Những góc nhìn Văn hoá

Bản xô nát Krâyxe và những sáng tác của L.Tônxtôi

Những người yêu thích văn học ở Việt Nam rất dễ dàng kể ra những tác phẩm nổi tiếng của L.Tônxtôi như Chiến tranh và hòa bình, Anna Karêtina, Phục sinh, Cha Xerghi, Cái chết của Ivan Ilich… Tôi từng hỏi có đến hàng chục người trong đó có nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà làm xuất bản… rằng đã từng nghe nói đến Bản xônát Krâyxe của L.Tônxtôi chưa thì tất cả đều ớ ra vì ngạc nhiên. Hình như là chưa hề có bản dịch ra tiếng Việt. Mãi đến gần đây, tình cờ gặp nhà thơ – dịch giả Thúy Toàn, tôi nhớ ra điều này và hỏi ông thì được biết Nguyễn Hải Hà từng đã có dịch.

Bản xônát Krâyxe:

Pôzưsép là một nhà quý tộc. Cũng như những người cùng giới, anh ta đã trải qua cuộc sống sinh viên. Anh ta từng bị thất tình, anh ta học được những thú tiêu khiển như đánh bạc, hút thuốc, uống rượu và cả đến những nhà chứa. Đến khi lấy vợ, anh ta yêu và chọn lấy một cô gái xinh đẹp và trong trắng. Khác với nhiều người đàn ông khác lấy vợ vì của cải, vợ anh ta là con của một gia đình trước đây giàu có nhưng đã bị phá sản. Những người đàn ông khác sau khi lấy vợ vẫn còn tiếp tục đời sống phóng đãng nhưng anh ta thì một mực trung thành với vợ.

Cuộc sống gia đình của Pôzưsép không hoàn toàn hạnh phúc. Anh ta và vợ luôn cãi cọ nhau, làm lành với nhau, ôm hôn nhau rồi lại cãi cọ nhau vì những chuyện không đâu.

Sau khi vợ anh ta sinh đứa con thứ năm, bác sĩ yêu cầu phải ngừng sinh đẻ. Vợ anh ta được thoát khỏi việc mang thai và cho con bú, nàng ăn diện, trang điểm, mở rộng quan hệ, đi đến nơi này nơi kia. Người chồng tỏ ra lo lắng, anh ta cảnh báo vợ, mâu thuẫn giữa hai người ngày càng gia tăng. Đúng lúc ấy xuất hiện người bạn, người hàng xóm cũ của anh ta. Trukhasépxki, người bạn hàng xóm, sau nhiều năm sống ơ nước ngoài mới trở về Nga. Anh ta là một người chưa vợ, khỏe mạnh, thanh lịch và chơi viôlông giỏi. Pôzưsép không ưa thích gì anh ta nhưng lại hướng anh ta vào việc chơi nhạc cùng với vợ mình. Anh ta lại còn tổ chức một buổi hòa nhạc cho hai người vào một ngày chủ nhật. Buổi hòa nhạc mở đầu bằng bản xônát Krâyxe (Kreutzer) của Bết tô ven (bản xô nát này cũng rất ít được biết tới ở Việt Nam). Sau ngày chủ nhật có buổi hòa nhạc ấy, Pôzưsép phải đi công cán ở một tỉnh xa. Do linh tính và suy đoán, anh ta bỏ công việc vội vã trở về Mátxcơva và b ắt gặp vợ mình cùng gã hàng xóm ở riêng trong một căn phòng của nhà anh ta vào lúc nửa đêm. Gã hàng xóm bỏ chạy, Pôzưsép dùng dao găm đâm chết vợ.

Câu chuyện thật buồn. Buồn vì tình trạng bế tắc mà Pôzưsép rơi vào. Buồn vì tâm trạng đau khổ và day dứt của nhân vật. Anh ta tự kết án mình là kẻ đã giết vợ ngay từ những ngày đầu sau khi cưới. Anh ta lên án những quan niệm, những thói sống xấu xa của những người ở tầng lớp trên, của xã hội hiện tại.

Bản xônát Krâyxe được L.Tônxtôi viết vào khoảng năm 1889, 1890. Tác phẩm này rất nổi tiếng ngay từ khi còn ở dạng bản thảo, nó đã được chép tay thành hàng trăm hàng ngàn bản, truyền tay từ người này sang người khác và được dịch ra tất cả các thứ tiếng. Sự tranh luận xung quanh tác phẩm này lan sang cả giới chính phủ. Người ta nói rằng vua Alếchxanđrơ đệ Tam thì hài lòng còn Hoàng hậu thì lại rất lấy làm phẫn nộ.

Những sáng tác của L.Tônxtôi.

Dường như tất cả các sáng tác của L.Tônxtôi là một cuộc đi tìm ý nghĩa của sự sống và cái chết. Ta nhớ đến đạo Thiền. Hầu hết các công án mà các thiền sư phải thực hiện đều xoay quanh chuyện sống – chết (sinh – tử, hữu – vô). Trong Chiến tranh và hòa bình là cái chết của hàng ngàn hàng vạn con người. Cái chết của vợ Anđrây Boncônxki và sự ra đời của đứa con chàng, cây sồi nảy lộc và tình yêu của chàng với Natasa Rôstốpva… Trong Anna Karênina, Anna xuất hiện cùng với cái chết của người nhân viên hỏa xa, kết thúc câu chuyện là cái chết của nàng dưới gầm tàu hỏa. Lêvin xúc động và trăn trở trước cái chết của người anh trai và sự ra đời của đứa con chàng…

Có một sự tương đồng giữa Anna KarêninaTruyện Kiều của Nguyễn Du. Hai người đàn bà “nổi danh tài sắc” cùng rơi vào bi kịch trong một khung cảnh xã hội được gọi là thanh bình. “Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”. Lêvin lấy vợ, sinh con, quản lý diền trang, đi săn. Kim Trọng, Vương Quan học hành đỗ đạt, Thúy Vân đẻ sòn sòn. Anna là người thuộc tầng lớp trên, Kiều thuộc tầng lớp trung. Anna chủ động đi tìm tình yêu, tìm phương giải thoát. Kiều bị các hoàn cảnh xô đẩy. Cái chết bạc mệnh của Đạm Tiên báo hiệu cái chết của Kiểu trên sông Tiền Đường. Cái chết của người nhân viên hỏa xa báo hiệu cái chết của Anna trên đường sắt. Tư tưởng cốt lõi của Truyện Kiều là vấn đề tài – mệnh. Nhiều người Pháp cho đến nay vẫn cứ cho rằng Anna Karênina là một cuốn tiểu thuyết tình yêu. Nếu chỉ là cuốn tiểu thuyết tình yêu thì tác giả của nó không thể đứng cao hơn được các nhà tiểu thuyết Pháp.

Có thể chia các sáng tác của L.Tônxtôi ra làm hai thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất với Thời thơ ấu, Những truyện Xêvatxtôpôn, Chiến tranh và hòa bình… Các nhân vật là từng thành viên của lịch sử và dân tộc. Các tác phẩm mang nhiều sắc thái tự tin hơn, nhà văn đang ở độ tuổi sung sức, còn chưa vợ và mới lấy vợ. Từ Anna Karênina (1873) đến Cái chết của Ivan Ilích (1881 – 1886), Bản xônát Krâyxe (1889), Phục sinh (1889 – 1899)… Các nhân vật ngày càng nhuốm màu sắc bi quan, tư tưởng tác giả ngày càng bế tắc, cuộc sống gia đình của nhà văn cũng ngày càng rơi vào khủng hoảng. Có thể coi Khátgi Murát (được viết khoảng 1896 đến 1902) như một chương kết lạc quan. Khung cảnh hoành tráng, giọng văn trong sáng và tự tin như những tác phảm được viết ở thời kỳ đầu.

Trong Phục sinh anh chàng Nêkhliu đốp nhìn các quý bà mệnh phụ với những bộ trang phục hở hang có vẻ đĩ điếm. Một hôm chàng nhớ đến mẹ chàng, chàng ngắm nhìn bức tranh chân dung của mẹ chàng. Họa sĩ đã vẽ bà trong bộ áo nhung đen hở ngực, bộ ngực và khoảng giữa đôi vú nổi hẳn lên. Chàng cảm thấy có một cái gì đó thật ghê tởm và nhơ nhuốc.

Trong Bản xônát Krâyxe, Pôzưsép nhận xét rằng các cô gái trong các nhà quyền quý chẳng qua cũng chỉ là một món hàng trong chợ nô lệ, hầu hết các cửa hàng trang sức là để dùng cho phụ nữ, các cô gái dù có học vấn, được dạy dỗ âm nhạc tình hĩnh vẫn chẳng hơn gì, cuối cùng chỉ là để gả bán cho một gã đàn ông nào đó. Anh ta còn nêu vấn đề: Con người yêu đương xác thịt là để duy trì nòi giống. Nhưng duy trì nòi giống con người để làm gì? Có phải để thực hiện một sứ mệnh cao cả nào đó không? Nếu có một sứ mệnh cao cả thì sau khi thực hiện xong sứ mệnh đó con người cần gì tồn tại nữa.

Theo V.Sclốpxki trong cuốn Lép Tônxtôi ( Nhà xuất bản Văn hóa Hà Nội 1978, Hoàng Oanh dịch), Bản xônát Krâyxe là “Tình yêu và cái chết của tình yêu” và: “Trong số tất cả những cuốn sách trong đó Tônxtôi viết về tình yêu hay là về cái điều mà người ta mệnh danh là tình yêu thì Bản xônát Krâyxe là cuốn bế tắc nhất”.

Nên nhớ rằng ban đầu L.Tônxtôi viết tác phẩm Kẻ giết vợ. Giết vợ là một tội danh điển hình cũng như tội giết cha trong Anh em nhà Kazamazốp, tội giết người cướp của trong Tội ác và trừng phạt của Đốttôiépxki. Cả Tônxtôi và Đốttôiépxki đều đã dựa vào những trường hợp phạm tội để nêu lên những vấn đề của nhân loại. Hai tác phẩm Bản xônát KrâyxePhục sinh của L.Tônxtôi đã nảy sinh trong khoảng thời gian gần nhau nhưng Phục sinh được hoàn thành sau tác phẩm kia đến một chục năm. Cả Pôzưsép và Nêkhliuđốp đều đau khổ về tội lỗi của mình nhưng Nêkhliuđốp tìm cách chuộc tội còn Pôzưsép thì hoàn toàn bế tắc.

Tôi đã xui một vài anh đầu nậu tìm bản dịch quyền này hoặc thuê người dịch nhưng họ đều tỏ ra không mấy hào hứng. Có thể họ vẫn chưa tin có một tác phẩm như thế. Cũng có thể họ cho rằng thời yêu thích Tônxtôi đã qua, nên dừng lại ở những gì mà ta đã biết.

                                                                                                Đ.H.N

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530178

Hôm nay

250

Hôm qua

2297

Tuần này

2347

Tháng này

216874

Tháng qua

0

Tất cả

114530178