Cuộc sống quanh ta

Chung quanh chuyện đi thực tế của nhà văn

Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng chia nghề văn thành hai loại: một loại phải đi nhiều, tiếp xúc với đời sống thực tế rồi viết và viết được nhiều. Một loại, “không cần đi thực tế, không cần phải tiếp xúc với ai, họ vẫn có thể viết, viết suốt đời.”, “đối với họ, đời sống chỉ có ý nghĩa gợi ý hay dựng vấn đề, còn thì tất cả mọi loại nhân vật, mọi tình cảnh, mọi tư tưởng đều đã có sẵn trong cuộc sống tinh thần tư tưởng của họ.

Chuyện ngày xưa

Ở ta, có lẽ Tô Hoài thuộc số ít nhà văn được đi nhiều và quan tâm thuật lại chuyện đi của nhà văn nhất. Đi tới đâu, ông Tô Hoài cũng chú ý ghi chép những chi tiết sống tưởng rất vặt vãnh của văn nhân nước mình. Trong cuốn Chiều chiều, Tô Hoài kể sau 1945 có một phong trào đi thực tế. Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng,…lên Điện Biên. Kim Lân vác xà beng đi đào sông bên Bắc Hưng Hải. Nguyên Hồng đi đẩy xe goòng nhà máy, Võ Huy Tâm về Hải Phòng đội mũ thợ, đi lò. Hồ Dzếnh xin đi thực tế, nếu không vì thăm người quen, thì cũng để tiện đường về nhà. Sao Mai không đi đâu xa, ông về quê vợ vùng đồng chiêm Nam Định, chẳng những viết được phóng sự, mà còn cai được nghiện, thậm chí còn có thêm cái khoản “bồng bế theo cả dì hai nó về”. Thanh Đình hôm nào cũng đòi đi thực tế mà không được. Phạm Khanh khẩn khoản đề nghị cấp trên ghi tên mình vào danh sách đi thực tế, vì nhận thắng rằng “có lao động cải tạo mới nên con người”. Nhưng về được dăm năm thì tự vẫn. Nguyễn Hoàng Quân xin đi thực tế, nhưng nghe thấy bảo phải đi nông thôn và làm cu li ở nhà máy liền bỏ về. Ca sĩ ái Loan đi thực tế, lội bùn mắch bệnh uốn ván, chết ở Phủ Lý. Tô Hoài về nông thôn dạy nông dân đấu địa chủ. Đào Vũ đi làm đồng, khoác bừa lên vai, tay dắt trâu giống người làm nông thực thụ về sau được giời cho cuốn tiểu thuyết Cái sân gạch. Phùng Quán đi thực tế phải hót phân người, phân trâu về làm hố phân xanh. Chuyện đi thực tế của nhà văn, ở đây đã bị biến dạng thành chuyện đi lao động, đi nghĩa vụ. . Tôi cho rằng, những sáng tác được đính kèm với những chuyến đi thực tế, sẽ loại trừ dần sức tưởng tượng mang tính cá thể của người nghệ sĩ. Những nhà văn quá lệ thuộc vào trạng thái vốn có, đang có của hiện thực sẽ không thể nhìn ra “những trạng thái mà chúng có thể xuất hiện”. Trên mảnh đất của văn học thực tế không có chỗ đứng cho cái thế giới khả nhiên tồn tại.

Quan niệm về việc “đi thực tế” ngày xưa đơn giản đến thô thiển, máy móc tới độ cực đoan, sai lầm đến mức thủ tiêu sức sáng tạo của con người. Chính vì quan niệm chưa đúng về vị trí và cách thức đi thực tế cho nên nhà văn ta thường đi thực tế để sao chép cái vùng sống mà họ quan sát được. Sao chép sự việc, gom nhặt các biến cố đến một mức độ nào đó, tất nhiên cũng có chuyện để kể, song những chuyện này thường ít được “sáng tạo lại”. Tôi nghĩ muốn sáng tạo được một hiện thực mới, nhà văn phải tư duy, trong đó trí tưởng tượng của họ phải chiếm một vị trí quan trọng. Qua tưởng tượng, cái nhìn của nhà văn chẳng những vượt ra ngoài phạm vi tư liệu thô của cuộc sống, mà còn tiếp cận được những khía cạnh mới của bản thể; bằng tưởng tượng nhà văn sẽ tái tạo và đào sâu hơn những tri thức, những kinh nghiệm sống của mình; và do vậy anh ta sẽ có thêm điều kiện để đi đến một nhận thức mới...Những nhà văn ưu tú đều tưởng tượng và sáng tạo bằng “phương thức mô phỏng” chứ không phải bằng sự mô phỏng hiện thực. Nhưng thật đáng tiếc, lâu nay, chúng ta quen giải thích khái niệm mô phỏng từ cái nhìn của phản ánh luận và đồng nhất mô phỏng với sự sao chép thô thiển hiện thực vì vậy đã hạ thấp tính chất sáng tạo của nghệ thuật mô phỏng. Nếu nhà văn không sáng tạo bằng phương thức mô phỏng, thì sản phẩm của anh ta chỉ dừng lại ở cái dĩ nhiên hoặc cái tất nhiên của hiện thực. Sáng tạo văn học đích thực cần phải được thực hiện bằng tư duy mô phỏng. Tư duy mô phỏng “không đem lại cho chúng ta câu trả lời chân lí” đối với hiện thực biến đổi đa dạng, mà nó đề xuất với chúng ta một cách nhìn, một quan niệm, một cách giải thích về hiện thực thông qua việc tạo ra những khả năng; đến lượt mình- những khả năng ấy sẽ “mở rộng tư tưởng của ta và giải phóng ta khỏi sự chuyên chế của cái thói quen…nó đánh thức sự kinh ngạc của ta bằng cách cho thấy những sự vật quen thuộc qua các bình diện khác lạ”[1]Một thời gian dài, nhà văn của ta tâm niệm viết văn phải có ánh sáng soi đường, phải có lí luận. Nhưng thứ ánh sáng lí luận đó bao giờ cũng gắn với một phạm vi thực tế nhất định. Sau vụ Nhân văn, Tô Hoài xin đi học trường viết văn Gorki. Nhưng dự định ấy không được chấp nhận, chỉ vì: người sáng tác cần nắm thực tế đất nước mình. Ngay trong chương trình học ở trường Nguyễn Ái Quốc, nhà văn Tô Hoài, cũng phải học môn “đi thâm nhập thực tế ở một hợp tác xã đã cải tiến quản lý (hoặc nhà máy) để kiểm tra, đối chiếu các môn đã nghiên cứu”; ngoài ra, ông còn được nghe ngoại khoá báo cáo gương điển hình. Thời ấy, người ta dạy văn nghệ có chức năng giáo dục, chức năng phản ánh chứ không dám nói văn nghệ có chức năng mỹ học. Ai nói về chức năng mĩ học sẽ bị qui vào phần tử có tư tưởng lệch lạc. Vậy nên, chỉ những ai thật sự được tin cậy mới được bảo đi thực tế. Nhiều người thiết tha đi, nhiều người xin mãi mà không được đi được. Lại có nhà văn đi thực tế để tiện đường về nhà thăm vợ con. Riêng những văn nghệ sĩ bị kỉ luật về vụ Nhân văn có muốn chối đi thực tế cũng không được. Họ phải đi thực tế, đi lao động cải tạo để thấm nỗi đúng sai của con người.Đi thực tế sinh ra những bút kí, những thơ tả chân, những chuyện thời sự, những người thực việc thực; đi thực tế sản xuất ra loại văn học hợp tác xã, văn học nhà máy, văn học công trường, văn học mang hơi hướng sử thi. Nhà văn nào cũng hăng hái lên đường, cũng tha thiết được đến mọi miền của Tổ quốc để được mục sở thị. Chuyện đi thực tế đẻ ra một nền văn học minh hoạ, chuyện đi sáng tác phong trào sinh ra một nền văn học “nặng gánh”. Câu chuyên sau đây giữa Nguyễn Công Hoan và Tô Hoài cấp cho ta một cách nhìn về thực trạng đó: Trong tiểu thuyết Đống rác cũ của tôi, anh bảo anh thương người đàn bà phải đi làm dâu cực khổ trăm bề phải không, tôi sẽ đưa anh về nhà thăm nhân vật ấy.Cách mạng tháng Tám thành công, trên đất nước ta xuất hiện nhiều mẫu người mới. Trước bối cảnh lịch sử sang trang mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, văn nghệ sĩ phải miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn những đề tài phong phú của hiện thực cách mạng, phải chú ý nêu gương người tốt việc tốt. Nhưng muốn làm tốt điều đó nhà văn lại phải đi thực tế, phải gắn bó với thực tế. Bản thân mỗi người cầm bút cũng muốn được đi thực tế để hiểu hiện thực cách mạng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nguyễn Đình Thi viết Nhận đường để khẳng định quyết tâm sẵn sàng lăn lộn với thực tế. Nam Cao viết Đôi mắt để nói lên việc đi thực tế đã đem lại cho ông cái nhìn đúng đắn đối với người nông dân và cách mạng ra sao. Độ tình nguyện khoác ba lô lên vai, đi hết làng nọ đến làng kia. Hoàng thu mình sống trong ốc đảo. Độ thầm rủa và trách Hoàng “sao anh không đi theo bộ đội, đi diễn kịch tuyên truyền, nhập bọn với đoàn văn hoá kháng chiến để được thấy những sinh viên, công chức sung vào vệ quốc quân, những bác sĩ sốt sắng làm việc tại các viện quân y, những bạn văn nghệ sĩ của anh đang mê mải đi sâu vào quần chúng để học và dạy học, đồng thời tìm cảm hứng mới cho văn nghệ”.Hoà bình lập lại: Nguyên Hồng về nhà máy xi măng Hải Phòng, Huy Cận về vùng mỏ Quảng Ninh, Nguyễn Huy Tưởng đến chiến trường Điện Biên. Chế Lan Viên viết Tiếng hát con tàu ngợi ca chuyện đi thực tế. Ông có hẳn một bài Đi thực tế

                               Suốt một đời ăn hạt gạo nhân dân

                               Lần thứ nhất nhà văn đi học cấy

                              Bỗng hối tiếc ngàn câu thơ nước chảy

                              Chửa “vì người” bằng một bữa ăn cơm

Ở trên đã nói, việc đi thực tế của nhà văn có muôn vàn lí do, ngoài vấn đề viết lách. Có chuyện đi thực tế a dua theo phong trào, lại có chuyện đi thực tế tự nguyện vì muốn nâng cao tầm hiểu biết. Có chuyến đi do bị rủ rê, thích xê dịch. Có chuyện đi vì bổn phận, nghĩa vụ, thiên chức. Có người xin mãi chẳng được đi. Một số nhà văn ngại đi, một số không đi không được. Số “không đi không được” thường mắc chứng bệnh hữu khuynh. Nhưng muốn những người hữu khuynh ấy đi đúng hướng lại cần có người hướng dẫn họ. Vì thế mới nảy nòi một đội ngũ nhà văn chỉ đạo chuyện “thực tế”. Cái gì cũng cần thực tế. Chuyện cơm áo, sinh mệnh không thể đùa. Ngày trước, cụ Nguyễn Du ôm hận mà than: văn chương có số mệnh đâu mà “luỵ phần dư”. Ông Viên Mai cảnh báo: lập thân không nên bằng văn chương. Xuân Diệu thấy “đời giơ nanh vuốt”, nên vội bảo: “Cơm áo không đùa với khách thơ”

Ở Việt Nam, nhà văn phần nhiều ưa thực tế, trọng thực tế. Họ thích bám víu lấy sự thực, nhân danh sự thực để đánh giá, để khám phá và miêu tả. Nhà văn nào cũng tự cho mình có bổn phận phải bám sát thực tế và tả chân thực tế. Chữ “thực tế” ở đây, bao gồm từ cái rõ rệt, cụ thể đến cái lợi ích gần; từ những hoạt động có mục đích cá nhân đến những sự thích ứng được đảm bảo bằng tiền bạc, quyền lực. Từ “thực tế” đối với nền văn học minh hoạ và ưa thích nghi, được dùng để chỉ tất cả những cái có sẵn, được bao cấp và đã trở thành công thức sơ lược; tất cả những cái cũ, giá trị cũ, vốn sống cũ, tiêu chuẩn cũ; tất cả những cái có giá trị thời sự và mang tính lịch sử xã hội; tất cả những cái có thể quan sát được, nắm bắt được và kiểm nghiệm được.

Suốt một thời gian dài, tâm lí đi thực tế thống ngự trên văn đàn Việt Nam. Chính nó khuynh loát nền văn học nước nhà. Sự khuynh loát này biểu hiện ra mấy phương diện sau:

Nhà văn nào cũng có nhiệm vụ minh hoạ hơn sáng tạo và nói thực lòng mình, có nhu cầu phản ánh cái khách quan hơn thể hiện cái tôi cá nhân. Không ai dám biến văn chương thành trò chơi, nhưng lại có thể biến nó thành công cụ, phương tiện truyền bá những tri thức quan phương hành chính. Lãnh đạo văn nghệ thì coi trọng công tác đi thực tế viết minh hoạ; người sáng tác do chịu sự ràng buộc của ý thức hệ và được bao cấp về tư tưởng tình cảm nên cũng chỉ cần đi thực nghiệm.

Quan điểm về thực tế, về lao động sản xuất, về hoạt động chính trị và cách mạng trở thành quan điểm thứ nhất và cơ bản của nhận thức văn học, của lí luận về sáng tác. Công chúng văn học, trong không khí khẩn trương, sôi sục cũng không có hơi sức đâu mà thưởng thức cái ngoài thực tế. Nhà phê bình, thì đương nhiên phải lấy thực tế làm tiêu chuẩn kiểm tra tính đúng đắn của sáng tác. Chỉ tiếc nỗi thực tế ở đây chỉ có một chiều.

Vì những lẽ trên, có thể gọi toàn bộ nền văn học Việt Nam từ năm 1945 đến 1975 bằng danh xưng văn học thực tế, văn học thực nghiệm. Văn học thực tế phản ánh kịp thời những diễn biến của lịch sử; đề cao người thực, việc thực. Văn học thực nghiệm bám sát hiện thực nhiều màu vẻ; chú ý nêu gương người tốt việc tốt. Cả nhà thơ lẫn nhà văn đều thâm nhập thực tế để ghi chép lại những điển hình xã hội; đều lấy những nguyên mẫu ngoài đời để dựng lên hình tượng con người mới. Núp trong Đất nước đứng lên, chị út Tịch trong Người mẹ cầm súng, Nguyễn Văn Trỗi ở tác phẩm Sống như Anh, chị Tư Hậu trong Một chuyện chép ở bệnh viện, chị Sứ trong Hòn Đất…đều có thật. Dĩ nhiên, để có được những thước phim chân thật về lịch sử, về sự đời, nhà văn ta đã phải đổ mồ hôi,và sôi giọt máu.

Văn học thực tế ra đời sau, trong và nhờ những chuyến đi thực tế của nhà văn. Văn học thực tế coi nhẹ trí tưởng tượng, coi nhẹ cái tôi sáng tạo, độc đáo. Văn học thực tế minh hoạ cho lí luận; sao chép thực tế chứ không phải hướng tới sự sáng tạo ra một dạng thái sống mới mẻ, độc đáo của con người, của xã hội và nhân loại{...}

Theo thuyết đi thực tế thì nhà văn đi vùng nào sẽ cho ra đời tác phẩm về vùng ấy. Đi về vùng núi, có tác phẩm vùng núi. Đi ra biển, có tác phẩm về biển. Đi Tây có tác phẩm về xứ người. Đi Tàu, có tác phẩm về anh bạn láng giềng vừa thâm thuý vừa khó tính. Hồi kháng chiến chống hai đế quốc to, nhà văn ta đi thực tế khá nhiều. Ai cũng muốn đi. Sau mỗi chuyến đi, họ đều có những tác phẩm xuất sắc. Chẳng hạn, chuyến lên Tây Bắc những năm 50 đã giúp Nguyễn Tuân khám phá ra chất vàng mười của thiên nhiên, và con người Tây Bắc. Dĩ nhiên, nhờ có chuyến đi ấy, Nguyễn Tuân mới có tập tuỳ bút Sông Đà nổi tiếng. Một nhà văn trẻ hỏi Nguyễn Tuân : “ Thưa bác, bác đã viết Sông Đà như thế nào ạ”. Nguyễn Tuân cười hóm hỉnh, rồi trả lời rất ngắn : “Tôi đi, tôi viết”. Nguyễn Huy Tưởng đi chiến dịch biên giới 1950, viết “Kí sự Cao Lạng”. Tô Hoài đi cùng bộ đội tham gia chiến dịch giải phóng Tây Bắc năm 1952, có điều kiện tiếp xúc với cuộc sống tủi nhục của đồng bào các dân tộc miền núi dưới ách phong kiến thực dân, nên viết thành công “Truyện Tây Bắc”. Khi Hà Nội sắp vỡ đê, Tô Hoài phải đi canh đê, đắp đê. Sau chuyến đó, ông đã viết truyện ngắn "Nước lên" gửi cho "Hà Nội tân văn". Nguyễn Khải nhiều lần đến Điện Biên, thâm nhập cuộc sông nông trường những ngày xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nên đã có tập truyện Mùa lạc (1960).

Lại có chuyện, Chế Lan Viên chẳng cần đến Tây Bắc trong cuộc vận động lên Tây Bắc xây dựng kinh tế những năm 1958- 1960, mà vẫn có Tiếng hát con tàu” tài hoa, sắc sảo. Trong khi đó, nhà văn Triệu Bôn chẳng hạn, lại muốn được đi tù để có vốn thực tế. Nhà thơ Nguyễn Anh Nông kể thế này: Sau chiến tranh, đất nước thanh bình, ngỡ cuộc sống rồi ra ai cũng hạnh phúc, đủ đầy, chẳng còn ngang trái, tai ương, ai ngờ cả xã hội ta lúc ấy lại đứng trước những vấn đề mới nảy sinh, không kém phần phức tạp. Một lần nhà văn Triệu Bôn tới thăm người bạn cũ, làm trưởng trại tù, ông thấy rất nhiều người từng làm cán bộ, sĩ quan, thủ kho, quản lý... bỗng trở thành: công dân hạng bét của xã hội. Lúc ấy, nhà văn Triệu Bôn tâm sự - tôi đã xin ông bạn trưởng trại tù cho được đóng giả tù nhân, để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, cuộc sống của những người đã mất quyền công dân này. Ông bạn của nhà văn Triệu Bôn đồng ý cho Triệu Bôn làm tù nhân không bản án.

Chuyện ngày nay

Nhà văn ta ngày nay, đi thực tế nhiều vô kể. Đi Tây. Đi Tàu. Về xuôi, lên ngược. Người này đi viết theo đơn đặt hàng. Người kia đi viết hưởng ứng cuộc thi tuyên truyền thương hiệu. Riêng chuyện “nâng cao nghiệp vụ” hoặc chuyên nghiệp hoá sáng tác bằng cách mở các trại sáng tác, có thêm sự này: nhiều người cắp bản thảo về trại để sửa cái đã viết, đếch có cái mới nào. Trừ những ông làm thơ giời cho làm toàn những thứ thơ kềnh càng, vung vít thì lúc nào cũng làm được thơ. .

Nhà văn đi thực tế kiểu “phong trào” thường không phải bỏ tiền túi. Họ cũng được nhận tiền đầu tư cho sáng tác.Chỉ tiếc nỗi dù cái ăn, cái ngủ được bao cấp, nhưng thơ văn hay, thì hãy còn ít lắm. Chợt giật mình nhớ, giữa thời buổi khó khăn này, mà ở ta từ người quản lí đến người sáng tạo vẫn còn tôn sùng quan niệm thật ấu trĩ và ngây thơ thế này: nhà văn nào mang cần câu ra bờ ao, bờ hồ ngồi, thì kiểu gì anh ta cũng được con cá, con tép. Than ôi, làm gì có chuyện, cứ cho nhà văn đi thực tế, họ sẽ có tác phẩm đỉnh cao, tác phẩm xứng ngang tầm thời đại! Sáng tạo văn học không thể nương theo phong trào, không thể chạy theo mốt và không thể sáng tác hàng loạt hoặc ồ ạt. Trước khi sáng tạo, nhà văn phải sống thật trọn vẹn với cảm xúc của mình; phải sống sâu sắc với thực tế đang bày ra trước mặt. Mọi nhà văn muốn mở rộng quan niệm của người đọc về đời sống, hay muốn đem đến cho họ một nhận thức mới về những gì có thể có, đều buộc phải sáng tác trên một nền thực tế nhất định. Nhưng thực tế này, hẳn không phải do trại sáng tác tạo ra hoặc đem lại. Những nhà văn bám theo trại viết vừa ngắn vừa nhạt, khó có thể viết mới, viết có chiều sâu. Còn những nhà văn xăng xái đi thực tế kiểu phong trào vừa để hội họp, bù khú vừa để viết một cái gì mang tính thời sự, lại thường đẻ ra thứ văn học báo chí, văn học thù tạc, văn học thông tin tuyên truyền. Sáng tác văn học kiểu sao chụp thực tế, xét ở một góc độ nào đó, rõ ràng chưa đoạn tuyệt với màu sắc chính trị và tâm lí thực dụng phổ biến đương thời. Người được đi thực tế, phấn khởi khôn xiết nên đẻ ra con đàn cháu đống. Người tổ chức đi thực tế thành công, trong niềm hoan hỉ còn đọng lại, cũng đã nghĩ về tương lai của nền văn học nước nhà cần lắm những chuyến đi thực tế. Nhà văn “thiếu thực tế nông thôn à? Mời đi thực tế nông thôn một chuyến. Thiếu thực tế miền núi à? Cho đi thực tế miền núi một chuyến…” [2]Đành rằng, nhà văn có quyền viết về những gì gần gũi nhất, đời thường nhất. Nhưng nếu chỉ ghi lại, kể lại những điều tai nghe mắt thấy thôi, thì sáng tạo ấy vẫn chưa đủ để đem lại khoái cảm thẩm mỹ cho người đọc, chứ đừng nói đến việc nó đã cấp cho độc giả một cách tư duy mới mẻ về thế giới, về con người. Nhà văn không thể sáng tạo ra một hiện thực thứ hai, nếu thiếu đi những dữ kiện thực tế mà anh ta có thể đã thu nạp được trong quá trình quan sát. Nhà văn cũng không thể tưởng tưởng và liên tưởng để sáng tạo ra một thế giới mới với tính chất khả nhiên đặc trưng cho nó, nếu thiếu đi vốn sống cần thiết. Nhà văn cũng không thể trông chờ một sự cộng hưởng mãnh liệt nào đó từ phía độc giả, nếu anh ta xa rời thực tế xung quanh mình. Có lẽ chính vì nhận thức được tầm quan trọng của vốn sống đối với sự viết, từ thời xưa, các thi nhân đời Đường đã chủ trương: đọc hết vạn quyển sách, đi hết vạn dặm đường. Lý Bạch khẳng định: “văn chương sáng tác phải phù hợp với thời đại”. Đỗ Phủ nói: “thơ dùng để truyền đạt cái tình ở trên đời”. Chữ “thời đại” nghe ra rộng lớn vô cùng, nhưng có lẽ qua cách nói ấy, Lý Bạch đã nêu bật được yêu cầu: nhà văn phải luôn sống trong thực tế. Còn chữ “tình” trong quan niệm của Đỗ Phủ cũng không có gì trừu tượng cả. “Tình” đối với Đỗ Phủ, chẳng những gắn với sự trải nghiệm của từng cá nhân, mà còn luôn được bắt nguồn từ thực tại, do thực tại quyết định. Trên đại thể, để trang bị cho mình vốn sống, vốn viết, mỗi nhà văn có một cách, không nhất thiết cứ phải gióng trống mở trại.Gần đây, trong cuộc trao đổi với chúng tôi, nhà thơ Dương Thuấn nói về thực tế đáng buồn mà ít người nhắc đến: nhiều Hội Văn học nghệ thuật tổ chức những trại sáng tác vô thưởng vô phạt, không có ai làm thầy, không có ai biết nghề để chỉ cho vài ngón nghề cả. Các nhà văn cấp giấy bút đến đó, ăn ngủ nghỉ ở đó, rồi vác tác phẩm đến nộp. Sau đợt đi thực tế, báo chí của Hội đưa tin, nhà văn này vừa hoàn thành cuốn tiểu thuyết dày cộp, sắp in; nhà thơ kia đóng tập, sắp công bố. Đại ý họ muốn bảo với công chúng rằng: Hội văn học nghệ thuật của tỉnh nhà vẫn tổ chức cho các nhà văn đi đều, hoặc đi định kì; các chuyến đi thực tế ấy đều sản sinh ra văn học nghệ thuật, góp phần làm phong phú cho nền văn học nước ta. Nhận xét của Dương Thuấn gợi cho tôi nhớ một vài “dòng tin”, mà nội dung của chúng đại khái thế này: Nắng gay gắt của xứ núi không làm chùn chân những con người đam mê đi tìm cái mới. Vừa tới khu vực biên giới, ai cũng háo hức xuống tham quan; rời khu vực biên giới, đoàn trở về chợ cửa khẩu Tịnh Biên, một điểm giao thương mua bán trọng yếu của huyện;…một tiếng sau, trở lại xe ai cũng lỉnh kỉnh tay xách nách mang, miệng cười tươi tắn vì mua được đồ đạc với giá hết sức ưu đãi. Chúng tôi tiếp tục hành trình tham quan Bồ Hong, điện Bồ Hong hiện ra trước mắt, cảnh vật trên này thoắt ẩn thoắt hiện trong sương mù, mọi người tưởng mình thật sự thoát tục, để thật sự đắm mình cùng thiên nhiên cây cỏ…Buổi sáng, không khí trên đỉnh Thiên Cấm Sơn thật trong lành, mọi người tranh thủ ngắm mặt trời mọc, tham quan một số công trình kiến trúc và ngoạn cảnh trước khi lên xe trở về Long Xuyên. Chuyến đi này đã mang đến cho các bạn nhiều cảm xúc mới lạ, thú vị để sáng tác và rất cần có những chuyến đi tương tự... 

Trại sáng tác[3] trong trí nghĩ của một số người hiện ra thành một điềm lành của hoạt động nâng cao nghiệp vụ; một nơi lý tưởng để khơi gợi, phát huy tiềm năng sáng tạo, hoặc ít ra nó cũng được diễn giải thành một tín hiệu vui- báo hiệu hoạt động sáng tác văn học đã được chuyên nghiệp hoá. Nhưng thực ra, trên một số phương diện nào đó, việc đầu tư mở trại, đi thực tế rầm rộ lại tầm thường hoá chuyện sáng tác văn học. Nhà thơ Inrasara quan sát thấy một nghịch lí: hiện nay nhà văn của ta chưa thực sự dấn thân vào đời sống cộng đồng, một sống người còn tỏ ra quan cách trong các chuyến đi. Ông lấy ví dụ: tháng 5.2008 vừa rồi, 15 nhà văn TP Hồ Chí Minh đi thực tế huyện Bảo Lâm – Lâm Đồng. Anh em cán bộ nhân viên Công ty Thuỷ điện Đồng Nai 4 cùng 5 anh chị em thuộc đội ca nhạc dân tộc Châu Mạ, hai già làng nữa đón đoàn trân trọng và đẫm tình. Lửa đốt tưng bừng. Rượu cần ngọt đậm. Thịt heo quay thơm ngon. Tiếng ca tươi vui trong trẻo,…vậy mà anh chị em văn nghệ sĩ nhập cuộc chưa đầy hai tiếng đồng hồ, đã xin kiếu! Họ đi xe về thị xã ngay trong đêm ấy. Trong khi ở đó vẫn có nhà nghỉ, và không khí văn nghệ đang kì cao điểm.

Nhà văn, trong câu chuyện vừa kể trên, sống sung sướng, viết nhàn hạ. Đối với họ, câu chuyện “ba cùng” với đồng bào dân tộc thiểu số thật xa vời và viển vông. Họ không đời nào chịu đặt bàn viết giữa cuộc đời phồn tạp. Chỗ làm việc của họ, phải ở những căn phòng tiện nghi, sang trọng. Đem so với chuyện Nguyên Hồng đẩy xe goòng nhà máy xi măng, Võ Huy Tâm làm công việc của người thợ mỏ đầy vẻ gian nan, nhọc mệt, ta thấy việc đi thực tế của những nhà văn ta bây giờ, nhàn nhã mà vẫn được nhận tiền “đầu tư chiều sâu”. Chỉ buồn một nỗi, họ chẳng đẻ ra tác phẩm nào cho ra tấm ra món.

Đi thực tế ở ta hiện giờ, rất lắm lối: có chuyện đi giao lưu, kết nghĩa; có chuyện đi để giảm stress; có chuyện đi chỉ để đọc lại bản thảo; có chuyện vận động mạnh thường quân làm từ thiện; có chuyện cưỡi ngựa xem mây gió trăng hoa; có chuyện tiện đây anh viết “một bài lăng xê”;... Tô Hoài cho rằng: các nhà văn ta không đi thực tế, họ “chỉ đi chơi lăng nhăng thôi”.

Chuyện đi thực tế với những biến dạng kiểu đó, kể cũng vớt vát được đôi phần váng nổi cho văn chương nước nhà. Nhưng điều đáng buồn hơn ở chỗ, cho đến giờ, vẫn còn nhiều nhà văn xa rời thực tế, ngại “thâm nhập thực tế”. Họ quay mặt vào tường để sáng tác, và cảm thấy lao động ở không gian salon- điều hoà cũng mướt mồ hôi. Tình trạng “thiếu vốn sống, thiếu thực tế” ở cả người viết trẻ lẫn người đã có “thâm niên công tác” đã đến hồi báo động. Trách nhiệm công dân và thiên chức sáng tạo bị hiểu một cách méo mó, cực đoan; không ít cây viết thoả hiệp với cơ chế thị trường để chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng. Cứ nhìn vào thực tế sáng tác những năm vừa qua, chúng ta sẽ thấy, các tác phẩm gây xôn xao văn đàn chủ yếu do viết về sex, về các phần nhạy cảm, “môi mắt, lưng bụng”;…Dĩ nhiên, bản thân đề tài này, không có gì “ghê gớm” lắm, nhưng đáng nói ở chỗ, chúng được miêu tả chủ yếu từ góc nhìn của dục vọng, của sự hưởng thụ, với một kiểu biểu hiện lỏng nhạt hoặc quá ư dễ dãi. Chẳng biết những độc giả đặc tuyển vui hay buồn, khi họ quan sát thấyvăn học thân thể, văn học giới tính đã“ăn” nhồm nhoàm các văn liệu, thậm chí có xu hướng tranh chiếm chỗ đứng của văn học thực tế, văn học minh hoạ. Chúng ta đang chứng kiến một nền văn học “tự sướng”.

Vấn đề thiếu vốn sống, thiếu thực tế không chỉ diễn ra ở lĩnh vực sáng tác văn học mà còn xảy ra ở các ngành nghệ thuật khác. Chẳng hạn, có nhà biên đạo múa ngồi ở nhà tự biên ra cảnh chàng trai Mông dùng cây khèn múa quấn quýt bên cô gái Mông để tỏ cái lòng đắm say của mình; lại có anh đạo diễn cho dựng cảnh trong không khí hội xuân, một chàng trai Mông kéo một cô gái Mông ra bờ suối, cô gái thì cầm ô che, chàng trai thì cầm khèn thổi, ngả nghiêng trao tình, hoặc bảo một chàng trai Mông đi học chữ, rồi xui anh ta đến một buổi tối nọ đem khèn đến đầu phòng cô giáo để tỏ tình... Thấy các cảnh ấy, bà con địa phương nhận xét: Người dựng phim không hiểu gì về văn hoá dân tộc Mông. Con trai Mông không dùng khèn để tỏ tình!”. Không chỉ có biên đạo múa, đạo diễn, đến anh nhạc sĩ cũng bịa ra những xúc cảm “bất thường”. Khèn của người Mông, Thái, Lự đều chỉ để dành cho đàn ông chứ phụ nữ không bao giờ được thổi, thế mà anh nhạc sỹ nọ lại sáng tác lời bài hát thế này: “Khèn em đi vượt qua đồi, để bao người theo qua núi” hay: “Tiếng khèn em về đâu/ Có vào phiên chợ núi…”[4]

Nhà thơ Phạm Tiến Duật khẳng định “...Hồi chiến tranh, các nhà văn, nhà thơ, dù mặc áo lính hay không mặc áo lính đều bám rất sát đời sống chiến đấu{....} Lạ lùng thay, trong điều kiện thời bình mà nhà văn lại rất thiếu thực tế...”. Nhà văn Trần Thuỳ Mai cho rằng: “Tôi thích dùng từ “đi” hơn mấy chữ “đi thực tế”. Bởi mấy chữ “đi thực tế” gợi nhớ đến kiểu đi quan sát thực tế ở nhà máy, nông trường ngày trước, thời người ta còn khuyến khích viết về sản xuất, chiến đấu Mấy chữ “đi thực tế” ... gợi cho mình một cảm giác không mấy dễ chịu. Còn nếu chỉ nói về những chuyến đi nói chung, thì rất cần cho tất cả mọi người chứ không riêng người cầm bút. Bởi vậy, du lịch mới trở thành quan trọng đối với cuộc sống hiện nay. Mọi chuyến đi đều mở rộng biên độ cuộc sống, mở rộng tầm nhìn, sự hiểu biết. Nói tóm lại, nó làm phong phú đời sống tinh thần của bạn”. Nhà văn Tô Hoài bổ sung thêm: “Mỗi nhà văn để đạt tới một tầm vóc nào đó, phải có một thực tế nhất định. Có thực tế cũng không nhất thiết phải đi thực tế trực tiếp. Có thể tìm ở sự quan sát. Có thể tìm trong báo chí”.

Vậy “sức sống và giá trị của tác phẩm văn học có quan trực tiếp với những chuyến đi thực tế của người viết không?”. Câu hỏi này đúng với một số trường hợp. Nhưng đa phần đều sai. Từ góc độ của người sáng tạo, nhà văn Trần Thuỳ Mai khẳng định: “những chuyến đi giúp người ta mở rộng tầm nhìn, rất bổ ích cho người cầm bút. Nhưng không hẳn người ta sẽ viết về những điều trông thấy trong chuyến đi. Còn tác phẩm có hay và có sức sống hay không thì trước hết do tài năng của nhà văn chứ. Thêm một điều này nữa: không phải chỉ bằng cách đi người ta mới thâm nhập sâu sắc vào thực tế cuộc sống. Bởi vậy mấy chữ “đi thực tế” rất chệch choạc. Vấn đề ở đây không phải chuyện “đi” thực tế nữa, mà thành việc sống và cảm nhận thật trọn vẹn về cuộc sống”.  Tôi tận dụng tất cả mọi cơ hội để đi, ngoài nước, trong nước, nơi đô thị hay rừng rú, trong điều kiện sung sướng đầy đủ hay gian nan cực khổ. Những chuyến đi giúp tôi biết dến nhiều cảnh đời, nhiều câu chuyện nhân sinh thú vị. Tất nhiên, khi bạn viết văn xuôi, vốn sống rất quan trọng, bởi đôi khi bạn phải miêu tả nhiều cảnh sống khác nhau. Mà muốn làm được điều đó thì bạn phải thấy, nghe, nhìn rất nhiều thứ, ở nhiều nơi.

-  Đối với những nhà thơ “lãng mạn, siêu thực, tượng trưng”, đi thực tế có ý nghĩa thế nào?

Tôi không làm thơ, tôi không biết. Nhưng tôi nghĩ những chuyến đi chỉ là một phần trong vốn sống của nhà văn. Và không phải chỉ có đi trong chiều rộng của không gian, mà còn đi vào chiều sâu của tâm hồn mình. Khi sống đến hết những biên độ cuối cùng của tâm hồn, ta sẽ thực chứng được những trạng thái tâm cảm mà bình thường ta không thể chạm tới.

- Phải chăng người viết chỉ cần giàu tưởng tượng, và có nhiều rung cảm thì sẽ viết được hay?

Bạn không thể tưởng tượng nếu trước hết bạn không có thực tế. Nhưng một lần nữa, tôi xin nhắc lại rằng đừng có đồng hóa việc thâm nhập thực tế của nhà văn với mấy chữ “đi thực tế”. Vì chúng ta đang sống trong thực tế đây thôi, còn phải đi đâu?

Ở nước mình, một số nhà văn lười đi thực tế, nhưng lại rất “thực tế” và giỏi thích nghi. Dương Thuấn dự báo: những tác phẩm mô phỏng thực tế chỉ đẻ ra một thứ quái thai dị mọ, nền văn học Việt Nam dần dần sẽ quái thai nếu cứ để tình trạng minh hoạ thô lậu thực tế. Những tác phẩm minh hoạ thực tế, minh hoạ cho chủ trương, đường lối, những tác phẩm ca ngợi một chiều và miêu tả giả dối hiện thực, chắc chắn chỉ có giá trị nhất thời. Chúng hoặc yểu mệnh, hoặc chỉ có giá trị tư liệu, hoặc làm cho đám cỏ hoang phi văn chương rậm rạp hơn.
 
                 Viết xong 13/02/2009
 Sửa lại ngày 3-3-2009
 
 
 



[1] Dẫn theo Trần Đình Sử. Bertrand Russell. Những vấn đề triết học (1912)/http://grani.ru
[2] Xem thêm. Thực tế của nhà văn ở đâu?/ http://vietbao.vn/Van-hoa/Thuc-te-cua-nha-van-o-dau/45194694/181/
[3] Xem: Y Nguyên. Trại sáng tác - một tàn dư của thời bao cấp/ w ww.thanhnien.com.vn
 
[4] Dẫn theo Phạm Minh Hạc. Cần bớt đi những “hạt sạn”/ http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/%20VN/tabid/66/CatID/5/ContentID/22955/Default.aspx

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503476

Hôm nay

2198

Hôm qua

2332

Tuần này

2946

Tháng này

220869

Tháng qua

120308

Tất cả

114503476