Những góc nhìn Văn hoá
Cái chết của tác giả[1]
Balzac khi nói về nhân vật nam bị thiến cải trang thành phụ nữ trong truyện Sarrazine có viết một câu như sau : “Đó là một người đàn bà thực thụ với những nỗi sợ hãi bất ngờ, những ý nghĩ quái đản, những lo âu bản năng, những cơn bốc đồng vô cớ, những cử chỉ ương ngạnh và những cảm xúc tinh tế mê hồn, đúng hệt như một người phụ nữ.” Ai là người nói câu đó?
Phải chăng là một nhân vật trong truyện cố tình không biết rằng đó là một gã trai bị thiến dưới cái vỏ phụ nữ? Hay là cá nhân ông Balzac đang đàm luận về đàn bà trên cơ sở kinh nghiệm sống cá nhân của ông ta? Hay là ông Balzac - nhà văn đang thuyết giáo một quan niệm văn chương về bản tính của phụ nữ? Hay đó là sự thông thái có tính nhân loại? Mà cũng có thể đó là một thứ tâm lí học lãng mạn? Chúng ta không bao giờ nhận ra được điều đó chỉ vì một lí do là trong cái viết chính là nơi huỷ diệt tất cả mọi khái niệm về tiếng nói (giọng điệu) và về cội nguồn. Cái viết là một lĩnh vực không xác định, tạp chủng và nghiêng lệch, nơi mất hút các dấu vết chủ quan của chúng ta, cái mê cung đen trắng, nơi biến mất mọi tính tự xác định và trước hết là tính đồng nhất thân thể của người viết.
Rõ ràng là bao giờ cũng vậy: nếu như một cái gì được kể ra vì bản thân câu chuyện, chứ không vì tác động trực tiếp đến hiện thực, tức là suy đến cùng, nằm ngoài mọi chức năng, ngoại trừ chức năng kí hiệu như nó vốn thế, thì tiếng nói tách rời khỏi cội nguồn của nó, đối với tác giả cái chết đã đến và ngay ở đây cái viết bắt đầu. Nhưng trong những thời đại khác nhau hiện tượng đó được cảm nhận khác nhau. Chẳng hạn, trong các xã hội nguyên thuỷ, việc trần thuật xưa nay đều không do người thường đảm nhiệm, mà do người trung gian đặc biệt, người thầy cúng trong đạo sa man hoặc là người kể chuyện; người ta có thể thưởng thức sự “biểu diễn” của anh ta – năng lực nắm vững mã trần thuật - chứ không thưởng thức “thiên tài” cá nhân của họ. Nhân vật Tác giả thuộc về thời hiện đại, hiển nhiên nó được tạo thành bởi xã hội chúng ta, song song với quá trình kết thúc thời trung cổ xã hội ấy bắt đầu phát minh cho mình ( nhờ chủ nghĩa kinh nghiệm Anh, chủ nghĩa lí tính Pháp, đến nguyên tắc niềm tin cá nhân trong phong trào cải cách tôn giáo đạo cơ đốc) sự tôn nghiêm của cá nhân, hay nói theo phong cách cao là “cá nhân con người”.Vì thế một cách hợp logích, trong lĩnh vực văn học “cá nhân” tác giả có được sự thừa nhận nhiều nhất trong chủ nghĩa thực chứng, học thuyết đã tổng kết và đưa đến sự cáo chung của ý thức hệ chủ nghĩa tư bản. Thế là từ nay Tác giả ngự trị trong các giáo khoa thư lịch sử văn học, trong các tiểu sử nhà văn, trong các bài trả lời phỏng vấn trên tạp chí và trong ý thức các nhà văn tác giả vẫn mong muốn gắn cá nhân mình với sáng tác dưới hình thức nhật kí thầm kín. Trung tâm điểm của cái hình tượng văn học vẫn tồn tại trong văn hoá của chúng ta, ngự trị độc tôn một tác giả với cá nhân, tiểu sử, tình cảm, hứng thú của anh ta; đối với phần lớn các bài phê bình cho đến ngày hôm nay, toàn bộ sáng tác của Baudelaire là do sự thất bại trong cuộc đời của ông, toàn bộ tác phẩm của Van Gogh là do tác giả mắc bệnh tâm thần, tác phẩm của Chaikovski là do mặc cảm tội lỗi của tác giả. Nhà phê bình bao giờ cũng đi tìm sự giải thích tác phẩm từ trong con người đã sáng tạo ra tác phẩm, tựa hồ như là thông qua những hư cấu có tính ngụ ý ít nhiều trong suốt, cuối cùng bao giờ cũng “thổ lộ” cho chúng ta tiếng nói cá nhân của chỉ một con người, đó là Tác giả.
Mặc dù quyền lực của tác giả vẫn còn rất mạnh mẽ (việc làm của Phê bình mới chỉ càng củng cố thêm cho nó), nhưng không nghi ngờ gì, rằng một số nhà văn từ lâu đã muốn làm lung lay quyền lực đó. Người đầu tiên ở nước Pháp có lẽ là Mallarmé, người đã nhìn thấy đầy đủ nhất, dự cảm thấy cần thiết phải đặt ngôn ngữ vào vị trí của kẻ được coi là chủ nhân của nó. Mallarmé cho rằng - mà điều này trùng khớp với quan điểm hiện nay của chúng tôi - kẻ nói không phải là tác giả, mà là ngôn ngữ như nó vốn thế; cái viết ngay từ đầu là hoạt động phi cá nhân (tuyệt đối không được lẫn lộn tính phi cá nhân này với quan niệm tính khách quan bị thiến của nhà văn hiện thực chủ nghĩa), hoạt động này cho phép đạt được cái điều là không phải “tôi”, mà là ngôn ngữ đang hành động, đang “biểu diễn”; thực chất của toàn bộ thi pháp của Mallarmé là thủ tiêu tác giả mà thay cái viết vào đó – điều đó có nghĩa là - như chúng ta sẽ thấy sau đây, đó là khôi phục quyền lực của người đọc. Valéry bị trói tay trói chân bởi cái tâm lí học “cái tôi” của ông trong mức độ lớn đã làm mờ nhạt lí thuyết của Mallarmé, nhưng nhờ thị hiếu của ông đối với văn học chủ nghĩa cổ điển lại khiến ông hướng về các bài học của tu từ học, nên ông chưa bao giờ thôi hoài nghi, chế giễu tác giả, ông nhấn mạnh tính chất ngôn ngữ thuần tuý và dường như cái tính chất “không cố ý”, “vô tâm”trong hoạt động của nhà văn và trong toàn bộ các cuốn sách văn xuôi của ông đều buộc người ta phải thừa nhận rằng bản chất của văn học nằm trong ngôn từ, bất cứ sự viện dẫn nào về đời sống tâm hồn của nhà văn, đều chẳng có gì hơn là một sự mê tín. Thậm chí đối với Proust, trong toàn bộ sự phân tích tâm lí hiển nhiên của ông được mệnh danh là phân tích tâm hồn, ông đặt nhiệm vụ công khai là làm phức tạp tối đa – thay vì đi sâu vô tận vào chi tiết - mối quan hệ giữa nhà văn và các nhân vật của anh ta. Ông chọn người kể chuyện không phải là người đã nhìn thấy cái gì, thể nghiệm gì, thậm chí cũng không phải là người đang viết, mà là người chuẩn bị viết (người trẻ tuổi trong tiểu thuyết – không biết anh ta là ai, anh ta trẻ thế nào, người ra sao - muốn viết mà không bắt đầu được, và rốt cuộc tiểu thuyết kết thúc vào lúc cái viết trở thành có khả năng), bằng cách đó Proust đã sáng tạo một sử thi theo cái viết hiện đại. Ông thực hiện một cuộc lật đổ căn bản : thay vì miêu tả cuộc đời mình trong tiểu thuyết, như người ta vẫn thường nghĩ, ông đã biến cuộc sống của mình thành tác phẩm văn học theo mẫu mực của cuốn sách của ông và chúng ta thấy rõ, rằng không phải Charles được sao chép theo Montesquieu, mà ngược lại, trong các hành vi thực tại-lịch sử của mình Montesquieu hiện ra chỉ như một mảnh vụn, một bản dập, một cái gì phái sinh từ Charles mà thôi. Đứng sau hết trong hàng ngũ các vị tiên phong của chúng ta là chủ nghĩa siêu thực; nó tất nhiên không thể thừa nhận quyền lực tối cao của ngôn ngữ, bởi vì ngôn ngữ là hệ thống, trong khi đó mục đích của phong trào này là nằm trong tinh thần của chủ nghĩa lãng mạn, tức là phá huỷ trực tiếp tất cả mọi mã ( bản thân mục đích này là hư huyễn - bởi vì mã là cái không thể phá huỷ, người ta chỉ có thể khiến nó “biểu diễn”mà thôi); nhưng chủ nghĩa siêu thực thường xuyên kêu gọi phá huỷ trắng trợn các ý nghĩa được chờ đợi (“các lối ngắt nghĩa” trứ danh của chủ nghĩa siêu thực), nó đòi hỏi tay cần phải ghi cho thật nhanh những điều mà bản thân đầu óc chưa đoán định được (cái viết tự động), nó tiếp nhận về nguyên tắc và thực hành trong thực tế sự viết chung - bằng cách đó chủ nghĩa siêu thực đóng góp vào việc phi thần thánh hoá hình tượng của tác giả. Cuối cùng, tuy ở phạm vi ngoài văn học như nó vốn có (hơn nữa ngày nay sự phân biệt này đã lỗi thời) cái vũ khí có giá trị nhất để phân tích và phá huỷ hình tượng tác giả là ngôn ngữ học hiện đại, cái khoa học đã cho thấy, phát ngôn như nó vốn thế là một quá trình trống rỗng, nó tự thực hiện một cách tuyệt vời đến mức không cần bổ sung nội dung cá nhân của người nói. Theo quan điểm ngôn ngữ học, tác giả chỉ là người viết, cũng giống như “tôi”, chẳng phải ai khác, mà chỉ là kẻ xưng “tôi” mà thôi. Ngôn ngữ chỉ biết có “chủ thể”, không biết “cá nhân” là gì; cái chủ thể này được xác định bên trong hành động nói, không chứa đựng gì bên ngoài lời nói cả, thế cũng đủ để nó “gắn bó” với toàn bộ ngôn ngữ và sử dụng hết mọi khả năng của nó.
Sự tước bỏ tác giả (Theo Brecht ở đây có thể nói về một sự “gián cách hoá”thật sự, tác giả tự làm cho mình bé lại, giống như hình ảnh trong chỗ sâu xa của “sân khấu” văn học) không chỉ giản đơn là sự thực của lịch sử và hệ quả của cái viết, mà còn là, sự tước bỏ ấy đã cải tạo một cách căn bản toàn bộ văn bản hiện đại, hay có thể nói, từ nay văn bản được sáng tạo và được đọc theo cách, trên mọi cấp độ của nó tác giả đều bị xoá bỏ. Đổi thay trước hết là viễn cảnh thời gian. Đối với những ai tin vào Tác giả, thì tác giả bao giờ cũng được nghĩ đến trong quá khứ theo quan hệ đối với cuốn sách, sách và tác giả được sắp xếp vào cái trục chung hướng vào giữa cái có trước và cái có sau, cho rằng tác giả thêu dệt nên cuốn sách, tức là có trước cuốn sách, anh ta tư duy, chịu đau khổ, sống vì cuốn sách, tác giả cũng tồn tại trước cuốn sách của mình, như cha đối với con. Còn như nói đến người viết hiện đại, thì anh ta được sinh ra cùng một lúc với văn bản, anh ta không có tồn tại nào trước và ngoài cái viết, anh ta tuyệt đối không phải là cái chủ thể mà theo đó tác phẩm của anh ta là vị ngữ; chỉ có một thời gian là thời gian của hành vi nói và bất cứ văn bản nào vĩnh viễn cũng được viết bây giờ và ở đây. Như là kết quả (hay nguyên nhân cũng thế) của điều này, ý nghĩa của động từ viết từ nay cần phải được xác định không phải ở chỗ một cái gì được ghi ra, miêu tả, vẽ ra (như các nhà Cổ điển đã xác nhận), mà ở chỗ các nhà ngữ học nối tiếp các nhà triết học trường phái Oxford gọi tên nó là động từ thuật hành (performativ), tức là một hình thức động từ hiếm gặp có tính chất biểu diễn, chỉ sử dụng trong ngôi thứ nhất thì hiện tại, trong đó hành vi phát ngôn không hàm chứa một nội dung nào khác (phát ngôn khác), ngoại trừ bản thân hành vi đó, giống như quốc vương nói “Trẫm tuyên bố”từ miệng quốc vương, hay “Tôi ngợi ca”từ miệng nhà thơ cổ đại. Do đó người viết hiện đại sau khi kết thúc với Tác giả, không thể tiếp tục cho rằng, theo quan điểm thống thiết của các vị tiền bối: rằng tay anh ta ghi chép không kịp ý nghĩ hay cảm xúc, và nếu thế thì đành chấp nhận số phận, anh ta phải tự mình nhấn mạnh sư tách rời ấy và trau chuốt hình thức tác phẩm của mình đến cùng; ngược lại, tay của anh ta, sau khi đánh mất mọi liên hệ với tiếng nói, thực hiện một cử chỉ thuần tuý phác hoạ (chứ không phải biểu hiện) và vẽ ra một trường kí hiệu nào đó mà không có điểm xuất phát, - bất cứ lúc nào cái trường ấy chỉ xuất phát từ ngôn ngữ như nó vốn thế, còn ngôn ngữ thì không ngừng hoài nghi bất cứ quan niệm nào về điểm xuất phát.
Bây giờ chúng ta biết văn bản không phải là chuỗi hình tuyến các từ ngữ biểu hiện một ý nghĩa duy nhất, dường như ý nghĩa thần học (cái thông báo của Tác giả - Thượng đế), mà là một không gian đa chiều, nơi những kiểu viết khác nhau kết hợp, tranh cãi nhau mà không có cái nào trong số đó là cái xuất phát; văn bản được dệt bằng các trích dẫn gửi đến cho hàng nghìn nguồn văn hoá. Những nhà văn giống những kẻ sao chép muôn thuở như Bouvarou hay Pécuchet[2]vừa vĩ đại vừa buồn cười, tính hài hước sâu sắc của họ chính là ở chỗ họ đánh dấu chân lí của sự viết; họ có thể chỉ là kẻ bắt chước vĩnh hằng những gì đã viết trước đó và tự mình viết cái lần đầu tiên; quyền lực tối cao của tác giả chỉ là đem pha trộn lẫn nhau những cái viết, hoặc là đem cái viết này đối kháng cái viết kia, đến mức hoàn toàn không dựa vào một cái viết nào cả; nếu như tác giả muốn tự biểu hiện một cái gì đó, thì chí ít anh ta cũng phải biết rằng, cái “bản chất” nội tại mà anh ta muốn “truyền đạt”, cũng chẳng có gì khác ngoài cuốn từ điển đã có sẵn, nơi mà các từ ngữ được giải thích bằng chính các từ ngữ khác và cứ thế mãi mãi. Và như thế sáng tác của Thomas de Quincy thời trẻ là một ví dụ tiêu biểu. Theo lời của Baudelaire, anh ta vừa mới học được tiếng Hy Lạp thì đã muốn truyền đạt những ý tưởng và hình tượng cực hiện đại bằng thứ tử ngữ ấy, “sáng tạo cho mình một cuốn từ điển và lúc nào cũng cầm sẵn nó, cuốn từ điển to hơn, phức tạp hơn các cuốn từ điển khác mà cơ sở của chúng là sự tận tâm không lấy gì làm xuất chúng trong các bản dịch văn học thuần tuý”(Thiên đường nhân tạo). Người viết hiện đại đến thay thế Tác giả mang trong mình không phải xúc động , cảm hứng, tình cảm hay ấn tượng, anh ta chỉ có bộ từ điển khổng lồ ấy, từ đó anh ta rút ra cái viết của mình, và cứ thế viết mãi; cuộc sống chỉ bắt chước sách, bản thân sách là cái vật được dệt bằng kí hiệu, còn sách bắt chước cái gì đã mất, và cứ thế cho đến vô tận.
Một khi đã loại bỏ tác giả rồi, bất kì tham vọng “giải mã” văn bản nào đều trở nên vô ích. Đem tác giả gán cho văn bản có nghĩa là trói buộc văn bản, khoác cho nó cái ý nghĩa cuối cùng, là phong bế cái viết. Một quan điểm như thế lại hoàn toàn gia tăng niềm hăng hái cho phê bình, khi ấy phê bình xem nhiệm vụ quan trọng nhất của nó là phát hiện ra Tác giả trong tác phẩm (hoặc các danh nghĩa khác như: xã hội, lịch sử, tinh thần, tự do) : Nếu tác giả được tìm thấy, có nghĩa là, văn bản được “giải thích”, nhà phê bình giành được thắng lợi. Vì thế mà không ngạc nhiên là sự ngự trị của Tác giả có tính chất lịch sử cũng như sự ngự trị của Phê bình, và cũng như thế, ngày nay cùng với địa vị của Tác giả, Phê bình cũng bị lung lay (dù cho là Mới đi nữa). Quả thật, trong cái viết đa chiều tất cả đều cần được “tháo gở”, nhưng không có gì phải “giải mã”; có thể theo dõi cấu trúc hay “tháo” nó ra ( như tháo sợi len trong chiếc bít tất) trong tất cả những chỗ lặp lại hay từng bình diện của nó, nhưng không bao giờ đạt đến tận đáy; cái không gian viết cung cấp cho ta để lướt qua chứ không phải để xé rách. Cái viết không ngừng sản sinh ý nghĩa, nhưng ngay ở đây nó cũng không ngừng làm cho ý nghĩa bốc hơi, nảy sinh sự giải thoát có hệ thống cho ý nghĩa. Do đó, văn học (từ nay về sau đúng hơn nên gọi nó là cái viết) từ chối chỉ ra cái ý nghĩa cuối cùng như một “bí mật” của văn bản (kể cả đối với thế giới như một văn bản cũng vậy), mở ra sự tự do cho hoạt động “phản thần học”, về thực chất là hoạt động cách mạng, bởi vì nó không ngăn chặn cái dòng chảy của ý nghĩa – có nghĩa là suy đến cùng nó gạt bỏ bản thân Thượng đế và các hoá thân của ngài: trật tự lí tính, khoa học, pháp luật.
Trở lại với câu văn của Balzac được nhắc đến trong phần mở đầu. Không có ai “nói ra” câu ấy cả (tức là không có “nhân vật” nào ): nếu như nó có nguồn gốc và tiếng nói thì điều đó không phải ở trong cái viết, mà ở trong sự đọc. Giúp ta hiểu điều đó là một cái tương đồng rất chính xác. Trong các nghiên cứu gần đây (của Jean – Pierre Vernan) cho thấy tính hai nghĩa trong cấu thành nền tảng của bi kịch Hy Lạp: văn bản của chúng được dệt bằng những từ hai nghĩa mà mỗi nhân vật trong kịch đều chỉ hiểu một nghĩa (sự hiểu lầm vĩnh viễn như thế chính là “cái bi kịch”); nhưng còn có một ai đó nghe được từng từ với tất cả hai nghĩa, thậm chí còn nghe được cả cái lảng tai của nhân vật đang nói trước mặt; kẻ ấy chính là người đọc (hay là, trong trường hợp ở dây là người nghe). Như vậy là toàn bộ bản chất của cái viết được bộc lộ ra: văn bản được tạo thành từ cái đa tạp kiểu loại của cái viết khác nhau, bắt nguồn từ nhiều nền văn hoá khác nhau, tham gia vào các mối quan hệ như đối thoại, giễu nhại, tranh cãi...nhưng tất cả cái đa tạp ấy đều quy tụ vào một điểm nhất định, điểm ấy không phải là tác giả như người ta vẫn khẳng định cho đến ngày nay, mà là người đọc. Người đọc là cái vũ trụ, nơi đó khắc ghi tất cả mọi trích dẫn làm nên cái viết mà không làm mất đi bất cứ trích dẫn nào; văn bản có được tính thống nhất không phải ở khởi nguồn của nó, mà ở tại đích của nó, có điều cái đích đó không phải là địa chỉ cá nhân; người đọc ấy là người không lịch sử, không tiểu sử, không tâm lí, đơn giản nó chỉ là một ai đó, nơi quy tụ tất cả những đặc trưng tạo thành văn bản viết. Bởi vậy, nực cười thay những ý đồ lên án cái viết hiện đại nhân danh một thứ chủ nghĩa nhân đạo nào đó, mạo xưng là người bảo vệ nhiệt thành cho quyền con người. Phê bình văn học cổ điển xưa nay không dính dáng gì đến người đọc; đối với nó, trong văn học chỉ tồn tại người viết. Giờ đây chúng ta không còn bị lừa dối thêm nửa bởi những loại lời sáo rỗng mà cái xã hội đáng kính với cơn phẫn nộ cao thượng đã sử dụng để bảo vệ kẻ mà trên thực tế bị nó chèn ép, coi thường, áp bức, tiêu diệt. Giờ đây chúng ta biết: để đảm bảo tương lai cho cái viết cần phải lật đổ[3] cái huyền thoại về nó - sự ra đời của Người đọc phải trả giá bằng cái chết của Tác giả.
Trần Đình Sử dịch
Theo bản dịch tiếng Nga của S. N. Zelkin, trong sách R. Barthes. Tuyển tập tác phẩm: Kí hiệu học và thi pháp học, Matskva, 1994, tr. 384 – 391.
Tham khảo bản dịch tiếng Trung của Lâm Thái trong sách Tuyển tập văn bản về kí hiệu học văn học, do Triệu Nghị Hành tuyển chọn, NXB. Văn nghệ bách hoa, Thiên Tân, 2004, tr.505 - 512 . Bản dịch này dựa vào bản dịch tiếng Anh của Stephen Heath trong tập Image-Music-Text, New York, 1977, tr. 142 – 148.
[2] Đây là hai nhân vật trong tiểu thuyết cuôi cung chưa hoàn thành của G. Flaubert Bouvarou và Pécucher, trong khi ở ẩn rất tự phụ, muốn lần lượt nắm bắt toàn bộ tri thức và năng lục của nhân loại trong mọi lĩnh vực, họ tuỳ tiện sưu tập mọi kiến thức và sau đó lại bỏ quên. – Chú thích của bản Tiếng Trung. ND.
[3]Chữ “renverser” trong nguyên bản, ngoài nghĩa “lật đổ”, còn nét nghĩa thứ hai là: “đảo ngược”, “dốc ngược”, “lật ngược”. – Chú thích của bản tiếng Nga. ND.
tin tức liên quan
Videos
Giải Nobel năm 2021
Giáo sư Trần Đình Hượu và hướng tiếp cận văn hóa học trong nghiên cứu văn học
Trí thức Nghệ xưa và nay
Du xuân qua miền di sản
Hình tượng Rồng trong kiến trúc đình làng ở Nghệ An
Thống kê truy cập
114530619
Hôm nay
2179
Hôm qua
2312
Tuần này
2788
Tháng này
217315
Tháng qua
0
Tất cả
114530619