Những góc nhìn Văn hoá

Tư duy hội nhập, tiếp biến văn hoá 100 năm trước và hôm nay

Lịch sử có những hiện tượng kỳ lạ. Một ngàn năm Bắc thuộc, nhân dân Việt Nam không bị đồng hóa mà lại còn đồng hóa kẻ đi xâm lược. Từ giữa thế kỷ XIX, khi phương Tây chinh phục phương Đông thì Nhật Bản trỗi dậy làm cuộc duy tân thành công, làm cả thế giới khâm phục. Cách đây 100 năm, Hồ Chí Minh cũng là một hiện tượng kỳ lạ, hiếm thấy.

Từ giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất đặt ra cho dân tộc Việt Nam là chống xâm lược để giành độc lập dân tộc. Đứng trước một kẻ thù mới - chủ nghĩa đế quốc - thực dân phương Tây, có tiềm lực kinh tế, có vũ khí hiện đại, trong hàng ngũ những người yêu nước Việt Nam mà chủ yếu là các sĩ phu đã có sự phân hóa. Một lực lượng muốn tẩy chay, không hợp tác, thậm chí tiêu diệt tất cả những ai là người da trắng, mắt xanh, mũi lõ. Lực lượng khác lại muốn dựa vào Nhật với tư duy “đồng văn đồng chủng” để tiêu diệt Pháp. Không ít người thì bi quan, nghĩ rằng đất nước đang đi vào ngõ cụt, không có đường ra: “Đêm sao đêm mãi tối mò mò/ Đêm đến bao giờ mới sáng cho”. Một số khác thực tế hơn, không dựa vào bất cứ lực lượng nào, quyết tâm đào hào đắp lũy kiên cố, thủ hiểm một vùng, chờ giặc Pháp đến để tiêu diệt. Không loại trừ một lực lượng sợ nền văn minh Pháp có tàu đồng, súng lớn. Tình hình đó đã được Hồ Chí Minh tổng kết: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thồng trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ” (Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Thông tin lý luận, H, 1992, tr.48).
Trạc 14, 15 tuổi, Nguyễn Tất Thành đã được theo cha đi một số nơi ở nhiều tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình để thăm các nhân sĩ yêu nước (như đến quê hương của Phan Đình Phùng, làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh; quê hương của Lê Ninh, làng Trung Lễ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh; quê hương của Nguyễn Quang Bích, huyện Kiến Xương, Thái Bình...). Anh tham gia công tác bí mật, nhận công tác liên lạc. Cụ Phan Bội Châu vào bậc cha cú của anh muốn đưa anh và một số thành niên sang Nhật. Nhưng Anh không đi. Điều thu nhận lớn nhất của Nguyễn Tất Thành trong thời gian này là sự khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào.
Được học với thầy giỏi trong làng, có tâm huyết mưu tính việc đánh Tây, cộng với trí thông minh, thích khám phá, tìm hiểu những điều mới mẻ ngoài sách vở, ở tuổi thiếu niên, Nguyễn tất Thành đã có chí vươn xa. Chuyện kể rằng, khi học với thầy Vương Thúc Quý, con trai cụ Vương Thúc Mậu, một lần thắp đèn, dầu sánh ra, thầy liền ra cho học trò một vế đối: “Thắp đèn lên dầu vương ra đế”, có học trò đối câu rất chình: “Đốt nhang rồi gió quạt bay tàn”. Còn câu đối của Nguyễn Tất Thành là: “Cưỡi ngựa dong thẳng Tấn lên Đường”. Thầy Quý khen cả hai câu, nhưng khen câu của Thành thoát hơn, thể hiện ý chí và hoài bão lớn hơn.
Khi Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng và “làm lễ” vào làng cho hai con trai, Nguyễn Sinh Cung có tên mới là Nguyễn Tất Thành. Có lẽ một sự mong muốn thành đạt cho các con bắt đầu từ đây. Bởi vì từ đó, dõi theo các hoạt động của Nguyễn Sinh Sắc, người ta có thể nhận ra rằng, ông đang có một sự “điều chỉnh, sắp xếp” lại tư duy của mình cho phù hợp với những gì đang diễn ra rất sôi động và nhanh chóng lúc bấy giờ, nếu chưa phải là Âu, Mỹ thì cũng không thể là Thánh hiền.
Trong dòng chảy duy tân kiểu Duy tân hội của Phan Bội Châu, không loại trừ suy nghĩ của Nguyễn Sinh Sắc cũng muốn gửi con mình cho người bạn là Phan Bội Châu theo con đường Đông du, sang Nhật học tập. Khi Nhật Bản đang liên tiếp chiến thắng Nga hoàng trong chiến tranh Nga - Nhật, tức là người da vàng chiến thắng da trắng mà người Việt Nam hướng tới Nhật Bản thì không có gì lạ cả, đó là một điều dễ hiểu. Nhưng rõ ràng, trong sự suy tính ở ngã ba đường thì việc Nguyễn Sinh Sắc cho hai con vào học trường Pháp - bản xứ (École franco – indigène) ở Vinh, với lớp đầu tiên của bậc tiểu học, thường gọi là lớp dự bị (Cours préparatoire) là một hiện tượng hiếm thấy lúc bấy giờ. Bởi vì, tuy các thầy nho lúc đó đều than thở: “Nào có ra gì cái chữ Nho/ Ông nghè ông cống cũng nằm co” nhưng phần đông các nhà nho lại ghét chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Ngay cả Phan Bội Châu, con người lừng danh lúc bấy giờ cũng chẳng ưa gì tiếng Pháp. Phải nói rằng, hồi ấy, việc bàn luận nên học chữ nào gắn rất chặt với việc đi theo con đường nào, làm cách nào để đánh Pháp. Chuyện kể rằng, ông nghè Nguyễn Quý Song khuyến khích ông Sắc cho con đi học tiếng Pháp với suy nghĩ “muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp, muốn hiểu Pháp thì phải học chữ Pháp”.
Việc vào học trường Pháp – bản xứ là bước khởi đầu rất quan trọng để Nguyễn Tất Thành có điều kiện khám phá từ “Pháp”. Và rõ ràng chính tại đây, Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên biết tới ba chữ Pháp: Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Đây là một trong những động lực đầu tiên thúc đẩy Nguyễn Tất Thành bước vào con đường hội nhập như chính anh tâm sự “muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”.
Câu chuyện hội nhập 100 năm trước là bài học quý giá cho ngày hôm nay. Những năm đầu thế kỷ XX, việc ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích tìm cách đánh pháp, giành độc lập dân tộc không phải là hiện tượng cá biệt, nhưng ra đi với nghị lực, bản lĩnh quan sát, khám phá, tìm hiểu vừa là tầm nhìn vừa là cách nhìn của một tư duy đổi mới kiểu Hồ Chí Minh thì đó là một hiện tượng độc nhất vô nhị. Tư duy Hồ Chí Minh thể hiện minh triết Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế. Đó là phải sang tận nơi, nghiên cứu, xem xét cho rõ. Không đi theo kiểu du lịch, ngược lại phải khám phá, xem người ta làm như thế nào rồi trở về giải quyết ở Việt Nam. Trong những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên kể lại rằng “ông Nguyễn đi nhiều nơi và học được nhiều điều. Ông muốn biết tổ chức và cai trị như thế nào. Ông Nguyễn bắt đầu tổ chức, hoặc đúng hơn là bắt đầu học tổ chức”. Nên nhớ rằng, lúc đó trong tư duy anh Nguyễn đã nghĩ tới học cách tổ chức của các nước tư bản. Hiện nay trong đổi mới, hằng năm chúng ta có hàng trăm đoàn cán bộ các loại ra nước ngoài nhưng hầu như không suy nghĩ và làm được theo cách nghĩ và cách làm của Hồ Chí Minh, tức là học cách tổ chức của các nước, rồi đem những kiến thức học được để giải quyết sáng tạo vấn đề ở Việt Nam. Chúng ta không chắt lọc được gì từ kinh nghiệm tổ chức, thiết kế mô hình kinh tế, chính trị, xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị văn minh, kể cả lối sống và ứng xử văn hóa của các nước để vận dụng vào Việt Nam.
Câu chuyện hội nhập từ tấm gương Hồ Chí Minh là phải tìm hiểu văn minh ở ngay nước xâm lược mình và nhiều nước khác. Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ nhân dân Việt Nam hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến chuyên chế và nhiều chục năm dưới chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, không có điều kiện để nhận thức tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái. Người quyết định tôi luyện lý tưởng cách mạng, tiến bộ, tự do, dân chủ, bình đẳng ở phương Tây rồi trở về giúp đồng bào. Một con người hiện thân cho cuộc đấu tranh quyết liệt chống thực dân phương Tây xâm lược, ngay từ đầu lại hướng tới phương Tây để làm quen với văn hóa phương Tây là một điều kỳ lạ..
Phải lấy lợi ích dân tộc làm nền tảng thì mới hội nhập và tiếp biến thành công. Hồ Chí Minh tiếp nhận những giá trị văn hóa Pháp, văn hóa phương Tây qua lăng kính giải phóng dân tộc. Cũng xuất phát từ địa bàn và lợi ích dân tộc, Hồ Chí Minh dần dần mở rộng tầm nhìn về thế giới, tiếp biến văn hóa, văn minh tư sản, tôn giáo, mácxít. Người tìm thấy điểm chung trong các dòng văn hóa đó là sự mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Người chắt lọc những tư tưởng, học thuyết đã có sẵn và luôn luôn mở rộng tầm nhìn, khai thác tư tưởng mới của nhân loại. Ngày nay, chúng ta hội nhập ngày càng sâu trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Ý kiến của một số nhà khoa học cho rằng, đây không phải là toàn cầu hóa lần đầu mà là lần thứ tư sau ba lần trước. Tuy nhiên, các lần toàn cầu hóa trước đây có một đặc điểm chung, đều là hệ quả từ một phía tác động vào thế giới[1]
Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, chúng ta phải rũ bỏ tư duy ấu trĩ của một thời hễ nói tới một số giá trị nào đó là nghĩ ngay tới chủ nghĩa tư bản như tự do, bình đẳng, bác ái, kinh tế thị trường, kinh tế hàng hóa, kinh tế tư nhân, tư hữu tài sản, nhà nước pháp quyền, thậm chí còn dị ứng với cả hai từ “dân chủ”... Ngược lại, nói tới chủ nghĩa xã hội là phải có các cụm từ như chế độ công hữu, chuyên chính vô sản, làm chủ tập thể... Vì không nhận thức đúng quy luật khách quan, chúng ta có sự nhầm lẫn tai hại giữa mục đích và phương tiện, giữa mục tiêu và con đường. Mục tiêu chỉ có một, đó là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh nhưng con đường và phương tiện để đạt mục tiêu đó thì có nhiều. Tư duy hội nhập và tiếp biến văn hóa hôm nay cần sự cởi mở có nguyên tắc theo minh triết Hồ Chí Minh: “Có cái gì hay, cái gì tốt của văn hóa Đông phương hay Tây phương ta phải học lấy để làm giàu cho văn hóa Việt Nam”.
 
100 năm trước, câu chuyện hội nhập và tiếp biến văn hóa của Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại. Tư duy đó là tài sản quý giá cho chúng ta trong hiện tại và tương lai.
 
 
[1] Thứ nhất, thế kỷ XV, nhờ tác động của việc tìm ra châu Mỹ của Crixtốp Côlông mà các nước châu Âu tiến hành công cuộc chinh phục thế giới. Thứ hai, từ giữa thế kỷ XIX trở đi, châu Âu chinh phục châu Á. Thứ ba, sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, một trật tự thế giới mới hình thành với việc hàng loạt quốc gia Á, Phi, Mỹ La tinh giành được độc lập về chính trị, tham gia vào đời sống thế giới
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529875

Hôm nay

244

Hôm qua

2297

Tuần này

244

Tháng này

216571

Tháng qua

0

Tất cả

114529875