm 1807.
Khi trả lời bà Thụy Khuê ở đài R.F.I, năm 1996, Học giả Hoàng Xuân Hãn đã nói: "Ông Nguyễn Thành (Học giả nói nhịu, đúng ra là Nguyễn Lượng - LTL) ...bị chết vào độ 1807 thì phải, nếu tôi nhớ không lầm. Vì có sự phê bình của các ông ấy thì biết rằng Truyện Kiều được viết đầu đời Gia Long hoặc trước đời Gia Long" [5] (trang 248).
Gần đây PGS Ngô Đức Thọ đọc thấy Đại Nam nhất thống chí viết rằng Nguyễn Lượng đi dẹp loạn, bị chết đúng vào năm 1807, như Học giả Hoàng Xuân Hãn nói. Điều đó cho thấy Truyện Kiều phải được viết xong đã lâu, để Nguyễn Lượng kịp bình phẩm.
6. Trong lời bình của của Nguyễn Lượng bằng chữ Hán có chữ CHỦNG.
Phan Thanh Sơn, Hà Thị Tuệ Thành có nhắc đến: "Ở bản Kiều Oánh Mậu, trang có các câu từ 3181 đến 3190 đoạn Kim Kiều tái hợp có ghi lời của Nguyễn Lượng trong đó có dùng 4 chữ "bách chủng hoan ngu". Nguyễn Lượng dám viết chữ CHỦNG chứng tỏ ông viết lời bình này trước khi Gia Long lên ngôi vì sau khi Gia Long lên ngôi, năm 1803, triều đình đã ban bố lệnh cấm dùng chữ CHỦNG, khi viết phải thay CHỦNG bằng THỰC" [25].
Để thấy rõ hơn chỗ này, chúng tôi mượn bản thảo cuốn Đoạn trường tân thanh (của Kiều Oánh Mậu) do PGS Đào Thái Tôn phiên âm, dịch, chú (đã chuẩn bị in bởi Nxb Văn học vào cuối thế kỷ trước, rồi ông Tôn lại hủy bỏ việc in này vì sau khi đọc bài của Học giả Hoàng Xuân Hãn ông thấy cần xem lại giá trị của bản KOM). Ở đó viết: "Nhị nhân phục nhập tú vi, bách chủng hoan ngu, chỉ bất ngôn vân vũ sự. Thử Kiều toàn tiết xứ diệc văn chương tam muội xứ. Nguyễn phê = Hai người lại vào nơi màn gấm, thật là muôn nỗi mừng vui, chỉ khác là không nói gì đến sự “vân vũ” trong buồng the. Đây là chỗ nói rõ được khi tiết của Thúy Kiều mà cũng là ba chỗ sâu kín tinh diệu của văn chương Nguyễn Du. Trên đây là lời phê của Nguyễn Lượng".
Cứ như câu văn này, để diễn đạt ý ấy, thiếu gì cách viết, không nhất thiết phải viết đoạn văn chữ Hán BÁCH CHỦNG HOAN NGU. Lời bình này phải được Nguyễn Lượng viết trước năm 1802. Còn như, nếu ai đó thác lời Nguyễn Lượng mà viết, thì vào thời đó, tất họ cũng phải biết lệnh kiêng húy mà tìm một cách diễn đạt khác.
Nhân đây chúng tôi xem bản Nguyễn Hữu Lập chép như thế nào. Vì bản Nguyễn Hữu Lập bị sửa nát như chúng tôi đã phân tích [26], nên khó biết sự thật. Ông Nguyễn Bá Triệu thì viết rằng ông đã xóa mọi câu bình chú đi, nên ta không thể dựa vào đó được. Ông Nguyễn Quảng Tuân bảo vẫn giữ nguyên, nhưng phần bình chú bằng chữ Hán ở bản của ông thiếu hẳn đoạn trước, chỉ còn đoạn sau là: "Thử Thúy Kiều chi toàn tiết xứ diệc văn chương chi tam muội". Lạ là, khi phiên âm ông vẫn phiên được cả đoạn trước bị thiếu đó: "Nhị nhân phục nhập tú vi bách chủng khoái (hoan?) ngu" và dịch thành: "Hai người lại vào trong màn vui mọi cách khoái lạc chỉ không nói đến chuyện mây mưa. Thúy Kiều đã giữ được toàn tiết. Văn chương như vậy thật là diệu ảo" [6] (trang 505). Phải chăng sau khi phiên âm và dịch xong, khi xử lý văn bản, ông Tuân đã xóa mất đoạn trước có chữ CHỦNG? Đây lại thêm một bằng chứng về việc ông Tuân sửa chữa bản Nguyễn Hữu Lập trước khi in?
7. Sự truyền nối liên tục của một dòng văn.
Đến nay, hầu như ai cũng thừa nhận: Truyện Kiều được hoàn thành trước tiên; sau đó Nguyễn Thiện theo văn Kiều mà nhuận sắc Hoa tiên, và cuối cùng Nguyễn Huy Hổ theo văn Hoa tiên mà viết Mai đình mộng ký. Tác phẩm sau cùng hoàn thành vào năm 1809. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã chứng minh rằng Hoa tiên, tác phẩm thứ hai được nhuận sắc trong khoảng mười năm cuối thế kỷ 18 [27]. Đây chính là một lý do để ta tin rằng Truyện Kiều, tác phẩm đầu tiên phải được viết trước Hoa tiên nhuận sắc vài năm.
8. Những năm đầu thời Nguyễn không có ai bình luận về Truyện Kiều.
Ông Nguyễn Quảng Tuân nêu một lập luân: "Nếu Truyện Kiều được viết từ đời Lê - Trịnh thì suốt cả đời Gia Long, từ 1802 đến 1820, phải có những bài viết bàn về Truyện Kiều chứ?" [5] (trang 271, 272).
Theo chúng tôi, do Truyện Kiều có những câu "nghịch ngôn", nên đến thời Nguyễn - một triều đại chuyên chế, Nguyễn Du và những người thân của cụ có lưu giữ một bản Kiều nào đó thì cũng giấu nó đi, chưa truyền rộng ra, và cũng vì thế khi cụ còn tại thế ở thời Nguyễn không ai dám bình phẩm gì tác phẩm này. Có lẽ cũng vì đã trót viết truyện này, Nguyễn Du sống rụt rè không muốn bị mọi người chú ý, sinh lòng ghen ghét mà bới móc ra. Bởi thế "đối với nhà vua thì ông chỉ giữ hết bổn phận, chứ không hay nói năng điều gì". Khi Nguyễn Du mất, nhà vua cho người về phúng viếng và lấy đi toàn bộ giấy tờ của cụ, tất nhiên trong đó có Truyện Kiều. Sau đó khá lâu, khi không thấy có gì rắc rối xảy ra; người nhà và bạn bè cụ mới dần dần sao chép và đem tác phẩm này truyền rộng ra. Lúc đó Truyện Kiều mới được "hành thế".
9. Phạm Quý Thích viết Thính Đạo trường tân thanh hữu cảm vào năm 1811.
Mới đây, Hà Thị Thuệ Thành, từ một gợi ý của ông Vũ Thế Khôi, đã xác định được Phạm Quý Thích viết bài Thính Đạo trường tân thanh hữu cảm: “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường …” vào năm 1811 [28]. Đây lại thêm một bằng chứng nữa về Truyện Kiều phải được viết trước đó.
TÓM LẠI
Những lập luận trên dẫn ta đến một hình dung sau:
Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã vào nước ta vào những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ 18. Nhờ đó Nguyễn Du sớm được đọc và theo đó mà viết Truyện Kiều. Nguyễn Thiện theo văn Kiều mà nhuận sắc Hoa tiên vào mười năm cuối thế kỷ 18. Nguyễn Huy Hổ theo văn Kiều và văn Hoa tiên mà viết Mai đình mộng ký, hoàn thành vào năm 1809. Như thế Truyện Kiều xong trước việc nhuận sắc Hoa tiên phải được viết vào những năm cuối đời Lê đầu đời Tây Sơn. Điều này trùng với kết luận của GS Nguyễn Tài Cần rút ra được từ việc phát hiện chữ huý thời Lê - Trịnh.
TÀI LIỆU DẪN
[1] Nguyễn Tài Cẩn: Có khả năng Truyện Kiều được sáng tác trước đời Gia Long. T.c. Kiến thức ngày nay. Số 529, ngày 20-4-2005, trang 33-37.
[2] Nguyễn Tài Cẩn, Ngô Đức Thọ: Truyện Kiều đã được sáng tác vào năm nào? Báo Lao động chủ nhật, 3-4-2005, số 92/2005.
[3] Nguyễn Tài Cẩn, Đào Thái Tôn: Sự đóng góp của bản Liễu Văn Đường trong việc tìm ra niên đại Truyện Kiều. Tạp chí Hán Nôm số 3 (70) 2005.
[4] Nguyễn Quảng Tuân: Những chữ kỵ húy trong bản Liễu Văn Đường đã giúp tìm ra thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều vào năm 1814. Hồn Việt, Tập 4, Nxb Văn học, 2005, trang 261-273.
[5] Đào Thái Tôn: Văn bản Truyện Kiều. Nghiên cứu và thảo luận. Nxb Hội nhà văn. 2001.
[6] Nguyễn Du. Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh). Bản Kinh đời Tự Đức 1970. Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị. Nxb Văn học & Trung tâm nghiên cứu quốc học. 2003.
[7] Nguyễn Quảng Tuân: Truyện Kiều nghiên cứu & thảo luận. Nxb Văn hóa. 2004.
[8] Lê Thành Lân: Về tờ bìa bản Kiều Nôm do Nguyễn Hữu Lập chép. T.c. Hán Nôm. Số 2 (69). 2005, trang 71-79.
[9] Nguyễn Quảng Tuân: Trao đổi về Truyện Kiều. Đôi điều về bài Tìm lại người chép lại Truyện Kiều năm canh Ngọ (1870). Văn nghệ, số 35+36 (2-9-2004). trang 19.
[10] Nguyễn Quảng Tuân: Sự thực về bản kiều Nôm của Tiểu Tô Lâm - Noạ Phu sao chép. Văn nghệ. Số 16 (16-4-2005). Trang 11.
[11] Nguyễn Quảng Tuân: Trả lời ông Lê Thành Lân về tờ bìa bản Kiều Nôm do Nguyễn Hữu Lập chép. T.c. Hán Nôm. Số 3 (70). 2005, trang 68-72.
[12] Đào Duy Anh: Khảo luận về Truyện Thúy Kiều. In lần thứ hai. Nxb Văn hóa. 1958.
[13] Nguyễn Hoàng Sơn: Hành trình đi sứ của Nguyễn Du và thời điểm sáng tác Truyện Kiều. Tạp chí Nhà văn số 3-2002. 67-76.
[14] Lê Thành Lân: Văn bản Truyện Kiều: Bản Kinh và bản Phường. Tạp chí Khoa học & Tổ quốc. Số 3+4/2005. Trang 10 – 15.
[15] Nguyễn Du: Thúy Kiều truyện tường chú. Quyển thượng. Chú đính: Chiêm Vân Thị. Phiên dịch và phụ chú: Trúc Viên Lê Mạnh Liêu. Nha Văn hóa. Bộ Văn hóa giáo dục và thanh niên tái bản, 1973.
[16] Trần Thị Băng Thanh: Lời bình phẩm Đọan trường tân thanh của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng. Tham luận tại Hội thảo khoa học "Đại thi hào Nguyễn Du – Danh nhân văn hoá (1765-2005)" ngày 1-12-2005.
[17] Lê Thành Lân, Trần Ngọc Dũng: Dùng văn bia để xác định lại một vài niên hiệu của nhà Mạc. Tạp chí Khảo cổ học. Số 3, 1996, trang 79-96.
[18] Nguyễn Hoàng Sơn: Một phát hiện có ý nghĩa với việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều. Tạp chí Văn nghệ, số 35+36 (2-9-2004). Trang 19 và 45.
[19] Nguyễn Du: Đoạn trường tân thanh (bản khắc năm 1834 của thư viện Đại Nội do cố Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng gửi tặng). Nguyễn Thạch Giang biên khảo. Nxb Văn hóa - thông tin. 2005.
[20] Nguyễn Du toàn tập, Tập 1. Nxb Văn học, 1996.
[21] Trương Chính: Nguyễn Du viết "Truyện Kiều" vào lúc nào? Tạp chí Văn học. Số 6 (12-1963). Trang 76-84.
[22] Nguyễn Khắc Bảo: Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi nào? Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 6 (56) - 2000. Trang 14-16.
[23] Ngô Đức Thọ: Chữ húy Việt Nam qua các triều đại. Nxb Văn hóa, 1997.
[24] Lê Thành Lân: Bàn về chữ "chủng", chữ "giống" và các chữ có liên quan trong Truyện Kiều. Kỷ yếu Hội nghị khoa học mừng GS Nguyễn Tài Cẩn 80 xuân. Trang 96-103.
[25] Phan Thanh Sơn, Hà Thị Tuệ Thành: Truyện Kiều được sáng tác vào khoảng nào? Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 71, ngày 25-02-2006. Trang 29.
[26] Lê Thành Lân: Bản Nôm Truyện Kiều do Nguyễn Hữu Lập chép có lẽ đã bị sửa nát trước khi công bố. T.c. Khoa học và Tổ Quốc Tháng 6-2005, trang 45-48 hoặc Văn hóa Nghệ An. Số 8-2005, trang 25-28.
[27] Nguyễn Tài Cẩn: Nguyễn Thiện nhuận sắc Hoa tiên vào những năm nào? Báo Văn nghệ. Số 22, ngày 28-5-2005.
[28] Hà Thị Tuệ Thành: Một số tư liệu xung quanh bài thơ “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường …”. Hội thảo Quốc tế về chữ Nôm. Huế 31-5 đến 2-6-2006.
Hà Nội, ngày 14-7-2006