Nhìn ra thế giới

Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Kỳ 12)

Tiết 6: Kinh đô Heijô và chính trị thời Nara sơ kỳ:

6.1 Việc gửi sứ sang nhà Đường (Kentôshi) và sự kiến tạo kinh đô Heijô::

Sau khi bộ luật và sắc lệnh hành chánh Taihô được áp dụng kể từ năm Taihô nguyên niên (701), nhà nước chuẩn bị việc thiên đô từ Fujiwarakyô (Đằng Nguyên Kinh) về Heijôkyô (Bình Thành Kinh) vào năm 710 (Wadô thứ 3).

Giai đoạn từ đó cho đến 80 năm về sau được gọi là thời Nara. Trong thời đại Nara, có một chính sách được các sử gia đánh giá là vô cùng quan trọng: việc gửi các sứ giả qua nhà Đường hay Khiển Đường Sứ (Kentôshi). Chính sách này sẽ ảnh hưởng lớn lao đến việc tổ chức nhà nước Nhật Bản.

Thời đại Nara lúc kinh đô mới Heijôkyô được xây dựng theo mô hình kiến trúc Trường An, quốc đô của nhà Đường là một thời kỳ chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa nhà Đường. Lúc ấy nghĩa là giai đoạn thế kỷ thứ 7 và thứ 8 ở Trung Quốc nhà Đường phát triển vô cùng mạnh mẽ trên một bình diện rộng lớn.Người Trung Quốc lúc ấy đã giao lưu rộng rãi với các quốc gia vùng Tây Á và tạo được cho mình một nền văn hóa phong phú màu sắc quốc tế.

Nhà Đường kiến quốc năm 618 sau khi nhà Tùy bị diệt vong nhưng mãi đến năm 630 thì mới có sứ thần Nhật Bản được phái đến. Từ đó không còn những đợt Kenzuishi (Khiển Tùy Sứ, 600-614) mà thay vào đó là những phái bộ Kentôshi (Khiển Đường Sứ, 630-894). Vị sứ thần Nhật Bản đầu tiên sang nhà Đường là Inukami no Mitasuki. Từ đó trở đi, tính có đến 20 lần, người Nhật có kế hoạch gửi sứ thần qua bên đó. Tính ra cứ khoảng mỗi 20 năm thì có một chuyến đi sứ như thế, chẳng những Nhật Bản học hỏi được những tiến bộ của nhà Đường mà còn khỏi bị bỏ quên trong mối quan hệ quốc tế ở Châu Á. Nhờ đó Nhật Bản đã trở thành một thành viên trong khu vực rộng lớn có văn hóa chung của vùng Đông Á mà Đường đóng vai trò chủ đạo.

       

Thuyền đi sứ sang nhà Đường trong tập tranh hoạ về Hòa thượng Ganjin (thế kỷ 13)  

Tuy có lệnh tổ chức 20 chuyến Kentôshi nhưng trên thực tế, chỉ có 16 chuyến được thực hiện. Bốn lần kia bắt buộc phải đình chỉ vì nhiều nguyên nhân khác nhau.Chuyến đi cuối cùng được lên kế hoạch vào năm 894 (Kanpyô thứ 6). Sugawara no Michizane (Quản Dã Đạo Chân, 845-903, đại thần và nhà văn hóa lớn) đã được bổ nhiệm làm chánh sứ nhưng lúc đó ông nhận thấy nhà Đường không còn đủ hấp dẫn so với những hiểm nghèo của cuộc hành trình sứ bộ sẽ gặp phải, ông đã dâng kiến nghị xin hũy bỏ nó. Lời tâu của ông được triều đình chấp nhận và các cuộc đi sứ sang nhà Đường bị cắt đứt từ đó sau khi đã có một lịch sử kéo dài hơn hai thế kỹ rưỡi (630-894).

Nói đến văn hóa thời Nara thì phải nói đến văn hóa giai đoạn niên hiệu Tenpyô (Thiên Bình, có cách đọc khác là Tenpei) dưới triều Thiên Hoàng Shômu (Thánh Vũ). Đó là “văn hóa Tenpyô”, một nền văn hóa giàu tính quốc tế vì nó đã thu nhận ảnh hưởng của giai đoạn văn hóa thời toàn thịnh của nhà Đường.

                 

                Shôsôin (Chính thương viện), bảo tàng viện tối cổ Nhật Bản

Cụ thể mà nói, về mặt văn nghệ, ta thấy văn thơ chữ Hán được các nhà quí tộc thời Nara sáng tác rộng rãi và nó đóng vai trò không nhỏ trong việc tu dưỡng tri thức của lớp người này. Thi tập thơ chữ Hán tối cổ của Nhật Bản, Kaifuusô (Hoài Phong Tảo = Những áng thơ hay, 751?, 120 bài) tiếp nhận rất nhiều ảnh hưởng của thi ca Lục Triều và Sơ Đường đến từ Trung Quốc. Về hội họa mà nói, những bức tranh Phật (Butsuga) như tranh vẽ tượng tiên nữ Kichijô (Cát Tường Thiên)[1] ở chùa Yakushi hay những bức tranh thế tục (sezokuga) kiểu bức Chômôryuujo- byoubu tức tranh trên bình phong vẽ mỹ nhân đứng bên gốc cây, đều thấy chịu ảnh hưởng của tranh nhà Đường. Lại nữa, cây đàn tì bà (biwa) năm giây làm bằng gỗ tử đàn cẩn xa cừ (raden shitan gogen no biwa) và chiếc bình hình bầu thếp sơn (shikkohei, bình kiểu Ba Tư để đựng nước) còn tàng trữ như bảo vật trong bảo tàng viện tối cổ của Nhật là Shôsôin (Chính Thương Viện) cho ta thấy trình độ sản phẩm công nghệ thời ấy. Những món đồ quí giá đó (và có khi là vật duy nhất còn lưu lại được như cây đàn tì bà vừa kể) tương truyền là do Hoàng thái hậu Kômyô (Quang Minh), vợ của Thiên hoàng Shômu đã hiến nạp như di phẩm chồng mình để lại. Nhìn chúng, ta thấy được nghệ thuật thiết kế của các nghệ sĩ bậc thầy của vùng Đông La Mã, Tây Á và Ấn Độ đã đi xuyên qua Trung Quốc thời nhà Đường để đến Nhật Bản như thế nào.   

     

               Đàn tỳ bà năm dây cẩn xa cừ nguồn gốc Tây Vực duy nhất còn được bảo tàng

Sang bên nhà Đường thời ấy để tiếp nhận văn hóa của họ là cả một thử thách gian nan đối với người Nhật.Kỹ thuật hàng hải cũng như kỹ thuật đóng thuyền chưa cao, nhất là trong những chuyến về sau, các sứ bộ không men theo bờ mà chọn con đường phía nam phải vượt biển khơi nên rất hiểm nghèo.

Người đi sứ thường tổ chức thành đoàn từ 100 đến 250 người. Đoàn đông nhất lên đến 500. Đoàn thuyền của sứ bộ gồm 4 chiếc cho nên về sau khi nói về sứ bộ, người ta thường dùng chữ yotsu no fune hay “đoàn thuyền bốn chiếc” . Về hành trình trên biển, họ theo hai con đường, hoặc bắc, hoặc nam. Lúc đầu, họ chọn đường phía bắc[2] nhưng vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9, khi mối liên hệ giữa Nhật Bản và Shiragi (Tân La, Shilla) xấu đi (Shilla trước đó đã dựa vào thế lực nhà Đường để thống nhất bán đảo Hàn), họ đành phải chọn con đường phía nam[3] nhiều sóng gió hơn. Cho đến lúc đó, hai nước Nhật và Shiragi vẫn giữ một quan hệ bình đẳng. Chỉ đến khi Shiragi muốn coi Nhật Bản như một thuộc quốc thì quan hệ đó mới trở nên căng thẳng. 

Trong những điều kiện như thế, có những người đi sứ không có cơ hội trở về trông thấy quê hương như Abe no Nakamaro[4] và Fujiwara no Kiyokawa. Họ phải tiếp tục ở lại và phụng sự triều đình nhà Đường cho đến ngày cuối cùng. Quả là những người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho việc đi sứ.

Mặt khác, vào cuối thế kỷ thứ 7, ở vùng đông bắc Trung Quốc xuất hiện một quốc gia tên là Bokkai (Bột Hải). Họ có những liên hệ đối nghịch với Đường và Shiragi nên thường gửi sứ giả sang Nhật Bản giao hiếu. Sứ bộ ấy có tên là Bokkaishi ( Bột Hải sứ) Sứ thần Bột Hải thường ghé lại quán xá Kôrokan (Hồng Lô quán) ở kinh đô hay nhà khách Matsubara (Matsubara kyakuin) ở vùng Echizen (tỉnh Fukui bây giờ) hay nhà khách Noto ở Noto (tỉnh Ishikawa bây giờ) và được đãi ngộ hậu hĩ. Fukui và Ishigawa đều nằm ở miền trung nước Nhật, về phía biển Nhật Bản.

Thế nhưng, kể từ hậu bán thế kỷ thứ 8 trở đi, quan hệ giữa Nhật Bản với Shiragi và Bokkai dần dần chuyển qua lãnh vực mậu dịch và các sứ bộ khi đến Nhật thường mang theo những phẩm vật hiếm có đến từ lục địa và gây được sự chú ý của tầng lớp quí tộc.

Trãi qua bao nhiêu gian khổ, các sứ bộ (gồm cả du học sinh và du học tăng) đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng khi đem văn vật nhà Đường về nước Nhật. Trong bọn họ có hai nhân vật có năng lực là Kibi no Makibi và tăng Genbô. Chúng ta rồi sẽ thấy ai ông ấy đã giữ những vai trò trọng yếu thế nào trong chính quyền Tachibana no Moroe dưới triều Thiên Hoàng Shômu.

6.2 Việc thiên đô về kinh đô mới Heijôkyô:

Như đã nhắc đến ở đầu chương, năm 710 (Wadô thứ 3) dưới triều Nữ thiên hoàng Genmei, kinh đô đã được dời từ cung Fujiwara về Heijô ở Nara. Lý do của việc thiên đô là vì Fujiwara nằm ở phía đông nam thung lũng Nara là một địa điểm hơi khuất và bí. Nó nằm giữa ba ngọn núi nhỏ Ama no Kaguyama, Unebiyama và Miminashiyama, giống như bị chung bao vây. Chỉ có phía bắc thung lũng Nara là thông thoáng, thuận tiện cho việc kiến tạo một kinh đô có diện tích rộng rãi xứng đáng với cuộc cải cách chính trị có tầm vóc và cần được bố cáo cho trong biết ngoài hay. Đó là sự thành lập một chế độ trung ương tập quyền dưới sự chỉ đạo của thiên hoàng.            

                                                                          Phác họa qui mô kinh đô Heijôkyô

Công cuộc khai quật di tích hoàng thành Heijôkyô hiện đang được nhà nước xúc tiến. Lần lượt người ta tìm thấy vô số dấu tích các khu vực cung điện, quan sảnh và cả những mộc giản. Những thẻ gỗ (mộc giản, mokkan) này gần đây đã trở thành bằng chứng khảo cổ học giá trị. Ngày xưa khi giấy còn là sản phẩm quí, người ta đã dùng nó làm vật ghi chép. Trong khi di tích vật chất được đào bới lên nhiều mà văn kiện có chữ viết không được bao nhiêu thì những mokkan chính là những tài liệu vô cùng quí giá. Ta có thể phân các mokkan ra làm 4 loại:

  1. Mokkan dùng để ghi chép công việc hoặc thông tin giữa các quan.
  2. Mokkan dùng để ghi chép vật dụng trong nhà tiện cho việc quản lý chúng.
  3. Mokkan dùng để ghi chép vật cống nạp hoặc thu thuế.
  4. Mokkan dùng để tập viết lách (tenarai) và viết đùa nghịch (rakugaki)[5].

Có nhiều mokkan có thể cho ta những thông tin quan trọng. Ví dụ trước năm 701, theo những gì ghi trên mokkan đào được ở kinh đô Fujiwara thì khi bộ luật Taiho (Đại Bảo) chưa được đem ra áp dụng thì chữ đơn vị hành chánh gọi là Kôri không viết bằng chữ Hán “quận” mà viết là “bình” với bộ “ngôn”. Điều thích thú khác là mokkan đào ở di tích nhà cũ của Hoàng thân Nagaya[6] cho thấy có chép tên họ một người đàn ông với kakushi (hoạch chỉ, dấu tay của đầu ngón và các lóng ngón tay trỏ) thay cho chữ ký của người ấy, chứng tỏ các mokkan có khi dùng như giấy chứng minh căn cước.

Trong kinh đô Heijôkyô, ở khu vực kinh thành, người ta đã tìm thấy các khu vực cung điện, dinh thự của hoàng tộc và quí tộc cũng như di tích nhà cửa của người bình dân. Nhờ vào những di tích đó mà càng ngày, người ta càng hiểu biết thêm ra về sinh hoạt của mọi từng lớp dân chúng.

Vì xây theo kiểu kinh đô Trường An của nhà Đường nên kinh đô Heijô được qui hoạch theo một bàn cờ thật lớn ngay hàng thẳng lối theo 4 hướng đông tây nam bắc. Đô thành xây dựng theo chế độ điều (jô = đường lớn) và phường (bô = xóm lớn) (điều phường chế = jôbôsei). Nam bắc có tất cả 4 phường (bô) và đông tây có tất cả 9 điều (jô)

Phần trung tâm của kinh đô thì phía bắc của nó có cung thành (kyuujô) hay nội lý (dairi). Từ đó trãi dài xuống phía nam là đại lộ Chu Tước (Suzaku Ôji). Cánh cổng thành cuối đại lộ là La Thành Môn (Rashômon)[7]. Đó là cánh cổng chính vào kinh đô. Giữa kinh đô, cách bởi đại lộ Suzaku có hai khu vực. Nhìn từ phía bắc xuống, một bên là Tả kinh (Sakyô), một bên là Hữu kinh (Ukyô) theo đúng nguyên tắc “Thiên tử nam diện (Đức vua ngoảnh mặt về hướng nam) từng thấy trong sách vở Trung Quốc. Phần trung ương của khu vực phía bắc hoàng thành được gọi là dairi (nội lý) nơi thiên hoàng sinh hoạt hằng ngày, còn có khu vực triều đường và các quan sảnh nghĩa là trung tâm của sinh hoạt chính trị Nara.

Trong kinh đô còn có khu vực dành cho nhà cửa quí tộc và quan lại cũng như các chùa chiền. Các chùa như Daianji (trước có tên Daikandaiji), Yakushiji, Gangôji (trước có tên Asukadera) phần nhiều đã được nhà nước cho dời từ kinh đô cũ Asuka đến. Tất cả tạo cho kinh đô mới một vẻ đẹp và trang nghiêm theo phong cách đại lục, hoành tráng chưa từng có. Trong tuyển tập Man.yôshuu ghi lại hình ảnh đương thời cũng đã có thơ nói đến “nét đan thanh” (aoniyoshi...) của kinh đô Nara thấy qua màu ngói xanh, màu cột sơn son và những khung tường trắng.

Sở dĩ nhà nước đã ra sức xây dựng đô thành một cách đại qui mô như vậy có lẽ vì muốn biểu dương sức mạnh và của cải của một nền chính trị trung ương tập quyền đã được chỉnh đốn dưới sự lãnh đạo của các thiên hoàng và quí tộc, cho bên trong bên ngoài đều biết. Về mặt địa lý thì khu vực phía bắc thung lũng Nara, nơi tọa lạc kinh đô mới Heijôkyô, diện tích khá rộng rãi, có khả năng phô trương được hết uy thế quốc gia. Nó lại có cái tiện lợi vô cùng vì là địa điểm kết nối được hai trục giao thông Đông Tây.

Dưới triều nữ Thiên Hoàng Genmei, quyển Kojiki (Cổ Sự Ký) đã được cho biên soạn vào năm 712 (Wadô thứ 5), tiếp theo đó là các Fudoki (Phong thổ ký) vào năm 713. Về Kojiki, thiên hoàng đã ra lệnh cho bầy tôi là Ono no Yasumaro sao chép những chi tiết lịch sử mà (một nhân vật có lẽ là cô đồng có tên) Hieda no Are đã thuộc làu và đọc lại cho nghe. Riêng về Fudoki, nó là sách ghi chép địa danh, sản vật, phong thổ, truyền thuyết...của từng địa phương trong nước. Fudoki vùng Izumo (ven biển Nhật Bản, tỉnh Shimane bây giờ) còn được giữ hầu như là nguyên vẹn. Ngoài ra, cũng còn lưu lại được Fudoki các vùng Hitachi, Harima, Bungo, Hizen nữa. Ý chí muốn biên soạn địa chí vùng miền, qua đó nguyên lai của sự thành lập quốc gia được sáng tỏ hơn, hẳn không phải là không liên quan gì đến việc phát triển thể chế nhà nước trung ương tập quyền.

6.3 Bắt đầu việc đúc tiền:

Cả nước lúc ấy được chia thành 5 kỳ và 7 đạo nhưng giữa kinh đô Heijôkyô và các địa phương đã hoàn tất một hệ thống gồm những trục giao thông chính.Hơn nữa, trên những đoạn đường chủ yếu, cứ cách 30 ri (lý), ước độ 16km, thì có đặt một trạm thay ngựa (umaya = dịch gia). Chúng được dùng để các nha lại chạy công việc cho thông suốt và nhanh chóng.

 

Hệ thống dịch trạm

Nhà nước luật lệnh rất cần thông tin ra và nhận thông tin từ địa phương để triệt để thi hành chính sách trung ương tập quyền. Sắc chiếu năm Taika 1 (646) đã nói đến việc thiết lập chế độ giao thông gọi là ekiba (dịch mã) và denba (truyền mã). Ekiba có nhiệm vụ chính là đưa công văn khẩn cấp, denba được dùng cho quan lại đi công vụ hoặc lên đường phó nhậm.

Nhật Bản đã bắt chước cách thức của nhà Đường đặt ra các dịch trạm gọi là shukueki (túc dịch). Những nhà trạm này dùng làm chỗ nghĩ ngơi, sửa soạn lương thực cơm nước cho người và vật, nơi đây cũng là nơi người dịch trưởng cư trú và có đặt tào (tàu) ngựa (umaya). Thời Heian, hệ thống dịch trạm đã có trên toàn quốc từ vùng Tôhoku (Đông bắc đạo) như Akita, Iwaki (Fukushima) đến mút nam đảo Kyuushuu (Tây hải đạo) như Dazaifu, Kumamoto, Kagoshima. Những tuyến đường lớn thì gọi là kansen (cán tuyến), những tuyến đường nhỏ thì gọi là shisen (chi tuyến). Theo Engishiki ghi lại, tổng số nhà trạm lúc đó đã lên đến 402 với 3.499 ngựa trạm ekiba, 697 denba và 12 chiếc thuyền để bảo đảm việc đưa tin đến các vùng đảo như Iki, Tsushima và Sado. 

Ở kinh đô có hai khu chợ (ichi) do nhà nước quản lý.Chợ họp từ giữa trưa cho đến xế chiều. Nơi đây dân chúng đem sản vật địa phương, các quan lại đem vải lụa, bổng lộc của họ đến trao đổi. Tất cả hoạt động đó đặt dưới sự giám sát của một viên chức gọi là quan coi chợ (ichi no tsukasa).

Dưới thời Nara, người Nhật đã bắt dầu biết sử dụng hóa tệ. Đó là những đồng tiền đúc gọi là Càn Nguyên Thông Bảo được đem nhập vào từ nhà Đường. Năm 708 (Wadô nguyên niên), nhà nước dựa lên khuôn mẫu của Càn Nguyên Thông Bảo để đúc tiền sử dụng trong nước, gọi là tiền Wadô (Wadô kaichin = Hòa Đồng Khai Trân). Việc xảy ra vào tháng 2 sau khi nữ Thiên Hoàng Genmei tức vị được một năm.Số là vào tháng giêng năm bà lên ngôi, vùng Musashi no kuni Chichibu (tỉnh Saitama, gần Tôkyô bay giờ) đem tiến cống triều đình đồng loại tốt nên tháng 2 năm sau người ta đem đúc hai loại tiền Wadô kaichin bằng bạc và bằng đồng.  

               

                       

Đồng tiền Wadô kaichin

Đồng bằng bạc hay ginsen (ngân tiền) được đúc trước tiên. Lý do là vì cho đến lúc đó, bạc vẫn được dùng với vải và lúa gạo như vật đổi chác. Thế nhưng chính sách của nhà nước lúc đó là dùng dôsen (đồng tiền) theo mẫu nhà Đường làm đơn vị hóa tệ duy nhất, nên đồng bằng bạc chẳng mấy chốc bị cấm sử dụng.Sở dĩ người ta xác nhận được sự tồn tại của đồng ginsen niên hiệu Wadô là vì nó đã được thấy lại sau đó ở Trung Quốc.

Để kỹ niệm việc đúc tiền đồng này, nhà nước đã đổi niên hiệu thành Wadô (Hòa Đồng) Chữ đồng trên niên hiệu có cài bộ kim, chữ khác với chữ ghi trên đồng tiền.Thời đại ấy, khi có gì tốt hay xấu, nhà nước đều lấy làm cớ để thay đổi niên hiệu.

Chứng cứ xưa nhất của lịch sử tiền đúc ở Nhật Bản có lẽ lầ đồng tiền tên Fuonsen (Phú bản tiền) khai quật được ở một di tích gọi là ao Asuka nằm phía đông nam ngôi chùa cổ nhất của Nhật, Asukadera. Thực ra, Fuhonsen đã được tìm thấy ở nhiều nơi trước đó ở các di tích thuộc hai kinh đô Fujiwara và Heijô, thế nhưng niên đại chưa hề được xác định xem nó thuộc đời nào nên bị coi là tiền dùng như bùa chú trừ tà (majinaisen).Thế nhưng khi người ta đào lên rất nhiều đồng tiền như thế cũng như các vật dụng bằng thủy tinh, bằng kim thuộc và dấu vết các lò đúc, cùng với các đồng Fuhonsen và mảnh vỡ của nó cũng như các mãnh vỡ của các khung đổ kim loại để đúc tiền (igata) ở địa tằng thuộc thế kỷ thứ 7 thì nó mới được thực sự chú ý đến. Điều này phù hợp với điều thấy chép trong Nihon shoki (Nhật Bản thư kỷ) vào năm 683 dưới thời Thiên Hoàng Tenji “ Từ nay về sau, nhất định phải dùng tiền đồng”. Như vậy ta có thể phỏng đoán Fuhonsen là đồng tiền nói đến trong sắc lệnh ấy, được đúc dưới triều Tenji và nó là hóa tệ tối cổ trong lịch sử Nhật Bản.  

Cơ quan phụ trách đúc tiền gọi là Chuusenshi hay Ty đúc tiền (Chú tiền ty), từ ấy, đảm nhận đúc 12 loại tiền khác nhau.Chúng được gọi chung là Kôchô (hay Honchô) Juunisen nghĩa là Hoàng triều (Bản triều) thập nhị tiền. Sau đó, vào năm 958 (niên hiệu Tentoku 2), dưới triều Thiên hoàng Murakami thì đồng tiền được đúc cuối cùng là đồng Kengen Taihô (Càn Nguyên đại bảo).

Ý muốn của nhà nước khi cho đúc tiền và dùng đồng tiền duy nhất là để thống nhất và thúc đẩy sự lưu hành tiền tệ nhưng rốt cuộc, chuyện đã không dễ dàng như thế.Lý do là cho đến lúc đó, người Nhật vẫn dùng vải, lúa gạo hay bạc làm công cụ trao đổi.Nói cách khác đó là hình thức lưu hành hàng hóa thay cho tiền tệ đã bắt rễ sâu trong dân chúng. Đùng một cái bắt chỉ dùng tiền Wadô để trao đổi thì khó lòng được họ nghe theo nhất là khi người dùng tiền không nhận thức được giá trị tương xứng với món hàng của đồng tiền trong khi trao đổi. Do đó, lúc đầu, ngay cả đồng tiền Wadô kaichin do nhà nước đúc cũng chưa được chấp nhận rộng rãi.

Năm 711 (Wadô 4), để tiền đúc Wadô được lưu hành mọi nơi, chính phủ đã ban lệnh Chikusenjoirei tức “lệnh tích trữ tiền thăng trật” (cấp bậc) thì mới có phong trào chuộng tiền đồng hơn là bạc. Theo lệnh đó, quan lại tích trữ tiền (và cung cấp nó cho nhà nước) nhiều bao nhiêu thì sẽ theo lượng tiền đó mà ban tước vị. Từ tùng ngũ phẩm trở xuống, nếu để dành được 10 quan thì sẽ được thăng một cấp. Mười quan ở đây tương đương với 10.000 đồng tiền. Thế nhưng chế độ này cũng không đưa đến kết quả bao nhiêu và khi sự lưu hành hóa tệ đã phổ cập thì nó trở thành vô nghĩa.  

6.4 Mở mang lãnh thổ và bình định bộ tộc Emishi:

Thời đại này, chúng ta thấy có thêm một bằng cớ nữa về sức mạnh của nhà nước Nhật Bản, đó sự mở mang lãnh thổ và, như một điều kiện tất yếu, việc bình định các bộ tộc ở biên giới địa dư sẳn có.

Bước vào thời đại Nara, sự sử dụng các nông cụ bằng sắt đã được phổ cập, thêm vào đó, kỹ thuật tưới tiêu cũng tiến bộ hơn. Diện tích trồng trọt (nông địa) của nhà nước luật lệnh nhờ thế cũng gia tăng. Như ta đã biết, ruộng đất thời ấy là ruộng công được cấp phát cho nông dân làm ruộng khẩu phần như phép handen (ban điền) đã qui định. Xã hội từ từ phát triển, dân số cũng nhiều hơn xưa nên số ruộng không còn đủ để cấp phát.Bắt buộc người ta phải tìm cách khai khẩn thêm.

Vì cớ ấy, thời Nara là một thời kỳ mà công việc mở mang lãnh thổ hoạt động rất mạnh mẽ. Thêm vào đấy, cũng vì có tin rằng vùng Suô (còn gọi là Phòng châu, phía Đông tỉnh Yamaguchi) có mỏ đồng, vùng Mutsu (đông bắc đảo Honshuu, nay là tỉnh Aomori và Iwate) lại có mỏ vàng nữa. Ngoài ra, nhân vì nhà nước gửi người chuyên việc nuôi tầm và dệt sợi về địa phương cho nên hai hoạt động này, trước kia chỉ giới hạn trong khuôn khổ cung đình, nay đã trãi rộng ra mọi nơi. Địa phương bắt đầu sản xuất các mặt hàng đặc biệt của vùng mình và tiến cống lên kinh đô.

Nói cách khác, vào thời Nara, sức mạnh của Nhật Bản rất là sung mãn, cùng lúc, nhà nước luật lệnh cũng muốn dựa vào sức mạnh đó để mà mở rộng khu vực chi phối của mình.

Điều ấy có nghĩa là thời ấy nhà nước luật lệnh vẫn chưa có một phạm vi ảnh hưởng như ngày nay. Chẳng hạn, miền Tôhoku (tức đông bắc đảo Honshuu) một phần vẫn nằm trong tay tộc Emishi (Hà Di), còn được biết như môjin hay kebito (mao nhân, người lông lá).Về sau chữ Hà Di được phiên âm ra là Ezo và người ta thường đặt một quan hệ chủng tộc giữa người Ezo và người thiểu số Ainu bây giờ. Người Emishi không chịu vào khuôn khổ của nhà nước luật lệnh cho nên đã trở thành đối tượng của những cuộc chinh phạt vào thế kỷ thứ 7.

 

                    

Người Ainu ngày nay có phải là con cháu Emishi?

Vùng Tôhoku là một địa phương được thiên nhiên ưu đãi, nhất là về săn bắn, đánh cá và hái nhặt.Vào cuối giai đoạn văn hóa đồ gốm với hoa văn kết thừng (văn thừng, Jômon), Tôhoku đã có một văn hóa khởi sắc, đó là văn hóa Kamegaoka (tên một địa phương trên đó). Đến thời Yayoi tiền kỳ đã có chứng cớ là ở khu vực Aomori và Tsugaru, có một nền văn minh lúa nước đã vượt qua biển Nhật Bản để vào đến tận đó.

Thế nhưng,chính quyền Yamato thành lập ở vùng Kinki mới là thế lực đã thu gồm tất cả các địa phương thành một quốc gia. Với thời gian, những người sinh sống ở vùng Tôhoku đã trở thành những dân tộc khác lạ và có một nền văn hóa khác lạ.Theo cách nghĩ của Trung Quốc lấy mình làm trung tâm (trung hoa) và kẻ khác là di địch (tứ di), những người cư dân miền Đông Bắc đã được chính quyền trung ương gọi bằng một cái tên kỳ dị, đầy khinh thị: Emishi (Hà Di, mà Hà có nghĩa là con tôm).

Sau cuộc cải cách năm Taika năm 645, vì muốn có cứ điểm để cai trị các bộ tộc Emishi, chính quyền Yamato đã thiết lập các đơn vị hành chánh ở vùng Hokuriku (Bắc Lục, (tương đương với 4 tỉnh bên biển Nhật Bản là Fukui, Ishikawa, Toyasma và Niigata) mang tên Nutari no saku, Iwafune no saku (saku: sách, đơn vị hành chánh ở miền núi, có thể hiểu như trại)[8]. Đến đời Nữ Thiên Hoàng Saimei thì chính quyền Yamato kể từ năm 658 đã nhiều lần cho tướng Abe no Hirafu dẫn quân viễn chinh để bắt người Emishi ở vùng Akita và Tsugaru phải thần phục.

Bước vào thế kỷ thứ 8, chính quyền Yamato tiến thêm một bước nữa trong việc khống chế người Emishi. Năm 712 (Wadô thứ 5), nhà nước thiết lập Dewa no kuni, một vùng lãnh thổ (kuni) ở phía biển Nhật Bản (nay là Akita, Yamagata). Năm 724 (Shinki nguyên niên), lại cho xây thành Taga (Tagajô, nay thuộc tỉnh Miyagi) phía bờ biển Thái Bình Dương, ở đó nhà nước lập phủ trấn thủ (võ) và quốc phủ (văn) để kiểm soát phần lãnh thổ gọi là Mutsu no kuni (Michinoku) tức vùng cực bắc đảo Honshuu.

Đồng thời nhà nước Yamato tiến hành việc kiểm soát sắc dân bản địa vùng Kyuushuu vốn có tên là những người Hayato. Ở phía nam đảo ấy, chính quyền thiết lập phần lãnh thổ gọi là Ôsumi no kuni. Từ khi ấy, các vùng từ đảo Tanenoshima cho đến quần đảo Satsunan (phía nam Satsuma) dần dần qui thuận triều đình. Nhờ thế, phạm vi mà nhà nước muốn áp đặt chế độ luật lệnh đã được bành trướng thêm nhiều. 



[1] Cát Tường Thiên tức Sri-Mahâdevi trong thần thoại Ấn Độ, sau đi vào trong văn hóa Phật giáo thế tục. Tượng trưng cho sắc đẹp diễm lệ và đức hạnh, đem hạnh phúc cho con người.

[2] Gọi là bắc lộ. Từ Hakata trên đảo Kyuushuu men theo phía tây bán đảo Triều Tiên để đến Đăng Châu, Thanh Châu hay vượt Hoàng Hải để đến Sở Châu.

[3] Gọi là nam lộ. Cũng đi từ Hakata nhưng vượt biển Đông để đến Tô Châu, Hàng Châu hay Minh Châu. Cũng có thể ghé các đảo Tanejima, Yakushima, Amamijima ở phía Nam Kyuushuu trước khi vượt biển Đông.

[4] Nhân vật này đi sứ chuyến 717, trên đường về nước năm 753 bị đắm thuyền và phiêu bạt tới Giao Châu. Nhưng ông không phải là người Nhật đầu tiên đến nước ta. Người ấy là Heguri no Hironari (Bình Quần Quảng Thành) đã trôi giạt trước đó (734) tới Lâm Ấp nay thuộc Việt Nam.

[5] Thơ Man.yôshuu cũng được chép trên mokkan. Đó là một công dụng khác của mokkan.

[6] Cháu nội Thiên Hoàng Tenmu và con trai của Hoàng tử Takechi. Có văn tài, từng làm quan nhị phẩm, tả đại thần. Vì tranh chấp với dòng họ Fujiwara mà phải đi đến chỗ tự sát . Sử chép là cuộc biến loạn của Hoàng tử Nagaya (684-729).

[7] Cũng có thể viết là La Sinh Môn như trường hợp đoản thiên của Akutagawa Ryuunosuke.

[8] Trong lịch sử Việt Nam cũng dùng các từ sách, động khi nói về các vùng miền núi.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530521

Hôm nay

281

Hôm qua

2312

Tuần này

2690

Tháng này

217217

Tháng qua

0

Tất cả

114530521