Những góc nhìn Văn hoá

Chữ LỄ của Khổng tử và công dụng của nó

Có thể khẳng định “lễ” là một trong những phạm trù đạo đức có ý nghĩa phổ biến trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Trung Quốc. “Lễ” được xem là một trong năm đức cơ bản nhất của con người. Tuy nhiên bộ Kinh Lễ lại ra đời muộn nhất so với tất cả các kinh điển của Nho gia.

Niên đại xuất hiện của bộ kinh này cho đến nay vẫn còn là một câu hỏi chưa thực sự được giải đáp. Tuy vậy, có thể khẳng định rằng phạm trù “lễ” xuất hiện vào đầu thời kỳ nhà Hạ (khoảng 2205 – 1766 TCN), sau đó “lễ” trở nên hưng thịnh nhất vào thời kỳ đầu nhà Chu (khoảng thế kỷ XI TCN). Thời gian Kinh Lễ được ghi chép thành sách rất dài, có thể từ thời Chiến Quốc đến giữa thời Tây Hán.

Sự ra đời của phạm trù “lễ” có hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất: “lễ” ra đời với mục đích tế tự, thuận theo đạo của trời đất để lý giải đạo của con người. Theo nghĩa này thì lễ ra đời là để thờ cúng, qua đó cũng biểu hiện mối quan hệ giữa con người với nhau trong quá trình phát triển của xã hội. Nguồn gốc của “lễ” được thần thánh hóa: “Thánh nhân tạo thành tạo thành nguyên tắc ấy phải lấy trời đất làm gốc. Lễ là do các tiên vương thuận theo đạo trời, lấy tình cảm để trị dân” [1, tr 333].
Nguyên nhân thứ hai: Quá trình phát triển của xã hội đòi hỏi phải có “lễ” để giáo hóa con người, từ đó đặt ra chuẩn mực đạo đức chung cho toàn xã hội. Con người cần có “lễ” để làm quy tắc, chuẩn mực để phân định giới hạn thiện, ác. “Lễ” có nhiệm vụ làm cho con người từ ác trở thành thiện và quy thuận nhà cầm quyền.
Phạm trù “lễ” ra đời bởi hai nguyên nhân trên nhưng sự phát triển của nó là một quá trình gắn liền với sự phát triển của các triều đại Trung Quốc ngay từ thời cổ đại. Sự xuất hiện ban đầu của “lễ” nguyên là kính trời, thờ quỷ thần, tôn thờ tổ tiên, cầu phúc đức”[1, tr 332], như vậy chúng ta có thể hiểu rằng phạm trù lễ xuất hiện ban đầu chỉ là một dạng sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân, chính vì thế nó mang màu sắc lễ nghi của tôn giáo ở Trung Quốc cổ đại. Trải qua quá trình phát triển của đời sống xã hội, phạm trù “lễ” ngày được mở rộng. “Lễ” được coi là lễ nghi, lề lối cư xử, quy tắc, luật lệ chuẩn mực quy định trật tự quan hệ xã hội, từ trong gia tộc đến ngoài xã hội”[1, tr 332], những chuẩn mực của phạm trù “lễ” lúc này được biểu hiện trong mối quan hệ ngũ luân như quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu.  
   “Lễ” (có thể hiểu theo ba cách căn bản. Cách hiểu thứ nhất “lễ” dùng để “phân biệt con người và các loài động vật khác”[8, tr 11]. Theo cách hiểu này cho thấy chỉ có con người mới dùng “lễ” để đối đãi với nhau, còn con vật thì không biết đến “lễ”, chính vì thế Khổng Tử cho rằng “người mà không biết phân biệt lễ nghĩa là đạo của cầm thú”[8, tr 11].
Cách hiểu thứ hai, “lễ” dùng để quy định trật tự của con người trong xã hội, như phân biệt ranh giới vị trí vua tôi, trên dưới, lớn nhỏ. Bên cạnh đó lễ còn dùng để trị quốc gia, để quản lý các mối quan hệ như từ trong gia đình tới ngoài xã hội, bao gồm các mối quan hệ trong xã hội.
Cách hiểu thứ ba, “lễ” dùng để tu dưỡng phẩm đức của con người, làm cho con người trong xã hội “nói điều tín nghĩa hòa mục, cho nên người ta không chỉ lo cho người thân của mình, không chỉ lo cho con cái của mình”[8, tr116].
Phạm trù lễ đối với việc tu dưỡng tính tình. Khổng Tử rất coi trọng tình cảm của con người, ông cho rằng tất cả đều do tình cảm mà sinh ra. Vì thế thánh nhân phải dạy cho con người những đạo lý tốt đẹp nhất. Mục đích là để hình thành cho con người có những tình cảm tốt, tức là gây thành cái gốc của đạo nhân tồn tại trong mỗi cá thể của xã hội. Nghĩa thứ nhất của “lễ” thuộc về tế tự, ở góc độ này chữ lễ vẫn có quan hệ với đạo đức. Việc tế lễ là việc tưởng nhớ của những người đang sống đối với những người đã khuất. Không chỉ dừng lại ở việc thờ cúng, dùng lễ mà còn bao hàm tình cảm trong đó. Tức là lấy cái tâm thành thực để dâng đến tổ tiên, quỷ thần: “Phù tế giả, phi vật tự ngoại chí giả dã, tự trung xuất sinh ư tâm giả dã: tế không phải là do vật tế ở ngoài mà là do (lòng thành) xuất tự tấm lòng”[8, tr 203].
Khổng Tử chủ trương dùng lễ để giáo hóa tính tình của con người mục đích là tạo thành một không khí lễ nghĩa, khiến cho xã hội có chung một quan niệm đạo đức, tập quán để làm việc thiện, việc phải, mà vẫn tự nhiên không mang tính gò bó. Mục đích cuối cùng là để đưa xã hội từ vô đạo trở về với có đạo.
Khổng Tử cho rằng bản tính con người vốn thiện, con người trở nên bất thiện là do con người không có lễ, chính vì thế bậc thánh nhân cần phải giáo hóa cho họ. Nhưng nếu cứ để con người tự do thì sinh ra lắm bất cập. Vậy nên phải lấy lễ để khiến hành vi của con người ta cho có chừng mực, để lúc nào cũng hợp với đạo trung dung. Khổng Tử nói rằng “cung kính quá lễ thành ra lao nhọc thân hình; cẩn thận quá lễ thành ra nhát gan; dũng cảm quá lễ thành ra loạn nghịch; ngay thẳng quá lễ thành ra gắt gỏng, cấp bách”[2, tr 121]. Như vậy lễ theo Khổng Tử là cốt để giữ chừng mực cho những hành vi của con người trong xã hội, chính vì thế nên “Đạo đức nhân nghĩa mà thiếu lễ thì ắt không thành. Giáo huấn để chính đính phong tục mà thiếu lễ ắt không đầy đủ, ngay cả những việc phân tranh cãi cọ, không có lễ không thể giải quyết được.”[8, tr 37]. Chính vì thế người quân tử phải biết làm cho sáng cái lễ, phải biết cung kính tuân theo tiết độ của lễ.
Lễ trong trật tự xã hội. Trong trật tự xã hội tồn tại thứ bậc, do vậy phải phân định rõ ràng trật tự xã hội trên dưới cho phân minh. Trong xã hội có quan hệ vua tôi, cha con, chồng vợ, bằng hữu. Ngoài ra còn có người thân kẻ sơ, có việc phải việc trái. Cho nên phải có lễ để phân định cho rõ ràng những trật tự ấy, chỉ có lễ mới làm cho con người giữ đúng chuẩn mực của mình “người giữ lễ là người có thể xác định được thân hay sơ, giải quyết được hiềm nghi, phân biệt được đồng và dị, rõ ràng được đúng và sai”[8, tr 37]. Như vậy lễ cốt để phân định trật tự, khiến cho vạn vật xáo trộn, mỗi vật đều thực hiện đúng vai trò vị trí của mình, nếu không có lễ thì “kẻ tiểu nhân nghèo thì quá thúc ước bắt chước, khi giàu thì lại kiêu ngạo. Thúc ước quá thì (dễ) sinh ra trộm cắp, kiêu ngạo quá thì (dễ) xẩy ra làm loạn”[8, tr 241]. Muốn cho xã hội thoát khỏi loạn lạc, trở nên phồn vinh, thịnh trị nên thánh nhân đặt ra lễ. “Lễ là vì cái tình người mà áp dụng tiết chế phòng ngừa cho dân. Vì vậy, thánh nhân tiết chế sự quá giàu quý, khiến cho dân giàu nhưng không đủ kiêu ngạo, nghèo nhưng không đến nỗi quá tiết kiệm thăt buộc, quý nhưng không phạm đến bậc trên, nhờ vậy loạn tự hết”[8, tr 141]. Khổng Tử cho rằng nếu không có lễ thì làm sao mà biết thờ trời đất quỷ thần cho phải, lấy gì để có thể phân biệt được nghĩa vua tôi, trên dưới cho hợp đạo lý “không có Lễ thì không có tiết độ ý nghĩa để thờ trời đất thần linh, không có Lễ thì không phân biệt đâu là tình trai gái, cha con, anh em, hoặc những người giao tình xa gần, hôn nhân. Bâc quan tử vì thế mà phải tôn kính Lễ; sau đó mới dùng tài năng mình dạy dỗ trăm họ để đừng bỏ mất tiết lễ”[8, tr 221]. Như vậy lễ dùng để phân biệt tôn tri trật tự, phép tắc để tổ chức luân lý ở trong gia đình, xã hội thậm chí lễ còn được xem là chuẩn mực đạo đức chung của con người.
Trên quan điểm con người vốn thiện, Khổng Tử cho rằng người ta sinh ra thích an tĩnh, nhưng trong quá trình tồn tại con người bị môi trường xung quanh làm cho động. Con người khi mới sinh ra như một tờ giấy không có vết tích của sự yêu và ghét, thế nhưng sau đó môi trường sống bắt đầu vẽ lên tờ giấy kia sự yêu và ghét. Quá trình đó làm cho yêu và ghét hình thành trong mỗi con người. Về bản chất thì yêu và ghét không có tiết độ bên trong nhưng bên ngoài thì chịu sự tác động của môi trường sống làm cho mê muội dẫn đến không làm chủ được bản thân mình. Nếu con người làm chủ được bản thân không để cho sự mê muội làm chủ bản thân thì còn biết phân biệt phải trá. Còn nếu chỉ làm theo sự ham muốn của bản thân thì thiên lý ắt bị tiêu diệt. Theo Khổng Tử thì con người vốn bẩm thụ tính trời, cái tính ấy cảm xúc với ngoại vật mà động, tính động thì thành ra tình. Tình thì tồn tại trong mỗi con người, nhưng nếu không có cái gì để tiết chế thì sẽ làm cho mất cái thiên tính đó đi.
Theo Khổng Tử, tình cảm của con người rất khó nắm bắt, do vậy phải hướng tình cảm của con người tới những giá trị đạo đức cao cả. Trên quan điểm đó chúng ta có thể hiểu con người thường tình hễ có thừa thì xa xỉ, khi thiếu thốn thì dè sẻn, nếu không ngăn cấm hành vi thì dẫn đến dâm đãng. Cái tình của con người không bộc lộ ra bên ngoài mà nó được ẩn khuất bên trong nên rất khó nắm bắt. Chỉ có thể dùng lễ mới có thể ngăn cấm được sự uẩn khuất bên trong đó vì “cái đại dục của người ta là ở việc ăn uống trai gái, bao giờ cũng có, cái đại ố của người ta là sự chết mất, nghèo khổ, bao giờ cũng có. Cho nên dục ố, là cái mối lớn của tâm vậy, người ta giấu kín cái tâm, không biểu hiện ra ngoài. Nếu muốn tóm lại làm một để biết cho cùng mà bỏ lễ thì lấy gì mà biết được”[2, tr 115]. Khổng Tử cho rằng các triều đại đã qua sở dĩ trị được thiên hạ, là vì họ hiểu rõ được tính tình của con người cho nên mới đặt ra các quy củ phép tắc bao hàm lễ và nghĩa để phân biệt cái lợi và hại là cho dân biết kính.

Việc sử dụng lễ để giáo hóa con người đã đem lại nhiều thành quả tốt đẹp. Sự giáo hóa của lễ rất như có phép mầu nhiệm, ngăn cấm những suy nghĩ lệc lạc của con người khi nó chưa hình thành ra. Lễ khiến con người ngày ngày tiếp xúc với những điều thiên, tránh xa những tội lỗi.
Như vậy xét kỹ những nội dung đã bàn trên của phạm trù lễ của Khổng Tử chúng ta thấy, tác dụng của lễ bao hàm tất cả các hành vi con người và các thiết chế của toàn xã hội. Nghĩa rộng của chữ lễ bao hàm cả pháp luật, thế nhưng tư tưởng của Khổng Tử lại thiên về cái quy củ mục đích là giáo hóa, trong lúc đó pháp luật lại thiên về cấm.
Trong một số hoàn cảnh nhất định chúng ta thấy dùng lễ vẫn còn phù hợp, dùng lễ có thể ngăn cấm ngững việc chưa xẩy ra, trong lúc đó dùng hình là cái ngăn ngừa việc đã xẩy ra.
Công dụng của lễ trong phương diện đạo đức. Quá trình diễn tiến lịch sử, phạm trù lễ đã có sự biến đổi, nhưng dù biến đổi đến đâu đi nữa thì lễ cũng mang trong mình nó những giá trị đạo đức nhất định. Khổng Tử coi lễ như là bản tính khiến con người khác với vạn vật, lễ luôn gắn liền với cuộc sống của mọi người, giai cấp thống trị sử dụng lễ như một công cụ đắc lực để thống trị xã hội lúc bấy giờ. Nhà vua dựa vào “phép tắc là để xem xét đức, đức là để giải quyết việc, việc để đánh giá công lao, công lao là để cho dân ăn”[1, tr 336].
Khổng Tử cho rằng, công dụng căn bản của lễ không có gì khác hơn là chính nền đạo đức. Ðạo nhân, đạo nghĩa, đạo tín, là những đức tính căn bản của lễ. Một người thiếu lễ, không thể là người quân tử “lễ là việc làm của con người, không có lễ, không có gì đứng vững được”[1, tr 336]. Do vậy trung, hiếu thực ra chỉ là những quy tắc tất yếu xây dựng trên nhân, nghĩa, và tín, trong khi lễ là một phương thế biểu hiện những đức tính trên.
Công dụng của lễ còn được biểu hiện ở những nghi thức khi cúng tế, khi thụ tang. Những nghi thức này không phải từ trên trời rơi xuống cũng không phải từ dưới đất chui lên, con người muốn nắm được lễ đó thì phải học. “Không học lễ, không lấy gì để đứng vững được”[1, tr336]. Khổng Tử nhấn mạnh tới nghi thức cũng như thái độ của con người khi đã hiểu lễ thì có thể làm được tất cả các việc trong xã hội. Như vậy lễ là quy tắc mà con người bắt buộc phải theo trong xã hội lúc bấy giờ. Khổng Tử cho rằng những người khi đã hiểu lễ rồi thì sẽ có một lối sống toàn diện, tức lối sống đó đòi hỏi mọi người phải theo để có thể bảo tồn sự sống và xã hội.
Ngoài ra Khổng Tử còn chủ trương lấy lễ làm nền tảng cho tất cả nền đạo đức. Lễ mang tính chất như một cái thước đo lường, cái thước phát xuất từ nội tâm nhưng có thể đo được con người nhờ vào hình thức ở bên ngoài. Nói cách khác, nếu nhân là cái bản chất của đạo đức, thì nghĩa là cái thước đo, là cái mức, cái hình mà chỉ theo đó ta mới nhận ra được nhân. Khổng Tử cho rằng “Phi lễ phi thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động: sắc chi không hạp lễ thì mình đừng ngó, tiếng chi chẵng hạp lễ thì mình đừng nghe, lời chi chẳng hạp lễ thì mình đừng nói, việc chi chẳng hạp lễ thì mình đừng làm”[2, tr 181]. Lễ chỉ là những hình thức, nghi thức. Nhưng nếu nghi thức đó áp dụng sai, hay cho những người không xứng đáng thì một nghi lễ như vậy mất hết cả ý nghĩa của nó, và nó không thể phát huy được tinh thần của lễ. Người hiểu lễ trở thành con người đạo đức (quân tử). Vậy nên, lễ luôn phải đi với nghĩa, nhân phải có nghĩa, và ngay cả đạo cũng cần phải có nghĩa, mới có thể thực hiện được.      
Các bậc thánh vuơng nhận ra tai họa của vô trật tự nên đã thiết lập lễ, và dạy dỗ dân chữ nghĩa, với mục đích giúp người dân nhận ra được cái giới hạn cũng như trách nhiệm khi đi tìm thỏa mãn ước vọng của mình. Như vậy công dụng của lễ tồn tại trong tất cả những giá trị đạo đức của xã hội lúc bấy giờ “dân chúng do lễ mà sinh sống, vì vậy lễ rất lớn, không có Lễ thì không có tiết độ, ý nghĩa để thờ trời đất thần linh, không có Lễ thì không thể phân biệt đâu là tình trai gái, cha con, anh em hoặc những giao tình xa gần, hôn nhân. Bậc quân tử vì thế mà phải tôn kính Lễ”[8, tr 220].
Công dụng của lễ trong lĩnh vực chính trị, xã hội. Khổng Tử cho rằng nếu mọi người trong thiên hạ không giữ đúng đạo của mình sẽ trở nên loạn. Trên quan điểm đó ông chủ trương dùng lễ để điều tiết xã hội, khiến con người trở về với đạo nhân. Lễ là làm cho quốc gia ổn định, dân chúng có lợi.
Công dụng của lễ là để điều chỉnh hành vi của dân, cho nên nhà cầm quyền phải dùng lễ để dạy phép tắc cho dân. Khổng Tử cho rằng trong xã hội nếu thiếu lễ sẽ không thể phân biệt được lớn bé, già trẻ. Không phân biệt được người trên, kẻ dưới. trong một xã hội như vậy tất yếu sẽ sinh ra loạn lạc, tranh quyền, đoạt vị. Trên quan điểm đó Khổng Tử cho rằng lẽ sẽ tồn tại với thới gian, sánh ngang cùng trời đất. Lễ làm cho cha nhân từ, con hiếu thảo, anh thương yêu em kính cẩn, chồng hòa hợp vợ nhu thuận.
Lễ có công dụng trong các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ vua tôi. Ông cho rằng nếu nhà cầm quyền dùng lễ để cai trị khi hạ lệnh “bề tôi nghe theo, thuyết phục ở chổ có lễ thì xã tắc được bảo vệ giữ gìn vậy”[1, tr337]. Để bình ổn xã tắc theo ông nhà cầm quyền phải dùng lễ, nếu nhà cầm quyền dùng lễ để trị dân thì tự nhiên dân sẽ tự cảm hóa và thịnh trị. Lễ sở dĩ gìn giữ được nước là do thi hành chính lệnh, không làm mất dân của nước[1, tr 337]. Phê phán quan điểm dùng hình để trị nước của các học phái đương thời Khổng Tử cho rằngnếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp lệnh mà dẫn dắt dân chúng, chuyên dùng hình phạt mà trị dân thì dân sợ mà chẳng phạm pháp đó thôi chứ họ chẳng có lòng hổ thẹn, vậy muốn dẫn dắt dân chúng phải dùng đức, muốn trị dân phải dùng lễ thì chẵng những dân biết hổ thẹn mà còn cảm hóa để trở nên tốt lành” [2, tr 15].Nếu nhà cầm quyền biết dùng lễ nhượng trị đất nước, thì cai trị có khó gì? Còn như không biết dùng lễ nhượng cai trị đất nước thì làm sao mà có lễ được”[2, tr 57].
Mục đích của lễ là để tu dưỡng đạo đức, con người có đạo đức là người luôn biết tự sửa mình để trở thành một con người lý tưởng. Khổng Tử chủ trương là con người nhất định phải biết lễ, như vậy đối với người học trước hết phải học lễ trước, khi đã biết lễ rồi thì sẽ biết cung kính người trên, nhường nhịn người ở dưới. Người giàu không ức hiếp kẻ nghèo, người nghèo không vì thấy của cải mà phạm tội. Khi con người biết phân biệt lớn nhỏ, biết phân biệt thân sơ quý tiện thì xã hội sẽ thịnh trị.
Một đất nước thịnh trị là một nước dùng lễ để cai trị.Lễ làm bền cái gốc của nước, là uy thế của người cai trị. Nhận thức được tầm quan trọng của lễ nên Không Tử chủ trương nếu như con cháu của các bậc thân vương, sĩ, đại phu nếu không biết lễ thì phải làm thứ dân; tuy con cháu của thứ dân mà hiểu lễ nghĩa thì có thể trở thành khanh tướng, sĩ, đại phu.Nhà vua xem lễ như một chuẩn mực để kiểm tra những hành vi của quan lại. Lễ không chỉ dành cho riêng ai mà nó dành cho tất cả con người trong xã hội được biểu hiện trong các mối quan hệ ngũ luân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Doãn Chính (2009), Từ điển triết học Trung Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2.      Đoàn Trung Còn (dịch giả), (2006), Tứ thư, Nxb. Thuận Hóa.
3.             Đường Đắc Dương (2003), Cội nguồn văn hóa Trung Hoa, Nxb. Hội nhà văn.
4.      Nguyễn Hiến Lê (1991), Khổng Tử, Nxb. Văn hóa, Hà Nội.
5.        Khổng Tử (2007), Kinh thi, Quyển 1, Nxb. Văn học.
6.       Khổng Tử (2007), Kinh thi, Quyển 2, Nxb. Văn học.
7.        Khổng Tử (2004), Kinh thư, Nxb. Văn hóa- Thông tin, Hà Nội, (Trần Lê Sáng - Phạm Kì Nam dịch).
8.      Khổng Tử (2007), Kinh lễ, Nxb. Văn học.
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530366

Hôm nay

2238

Hôm qua

2297

Tuần này

2535

Tháng này

217062

Tháng qua

0

Tất cả

114530366