Non nước Việt Nam
Thành Nam
Có đất nào như đất ấy không
TÚ XƯƠNG
Nam Định thời Tú Xương dường như là thời kì đang lên. Thành cũ bị phá đi, sông cũ lấp đi, người từ khắp nơi ùn ùn kéo đến.
Vào thời đó, Nam Định là một trung tâm lớn thứ hai trên miền Bắc, sau Hà Nội. Sự hình thành của nó là rất đặc biệt và hiếm hoi trong những bối cảnh ngặt nghèo của lịch sử đất nước.
Thoạt đầu là thời Trần. Năm 1262 vua Trần Thánh Tông ra quyết định đưa hương Tức Mạc lên thành phủ Thiên Tường. phủ Thiên Trường trở thành kinh đô thứ hai sau Thăng Long. Năm 1374 Nguyễn Phi Khanh đến đây dự kì thi do Thượng hoàng Trần Nghệ Tông chủ trì. Ông đỗ cao nhưng không được bổ dụng.
Nguyễn Phi Khanh trước đó vì yêu con gái quan tư đồ Trần Nguyên Đán, sợ quá phải bỏ trốn, quan tư đồ gọi về gả con gái cho. Khó có thể hiểu hết tâm trạng và những linh cảm của Nguyễn Phi Khanh khi đến Thiên Trường. Sau khi thi xong, biết mình đã đỗ, ông cảm thấy buồn hơn bao giờ hết. Ông làm đến bốn bài thơ về Thiên Trường. Những bài thơ của ông đều buồn, khắc khoải, hệt như thơ Nguyễn Trãi sau này, chả có gì tươi hơn hớn như Phạm Sư Mạnh trước đó.
Sang thời Lê, phủ Thiên Trường không còn, chỉ còn lại quân doanh Vị Hoàng. Quân doanh kèm với kho lương, nơi tập trung thóc lúa thu được của cả một vùng nam sông Hồng. Năm 1786, trong chiến dịch tiến quân ra Bắc, Nguyễn Huệ sai Nguyễn Hữu Chỉnh đánh chiếm kho lương Vị Hoàng trước tiên.
Thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến bài Vị Hoàng doanh của Nguyễn Du. Dinh Vị Hoàng ở bên bờ sông Vị Hoàng. Chòi gác lô nhô cao tiếp trời xanh. Trên bến đò xưa, dưới bóng chiều tà, đứng xem ngựa uống nước. Cánh đồng hoang đêm vắng, đom đóm bay loạn xạ…Thôi đừng nhìn về phía đầu làng Phù Hoa nữa…
Nguyễn Du đã đến đây vào tuổi đầu đời trong tâm trạng ngơ ngác của một chàng tuổi trẻ đi tìm lẽ sống. Có lẽ suốt cuộc đời ông đều sống trong ngơ ngác. Làng Phù Hoa là làng trồng hoa đã có từ thời các vua Trần.
Sự đông đúc dần lên bên bờ sông Vị cùng vào lúc hoặc sau khi Phố Hiến trở nên vắng vẻ, nhưng sự chuyển biến thật sự có lẽ mới chỉ bắt đầu từ nhà Nguyễn. Năm Gia Long thứ ba (1804) xây thành bằng đất. Năm Minh Mạng thứ 13 (1833) xây lại thành bằng gạch. Bản đồ do H.Rivière vẽ năm 1883, sau khi chiếm thành Nam Định, cho thấy qui mô của một thành phố tương lai đã được hình thành. Trên thực tế qui mô này gần như không thay đổi cho đến một số năm gần đây. Đã có những đường phố mang tên hàng. Phố Hàng Tiện được dịch ra tiếng Pháp là Rue de Tournier.
Chẳng hiểu triều đình nhà Nguyễn nghĩ thế nào mà hồi ấy chỉ cho xây cột cờ ở ba nơi là Huế, Hà Nội và Nam Định. Và rồi đến năm 1886 thì xóa luôn trường thi ở Hà Nội, học trò ở mãi tận trên vùng sông Đà cũng phải về Nam Định để thi.
Chuyện hỏng thi đã có từ hàng ngàn năm rồi thế mà bây giờ mới có tú Xương, có lẽ là người đầu tiên, người nói nhiều nhất, hay nhất, thấm thía nhất về chuyện hỏng thi. Có lẽ một thời đại mới cho mgười ta một cách nhìn mới. Vào thời ấy sao không có ai khác, chỉ có Tú Xương? Có lẽ sự đặc biệt của phố phường Nam Định mới tạo nên một nhà thơ như thế. Lớn hơn thân phận của một nho sinh, ông là con người của đường phố. Ông là con người của đường phố đầu tiên và rất lâu về sau cũng ít có người được như vậy.
Hay mình thấy tớ nay Hàng Thao, mai Phố Giấy mà bụng mình ghen.
Hay mình thấy tớ sáng Tràng Lạc ,tối Viễn Lai mà lòng mình sợ.
Cũng những ông quan, ông cử, ông hàn… nhưng bây giờ đã khác.
Ở phố hàng Song thật lắm quan
Thành thì đen kịt, đốc thì lang…
Đó thật là những con người mới, nó cứ tươi roi rói như đập vào mắt người ta.
Nói đến Hàng Thao không thể không nhắc đến Tản Đà. Mẹ ông là một cô đào hát ở phố Hàng Thao. Hạt giống từ vùng núi Tản sông Đà được gieo lên bên bờ sông Vị. Về sau cậu ấm Hiếu còn trở đi trở lại Nam Định nhiều lần, từ ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Mảnh đất này liên quan đến những sự kiện trong cuộc đời nhà thơ như: kì thi trượt, mối tình hoa đào…
Đầu phố Hàng Thao chạm ngang với phố Hàng Cau, nơi Nguyên Hồng sống những năm tuổi nhỏ. Căn nhà ở phố Hàng Cau ấy với khung cảnh của thành phố Nam Định được nói đến rất nhiều trong các tác phẩm của nhà văn, đặc biệt là Những ngày thơ ấu (1938) và Một tuổi thơ văn (1972). Hình như ở một chỗ nào đó Tô Hoài có bảo rằng trong các tác phẩm của Nguyên Hồng, hay nhất là Những ngày thơ ấu. Mỗi lần đọc lại tập truyện này tôi đều súc động và tìm thấy thêm những điều thích thú. Tôi nghĩ đến M. Gorki và Thạch Lam. Truyện Tiếng kèn có không khí náo nức không kém gì cảnh các anh lính thành Séville trong vở nhạc kịch của G. Bizet mà vẫn ẩn chứa nỗi buồn day dứt.
Đôi khi tôi tự hỏi. Trong những nhà văn của chúng ta, có mấy ai thực là con người của đường phố như Nguyên Hồng không?...
Hà Nội 1-2011
tin tức liên quan
Videos
Quỳ Hợp: Những di tích danh thắng tiêu biểu
Chuyện lớn, chuyện nhỏ ở Tokyo
Để tăng sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch tại Nghệ An
Thông điệp từ trái tim giữa mùa dịch
GS Ngô Bảo Châu: "Đó có lẽ là một tình yêu quá lớn"
Thống kê truy cập
114506609
Hôm nay
268
Hôm qua
2296
Tuần này
21696
Tháng này
213482
Tháng qua
121356
Tất cả
114506609