Những góc nhìn Văn hoá

Vai trò của văn học dân gian đối với văn học viết thời Đại Việt

Trong nhiều cuốn sách trước đây viết về văn học dân gian, thường có quan niệm: “Văn học dân gian là sáng tác tập thể, truyền miệng của nhân dân lao động”(1). Các tác giả thường ca ngợi nhân dân lao động là những con người hoàn hảo. Quan niệm như trên về tác giả của văn học dân gian là chưa đầy đủ và chưa thật chính xác.

Văn học dân gian do dân chúng sáng tác thưởng thức, lưu truyền. Nội dung của khái niệm dân, dân chúng thay đổi theo thời gian. Trong xã hội quân chủ, dân không chỉ gồm bốn loại (sĩ, nông, công, thương) như giai cấp thống trị quan niệm mà còn bao gồm những người khác như binh lính, những người làm nghề ca hát, các kĩ nữ, v.v… Trong xã hội thuộc địa nửa quân chủ, dân bao gồm nông dân, thợ thủ công, người buôn bán nhỏ, dân nghèo thành thị, công chức, trí thức, thợ thuyền, binh lính v.v…

Dân chúng là một tập hợp đông đảo, trong đó có kẻ hay người dở, có người thông tuệ và có cả những người chậm hiểu, có cả những người tài khéo bên cạnh một số ít vụng về(2).

Văn học dân gian là một hình thái ý thức xã hội. Nhiều tác giả cho rằng, văn học dân gian ra đời từ thời kì công xã nguyên thuỷ, trải qua các thời kì phát triển lâu dài trong các chế độ xã hội có giai cấp, tiếp tục tồn tại trong thời đại ngày nay(3). Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, chỉ sau khi có nhà nước, mới có hai dòng văn học: văn học dân gian và văn học viết. Trước đó chỉ có văn học cộng đồng. Theo quan niệm này, người Ê Đê, Mơ Nông… không có văn học dân gian vì chưa phát triển đến trình độ tổ chức xã hội có nhà nước. Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc viết: “Trong một xã hội cộng đồng như vậy, văn hoá mang tính cộng đồng và cũng chưa nhiễm tính chính trị - đẳng cấp. Chưa có sự phân biệt giữa cái chính thống, quan phương với cái dân gian, thôn dã. Tất cả chỉ là một. Không có hiện tượng hai bộ phận văn hoá. Tính cộng đồng là đặc điểm bao trùm toàn bộ đời sống của xã hội đó. Khi nói dân gian là mặc nhiên thừa nhận có cái đối lập với nó. Nhưng ở trong những xã hội này, văn hoá nói riêng cũng như xã hội nói chung chưa có sự tách đôi thành hai bộ phận “đối lập” nhau”(4).

Ý kiến trên là đáng chú ý. Tuy nhiên, nếu chia văn học thành ba loại hình (văn học cộng đồng, văn học dân gian, văn học viết) thì chúng ta thấy, xét về phương thức sáng tác, phương thức lưu truyền và tiếp nhận, xét về mặt thi pháp, văn học cộng đồng vẫn rất gần gũi với văn học dân gian. Nếu xét kĩ, văn học cộng đồng có điểm khác so với văn học dân gian (chẳng hạn không có sự tác động qua lại giữa hai dòng văn học khi đã ra đời nhà nước, chữ viết); nhưng nếu ta đem so sánh nó với văn học viết thì sự khác biệt còn nhiều hơn, sâu sắc hơn và dễ nhận thấy hơn. ở cả văn học cộng đồng và văn học dân gian, dấu ấn cái tôi tác giả, dấu ấn cá tính sáng tạo không có hoặc rất mờ nhạt, phong cách tác giả hầu như không có. ở văn học viết, dấu ấn cá tính sáng tạo, phong cách tác giả lại là một yêu cầu không thể thiếu.

                                                                              *

                                                                          *     *

Sau khi đất nước Đại Việt giành được độc lập, văn học Đại Việt chia thành hai dòng: dòng văn học dân gian và văn học viết. Theo quy luật chung của nhiều nền văn học trên thế giới, lẽ ra trong các thế kỉ X, XI, XII, XIII, văn học dân gian là nền tảng của văn học viết. Song tình hình nước ta lại không như vậy. Xét về mặt văn tự, thi liệu và các thể văn, dòng văn học viết của quốc gia Đại Việt hình thành trong việc chủ động tiếp thu ảnh hưởng của văn học Trung Quốc. Hầu hết các nhà sư thời Lý, các văn nhân võ tướng đời Trần đều dùng chữ Hán và các thể văn Trung Quốc để thể hiện những vấn đề trọng đại của quốc gia, để diễn tả những rung động của tâm hồn trước non sông đất nước và cuộc sống đương thời. Có ý kiến cho rằng Nguyễn Thuyên (đời Trần) đã viết bài văn tế “Đuổi cá sấu” bằng chữ Nôm. Rất tiếc, đến nay không còn văn bản này. Đến thế kỉ XV, Nguyễn Trãi đã sáng tác một khối lượng lớn tác phẩm văn học bằng cả hai thứ văn tự: chữ Hán và chữ Nôm. Con đường đi của dòng văn học viết là càng ngày càng dân tộc hoá về mặt hình thức ngôn từ, càng sử dụng nhiều thi liệu văn học dân gian.

Từ thế kỉ XV, trong thơ Nôm, Nguyễn Trãi vận dụng nhiều câu tục ngữ. ở đây chỉ xin nêu dẫn chứng ở một bài, bài “Bảo kính cảnh giới” số 22. Bài thơ có tám dòng, tác giả sử dụng ba câu tục ngữ. Câu tục ngữ “Ăn uống chạy đến, đánh nhau chạy đi” được ức Trai thể hiện trong hai dòng thơ:

Thấy ăn chạy đến thì no dạ

Trợ đánh bênh nhau ắt phải đòn(5).

Hai câu tục ngữ “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, “Miệng ăn núi lở” được gợi đến ở hai dòng thơ:

Tay ai thì lại làm nuôi miệng

Làm biếng ngồi ăn lở núi non(6).

Sang thế kỉ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp tục truyền thống này.

Câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Gần son thì đỏ, mực thì đen

Sáng, biết nhờ ơn thuở bóng đè(7).

làm chúng ta nhớ đến câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

Ăn ít ấy hơn, hờn ấy thiệt

Khôn thì người rái, dại người thương

Nhắn bảo bao nhiêu người ở thế

Chẳng khôn đừng dở, chớ ương ương(8).

là tác giả nhớ đến các câu tục ngữ “Ăn hơn, hờn thiệt, đánh tiệt đuổi đi”, “Khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương cho người ta ghét”.

Câu thơ “Dài ống, tròn bầu, ấy khá chiều”(9) thoát ý từ câu tục ngữ “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.

Câu thứ ba và câu thứ năm của bài thơ dưới đây:

ở thế làm chi cười lẫn nhau,

Giàu chê khó, khó chê giàu.

Người hàng thịt nguýt người hàng cá,

Đứa bán bò gièm đứa bán trâu.

Bé vú thở than người cả vú,

Ít râu inh ỏi kẻ nhiều râu.

Mặc trời phú tính yên đòi phận,

ở thế làm chi cười lẫn nhau (10).

được tác giả sáng tạo từ hai câu tục ngữ: “Hàng thịt nguýt hàng cá”, “Cả vú lấp miệng em”.

Khi viết hai câu thơ:

Lận thế treo dê mang bán chó

Lập danh cưỡi hạc lại đeo tiền(11).

Trạng Trình đã nhớ đến câu tục ngữ “Treo đầu dê bán thịt chó”.

Hai câu thơ:

Chân tay gẫm lại ai hơn nữa

Tranh cạnh làm chi, lỗi phép nhà(12).

làm người đọc nhớ đến câu tục ngữ “Anh em như thể tay chân”.

Trong thơ Nguyễn Công Trứ (1770 - 1858) cũng có nhiều thành ngữ, tục ngữ. Về điểm này, chỉ xin nêu một dẫn chứng là bài “Trò đời”:

Một lưng một vốc kém chi mô

Cho biết chanh chua khế cũng chua

Đã chắc bữa trưa chừa bữa tối

Mà tham con giếc tiếc con rô

Trăm điều đổ tội cho nhà oản

Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa

Khó bó cái khôn còn nói khéo

Dầu ai có quấy vấy nên hồ(13).

Trong bài này, có thành ngữ “Một lưng một vốc”, có các câu tục ngữ “Chanh chua thì khế cũng chua”, “Chắc bữa trưa chừa bữa tối”, “Tham con giếc tiếc con rô”, “Trăm tội đổ cho nhà oản”, “Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, “Cái khó bó cái khôn”, “Có quấy mới vấy nên hồ”.

Nguyễn Công Trứ nhiều lần sử dụng nguyên vẹn cả một tác phẩm ca dao như là bộ phận cấu thành của tác phẩm trong những bài hát nói.

Hát nói còn gọi là ca trù. Nếu coi những bài của Lê Đức Mao (1462-1529) (trong đó có bài “Nghĩ hộ tám giáp làm giải thưởng hát ả đào”) là những báo hiệu của thể loại hát nói thì đến Tản Đà, thể loại này đã tồn tại qua năm thế kỉ. Về kết cấu, mỗi bài hát nói thường có ba đoạn gọi là ba khổ. Hai khổ đầu gồm tám câu (mỗi khổ bốn câu), khổ thứ ba có ba câu. Có bài không có khổ giữa gọi là bài thiếu khổ, còn bài dài hơn ba khổ gọi là bài dôi khổ. Khổ dôi ra là khổ giữa và dài thêm bao nhiêu cũng được. Ngoài ra ở mỗi bài hát nói khi mở đầu có thể thêm một đoạn thơ lục bát gọi là mưỡu đầu, và khi kết thúc cũng có thể thêm hai câu lục bát gọi là mưỡu hậu.

Mở đầu bài “Vịnh cảnh Hà Nội”, Nguyễn Công Trứ sử dụng lời ca dao:

      Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người

                                          Trường An.

Trong bài “Gánh gạo đưa chồng”, hai dòng ca dao khác cũng được đặt ở vị trí mưỡu đầu:

      Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

Hiện tượng sử dụng nguyên vẹn tác phẩm ca dao làm bộ phận cấu thành tác phẩm là hiện tượng chưa thấy có ở các nhà thơ trung cận đại trước và sau Nguyễn Công Trứ(14).

Khi chọn lời ca dao “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài...”, Nguyễn Công Trứ đã coi hoa nhài là thứ hoa quý, hoa đẹp. Tư tưởng này gặp gỡ quan niệm thẩm mĩ dân gian(15).

Không phải ngẫu nhiên khi Nguyễn Công Trứ chọn bài ca dao “Cái cò lặn lội bờ sông...”. Trong thơ ca dân gian, có một số lời mà ở đó con cò là hình ảnh của người nông dân: lam lũ, vất vả, có nhiều đức tính quý bên cạnh những tật xấu. Từ cuộc đời từng trải của mình, Nguyễn Công Trứ thấu hiểu sự vất vả, gian nguy của người lính, nỗi cực nhọc của người vợ lính mà ca dao đã phản ánh.

Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) sinh trước và mất sau Nguyễn Công Trứ. Yên Đổ đã sử dụng ca dao như những điển cố. Trong bài “Thầy đồ ve gái goá”, ông viết:

Bắc cầu, câu cũ không hờ hững

Cầm kính, tình xưa những đắng cay(16).

Nếu chúng ta không biết hai lời ca dao:

+   Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

+    Trách người quân tử vô tình

Có gương mà để bên mình không soi

thì sẽ không hiểu và không thấy được cái hay của câu thơ vừa dẫn.

Truyện Kiều là tập đại thành, là đỉnh cao nhất của dòng văn học viết thời trung đại. Để có được Truyện Kiều,trước hết phải kể đến thiên tài của Nguyễn Du. Tất nhiên còn có những nguyên nhân khác, trong đó có việc tác giả của nó đã tiếp thu những tinh hoa của thơ ca dân gian. Trong tác phẩm này, có tất cả 79 lần Nguyễn Du đã sử dụng các mã ngôn từ của ca dao. Thí dụ, ca dao có những lời:

+    Vì thuyền, vì bến, vì sông

Vì hoa nên bận cánh ong đi về.

+  Còn non còn nước còn trời

Còn cô bán rượu còn người say sưa.

+   Yêu nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Trong Truyện Kiều cũng có những câu thơ có kiểu dùng từ tương ứng:

+ Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa

                              (lời Thuý Kiều)

+   Còn non còn nước còn dài

Còn về còn nhớ đến người hôm nay

                              (lời Thuý Kiều)

+   Rắp mong treo ấn từ quan

Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua

                  (độc thoại của Kim Trọng)

Ca dao có các môtíp dùng để mở đầu như: “Đôi ta như...”, “Chiều chiều...”, “Em như...”, “Tiếc thay...”, “Buồn trông...”,... Trong Truyện Kiều cũng có các hình thể ngôn từ này: “Đôi ta chút nghĩa đèo bồng”, “Tiếc thay chút nghĩa cũ càng”, “Tiếc thay trong giá trắng ngần”, “Tiếc thay một đoá trà mi”, “Buồn trông cửa bể chiều hôm”,...

Tác giả Truyện Kiều chỉ vận dụng các mã ngôn từ của ca dao chứ không sử dụng nguyên văn một câu ca dao nào. Với Nguyễn Du, “các mã ngôn từ của ca dao xuất hiện rất tập trung trong ngôn ngữ tác giả (51 lần) và sau nữa là trong ngôn ngữ của một số nhân vật chính diện: Thuý Kiều (21 lần), Thúc Sinh (bốn lần), Thuý Vân (hai lần), Kim Trọng (một lần). Các nhân vật phản diện không dùng một mã ngôn từ ca dao nào. Như vậy, âm điệu trữ tình của ca dao chỉ phù hợp với các đoạn thơ có nội dung tình cảm và phù hợp với các nhân vật có đời sống tâm hồn trong sáng của Truyện Kiều(17).

Nếu các nhà thơ (Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du) đã chủ động tiếp thu những tinh hoa của thơ ca dân gian thì các tác giả văn xuôi của dòng văn học viết trung đại cũng đã khai thác một cách có hiệu quả các truyện dân gian. Từ những cốt truyện dân gian, Nguyễn Dữ (thế kỉ XVI), Đoàn Thị Điểm (thế kỉ XVIII) khi viết những tác phẩm truyền kì đã hư cấu chúng thành những câu chuyện hoàn chỉnh vừa có yếu tố lãng mạn, vừa có tính tư tưởng sâu sắc, vừa có giá trị nghệ thuật cao(18). “Kho tàng truyện kể dân gian không chỉ có vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của các thể loại tự sự văn xuôi, mà còn có vai trò rất quan trọng trong sự hình thành và phát triển các thể loại tự sự văn vần của văn học thời trung đại”(19).

Trong mối quan hệ hai chiều giữa văn học dân gian và văn học viết, “văn học dân gian cho nhiều hơn là nhận”(20). Tuy nhiên, văn học dân gian cũng tiếp thu từ văn học viết một số điển tích Hán học và văn hoá chữ Hán để làm giàu có tiếng Việt(21) và kho tàng tục ngữ(22). Trong kho tàng thơ ca dân gian người Việt, người ta cũng cảm thấy ở một số bài “phảng phất có phong vị thơ Kiều(23).r

N.X.K

CHÚ THÍCH

(1) Thí dụ, xin xem Đinh Gia Khánh - Chu Xuân Diên (1972), Văn học dân gian, tập 1, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp Hà Nội, tr. 9.

(2) Chúng tôi tiếp thu và phát triển tư tưởng của GS. Đinh Gia Khánh (1924 - 2003) trong bài: Đinh Gia Khánh (1977), “Để có thể nắm bắt thực chất của văn học dân gian”, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 6.

(3) Thí dụ, xin xem Chu Xuân Diên (2004), Mấy vấn đề văn hoá và văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, tr. 46.

(4) Nguyễn Tấn Đắc (1987), “Nội dung của folklore”, Tạp chí Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 4, tr. 13.

(5) Mai Quốc Liên chủ biên (2000), Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập III, Nxb. Văn học và Trung tâm Nghiên cứu quốc học xb, Hà Nội, tr. 983 - 984.

(6) Mai Quốc Liên chủ biên (2000), sđd, tr. 983 - 984.

(7) Đinh Gia Khánh chủ biên (1983), Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 107.

(8) Đinh Gia Khánh chủ biên (1983), sđd, tr. 117.

(9) Đinh Gia Khánh chủ biên (1983), sđd, tr. 134.

(10) Đinh Gia Khánh chủ biên (1983), sđd, tr. 147 - 148.

(11) Đinh Gia Khánh chủ biên (1983), sđd, tr. 157.

(12) Đinh Gia Khánh chủ biên (1983), sđd, tr. 175.

(13) Nguyễn Xuân Kính (1995), “Nét riêng của Nguyễn Công Trứ trong việc sử dụng thi liệu dân gian”, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 1, Hà Nội, tr.72.

(14) Nguyễn Xuân Kính (1995), bài đã dẫn, tr. 72.

(15) Nguyễn Xuân Kính (2006), Thi pháp ca dao, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,   tr. 321 - 336.

(16) Nhiều soạn giả (1971), Thơ văn Nguyễn Khuyến, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 109.

(17) Nguyễn Thuý Hồng (1995), “Tìm hiểu sự gặp gỡ về nghệ thuật sử dụng ngôn từ giữa ca dao và Truyện Kiều”, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 1, Hà Nội, tr. 78. Toàn bộ đoạn viết về ca dao và Truyện Kiều là chúng tôi tiếp thu kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thuý Hồng.

Không phải sự giống nhau nào giữa các đoạn trích, câu trích của Truyện Kiều cũng là kết quả của việc Nguyễn Du tiếp thu thơ ca dân gian; song đại đa số các trường hợp giống nhau là do nguyên nhân này.

(18) Kiều Thu Hoạch (2006), Văn học dân gian người Việt - Góc nhìn thể loại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 287.

(19) Kiều Thu Hoạch (2006), sđd, tr. 288.

(20) Lê Kinh Khiên (2003), “Một số vấn đề lý thuyết chung về mối quan hệ văn học dân gian - văn học viết”, trong tập sách nhiều tác giả: Tổng tập văn học dân gian người Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tập 19, tr. 340. Bài viết này công bố lần đầu trên Tạp chí Văn học, Hà Nội, 1980, số 1.

(21) Xin xem:

a) Nguyễn Tài Cẩn (2001), “Văn hoá chữ Hán và ngôn ngữ Việt Nam: vai trò của các yếu tố gốc Hán trong tiếng Việt hiện đại”, trong tập sách của cùng tác giả Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hoá, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

b) Nguyễn Xuân Kính (2007), “ảnh hưởng của văn học chữ Hán Trung Quốc đối với thơ ca dân gian người Việt”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4, Hà Nội.

(22) Trong thơ quốc âm, Nguyễn Trãi viết:

Của nhiều sơn dã đem nhau đến

Khó ở kinh thành thiếu kẻ han.

Hai cây này được gợi ý từ câu chữ Hán: “Bần cư náo thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm”.

Trong thơ Nguyễn Trãi còn có câu: “Chật yên bần ấy cổ lề”, hàm ý câu chữ Hán “An bần lạc đạo (yên phận nghèo mà vui đạo thánh hiền)”. Những câu chữ Hán vừa nêu sau này đã có mặt trong kho tàng tục ngữ người Việt.

(23) Kiều Thu Hoạch (2006), sđd, tr. 300.

Nguồn:ncvanhoa.org.vn


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529840

Hôm nay

29

Hôm qua

2297

Tuần này

29

Tháng này

216536

Tháng qua

0

Tất cả

114529840