Những góc nhìn Văn hoá

Một chặng lịch sử của tầng lớp kẻ sĩ đất Thăng Long

 Một công trình nghiên cứu nghiêm túc, toàn diện về đội ngũ trí thức trên đất Thăng Long - Hà Nội từ xưa đến nay vẫn hãy còn là một công việc của tương lai.

Bài viết này tập trung sự chú ý chỉ vào một “chặng đường lịch sử” của sự ra đời và phát triển của đội ngũ đó. Cũng chỉ vì mới tìm hiểu và mô tả “một chặng đường lịch sử”, nên bài viết cũng chỉ mong đem lại cho độc giả một số nhận xét và lưu ý ban đầu về một đối tượng phức tạp, tạm gọi là “kẻ sĩ đất kinh kỳ”. Hãy cứ chọn mốc khởi đầu từ năm 1010, năm Thái Tổ Công Uẩn triều Lý chính thức định đô “trên mảnh đất này”, để thực hiện một thao tác mô tả song hành và quy chiếu hô ứng - giữa “đất và người”.

1.      Vài lời về đất và người Thăng Long từ “cái thuở ban đầu”

Vốn là phủ trị An Nam đô hộ phủ (622) Trấn Nam đô hộ phủ (758) rồi lại trở về tên gọi An Nam đô hộ phủ (768) nội thuộc Đường, sau hai lần quy hoạch và xây đắp (lần đầu bởi Giao Châu thái thú Khâu Hòa - năm 618, lần thứ hai bởi Kinh lược sứ Trương Bá Nghi - năm 767) La Thành vẫn chỉ là một khu thành nhỏ bé, “neo đậu” giữa một vùng bình nguyên trũng thấp đang thành tạo. Sau khi hàng phục được Phùng An (con trai Phùng Hưng), vào những năm cuối thế kỷ thứ VIII, Triệu Xương tiếp tục công việc mở rộng và đắp cao thêm tòa thành cũ. Tiếp theo, vào những năm 803, 808, thành Đại La tiếp tục được tu bổ. Đến năm 824, năm Trường Khánh thứ tư đời Đường Mục tông Lý Nguyên Gia lại “xê dịch vị trí” của Đại La để tránh dòng nước ngược chảy trong thành, nhưng cũng chỉ đắp được tòa thành “khiêm tốn”. Tương truyền, có người thầy tướng đã báo trước cho ông này, rằng phải 50 năm sau, có người “cao số” hơn đến trị nhậm ở đây, thành lớn mới đắp xong được. Và người đó, trên thực tế lịch sử, chính là Cao Biền, đắp nên thành Đại La “hoành tráng” vào năm 866.

Tuy nói là “hoành tráng”, La Thành của “Cao Vương” vẫn chỉ mang tính chất một tòa thành quân sự, diện tích tự nhiên quá lắm chỉ bằng diện tích của vài tổng lớn mà chưa tới một huyện nhỏ. Trải qua gần một thế kỷ rưỡi thương hải tang điền, phần lớn thời gian ấy La Thành bị “bỏ rơi”, tới tận Lý Công Uẩn tòa thành này mới được “chính danh định phận” để trở thành kinh đô của quốc gia Đại Việt, xứ sở đang tiến tới địa vị một vương quốc hùng mạnh.

Khi đã là kinh đô, ngoài phạm vi của La Thành cũ, Thăng Long dĩ nhiên được mở rộng địa giới và bổ sung diện tích. Dư địa chí (do Nguyễn Trãi soạn dưới thời Lê Thái Tông) chép rằng : “Thượng kinh là kinh đô vua. …Thời Đường đô hộ là Cao Vương đắp thành Đại La ở đấy. Từ đời Lý đến nay, cũng đóng đô ở đấy. Có 1 phủ lộ, 2 thuộc huyện, 36 phường”. Lời cẩn án ghi thêm: “Phủ là Phụng Thiên, 2 huyện là Thọ Xương (xưa gọi là Vĩnh Xương) và Quảng Đức, mỗi huyện đều có 18 phường[1]. Có thể nhận định mà không xa sự thật rằng “2 thuộc huyện” tức là hai huyện gắn liền với kinh thành, làm nên “khu đô thị” đầu tiên trong lịch sử quốc gia, bởi các “thuộc huyện” này chỉ gồm các “phường” mà không phải là các xã hay tổng - những đơn vị hành chính dưới huyện ở nông thôn trong cả nước. Các “phường” có vai trò như các “nations”, là các “file nén” của các làng nghề chủ yếu từ bốn nội trấn dồn tới, làm nên hệ thống cung ứng dịch vụ đồng bộ cho kinh thành nói riêng và cho mọi hoạt động nhà nước nói chung. Cũng nên nói thêm rằng chính với lịch sử hình thành như vậy mà dân ở hai “thuộc huyện” này đích thị là dân “tứ chiếng” (cách “đọc trại” của “tứ trấn”). Cấu trúc và thành phần của cư dân ở đó “không bình thường”. Chỉ đội ngũ “công tượng”, tức thợ thủ công, không đông, được triều đình trưng dụng, hưởng “lương nhà nước” và được biên chế vào các cục, sảnh, ty …để thực hiện các công trình mang tính quốc gia hoặc công cộng, là được triều đình bố trí nơi cư trú cho bản thân và gia đình, còn tất cả những “thợ nghề” nhất là những người sản xuất những sản phẩm nhật dụng khác, về sau cả đội ngũ thương nhân phát sinh theo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của các “phường nghề” này, tuy đối với sinh tồn xã hội là rất quan trọng, thì chỉ được triều đình “thu xếp chung” cho những khu vực nào đó, vừa để sống, lao động, vừa làm xưởng, vừa làm kho, rồi làm luôn cả cửa hàng, cửa hiệu. Những “phó cả” ấy, đem theo lên kinh “kẻ ăn người làm”, tuy lác đác cũng có thể thành hộ gia đình, nhưng tổ chức đời sống ở kinh thành khá tạm bợ. Một lý do khác của tình trạng lâm thời trên bình diện cư trú kéo dài là bởi tất cả họ đều cảm nhận nơi đây không thật thoải mái tiện nghi, do chỗ nhanh chóng diễn ra tình trạng “đất chật người đông”, “tấc đất tấc vàng”, nhất là “đất mặt tiền”. Suốt cả một thời gian dài, thậm chí kinh qua nhiều thế hệ, mối liên hệ giữa những người “thượng kinh” này với quê hương bản quán vẫn là mối liên hệ trực tiếp. Trong ý thức của người làng và tự thân, họ vẫn chỉ coi mình là những “đứa con của quê hương đi làm ăn xa”, chứ không tự coi mình là dân kinh thành“ thứ thiệt”. Còn “phủ trực thuộc”, với danh xưng “Phụng Thiên”, hay về sau, có thời còn gọi “Ứng Thiên”, có chức năng chính là “cung phụng” hay “cung ứng” sản phẩm - quan trọng nhất là sản phẩm nông nghiệp - nhằm thỏa mãn nhu cầu sản vật nông nghiệp, kể cả những món “quà quê” cho Hoàng cung và cho hai “thuộc huyện” chỉ gồm toàn “dân phố phường”[2]. Tuy được “phiên chế” vào đất kinh kỳ, song phủ Phụng Thiên trên thực tế cũng không có nhiều nét khu biệt nào lớn so với các phủ, huyện “nhà quê” khác. Với người quan sát khách quan ở mọi thời, Thăng Long - “Tràng An” - Hà Nội ngoài Hoàng thành ra chỉ thực sự thêm “ba mươi sáu phố phường” nữa mà thôi, là vì thế. Dần dà, nhất là tới thời “phi quân chủ hóa”, phần thêm vào này lại trở thành “ gốc gác”. Điều đó tưởng như nghịch lý mà lại không có gì khó hiểu: theo truyền thống nhập tịch của dân ngụ cư trong làng xã ngày trước, thế hệ thứ ba trong một gia đình đã định cư ở một nơi nào đó cụ thể mới được mặc nhiên coi nơi ấy là quê hương.
Không phải là đến lúc đó thì ở Thăng Long không còn nông dân, hoặc không còn dân “bản thổ”, nhưng chắc chắn về số lượng họ không còn làm nên “đa số áp đảo” thành phần cư dân mà về đời sống họ cũng bị cuốn theo “đời sống lớn” của chốn kinh kỳ. Những làng, những xóm còn bảo lưu được dạng thức cũ là rất hiếm hoi. Những “khoảnh” đất ấy sẽ trở thành “thực ấp” của ai đó trong số các thân vương, đại thần. (Rất tiếc, với bộ phận làng xóm giữa kinh thành này cho tới nay không có được nhiều công trình nghiên cứu nổi bật).
 
 2.      Sự xuất hiện khó khăn:
 
Tầng lớp trí thức của đất nước ở các thời kỳ lịch sử khác nhau có diện mạo và thuộc tính không như nhau. Nhắc lại rằng, kể từ thời điểm Ngô Vương Quyền vãn hồi lại nền độc lập (938) cho tới nửa sau thế kỷ XIII, nhà sư là hình ảnh nổi bật nhất, chiếm số lượng đông đảo nhất trong đội ngũ ấy. Nhưng trí thức Phật giáo, do bản chất giáo lý, là loại hiện tượng cá biệt hóa cao độ, theo cả hai góc nhìn. Một, mối quan tâm hàng đầu của những người trí thức tu hành, dù sao mặc lòng, vẫn được định hướng mạnh mẽ về phía tìm kiếm “những chân lý và giải pháp tối hậu”, nghĩa là hướng ra ngoài, hướng lên trên đời sống thường nhật, thế tục. Đắc đạo, giác ngộ trước hết là những mối quan tâm, những phạm trù thuộc về tâm linh và thuộc cá nhân. Hai, sự “truyền đăng”, hình thức tiêu biểu của di truyền xã hội về nhận thức và tu tập trong Phật giáo, không thể coi là tương đương, không thay thế được cho sự truyền thừa của các thế hệ trí thức theo con đường huyết thống, gia tộc hướng tới sự khu biệt với phần còn lại của cộng đồng. Dựa vào Phật giáo, và nói chung dựa vào giáo hội của những tôn giáo xuất thế, quốc gia không hình thành và sở hữu được một đội ngũ trí thức thực thụ theo đúng nghĩa, là vì thế.
Tuy vào những thời điểm khác nhau giữa những “khuôn mặt lớn” của các vương triều cũng đã hằn lên hình bóng của các môn đồ cửa Khổng, tỷ như nhóm Nguyễn Bặc - Đinh Điền sống và thác theo nguyên lý trung quân, Thái sư Hồng Hiến thời Lê Đại Hành, Chi nội hậu nhân (sau này lên chức tận Thái sư Á vương) Đào Cam Mộc trong hàng nguyên huân công thần triều Lý, mấy vị hiền thần Tô Hiến Thành, Lý Đạo Thành và cả vị hiền tướng Lý Thường Kiệt nữa, rồi từ năm 1070 đã thiết định Văn Miếu, từ năm 1075 triều đình đã có khoa thi Minh kinh bác học đầu tiên, nhưng nhìn trên tổng thể, ngọn triều Nho học mãi tới tận Vãn Trần mới được dâng lên, cụ thể hơn, mãi tới thời điểm sau vầng hào quang chiến trận ba lần chống xâm lược Nguyên Mông thành công, yên tâm được về cảnh thái bình nhưng chưa chắc chắn có nền thịnh trị, các đấng quốc chủ mới “bật đèn xanh” cho đội quân Thi Thư Lễ Nghĩa tiến triều, tiếp cận ngai vàng. Khác với Phật giáo đã hàng thiên niên kỷ “bàng bạc chu lưu” rồi gần như mặc nhiên được coi là quốc giáo suốt năm triều đại đầu của kỷ nguyên độc lập, đã kịp thấm sâu vào não trạng người đời, Nho giáo tới tận nửa sau thế kỷ XIII vẫn chỉ là chuyện của/ giữa triều đình trung ương với các cá thể “thư sinh mặt trắng”. Nhà chùa, từ thuở Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam, đã được xây dựng cơ hồ ở khắp mọi nơi vùng miền trong nước, nhất là ở đồng bằng. Nhưng tầng lớp nhà nho, nhất là để thành hiển nho, ở vào thời Lý - Trần thì cứ phải “loanh quanh đâu đấy” không quá xa kinh đô, mới mong được học thành tài, mới khiến cho vua biết mặt chúa biết tên. Cho mãi tới năm 1281, lần đầu tiên triều đình mới đưa quốc học ra ngoài phạm vi kinh thành, mà cũng chỉ mới Thiên Trường, nơi phát tích của vương triều Trần, trở thành phủ đầu tiên và duy nhất trong một thời gian khá dài ngoài kinh đô được hưởng ân huệ ấy[3]. Hồ Quý Ly vào hai thập niên cuối thế kỷ XIV trên cương vị Tể tướng đã đẩy mạnh việc “phủ lộ hóa” Nho học, rồi chính trong thời Minh thuộc mà công việc này mới có thể coi là được thực hiện một cách “căn bản”.
Giới tu hành nói chung, tăng lữ Phật giáo nói riêng không phải là “tầng lớp trí thức” theo đúng nghĩa thông dụng của khái niệm, mặc dù cả một thời gian lịch sử lâu dài thời cổ - trung đại họ đã đóng vai trò của tầng lớp ấy. Do tính chất tôn giáo mờ nhạt, Nho giáo tỏ ra là một học thuyết mang tính nhập thế, cứu thế đậm nét hơn cả trong Tam giáo, và tín đồ của học thuyết này, vì thế, cũng bộc lộ chức năng “cung cấp tri thức cho xã hội, cho đời sống thế tục” một cách đa dạng hơn so với tín đồ của các “giáo” khác. Sự lựa chọn Nho giáo làm học thuyết tổ chức, cai trị xã hội, làm nền học vấn và giáo dục chủ đạo, làm hệ tư tưởng chính thống lần lượt diễn ra trong cả khu vực Đông Á trong đó có Việt Nam, xét cho cùng chủ yếu vì lý do đó.
Các sử quan nhà nho ghi nhận rằng vào đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XIV đội ngũ nhà nho đã hiện diện đông đảo, nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong triều đình: “Bấy giờ, quan trong triều như bọn Trần Thì Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Đỗ Thiên Hư, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Dũ, Phạm Mại, Phạm Ngộ, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Lê Duy, Trương Hán Siêu, Lê Cư Nhân …nối nhau vào triều, nhân tài rộ nở”[4]. Vậy mà cho đến hết đời Trần, rất khó để chỉ ra một hiển tộc nào mà thành viên chủ yếu là các nhà nho. Nhìn cho kỹ, có thể nhận thấy phần đông trong số những “danh nho” được kể ra ở trên và cả rất nhiều vị “hữu danh” khác nữa vốn là “gia thần”, “tân khách” của các vương hầu quý tộc. Cho tới thời điểm cuối thế kỷ XIV, nhà nho vẫn chỉ được coi là thuộc tầng lớp bình dân. Xét cung cách và tìm hiểu nguyên nhân việc “tặng thẻ đỏ” của triều đình đối với Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Hán Anh thì cũng rõ khoảng cách “chưa thể lấp đầy” giữa tầng lớp quý tộc với các tầng lớp cư dân khác còn lại.
Cho tới cuối triều Trần, hầu như mọi nhà nho - ông quan đều chỉ có “một chặng trong đời” gắn với kinh đô về mặt cư trú, gắn với triều đình về mặt công việc. Hầu như tất cả những người may mắn sống được tới tuổi già đều cáo lão về quê, cũng tức về với “gia đình lớn”.
Dĩ nhiên, kinh thành, dù với quy chế đặc biệt, cũng được tính là một đơn vị hành chính, ít nhất là ngang tầm với cấp lớn nhất, dĩ nhiên là dưới “cấp nhà nước”. Các sử gia cho hay, đời Trần, “Người đứng đầu bộ máy cai trị Thăng Long là Đại An phủ sứ hay gọi là Kinh sư An phủ sứ do triều đình trực tiếp bổ nhiệm, dưới có các chức thông phán, phán thủ…Ngoài ra, Thăng Long còn có cơ quan tòa án xét xử riêng là ti bình bạc”.[5] Nhưng trong định hướng chủ đề tìm hiểu ở đây, điều cần lưu ý là chúng tôi không tìm thấy sử liệu khẳng định rằng trong thời gian là kinh đô, ở Thăng Long có tồn tại một thiết chế chuyên trách việc giáo dục và đào tạo, điều mà qua hàng nghìn năm, dù bộ máy chính quyền các cấp ngày trước khá đơn giản, vẫn luôn luôn tồn tại, nhất là ở cấp phủ, lộ.
Từ thế kỷ XV trở đi Nho giáo được xã hội hóa mạnh mẽ và trong hầu hết những hoạt động sáng tạo tinh thần, nhà nho là nhân vật “độc diễn”. Không phải là bộ phận mang tri thức và văn hóa “phi Nho” không có những hoạt động đề kháng, thậm chí có những thời điểm xảy ra những bi kịch, những xung đột lưu huyết, nhưng trên toàn cảnh, thế kỷ XV ở Việt Nam là thế kỷ “đang lên”, tiến tới chỗ là thế kỷ “đăng cực” của học thuyết này. Từ đây cho tới thời điểm có sự đụng độ Đông - Tây và xuất hiện “Tây học” (cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX), nhà nho hoàn toàn thao túng đời sống tinh thần xã hội, nền giáo dục và học vấn Nho gia làm nên những thuộc tính chủ yếu của nền giáo dục và học vấn quốc gia.
Trên thực tế, nhìn vào sử liệu còn lại cho tới nay, từ nửa sau thế kỷ XIV cho tới tận đầu thế kỷ XVII rất hiếm những tên tuổi của các danh tăng hay các đạo sĩ được thừa nhận và ghi chép lại. Trong khi đó, ngoài các vùng “văn vật” từ “buổi quốc sơ” theo tiêu chí “Nho phong” đã hình thành và được nối dài, tô đậm, những vùng văn vật mới ở các “ngoại trấn” cũng từng bước xuất hiện và khá nhanh chóng tạo được “thanh danh” của mình.
Có thể nói cho đến hết thời Lê sơ, trên đất Thăng Long đã hiện hữu một triều đình của một quốc gia hùng mạnh, được xây dựng trên tinh thần chuyên chế tập quyền quan liêu theo lý thuyết Nho giáo.Trong triều đình ấy, có đủ đầy tất cả các “mẫu người cơ bản” mà một triều đại bước vào buổi toàn thịnh phải có.Từ trên đỉnh cao của quyền lực, của những thành tựu mọi mặt vừa do được kế thừa từ các bậc “tiên đế” cũng là ông cha, vừa do tài năng phi phàm và những cố gắng không mỏi mệt trong suốt mấy thập niên của chính mình tài bồi thêm, vị Hoàng đế thường được coi là đấng minh quân bậc nhất trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam đã tự hào tổng kết, vừa “bá cáo liệt tổ liệt tông” vừa “quảng cáo tuyên truyền cổ động”:
Cao Đế anh hùng cái thế danh
Văn Hoàng trí dũng phủ doanh thành
Ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh
Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển
Nhị Thân phụ tử bội ân vinh
Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự
Bát bách Cơ Chu lạc trị bình
                                    (Lê Thánh TôngMinh lương)
             Dịch nghĩa:
            Cao Đế (tức Lê Lợi - Thái Tổ) là bậc anh hùng cái thế
            Văn Hoàng (tức Lê Nguyên Long - Thái Tông) trí dũng trùm lên kinh thành
            Trên cõi lòng Ức Trai (tức Nguyễn Trãi) văn chương bừng lên sáng láng
            Trong bụng Vũ Mục (tức Lê Khôi - võ tướng, thân thần) chứa la liệt giáp binh
            Mười người nhà họ Trịnh (gia quyến Trịnh Khả) cùng được quý hiển           
            Hai cha con họ Thân (Thân Nhân Trung và con trai) đều nhận vinh ân sâu dày
            Cháu hiếu là Hồng Đức đang kế thừa ngôi báu
            (Nguyện làm được như) cơ nghiệp trị bình vui vẻ tám trăm năm của nhà Chu
            Vua sáng nghiệp là anh hùng cái thế, vua con nối nghiệp thì trí dũng dư thừa, lưỡng ban văn võ đều có người xuất chúng, các dòng họ lớn cao khoa hiển hoạn đã kịp hiển hiện lừng danh, hưởng ơn mưa móc dồi dào, “hoàng thượng đương kim” thì ý thức rất rõ về bổn phận, quyết tâm mở hồng đồ thêm mãi. Thế là thịnh trị, thế là thái bình!
Vậy mà lại có lý do đầy đủ để cho rằng, cho tới hết thời Lê sơ, Thăng Long với tư cách một vùng đất “tự tại” vẫn chưa hình thành nên nổi đội ngũ trí thức riêng của mình. Bởi trước khi được coi là thuộc về tầng lớp “kẻ sĩ Thăng Long”, trước hết phải là “dân kinh kỳ” đã!
Triều đình Lê Thánh Tông quả là “chen chúc người tài”. Nhưng tất cả họ, từ vua đến quan, từ văn thần đến võ tướng, từ cựu huân thần đến tân tiến sĩ…, là thuộc về triều đình hay thuộc về “địa phương Thăng Long”?
Khó trả lời câu hỏi với đáp án rằng đấy là “hai trong một”, “tuy một mà hai”.
 
3. Về thời điểm hình thành đội ngũ trí thức Thăng Long thực thụ:
 
Chúng tôi cho rằng, cho tới hết thời nhà Mạc, trên đất Thăng Long chỉ tồn tại tầng lớp trí thức cung đình, “trí thức quốc gia”, mà chưa có tầng lớp trí thức “bản thổ”, dẫu rằng xét dưới góc độ cá thể, những người thuộc tầng lớp trí thức có “quê gốc Thăng Long” thì đương nhiên đã xuất hiện từ khá sớm.
Qua quan sát sử liệu, có thể nói đến một đội ngũ, hay nếu muốn, một “tầng lớp” kẻ sĩ Thăng Long, sớm nhất là từ thời Lê Trung hưng (từ năm 1592 trở đi).
Chế độ quân chủ chuyên chế theo mô hình Nho giáo cũng đồng thời là chế độ quân chủ quan liêu. Một trong những nét khu biệt quan trọng giữa mô hình quân chủ quan liêu với quân chủ quý tộc là ở sự phân biệt thân phận sang - hèn chỉ theo mức độ thân sơ của quan hệ huyết thống với dòng họ cầm quyền hay còn có sự hiên hữu của nhiều “tiêu chí” khác.
Trong khuôn khổ một bài viết, chúng tôi không có điều kiện trình bày chi tiết những kết quả nghiên cứu của mình về sự khác biệt hiện hữu giữa chế độ quân chủ quý tộc và chế độ quân chủ quan liêu. Nhưng để làm cơ sở cho sự trình bày tiếp tục những tìm kiếm của mình về đội ngũ trí thức nho gia ở Thăng Long xưa, chúng tôi buộc phải nêu ra ở đây một vài ý tưởng mang tính khái quát hóa.
Trong lịch sử Nho giáo, bắt đầu từ Mạnh Tử, đã có một bước chuyển hóa rất sâu sắc trong thái độ của tầng lớp nho sĩ đối với ưu thế tự nhiên của giới quý tộc cùng những đặc quyền của họ trong đời sống xã hội được xác lập nên từ thời cổ đại. Nếu như Khổng Tử vẫn còn là người dính líu xa gần đối với nguồn gốc quý tộc, nên khi đối diện với giới quý tộc bề trên so với địa vị xuất thân của mình vẫn còn nhiều mặc cảm không tự dứt bỏ được, thì Mạnh Tử cơ hồ là người quay lưng lại với những đặc quyền của tầng lớp đó. Không phải là Mạnh Tử phủ định, vả cũng không thể phủ định được những đặc quyền đó trong thực tế, nhưng trong ý thức, trong những lời giáo huấn của mình - cũng là trong hoạt động lập thuyết - ông tỏ thái độ kiên quyết không đề cao, không nhấn mạnh đến những ưu thế và những đặc quyền đó. Khẳng định ngôi vua vẫn là thiêng liêng, người làm vua phải là người có mệnh, có phận, nhưng ông kiên quyết đòi hỏi trước hết đó phải là người có đức. Được hỏi về thái độ của mình đối với hành vi “cách mệnh” của Chu Văn Vương dấy binh phạt Trụ, một hôn quân tàn bạo, nhưng cũng là người, theo quyền được truyền thừa ngôi vị, tức cũng là kẻ có “mệnh”, có “thân phận đế vương”, Mạnh Tử cho rằng Văn Vương không phải giết vua Trụ, mà giết một “thằng Trụ”. Theo Mạnh Tử, kẻ dối Trời hại dân, hiếu sát, coi mạng người khác như cỏ rác, làm bề trên mà bạo ngược, thì không còn phải là vua, chỉ là một kẻ, hoặc gọi là tàn, hoặc kêu là tặc. Giết một kẻ tàn, tặc, gọi là giết một thằng! Càng về sau, Nho giáo càng lùi xa thái độ sùng kính vô điều kiện đối với đấng Thiên Tử, tiếp nhận thêm những tri thức thực tế lịch sử, tuy không tiến gần tới được tư tưởng dân chủ thực sự, nhưng thành thực hơn trong đòi hỏi người cầm quyền phải thân dân. Mạnh Tử coi địa vị, chức quyền, nhất là khi kẻ thủ đắc quyền ấy, lợi ấy, danh phận ấy do đó là kẻ “con ông cháu cha”, chỉ là “nhân tước”. Trái lại, những ai có được thứ mà đến trời cũng không tước đoạt bao giờ, tức đức hạnh, thì mới là người nhận được “thiên tước”. Ông luôn luôn khích lệ học trò mình rằng “Họ cậy tước của họ, ta cậy đức của ta. Ta có gì thua kém họ?”. Chính vì giữ được sự tự tín, tự trọng, giữ được “ngạo cốt”, mà nhà nho luôn luôn khiến được kẻ cầm quyền nể trọng, tin cậy.
Có thể xem xét một “scène” trong sử Việt để cảm nhận sâu hơn về những quan hệ phức tạp ấy.
            “Nguyễn Đại Phạp đi sứ đến nước Nguyên, người Nguyên gọi là Lão Lệnh công. Đại Phạp tới Ngạc Châu, vào yết kiến các quan bình chương ở hàng tỉnh. Lúc bấy giờ Chiêu Quốc Vương (Trần) Ích Tắc cũng ngồi ở đó. Đại Phạp chỉ không chào một mình hắn. Ích Tắc hỏi: “Ngươi không phải là tên biên chép ở nhà Chiêu Đạo Vương đó ư?” (Chiêu Đạo Vương là con thứ của Thái Tông, anh cùng mẹ với Ích Tắc). Đại Phạp trả lời: “Việc đời đã thay đổi. Đại Phạp trước vốn là tên biên chép cho Chiêu Đạo Vương, nay là sứ giả, cũng như Bình chương xưa kia là con vua, nay lại là người đầu hàng giặc”. Ích Tắc có vẻ hổ thẹn. Từ đấy về sau, sứ ta đến, hắn không còn ngồi ở tỉnh đường nữa[6].
Nho giáo vốn cũng là học thuyết đặt lên hàng đầu tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm ngặt những bổn phận của con người trong quan hệ thân tộc. Trong số các đức mục mà Nho giáo đề cao và lập nên cả một quy trình tu dưỡng nghiêm ngặt, “hiếu” được xếp là đức mục đứng đầu, còn “nhân” là đức mục cao nhất, xa nhất ( “Hiếu giả, bản dã. Nhân giả, mạt dã”). Lấy gia đình để hình dung thế giới, coi xã hội chỉ là hình ảnh gia đình mở rộng, mọi phẩm chất xã hội có thể được “suy ra” từ những phẩm hạnh trong quan hệ gia đình, thân tộc…, thánh hiền Nho giáo không đẩy lý luận của mình đến chỗ đối lập hoàn toàn với “quyền được ưu tiên” của giới quý tộc. Trong tiến trình của lịch sử, Nho giáo cũng vận động tới chỗ, cả về lý thuyết, cả trên bình diện thực tế, tạo lập ra mô hình “quý tộc hóa” riêng của mình. Tính chất quý tộc trong cách hình dung của Nho giáo trước hết dựa trên những phẩm chất, đức hạnh cá nhân. Nhưng trong toàn bộ khu vực Đông Á, nghĩa là ở các quốc gia từng sử dụng Nho giáo làm công cụ hệ tư tưởng, làm lý luận cai trị, đều hình thành nên hay bảo lưu những sự phân tầng về trật tự đẳng cấp không chỉ dựa trên từng cá nhân đơn lẻ, mà trên những cộng đồng thân tộc lớn nhỏ.
Ở Việt Nam, như các nhà sử học đã xác định, chế độ xã hội thời Lý - Trần là chế độ quân chủ quý tộc, sang Lê sơ là chế độ quân chủ chuyên chế quan liêu. Trong mô hình chế độ này, tính chất quý tộc - vẫn được xác định theo quan hệ thân tộc, huyết thống - không biến mất, mà trở nên phức tạp hơn trước, đa dạng hơn trước.
Suốt thời nhà Trần, triều đình không phải là nơi chốn duy nhất để nhà nho có “đất sống” và “đất diễn”. Như đã biết, điền trang, thái ấp mới là nơi cư trú chính của các vị thân vương và tầng lớp quý tộc cao cấp. Một bộ phận rất lớn các nhà nho hữu danh vốn là “gia thần”, môn khách của các thân vương. Không phải ai trong số họ cũng được “tiến triều”, thậm chí nhiều người không có hứng thú trở thành “công bộc” nhà nước. Bạch Liêu từng đỗ Trạng nguyên khoa thi Thái học sinh năm Thiệu Long thứ 9 (1266) đời Trần Thánh Tông, “thông minh nhớ lâu, đọc sách nhất mục thập hàng”, nhưng chỉ làm môn khách, rồi gia khách của Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải, chứ không lĩnh quan tước của triều đình. Điền trang, thái ấp của các vị thân vương thường có quy mô khá lớn, được phân bố ở nhiều đạo, lộ khác nhau, vì thế đội ngũ nhà nho “ăn theo” họ cũng “tứ tán” theo về những nơi mà các thân vương ấy cư trú, chứ không tập trung ở kinh đô.
Sau thời Minh thuộc, tầng lớp quý tộc Trần cơ hồ biến mất “về mặt sinh học”. Mô hình nhà nước thời Lê sơ đã có những đổi thay căn bản so với mô hình quân chủ quý tộc Lý - Trần. Đội ngũ nhà nho giờ đây “bị / được tự do”, dần dần hình thành một tầng lớp độc lập, không những thế, được định vị là tầng lớp “đứng đầu” của “tứ dân”. Với “cơ chế” mới, họ trở thành đội quân hậu bị, càng ngày càng đông đảo, để bổ sung vào bộ máy cai trị, thông qua các hình thức khác nhau: được đề cử, bảo cử, tự tiến cử rồi dần dần, qua ngả đường chính thống nhất, khoa cử.
Dòng họ cầm quyền, tất nhiên, vẫn giữ lại được tính chất, thiêng liêng, cao quý như trước. Họ của vua là “quốc tính”, và người được “ban quốc tính” là người nhận ân sủng đặc biệt. Nhưng cả trong lẫn sau những lần “luận công hành thưởng”, thực tế đã cho thấy không phải bất kỳ người đàn ông nào miễn là “có họ” với vua đều có thể có chức vụ, phẩm tước, bổng lộc. Kinh nghiệm lịch sử đã dạy cho các vị quân chủ những bài học “xương máu” theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, nếu cứ “hồn nhiên” giao phó chức vụ, ban bố phẩm tước và trao bổng lộc một cách dễ dàng cho hàng loạt những người “ruột thịt” trong Hoàng tộc. Đối tượng cần cảnh giác hàng đầu, bởi họ là những người có khả năng làm cho ngôi báu “nghiêng lệch” nhiều nhất, chính là “nội thân, ngoại thích” của nhà vua. Trong mọi trường hợp, thì một triều đại mới ra đời, một ngôi vị được chuyển giao, thường không bao giờ chỉ là nhờ vào công sức của một người hay một nhóm nhỏ người. Với những triều đại được lập nên nhờ vào kết quả của một cuộc đấu tranh giải phóng thành công - như trường hợp triều Lê sơ, hay một cuộc kháng chiến cần vương thắng lợi - như trường hợp triều Lê Trung hưng, thì quyền lợi, địa vị của những bề tôi “lương đống”, những danh tướng, danh thần, những chiến hữu cùng nằm gai nếm mật, đổ công sức máu xương… thậm chí cần và trên thực tế phải được quan tâm, ưu tiên “giải quyết” hơn cả những người thân đồng huyết thống.
Yêu cầu lịch sử khách quan là vua, triều đình phải thừa nhận và “cơ chế hóa” quyền và lợi của các công thần, của những “hiền tài” không thể thiếu trong việc trị nước, cho cả bộ máy chính quyền từ trên xuống dưới. Ngoài dòng họ nhà vua là “quốc tính”, các dòng họ của những công thần, thân thần, sủng thần và những người có thế lực, có công tích khác cũng phải quan tâm để ưu đãi, để “úy lạo”, bởi họ là “đống lương” - rường cột của “xã tắc”. Những dòng họ “khác máu tanh lòng” ấy làm nên mạng lưới “thế gia vọng tộc”, “đại tông cự môn”, “trâm anh thế phiệt” mà ở mọi vùng của đất nước đều có và phải có. Tất cả những dòng họ đó, được gọi chung là hiển tộc, cùng với dòng họ nhà vua, trên thực tế, làm nên bộ phận quan trọng nhất trong tầng lớp thống trị xã hội.
Đội ngũ trí thức nho gia, của một vùng được gọi tên là vùng “văn vật” cụ thể, quy mô nhỏ nhất là danh hương, chỉ thực sự hình thành khi trong vùng xuất hiện ít nhất là một “danh gia” thuộc một “vọng tộc” nào đó.
Như đã nói, triều đình Lê Thánh Tông được coi là thái bình thịnh trị, văn hiến rỡ ràng, giai đoạn trị vì của ngài được coi là giai đoạn phát triển lên tới đỉnh cao của chế độ chuyên chế quan liêu trong lịch sử quốc gia. Vậy mà đến tận thời điểm đó, dẫu quan lại xuất thân nhà nho đã chiếm số lượng áp đảo giữa chốn miếu đường, ở trên đất Thăng Long vẫn chưa hình thành được một tầng lớp trí thức nho gia đích thực.
Tuy Lê Thánh Tông, trong bài thơ đã dẫn ở trên, “khoe” rằng trong triều của ngài, đã có những gia tộc hùng mạnh, bằng chứng là “thập Trịnh, nhị Thân”, nhưng nếu nhìn gần, sẽ thấy mọi chuyện xem ra không đơn giản. Trước hết, căn cứ vào chính sử, thì suốt cả giai đoạn Lê sơ, kể cả dưới thời Lê Thánh Tông trị vì nữa, loại gia tộc - võ tướng vẫn có số lượng đông hơn và về thế lực là mạnh hơn so với sự xuất hiện rải rác của các gia tộc - văn thần. Hai gia tộc tiêu biểu cho hai “phái” chính đã được Lê Thánh Tông biểu dương lên đó. Lần theo danh tính của những người từng giữ chức đến đại thần, tước từ tam phẩm trở lên trong triều đình Lê Thánh Tông, thấy rất hiếm người có phủ đệ ở kinh thành. Ân huệ và bổng lộc đáng kể nhất mà họ được vua ban là ruộng thế nghiệp. Không thấy sử chép vị trí của các “sở” đất đai ấy là thuộc những đâu, nhưng có điều chắc chắn là không phải ở kinh, thậm chí cũng không phải là ở vùng phụ cận với kinh thành. Lệ thường, những “sở ruộng” ấy phải ở vùng quê hương bản quán của người được ban tặng.
Tình hình có lẽ không “khá” hơn dưới thời Mạc, mặc dù vào thời Mạc đã thấp thoáng bóng dáng của những gia tộc quan lại lớn.
Sự hình thành hệ thống phủ đệ của các thế gia vọng tộc, sự lựa chọn địa điểm cư trú lâu dài cho cả gia đình lớn của các đại thần ngay tại vùng đất thuộc kinh đô, từ đó mà xuất hiện loại hiện tượng “lũy thế đăng khoa”, coi việc làm quan đã thành “gia nghiệp” , đó là những hiện tượng được quan sát thấy thường xuyên hơn nhiều kể từ ngày tập đoàn Lê Trịnh đánh bại tập đoàn “Mạc thị” để trở về trị vì quốc gia từ “đế kinh” xưa. Có lẽ cũng nên nhận xét thêm rằng, do chỗ cả vua lẫn chúa đều có gốc gác từ Thanh Hóa, từ các danh tướng danh thần có công lao hàng đầu trong sự nghiệp trung hưng cho tới tận lính ngự lâm, lính tam phủ phần đông có xuất xứ từ miền Thanh - Nghệ, nên kể từ đây, dấu ấn Thanh Nghệ trên đất Thăng Long càng ngày càng trở nên đậm đặc, đến mức gần như “không thể thiếu được”, nói cách khác, dấu ấn Thanh - Nghệ từ đó đã làm nên một phần lịch sử của Thăng Long. Từ góc độ lịch sử hình thành và phát triển của đội ngũ trí thức Thăng Long, cũng có thể quan sát thấy những hiện tượng tịnh tồn như thế. Hệ thống phủ đệ của các thế gia vọng tộc gốc Thanh - Nghệ chính là một trong những điều kiện môi trường “cơ hữu” gây dựng và phát triển nên “đội ngũ” của tầng lớp “kẻ sĩ kinh kỳ”. Dĩ nhiên, khi các vọng tộc gốc Thanh - Nghệ đã được lập phủ đệ ở kinh thành, thì các đại thần ở các miền quê khác cũng không từ chối cơ hội.
Từ thời điểm ra đời của vương triều Nguyễn Tây Sơn (1789) Thăng Long mất vị trí là kinh đô đến thời điểm người Pháp chọn Hà Nội làm nơi đặt phủ toàn quyền Đông Dương (1888), đội ngũ trí thức Thăng Long lại kinh qua những bước thăng trầm, những “cuộc bể dâu” mới. Khung khổ bài viết không cho phép tìm hiểu và trình bày sâu hơn về lịch sử đội ngũ trí thức Thăng Long thời đoạn này, xin giành vấn đề cho một dịp khác.
                                                                 
                                                         

[1] Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Nxb Văn học và Trung tâm nghiên cứu Quốc học xuất bản, t.2; tr.458.Thực ra sử liệu chép rằng ở các đời Lý, Trần Thăng Long đã có 61 phường, về sau chắc chắn đã có một sự quy hoạch lại. Con số 36 phố phường của Thăng Long tương đối ổn định và đi vào “vô thức ngôn ngữ cộng đồng” có lẽ bắt đầu từ thời Lê sơ.
[2] Đã có một quá trình chuyển nghĩa, xạ nghĩa đối với từ ghép “phố phường”. Phố浦, nghĩa gốc là bến sông, Nguyễn Du  có câu: Hồi thủ Lam giang phố  (Thu chí ) Ngoảnh đầu về bến sông Lam. Hay Bà Huyện Thanh Quan viết “ gác mái ngư ông về viễn phố”, còn phố ở đất kẻ chợ hẳn phải là bến cảng giao thương, từ bến ấy người ta mới trổ nhà dọc hai bên lối lên để đổ hàng và buôn bán ngay tại chỗ (nên còn có từ phố xá , tức là phố có nhiều quán xá), buôn bán càng lớn thì phố càng dài, càng kéo sâu vào đất liền, nên chữ Nôm hậu kỳ chữ phố (vốn là bộ thủy) đã bị thay bằng bộ thổ (埔). Từ phố còn có âm trại nữa là bộ, bộ đầu  điểm buôn bán thuận tiện giao thông. Địa danh Đông Bộ Đầu có nghĩa từ nguyên là đầu giao thương ở cửa nước phía đông vậy.
 phường坊là tổ chức liên kết tự nguyện của những người làm cùng một nghề, về sau cũng để chỉ địa chỉ thường trú của họ, tiến tới trở thành đơn vị hành chính. Gắn ghép phố với phường trở nên đặc điểm cấu trúc của loại “đô thị vùng sông nước”, của cảng thị. Thăng Long xưa thuộc loại hình đô thị như thế, với hệ thống sông rạch chằng chịt, chứ không như hiện nay.
[3] Đại Việt sử ký toàn thư, t.2 (gồm 3 tập). Nxb Văn hóa thông tin, H., 2000. tr.68.
[4] Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, t.2, tr.167.
[5] Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập. Nxb Giáo dục, H., 2002. tr.210
[6] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.102.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529875

Hôm nay

244

Hôm qua

2297

Tuần này

244

Tháng này

216571

Tháng qua

0

Tất cả

114529875