Nhìn ra thế giới

Trung Quốc và châu Âu (kỳ 2)

 I

Nguyên tắc phụ quyền - Nguồn gốc có lẽ là hiện thực của dân tộc Hán -

Tục thờ cúng tổ tiên - Tổ tiên như là những chủ sự của hôn nhân

Cả đời sống riêng tư, cả thể chế nhà nước, cả tôn giáo, cả thế giới quan đạo đức-tinh thần của người Hoa - tất cả đều mọc lên và phát triển từ một cội rễ chung, từ nguyên tắc gia đình, hay nói đúng hơn từ tính tuyệt đối của quyền lực của người cha. Nhờ sự trung thành bất di bất dịch với nguyên tắc ấy mà “bách tính” “lê dân”*, từ thời tiền sử di chuyển từ Mông Cổ xuống dưới theo dòng Hoàng Hà đã có thể sinh sôi nảy nở thành một dân tộc bốn trăm triệu dân mà vẫn không mất đi tính chất của một gia tộc thống nhất, đoàn kết chặt chẽ và đồng chất. Toàn bộ tổ chức chính trị phức tạp của nước Trung Hoa ngày nay được chính người Hoa xem chỉ như sự khai triển theo những vòng đồng tâm một nguyên tắc phụ quyền: lý trưởng là cha của thôn xã của mình, quan huyện là cha của huyện mình, quan tỉnh trưởng là cha của tỉnh mình và cuối cùng hoàng đế là cha của toàn bộ đế quốc Trung Hoa, của vô số con cháu của “trăm họ”.**

Có thể giả định với xác suất cao, rằng cái nguyên tắc cho đến tận nay vẫn quy định toàn bộ thể chế đời sống của người Hán, cũng nguyên tắc ấy đã là nguyên nhân khởi thủy của sự hình thành Trung Quốc như là một dân tộc đặc biệt. Nhiều phần chắc, thủy

tổ của người Hán hiện nay chính là những người Mông đầu tiên đã chuyển từ kiểu quan hệ tính giao bừa bãi và chế độ mẫu hệ liên quan với nó sang chế độ hôn nhân cố định với những nhóm gia đình xác định, nơi quyền thống trị đương nhiên thuộc về người cha. Một sự đổi thay quan trọng như thế trong đời sống nhất thiết đã phải dẫn đến sự tách rời “trăm họ” khỏi toàn bộ cư dân Mông còn lại, và sau đó là sự di dời của họ. Mà đối với họ dễ dàng hơn cả là di dời theo thung lũng sông Hoàng Hà về phía Đông- Nam, nơi mà nhà nước Trung Hoa đã được thành lập. Cho dù là thế nào đi nữa, thì ngay từ thời thượng cổ nhất, mà về chúng còn lưu truyền đến chúng ta những tư liệu lịch sử, cho đến hôm nay cơ sở không đổi thay của thể chế đời sống Trung Hoa là chế độ phụ quyền.

“Mặc dù có chế độ đa thê,- Réville nói - mặc dù có nhiều nguyên nhân phân rã, gia đình Trung Quốc vẫn kết cấu rất bền vững. Có nghĩa là sự bền vững ở đây không chỉ dựa vào sự liên minh gần như bình đẳng giữa người cha và người mẹ, như ta thấy ở các nước khác. Nó trước hết dựa vào tính thiêng liêng của quyền lực của người cha.” Người mẹ chỉ được sử dụng phản xạ của cái quyền lực ấy và vay mượn của chồng mình quyền hành đối với con cái. “Nghĩa vụ của con cái phải phục tùng bề trên, là đạo lý chung của loài người, ở Trung Quốc, trong quan hệ với người cha có thể nói đã đạt ý nghĩa tuyệt đối.”*

Cái tôi của người con dường như bị xoá bỏ bởi cái tôi của người cha, chừng nào người cha còn sống. Nhưng ngay cả sau khi người cha đã chết, quan hệ vẫn không thay đổi về nguyên tắc. Người cha của gia đình, có toàn quyền đối với con cái, tự thừa nhận bên trên mình quyền lực tuyệt đối của thân phụ đã quá cố và thông qua đó quyền lực của tất cả các vị tổ tiên theo phả hệ. Cơ sở của mọi đức hạnh và mọi trật tự là chữ hiếu của người con, mà đức hiếu thực thụ là đức hiếu không chỉ đối với cha ông đương sống, mà còn cả đối với cha ông đã mất. Như vậy, một người Trung Quốc thực thụ không ở độ tuổi nào và không trong cương vị nào có được tính độc lập cá nhân và tính chủ động cá thể, không bao giờ anh ta có thể hành động xuất phát chỉ từ bản thân mình - anh ta chỉ thừa hành ý chí của tổ tiên, anh ta luôn luôn và trong mọi sự phụ thuộc vào quá khứ gia tộc của mình. Theo quan niệm của người Hoa, quá khứ ấy quyết định cả sự kiện quan trọng nhất của đời người, điều kiện cho tương lai của nó. “Hôn nhân - sách Lễ ký nói - được xắp đặt để cho con người có thể phụng sự tổ tiên đã qua đời và tiếp tục dòng dõi của mình một cách phải đạo.”* Nếu mục đích của hôn nhân nói chung có quan hệ khăng khít với tổ tiên, thì trong từng trường hợp một vai trò chính yếu trong sự kết hôn phải thuộc về tổ tiên của vị hôn phu và vị hôn thê. Tình hình cho đến nay vẫn là thế, và có thể thấy rõ điều này qua nghi thức cưới xin của người Hoa.

Nghi thức kết hôn bao gồm hai phần chính: lễ dạm ngõ (na-tsai) và lễ ăn hỏi (na-bi); cả lễ này lẫn lễ kia đều liên quan chủ yếu đến tổ tiên. Lễ dạm ngõ được cử hành như thế này. Người cha của vị hôn phu với toàn bộ gia quyến đến nhà thờ họ, mang trên một cái đĩa bức thư gửi người cha của vị hôn thê; bức thư ấy được đặt lên bàn thờ. Sau khi đã làm lễ cúng tổ tiên với nhiều nghi thức phức tạp, cầu xin anh linh của tổ tiên tiếp nhận những đồ cúng bằng một loạt lời khấn và thần chú, một loạt động tác vái lạy, người cha của vị hôn phu đọc một báo cáo như sau: “Ngày này thánh này năm này, con tên là thế này xin được kính báo tất cả các vị tổ tiên (gọi tên tất cả các vị từ đời kỵ cho đến cha mẹ) một việc như sau: con trai của con, tên là thế này, đã đến tuổi thành niên, và chưa kết hôn với ai, muốn lấy con gái của ông bà này làm vợ; kính cẩn dâng rượu và hoa quả, con xin kính báo các vị rằng hôm nay sẽ làm lễ na-tsai hỏi tên vị hôn thê.” Sau lời khấn cuối cùng người ta cầm lá thư từ bàn thờ - như là đã được tổ tiên

phê chuẩn - và giao cho sứ giả đem đến cho người cha của vị hôn thê. Ông này cũng với những nghi thức như thế bẩm báo tổ tiên và sau đó gửi thư trả lời, bức thư này lại được báo cáo cho tổ tiên của vị hôn phu, sau đó bằng cách bói toán người ta hỏi ý kiến các vị ấy về ngày lành tháng tốt để làm lễ cưới. Trong nghi lễ thứ hai, na-bi, những tặng phẩm mà ông bố của người chồng chưa cưới gửi tới ông bố của người vợ chưa cưới, trước khi gửi đi được đệ trình cho tổ tiên của người thứ nhất và sau khi nhận được trình cho tổ tiên của người thứ hai với những bẩm báo và khấn bái tương ứng. Cũng những bẩm báo và khấn bái ấy đi theo lời đồng ý cuối cùng của cha cô vợ chưa cưới cho việc tổ chức lễ cưới trong ngày đã được chọn.

“Nếu nói về lễ na-tsai (dạm ngõ) - ông Georgievski viết - thì ý nghĩa của nó hoàn toàn dễ hiểu: vì tổ tiên của vị hôn phu là phía vị lợi trong cuộc hôn nhân,* cho nên chính họ đàm phán, thương lượng với tổ tiên của vị hôn thê, mà ở đây song thân của hai người kết hôn chỉ đóng vai trò trung gian, còn bản thân cặp vợ chồng tương lai ấy lại chẳng có vai trò gì - việc của họ là kính cẩn thi hành mệnh lệnh của tổ tiên. Thế nhưng lễ na-bi (ăn hỏi) có nghĩa gì? Vì sao những tặng phẩm lại được gửi đi một cách long trọng đến thế và được tuyên bố ở nhà thờ họ? Và vì lẽ gì mà người ta phải gửi tặng phẩm? Lời đáp cho những câu hỏi ấy sẽ tự hiện ra trong ta, nếu ta lưu tâm đến mục đích của cuộc hôn phối cũng như thái độ đối với nó từ phía hai gia đình. Tổ tiên của chú rể, nhằm bảo đảm phúc lợi sau khi đã chết của chính mình, mong muốn cho dòng họ của mình không lụi tàn và những hậu duệ của mình trên thế gian này có nhiều con cái, vì vậy, đối với các vị ấy điều rất quan trọng là tìm được cho chú rể một cô dâu thuộc dòng họ khác.** Còn tổ tiên của cô dâu thì suy luận một cách khác: họ được lợi gì, nếu một người chắt chút của họ trở thành vợ một người ngoại tộc? Họ sẽ chỉ mất đi một người hầu hạ, một người lẽ ra sẽ phải thường xuyên cúng tế họ, và như thế là cuộc sống sung mãn của họ ở thế giới bên kia sẽ bị thiệt hại. Như vậy vận hội ở đây là không cân bằng: một bên tổ tiên được, và được nhiều, còn bên khác thì mất. Để cho cái lợi cho một bên không kéo theo cái thiệt cho bên khác, cần phải đền thưởng cho bên ấy một số lượng những vật dụng hữu ích tương đương với cái phần mà bên ấy mất, khi họ để cho người con gái rời khỏi nhà mình. Rõ ràng, vào thời thượng cổ, người ta kiếm vợ cho con trai không phải bằng cách nào khác mà chính bằng cách mua, và vì chủ nhân của mọi sở hữu trước hết là tổ tiên của các gia tộc, cho nên chính họ mặc cả với nhau: tổ tiên của chú rể mua người thiếu nữ, tổ tiên của cô dâu nhận được một số vật dụng hữu ích như là cái giá của cô ta. ý nghĩa nguyên thủy của lễ gửi tặng phẩm chính là ở đấy.”*

Quan niệm ấy được chứng thực bởi một nghi lễ nữa được cử hành vào ngày thứ ba sau hôn lễ: bằng nghi lễ ấy người vợ tân hôn được chuyển giao cho sự cai quản của các vị tổ tiên mới, tức là tổ tiên của nhà chồng. Toàn thể gia quyến tụ tập trong nhà thờ họ, trước bài vị của tổ tiên, và sau những nghi thức cúng bái thường lệ gia chủ nói lời báo cáo thỉnh cầu như sau: “Con trai tôi, tên là thế này, ngày này tháng này đã kết hôn hợp pháp và giờ đây tôi xin được trình diện trước tổ tiên người vợ tân hôn của nó. Kính mong các vị thi ân quan tâm đến nó, ban cho nó cuộc sống hạnh phúc trường thọ, che chở nhà (mới) của nó và cho nó niềm vui được sống giữa đàn con cháu đông đúc. Xin kính cẩn khẩn cầu.”**

Phạm Vĩnh Cư dịch


*“Bách tính” (trăm họ) và “lê dân” (những đầu đen) - người Trung Quốc gọi dân mình như thế.

**Xem: Planckner, Ta-Hio, 250, 267, 268.

* A. Réville, La Religion Chinoise, p. 170

*Georgievsky. Những nguyên tc ca đời sng Trung Hoa, tr.121

* Bởi vì thông qua hôn lễấy họ sẽ có được thêm hậu duệ, những người sẽ thờ phụng họở thế gian này.

**Những cuộc hôn nhân giữa những người thân thích và thậm chí giữa những người cùng họ từ xưa bị luật pháp Trung Hoa nghiêm cấm.

*Georgievsky, sách đã dẫn, tr. 127, 128.

**Georgievsky, sách đã dẫn, tr.133.

 

Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114489865

Hôm nay

2136

Hôm qua

2297

Tuần này

21675

Tháng này

217177

Tháng qua

120271

Tất cả

114489865