Những góc nhìn Văn hoá

Xóm Khâm Thiên: Cái nôi văn nghệ của Hà Nội ba chục năm về trước

Tin tức của hãng thông tấn ngoại quốc loan đi vào một ngày tàn đông năm ngoái về vụ "không tập" ngoại ô Hà Nội đã làm cho tôi buồn ray rứt mấy đêm liền, tôi cố gợi nhớ ở trong trí óc những con đường thơm thơm ngày trước hàng đêm vẫn cùng các bạn đếm bước đi thong thả để trao đổi tâm sự với nhau.

Này là con đường Hàng Đẫy đi qua nhà Năm Diệm thì đến ngã tư Cầu Giấy, thẳng ra Tháp Vân thơm ngát mùi hoa sen ở đầm Linh Đường đưa lên. Đây, con đường ven Bách Thú, bên kia là Hồ Tây, ngào ngạt mùi hoa móng giồng, đi thẳng lên một chút nữa là con đường Quần Ngựa đi lên Bưởi, mỗi sáng chủ nhật lại có thịt bò thui chấm với tương gừng, ngon rất mực là ngon. Lại đây nữa, con đường Cửa Nam ra Sinh Từ, quá lên một tí nữa là Hàng Bột rồi đến Ngã Tư Sở; ấp Thái Hà mỗi tối vào lúc lên đèn lại vui như tết vì có biết bao nhiêu khách phong lưu đến đó thưởng thức cung đàn nhịp phách. Tôi không phải là một gã không cửa không nhà. Cũng có cha mẹ, anh em, cũng có gia đình để hẩm hút với nhau sớm tối, cũng có một người vợ cũ kỹ và mấy đứa con thơ dại để thương yêu, cố nhiên là nghe thấy "không tập" Hà Nội tôi đau đớn như bị banh da xé thịt; nhưng vì hơn một nửa cuộc đời tôi la cà ở ca lâu tửu quán, mải mê với gái đẹp, rượu ngon, cho nên nghe thấy "không tập" ở ngoại ô Hà Nội, điều mà tôi thương nhớ ngay sau khi nghĩ đến đất cát, cửa nhà, cha mẹ, anh em, bè bạn là mấy cái cửa ô có nhà hát cô đầu như ấp Thái Hà, Vạn Thái, Gia Quất, Khâm Thiên - nhất là Khâm Thiên bởi vì tin tức cho biết khu Trung Phụng, Khâm Thiên bị tàn phá đau đớn nhất.

Có ai đã ở miền Nam nước Việt khoảng ba chục năm về trước, hàng đêm nằm với các nhà báo nhà văn ở các tiệm hút đường Lefebvre đèn thắp sáng đêm như sao sa mới có thể quan niệm được những nhà hát cô đào ở Hà Nội đối với các nhà báo đất Bắc quan hệ thắm thiết như thế nào. Cứ nhắm mắt lại tưởng tượng chơi thôi cũng đã thích thú quá rồi, mấy anh em viết lách xong rồi, đi tà tà lên Hàng Buồm vào "phở Cháy" nhậu nhẹt ê hề rồi kêu mấy cái xe bỏ áo tơi cánh gà trực chỉ xóm "Kính Trời" tấn phát để thưởng thức vài khẩu trống trong khi ở bên ngoài lất phấn mưa bay, ù ù gió lạnh.

Chẳng biết những người ăn thuốc nằm bên những cái bàn đèn thích thú ra sao; riêng tôi thấy rằng cái nhà hát, đối với nhà văn nhà báo nó sống động hơn tiệm hút. Nằm cạnh bàn đèn, người viết văn viết báo nhắm mắt lại lơ mơ, thỉnh thoảng lại vùng dậy kéo một hơi lúc bồi tiêm đưa cái dọc tẩu kề vào miệng. Đi cô đầu, khác thế: người ta cười đùa, trò truyện vui nhộn hơn nhiều, mà lắm hôm lại tức cảnh tạo nên những câu mưỡu, bài hát nói hay những vần thơ bát cú hoặc lục bát hay đáo để.

Thực tình đến bây giờ cố moi trí nhớ, tôi chưa thấy có nhà văn nhà báo đất Bắc nào mà lại không ra vào nhà hát cô đầu. Tôi không thuộc vào lớp các cụ Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Đỗ Mục, Sơn Phong thưởng thức nhịp phách cung đàn ở phố Hàng Giấy, nhưng kể từ các ông Dương Phượng Dực, Sở Bảo Doãn Kế Thiện, Hoàng Tích Chu, Phùng Tất Đắc, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính rồi đến TchyA Đái Đức Tuấn, Ngym Trần Quang Trân. Song An Hoàng Ngọc Thạch, Á Nam Trần Tuấn Khải... thì tôi đã được "bám" nhiều lần ở Ngã Tư Sở, Khâm Thiên, Vạn Thái, Gia Lâm, Gia Quất, xóm Chùa Hưng Ký...

Bây giờ, nhớ lại những kỷ niệm đã mờ phai với thời gian. Tôi nghĩ rằng kỷ niệm đẹp nhất, nên thơ nhất đối với tôi trong cuộc đời "ăn tục nói láo" có lẽ là cái lúc tôi làm báo Tương lai, Công dân, Việt nữ, Vịt đực, Tiểu thuyết thứ bảy, Trung Bắc chủ nhật, Trung Việt tân văn...

Bây giờ hầu hết các bạn tôi hồi đó hoặc là đã mất, hoặc là ở xa: nhưng nghe thấy tin không tập ở Khâm Thiên, tự nhiên tôi lại nhớ lần lần từng vóc dáng, từng tác phong của các anh em văn bút đã từng sống với tôi trong những đêm hành lạc ở các lầu hồng Vạn Thái, Khâm Thiên mà chúng tôi có lúc đã gọi là "cái nôi văn nghệ" mà những người đào hát là những "người vú nuôi" của anh em. Người ghiền á phiện nghiện tiêm, không hút ở tiệm quen thuộc của mình thì không thể đã; đồ đệ Lưu Linh có cả một tủ rượu ở nhà nhưng dở ra uống không ngon, phải đến cái quán của mình, gặp bạn nhậu của mình thì uống mới thú thì người làm văn nghệ đa số mang cái tiếng hư thân mất nết cũng phải đến nhà hát, sống cái không khí đàn phách tì bà, cung bắc, xuyên tâm lạc nhạn mới cảm thấy sống thật, sống đầy đủ, sống cho bõ sống...

Quân bất kiến: Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai

Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.

Quân bất kiến: Cao đường minh kính bi bạch phát,

Triêu như thanh ty, mộ như tuyết.

Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,

Mạc sử kim tôn không đối nguyệt.

Tôi nhớ Đái Đức Tuấn mỗi khi bước vào nhà hát, cầm chai rượu lên tu, vẫn thường ngâm mấy câu đó oang oang cả xóm lên trước khi ngồi xuống sập để đùa rỡn với các em.

Biết chăng ai! sông Hoàng Hà ngọn nước tại lưng trời.

Tuôn đến bể khôn vời lại được.

Biết chăng nữa đài gương tóc bạc,

Sớm như tơ mà tối đã như sương

Nhân sinh khi đắc ý nên càng,

Khôn nỡ để chén vàng trơ dưới nguyệt(1)

Khâm Thiên, Vạn Thái, Gia Quất, Gia Lâm, những xóm ăn chơi lung linh như mùa xuân xanh có tiếng nhạc hát lên những khúc diễm tình bát ngát bây giờ nằm im lìm trong đổ vỡ, có lúc nào còn nhớ đến những đêm huyền thoại có đủ các nhà văn nghệ đã chết và còn sống hội họp nhau uống rượu, ngâm thơ đánh một khẩu trống để thưởng một câu văn hay, một tiếng đàn khéo bấm hay một giọng ca buông bắt tình thật là tình.

Ờ, hát ở Khâm Thiên thì nhất. Bây giờ ngồi mà so sánh những nơi hành lạc của Nhật ở trên đỉnh núi đẹp thì đẹp thật nhưng chắc gì đã hơn được Vạn Thái, Khâm Thiên. Đi ngoài đường, chỉ nghe thấy tiếng đàn đáy dạo "xanh... sung xanh, chín chùm sung xanh" anh đã thấy mê rồi. Anh bước vào, thấy các em ra đón chào niềm nở thế là người ấm hẳn lên, anh cảm thấy máu trong anh chảy mạnh và anh yêu đời quá. Lúc ấy ai cũng muốn làm thi sĩ để viết nên những bài thơ ca ngợi rượu như Lý Bạch, đề cao gái đẹp như Bạch Cư Dị, hay ca ngợi cái thứ "nhập thiên thai" như Tào Đường.

Không. Chính là tôi rất thực khi nói rằng một người không văn nghệ mà sống trong không khí ở Khâm Thiên dần dần cũng hóa thành ra văn nghệ sĩ lúc nào không biết. Nói chi đến các văn nghệ sĩ chính cống đến đấy thì thiếu chi cảm hứng, thiếu chi đề tài, thiếu chi không khí. Phùng Bảo Thạch, Vũ Đình Chí, Lưu Văn Phụng, Hy Sinh, Vũ Liên, Nguyễn Triệu Luật, Ngô Tất Tố, lúc làm Việt nữ, Công dân, Vịt đực mỗi khi bàn nhau về nội dung số báo ra kỳ tới vẫn thường hội ý và kẻ ma két ở nhà hát vào đêm khuya trong lúc im ắng tiếng đàn giọng hát. Nhưng cũng có những anh em khác mặc cho người khác phá, mặc cho các em nó cười, ra ngồi một chỗ để viết để kịp mai sớm đưa bài cho nhà báo. Đó là trường hợp Vũ Trọng Phụng cần kiếm tiền để sống nhưng đi hát với anh em cũng thú, cứ đi hát nhưng cứ viết bài sẵn để sáng hôm sau kịp đưa về xếp chữ. Một vài đoạn trong chuyện Giông tố đã được trước tác trong trường hợp đó.

Đi hát với Lê Tràng Kiều, Anh Độ, Nguyễn Văn Niêm, tôi không thấy Lưu Trọng Lư viết bao giờ ở nhà hát cô đầu, nhưng anh thích nằm khoèo ở bên cạnh bàn đèn để nghĩ... Dăm thì mười họa, Ngô Tất Tố mới phải viết vội một bài Nói hay đừng ký là Ngô Công. Riêng Nguyễn Tuân cẩn thận trong việc viết lách hơn không nghĩ gì đến văn thơ hết. Tôi nhớ không biết chừng nào những đêm đông lạnh Tuân, Phụng, Mai Lĩnh và tôi cứ tối tối đến cô đầu lại bưng mỗi một anh "chai bố" Văn Điển ngồi mỗi anh một góc nhà, nhìn nhau, tu cho kỳ hết thì thôi, mà cấm không được nhắm một ly ông cụ, dù là một củ lạc hay một miếng thịt gà. Trong khi đó Vũ Liêm nghe lẩy Kiều hoặc Tỳ bà, Nguyễn Triệu Luật ra ban công tán phó mát với "em", còn Dương Tự Giáp, Phùng Bảo Thạch, Nguyễn Đăng Đệ thì phá không chịu nổi: Mấy ông này bịa chuyện dựng đứng lên để chọc hết người này đến người kia. Chúng tôi làm báo Vịt đực, tờ báo trào phúng đầu tiên ở Việt Nam ở trong bầu không khí đó.

Nguyên ở nhà hát, chọc anh em hết chuyện rồi chúng ta bèn nghĩ cách chọc những người khác ở ngoài xã hội.

Sau khi đã tìm được chủ đề cho một số rồi chúng tôi họp viết những gì, viết ra sao, rồi, người thì vừa hát vừa nghĩ người thì vừa uống vừa bàn chúng tôi cố tìm ra những ý kiến gì để viết ra cho thật đều làm cho người ta thật tức...

Tòa soạn lúc đó ở những con đường Nhà thương Phủ Doãn nhưng thật tình chỉ có một anh quản lý và một người tùy phái ở đây thường trực mà thôi. Còn bao nhiêu nhân viên tòa soạn thiết lập đại bản doanh ở Khâm Thiên, Vạn Thái... Đại bản doanh lưu động, nay ở nhà này mai ở nhà khác. Chúng tôi viết bài, sửa bài ở nhà hát rồi gói tròn cả lại để vào một chỗ nhất định. Sáng người tùy phái đạp xe cọc cà, cọc cạch xuống lấy bài, đêm về cho nhà in xếp chữ. Mỗi tuần lễ một lần, tôi lại hạ san từ xóm về nhà in để "mi" và vét tiền két chi nhà hát.

Báo Vịt đực bị chính phủ kiện hai phen nhưng thực ra không chết vì lẽ đó mà chết vì không có tiền - mà thực ra báo đứng vào hàng chạy nhất lúc bấy giờ.

Về sau này Vịt đực chết tôi sang Tiểu thuyết thứ bảy, Trung bắc chủ nhật và làm thêm Phổ thông, Truyền bá. Những tờ báo này tương đối đứng đắn hơn, nhưng cái duyên nợ của anh em với các xóm cô đầu như Khâm Thiên vẫn không vì thế mà cắt đứt. Mê hát nhất là hai anh Nguyễn Dân Giám (tác giả Dưới rặng thông) và Nguyễn Văn Tiến (nguyên chủ nhiệm báo Travail). Ở Pháp về hai anh này thích giăng dện các em không lưu ý mấy tới tiếng đàn, nhịp phách, Nguyễn Trẩm Giư thích phiện; Thâm Tâm, Trần Huyền Trân thích rượu; Thanh Châu ưa kể lại và thảo luận những cuốn sách bài văn ngoại quốc mình đã đọc cho mọi người nghe, Trúc Khê nói đi nói lại về Đoàn Thị Điểm mà không biết chán, Nam Cao không nói gì, chỉ cười ruồi.

Về phía Trung bắc chủ nhật, Phan Trần Chúc sống ở ngoài xã hội thế nào thì đi hát cũng như thế: "Ehbé, comment-t'allezvous?". Hồng Lam Hồ Khắc Tráng đi hát để viết bài cho báo (vì hôm sau anh còn bận làm áp phe). Sở Bảo Doãn Kế Thiện nói chuyện xướng họa thơ với sư nữ và đọc những bài thơ ấy cho mọi người nghe, đến chỗ nào có ẩn ý thì cười khắc khắc mà mắt thì tít lại; Huyền Hà Nguyễn Lan Hòa (người đầu tiên dịch Somerset Maugham, Stefan Zueig và Pearl Buck) thì gạ anh em đánh sì. Đào Trinh Nhất nằm hút và lẩm nhẩm nói một mình về Vương Dương Minh; Nguyễn Huyền Tĩnh gạt các em ra một xó, lấy bút giấy vẽ chiến hạm để cho Nguyễn Doãn Vượng cho vào túi, đem về làm bản kẽm, in luôn vào ba số Trung bắc chủ nhật chủ đề là Hải quân. Tương đối Nguyễn Giang ít đi hát với anh em nhưng nói trộm vong hồn anh, Giang mà đi hát thì anh em đều khổ vì anh bắt mọi người phải nghe anh giải thích về thơ về họa - mà giải thích một cách kỳ lạ là không thể làm cho ai hiểu nổi. Ngô Tất Tố đặt cho Giang cái sước hiệu Đồ gàn, trong khi đó thì Lãng Nhân, Đái Đức Tuấn, Nguyễn Đình Thấu (báo Duy tân) kêu Ngô tiên sinh là Đồ Tố.

Ới anh Đồ Tố ơi, con mắt anh không sáng mà cũng không nhèm.

Suốt đời anh không biết ăn kem Bờ Hồ

Khâm Thiên, Vạn Thái... quả là cái lò đúc ra văn nghệ sĩ. Tôi nhớ lại thì những câu thơ hay là những thành ngữ những sước hiệu của các văn thi sĩ cận đại còn được truyền đến bây giờ một phần lớn, xuất phát từ nhà hát cô đầu trong những lúc rượu say phiện đã. Những chuyện lỡm Ngô Tất Tố ăn cơm tây gọi món "encore"(1), những vụ nhạo báng "T.T.T.N" và "phong trào vui vẻ trẻ trung" của Phong hóa, Ngày nay, cũng như các sước hiệu gán cho các văn nhân thi sĩ hồi bấy giờ như kêu Nguyễn Đăng Đệ là Phó Cùm, Nguyễn Triệu Luật là Phó Cối, Nguyễn Tuân là Tuân mũi to, Hồng Khê là Kề Hông, Trần Kim Dần là Ba Đen, Nguyễn Kim Hoàn là Việt Nam vong quốc sử, Ngô Tất Tố là Đồ Tố, Đặng Đức Tô là Tú Giai, Dương Tự Giáp là Mười Voi... bây giờ ngồi nhớ lại thì đều "chế tạo" từ các nhà hát ở Khâm Thiên. Bài dịch Tương tiến tửu của TchyA mà có người cho là hay hơn cả của Tản Đà cũng như các bài nhái bài hịch của Đức Trần Hưng Đạo, cùng đoạn đầu truyện Con voi già của vua Hàm Nghi của Lưu Trọng Lư đều bắt đầu viết ở nhà hát cô đầu trong những cơn cao hứng.

Theo trí nhớ của tôi Thâm Tâm, Trần Huyền Trân không vẫy bút nên thơ ở nhà hát, nhưng lúc hứng hai anh này thường ngâm thơ oang oáng cả nhà hát lên, còn Tuân thì thích hát bài Trấn thủ lưu đồn và đọc bài Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du nghe rợn cả tóc gáy lên, đã thế Tuân lại chơi cái trò ác bắt tắt hết cả đèn cả đóm làm cho các em sợ chết cha chết mẹ.

Nhớ lại tất cả những chuyện xa xưa đó, tôi thương Khâm Thiên không biết ngần nào và có lúc đã nghĩ: "Thôi thế là hết, muôn đời ngàn kiếp không còn bao giờ được thấy Khâm Thiên ngày trước nữa".

Phải rồi, còn bao giờ được thấy ba bốn hôm gần tết thức sáng đêm với Nguyễn Công Hoan và Lê Văn Trương, ba đứa bàn nhau viết chung một tiểu thuyết tràng thiên để đăng báo Nhật tân của Đỗ Văn, rồi đến hai mươi ba là ngày ông Táo chầu Trời thì Nguyễn Công Hoan phải về Nam Định, đưa tiễn nhau một bữa cháo gà ở nhà chị Sâm Tóc Quăn, để rồi đến lúc chia tay Hoan Quác mắt vểnh râu ra nói: "Thôi, chúng mày chết cả đi cho rảnh, để tao đỡ nhớ".

Dù là nhà văn nhà báo sa đâu là nhà, ngã đâu là giường, cứ Tết ai cũng phải tạt về với gia đình một chút. Nguyễn Công Hoan phải về Nam Định, Nguyễn Tuân, Thanh Châu về Thanh, Ngô Tất Tố, Nguyễn Triệu Luật về Bắc Ninh... nhưng các anh em ở Hà Nội, Hà Đông, hay ngoại ô thì có khi đến ba mươi tết vẫn còn "phùng trường tác hí" ở Khâm Thiên, Vạn Thái.

Nhớ không biết bao nhiêu, buồn không biết chừng nào mỗi khi sực nghĩ đến những ngày gần tết ở Hà Nội ba bốn chục năm về trước.

Từ hai mươi ba tháng Chạp là ngày lãnh lương tất niên cho đến lúc giao thừa, không có một anh em văn sĩ nào ở yên trong nhà, Nguyễn Tư Luyện tức Tử Luyện, thư ký báo Trung bắc chủ nhật cùng tôi đi suốt ngày lên Nghi Tàm, Trung Phụng, Trại Hàng Hoa, Vạn Phúc để mua cây thế về trồng hay tìm một cái tượng cổ để về trưng trên bàn. Ngọc Giao thích trồng cây loại thường, Thanh Châu ưa hoa lay giơn trứng, nhưng Trần Huyền Trân, Dân Giám, Thâm Tâm thì chỉ thích rượu thôi, và mặc dầu tửu lượng của họ cũng soàng, nhưng lại cứ thích tìm cái thứ rượu sen Tây Hồ thật nặng để uống mà không phải một chốc một lát đâu, nhưng uống cả ngày cả đêm, uống không để cho tỉnh vì sợ tỉnh rượu thì buồn không chỗ nói.

Ấy là vì cái kiếp của con nhà văn bút hình như từ ngàn xưa đã được quyết định thế rồi, không sai được:

Sinh ngã bất đắc lực,

Chung thân lưỡng toan tê.

Nhân sinh vô gia biệt,

Hà dĩ vi chưng lê?(1)

Sinh tôi thật vô ích,

Suốt đời chịu khổ đau,

Không nhà mà ly biệt.

Lấy gì nấu canh rau?(1).

Bây giờ tôi còn nhớ những bữa rượu tất niên ở nhà bà Đốc, ở nhà chị Bốn, chị Năm, vui thì có vui thật, nhưng không phải vì thế mà anh em không buồn tê tê trong lòng. Là vì muốn say thật ghê gớm mà có lúc không có cách gì uống để cho say được. Thâm Tâm quăng chén rượu ra giường ôm mặt khóc, không phải vì thơ nhưng khóc cho thân thế đầu năm chí tối viết như con trâu kéo cầy mà tết đến không đủ tiền đem về cho mẹ và các em trả nợ; nào có khác gì thân phận người con hát đàn ôm tỳ bà dạo mấy khúc cho nhà thơ bị biếm ở Tầm Dương:

Cùng một lứa bên trời lận đận.

Gập gỡ nhau, lọ sẵn quen nhau,

Từ xa kinh khuyết bấy lâu,

Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai.

Chốn cùng tịch lấy ai vui thích,

Tai chẳng nghe đàn địch cả năm.

Sông Bồn gần chốn cát lầm,

Lau vàng trúc võ nảy mầm quanh hiên.

Dân Giám chui xuống gầm giường nhà hát ngáy kho kho; Nguyễn Tuân trèo lên mái nhà dơ hai tay đi đi lại lại như một anh hát xiếc leo giây kẽm; Lê Văn Trương chửi đời và dọa bắn chết hết "những thằng trưởng giả" như lúc ở đất Miên anh bắt con "pạc pàng sồ"; Trần Huyền Trân độc tấu kịch Lên đường của Hoàng Cầm. Còn kịch sĩ Trương Đình Thi thì lau xong cặp mắt kèm nhèm ngồi xếp tè he ở trên giường, bảo kép đánh đàn, hát như một cô đầu chính cống bài Lưu biệt của Huỳnh Thúc Kháng:

... Ư bách niên trung, tu hữu ngã

Dầu đến lúc núi sập, biển lồi, trời nghiêng, đất ngả.

Tấm lòng vàng tạc đá vẫn chưa mòn,

Trăng kia khuyết đó lại tròn...

Phải rồi những đêm thức trắng cho tới sáng ở Khâm Thiên, bây giờ còn đâu nữa? Chiến tranh đã làm tan nát Khâm Thiên rồi, còn đâu là cái lò văn nghệ của Hà Nội ba chục năm về trước? Còn đâu những dấu vết xa xưa? Hay là chỉ còn "mưa dầu, nắng dãi với trăng soi" như Tản Đà đã viết trong bài Đánh bạc?

Trộm nghe thấy đồn rằng Mỹ bỏ ra tới bốn năm tỉ đô la để tái thiết Bắc Việt sau ngót hai chục năm khói lửa. Có một lúc mình lại bật cười với chính mình, tôi định làm một kiến nghị gửi cho cho cơ quan có thẩm quyền thiết hành sách lược tái thiết nói trên để yêu cầu kiến thiết lại đúng như ngày trước, cái nôi văn nghệ của Hà Nội ba chục năm về trước, tức là xóm Khâm Thiên để cho các văn nghệ sĩ ra vào, đi lại, tưởng nhớ đến những bóng hình ngày trước, kiểu các người văn minh thật sự bảo tồn cổ tích, giữ gìn từng viên gạch, từng cái tường vôi lở của một danh lam lịch sử.

Nhưng mà nghĩ đùa như thế mà thôi, chớ thật ra, nói bốn tỉ làm gì, đến bốn mươi hay bốn trăm tỉ cũng chẳng có cách gì làm sống lại được xóm Khâm Thiên ngày trước và gây lại được cái không khí văn nghệ bàng bạc trong cung đàn, tiếng phách, trong khoé mắt, nụ cười, trong giọng hát buông lơi của các em Đào, Hoa, Thu, Cúc đã đem tình thương yêu và tiếng hát ý nhị đậm đà ra bú mớm, cho các văn nghệ sĩ, thay vì sữa...

Sài Gòn, tháng 2 năm Quý Sửu (Văn học, số ra ngày 15 – 4 – 1973)

Nguồn: Ca trù nhìn từ nhiều phía, Nguyễn Đức Mậu tuyển chọn, giới thiệu, Nxb Văn hóa thông tin, H. 2003

 


(*) Vũ Bằng (1913-1984) quê Hà Nội, tác giả Miếng ngon Hà Nội, Thương nhớ mười hai.

(1) Người chép lại bản dịch bài "Tương tiến tửu" không nhớ dịch giả là ai. Xin các bạn đọc nào biết rõ chỉ giùm, Vạn tạ.

(1) Xin đọc kỹ những giai thoại này trong sách Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng do Nam Chi Tùng thư xuất bản.

(1) Trần Trọng San dịch.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529875

Hôm nay

244

Hôm qua

2297

Tuần này

244

Tháng này

216571

Tháng qua

0

Tất cả

114529875