Những góc nhìn Văn hoá

Bàn về mối thâm duyên giữa Trà và thiền Phật

  1.     Từ những tương đồng đến mối thâm duyên giữa Trà và thiền Phật.

Không xác định được thật rõ từ khi nào, văn hoá trà và văn hoá thiền phật đã kết duyên với nhau. Và từ xưa đến này cũng không mấy ai nhìn văn hoá phương đông, văn hoá Việt Nam, văn hoá Trung Quốc và văn hoá Nhật bản và Thiền phật Ấn Độ,Trung Quốc, Trà đạo Nhật Bản từ mối quan hệ văn hoá đầy thú vị này. Bài viết nhỏ này bước đầu nhìn trên tổng thể vài nét về mối tương đồng tự nhiên giũa Trà và thiền phật đồng thời đi sâu vào vài điểm đặt trà trong quỹ đạo của thiền phật để nhìn nhận tìm hiểu, đặng nhìn thấy một thứ trà khác với trà thế tục của văn nhân, văn sĩ và đời sống thế tục, đồng thời cũng thấy được mối giao thoa giữa văn hoá thế tục và văn hoá phật giáo.

Nhìn khái quát, một điều hết sức thú vị là, nếu như Phật giáo là một tôn giáo, triết học có lịch sử lâu đời nhất trên thứ giới, có sức sống mãnh liệt nhất trên thế giới hiện nay, có sức lan toả và kết tinh thuộc loại mạnh nhất trên thế giới hiện nay và có sức hút, sức cảm hoá và sức quy tụ vĩ đại nhất hiện nay thì Trà là đi từ một loại dược liệu[1], từ một loại đồ uống trở thành một thứ văn hoá nổi tiếng thời Đường, Tống và Việt Nam đầu thời kỳ độc lập[2]. Cũng như Thiền Phật trà có lịch sử ra đời từ nhiều nghìn năm trước, có sức sống lâu bền nhất, có sức lan toả và có sức cảm hoá người thưởng thức mãnh liệt nhất và ngày nay cũng như Thiền phật trở thành một thứ thức uống cao cấp trên toàn thế giới.

Phật giáo sinh ra trên đất ấn Độ, sau đó lan toả ra toàn khu vực Đông Nam châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản….Điều đáng nói nhất là khi Phật giáo hôn phối với văn hoá Trung Hoa, cụ thể là triết học Lão Trang, tạo ra một thứ đặc phẩm phật giáo là : Thiền học. Thiền học là một dược tâm ngày nay trên thế giới, có tác dụng an tĩnh tinh thần, giải bỏ căng thẳng, tu luyện đắc đạo đưa người ta trở về với thế giới tinh thần thanh tĩnh, hoà đồng vào giới tự nhiên. Trà có nguồn gốc cũng từ nhiều nghìn năm trước ở Trung Hoa, ở miền Bắc Việt Nam. Ở Trung Hoa có nhiều loại trà: ô Long Trà, Thiết Quan âm trà, Trà Long Tỉnh , trong đó nổi tiếng nhất là trà Long Tỉnh ở Triết Giang, Tô Châu, Hàng Châu Trung Quốc. Ở Việt Nam nổi tiếng nhất là Trà Tân cương Thái Nguyên. Khi Trà vượt qua các đồ uống khác, trở thành một thứ văn hoá cao cấp, mang tính thướng thức cao nó đi vào rất sâu trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống và nghệ thuật. Điều đáng nói nhất ở đây là khi Trà đi vào đời sống của văn nhân sĩ phu, nó trở thành đề tài, một đối tượng thẩm mỹ trong thơ văn của nhà thơ Trung Quốc và Việt Nam. Trà trở thành một thứ nghệ thuật nó thúc đẩy gốm sứ Trung Quốc phát triển, cung cấp cho gốm sứ Trung Quốc những sự sáng tạo và tìm tòi hết sức độc đáo, đặc biệt gốm sứ đời Tống để lại nhiều sản phẩm độc đáo liên quan đến Trà. Cũng vì đến phục vụ và nhằm đạt đến thưởng trà hoàn hảo, người Trung Quốc đã tìm ra những loại hình thù ấm đất và đặc biệt những loại đất đặc biệt để pha trà. Xin kể một ví dụ về bộ ấm có mỹ danh là “Tử sa ấm”. Ấm tử sa có nghĩa là ấm đất đỏ. Tử sa là một loại đất có màu đỏ đậm. Vì vậy bộ ấm này có tên là Tử sa ấm. Điểm độc đáo nhất của bộ ấm này chính là đặc điểm hoá học của đất tử sa. Đất tử sa nhìn từ kết cấu là kiểu đất kết cấu cấu trúc như đất đá ong Việt Nam. Mắt thường nhìn không thấy được kết cấu này. Các nhà khoa học Trung Quốc sau một thời gian dài nghiên cứu đã đi đến kết luận về bí quyết của sự quý hiếm đất tử sa. Trước khi tìm hiểu kỹ bí quyết của ấm tử sa cần nói rõ hơn vì sao ấm Tử sa lại quý đến vậy. Từ xưa những văn nhân Trung Quốc đều khẳng định Tử sa ấm là một loại ấm rất quý. Sở hữu ấm tử sa là một vật báu trong nhà. Khi pha trà bằng ấm Tử sa, vừa giữ được độ ấm, độ nóng lâu hơn ấm khác, khi pha trà vừa thơm hơn những ấm khác, sắc màu ấm chầm đỏ phù hợp với đặc tính của trà. Trước đây các văn nhân Trung Quốc họ không hiểu được tại sao ấm tử sa lại có tác dụng thần diệu như vậy, sau này các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra bí quyết của nó. Khi dùng kính hiển vi, họ nhìn rõ hơn những lớp kết cấu khác nhau của đất tử sa, chúng kết cấu theo kiểu đã ong Hà Tây, do có nhiều lượng sắt trong đấy nên nó tạo ra nhiều lỗ nhỏ li ti trong đất. Do vậy, khi dùng nước nóng pha trà nước nóng ngấm sâu vào thành ấm nhưng do có các lõ nhỏ giữ khí, giữ nước, giữ ấm nên nó bảo quản độ nóng tốt hơn ấm khác, không có cùng kết cấu. Mặt khác, khi pha trà. Hương thơm trà ngấm dần vào trong thành ấm (ấm khác không có kết cấu này không có được). Những lỗ nhỏ li ti kết cấu theo kiểu đá ong lưu giữ nhiều lại, nhiều lần như vậy tích tụ lại thành những vỉa, những lớp hương trà khác nhau, khi có độ nóng cần thiết nó lại toả hương. Do vậy, mỗi lần pha trà, hương trà cũ lại quyện cùng hương trà mới, vô cùng đặc sắc, đồng thời lại lưu giữ lại hương thơm. Vì vậy, đổ nước sôi vào ấm khổng chỉ thấy được vị hương trà bốc lên mà toả ra trong nước còn khá đậm, uống có mùi hương và vị trà tương đối đậm. Vì đặc tính này, Tử sa ấm trở thành ấm nổi tiếng. Sau này khi nội chiến Trung Quốc, Trịnh Thành Công chạy ra đảo Đài Loan, nhiều văn nhân và nhà giàu có đã mang nhiều ấm Tử Sa đến Đài Loan. Đặc biệt là khi Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan đã thu vét toàn bộ vật quý bảo ở Bảo Tàng cố cung mang ra Đài Loan. Ngoài ra nhiều người nước ngoài cũng lấy mang đi phân tán toàn thế giới. Do vậy, ngay nay Tử Sa ấm ở Đài Loan còn rất nhiều, thậm chí những bộ quý hiếm nhất không còn ở đại lục mà ở chính Đài Loan.

Từ khi phật giáo vào Trung Quốc, kết hợp với triết học Lão Trang, Trà cùng tường bước bén duyên cùng nhà chùa. Từ thức uống ngoài thế tục, Trà trở thành một thức uống mang nhiều sắc màu của nhà chùa. Từ đây Trà vừa là một thức uống vừa là một nghi thức trong phật giáo vừa trở thành một ý vị, một cách giới trong phật giáo.

2.     Thưởng trà, quy trình thưởng trà-nghi thức trong thiền phật

Trong phần này chúng tôi sẽ tiếp tục đi vào chủ yếu là điểm qua những bước những quy trình chủ yếu là thưởng trà được xem là một khâu trong quá trình tu luyện tiến đến quá trình giác ngộ. Trong nhà chùa, trong công án thiền thường có cảnh, những chuyện người nhà Phật pha trà. Từ khâu đầu tiên, kiếm nước, kiếm củi, đun nước, pha trà thưởng trà đều thấm đẫm tinh thần thiền Phật. Trong tất cả những công đoạn trên, nếu như những văn nhân pha trà thưởng trà theo sở thú cá nhân thì đương nhiên nó sẽ không toát lên một ý nghĩa giáo lý nào, đơn thuần nó chỉ là sự cẩn trọng, thanh tú mang tính cá nhân. Ngoài thế tục thì càng đơn giản hơn. Nhưng trong Phật giáo, đặc biệt là Thiền quy trình này là quy trình thiền hoá trà đặc biệt đậm nét. Kiếm nước, kiếm củi, đun nước, cháng ấm, pha trà, thưởng trà là một quy trình đánh dấu sự giác ngộ của mỗi phật tử tu thiền. Người phật tử tu thiền đi kiếm củi không đơn thuần là hành động kiếm củi, nó là một khâu tu tập Thiền. Sắc màu thiền phật yêu cầu người phật tử phải chuyên chú, tâm yên, thành tâm trong quá trình kiếm củi. Khi kiếm nước cùng là một quá trình tìm đến với sự thanh lọc tâm hồn, trở về nguồn, và làm thanh sạch tâm hồn. Đun nước pha trà là một khâu đặc biệt quan trọng, lượng củi, lượng lửa sao cho vừa đủ, khống chế lửa cho cháy sao cho nước sôi theo đúng quy trình của nó. Củi cho đủ độ, lửa sôi đến tầm và đúng quy trình thì nước pha trà cũng vừa “đắc đạo”, tức là khi đó người tu thiền đã chuyên chú vào những khâu nhỏ nhất, tâm người tu phật không động, suy tư sang những chuyện khác. Củi đủ độ, nước sôi đủ độ, lửa cháy vừa đủ, mỗi việc, mỗi hành động đạt đến độ chuẩn mực của nó cho thấy người phật tử đang thành tâm và chuyên chú vào việc tu tập Thiền định. Tiếp đến là khâu pha trà. Lượng trà và nước pha trà vô cùng quan trọng. Nó quyết định trà co đến độ “đạt đạo” hay không. Lượng nước và lượng trà vừa đủ sẽ tạo ra một ấm trà ngon. Trạng thái vị trà và vị phật quyện vào làm một, trạng thái đó cũng chính là trạng thái tu thiền đạt đạo. Trang thái này trong văn hoá trà thiền phật là trạng thái “Trà phật nhất vị”, Trà thiền nhất vị.( vị của Trà và vị của phật là một vị) Phật tử pha trà đã đạt đạo. Nếu như đến đây mới chỉ dừng lại ở công phu tu luyện đạt đạo được thể hiện qua quy trình pha trà thì khâu thưởng trà lại là khâu cao hơn trong quá trình tu luyện của Thiền phật. Trạng thái tinh thần Thiền phật và tinh thần trà trở thành “nhất vị”, không tách biệt.

3.     Thưởng trà, ý vị thẩm mỹ trong thiền phật.

Cũng không giống như thưởng trà trong đời sống thế tục, cũng có nét gần gũi với thưởng trà của các văn nhân sĩ phu, thưởng trà đạt đỉnh cao nhất trong Phật giáo là đạt đến ý vị thẩm mỹ của trà. Ý vị thẩm mỹ là ý vị của một quy trình đi từ những vị chát đến vị ngọt tự nhiên của lá trà, tức là từ quá trình xuyên qua thẩm thấu cho được trong vị chát có vị ngọt, vị thơm nhẹ nhàng nhưng bền lâu. Khi thưởng trà, vị chát, đắng ban đầu mất đi và đọng lại là mùi thơm của hương trà và vị ngọt nhẹ nhàng của trà. Quy trình nay lại chính trùng khớp với quy trình tu luyện để đạt tới trạng thái đốn ngộ trong Thiền Phật. Phải chăng sự trùng hợp này là nguyên nhân cốt yếu, là duyên lõi của mối thâm duyên này. Khi người ta thẩm xuyên qua được vị chát cũng chính là lúc con người hưởng được vị ngọt, hương thơm của cuộc đời, phật tử ngộ ra cảnh giới hạnh phúc, nhà Lão Trang ngộ ra đại mỹ của vũ trụ.. Có lẽ chính vì lý do này mà nhiều nghìn năm nay Trà và Phật giáo đã bén duyên và thâm duyên cùng nhau đi qua thời gian, xuyên qua không gian, bện quyện vào nhau vừa thâm tình, ý vị vừa khó nhận biết.


[1] Ban đầu trà là một thứ diệu liệu, trị bệnh

[2] Đến thời Đường, đặc biệt thời Tống, Trà phát triển đến đỉnh cao

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529906

Hôm nay

275

Hôm qua

2297

Tuần này

275

Tháng này

216602

Tháng qua

0

Tất cả

114529906