Đất Nghệ

Nghệ An 1977

VHNA: Nhà văn, nhà báo Đặng Hồng Nam là Tổng Biên tập tạp chí Văn nhân của Hội  văn học nghệ thuật Nam Định. Ông là cựu sinh viên khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà nội. Chúng tôi đăng mấy trang nhật ký của Đặng Hồng Nam ghi trong đợt đi thực tập sưu tầm văn học dân gian ở NGhệ An để mọi người có thể hiểu thêm một NGhệ An từ góc nhìn của một sinh viên từ tỉnh xa lần đầu tiên đến nơi đây cách nay hơn 30 năm.  Và có thể lại là một tư liệu để mọi người chiêm nghiệm về mảnh đất này. Là nhật ký nên chúng tôi không chủ trương biên tập. Trân trọng giới thiệu

2-4

Lúc trên tàu Cương nói với tôi một câu khôi hài : “Người ta được thả xuống giữa cánh đồng và được nói rằng đấy là ga Vinh”.

Ga Vinh, quả thật như thế, cũng giống như rất nhiều cái ga ở miền Bắc này chỉ là một bãi đất rộng ngăn cách với những ruộng lúa xung quanh bằng ột hàng rào thép cũ rỉ lùng nhùng, vài miếng xác ô tô hỏng rỉ đen thủng lỗ chỗ. Đâu đấy một vài cái nhà tranh hoặc nhà xây một tầng thấp lè tè. Khách xuống ga mang theo nhiều hành lí cồng kềnh, ba lô, quang gánh xốc xếch lôi thôi. Bến xe gần đấy, cũng chỉ là bãi đất xám xịt không có cây cỏ gì, vài cái nhà tranh vách toàn bằng phên nứa xếp tùy tiện, một cái cửa hàng ăn mới xây nhưng đã có vẻ rất cũ vì nhà thấp dường như không quét vôi, lại xây xung quanh một bờ tường thấp lùn và vuông chành chạnh. Đường nhựa nhưng lồi lõm và đầy đất bụi, rác rưởi. Bến lúc này không có mấy xe, chỉ có cái Ba Đình kẻ xanh nhạt cọc cạch đậu ven đường và vài cái Renaul sơn đỏ vàng cũ rích từ Huế ra bé và gù gù như con bọ hung. Hồi xưa đã có lần đơn vị Cầu 1 thuê mấy cái xe này chở công nhân vào Truồi anh em đã phải kêu lên vì nó hệt như cái xe đám ma, ấy thế mà chạy cũng nhanh mà êm ra phết. Trong cửa hàng lỏng chỏng những chiếc bàn mặt đá và ghế đẩu cũ kĩ ; có vài người đang ngồi ăn, tôi đến xem và tỏ vẻ ái ngại với mấy người bạn vì trông bát cơm rời và nguội, thức ăn chẳng có gì nhưng thật ra ngoài cơm năm hào thì chả có gì rẻ hơn và chắc dạ hơn. Trong lúc chúng tôi còn trù chừ thì khác hàng bỗng chốc kéo đến đông nghẹt cửa bán vé. Khó khăn chen chúc một lúc mới lấy được vé cơm và còn lâu hơn thế mới lấy được cơm ra. Giao hàng cơm chỉ có một người, chị ta chậm mà phải làm tất cả những việc từ lấy bát đến xúc cơm, múc canh, thu vé. Người được nhận hàng đầu tiên mang ra bị xô đổ mất bát canh xuống cái bàn gẫn đấy, bát vỡ, canh bắn tung tóe, người ướt quần áo đứng dậy càu nhàu. Mỗi xuất cơm được một bát cơm và một ít phở nguội lạnh, có lẽ bị bán ế nên họ giải quyết bằng cách ấy thay thức độn, một bát canh xu hào còn âm ấm có mấy miếng thịt bò. Trên bàn, bát đĩa rếch để ngổn ngang, phải dọn mới để được bát đĩa của mình vào. Vịt nước mắm không có nắp và còn một tí dính đáy. Tính nhấc lên định dốc vào bát vội bỏ xuống lắc đầu, tôi nhìn vào trong thì thấy có con ruồi. Trộn canh vào bát bát phở nguội tôi lại vơ phải một con ruồi. Niệm không bảo thì cũng không biết, tôi vội gạt nó ra cùng mấy sợi phở liền đấy. Ăn vội vàng, quấy quá chúng tôi xách hành lí đi theo con đường đất đá gồ ghề về Ty Văn hóa. Chúng tôi gặp những cô gái béo tròn lùn tịt đạp xe trên đường, những cơ quan nứa lá ngổn ngang, những khóm tre, vườn cây ruộng lúa, những quán nước sơ sài núp dưới bóng cây. Lúc này chiều đã xuống, tới một con đường đầy vết ô tô đi, cây cối rậm rạp như trong làng, Hòe chỉ mấy cái ôt ô đậu đằng xa và bảo Ty Văn hóa ở đấy. Lúc này chúng tôi đã thấy được những ánh đèn thấp thoáng, thấy cột ăng ten cao cao, và xa hơn là khu nhà sáu tầng mang mầu vôi mới rất đẹp. Khu xây dựng đấy, phố Quang Trung do Đức giúp ta đấy, trông thật bề thế, thích thật.

Chúng tôi đến cái cổng thành cũ, hai bên là ao nhỏ cạn nước, Hòe bảo đấy là hào ngày trước. Vừa nãy chúng tôi gặp bia tưởng niệm,lăng Đội Cung. Lăng Đội Cung (?)        cũng đặt trước cổng thành cũ. Con đường đất đá gồ ghề, hai bên là cây cỏ và bãi đất , chúng tôi vui sướng thấy mình đi vào vùng đất của những di tích và biến cố lịch sử.

Sáng nay chúng tôi đi dạo phố. Qua một cái cổng thành, đi thêm một chút nữa mới tới đường Quang Trung. Thì ra chỗ chúng tôi ở là nằm trong thành xưa, từ cổng tả đến cổng hữu cũng chả là bao. Nắng mỏng chiếu trên thành phố Vinh. Chúng tôi sung sướng ngắm nhìn những tòa nhà mang màu vôi tươi rói, những tòa nhà đang xây dở dàn giáo nhôm còn cắm đầy xung quanh, những người công nhân hối hả làm việc. Đường thẳng rộng, có đoạn đã xây xong vỉa hè, có đoạn chưa, cột đèn cũ thấp, dây rợ chằng chịt vẫn còn nhưng đèn hộp thay thế đã dựng lên. Đoạn đường trước cửa chợ Vinh mới bỏ đá hộc còn lổn nhổn. Hòe chỉ một ngôi nhà hai tầng bên canh đường đã bị hư nhiều, hàng hiên tròn khá rộng bị quặp xuống giơ ra những cọng sắt lòng khòng, mảnh vữa nham nhở bảo đấy là Cửa hàng bách hóa ngày trước. Nhìn kiểu xây gạch tường còn lại cũng có thể đoán được trước khi bị phá hỏng ngôi nhà này khá đẹp. Chợ Vinh rộng nhưng ít hàng nên có cản giác thưa người. Cuối chợ có một cái loa công cộng kêu ọt à ọt ẹt ầm ĩ, tưởng giọng mấy ông trật tự, đến tận nơi mới biết rằng nó đang hát. Hàng thịt nhiều và hình như không có cửa hàng thực phẩm của mậu dịch, về sau tôi mới thấy cửa hàng mậu dịch ở Ngã sáu, hoàn toàn ngược với chợ Hà Nội là nơi người ta đến hầu như chỉ để mua hàng mậu dịch. Mấy nong thịt kê liền nhau. Chủ nhân cầm cân ngồi bên mấy miếng thịt được quăng đi quăng lại hình như chưa cắt hết tiết nên còn đỏ au. 11đ/ kg, như thế cũng bằng giá chợ đen ở Hà Nội. Khu bán cá không đông lắm, có mực tươi, có cá nướng nhưng cũng đắt. Hàng dép, nón mũ chạy dài song song với một dãy có những quán nước, hàng phở, bún. Hàng nước có loại kẹo lạc trộn mật đỏ như đồng thau, bên ngoài dính giấy báo trông khá to, bán năm hào một cặp, có bánh đa và bánh đa cặp lạc, bán chè tươi, không có chè chén.

Con đường ra Bến Thủy khá rộng, đèn cao áp dựng cao, hai bên toàn cây mới trồng. Trong nữa là những tòa nhà nhiều tầng mất nóc hay đổ vỡ lổn nhổn, cũng có tòa nhà lỗ chỗ vết bom đạn, mốc đen nhưng còn có thể ở được, nhiều gia đình sống trong đó. Suốt một đoạn đường dài mấy cây số chúng tôi luôn gặp những chỗ đang sửa sang, những chỗ vừa làm xong, những mái tranh mỏng manh xiêu vẹo, những tòa nhà bị bom phá hỏng, những đống đổ nát còn mang dấu tích của sự bề thề trước chiến tranh, đa số là những tòa nhà kiểu mới xây sau Hòa bình lập lại, khác với Nam Định là nơi nhà lớn đa số là từ thời Pháp. Chúng tôi đi trên con đường thẳng và rộng, nhìn hàng cây mới trồng, nhìn những công trình mới xây dựng hay đang tu sửa luôn reo lên như khám phá bất ngờ:

 - Nhìn hàng cây này, chục năm nữa thì phải biết…

  - Thành phố này chẳng bao lâu nữa nhỉ…

Tôi nhớ tối hôm qua bác Hoàng Thọ bảo với chúng tôi rằng nhân dân đang còn đói, tỉnh nhiều khó khăn nhưng quyết tâm làm thủy lợi và làm thủy lợi rất nhanh. Xây dựng thì chậm nhiều so với kế hoạch, ba năm phải xong phố Quang Trung mà nay hai năm rồi chưa được mấy, thiếu nguyên liệu quá, cứ tốc độ này thì một trăm năm mươi năm mới xong thành phố. Tôi chợt thấy mình đi dạo trên đường dài ngóng tìm những sự đổi mới như thế này thật vô nghĩa. Công cuộc xây dựng lại đất nước sau cuộc chiến tranh lâu dài đòi hỏi sự nỗ lực, đóng góp của mỗi người công dân chứ không cần sự sốt ruột hay mừng rỡ chờ đợi của kẻ đứng ngoài.

Bác Hoàng Thọ trưởng ban nghệ thuật, vừa chỉ đạo năm đoàn văn công của tỉnh, vừa làm công tác sưu tầm, lại vừa văn hóa quần chúng. Ông vốn trước là trưởng đoàn văn công miền núi nên biết rất nhiều các dân tộc trên ấy. Ông bảo rằng cả thành phố mới có một nhà hát chung với chiếu phim, xin mãi người ta không làm thêm, rằng năm đoàn phải phục vụ một tỉnh rộng hàng trăm kilômét thế này không sao làm xuể , rằng diễn viên phải biểu diễn nhiều, điều kiện vật chất thiếu, không kịp tái sản xuất sức lao động, không có thời gian học chính trị, bồi dưỡng ngành nghề. Ông bảo rằng qui định mỗi năm có hai tiết mục mới thật khó, đề tài cũ thì còn có thể chứ đề tài xã hội chủ nghĩa thì thật hết nói, ngay cả ở các nước khác người ta cũng thấy đề tài xã hội chủ nghĩa rất khó. Ông nhắc đến Hội nghị sân khấu điện ảnh vừa rồi, ông nhắc đến vở “Câu chuyện tình yêu” của Thế Anh cho rằng có cũng được mà không có cũng được, ông cho rằng cần thiết nhất là những gì nói về cuộc cách mạng xây dựng đang diễn ra sôi nổi khắp nước ta. Tôi giật mình vì trước đó tôi đã từng đánh giá vở kịch này bằng câu “được” vô thưởng vô phạt. Khi xem xong vở kịch tôi không có niềm phấn khích nào với nó nhưng dường như tôi thấy chưa có gì mới hơn, với tinh thần mệt mỏi tôi không nghĩ rằng cần và sẽ có cái gì cao hơn thế và về mặt lí thì tôi cần phải tỏ ra biết tôn trọng những người làm ra những cái mà mình chưa làm được. Mấy tháng nay tôi mang một thái độ đó khi đọc hoặc xem các tác phẩm đương thời. Trong họp bàn và tiếp xúc chúng tôi được biết Ty Văn hóa có kế hoạch lớn trong công tác sưu tầm. Theo chỉ thị của Bộ họ sẽ hoàn thành công tác này trong năm năm, họ lập ra một chuyên ban sáu người làm mỗi huyện sáu tháng xong mới ra, đến đâu được dứt đến đấy. Họ còn có người đã dành hai mươi năm làm công tác này, hầu như chưa có bản làng nào ông ta chưa đặt chân đến, ông ta ăn, ở, sống, nói năng y như người dân tộc, tài liệu của ông ta thu được rất nhiều, Ty đã cho in hai bản trường ca do ông ta sưu tầm được, hiện nay ông đã về hưu nhưng Ty mời ông ấy ra làm hợp đồng. Bởi vì thế họ rất nghi ngờ về kết quả chuyến đi sắp tới của chúng tôi chưa đầy một tháng mà đã định ra lắm địa điểm như vậy.

3-4

Chúng tôi dự định đi Nam Đàn thăm quê Bác nhưng ra đến bến xe mới biết ngày chỉ có hai chuyến xe ô tô thôi, chuyến sáng đi từ sáu giờ, chuyến chiều thì phải ngày hôm sau mới về được. Chúng tôi quay ra đi Cửa Hội, may quá đến bến thì gặp xe buýt. Người đông ngàu ngàu gồng gánh thúng mủng chen chúc nhau lên xe, mùi cá mắm các loại hăng xịt. Bán vé là một chị phụ nữ tuổi trên ba mươi, người to khỏe có nước da đen sạm, khuôn mặt thô, gò má cao và đầy, mũi to, mồm hơi dẩu ra, vẻ chậm chạp. Chị ấn vào vai tôi hỏi “Này mua vé chưa?”. Khác hẳn với những người bán vé trên xe buýt Hà Nội sẽ sàng nói: “Các vị khách mới lên xe bỏ tiền ra lấy vé nhé” hoặc một người tính tình vui nhộn: “Ai chưa có vé thì lấy ngay không hết đấy”. Vé màu xanh và đồng hạng năm hào, dường như không có bến đỗ mà khách yêu cầu xuống đâu là xe đỗ đấy. Cả tuyến mới có một xe, tuyến Bến Thủy cũng có một cái nhưng nó hỏng rồi nên thôi. Tôi nhớ đến lúc xếp hàng cơm ở cửa ga một người nói: “Người miền Nam ra họ bảo miền Bắc chỉ có vé xổ số là không phải xếp hàng”. Tôi nhớ đến cửa hàng ga Hàng Cỏ, Hà Nội bao giờ cũng có người xếp thành dãy dài dọc vỉa hè, toàn bà con nông dân chờ đợi mua bánh mì. Ở cửa hàng Tổng hợp, Mậu Dịch cửa Nam… chỗ nào bán bánh kẹo là y như có xếp hàng dài dằng dặc.Và các bến ô tô. Bến ô tô Vinh ướt át lầy lội tôi vừa ở đấy về.

 5-4

Lên Con Cuông. Xe chạy khá nhanh, đường khá tốt, không đến nỗi gập ghềnh khúc khuỷu như tôi tưởng. Từ Vinh lên thị trấn huyện một trăm cây số, đi mất chừng sáu tiếng nhưng tôi thấy không lâu vì hai bên đường đều lạ, phong cảnh luôn đổi mới trước mắt tôi. Nhìn phòng bưu điện, trạm truyền thanh xây khá “môđéc” tôi thấy vui vui. Thị trấn nằm trên một khoảng đất rộng có những nhà tranh lớn, một vài ngôi nhà ngói mới xây, đấy là các cơ quan huyện, đằng xa nữa là những khu nhà tranh của bộ đội, của các lâm trường, trường học. Đằng sau nó, về phía Bắc là bãi ngô xanh mượt chạy dài theo đường số 7 và cong sông Lam chảy cách đấy không xa. Tôi hơi sững sờ vì phong cảnh ở đây đẹp và gần gũi với tôi đến thế. Một thị trấn như thế này chẳng khác gì miền xuôi cả nếu không có những quả núi đứng nhấp nhô xung quanh và vài ba người phụ nữ dân tộc mặc váy thêu đi lại hoặc ngồi bên mẹt hàng. Thích thật, ở đây quang đãng, yên tĩnh mà không hoang dã. Ủy ban hành chính huyện phần nhiều là nhà lá duy chỉ có nhà khách hai tầng thấp, nhỏ gần kiểu nhà sàn miền núi và nhà ăn xây ở mãi sân phía trong nhưng sạch đẹp, nhiều cây, trước cửa mỗi nhà đều có những luống rau hoặc đậu, lạc mới trồng, mầm cây mới nhú lên chìa vài bai lá nhỏ bụ bẫm. Chúng tôi được dẫn vào căn phòng giữa tầng dưới của nhà hai tầng, đón chúng tôi là một cô gái chừng hai mươi tuổi, đậm người, có lẽ hơi to ngang một chút nhưng dáng vẻ nhanh nhẹn và rất duyên. Cô có nước da trắng mịn, đôi má hồng lên vì nắng mới, đôi mắt đen láy và sáng lấp lánh, tôi có cảm giác như đôi mắt vừa ngây thơ vừa tinh nghịch ấy nhìn vào ai thì như gim người ấy lại. Tôi thầm nghĩ: “Người miền núi mà tuyệt thật”. Còn điệu cười của cô nữa, cái cười mới sáng làm sao, cô nói giọng rất nhẹ và ấm và vì nó mang âm điệu của Nghệ Tĩnh nên ngọt dịu chứ không tách bạch đến nỗi thô như giọng Bắc. Người ta cứ hay chê giọng Nghệ Tĩnh khó nghe nhưng tôi cho rằng có lẽ chỉ từng vùng thôi, có lắm người ra Hà Nội phát âm đã nặng thì chớ lại cứ hay lên giọng thật là tiếng trọ trẹ nghe rất khó chịu nhưng cũng có người mà tiếng nói của họ còn hay gấp năm lần giọng Hà Nội. Một cô nữa béo tròn, tóc dài đang ngồi bơm xe có lẽ cô chuẩn bị đi đâu xa. Căn phòng nhỏ bày biện đơn sơ, một cái tủ mộc nhỏ trên để đôi vợt cầu lông và đôi vợt bóng bàn, sát đấy phía trong là tấm ri đô hoa che cái giường cá nhân. Bàn nước để cạnh cửa ra vào, có ba cái ghế dựa, trên bàn để hai cái phích to, một khay để ấm chén sứ men trắng. Lan, cô gái có duyên ấy rót ra từ trong phích cho chúng tôi những chén nước chè đỏ sẫm. Không cần biết chè có ngon hay không, chỉ cần nhìn màu nước có vẻ đặc ấy trong những cái chén trắng bóng sạch sẽ ấy, sau một chuyến đi xa lại gặp phải cái nắng chói chang của nắng mới, chúng tôi đã thấy hấp dẫn rồi./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521370

Hôm nay

2144

Hôm qua

2303

Tuần này

2144

Tháng này

219309

Tháng qua

121009

Tất cả

114521370