Góc nhìn văn hóa

Hình tượng Rồng trong kiến trúc đình làng ở Nghệ An

Rồng là linh vật đứng đầu “Tứ linh” (Long, Ly, Quy, Phụng/Phượng) - con vật huyền thoại được linh hóa, được con người sáng tạo và sử dụng như  biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng và niềm tin tâm linh, tôn giáo. Bởi vậy, trên các công trình kiến trúc văn hóa tâm linh không thể thiếu các mảng chạm khắc về Rồng, đặc biệt là đình làng.

Đình làng được xem là một thiết chế văn hóa cộng đồng của người dân Việt Nam nói chung và người dân xứ Nghệ nói riêng, là nơi sinh hoạt chung của dân làng trong nhiều thế kỷ. Bởi vậy, có thể nói, đình làng là biểu tượng cho hồn cốt của quê hương. Theo đó, kiến trúc đình làng cùng với các mảng trang trí ở trên đó cũng chính là ước mơ, là khát vọng chung mà cả làng muốn hướng tới. Tại Nghệ An, đình làng xuất hiện từ khá sớm, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có thiên tai và chiến tranh, nhiều ngôi đình đã bị sụp đổ, hoang phế, nhiều ngôi đình được tu bổ, tôn tạo lại. Hiện nay, các ngôi đình có niên đại sớm nhất cũng mang dấu ấn thời Lê Trung Hưng. Có lẽ bởi vậy mà hình tượng Rồng tại các đình làng ở Nghệ An cơ bản mang đậm tính dân gian, gần gũi, thân thuộc.

Theo quan niệm của cư dân trồng lúa nước phương Đông, Rồng là con vật vũ trụ, tổng hợp của nhiều loài vật khác, thường được gắn với trời, vua, có sức mạnh vô biên. Con rồng thể hiện tư duy lưỡng phân lưỡng hợp của cư dân nông nghiệp: sống ở dưới nước như cá, nhưng bay trên trời như chim, khạc ra lửa, sấm chớp để làm ra mưa bão. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi cư dân Việt Nam thường tự hào nhận mình là “con Lạc cháu Rồng”. Với đặc điểm chung là miệng lang, tai thú, trán lạc đà, mũi sư tử, móng chim ưng, vảy cá chép... trong mỗi giai đoạn, Rồng lại có những biến đổi nhất định phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đương thời.

Tại các đình làng ở xứ Nghệ, tùy thuộc vào không gian, thời gian và mục đích của các bậc tiền nhân mà hình tượng Rồng được tạo hình khá đa dạng, phong phú, nhằm truyền tải những thông điệp khác nhau về cuộc sống. Dưới đây là hình tượng Rồng ở một số vị trí trên kiến trúc đình làng.

1. Hình tượng Rồng trên mái đình

          Theo quan niệm dân gian, tầng mái biểu tượng cho tầng trời, các con vật nằm trên không gian ấy chính là các linh vật của tầng trời. Trong không gian này, hình tượng Rồng chiếm đại đa số, Rồng ở bờ nóc, đầu kìm, các góc đao, chỉ có các khúc nguỷnh mới xuất hiện thêm nghê. Rồng ở vị trí này thường bằng chất liệu xi măng, vôi vữa, có khi được khảm sành sứ ở phía ngoài. Trên bờ nóc, nơi cao nhất của ngôi đình chính là đôi rồng chầu với các mô típ phổ biến là “Lưỡng long chầu nhật/nguyệt”, hoặc “lưỡng long chầu hổ phù đội mặt trời”. Đặc điểm chung của đồ án này là hình ảnh hai con rồng uốn lượn ở hai bên, đầu được thể hiện theo hai thế: Thế thông thường là đuôi ở phía ngoài, các khúc uốn dần vào phía trong và đầu vươn lên chầu vào vòng tròn có các tia lửa bốc cao - biểu tượng của nhật/nguyệt, cũng chính là biểu tượng của ánh sáng, của vũ trụ ở chính giữa. Thế thứ hai, ít phổ biến hơn, đó là thế “hồi long”, ở thế này, đuôi của rồng lại ở trong, hai con chạy ra theo hai hướng khác nhau, đầu ngoảnh lại nhìn biểu tượng nhật/nguyệt. Một hình thức biến thể khác là Rồng chầu vào “hổ phù đội mặt trời”, trong tư thế này, mặt trời là dương, hổ phù là âm, là biểu tượng của mặt trăng, hình khối này mang ý nghĩa âm dương đối đãi. Dù chầu vào biểu tượng gì thì Rồng ở vị trí này cũng tượng trưng cho bầu trời với vây là mây, bờm là sấm chớp, các chân là cột chống trời, thể hiện cho ước vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Trang trí Rồng trên mái đình Liên Trì (Liên Thành, Yên Thành) và đình Trụ Pháp (Mỹ Thành, Yên Thành)

2. Hình tượng Rồng trên các cấu kiện gỗ

Trên các cấu kiện gỗ, tùy đặc điểm vị trí, kích thước của cấu kiện, các nghệ nhân thể hiện Rồng dưới nhiều dạng khác nhau, trong đó, đề tài “lưỡng long chầu nhật/nguyệt” tiếp tục được ưu tiên xuất hiện. Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh này ở hầu hết các ngôi đình (nếu có chạm khắc), tiêu biểu như đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, đình Đông Viên, đình Khả Lãm (huyện Nam Đàn), đình Xuân Ái, đình Nguyệt Tiên, đình Cháy (huyện Diễn Châu), đình Long Thái (huyện Đô Lương), đình Trụ Pháp, đình Hậu (huyện Yên Thành)… Đề tài này thường được chạm ở các câu đầu, quá giang hay các xà hạ, nơi có đủ không gian dài, rộng để thể hiện trọn vẹn hình ảnh. Mặt trăng/mặt trời có đôi khi được chạm dưới dạng một vòng tròn lưỡng nghi như ở đình Hoành Sơn, đình Đông Viên, đình Trụ Pháp… Còn Rồng lại thể hiện dưới dạng “Long ẩn vân” (nghĩa là: Rồng ẩn trong mây). Theo đó, tại các khúc cong của rồng được nghệ nhân điểm thêm các cụm mây, đuôi rồng cũng xoắn lại như mây và tạo thêm các tia sắc, nhọn, bay ra phía sau. Tạo hình này như ngầm khẳng định Rồng là linh vật của tầng trời, đạp mây, cưỡi gió, có sức mạnh vô biên, vừa quyền uy vừa huyền bí, xứng đáng là linh vật truyền tải ước mơ, khát vọng của dân làng đến với đấng tối cao.

 

Mảng chạm “Lưỡng long chầu nhật” ở đình Xuân Ái (Diễn An, Diễn Châu)

Có trường hợp, tư thế chầu lại được thể hiện dưới dạng kết hợp hai vị trí, đó chính là Rồng tại vị trí đầu dư, chầu vào biểu tượng mặt trăng/mặt trời ở vị trí khác như câu đầu, quá giang…, tiêu biểu cho dạng này là mảng chạm ở đình Hoành Sơn, đình Đông Viên, đình Long Thái… Tại các vị trí đầu dư, Rồng được chạm lộng, chạm bong rất đẹp mắt, trong miệng thường ngậm một hạt tròn. Giáo sư Trần Lâm Biền và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đó là ngọc/minh châu, là tinh tú hoặc nguồn phát sáng. Những con rồng được tạo tác kiểu này tượng trưng cho tiếng gọi mưa, gọi sự sinh sôi.

 

Một số mảng chạm đầu dư trong tư thế “chầu” ở đình Hoành Sơn

Trong trường hợp, Rồng không chầu vào mặt trời/mặt trăng thì sẽ chầu vào gian chính giữa - gian quan trọng nhất, thờ vị thành hoàng của làng. Tại đình Hoành Sơn có đôi rồng ở bức y môn của gian giữa, được tạo hình theo thế chạy xuống bằng kỹ thuật chạm lộng, đôi rồng có mắt quỷ tròn trong hốc sâu, mũi sư tử, miệng ngậm viên minh châu, đao mác kiểu râu cá trê. Trong trường hợp này, ngoài ý nghĩa thường thấy, Rồng còn mang ý nghĩa tôn vinh vị thần chủ của làng, góp phần tôn thêm “thần quyền” cho thành hoàng làng.

Rồng chầu ở y môn đình Hoành Sơn (Khánh Sơn, Nam Đàn)

          Phổ biến sau đề tài “lưỡng long chầu nhật/nguyệt” là đề tài “Cá Chép hóa Rồng”, “Long ngư hý thủy”. Các đề tài này thường được thể hiện trên các cốn ở vì nách hoặc cốn mê (còn gọi là vỉ ruồi) như ở đình Hoành Sơn, đình Đông Viên, đình Khả Lãm (Nam Đàn), đình Long Thái (Đô Lương), đình Cháy (Diễn Châu)...

Chuyện xưa kể lại rằng, khi trời đất mới được hình thành thì chính ông trời đã tạo ra mưa gió. Nước từ mưa gió, sông, biển và những sinh vật dưới nước là những thứ được Trời tạo ra đầu tiên và cũng là nguồn khởi sinh của vạn vật. Sau này, vì bận tạo ra con người nên Trời không còn thời gian làm mưa làm gió nữa mà sai con rồng bay lượn trên bầu trời và phun nước. Tuy nhiên, số lượng rồng không đủ nên Trời đã nghĩ ra một cuộc thi để tuyển các con vật khác lên làm rồng, gọi là “thi rồng”. Cuộc thi có 3 kỳ, mỗi kỳ phải vượt qua một đợt sóng lớn. Con vật nào đủ sức đủ tài để vượt qua 3 kỳ thi sẽ được hóa rồng. Thông tin về cuộc thi lan xuống tận Thủy cung, các giống loài đua nhau đi thi nhưng đều bị loại. Đến lượt cá chép, khi vào thi, cá ngậm một viên ngọc trai, nỗ lực vượt qua 3 vòng một cách xuất sắc, rồi nhả ngọc vượt Vũ Long Môn hóa rồng.

 Tại đình Hoành Sơn có một mảng chạm khắc liên quan đến đề tài này nhưng được thể hiện khá đặc biệt, đó là mảng chạm “Tiên cưỡi cá hóa Rồng” với hình ảnh cô Tiên nữ nở nụ cười cưỡi trên lưng con cá chép đang trong giai đoạn “hóa Rồng”, hai tay ghì chặt thân cá. Theo mô típ này, Rồng tượng trưng cho dương, Tiên nữ là âm - thể hiện khát vọng yêu đương, muôn loại sinh sôi nảy nở theo quan niệm của cư dân lúa nước. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Rồng mang ý nghĩa sâu xa hơn. Như chúng ta biết, Rồng biểu tượng cho sự linh thiêng, quyền uy, là biểu tượng của vua chúa nhưng nghệ nhân lại đặt một cô gái - nàng tiên lên trên lưng Rồng, đây chính là sự chế giễu của người nông dân đối với giai cấp thống trị đương thời. Soi chiếu vào lịch sử giai đoạn này - khi đình Hoành Sơn được xây dựng (năm 1763), triều Lê đã đến hồi suy mạt, chỉ còn trên danh nghĩa, thì bức tranh trên hoàn toàn dễ hiểu.

Mảng chạm “Tiên cưỡi cá hóa rồng” ở đình Hoành Sơn

Đề tài “Long ngư hý thủy” thực chất cũng là một dạng thể hiện khác của “Cá hóa Rồng”. Hình ảnh Rồng từ trên cao hút/phun nước, phía dưới là đàn có chép đang cố gắng vùng vẫy, vươn lên theo dòng nước cũng chính là hình tượng cá chép vượt vũ môn. Dù thể hiện ở dạng nào thì các mô típ cũng truyền tải thông điệp về ước mơ, khát vọng được đổi đời, được công thành danh toại bằng con đường học vấn. Ðây là một minh chứng khẳng định tầm ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo trong đời sống của người dân dưới chế độ phong kiến. Với người Nghệ, cá chép còn khiến chúng ta liên tưởng đến hình ảnh con cá gỗ - con cá biểu trưng cho sự chịu thương, chịu khó, ý chí quyết tâm học hành đỗ đạt của các sĩ tử xứ Nghệ.

Mảng chạm “Long ngư hý thủy” ở đình Long Thái (Thái Sơn, Đô Lương)

 Điều đặc biệt là nếu như các mảng chạm Tứ quý (Tùng, Cúc, Trúc, Mai) hóa Rồng xuất hiện khá phổ biến tại các công trình đền, chùa, nhà thờ họ…thì tại các đình làng, đề tài này lại ít xuất hiện. Trong số các đề tài về Rồng được tìm thấy dưới dạng tứ quý hóa Rồng thì phổ biến hơn cả là mô típ “Trúc hóa Rồng” (đình Giáp Đông -Nam Kim, Nam Đàn; đình Phụng Luật - Hợp Thành, Yên Thành…). Theo quan niệm dân gian, Trúc là biểu tượng cho mùa Hạ, với đặc điểm là có nhiều đốt nên cây Trúc còn mang tư cách là trục vũ trụ nối giữa trời và đất, là nấc thang đi về của thần linh. Ruột Trúc rỗng là biểu trưng cho tâm không của đạo nhất là đối với đạo Phật và Lão. Trúc còn thân cứng nhưng không giòn, dễ uyển chuyển, cương nhu hợp đức, hợp thời, có thể chống chọi với điều kiện khó khăn nên nó là biểu tượng cho người quân tử. Với ý nghĩa đó, Trúc hóa Rồng như một sự biến hóa hoàn hảo, bổ sung thêm uy quyền cho linh vật Rồng. Sâu xa hơn “Trúc hóa Rồng” còn mang một trường nghĩa khác. Chúng ta biết rằng, không phải ngẫu nhiên mà trong suốt chiều dài lịch sử, Nghệ An luôn được xem là vùng đất trọng trấn, đất phên dậu của các triều đại phong kiến, ngoài vị trí địa lý thì con người xứ Nghệ cũng góp phần tạo nên vai trò quan trọng của vùng đất này. Người Nghệ không chỉ cần cù, chịu khó, có phần nóng nảy nhưng khẳng khái, dũng cảm, trượng nghĩa và giàu lòng yêu nước. Và ở thời kỳ nào, xứ Nghệ cũng xuất hiện những “chính nhân quân tử” ra tay cứu nước, giúp dân. Đó chính là “hiện thực hóa” cho giấc mơ “Trúc hóa Rồng” của bao đời người dân xứ Nghệ.

Mảng chạm “Trúc hóa rồng” ở đình Giáp Đông, Nam Kim, Nam Đàn

Tại các kẻ, bẩy, ván ấm… Rồng còn được thể hiện khá phổ biến với mô típ mang đậm tính dân gian “dây leo hóa Rồng”. Bởi lẽ, dây leo là một sinh vật nhỏ bé tồn tại trong tự nhiên, ít người để ý, lại thường phải dựa vào loại cây khác để sinh tồn nhưng nó vẫn mong ước được “hóa rồng” như bao loài cây khác. Như vậy, có thể thấy, giấc mơ “hóa Rồng” là giấc mơ chung của cả xã hội thời bấy giờ, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn.

Mảng chạm “Dây leo hóa Rồng” ở đình Phượng Lịch (Diễn Hoa, Diễn Châu)

Ngoài ra, ở đình Hoành Sơn - ngôi đình được đánh giá là đẹp nhất miền Trung, tác giả còn tìm thấy nhiều đề tài về Rồng mà hầu như không có ở các đình làng khác như “Rồng ổ”, “Mả táng hàm Rồng”… Đặc biệt là đề tài “Mả táng hàm rồng”. Đề tài này xuất hiện khá nhiều ở các đình làng phía Bắc như đình Phùng, đình Thụy Phiêu, đình Chu Quyến, đình Liên Hiệp (TP. Hà Nội), đình Ngọc Canh (tỉnh Vĩnh Phúc), đình Đào Xá (tỉnh Phú Thọ)… nhưng tại Nghệ An, tác giả mới chỉ tìm thấy ở đình Hoành Sơn. Và nếu như hình ảnh con người táng mả (dùng tay đưa một chiếc hộp hình vuông - tượng trưng cho hộp đựng tro cốt của người đã khuất vào miệng rồng) hiện lên rất chân thực, cụ thể ở các ngôi đình phía Bắc, thì hình ảnh con người ở đình Hoành Sơn khi thực hiện thao tác này cũng chỉ mang tính tượng trưng. Dường như, với người dân Nghệ An, giấc mơ tìm nơi đất cát vượng theo quan niệm phong thủy để táng thân chủ gia đình hay dòng họ với hy vọng cầu phúc trạch muôn đời là giấc mơ không cụ thể, không của riêng ai mà của chung cho cả dân làng.

Mảng chạm “Mả táng hàm rồng” ở đình Hoành Sơn

Như vậy, ngoài ý nghĩa chung thì Rồng còn mang nhiều ý nghĩa khác nhau khi kết hợp với các hình tượng khác và tùy hoàn cảnh lịch sử, vai trò của Rồng cũng có những biến đổi nhất định. Nhưng nhìn chung, dù ở thời đại nào thì đối với cư dân nông nghiệp lúa nước nói chung và cư dân Nghệ An nói riêng, Rồng vẫn mang ý nghĩa về sự may mắn, hạnh phúc đủ đầy, là biểu tượng của sự phát triển, thành công, thắng lợi, của khát khao vươn lên trong cuộc sống./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số Tết Giáp Thìn - Tháng 01/2024)

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528558

Hôm nay

2214

Hôm qua

2291

Tuần này

2831

Tháng này

215254

Tháng qua

0

Tất cả

114528558