Những góc nhìn Văn hoá

"Lý luận văn học" của YU.BOREV

Ban lý luận văn học thuộc IMLI (Viện văn  học thế giới mang tên M. Gorki, Nga) đã cho ra tập bốn của công trình tập thể “Lý luận văn học”; đề tài tập này tiếp tục bộ sách đã có từ trước “Lý luận văn học: những vấn đề cơ bản dưới ánh sáng lịch sử” gồm ba cuốn: “Hình tượng. Phương pháp. Tính cách” (M. 1962), “Các thể và loại văn học” (M. 1964), “Phong cách. Tác phẩm. Sự phát triển văn học” (M.,1965). Trong công trình mới văn học và nghệ thuật được coi như một hệ thống đang phát triển.

Trước hết nói về phạm trù chính - “quá trình văn học”. Trong nền khoa học Nga khái niệm này đã được soạn thảo vào các thập niên 70-80 thế kỷ XX gắn với việc xây dựng lịch sử văn học toàn thế giới. Nhiệm vụ đó bây giờ lại được đặt ra, bởi vì sự mở đầu thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới lại khơi dậy ý muốn xem xét lại các đặc điểm của sự phát triển văn học.

Tiến sĩ ngữ văn Yu.B Borev (trưởng ban lý luận IMLI, chuyên viên khoa học cao cấp của IMLI) tiếp tục nghiên cứu phạm trù này ở thời kỳ mới (xem công trình tập thể của IMLI do ông chủ biên “Phương pháp luận phân tích quá trình văn học” - M., 1989). Cuốn sách là ý đồ tạo ra một “lịch sử lý thuyết của văn học” - do đó có sự chú ý tập trung đến những “tìm kiếm phương pháp luận”, điều này đã được chứng tỏ qua tên gọi các bài viết của Yu. Borev: “Thuyết hình thức và thuyết xã hội học dung tục về quá trình văn học”, “Sự ra đời của chủ nghĩa lịch sử như một nguyên tắc khoa học mở rộng”, “Cách hiểu so sánh về quá trình văn học”; “Thực chứng luận ngôn ngữ học về sự phát triển văn học”, v.v.. Công trình đang nói đây đặt ra những vấn đề như “những tương tác nghệ thuật”, “những chuyển động đón gặp”, “phân kỳ quá trình nghệ thuật” (tác giả - Iu. Borev), “vấn đề thời kỳ quá độ” (A. V. Mikhailov), “sự cải tổ cấu trúc quá trình văn học ở thời đại quá độ” (E. Ivanova), “vai trò của truyền thống” (A. Rantsin), “độc giả và quá trình văn học” (O. Soloukhin).

Hiện nay trong khoa học Nga cũng như ở nước ngoài đang có xu hướng phân tích sự phát triển văn học thế giới như một quá trình thống nhất, trên cơ sở đó có sự chú ý đến phương pháp luận nghiên cứu văn học so sánh. Tìm hiểu các nền văn học khu vực là một phương diện cần thiết của việc nghiên cứu so sánh các nền văn học. Điều này cho thấy vì sao trong công trình này có sự xem xét các vấn đề của việc nghiên cứu quá trình văn học phương Đông (các tác giả - Kh. Ismailov, R. Sultanova), cũng như các vấn đề lý thuyết chung và lý thuyết - lịch sử của việc phân tích quá trình văn học ở Phi Châu (các tác giả - VI. Vavilov, V. Marimanov, I. Nikiphorova, E.Kotlyar, N.Lyakhovskaya, E. Ryauzov).

Phạm trù mấu chốt là “khuynh hướng văn học”. Nhưng phạm trù quan trọng nhất này của nghiên cứu văn học, nghệ thuật học và mỹ học, giúp hiểu quá trình nghệ thuật, có ý nghĩa công cụ - phương pháp luận, lại thường bị đồng nhất với trào lưu, trường phái, phương pháp, phong cách. Đôi khi chính ngay sự tồn tại của khuynh hướng cũng bị phủ nhận (xem các bài viết của B. Reizov). Trước đây trường phái “phê bình mới” Anh - Mỹ tuyên bố tác phẩm là hiện thực duy nhất của nghệ thuật. Hiển nhiên, tác phẩm là hiện hữu xác thực và cảm tính nhất của nghệ thuật, nhưng Yu. Borev nhận xét, tính cộng đồng loại hình của tác phẩm của các nhà văn khác nhau cũng là một hiện thực hiển nhiên.

Trong công trình đang nói đây, khuynh hướng nghệ thuật được xác định như là tổ hợp các tác phẩm đã thực hiện được những nguyên lý thống nhất của sáng tạo được nêu ra trong các tuyên ngôn lý thuyết mang tính cương lĩnh; đó là điểm gặp gỡ của lý luận và lịch sử quá trình nghệ thuật. Khái niệm “khuynh hướng” cho phép rút ra những khái quát so sánh - lịch sử ở quy mô lịch sử của nền văn hóa nghệ thuật thế giới và chỉ ra trong văn hóa của các dân tộc khác nhau sự nhất quán thống nhất của các giai đoạn phát triển, sự thay thế và đấu tranh của các hệ hình quan niệm và phong cách của nghệ thuật. Khuynh hướng mang tính liên dân tộc, nhưng có các biến thể dân tộc của mình. Khuôn mẫu của khuynh hướng - đó là hình thức dân tộc cổ điển của nó (thời Phục Hưng Italia, chủ nghĩa cổ điển Pháp, chủ nghĩa lãng mạn Đức, chủ nghĩa hiện thực Nga). Khuynh hướng có thể chỉ liên quan đến một loại hình nghệ thuật (văn học “dòng ý thức”, thuyết điểm chấm âm nhạc, hay chủ nghĩa trừu tượng trong hội họa), nhưng cũng có thể bộc lộ tính cộng đồng của nhiều loại hình nghệ thuật (phái tân hiện thực trong văn học và điện ảnh), hoặc làm nổi lên tính cộng đồng lịch sử của tất cả hay phần lớn các loại hình nghệ thuật (chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa siêu thực).

Khuynh hướng mang trong mình những đặc điểm loại hình chung thống nhất các tác phẩm nghệ thuật đưa ra một quan niệm thống nhất về cá nhân và thế giới lại với nhau. Khuynh hướng nghệ thuật - đó là cái bất biến của quan niệm nghệ thuật về cá nhân và thế giới. c trào lưu nghệ thuật - đó là những biến thể của quan niệm vững chắc về thế giới đặc trưng cho khuynh hướng.

Sự thay thế các khuynh hướng nghệ thuật - đó là quá trình thay đổi quan niệm về cá nhân và thế giới thể hiện qua sự thay đổi kiểu hiện thực nghệ thuật. Chẳng hạn, nghệ thuật trung đại, khi đưa Chúa lên thành hệ vấn đề trọng tâm, đã xem xét Vũ Trụ trong quan hệ của nó với con người. Xu hướng này, Borev viết tiếp, được tiếp tục ở Dante, người đặt vũ trụ vào trung tâm quan niệm nghệ thuật của mình. “Thần khúc” đưa ra cấu trúc của vũ trụ và dành một chỗ trong đó cho con người và xã hội. Thời Phục Hưng đặt vào trung tâm vũ trụ cá nhân ý thức được mình. Chủ nghĩa cổ điển tập trung vào nhà nước và con người phụ thuộc vào nhà nước. Chủ nghĩa lãng mạn lấy thế giới nội tâm của cá nhân trong quan hệ của nó với thiên nhiên làm trung tâm quan niệm nghệ thuật của mình. Chủ nghĩa hiện thực đặt vào trung tâm tác phẩm con người và nhân dân, cá nhân và xã hội.

Phạm trù khuynh hướng nghệ thuật cho phép bao quát được sự phát triển của nghệ thuật trong toàn bộ tính phức tạp của nó. ‘Trong một thời đại nghệ thuật thường có đến mấy khuynh hướng lớn. Quá trình nghệ thuật không trùng hoàn toàn với các khuynh hướng chính của thời đại, nó phong phú hơn các xu hướng hàng đầu của mình. Trong quá trình có nhiều cái không ổn định, còn khuynh hướng thì chỉ thâu tóm những cái đã ổn định” (tr. 50).

Quá trình nghệ thuật, giống như mọi sự vận động khác, diễn ra trong thời gian và không gian, cần nên hiểu nó như phép biện chứng của đứt gãy và liên tục. Điều này đòi hỏi phải phân kỳ sự phát triển nghệ thuật, phải chia cắt nó về khoa học. Trong công trình này, nhà bác học đã phân chia lịch sử quá trình nghệ thuật ra thành các đơn vị sau đây:

Thời kỳ (period) nghệ thuật (thí dụ: chủ nghĩa tiền hiện đại, chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa tân hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại) - “sự thống nhất các nhóm khuynh hướng gần nhau về thẩm mỹ và quan niệm, sự thống nhất này mang một tư tưởng nghệ thuật bất biến có ý nghĩa đối với tất cả các khuynh hướng nghệ thuật” (tr. 51). Thời kỳ chỉ ra thời gian lịch sử ngự trị trong sự phát triển văn học của một kiểu nhân vật nhất định, cũng như của một kiểu tham gia nhất định của tác giả vào việc xây dựng văn bản nghệ thuật.

Thời đại (epokha) nghệ thuật - khái niệm xuất hiện trong mỹ học lãng mạn hồi đầu xem nghệ thuật như một quá trình phát triển lịch sử. Trong bảng phân loại ở đây thuật ngữ này có ý nghĩa sau: thời đại nghệ thuật - đó là nhóm các thời kỳ nghệ thuật được thống nhất lại bằng một hệ hình (paradirme) nghệ thuật bất biến chung mang trong mình một loạt tư tưởng và quan niệm. Công trình này phân tích thời Thượng cổ và thời Cổ đại, thời Trung đại, Phục Hưng, Cận đại, Chủ nghĩa hiện thực và Chủ nghĩa tiền phong với tư cách là các thời đại nghệ thuật.

Giai đoạn (stadiya) nghệ thuật - đơn vị của sự phân chia lịch sử toàn cầu quá trình văn học. Cơ sở của sự phân chia giai đoạn là các vấn đề về quan hệ thẩm mỹ đối với Chúa, Vũ trụ, Tự nhiên, Con người, Xã hội. Quá trình nghệ thuật thế giới bao gồm bốn giai đoạn: 1) Con người hòa lẫn với Tự nhiên; 2) Con người hòa lẫn với Chúa; 3) Ảo tưởng và hy vọng: dựa vào Chúa, tự mình hành động theo Tự nhiên; 4) Giai đoạn ảo tưởng tan vỡ.

Kỷ nguyên (era) - đơn vị lớn nhất của sự phân chia lịch sử toàn cầu quá trình phát triển văn hóa nghệ thuật. Hegel chia sự phát triển nghệ thuật của nhân loại thành ba kỷ nguyên toàn cầu. Cơ sở phân chia, theo Hegel, là sự tương tác của “tinh thần tuyệt đối” (nội dung) và biểu hiện vật thể - cảm tính của tinh thần đó (hình thức). Ở kỷ nguyên đầu, tượng trưng, (nghệ thuật cổ Ấn Độ, cổ Ai Cập) nguyên lý vật thể - cảm tính nổi trội, hình thức lấn át nguyên lý tinh thần, nội dung; đặc trưng của kỷ nguyên cổ điển (Thời cổ đại) là sự hài hòa nội dung và hình thức ở kỷ nguyên lãng mạn (văn hóa nghệ thuật Trung đại, Phục Hưng, Cận đại) nguyên lý tinh thần, nội dung lấn trội hình thức. Nhưng sự phong phú của nghệ thuật không nằm vừa trong bảng phân kỳ của Hegel, còn cái kết thúc logic của bảng đó - tư tưởng về cái chết của nghệ thuật - đã không được lịch sử ủng hộ. Tuy nhiên Yu. B. Borev, công lao của Hegel là đã đưa ra cách nhìn nghệ thuật mang tính lịch sử và cách tiếp cận mang tính toàn cầu.

Nhà bác học đề xuất một kiểu phân chia và xác định khác đối với quá trình nghệ thuật: ở các giai đoạn phát triển khác nhau nghệ thuật tập trung chú ý hoặc vào không gian, hoặc vào thời gian, hoặc vào không - thời gian. Đồng thời nguyên lý cốt lõi ở đây là con người - sự tự cảm của nó trong một thế giới biến đổi, sự tham gia tích cực (trong chừng mực nhất định) vào các biến đổi đó, hoặc sự xa lánh (trong chừng mực nhất định) các quá trình diễn ra trong thế giới.

Quan điểm này cho phép tách ra ba kỷ nguyên của sự phát triển nghệ thuật: 1) Kỷ nguyên tư duy không gian (từ thời cổ đến thời Phục Hưng); 2) Kỷ nguyên tư duy lịch sử (từ Phục Hưng đến chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX); 3) Kỷ nguyên khronotov (tư duy không - thời gian).

Các luận điểm lý thuyết nêu trên đã được Yu. B. Borev áp dụng vào việc xem xét quá trình phát triển nghệ thuật theo sơ đồ sau:

KỶ NGUYÊN TƯ DUY NGHỆ THUẬT BẰNG KHÔNG GIAN. GIAI ĐOẠN CON NGƯỜI HÒA LẪN VỚI TỰ NHIÊN

I. Thời đại thượng cổ: sự đồng nhất phản ánh và hiện thực; nguồn gốc nghệ thuật; huyền thoại như hình thức quá độ từ thực tại ma thuật sang hiện thực nghệ thuật.

II. Thời đại cổ xưa của sự hồn nhiên chất phác: 1. Nghệ thuật cổ xưa: là một bộ phận của tự nhiên nhưng con người tách mình ra với tư cách chủ thể có khả năng chiếm lĩnh thế giới về mặt thực tiễn và thẩm mỹ; nêu ra vấn đề sự bất tử - trong thế giới cân bằng chông chênh của các lực toàn cầu con người đấu tranh giành sự sống và sẵn sàng vươn tới cuộc sống sau cuộc sống; tôn giáo có tác động nhất định đến nghệ thuật. 2. Thời cổ đại như một thời đại nghệ thuật: con người anh hùng trong thế giới của hài hòa và định mệnh. Những đặc điểm của nghệ thuật cổ đại: phép huyền thoại hiện thực (thế giới như nó có) - con người vượt qua nỗi sợ dũng cảm bảo vệ xã hội của mình dù phải đổi bằng tính mạng; huyền thoại lãng mạn (thế giới như nó cần phải có) - sự dũng cảm không sợ sệt - con đường đi đến kỳ tích của lòng ái nhân; huyền thoại của ý thức thường ngày (thế giới như nhiều người nghĩ và nói về nó) - chủ nghĩa anh hùng của những cái nực cười; cuộc sống êm đềm với những niềm vui tự phát, với sự vui vẻ, sự nhìn ngắm cái đẹp và những an ủi tình yêu là cái được ưa thích.

GIAI ĐOẠN CON NGƯỜI HÒA LẪN VỚI CHÚA

III. Thời trung đại như một thời đại nghệ thuật: con người trong thế giới đen trắng của cuộc đấu tranh Thiện - Ác. Đặc trưng nghệ thuật: chủ nghĩa lãng mạn hiệp sĩ (nghệ thuật Lâu Đài) - người anh hùng trong chiến trận, kẻ đau khổ trong tình yêu; phép phụng dụ thánh lễ (nghệ thuật Tu Viện) - kẻ tuẫn đạo trông chờ vào ý Chúa; chủ nghĩa tự nhiên carnaval (nghệ thuật thành phố) - tiếng cười dân gian kết án sự bất toàn của thế giới và lấy sự hài hước để gột rửa và đổi mới nó.

Kỷ nguyên tư duy nghệ thuật bằng thời gian (chủ nghĩa lịch sử lan thấm) giai đoạn hy vọng và ảo tưởng.

IV. Thời Phục Hưng như một thời đại nghệ thuật: con người tự do - giá trị cao nhất của thế giới; “hãy làm những gì anh muốn!”, nhưng tự do này cũng có thể bị những kẻ muốn làm ác lợi dụng. Thời kỳ say mê tự do: chủ nghĩa nhân đạo phục hưng - người khổng lồ chống lại cả một biển tai họa để chiến thắng chúng trong cuộc đấu tay đôi; chủ nghĩa điệu thức (manierism) - con người thanh lịch tinh tế trong một thế giới vô lo và một vẻ đẹp cầu kỳ (phần này được viết chung với O. Ovcharenko). Thời kỳ chán chường: barocco như là cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa nhân đạo phục hưng - kẻ hoài nghi - khoái lạc nhân từ, dễ bị kích động trong một thế giới bấp bênh; “pleiade” - người ham sống, vươn tới những giá trị nhân văn của dân tộc và quốc gia; rococo - cá nhân nhàn hạ tôn kính bậc đế vương và sống nhởn nhơ giữa các đồ vật tinh xảo.

V. Thời cận đại như một thời đại nghệ thuật: sự tìm kiếm vector hành động của con người trong thế giới. Thời kỳ hy vọng vào bổn phận, chuẩn mực và lý trí: chủ nghĩa cổ điển - con người bổn phận trong một quốc gia tuyệt đối (phần này được viết chung với V. Bolschakov); đế chế (empire) - sự toàn thắng, sự khẳng định tầm vóc vĩ đại của đế chế và con người bị quy định chặt chẽ một lòng phục vụ cho quốc gia; chủ nghĩa hiện thực khai sáng - con người phát kiến, phiêu lưu trong một thế giới thay đổi. Thời kỳ hy vọng vào tình cảm: chủ nghĩa tình cảm - con người mẫn cảm, thương xót những người đức hạnh và ghê sợ cái ác; chủ nghĩa lãng mạn - sự vĩnh hằng của cái ác và sự vĩnh hằng của cuộc đấu tranh với nó; “nỗi đau thế giới” - trạng thái thế giới trở thành trạng thái tinh thần.

KỶ NGUYÊN KHRONOTOV (TƯ DUY KHÔNG - THỜI GIAN CỦA NGHỆ SĨ)

GIAI ĐOẠN ẢO TƯỞNG TAN VỠ.

Giai đoạn này gồm hai thời đại nghệ thuật: Chủ nghĩa tiền phong Chủ nghĩa hiện thực. “Đặc trưng của các thời đại này là ở chỗ chúng phát triển không phải tuần tự mà song song về mặt lịch sử. Các nhóm khuynh hướng nghệ thuật tiền phong (chủ nghĩa tiền hiện đại, chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa tân hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại) phát triển song song với nhóm các khuynh hướng nghệ thuật hiện thực (chủ nghĩa hiện thực phê phán thế kỷ XIX, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, văn xuôi nông thôn, chủ nghĩa tân hiện thực, chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo, chủ nghĩa hiện thực tâm lý, chủ nghĩa hiện thực trí tuệ). Ở đây bộc lộ sự tăng tốc chung của chuyển động lịch sử” (tr.233).

THỜI ĐẠI CHỦ NGHĨA TIỀN PHONG

(Thế giới thù nghịch với cá nhân, sự tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống).

Thời kỳ chủ nghĩa tiền hiện đại (sự tự do và thỏa mãn): Chủ nghĩa tự nhiên - con người da thịt trong một thế giới đồ vật - vật chất; chủ nghĩa ấn tượng - cá nhân tinh tế, trữ tình, mẫn cảm có khả năng thấy được vẻ đẹp của một thế giới tắm gội trong ánh sáng; chủ nghĩa tiền raphael - thời hoàng kim trong quá khứ hiệp sĩ, thời hiện tại xa cách lý tưởng; chủ nghĩa tượng trưng - mơ ước về thời hiệp sĩ và Người Đàn Bà Đẹp, cảm nhận sâu sắc về buổi hoàng hôn của nền văn minh đang tồn tại, khát vọng hưởng thụ những niềm vui cảm giác; chủ nghĩa chiết trung - thái độ dân chủ, bình đẳng, dễ gần; giá trị ngang nhau của tất cả các hình thức phong cách.

Thời kỳ chủ nghĩa hiện đại (sự gia tốc lịch sử và áp lực của nó tăng lên đối với con người): modern - thế giới trong ánh hoàng hôn; acmeism - nhà thơ - chủ nhân kiêu hãnh của thế giới, đoán giải được những bí ẩn của nó và khắc phục được sự hỗn loạn của nó (phần này được viết chung với E. Ermikhailova); chủ nghĩa vị lai - cá nhân hùng dũng trong một thế giới hỗn loạn được tổ chức theo kiểu thành thị; chủ nghĩa sơ khai (primitivism) - sự giản lược con người và thế giới; chủ nghĩa lập thể (cubism) - sự giản lược theo kiểu hình học con người và thế giới; chủ nghĩa trừu tượng (abstractionsm) - sự chạy trốn của cá nhân khỏi một hiện thực tầm thường và ảo mộng; phái tia sáng - khó khăn và niềm vui của sự tồn tại của con người trong một thế giới được kẻ vạch bằng những tia sáng; fovism - nghệ sĩ rút từ hình thức ra sự vĩnh hằng để tiến gần đến vĩnh hằng.

Thời kỳ chủ nghĩa tân hiện đại (con người không chịu nổi áp lực của thế giới và trở thành “tân nhân”). Các hình thức đặc thù: phái dada (dadaism) giải thích thế giới như một cảnh tượng điên rồ vô nghĩa; phái siêu thực (surrealism) - con người nổi loạn trong một thế giới bí hiểm, không thể nhận thức được; phái biểu hiện (expressionism) - con người xa lạ trong một thế giới thù nghịch; phái duy hình (imagism) - cá nhân mơ mộng thấy được thế giới đa màu và bi thảm; phái xây dựng (constructivism) - con người trong môi trường của các thế lực công nghiệp xa lạ với nó; phái hiện sinh - con người cô đơn trong một thế giới phi lý; văn học “dòng ý thức” - thế giới tinh thần của cá nhân không đi liền với hiện thực; chủ nghĩa tân trừu tượng (neoabstractionism) - dòng ý thức thể hiện qua màu sắc.

Thời kỳ chủ nghĩa hậu hiện đại (con người không chịu nổi áp lực của thế giới và trở thành “hậu nhân”). Các hình thức đặc thù: pop-art - kẻ sở hữu mang tinh thần dân chủ bị vây bọc bởi nền văn hóa đại chúng trong một xã hội “tiêu thụ hàng loạt”; chủ nghĩa hiện thực trương nở (hyperrealism)- một hệ thống sống vô bản sắc trong một thế giới nghiệt ngã và thô thiển; chủ nghĩa hiện thực chụp ảnh (photorealism) - con người bình thường xác thực trong một thế giới bình thường mang tính tư liệu xác thực; sonoristica - Narsiss qua tấm gương âm thanh (trò chơi âm sắc biểu hiện “cái tôi” của tác giả); phép điểm chấm âm nhạc (musical pointilism) - “mưa xuân nói với tôi: thế giới hợp thành từ những mảnh vỡ”; aleatorica - con người - đấu thủ trong một thế giới của những tình huống ngẫu nhiên; happyning - con người bị sai khiến, “tự do” tùy tiện vô chính phủ trong một thế giới hỗn loạn của những biến cố ngẫu nhiên; nghệ thuật tự hủy - cá nhân vô bản sắc trong một thế giới “hư vô”; soc - art - hệ vấn đề xã hội dưới ánh sáng của những giá trị hậu chủ nghĩa cộng sản; thuyết quan niệm (conceptualism) - con người bị tách khỏi giá trị văn hóa, sống giữa các sản phẩm được mỹ lệ hóa của hoạt động trí tuệ.

Theo I. P. Ilin, một trong những vấn đề mấu chốt của việc phân tích các tác phẩm của “chủ nghĩa hậu hiện đại” (và đây là điểm khác biệt cơ bản của nó với chủ nghĩa hiện đại ở dạng “cổ điển”, “thuần tuý”) là “sự xác định vai trò và ý nghĩa chức năng của giả chủ nghĩa hiện thực (pseudorealism) trong cấu trúc mỹ học chung của nó như một phương pháp nghệ thuật. Đồng thời vấn đề này không chỉ liên quan đến một số nhà hiện đại chủ nghĩa (hay hậu hiện đại chủ nghĩa), mà còn đến nhiều nhà văn hiện đại khuynh hướng về chủ nghĩa hiện thực” (tr. 345 - 346).

THỜI ĐẠI CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC

(con người đau khổ, bị tổn thất, nhưng vẫn đứng vững).

Thời kỳ chủ nghĩa hiện thực truyền thống: những sự tìm kiếm thiên chức lịch sử của con người và của loài người: chủ nghĩa hiện thực phê phán thế kỷ XIX - thế giới không hoàn thiện, lối thoát - sự tự hoàn thiện của cá nhân, thuyết giảng tình yêu “bằng lời thù nghịch của sự phủ nhận”; chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa - cá nhân mang tính tích cực xã hội và bị đưa vào sự sáng tạo lịch sử bằng những phương tiện cưỡng bách; chủ nghĩa hiện thực nông dân (“văn xuôi nông thôn”) - người nông dân như là người mang giữ đạo đức và là nền tảng của cuộc sống dân tộc.

Thời kỳ chủ nghĩa hiện thực hiện đại hóa (sự tìm kiếm những hy vọng mới): chủ nghĩa tân hiện thực (neorealism) - những hành vi mang tính người đơn giản của cá nhân tạo cho nó cuộc sống xứng đáng; chủ nghĩa hiện thực huyền ảo - con người sống trong một thực tại chứa đựng cả đương thời và lịch sử, cái siêu nhiên và cái tự nhiên, cái phi thường và cái bình thường (phần này được viết chung với O. Ovcharenko); chủ nghĩa hiện thực tâm lý - cá nhân mang trách nhiệm, văn hóa thúc đẩy tình huynh đệ giữa mọi người và giúp khắc phục thói tự kỷ trung tâm của họ; chủ nghĩa hiện thực trí tuệ - may mắn, tạo ra điều thiện, nhưng trạng thái thế giới không thúc đẩy hạnh phúc: có chăng những con đường thay đổi thế giới?

Thế kỷ XX diễn ra sự thay đổi nhanh chóng và sôi sục các khuynh hướng nghệ thuật. Quá trình văn học đã có sự gia tốc về chất. Văn học hăm hở đi tìm một quan niệm nghệ thuật có thể giải quyết được những vấn nạn của tồn tại con người trong thế giới hiện đại.

Do trong thế kỷ XX, Yu. Borev khái quát, “tính đa nghĩa của văn bản nghệ thuật tăng lên và ngữ nghĩa của tác phẩm nghệ thuật có biên độ rộng... nên lý luận văn học đã mở rộng sự tìm kiếm phương pháp luận phân tích tác phẩm, các công cụ và thủ pháp diễn giải. Gắn với điều này là sự ra đời của các phương pháp luận phân tích mới (cấu trúc luận, ký hiệu học, giải cấu trúc luận), sự hồi sinh của ngành thông diễn học (hermeneutica) và tu từ học (rhitorica) và sự chú ý mạnh đến chúng của khoa nghiên cứu văn học... Cái mới ở thế kỷ XX là những ý đồ tạo ra một phương pháp luận tích hợp bao chứa được kinh nghiệm, các thủ pháp, công cụ phân tích các mối quan hệ bên ngoài, quan hệ bên trong và quan hệ chức năng của tác phẩm nghệ thuật” (tr. 459-460).

NGÂN XUYÊN

dịch từ nguyên văn tiếng Nga

Referativny Jurnal, seria 7, Literaturovedenie,

2003 - 1, c.7-15.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529840

Hôm nay

29

Hôm qua

2297

Tuần này

29

Tháng này

216536

Tháng qua

0

Tất cả

114529840