Những góc nhìn Văn hoá
Trở lại tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà
Việc phát hiện ra văn bản xưa nhất về truyền thuyết bài thơ Nam quốc sơn hà của chúng tôi cách đây 5 năm đã được sự chú ý của dư luận. Đó là một may mắn ít có đối với người nghiên cứu. Gần đây, trên báo Văn nghệ số 52 (27-12-2008) đã đăng tải bài viết "Về tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà" của tác giả Trọng Miễn, chúng tôi thấy nếu không trở lại bàn thêm về bài thơ thì khó có thể làm sáng tỏ những nghi vấn mà tác giả Trọng Miễn nêu ra trong bài viết.
Trước hết, khi bàn về tác giả của bài thơ "Nam quốc sơn hà", theo chúng tôi không thể chỉ dựa vào hai bài viết "Văn bản xưa nhất về truyền thuyết trong có bài thơ Nam quốc sơn hà của Nguyễn Thị Oanh trên tạp chí Văn hóa dân gian (số 2-2002) và bài "Bàn thêm về tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà" của Văn Đắc trên tạp chí Xứ Thanh (số 7-2003) để đại diện cho hai nhóm ý kiến khác nhau khi nói về tác giả của bài thơ nổi tiếng đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Từ trước cách mạng tháng Tám, có không ít học giả nổi tiếng như Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đổng Chi, Dương Quảng Hàm, Văn Tân, Đinh Gia Khánh... đã cho rằng tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà là của Lý Thường Kiệt. Năm 1988, người đầu tiên đặt lại vấn đề tác giả của bài thơ là GS. Hà Văn Tấn. Ông cho rằng "Không một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ Nam quốc sơn hà Nam đế cư là của Lý Thường Kiệt. Tiếp đó, năm 2000, PGS. Bùi Duy Tân trong bài: Truyền thuyết về một bài thơ "Nam quốc sơn hà" là vô danh không phải của Lý Thường Kiệt" cũng dựa vào truyền thuyết và huyền tích còn lại để nêu lên những dự đoán về thời điểm ra đời của bài thơ "xuất hiện từ thời Ngô và sau đó là thời Đinh Lê, tức đầu thời tự chủ". Khi điểm lại lịch sử vấn đề, sẽ công bằng và khoa học hơn nếu nhắc lại tên tuổi của các học giả đi trước và những ý kiến khác về bài thơ này. Bàn về những sự kiện và nhân vật lịch sử đã cách xa chúng ta ngót nghét ngàn năm, trong điều kiện không có nhiều tư liệu, thì không thể chỉ dựa vào hai bài viết để có thể nhanh chóng "khẳng định đúng - sai" được, huống hồ tác giả Trọng Miễn còn chưa bao quát hết một số bài nghiên cứu và trao đôi gần đây về bài thơ.
Chúng ta đã biết, bài thơ Nam quốc sơn hà nằm trong truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát, thuộc loại truyền thuyết anh hùng thường thấy trong lịch sử dân tộc. Với một khối lượng khoảng 35 dị bản sách và 8 dị bản thần tích vể truyền thuyết trong có bài thơ được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm hiện còn lưu trữ tại các thư viện ở Hà Nội, cho thấy truyền thuyết có sức hấp dẫn nhiều thế hệ độc giả. Trong bài viết Về thời điểm ra đời của bài thơ Nam quốc sơn hà đăng trong Tạp chí Hán Nôm số 1 (50) năm 2002, chúng tôi đã dựa vào sự thay đổi về nội dung truyền thuyết và thời điểm ra đời của bài thơ, từ đó chia nguồn tư liệu trên thành hai nhóm gắn với hai giả thiết: một là bài thơ ra đời gắn với công cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất năm 981 của Lê Đại Hành và hai là gắn với cuộc kháng chiến chống Tống năm 1076 của Lý Thường Kiệt trên sông Như Nguyệt. Đại diện cho nhóm thứ nhất là sách Lĩnh Nam chích quái (LNCQ), ký hiệu A.2914 , hiện lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm; và đại diện cho nhóm thứ hai là sách Việt điện u linh (VĐUL), ký hiệu A.751 của thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sau khi so sánh LNCQ với VĐUL chúng tôi đã thấy bên cạnh cái chung, sự khác nhau trong các tình tiết cụ thể cũng là điều dễ nhận thấy. Nếu truyền thuyết trong LNCQ gắn với nhân vật lịch sử Lê Đại Hành và công cuộc chống ngoại xâm thì truyền thuyết trong VĐUL gắn với nhân vật lịch sử Ngô Nam Tấn và công cuộc dẹp nội loạn ở trong nước. Nếu bài thơ Nam quốc sơn hà trong LNCQ là thành phần hữu cơ gắn bó với truyền thuyết thì bài thơ trong VĐUL là sự chép nối sau khi truyền thuyết Ngô Nam Tấn kết thúc. Bài thơ Nam quốc sơn hà ở LNCQ ra đời gắn với chiến trận cụ thể, với đối tượng cụ thể là giặc Tống (Bắc lỗ), còn bài thơ ở VĐUL đã mang tính khái quát, chỉ chung cho mọi nơi, mọi lúc, với mọi đối tượng là giặc ngoại xâm (nghịch lỗ). Ngoài ra, việc phong thưởng của nhà nước phong kiến không có trong sự kiện hai thần phù giúp Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt.
Lý giải về sự khác nhau giữa LNCQ và các sách chính thống của nhà nước phong kiến như VĐUL và Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), chúng tôi cho rằng có thể truyền thuyết đã được các nhà Nho sau này tái tạo lại cho phù hợp với thời đại và nhãn quan Nho giáo. Đánh giá về Lê Hoàn (Lê Đại Hành), trong khi nhà viết sử Lê Văn Hưu đã hết lời ca ngợi ông là người có công lớn trong việc tổ chức và lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ nhất, thì dưới ngòi bút của Ngô Sĩ Liên, Lê Hoàn lại bị phê phán gay gắt về tội không hết lòng phò tá con vua Đinh, lập Dương thị làm hoàng hậu. Dưới con mắt của Ngô Sĩ Liên, hành động của ông là việc làm "đáng hổ thẹn" (ĐVSKTT, T.I, tr.221). Với cách nhìn nhận và đánh giá của sử gia phong kiến đối với nhân vật Lê Đại Hành như vậy thì việc ghi chép nội dung truyền thuyết và bài thơ Nam quốc sơn hà vốn gắn với thời đại của Lê Đại Hành sang nhân vật lịch sử Lý Thường Kiệt là việc dễ có thể xảy ra. Cũng có thể trong chiến trận với giặc Tống Trên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt đã được hai thần phù hộ, hiển linh đọc bài thơ Nam quốc sơn hà khiến cho giặc Tống bị thua, song việc hai thần không được triều đình nhà Lý bấy giờ khen thưởng là việc không thể xảy ra ở thời đại mà cõi u linh vẫn chiếm một phần trong cuộc sống con người và thần quyền là một thực thể tồn tại như một tín ngưỡng.
Sở dĩ dân tộc ta làm nên những chiến công lừng lẫy trước các cuộc xâm lăng của đế chế phương Bắc, là do đã hội tụ đầy đủ cả ba điều kiện "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Người xưa đặt chữ "thiên" lên đầu cũng là để nhấn mạnh sự trợ giúp của thần linh trong việc "điều phối biến hóa việc thế gian, quyết định số phận cho muôn loài". Con người thời cổ đại, đứng trước bí ẩn của thế giới tự nhiên, thường đặt niềm tin vào những giá trị mà họ cho là thiêng liêng. Chẳng thế, hầu hết các thiên truyện trong sách VĐUL về các thần "khí thể rừng rực lúc đương thời, anh linh tỏa rộng đến đời sau" đều ghi lại việc thần linh hiển ứng trợ giúp vua đi đánh giặc hay trừ tai họa cho dân. "Niềm tin có được là do sự nhận thức của ý thức", nhưng một khi niềm tin đi vào thế giới tâm linh thì nó có sức lan tỏa, có sức truyền cảm và tập trung sức mạnh ghê gớm. Câu thơ "Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư" (Sông núi nước Nam vua Nam ở, Trời xanh đã định tại sách trời) là nói đến quyền độc lập tự chủ của nước ta được quyết định trước hết từ trong "thiên thư" do trời và thần công nhận. Một khi nền độc lập và chủ quyền đó đã mang sức mạnh của tự nhiên thì nó sẽ tồn tại một cách vững chắc, bất khả xâm phạm. Bất cứ kẻ thù nào làm phương hại đến nền độc lập, tự chủ ấy sẽ bị trời và thần trừng trị. Chưa cần nhờ đến sức của con người, chỉ với sức mạnh của thần linh, của "hồn thiêng sông núi" thì bọn ngoại xâm đã phải thảm bại.
"Địa lợi" là nguyên nhân thứ hai và cũng là nguyên nhân quan trọng để dân tộc ta làm nên những chiến công chống ngoại xâm trong lịch sử. Địa lợi là lợi thế về sự hiểm yếu của núi sông, là các điều kiện tự nhiên nóng lắm mưa nhiều, rừng thiêng nước độc... Trần Lôi trong bài "Quá Phong Khê" đã nhắc đến chuyện Mã Viện khi ở Đông Quan nhìn ra Lãng Bạc thấy diều bay rơi xuống nước đã than thở "Ngưỡng thị phi diên, điệp điệp trụy thủy trung" (Ngước trong thấy diều bay, Lớp lớp rơi xuống nước) (Hậu Hán thư, Mã Viện truyện), ý nói đất Nam Việt nhiều lam chướng, đến con diều cũng không bay qua được phải rơi thẳng xuống nước. Thứ sử Doanh Châu là Lư Thượng Tổ bị tội chết khi đưa ra lý do: "Đất Lĩnh Nam lam chướng, dịch lệ, đó là cái lẽ đã ra đi thì không trở về" để từ chối việc vua Đường sai sang làm Đô đốc Giao Châu (ĐVSKTT,TI, tr.189).
Không chỉ lam chướng, núi sông hiểm trở cũng là cạm bẫy chôn vùi kẻ thù xâm lược. "Nguyễn Sưởng (?-?) khi đứng trước dòng sông Bạch Đằng lịch sử cũng đã ca ngợi dòng sông - nơi đánh dấu hai lần chiến thắng giặc xâm lược Nguyên Mông: "Thùy tri vạn cổ trùng hưng nghiệp, Bán tại quan hà bán tại nhân" (Mấy ai biết được sự nghiệp trùng hưng muôn thuở, một nửa nhờ địa thế núi sông, một nửa do con người)(Trùng Hưng là niên hiệu của vua Trần Nhân Tông). Khi sang sứ phương Bắc, Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) đứng trước ngôi đền thờ Mã Viện, kẻ đã mang quân tới phá tan khát vọng muốn được độc lập, muốn được làm chủ trên vùng đất của mình của hai nữ anh hùng người Việt: bà Trưng, bà Trắc, cũng đã phải thốt lên: "Thanh giang tằng tẩy tê xa báng, Chướng lĩnh nan mai mã cách hồn (Dòng sông trong đã từng nhấn chìm lời báng bổ về sự kiên cố của những cỗ xe, nhưng lam chướng của vùng núi non hiểm trở lại không thể chôn vùi hồn của những kẻ ngồi trên yên ngựa) . Hai chữ "tê xa" trong câu thơ đầu "Thanh giang tằng tẩy tê xa báng" được ông lấy từ điển tích trong sách của Hàn Phi Tử. Sách đó có câu: "Thác ư tê xa lương mã chi thượng, tắc khả dĩ lục phạn phản trở chi hoạn; thừa chu chi an, trì tiếp chi lợi tắc khả dĩ thủy tuyệt giang hà chi nạn (Tạm dịch: Nếu cậy cưỡi trên xe tuấn mã, thì có thể gặp nỗi lo bị bắt ở nơi hiểm trở trên đường; nếu cậy đi thuyền an toàn với mái chèo tốt thì có thể gặp nạn chết trên sông nước). Ý của điển này là sự cảnh báo trong chiến đấu, đối với những ai chủ quan, cậy vào sức mạnh của vũ khí,vật dụng mà quên đi các điều kiện tự nhiên khác cũng sẽ bị thất bại. Nguyễn Trung Ngạn nhắc tới hình ảnh "Dòng sông trong" là nói tới những chiến công vang dội của quân và dân ta trên sông Bạch Đằng, Như Nguyệt ...từ thời Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, đến chiến công chống quân nhà Tống lần thứ nhất thời Lê Đại Hành, lần thứ hai thời nhà Lý, chống quân Nguyên thời nhà Trần... trong lịch sử, nó đã chứng minh lời cảnh báo của Hàn Phi Tử cho những kẻ hiếu chiến cậy có các vũ khí và các vật dụng tốt, nhưng rút cục vẫn phải chịu thất bại. Nhưng lùi lại thời gian với sự kiện khởi nghĩa của Hai Bà, dường như 'lam chướng" phương Nam không đủ vùi dập kẻ thù. Mã Viện khi mang quân sang dẹp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà, chắc hẳn cũng được trang bị đầy đủ với những vũ khí và vật dụng tốt nhất, nhưng quân của Mã Viện lại không bị chôn vùi bởi lam chướng của vùng núi non hiểm trở ở vùng Lĩnh Nam. Câu thơ " Thanh giang tằng tẩy tê xa báng, Chướng Lĩnh nan mai mã cách hồn" là sự tự hào về tài lợi dụng "địa lợi" của những người cầm quân phương Nam trong chiến tranh giữ nước từ thời Ngô Quyền cho đến thời nhà Trần và là sự nuối tiếc của nhà thơ khi Hai Bà Trưng đã không tận dụng được điều kiện đó để làm nên chiến thắng trước kẻ thù xâm lược.
Sở dĩ chúng tôi dẫn một số sách vở và một vài câu thơ của các tác giả thời Lý-Trần là nhằm khẳng định "địa lợi" là điều kiện thứ hai không thể thiếu trong lịch sử chiến tranh chống ngoại xâm ở nước ta. Truyền thuyết bài thơ Nam quốc sơn hà trong LNCQ gắn với Lê Đại Hành trong cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 sở dĩ đáng tin cậy vì nó cho thấy rõ chiến trận do Lê Đại Hành chỉ huy đã tận dụng điều kiện thiên nhiên bất lợi với kẻ thù để đánh một trận quyết định. Bài thơ Nam quốc sơn hà được thần ngân vang lên trong một đêm mưa to gió lớn "Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư, Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm, Hội kiến thịnh trần tận tảo trừ" (Sông núi nước Nam vua Nam ở, Trời xanh đã định tại sách trời, Cớ sao giặc Bắc sang xâm phạm, Sẽ gặp cuồng phong đánh tả tơi", càng khiến quân thù khiếp sợ, không đánh mà tự thất bại, cho thấy "địa lợi" mà người chỉ huy quân đội đã khôn khéo lợi dụng để chống lại kẻ thù hung hãn phương Bắc. Trong khi đó trong sách VĐUL và ĐVSKTT chỉ ghi vắn tắt "Thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127) quân Tống sang xâm lấn. Vua sai Lý Thường Kiệt lập trại ở ven sông để chống giữ. Một đêm, quân sĩ trong nghe trong đền có tiếng Thần ngâm thơ: Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư, Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư ("Sông núi nước Nam đã có vua Nam ở, Tại sổ trời đã ghi địa phận rõ ràng. Sao bọn giặc kia dám lại xâm phạm, Chúng bay sẽ thấy bị thua to"). Rồi quả nhiên quân Tống bị thua, phải rút về nước". Cách ghi chép có phần sơ lược đó đã không cho chúng ta biết chi tiết về khung cảnh của một trận chiến quyết định, trong đó có ta và địch, cũng không cho thấy rõ "địa lợi" mà Lý Thường Kiệt đã tận dụng.
Nhân hòa là điều kiện quan trọng thứ ba để làm nên chiến thắng trước kẻ thù xâm lược. Khi tổ quốc bị xâm lăng, non sông bị dày xéo, đất nước ở thế ngàn cân treo sợ tóc thì tất cả mọi người đều sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, vua còn ấu thơ, thế giặc lại lớn, lòng người đều hướng về Lê Hoàn, mong ông lên ngôi để dẹp giặc ngoại xâm, lúc đó Dương thị đã không ngần ngại sai người khoác áo long bào lên người Lê Hoàn và mời ông lên ngôi Hoàng đế. Hành động của bà đã thống nhất tinh thần toàn quân, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để đánh tan kẻ thù xâm lược. Nếu bà giữ đạo trung quân, thử hỏi lòng quân và dân có "hòa" được không, khi đề nghị của tướng Cự Lạng đưa Lê Hoàn lên ngôi đã được toàn quân tung hô "vạn tuế". Tác giả Trọng Miễn cho rằng cuộc đánh Tống năm 981 của Lê Đại Hành "đã gian khổ, ác liệt, nhưng không ác liệt và gian khổ bằng Lý Thường Kiệt đánh Tống trên sông Như Nguyệt 1076". Có lẽ không nên so sánh thế, bởi dưới thời vua Lý Nhân Tông, thế nước mạnh tới mức "nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo", ở thời Lê Đại Hành, vua còn nhỏ, thế giặc mạnh, thì nguy cơ mất nước vào tay giặc ngoại xâm chỉ trong gang tấc. Vì thế hành động "khoác áo bào, mời Đại Hành lên ngôi Hoàng đế" thể hiện tinh thần "tổ quốc trên hết" của bà Dương thị. ĐVSKTT có ghi việc "về sau, tục dân lập đền thờ, tô tượng hai vua Tiên Hoàng và Đại Hành và tượng Dương hậu cùng ngồi, hồi quốc sơ [đầu thời Lê] vẫn còn như thế", chứng tỏ thái độ của nhân dân ta thật rõ ràng, công minh, tôn kính những người có công với nước với dân, cho dù các sử gia phong kiến có lên án, buộc tội oan uổng.
Một điểm nữa chúng tôi muốn nói đến đó là chữ "đế" trong câu thơ Nam quốc sơn hà Nam đế cư", có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong buổi đầu của ông cuộc giữ vững nền độc lập và phục hưng đất nước của dân tộc ta. Ở thời bấy giờ, người ta thường quan niệm một nước độc lập và có chủ quyền phải là nước có vua. Lê Đại Hành lên ngôi Hoàng đế là để khẳng định nước Việt "có chủ và tương lai trường tồn", là để khẳng định "Nam đế" cũng ngang hàng với hoàng đế của các quốc gia phong kiến láng giềng khác như Liêu, Hạ . Điều đó đã được ngay chính sứ giả nhà Tống là Lý Giác công nhận "Ngoài trời lại có trời soi nữa". Chữ "đế "ở đây không phải chỉ vua Trần Nhân Tông, vì Trần Nhân Tông chỉ xưng vương. Vì vậy , truyền thuyết về bài thơ Nam quốc sơn hà gắn với Lê Đại Hành (Lê Hoàn) và công cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 của dân tộc ta là điều không thể phủ nhận.
Tác giả Trần Miễn cho rằng "bài thơ trong LNCQ vẫn thuộc dòng thơ thiền, pha màu đạo giáo, nặng tư tưởng thiên mệnh lại cố gắn với Lê Hoàn, gắn với cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 ", theo chúng tôi, ông chưa thực sự khách quan và công bằng trong việc đánh giá nhân vật và sự kiện lịch sử. GS. Đặng Thái Mai đã lưu ý : " Nên chú ý đến tâm lý thời đại". Ông còn dẫn lời nhà nghiên cứu văn hóa Trung đại A.Fu-re-vích cũng cho rằng: "Điều mà người hiện đại coi là giá trị cơ bản của cuộc sống, vị tất người của những thời đại khác... đã xem là như vậy; và trái lại cái mà ta xem là tầm thường, hư trá, thì đối với những con người của xã hội khác, họ lại cho là chân lí và vô cùng hệ trọng".
Về tác giả của bài thơ Nam quốc sơn hà, tác giả Trọng Miễn đã lấy dẫn chứng vua Lê Đại Hành sai Khuông Việt đọc thơ của Lý Giác và sai ông làm thơ để tiễn sứ giả Trung Quốc để khẳng định "Điều này càng chứng tỏ bài thơ Nam quốc sơn hà không thể gắn với Lê Đại Hành trong cuộc chống Tống năm 981. Vì Lê Đại Hành không những không biết sáng tác thơ văn mà cũng không hiểu biết nhiều về thơ văn", theo chúng tôi cho dù không biết sáng tác thơ văn, nhưng cũng không vì thế mà phủ định bài thơ ra đời vào thời Lê Đại Hành, vì dưới ông còn nhiều người giỏi thơ văn phụ giúp.
Nói về tác giả của bài thơ, trước hết chúng tôi muốn nhắc lại quan điểm của PGS. Bùi Duy Tân, Nam quốc sơn hà là bài thơ có tính chất dân gian, do người mượn uy thần làm ra, nên không thể nói chắc chắn tác giả bài thơ là vị nào Lê Đại Hành, hay Lý Thường Kiệt. Trong khi chưa tìm ra được tư liệu đáng tin cậy ghi chép chính xác về tác giả bài thơ, thì mọi ý kiến của chúng ta về tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà chỉ là giả thiết mà thôi.
Trong bài viết năm 2002, sau khi phân tích để đi đến kết luận, bài thơ Nam quốc sơn hà ra đời gắn với Lê Đại Hành và công cuộc kháng chiến vĩ đại lần thứ nhất của dân tộc ta sau khi giành được độc lập tự chủ từ tay đế chế phương Bắc, chúng tôi cũng đã đưa ra suy đoán tác giả của bài thơ trước hết thuộc người trong hàng ngũ trí thức biết chữ Hán, giỏi thơ văn, đồng thời cũng phải là những người đã tận mắt chứng kiến, hoặc cùng tham gia chiến đấu trong chiến trận với kẻ thù xâm lược. Vậy người nào đã tham gia chiến trận năm 981 chống quân nhà Tống với vua Lê Đại Hành ? Ngoài số tướng lĩnh như tướng quân Phạm Cự Lạng sách LNCQ và ĐVSKTT đã ghi, dưới trướng của ông còn một số thiền sư trợ giúp như Đại sư Khuông Việt (933-1011). Sách Thiền uyển tập anh mục Đại sư Khuông Việt cho biết: "dưới triều Lê Đại Hành, sư đặc biệt được vua kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự... Năm Thiên Phúc thứ nhất (981), quân Tống sang xâm lược nước ta. Trước đó vua đã biết chuyện này, bèn sai sư đến đền cầu đảo xin thần phù hộ (chúng tôi nhấn mạnh), quân giặc kinh sợ lui về giữ sông Hữu Ninh. Đến đây, bọn chúng lại thấy sóng gió nổi lên ùn ùn, giao long nhảy tung trên mặt nước, quân giặc sợ hãi tan chạy".
Đoạn ghi chép trên trong sách Thiền uyển tập anh (TUTA) đã cho chúng ta biết thông tin quan trọng, đó là đại sư Khuông Việt đã tham gia chiến trận chống Tống năm 981 với vua Lê Đại Hành. Ông còn được vua sai đến đền để cầu đảo xin thần phù hộ. TUTA không cho biết cụ thể về ngôi đền nào, nhưng có thể là một trong ngôi đền thờ Trương Hống, Trương Hát (vốn được thờ như thủy thần khắp các làng xã ven sông Cầu, sông Đuống, sông Lục Đầu), vì sách TUTA cũng cho biết đương thời, ông thường đến chơi ở quận Bình Lỗ, một địa danh gần với sông Đồ Lỗ nơi Lê Đại Hành đóng quân cầm cự với giặc Tống theo truyền thuyết trong LNCQ. Các nhà sử học Việt Nam đã xác định Đồ Lỗ "là nơi gần gũi với sông Cầu và sông Cà Lồ, vì Bình Giang chính là sông Cầu, còn Như Nguyệt là chỗ sông Cà Lồ đổ vào sông Cầu", là phòng tuyến chống giặc Tống của quân ta thời đó. Theo sách TUTA thì địa điểm giặc Tống thua là trên sông Hữu Ninh. Theo một số nhà nghiên cứu, sông Hữu Ninh cũng là sông Chi Ninh, vốn là sông Chi Lăng, đến đời Lê Trang Tông (1533-1548) kiêng húy chữ Ninh nên đã sửa lại là Chi Lăng, tức là con sông Thương chảy qua ải Chi Lăng ( tỉnh Lạng Sơn), đổ xuống sông Lục Đầu. Đối chiếu với truyền thuyết về hai thần Trương Hống Trương Hát phù giúp vua Lê Đại Hành trong LNCQ thì có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là trận đánh cuối cùng xẩy ra trong đêm mưa to gió lớn khiến giặc Tống đại bại. Chi tiết "ông [Khuông Việt] được vua sai đến đền cầu đảo" cũng dẫn đến gợi ý, có thể khi làm lễ xin thần phù hộ, ý tưởng mượn uy thần làm bài thơ Nam quốc sơn hà để cổ vũ động viên binh sĩ đã hình thành trong ông. Vua sai ông đi cầu đảo, cũng có nghĩa vua và toàn dân đã đặt niềm tin tưởng vào sự trợ giúp của thần. Trong văn hóa tâm linh thời đại, thần có tác dụng với người hơn là người với người, vì thế ông đã mượn uy thần để làm bài thơ Nam quốc sơn hà. Đại sư Khuông Việt là người giỏi thơ văn, ông còn được biết đến với bài từ nổi tiếng Ngọc lang quy đưa tiễn sứ giả Trung Quốc Lý Giác về nước, bởi vậy giả thiết tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà là đại sư Khuông Việt, theo chúng tôi là đáng tin cậy và có sức thuyết phục cao.
Cũng cần nói thêm rằng, bài thơ Nam quốc sơn hà trong LNCQ do người mượn uy thần để làm ra (có thể là đại sư Khuông Việt), mục đích ban đầu chỉ nhằm động viên binh sĩ và làm cho kẻ thù khiếp sợ mà chịu thất bại, nhưng nội dung của bài thơ lại có tính chất như "quốc thi, quốc thiều", có giá trị như bản Tuyên ngôn độc lập, vì thế từ chỗ gắn liền với một thời đại, một nhân vật lịch sử, nó đã được các nhà Nho sau này thay đổi để trở thành bài thơ cho mọi thời đại. Bài thơ Nam quốc sơn hà trong sách VĐUL và ĐVSKTT sở dĩ có sức phổ cập và lưu truyền rộng rãi trong xã hội là bởi nó đã được các sách chính thống của nhà nước phong kiến ghi chép. Tuy nhiên, lịch sử cũng thật công bằng, truyền thuyết dân gian về hai thần phù hộ Lê Đại Hành chống giặc Tống xâm lược năm 981 được sách LNCQ và một số lượng áp đảo các dị bản sách và thần tích viết bằng chữ Hán, chữ Nôm ghi lại hiện lưu giữ tại các thư viện và các ngôi đền thờ hai thần dọc các dòng sông, nơi chứng kiến những chiến công lẫy lừng của dân tộc ta trước quân xâm lược phương Bắc, đã cho thấy sự bền bỉ chảy suốt cả ngàn năm chưa bao giờ đứt đoạn của dòng mạch ngầm văn hóa dân gian, cho dù nó có được dòng tư tưởng xã hội chính thống coi trọng hay không. Cũng nhờ có những văn bản đáng tin cậy được lưu giữ cho đến nay mà chúng ta đã tìm trở về thời điểm xuất hiện đầu tiên của bài thơ, qua đó có thể hiểu sâu hơn những giá trị văn hóa lớn lao mà cha ông chúng ta đã để lại.
Tóm lại, bài thơ Nam quốc sơn hà ra đời gắn với truyền thuyết hai thần Trương Hống Trương Hát phù giúp Lê Đại Hành trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất (981). Bài thơ ra đời vào thời Lê Đại Hành đã hội tụ được cả ba điều kiện "Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa" để làm nên chiến thắng trước kẻ thù xâm lược, trong tình thế đất nước "ngàn cân treo sợi tóc". Nam quốc sơn hà là bài thơ do người mượn uy thần làm ra để cổ vũ tinh thần binh sĩ và làm cho quân Tống phải khiếp sợ mà thua chạy. Tác giả bài thơ được suy đoán là Đại sư Khuông Việt. Đại sư không chỉ là người giỏi thơ văn, còn là người trực tiếp tham gia chiến trận năm 981 chống quân Tống xâm lược. Trong tình hình tư liệu còn hạn hẹp, những phân tích và suy luận trên đây của chúng tôi cũng không tránh khỏi hạn chế, rất mong được sự chỉ giáo của bạn đọc./.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528645
Hôm nay
226
Hôm qua
2275
Tuần này
2918
Tháng này
215341
Tháng qua
0
Tất cả
114528645