Đất Nghệ

Kênh Son - Cảng Xước

Các kênh đào thời nhà Lê (Tiền Lê) đã nối thông với các sông tự nhiên thành một hệ thống đường thuỷ thông suốt từ Quỳnh Lưu ở phía Bắc cho đến sông Lam ở phía Nam. Tàu thuyền vận tải có thể từ các bến cảng lớn: Cửa Cờn, Cửa Quèn, Cửa Thơi, Cửa Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội... đến tất cả các vùng đồng bằng Diễn Châu - Yên Thành - Quỳnh Lưu và Nam Đàn - Hưng Nguyên - Nghi Lộc, lại có thể đi thông ra tận Thanh Hoá, đến Kinh đô Hoa Lư, ra Bắc.

Từ ranh giới phía Bắc Nghệ An, thuộc địa phận xã Hoàng Mai, Lê Hoàn cho đào kênh Bà Hòa (thuộc xã Tân Trường, Tĩnh Gia, Thanh Hoá) theo hướng Nam, rồi men theo chân núi Xước, nối với sông Hoàng Mai và Kênh Xước. Kênh này chạy từ Sòi Trẹ (xã Quỳnh Lộc) đổ vào sông Hoàng Mai ở phía Bắc làng Ngọc Huy và gọi là Kênh Son. Từ Ngọc Huy, kênh chảy qua các xã vùng Bãi Ngang gọi là Kênh Mơ (còn gọi là kênh Mai Giang, kênh Ngọc Để) rồi đổ ra Lạch Quèn. Dòng kênh này men theo dòng nước chảy là khe Nước Lạnh, là đường ranh giới phía Nam Thanh Hoá, Bắc Nghệ An, thuộc huyện Quỳnh Lưu.

        Vùng đất Nam Tĩnh Gia, Bắc Quỳnh Lưu non nước hữu tình, vừa nên thơ, vừa có thế vững chắc, thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ bàn đạp cho các cuộc Nam chinh để bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Bởi vậy, triều Lý đã rất chú ý đến vùng đất chiến lược này, nên đã giao cho một hoàng thất là Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An và tổ chức lập trại Bà Hòa, làm căn cứ tích trữ lương binh cho triều đình, trong công cuộc chinh phục phương Nam của mình. Sách Đại Việt sử ký toàn thưcó chép:
        Giáp Thân, (Minh Đạo) năm thứ 3 (1044)... Tháng 8 đem quân về (Vua đi đánh Chiêm Thành). Đến Hành dinh Nghệ An, gọi Uy Minh hầu Nhật Quang đến uý lạo rồi trao cho Tiết việt Trấn thủ châu ấy, gia phong tước Vương. Trước đây vua uỷ cho Uy Minh thu tô hàng năm ở Nghệ An và sai lập trại Bà Hoà khiến cho (trấn ấy) được vững chắc, lại đặt điếm canh các nơi cất chứa lương thực đầy đủ, cái gì cũng vừa ý vua, cho nên được tước phong như thế .
        Để xây dựng trại Bà Hòa vững chắc, có đường bộ, đường thuỷ đi lại thuận tiện và có thể ra vào đường biển, Uy Minh Vương đã huy động quân đội và dân phu được chiêu tập từ Bắc vào để khơi đào kênh Xước, lập ra cảng Xước. Cảng này còn có tác dụng làm nơi trú gió bão của tàu thuyền các đời. Vua Lê Thánh Tông có lần đi đánh dẹp Chiêm Thành vào nghỉ nơi đây, ngẫm chuyện Tứ Vị Thánh Nương phù trợ cho vua Trần Anh Tông được tôn thờ ở đền Cờn, đã ngẫu hứng sáng tác bài thơ:
                                                                                                                                                                                                                                                                                            
 
DẠ NHẬP XƯỚC CẢNG THI
                         (Thập nhất nguyệt nhị thập bát nhật)
                    Xước cảng đồng long báo nhị canh,
                    Lệnh truyền lục tốt phát trùng doanh.
                    Đồi Ôi sơn thượng tình lam ái,
                    Thánh nữ từ tiền tịch thuỷ sinh.
                    Giáp sĩ minh đăng lâm lộc khứ,
                    Lâu thuyền quá cổ dạ trung hành.
                    Quân Vương giá ngự tư quần sách,
                    Tế tế tài năng di vựng chinh.
                                     ĐÊM TIẾN VÀO CẢNG XƯỚC
                                 (Ngày 28 tháng 11)
                      Cảng Xước canh hai mới điểm giờ,
                      Sáu quân nhổ trại lệnh liền đưa.
Trước đền Thánh nữ triều dâng sớm,                                                                                                  Trên ngọn Đồi Ôi khói tỏa mờ.
                      Nổi trống, thuyền binh đêm tối vượt,
                      Băng rừng, tướng sĩ đuốc hồng khua.
                      Vua đi đánh giặc bao tài tuấn,
                      Giúp rập binh cơ trí dũng thừa.
                                                    Dịch thơ (Ngô Linh Ngọc)
        Kênh Xước, Cảng Xước được làm xong, thì các làng quê mới cũng được hình thành ở hai bên kênh. Những ngày đầu gian khổ, chịu đói, chịu rét, quân dân phải vừa đào kênh, lập cảng, phải vừa khai hoang, cày cấy, tự túc lương ăn. Họ phải cử người vào rừng đốn củi, để đêm đêm trong những khi mưa dầm gió bắc, đốt đống lửa, quây quần bên nhau sưởi ấm và sua đuổi các loại thú dữ luôn luôn rình rập bên người... Những câu truyện kể, truyện hài... cũng được hâm nóng dần quanh đống lửa bập bùng, rồi các lán trại cũng lắng dần vào giấc mơ của ông Tiên, bà Bụt... Dọc theo các kênh đào Nhà Lê, làng xóm mới cứ dần dần được hình thành nhờ công của ngài Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Để nhớ ơn Uy Minh Vương, nhân dân các làng xã mới đều lập đền thờ thờ ông làm Thành Hoàng làng. Hiện nay, ở huyện Quỳnh Lưu còn có hàng chục làng xã và cả tỉnh Nghệ An thì có tới gần một trăm ngôi đền thờ Thành Hoàng làng Lý Nhật Quang và gọi là đền Tam Tòa. Đền Hạ xã Quỳnh Lập còn lại đến ngày nay là một trong những ngôi đền như thế. Tại sân đền Hạ, đến nay, vào đêm giao thừa vẫn còn lưu tục lệ rước đuốc, có từ thời kỳ sơ khai lập xã, khi còn thực hiện công việc đào kênh Xước và quai đê lấn biển xây dựng Cảng Xước. Trong ngày cuối năm, tất cả mọi nhà trong xã lại đưa củi gỗ đến chất đống tại sân đền Hạ. Đúng tối 30 tết, sau khi làm mọi thủ tục tế lễ Thần linh chứng giám, thì đống lửa trại được đốt lên. Khi đống lửa bùng cháy to, sáng rực cả một vùng, thì mọi người, từ già trẻ, đến các em thiếu nhi, tất cả nhảy múa, reo hò vui vẻ, rậm rịch cả sân chung quanh lửa trại... Kịp đến thời điểm Giao thừa, thì ai nấy thắp một bó hương thật to, rồi chạy nhanh về nhà thờ họ và nơi thờ Tổ tiên nhà mình mà làm lễ mừng năm mới. Phong tục này cũng là để nhớ ơn những vị khai cơ lập làng xã và cũng là một hình thức xin lộc Thần Thánh vào năm mới, cầu xin được mùa màng, mọi người đều được mạnh khoẻ, vui vẻ, gia đình hạnh phúc, ấm no. Tại đền Hạ, xã Quỳnh Lập còn lưu nhiêu đôi câu đối cổ ca ngợi công lao to lớn của triều Lý, của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Tiêu biểu như:
        - Hoan quận ngật kim duy đế ý;
          Lý triều tự cổ vịnh chân lân.
        Nghĩa là:
        Châu Hoan đến nay còn theo ý Vua dạy giỗ;
        Triều Lý từ cổ vẫn vịnh ca điều tốt lành.
        Hoặc câu:
        - Nam Thiên đế tử linh thanh cổ;
           Cần Hải lương dân ngưỡng vọng từ.
        Nghĩa là:
        Con Vua trời Nam tiếng linh từ cổ;
        Lương dân Cần Hải tôn ngưỡng đến giờ.
        Lý Nhật Quang là con vua thứ 8 của Lý Thái Tổ, được nhân dân xứ Nghệ ngưỡng vọng tôn thờ như cha tại đền Quả Sơn. Đền nằm ở xã Bạch Ngọc, nay thuộc xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, rất uy nghi, được xếp vào bốn ngôi đền to đẹp và linh thiêng nhất của xứ Nghệ "Đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng" .
Kênh Xước còn có tên nôm là lạch Trắp. Cửa bể được gọi là Cửa Trắp, hay Cửa Tráp. Bản đồ chữ Hán triều Nguyễn ghi Càn Hải Khẩu (cửa Càn Hải). Người dân ở đây thường gọi là Cửa Cờn, hay Cần Hải. Triều Lý xây dựng cảng ở đây và gọi là Cảng Xước. Cái tên Cửa Tráp có ý nghĩa là cửa biển ở đây trông giống như cái tráp đựng đồ, hay như cái hòm giữ của kín đáo. Cửa Tráp kín gió là nơi cho tàu bè vào ẩn gió bão rất an toàn, nên có tên gọi như vậy. Cảng Xước đã trở thành một trung tâm buôn bán sầm uất, đã có nhiều tàu buôn của nước ngoài cập bến trong suốt thời gian từ triều Lý cho mãi về sau. Ngày nay, tàu thuyền vận tải và đánh cá của ngư dân vẫn san sát đậu kín cả cửa bể. Cảng Xước thật sự là cảng thương mại lớn thời phong kiến. Người dân đánh cá ở đây đã lưới vớt được nhiều đồng tiền cổ Việt Nam và Trung Quốc... Nó chứng tỏ rằng, đã từng có sự giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa của người Việt Nam với người Trung Quốc và các nước khác ở tại cảng Xước này.
Vì địa hình sông núi nước ta dốc từ Tây sang Đông, mỗi khi đến mùa mưa lũ, cát từ đại ngàn lại đổ về thường làm cạn các con sông đào, nên các triều luôn phải huy động nhân dân đào vét sông thường xuyên. Việc nạo vét đào sông như vậy làm cho dân khổ cực trăm đường, ngay cả khi mùa màng bị thất bát, không có ăn nhưng vẫn phải đi phu và được phản ánh trong các bài thơ vè. Bài vè "Bắt dân xứ Nghệ ra đào khe Son" đã phản ánh hiện thực việc đào vét kênh vào năm Kỷ Vị (1858). Theo Đại Nam thực lục chínhbiên thì vua Tự Đức đã ra lệnh huy động dân khẩn cấp đào vét kênh đoạn từ Thanh Hoá vào Nghệ An cho thông suốt đường thuỷ, phục vụ vận chuyến lương binh từ trước năm 1858 và kéo dài cho đến 1866, 1869, sau đó lại tiếp tục đào theo lời tâu của Trần Tiến Thành. Bài vè tả:
...
Trông ra đồng trắng, nước trong,
Nắng nửa năm ròng không được hột mưa.
Không cho thiên hạ cày bừa,
Đồng điền bạch lạng không lưa hột nào.
Dân tình khốn nạn đã nao,
Bắt dân xứ Nghệ ra đào khe Son.
Đào từ Nước Lạnh về Cờn.
Khiêng bùn đội đất trăm đường chua cay.
Đào sâu một thước khi nay,
Đào sao cho tày một tháng phải xong.
Người đi như kiến, như ong,
Đào ba tháng ròng mới được nửa kênh…
Kênh Son được khởi đào từ triều vua Lê Đại Hành và các triều về sau khơi thông tiếp nối với sông Hoàng Mai, thông nước ra cửa biển Cửa Cờn tại cảng biển - cảng Xước. Từ kênh này có thể ra Bắc đến sông Mã, Thanh Hóa, đi tiếp đến kinh đô Hoa Lư, Ninh Bình và đi vào phía Nam cho đến Kỳ Anh, Hà Tĩnh và thông ra tất cả các cửa biển Bắc miền Trung là một trong những đoạn kênh quan trọng nhất trong hệ thống kênh đào nhà Lê - tuyến đường thủy kỳ vĩ nhất nước ta hàng ngàn năm nay.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521368

Hôm nay

2142

Hôm qua

2303

Tuần này

2142

Tháng này

219307

Tháng qua

121009

Tất cả

114521368