Mở tấm cửa bọc nỉ cách âm, tôi bước vào. Tầng 1 là thư viện công cộng số 95 của quận Tây Nam Matxcơva. Nhà bảo tàng ở tầng 2. Gọi là “Nhà bảo tàng” (̣đôm-muzêi), nhưng thực ra đó chỉ là một gian phòng, tuy khá rộng rãi. Tuy nhiên, nó không như nhiều “bảo tàng” bên ta chỉ là mơi trưng bày ảnh, mà thực sự là một bảo tàng, với rất nhiều hiện vật thật về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ – tất cả đều do kỳ công sưu tầm, nhặt nhạnh của bà bác sĩ đã thất thập cổ lai hy Maia Poliotova cùng một nhóm cộng tác viên đồng tâm, qua không biết bao nhiêu chuyến điền dã ở các làng quê và thành thị, những nơi nhà thơ Rubtsov đã sinh ra, học hành, lao động và sáng tác. Đứng nhìn chiếc vành nôi bện bằng vỏ thân cây bạch dương mà người vợ hiền thục, nhẫn nhịn của nhà thơ từng đung đưa ru ngủ con gái yêu Lena của ông, một người cha lang bạt kỳ hồ, tôi sực nhớ những vần thơ bất hủ trong tuyệt tác Bài ca vĩnh biệt:
Đêm nao em khẽ đưa nôi
Đêm nao em khóc nỗi tôi bạc tình.
(Hồng Thanh Quang dịch)
Tại đây, trong Nhà bảo tàng này, tôi đã được chính người sáng lập, bà bác sĩ Poliotova cho biết rằng bắt đầu từ những năm 90 không chỉ ở Matxcơva mà còn ở cả Sanht-Peterburg, ở thành phố quê hương Vologđa, ở nhiều thành thị khác “bùng nổ” bảo tàng Rubtsov, hiện thời con số đã đến 11. Trong mươi năm nay Rubtsov dẫn đầu về số lượng ấn phẩm thơ ở Nga. Người ta đã cho ra đời bộ Từ điển ngôn từ và vần điệu thơ Rubtsov, một điều nhiều nhà thơ lớn kinh điển trong nền thơ ca Nga cũng chưa có được, dẫu sáng tác của họ đã xuất bản thành những tổng tập 4 - 5 tập dày cộp, trong khi toàn bộ di sản của nhà thơ Rubtsov gói gọn trong một quyển sách chưa dược bốn trăm trang. Ra thế! Đến nay, trải qua nhiều mất mát, đổ vỡ đau thương, người Nga mới thấu hiểu sâu sắc những điều nhà thơ đoản mệnh của chính họ đã dự cảm và gióng chuông cảnh báo từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, khi mượn Esenin để nói về mình trong bài Mùa thu cuối:
Và Sergey Esenin giữa bốn bức tường ảm đạm
Trông ủ ê hơn tất cả mọi lần.
Anh lúc đấy đã trong niềm thu cảm
Về những tang thương biến đổi đang gần ...
(Mùa thu cuối, - Hồng Thanh Quang dịch)
Có một điều kỳ lạ là cách nay ngót một phần tư thế kỷ, năm 1985, nhà thơ chiến sĩ Việt Nam Hồng Thanh Quang, lúc ấy còn trẻ măng, đã sớm cảm nhận nỗi trăn trở day dứt của nhà thơ Nga xa xôi là: bất luận thế nào hãy giữ lấy, đừng cho tắt trong lòng Ngọn lửa Nga – ngọn lửa của Nhân ái và Thiện tâm, ngọn lửa của tình yêu quê hương xứ sở dẫu còn khốn khó, ngọn lửa ký ức đối với những gì thiêng liêng như “những tấm ảnh úa vàng đóng khung trang trọng” treo trên vách rất nhiều, rất nhiều gia đình côi cút:
Xin cảm ơn ngọn lửa Nga bình dị
Vì người mang sâu nặng nỗi đau đời,
Luôn rực cháy cho những ai lạc lối
Giữa đồng hoang, không bạn không bè,
Vì người với niềm tin son sắt
Giữa đời nay tranh cướp* bất yên
Cứ mãi cháy, cháy sáng lòng nhân hậu
Giữa sương mù, cháy suốt,cháy thâu đêm ...
(Hồng Thanh Quang dịch)
(* Xin mạn phép dịch giả, tôi tạm chuyển dịch lại từ “Razboi”, quan trọng đối với ý đang đề cập)
Bạn đọc yêu thơ ca Nga từ lâu đã quen thuộc với hình ảnh cây “Bạch dương” như biểu tượng về nữ tính, về thiên nhiên hiền hòa của đất nước Nga. Tình yêu đối với bạch dương của Rubtxov thì lại không ngẫu nhiên vẫn day dứt bởi những hy sinh mất mát mà cơ hồ người đời trong cuộc “tranh cướp bất yên” đã quá nhanh chóng quên đi, thậm chí đã phản bội những ký ức thiêng liêng ấy:
<...>
Chỉ có điều chuyện đời thường lấn át
Gió tháng ngày ảm đạm xáo trộn lòng,
Bởi trên mộ người mẹ tôi yên giấc
Cũng rì rào xáo động một bờ dương.
Đạn đã giết cha tôi trong chiến tranh
Mà bên nhà cạnh bờ rào trong xóm
Mùa lá rụng cũng rì rào xáo động
Như tiếng ong, cùng gió thổi mưa dầm ...
Ôi nước Nga, yêu biết mấy bạch dương!
Con ra đời và lớn lên cùng chúng,
Bởi vì thế mà lệ trào nóng bỏng
Đẫm bờ mi đôi mắt đã dửng dưng.
(Thúy Toàn dịch)
Bài thơ Ghi lòng tạc dạ, được lấy làm đầu đề cho cả một tập thơ của ông, cho thấy Rubtsov gắn bó máu thịt với thiên nhiên, với cuộc sống bình dị của làng quê Nga, nơi gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần vĩnh cửu, bất diệt như sao trời lấp lánh, mà bất kỳ thời đại nào, ở bất kỳ đâu trên thế gian này, cũng là linh hồn của một dân tộc, phải được trân trọng gìn giữ trong tâm khảm mọi người con của đất nước:
Ôi cảnh quê hiền hòa, thân thiết!
Hàng bạch dương, nhà gỗ rải trên gò
Và bóng hình soi thăm thẳm đáy hồ
. Của thánh đường tựa giấc mơ trăm tuổi
Ôi nước Nga, nhà chiêm tinh vĩ đại!
Trăm năm nữa lại sẽ âm thầm trôi,
Chẳng suy vi vẻ đẹp kia tuyệt vời
Tựa sao trời chẳng thể ai lật đổ
Con người còn khóc được trước những cảnh đẹp đơn sơ của quê hương xứ sở, còn biết đau đớn với quá khứ đau thương của dân tộc chứ không quên đi, không “khép lại” – không quên đi không phải để chứa chất hận thù, mà để không phạm lại sai lầm của lịch sử, để không mất định hướng trong hiện tại và tương lai, chừng nào con người còn giữ được cho tâm hồn mình trong sạch. Đó chính là lời thề nguyện của Nikolai Rubtxov, cũng là di chúc của Anh để lại cho đời trong bài thơ Đến tận cùng:
Đến tận cùng –
Đến lặng câm thánh giá
Nguyện giữ cho cõi lòng
Mãi vẫn còn trắng trong.
Trước hoang vu
Một miền quê heo hút,
Một rừng dương vàng vọt
Của tôi;
Trước đơn côi
Cánh đồng trơ gốc rạ
Sạm đen và buồn bã
Dưới mưa thu thê lương;
Trước công đường
Uỷ ban Xô viết xã,
Trước đàn bò
Nhẩn nha bên cầu nhỏ;
Trước tất cả
Thế gian tự ngàn xưa
Tôi xin thề:
Cõi lòng tôi trong trắng!
Xin hãy để
Cõi lòng mãi trắng trong
Đến tận cùng :
Nấm mồ trồng thánh giá!
Luôn day dứt trăn trở với những dự cảm bất an, với những cảnh báo về đổ vỡ trong xã hội và trong lòng người, nhưng thơ ca của Nikolai Rubtxov không hề có giọng điệu bi quan yếm thế. Anh hiểu sự tất yếu của những trả giá, không phải là những phá hoại mù quáng, mà là trả giá chân chính cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, cả về phần xác lẫn phần hồn. Bài thơ Sau giông tố cho phép khẳng định điều đó:
Tôi đã thấy đêm qua
Thân bạch dương gẫy gập!
Tả tơi bay cánh hoa!
Sấm sét, mưa vùi dập,
Gieo chết chóc, lệ nhòa.
Không ai hòng tránh được
Đòn giáng tự cao xa!
Sự đời này kỳ lạ
Mà ngẫm thông thái sao:
Trải sấm sét thương đau
Để ban mai được đón
Càng rạng rỡ sắc mầu!
Xòe rẻ quạt vầng dương
Bừng lên ánh nắng vàng,
Hoa đưa hương ngào ngạt,
Hồ phả hơi rượi mát,
Trong veo nước mênh mang!