Đất Nghệ

Về nơi đầu tiên giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám

Ông Bùi Danh Châu, 88 tuổi, cán bộ lão  thành cách mạng, đầy tự hào khi nói  về mảnh đất quê nhà Thanh Thủy (nay là xã Nam Thanh), huyện Nam Đàn: “Thanh Thủy chúng tôi chính là nơi đầu tiên của tỉnh nhà nổi dậy giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám”.

Ngày 14/8/1945, Mặt trận Việt minh xã Thanh Thủy nhận được lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa liên tỉnh Nghệ Tĩnh: “Bố trí ngay việc cướp chính quyền, lập UBND cách mạng ở làng… không câu nệ làng trước hay huyện trước”. Một cuộc họp bí mật do tổ chức Việt minh xã triệu tập, nhận định: hệ thống bang tá, hương lý, cường hào ở Thanh Thủy đang rất hoang mang, dao động, lính khố đỏ khố xanh của Pháp bỏ ngũ về địa phương sẵn sàng tham gia các lực lượng vũ trang của cách mạng, lòng căm thù của nhân dân cũng đã dâng lên đến tột độ, đây là thời cơ tốt nhất để giành chính quyền. Ngay hôm sau, ngày 16/8/1945, nhân dân Thanh Thuỷ dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh đã nổi dậy cướp chính quyền thành công. Tiếp sau ngày 16/8, các địa phương khác trong tỉnh lần lượt nổi lên đấu tranh giành chính quyền: ngày 17/8, các làng Yên Dũng, Lộc Đa ở ngoại thành Vinh, ngày 18/8 huyện Quỳnh Lưu, ngày 21/8 là thành phố Vinh và huyện Diễn Châu... Toàn huyện Nam Đàn đến ngày 23/8 mới nhất tề đứng dậy gương cao cờ đỏ sao vàng kéo đến thị trấn Sa Nam giành chính quyền ở huyện. Ngày đó, ông Châu mới 21,22 tuổi tham gia trong đội tuyên truyền tự vệ. Khi Thanh Thủy giành được chính quyền và thành lập Ủy ban Khởi nghĩa thì ông là Ủy viên quân sự. Ông bảo những ngày này, Thanh Thuỷ cũng như mọi miền quê Nghệ An đều ngùn ngụt lửa căm thù và sục sôi khí thế cách mạng. Tiếng cốc, tiếng mõ nổi lên là dân có mặt ngay, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ trên giao quyết sao giành và giữ được chính quyền cách mạng.

Thanh Thủy là vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Ngay từ những ngày đầu Đảng ra đời, Thanh Thủy cũng là nơi sớm thành lập được chi bộ Đảng và có tới 43 người bị tù đày trong cao trào 1930-1931. Hôm chúng tôi về xã tìm hiểu, ông Nguyễn Minh Quý, Phó Bí thư trực Đảng xã cho biết, xã đang làm hồ sơ chế độ 30-31 cho 32 liệt sĩ hy sinh trước ngày 1/1/1945.
Trong đấu tranh giành chính quyền, Nam Thanh là nơi “Đứng đầu dậy trước”, hòa bình lập lại, Nam Thanh cũng là xã tiên phong trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi: nguồn đất rộng, phong phú về chủng loại (đất lúa, màu, đồi); có tới 3 đập nước lớn: Rào Băng, Hủng Cốc, Đá Hàn tưới tiêu cho đồng ruộng, người dân Nam Thanh chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi; táo bạo di dời toàn bộ mồ mả để tạo nên những cánh đồng rộng cánh cò bay; mạnh dạn vào chân núi Đại Huệ khai khẩn tạo nên những vùng chè rộng lớn và quyết liệt di dân lập nên nửa xã Nam Thanh trù phú dưới chân Đại Huệ (gọi là Hợp 2 với 10 xóm mới/tổng số 17 xóm toàn xã). Những con đường lớn liên thôn, liên xã cũng được mở tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông nông sản.
Tiếp nối truyền thống của cha ông, các thế hệ Nam Thanh hôm nay đang cố gắng xây dựng xã nhà có cuộc sống ấm no, đàng hoàng hơn. Đất thuần nông, nên Nam Thanh chọn hướng tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật làm khâu đột phá: áp dụng giống mới và khoa học kĩ thuật, đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính, phát triển lợi thế đồi để làm kinh tế rừng, đồi, kinh tế trang trại… từng bước tăng năng suất trên diện tích nuôi, trồng. Toàn xã hiện có 60 trang trại làm ăn khá hiệu quả. Đời sống vật chất tinh thần được đổi thay rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người nay đã đạt 17 triệu đồng/năm, vào loại khá trong huyện. Đường nhựa, đường bê tông rộng thênh thang. Hệ thống kênh mương nối liền đồng ruộng. 17/17 xóm đều có đủ nhà văn hoá, sân thể thao, xã cũng vừa xây nhà văn hoá lớn, sân vận động cũng được quy hoạch để dân có nơi sinh hoạt văn hóa. Sự học của con em được quan tâm cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng dạy - học. Mỗi năm, xã có từ 30-40 đậu đại học, cao đẳng. Nhiều gia đình chính sách hiếu học tiêu biểu, như: gia đình chị Bùi Thị Châu - một thân nuôi bố mẹ chồng và 4 người con đều vào đại học, gia đình ông bà Bùi Danh Sơn, đều là thương binh nhưng chăn nuôi, trồng trọt giỏi, 3 con vào đại học, 1 người học cao đẳng…
Nam Thanh đang cố gắng xây dựng để tiến tới đạt các tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521291

Hôm nay

265

Hôm qua

2303

Tuần này

265

Tháng này

219230

Tháng qua

121009

Tất cả

114521291