Những góc nhìn Văn hoá

Kỵ binh, Tượng binh

Trong những bộ phim màu, các cảnh chiến đấu trông thật rực rỡ và ngoạn mục: những kỵ sĩ cưỡi trên lưng ngựa, gươm tuốt trần lao tới kẻ thù. Từ lâu ngựa đã phục vụ con người trong quân sự. Những con tuấn mã, những cỗ chiến xa thắng ngựa, cuộc đi săn sư tử bằng xe ngựa - tất cả những cái đó đã được mô tả trên những bức phù điêu cổ xưa trong cung điện của các vua xứ Babylon (nằm giữa hai sông Tigris và Euphrates) đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên. Tất nhiên, ngựa được sử dụng trong quân sự còn sớm hơn thế rất nhiều.

Nhưng có một điều thú vị là: cũng trên những bức tranh cổ đại của vùng Cận Đông đó, sánh bước bên những con chiến mã là những chú lạc đà. Có cả những trung đoàn "lạc đà binh" bao gồm các chiến binh cưỡi trên lưng lạc đà vẫn còn tồn tại ở Saudia Arabia vào thế kỷ XX. Chúng được chuẩn bị tốt để thích ứng với những hoạt động chiến đấu trên sa mạc. Vào giữa thế kỷ XIX những người Mỹ tháo vát đã định lập đơn vị "lạc đà binh" trong quân đội của mình để chiến đấu với các bộ lạc người da đỏ vùng đồng cỏ miền Tây nước Mỹ nơi vốn là vùng đất bán sa mạc khô cằn, nhưng rồi ý đồ đó nhanh chóng bị bác bỏ bởi thời đại kỹ thuật đã bắt đầu.
Một hiện tượng dường như rất đơn sơ giản dị, là độ dày và độ cao của những thảm cỏ trên các thảo nguyên Mông Cổ tăng lên, rút cục lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lịch sử thế giới. Thực vậy, bắt đầu từ thế kỷ XI trong những vùng bán sa mạc Trung Á khí hậu trở nên tốt hơn, dù chỉ trong một thời gian. Trên những thảo nguyên Mông Cổ mưa xuống nhiều hơn, cỏ trở nên cao và dày hơn. Ở những nơi đó thức ăn trở nên phong phú cho "năm loại gia súc" - ngựa, cừu, dê, lạc đà và bò. Đàn gia súc tăng trưởng rõ rệt. Và theo đó, dân cư thảo nguyên cũng tăng lên. Bởi vậy vào cuối thế kỷ XII nơi đó đã hình thành một đạo quân mà Thành Cát Tư Hãn đã dẫn vào các chiến dịch chinh phạt. Đạo quân đó gồm các đội kỵ binh với hàng chục ngàn kỵ sĩ. Ngựa Mông Cổ thấp bé, song rất khỏe, đặc biệt dai sức và dễ nuôi. Hơn thế nữa, trong những cuộc chinh phạt dài ngày, những chiến binh Mông Cổ mệt mỏi vì đói và khát có thể dùng dao khoét lỗ nhỏ trên cổ con ngựa và uống máu nóng của nó.
Vào giữa thế kỷ XIII khi đạo quân kỵ binh Mông Cổ, cho đến khi đó vẫn luôn bách chiến bách thắng, xuất hiện ở Việt Nam, nó phải chạm trán với không chỉ nghệ thuật quân sự điêu luyện của các vị tướng lĩnh và lòng dũng cảm của các chiến binh Việt Nam, mà còn với những điều kiện khác lạ của xứ nhiệt đới khó thích hợp với ngựa Mông Cổ. Thêm nữa, quân Mông Cổ còn gặp phải một loại quân hết sức xa lạ đối với chúng là tượng binh. Các đơn vị tượng binh vẫn còn tồn tại trong quân đội Việt Nam đến nửa sau thế kỷ XIX. Những cứ liệu về những chú voi chiến được lưu giữ trong các sách sử biên niên, trong các truyền thuyết và các bài ca dao nói về Hai Bà Trưng, Bà Triệu.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng việc dùng voi trong quân sự chỉ thích hợp khi phải đối mặt với một lực lượng đông đảo quân địch ở vị trí thoáng rộng. Cưỡi voi chiến để đuổi những tên lính lẻ tẻ, lại chạy trong rừng rậm thì không có mấy hiệu quả. Bởi vậy việc dùng voi trong quân sự chỉ có được sự phổ biến nhất định sau khi đã xuất hiện nhà nước và các đạo quân đông người, trong khi việc sử dụng ngựa trong quân sự thì sớm hơn rất nhiều, bởi kỵ binh có thể chiến đấu có hiệu quả với những nhóm nhỏ quân địch hay khi đấu một chọi một. Từ thời cổ xưa ở Bắc Phi và Ấn Độ đã có tượng binh. Mọi người đều biết rằng vào thế kỷ III trước công nguyên, vị tướng kiệt xuất Hannibal chỉ huy quân đội Carthage (một quốc gia ở Bắc Phi) đã đập tan những đạo quân La Mã nhờ sự trợ giúp của những con voi chiến. Ngoài ra, theo như truyền thuyết kể lại, Hannibal không cần cử quân trinh sát địch, bởi những chú voi cách xa hàng chục cây số đã ngửi được mùi của quân lính La Mã. Ấy là do người La Mã thường bỏ vào thức ăn của mình rất nhiều hành. Voi bắt mùi hành rất nhạy. Thế nhưng khi ở trên núi cao có tuyết rơi và thời tiết giá lạnh, những chú voi chiến của Hannibal đã chết.
Còn ở Việt Nam, đã được dựng cả bia đá cho voi chiến - Dương Võ bi ký. Có lẽ đó là tấm bia tưởng niệm duy nhất trên thế giới dành cho voi chiến. Hiện nay, Dương Võ bi ký nằm tại chùa Phổ Giác trên đường Ngô Sĩ Liên ở Hà Nội. Tấm bia được dựng từ năm 1770, người ta chuyển nó từ vùng giáp Hồ Hoàn Kiếm về chùa này khi vào năm 1886 thực dân Pháp có ý định xây dựng những tòa nhà trong trung tâm Hà Nội. Bài văn viết trên bia là những lời ngợi ca cổ vũ những chú voi đã chiến đấu bảo vệ đất nước: "Trời Nam ta, thế nước vững chắc, đất đai gồm cả Tượng Quận. Trong nước có nhiều loại vật, nhưng hùng mạnh nhất trong các thú, chỉ có voi đực là cực quý, thật là nanh vuốt để bảo vệ quốc gia. Song phép nuôi, dạy, tập luyện, điều khiển, phải có bậc tiền bối mở đầu".
Vào năm 1770, trong những chuồng voi ở kinh đô Thăng Long có 200 con. Đó là một lực lượng hùng mạnh và ghê gớm, có khả năng phá vỡ trận địa quân địch trên phạm vi rộng, gây kinh hoảng trong hàng ngũ địch. Người ta nói có lý, rằng voi có thể tương đương với xe tăng về chức năng kỹ thuật chiến thuật: nó là lực lượng chọc thủng phòng tuyến đối phương. Trong quân đội của vị tướng vĩ đại Quang Trung, tượng binh đã thể hiện mình một cách đẹp đẽ nhất trong các trận chiến đấu chống quân xâm lược Đại Thanh.
Cùng với sự phát triển của kỹ thuật quân sự, cùng với sự xuất hiện của những phương tiện cháy nổ, những đạn đại bác, súng trường, mìn, lựu đạn đã được hoàn thiện - việc sử dụng voi chiến trở nên không có lợi. Như một loại quân, tượng binh biến mất sớm hơn kỵ binh, vào cuối thế kỷ XIX. Bởi vì trong những năm đầu của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945) trong Hồng quân Liên Xô vẫn còn có các kỵ binh tham chiến. Họ đặc biệt hoạt động thành công trong vùng địch hậu: sư đoàn kỵ binh lừng danh của thiếu tướng Dobator đã cắt đứt đường giao thông của quân phát xít, phá hủy các cơ quan đầu não, các ga xe lửa, các kho đạn dược lương thực. Tuy nhiên sau cuộc chiến tranh này, kỵ binh như một loại quân cũng biến mất. Hiện nay, ở Nga chẳng hạn, chỉ còn sử dụng ngựa trong lực lượng cảnh sát. Ở Moskva có tiểu đoàn cảnh sát kỵ binh với gần 150 kỵ sĩ. Họ giữ gìn trật tự xã hội trong thời gian có các trận đá bóng, các cuộc mít tinh, biểu tình tuần hành. Còn ở Việt Nam, các chú voi lại quay về với "nghề nghiệp" hòa bình của mình là làm công việc vận chuyển gỗ, chuyên chở những hàng hóa nặng nhọc trong điều kiện của những khu rừng rậm rạp khó đi.
 
(2001)
Trần Thị Phương Phương dịch từ bản thảo của tác giả
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530366

Hôm nay

2238

Hôm qua

2297

Tuần này

2535

Tháng này

217062

Tháng qua

0

Tất cả

114530366