Những góc nhìn Văn hoá

Kafka bên bờ biển và Thiền

Mấy năm gần đây văn học hiện đại Nhật Bản được dịch và giới hiệu ở Việt Nam khá nhiều tuy chỉ mới tập trung vào một số tác giả như Haruki Murakami, Banana Yoshimoto, Yamada Amy…

Nhật Bản là một nước láng giềng có nền văn học lớn, nền văn hóa truyền thồng có nhiều tương đồng nhưng việc dịch các tác phẩm văn học Nhật ra tiếng Việt nói chung còn hạn chế, một số tác giả kể trên đã nổi tiếng ở Nhật và được các nước Âu- Mỹ đánh giá rất cao hàng chục năm trước khi được giới thiệu ở Việt Nam và thường được dịch qua các bản tiếng Anh.

Riêng tác giả H. Mura Kami tôi đã có trong tay năm cuối, đó là: Rừng Na uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Phía nam biên giới, phía Tây mặt trời, Người tình SputnikKafka bên bờ biển. Tôi cũng mới có được chúng gần đây sau vài lần ghé vào mấy hàng bán sách ở vỉa hè. Mua sách ở những hàng bán ở vỉa hè có rẻ hơn chút ít so với giá bìa nhưng cái chính là tiện trên đường đi. Khi mua không để ý, về sau mới biết đa phần là sách in lậu, chất lượng in rất tồi, may là không ảnh hưởng mấy đến nội dung, tuy nhiên cũng làm giảm hứng trong khi đọc.

Có lẽ Kafka bên bờ biển là tác phẩm lớn nhất của H. Murakami mặc dù độ dày của cuốn sách không bằng Biên niên kí chim vặn dây cót. Cũng như Biên niên kí chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển đưa ra một cách nhìn thế giới và một triết lí sống nhưng ở mức độ khái quát cao hơn.
 
Việc bỏ nhà ra đi của cậu bé Tamura mang hình thức nổi loạn ở tuổi vị thành niên nhưng thực chất là một cuộc đi tìm tự do. Tự do mà H. Tamaru dường như quan niệm là phải tìm ra chính mình, gạt bỏ chính mình và trở về chính mình. Tư tưởng đó có từ Thiền, một triết lí ăn sâu vào đời sống tinh thần của người Nhật Bản từ xa xưa và vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh cho đến tận ngày nay. 
 
Thiền khác với đạo Phật và các tôn giáo khác ở chỗ nó không hướng người ta trông cậy vào sự giúp đỡ của một đấng toàn năng (Phật độ hoặc Chúa cứu vớt) mà nó đòi hỏi mỗi con người phải vươn lên, phát huy hết những tố chất vốn có của bản thân để có một sức mạnh vô biên chiến thằng mọi trở ngại, tai ương. Kiến tính thành Phật. Tất cả mọi người đều có thể thành Phật. Vấn đề là tìm tới được bến giác. Con đường tìm tới bến giác là vô cùng gian nan.
 
Thiền ra đời ở Trung Quốc vào khoảng thế kỉ VI-VII, đó là sự kết hợp tuyệt vời của đạo Phật và những tinh túy của văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là tư tưởng Lão Trang, sau đó được lan truyền sang các nước như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản với những tông phái khác nhau. Nhiều người Việt Nam tự hào vì có thiền phái Trúc Lâm ra đời vào thời Trần. Phật giáo Thiền tông có ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống xã hội của nước Đại Việt lúc bấy giờ và là một trong những nguồn sức mạng tinh thần để nước ta giành thắng lợi trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.
 
Kafka Tamura, nhân vật chính của tác phẩm, luôn tự nhủ mình: “Hãy là trang thiếu niên mười lăm tuổi kiên cường nhất thế giới”. Ở tuổi mười lăm người ta bắt đầu bước vào đời. Cuộc đời luôn sẵn có nhiều bất trắc rình rập. “Đôi khi số phận giống như một cơn bão cát nhỏ cứ xoay chiều đổi hướng liên tục…” (trang 7).
 
Vào đúng ngày sinh nhật lần thứ mười lăm của mình Kafka Tamura quyết định ra đi vì cậu ta thấy phải ra đi hoặc không thể không ra đi. Cậu ra đi để gạt bỏ tất cả những gì của cha mẹ cậu để lại trong con cậu, kể cả bản đồ gen. Cậu chối bỏ người cha để đi tìm người mẹ và người chị đã bỏ nhà ra đi từ khi cậu còn bốn tuổi. Cậu không biết rằng cuộc ra đi của cậu là để thực hiện lời nguyền của cha cậu: “Một ngày kia mày sẽ giết cha mày và ngủ với mẹ mày”. Cuối cùng thì cậu hiểu rằng dù có vẫy vùng đến mấy thì cậu cũng không thể thoát khỏi những yếu tố của cha cậu. Sau một thời gian đầy biến động Kafka Tamura đã giác ngộ. Cậu tìm thấy sự bình thản trong tâm hồn, quay trở về nhà, đến trường đi học, sống một cuộc sống bình thường.
     
Song hành với Kafka Tamura là một số phận khác. Ông già Tanaka. Vốn là một học sinh tiểu học, vào năm 1944, trong thời gian chiến tranh Mỹ-Nhật, gặp một rủi ro mà cho đến ngày nay vẫn không ai biết được đích xác nguyên nhân, Tanaka đột nhiên mất hết trí nhớ, quên cả cách đọc, viết. Con người tưởng chừng như sống dưới đáy xã hội lại có đời sống tinh thần hết sức cao quí. Ông luôn luôn vui vẻ, ung dung tự tại, không hề biết đến âu lo hay thù hận. Không những thế nhiều khi ông còn nói chuyện được với mèo. Sự hòa hợp với thiên nhiên của ông là rất cao. Ông như một thiền sư đã “chứng ngộ” nhờ một sự cố đặc biệt mà trong Thiền học người ta vẫn gọi là “đốn ngộ”. Khác với Tamura luôn cần đến tri thức, sách vở và những tiện nghi của thế giới hiện đại, ông già Tanaka dường như không cần đến tất cả những thứ đó. Đấy cũng là một hướng đến của Thiền. Qua sông bỏ thuyền. Bất lập văn tự, dĩ tâm truyền tâm. Về sau này, khi lọt được vào vùng đất không thời gian ở giữa rừng, Tamura được biết ở đấy có một thư viện gồm những cuốn sách không hề có chữ. Saeki trước khi chết đã yêu cầu đốt hết tất cả những gì mình đã dành cả đời để viết ra. Bị thôi thúc bởi một sứ mệnh vô hình, Tanaka sau khi cầm dao đâm chết nhà điêu khắc Koichi Tamura đã đi đến thành phố Shikoku để tìm phiến đá cửa vào. Tìm được phiến đá, lật được nó lên, mở được cửa vào, dường như đã hoàn thành sứ mệnh, Tanaka giã biệt cuộc sống.
 
Với hành trình của Kafka Tamura nhà văn dường như mong muốn đưa ra một phương thức giải thoát cho con người hiện đại. Con người ở thời đại hậu công nghiệp có nhiều thuận lợi về mặt vật chất nhờ những thành tựu của công nghiệp, khoa học-kĩ thuật nhưng vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn thách thức diễn ra ở bên ngoài nhưng cũng diễn ra ở bên trong mỗi con người. Phương thức giải thoát mà ông đưa ra được dựa trên cơ sở tư tưởng của Thiền. Thiền hầu như không hề được nhắc đến trong toàn bộ tác phẩm nhưng những vấn đề kinh điển của Thiền luôn được đặt ra. Các nhân vật thường băn khoăn: Ta là ai? Từ đâu tới? Trở về đâu? Sinh ra như thế nào? Chết nhưthế nào?...
 
Phân tâm học của S. Freud, một trong những phát kiến khoa học lớn nhất của thế kỉ XX, sánh ngang với thuyết tương đối của A. Einstein, mở ra một khả năng chưa từng có trong việc soi vào những vùng mờ tối, sâu thẳm trong đời sống của con người. Một trong những “ca” điển hình được các nhà phân tâm học quan tâm là Ơđíp, kẻ trước khi sinh ra đời đã được tiên đoán là sẽ giết cha và lấy mẹ. “Mặc cảm Ơđíp” là thuật ngữ thường được nhắc đến. H. Murakami đã thực sự thành thạo trong việc sử dụng phân tâm học như một công cụ để phân tích tâm lí nhân vật của mình. Cái mà ông dường như làm hơn được tất cả các nhà văn phương Tây là đưa được phân tâm học, cả câu chuyện của Ơđíp vàp trong khoảng chứa bao la của tư tưởng Thiền. F. Kafka, nhà văn được coi là lớn nhất thế kỉ XX với những nhân vật hết sức cô đơn cũng được lồng ghép vào trong đó.
 
Nhưng H. Murakami là một nhà văn chứ không phải là nhà triết học, thiền học hay phân tâm học. Tác phẩm của ông phản ánh đời sống xã hội Nhật Bản cũng như thế giới hiện đại ở cuối thế kỉ XX. Với vốn hiểu biết vô cùng phong phú, với lối viết hết sức chân xác, tác phẩm của ông cuốn hút người đọc dõi theo từng bước trong hành trình của mỗi nhân vật. Tác phẩm của H. Murakami quả thật là hấp dẫn nhưng đọc có hơi mệt, hệt như đọc các tác phẩm của Đốt vậy. Tuy nhiên, mấy chương cuối dường như được viết có phần kém chặt tay đôi chút. Câu chuyện được mở ra , diến tiến của nó rầm rộ như thế, đóng lại như thế nào là điều rất khó. Cuộc ra đi rồi trở về nhà của Tamura dường như là một kết cấu đã được định trước, thể hiện sao cho không bị rơi vào khô cứng, giáo điều là điều H. Murakami hết sức tránh và thực sự ông đã làm được. Sau chương 46, phần “Cái thằng tên là quạ” có lẽ không cần thiết.
 
Người ta nói nhiều đến yếu tố sex và siêu thực trong tác phẩm này. Sau cái gọi là “cách mạng giải phóng tình dục” diễn ra ở giữa thế kỉ XX mọi điều cấm kị trong văn học dường như hoàn toàn được xóa bỏ. Nếu ở văn chương thế kỉ XIX người ta chỉ dám dừng ở mức như “chàng hôn lên khắp nơi trên cơ thể nàng” thì nay người ta có thể nói say sưa về nhiều điều khác nữa. Trong các tác phẩm của H. Murakami việc nói đến hoạt động của tất cả các bộ phận của cơ thể đều là đòi hỏi bắt buộc để diễn tả đầy đủ nhất trạng thái tâm lý của nhận vật. Chủ nghĩa siêu thực đã có từ lâu , thủ pháp siêu thực cũng đã được thể hiện quá nhiều trong văn học thế giới. “Siêu thực” là cách nói của các nhà phê bình phương Tây, thực ra những yếu tố phi thực ở đây bắt nguồn từ lối tư duy, văn học truyền thống Nhật Bản và phương Đông nhiều hơn. Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Người ta có thể không tin nhưng chưa dễ gì bác bỏ nó.
 
Mặc dù được dich từ tiếng Anh nhưng bản Việt ngữ của nhà thơ Dương Tường là rất hay. Xin mạo muội có vài ý nhỏ. Miss Saeki, có chỗ được chuyển là Saeki. Trong tiếng Việt cũng có nghĩa là người đàn bà không chồng. Có thể chuyển tất cả sang với chú thích lần đầu hoặc phiên âm theo bản gốc tiếng Nhật. “Căn hộ 308, Takamatsu Park Heights”. Park Heights có thể đã được dich từ tiếng Nhật, nếu thế thì cũng cần phải dịch ra tiếng Việt. Sau một quá trình dịch rất công phu dịch giả đưa ra một số nhận xét in ở cuối sách. Việc ví tác phẩm này với “món lẩu thập cẩm” e không được đúng lắm. Nếu nhà thơ đọc lại Vũ Bằng thì có thể hiểu rõ hơn thế nào là lẩu.
 
                                                                                                Hà Nội 1.3.2009
                                                                                                         Đ.H.N

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525319

Hôm nay

2133

Hôm qua

2364

Tuần này

22021

Tháng này

212015

Tháng qua

0

Tất cả

114525319